trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Nghệ thuật
Âm nhạc
  1 - 20 / 123 bài
  1 - 20 / 123 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtÂm nhạc
23.6.2007
Jason Gibbs
Hà Nội “rock” như thế nào? Lối vào Rock’n’Roll ở Việt Nam
Nguyễn Trương Quý dịch
 1   2 
 
Rock hành quân lên xứ Bắc


Ví dụ 11 - Những nhóm Ca khúc chính trị cuối những năm 1980 – Nhóm Tuổi Hoa (ảnh trên); Nhóm Mây Trắng (ảnh dưới) [5]
Ví dụ 13 – Ca sĩ Y Moan ở Đắc Lắc [7]
Ví dụ 15 - Bức Tường (The Wall), 2001
Ví dụ 17 - “Sáng và tối” của Small Fire
Ví dụ 18 - “Phở” của Bùi Quang Huy - ban Gạt Tàn Đầy
Ví dụ 19 – “Đám cưới chuột” (tranh dân gian)
Ví dụ 20 - Gạt Tàn Đầy trong chương trình Bài hát Việt trên Đài Truyền hình Việt Nam [17]
Ví dụ 21 – Khán giả trong Đêm nhạc Rock ngày 11.3.2006 tại thành phố Hồ Chí Minh (Nguyên Văn 2006)
Sự thất bại của VNCH vào ngày 30.4.1975 đưa đến kết thúc bối cảnh âm nhạc sôi nổi này. Những nhà cộng sản chiến thắng đặt ra ngoài vòng pháp luật gần như mọi loại hình âm nhạc được tạo ra ở miền Nam; họ tịch thu và tiêu huỷ sách báo, các tờ nhạc và băng âm thanh của những gì họ cho là thuốc độc tàn dư của Mĩ. Báo chí kêu gọi các nhà chiến thắng hãy “đưa những tay hippy này đi… để tập thể giáo dục trở thành người tốt” (Tran Quang Th 1975). Họ kết tội “…những loại nhạc nhảy, nhạc giật gân, nhạc kích động xâm nhập vào miền Nam cùng với lính Mĩ và các kiểu ăn chơi, làm tình kiểu Mĩ” (Văn Chung 1976). [1] Tiết tấu nhanh của loại nhạc này nhằm dẫn tìm một sự phấn khích quá mức được xem như một thứ thuốc độc “chủ nghĩa thực dân mới” nguy hại (Taylor 2001, 49).

Văn hoá rock của miền Nam tuy vậy vẫn thấm qua văn hoá của Việt Nam thống nhất (xem bảng 2).

Bảng 2 – Các giai đoạn của nhạc Rock ở CHXHCN Việt Nam (1976-nay)

  1. Ảnh hưởng dư âm của nhạc trước 1975 bị cấm.
  2. Nhạc rock của phong trào “Thanh niên xung phong”.
  3. Nhạc rock Việt hoá với một “đặc trưng dân tộc”: “rốc rừng”.
  4. Nhạc Heavy metal thể hiện một sự quan tâm đến các khuynh hướng quốc tế.
  5. Sự tích hợp vào bối cảnh “V-Pop” rộng hơn.

Thăm thành phố Hồ Chí Minh (tên mới của Sài Gòn) vào năm 1979, nhà văn Gabriel García Márquez đã viết: “Trong bóng tối chạng vạng, thanh niên Sài Gòn tụ tập ở các quảng trường – ăn mặc kiểu Mĩ, lắc lư theo nhịp nhạc rock, mơ về thời quá khứ đã ra đi mãi mãi” (1980, 45). Trở thành nỗi kinh hoàng cho chính quyền, văn hoá rock đổ bộ ra Bắc tới Hà Nội nơi băng nhạc rock và pop phương Tây được bán ở chợ trời (Southerland 1976).

Thanh niên Việt Nam gồm cả nhiều người đã từng chơi nhạc trong các hộp đêm Sài Gòn, cầm lấy guitar của mình gia nhập thanh niên xung phong lên đường đi tới những vùng kinh tế mới để cổ vũ đồng bào của mình, những người phải rời bỏ thành phố để phục vụ cho chính sách phát triển nông thôn của nhà nước. [2] Rock cũng đã được phục hồi thông qua phong trào âm nhạc có tên ca khúc chính trị. Lấy hình mẫu từ ca khúc khối cộng sản, các ca khúc chính trị được dùng để “diễn đạt nguyện vọng, yêu cầu và kiến nghị của quần chúng, nói lên những điều cần phải nói” [3] Sự tái chấp nhận hình thức rock và ca khúc phổ thông khác là kết quả của sự cộng hưởng với âm nhạc của Liên Xô và các nước Đông Âu. Người Việt đặc biệt bị lôi cuốn trước màn trình diễn gây ấn tượng vào năm 1977 của một nhóm ca khúc chính trị từ Đông Đức sang. Buổi diễn này dùng nhạc cụ của một ban nhạc rock, đã có được sự đón nhận nhiệt liệt của khán giả và lãnh đạo văn hoá Việt Nam (Hữu Trịnh 2005). [4] Ví dụ 9 là minh hoạ hình ảnh của những nhóm ca khúc chính trị Việt Nam từ cuối những năm 1980, trình diễn với guitar điện.

Thời gian này, ca khúc chính trị đã trở nên gắn kết với nhạc nhẹ (với một số cây bút nghiên cứu, nó tương tự như loại nhạc diễn đàn Xôviết, estrada). Một bài hát điển hình cho vai trò mới này của rock là “Hãy đàn lên” từng được xếp vào một trong 10 ca khúc mới được yêu thích đầu năm 1984. [6]

Ví dụ 12 - “Hãy đàn lên” – của Từ Huy (1982)

Hãy đàn lên cho sức sống vang lên lời ca
Cho tuổi trẻ không bao giờ xa nhiệt tình
Đàn hãy lắng nghe tiếng nói sống phải yêu đời

Đàn hãy rung sôi lên bao bầu máu nóng
Đàn hãy sát cánh với bao người đi xây những công trinh tương lai để quê hương đẹp giàu.
Đàn hãy góp hết những giai điệu yêu thương gửi cho người biên cương giữ quê hương hòa bình.

Rock ở đây thể hiện một năng lượng cần cho đời sống của tuổi trẻ và cổ vũ thanh niên đi xây dựng và bảo vệ quê hương.

Một yêu cầu cấp bách của chính quyền là việc xây dựng âm nhạc mang tính dân tộc. Nguyễn Cường là một trong những tác giả viết nhạc rock “Việt hoá” thành công bằng cách sử dụng thang âm và giai điệu của dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Nhạc sĩ từng nói rằng chất liệu thang âm của “dân ca Tây Nguyên… là một thứ cầu nối giữa âm nhạc phương Đông và phương Tây” (Tú Ngọc và những người khác 2001, 725). “H’zen lên rẫy” viết vào năm 1981 dựa trên dân ca Êđê, dùng thang âm sáu nốt (Si-Đô thăng-Mi-Fa thăng-Son thăng-La). Bài hát thường được Y Moan, một ca sĩ nổi tiếng người Êđê hát. Y Moan cũng là người đã được nhạc sĩ chỉ bảo và chuẩn bị để bước vào thị trường âm nhạc (Ví dụ 10).

Ví dụ 14 – “H'zen lên rẫy” - của Nguyễn Cường (1981):

Đung đưa, đung đưa.
Chiếc gùi đung đưa, H'Zen lên rẫy, dung dăng, dung dăng.
Chiếc còng đung đưa, H'Zen lên rẫy.

Ô, con đường đất đỏ.
Ô, mặt trời nắng đỏ.
Bạt ngàn cao su, bạt ngàn cà phê.
Một rừng âm thanh, môt trời hương say,
Ban Mê lộng gió.
Em đi tỉa bắp, hay hái rau rừng.
Đôi khi em hát.

Nhạc sĩ viết về cảm giác say mê với H’zen, một phụ nữ người dân tộc thiểu số, nguồn cảm hứng cho một khúc ca mơ màng về cao nguyên - cảnh sắc, cuộc sống tự do và đẹp kì lạ (Thu Trang 2004). Một nhà phê bình âm nhạc Việt Nam đã nhấn mạnh yếu tố hương xa chủ nghĩa trong những ca khúc Tây Nguyên của Nguyễn Cường mà ông mô tả như “bữa tiệc thịnh soạn đầy hương vị hoang dã của rừng, của suối, của rượu cần, của săn bắn và hái lượm” (Nguyễn Thuỵ Kha 2006). Trong khi nương rẫy thể hiện cho truyền thống nông nghiệp chặt và đốt của vùng này, hình ảnh của những vụ thu hoạch không còn là tự túc như cao su và cà phê còn có hàm ý khuyến khích kinh tế địa phương nữa.

Một cuộc ra mắt đầy sức mạnh nhưng ngắn ngủi của nhạc rock vào năm 1986 đi cùng sự ra đời của Đổi mới. Đây là lúc cơ quan giám sát và kiểm tra nghệ sĩ bắt đầu giãn ra. Nhà báo và nghệ sĩ sáng tạo được khuyến khích chỉ ra nơi có tham nhũng và quan liêu gây hại cho phát triển kinh tế và toàn dân. Năm 1987, ca sĩ-nhạc sĩ Trần Tiến thể hiện thông điệp này bằng cách dùng đặc tính rock trong các ca khúc như “Rock đồng hồ”, “Ý nghĩ trong phòng hải quan”, và “Trần trụi 87”, đều do ban nhạc Đen Trắng của anh trình diễn. [8] Rock đối với anh thể hiện “cảm xúc mạnh mẽ của tuổi trẻ… Nó là con đường mạnh mẽ, và cô đọng để thể hiện những điều tôi muốn nói” (Hiền Đức 2000). Do sự táo bạo của ca từ trong các bài hát của mình, ban nhạc của Trần Tiến chỉ tồn tại thời gian ngắn và những bài hát này không còn được hát lại.

Đầu những năm 1990 khi các ban nhạc rock bắt đầu mọc lên trong các khu đại học, các nhà chức trách vẫn cảnh giác với loại nhạc này. Ví dụ, một chỉ thị năm 1989 cấm đích danh bài “Hãy ngước mặt nhìn đời” của Lê Hựu Hà (Ví dụ 6b) chắc vì những nhận thức vỡ mộng đối với xã hội trong ca từ. [9] Một vài ban nhóm khác như Bức tường nhắc tới ở dưới đây lại phát triển, một phần là do họ nhận được sự ủng hộ từ phía tổ chức sinh viên đại học của họ như Thành Đoàn Hà Nội, một tổ chức cánh tay phải của Đảng Cộng sản (Kimdung 2002). [10] Giống như những người đi trước của họ vào những năm 1960, những rocker thập niên 1990 lúc bắt đầu thì học và hát lại theo tiêu chuẩn rock phương Tây, nhưng vào cuối thập niên, một vài nhóm đã viết những ca khúc của mình. Các buổi diễn rock không diễn ra thường xuyên, nhưng thường xuyên nhận được sự tham gia nhiệt tình của người hâm mộ. Họ thường tổ chức thành liên hoan các ban nhạc vì sự rắc rối phức tạp trong thủ tục làm việc với bộ máy hành chính quá nhiều để một ban nhạc đơn lẻ đứng ra giải quyết được. [11]

Giai đoạn gần đây nhất của nhạc rock Việt Nam có một màu nhẹ của heavy metal và thường có ca từ nghiêm túc và mang tính nâng cao tinh thần. Các ca từ này thường theo chủ đề heavy metal của thế giới như “chủ nghĩa cá nhân và tính năng động bản thân” (Berger (1999, 267), hay “thiện và ác” (Weinstein 1999, 284). Một số bài hát ví dụ phản ánh những chủ đề này như bài tiếng Anh “Let’s Boycott Social Evils” [Hãy đẩy lùi những tệ nạn xã hội] của The Light, một đầu đề bắt chước khẩu hiệu của chính quyền, [12] và “Vượt qua chính mình” của Thủy triều Đỏ (Red Tide).

Bức Tường là ban nhạc đã làm được nhiều nhất khi tạo nên một lượng khán giả đông đảo cho rock Việt trên diện rộng. Tương phản với [biểu tượng về] tâm thế ngăn cách, xa lánh và ghét bỏ thực tại trong ca khúc “The Wall” của Pink Floyd, ban nhạc Việt Nam này lại xem bức tường như ý nghĩa kết nối mọi người, một nơi mà các thông điệp có thể để lại sau mỗi thời đại. [13] Thành lập năm 1995 và hoạt động đến khi giải tán vào tháng 12-2006, Bức tường gần như đồng nghĩa với nhạc rock Việt Nam đối với nhiều thính giả. Ví dụ 9 là ảnh chân dung nhóm.

Những bài hát của họ, do giọng ca chính Trần Lập viết, có giọng điệu nghiêm chỉnh thường đề cập đến những vấn đề xã hội. Chúng chủ yếu nhấn mạnh một quan điểm tích cực hướng đến những thử thách cuộc đời. Bài hát “Đường đến ngày vinh quang” (1997) được dùng như một chủ đề cho SEA Games 2003 tổ chức ở Việt Nam, nói về sự vượt qua những chướng ngại vật để đạt tới đỉnh cao cá nhân của mỗi người. Trong ví dụ 16, “Rock xuyên màn đêm”, ca sĩ chủ trương từ bỏ màn đêm và tính nhút nhát của tuổi thơ để trở thành một con người hiên ngang.

Ví dụ 16 - “Rock xuyên màn đêm” – của Trần Lập

Nhớ lúc bé thơ bao dại khờ
Tôi hay nhát gan sợ trời đêm tối
Sống yếu đuối hơn bao bạn bè
Tôi hay âu lo không tự tin.
Cha tôi khuyên rằng: “Này! Chàng trai...
Hãy xứng đáng là người đàn ông
Hãy vững sống và thật hiên ngang, một tính cách Rock.”
Rock xuyên màn đêm

Rock đem đến một sức mạnh cần thiết để chế ngự nỗi nghi ngờ và nỗi sợ hãi trở thành một người đàn ông.

Ban nhạc Small Fire [Ngọn lửa nhỏ] tự đưa ra cách xếp mình thuộc dòng “nu-metal,” một phong cách trộn giữa heavy metal với dáng vẻ của những thể loại phổ thông đương đại khác như rap hay grunge. “Sáng và tối” (ví dụ 11) là một tác phẩm đầy không khí chứa đựng sự tương phản trong bố cục, âm sắc giọng hát, và cấp độ sôi động để phản ánh sự thay đổi từ ánh sáng sang bóng tối.

Ví dụ 17 - “Sáng và tối” của Small Fire

Một ngày rong chơi trên con đường đầy nắng vàng
hoa đẹp lắm
bướm lượn bay
Một ngày rong chơi trên con đường đầy gió thoảng
sau trườn cát
cát lượn sóng
Biết… đâu khi nắng sớm khu rừng hoa
Biết… đâu khi bóng tối đang dần buông

Chorus:
Trong rừng hoa đã thành gai… vì đêm
Trong rừng bướm hoá loài dơi… vì đêm
Cát vàng nay hoá bùn đen… vì đêm
Chim vàng anh nay hoá quạ đen… vì đêm
Mặt trời trong tim nâng niu nụ cười bé dại khi trời tối chỉ còn xa
Biết… Đâu khi nắng sớm khu rừng hoa
Biết… Đâu khi bóng tối đang dần buông

Đoạn mở đầu, ca sĩ dùng giọng mũi, đóng, chủ ý gợi nhớ một phong cách hát nói truyền thống là hát ả đào tức ca trù. [14] Cách chuyển này có giai điệu tương tự với khuôn thức âm nhạc hát nói cổ truyền có chùm ba nốt thứ, nhằm nhấn mạnh độ chênh cao của một quãng bốn. Mặc dù tiết điệu vẫn chạy, dàn nhạc đệm được tải mỏng ra, với các thanh la của bộ trống gây âm thanh nổi bật nhất. Thứ âm nhạc huyền ảo của ánh sáng này nhanh chóng tương phản với giai điệu gam âm nguyên thông thường tiếp theo, được thể hiện bằng tiếng guitar méo nặng và những âm tiết thỉnh thoảng được hét, tất cả nhấn mạnh bóng tối của màn đêm. Ca từ liên quan đến những thay đổi về góc nhận thức tùy theo mình nhìn từ phía ánh sáng hoặc phía bóng tối.

Ban Gạt Tàn Đầy tiếp cận câu hỏi về tính dân tộc bằng cách viết những ca khúc về những thứ chỉ có ở Việt Nam. Ví dụ 11 giới thiệu bài hát của họ - “Phở”.

Ví dụ 18 - “Phở” của Bùi Quang Huy - ban Gạt Tàn Đầy

Sáng an nhàn lang thang trên đường phố
Ngắm Hà Nội sau bao nhiêu ngày xa
Nằm ẩn sâu trong phố chật chội
Hàng phở lâu năm cha nối con truyền
Người vào ra chen nhau rộn rã
Dựng vội xe lên mép vỉa hè
Chọn một nơi ưa thích tôi ngồi
Em ơi cho anh phở chín!

Bài hát tiếp tục với những mô tả về hình thức, nguyên liệu, thành phần và hương vị của món ăn thơm phức này. Bài hát mở đầu với một nhịp lặp đi lặp lại như kéo đẩy. Một giai điệu từ hợp âm ba nốt được khai triển ngầy ngật ở đây bằng một quãng ba “blues” trung tính luân chuyển giữa Đô thăng và Đô trưởng. Ca từ của hai dòng đầu tiên thể hiện khung cảnh rộng của đường phố Hà Nội. Chúng được đi tiếp với một đoạn chuyển cuồng nhiệt với nhịp nhanh hơn và đổi hợp âm, ngầm diễn tả sự ồn ào náo nhiệt của quán phở mà người kể quay lại.

Gạt Tàn Đầy cũng đặt chân một cách cẩn trọng vào những vấn đề xã hội. Trong một phỏng vấn trên đài phát thanh, một thành viên của ban nhạc đã nói những bài hát của họ “rất đơn giản” và có cảm hứng từ những gì xảy ra ngay xung quanh họ. [15] Bài hát “5000 ngày” của họ kể lại câu chuyện của người nông dân Việt Nam tên là Phạm Văn Thành, người đã bị đi tù oan vì cái chết của con trai mình (xem Phạm Vũ 2004 để đọc bản tin gốc). Mặc dù bài hát không nêu bật chuyện này, nhưng một chủ đề chính của câu chuyện được báo chí đưa tin là sự khăng khăng của người cha vô tội đòi chính quyền địa phương và công an phải xin lỗi về sai lầm và sự từ chối không nhân nhượng của họ. Bài hát “5000 ngày” thay vì thế, tập trung vào diễn tả tình cảm của người cha và sự tuyên bố vô tội của ông.

Bài hát chủ đề của album Đám cưới chuột phát hành năm 2006 (viết năm 1998) nhắc lại một hình tượng quen thuộc của tranh dân gian Đông Hồ - đám cưới chuột với những con chuột phải khúm núm đút lót lễ vật cho một con mèo đầy hăm doạ.

Một website du lịch ở Việt Nam đã viết rằng bức tranh “là một minh chứng sống động và hóm hỉnh cho quan hệ mạnh hiếp yếu trong xã hội.” [16] Trong quá khứ, con mèo được xem như đại diện cho một viên quan bóc lột, và ngày nay nó được dẫn dụ như hình ảnh một quan chức tham nhũng. Ca từ không đề cập điều này mà thay vào đó, vị trí của người kể chuyện dẹp sang một bên rất nhỏ, để một con chuột cô đơn quan sát cảnh tượng. Quyết định phác hoạ theo khía cạnh tinh nghịch của bức tranh lại khiến bài hát phổ biến, và là hiện tượng hiếm thấy cho rock Việt khi cũng trở thành bài hát ưa thích của trẻ con, vốn biết đến bài hát với cái tên bài “mèo béo” (Thu Thủy 2006).

Nhà nghiên cứu Hamm đã mô tả nhạc rock là loại nhạc mà thanh niên chấp nhận nó như sản phẩm của riêng họ (Hamm 1995, 80-1). Ngày nay, sau 40 năm rock Việt được đặt dưới một cái ô chung với nhạc trẻ. Nó cũng trở nên tích hợp với cỗ máy công nghệ hình thành ngôi sao Việt Nam đương đại như xâm nhập vào lĩnh vực nhạc pop rộng lớn (thường được gọi là “V-pop.”) Người hâm mộ rock và metal Việt Nam có những kiểu cách ăn mặc, tụ điểm, website và các bản tin của riêng mình. Viết đến đây, tôi nghĩ ngày nay âm nhạc thực sự đã rất “đồng hành” như cách Gloria Emerson nói khi viết về các rocker năm 1971.

Ví dụ 21 là một bức ảnh chụp đầu năm 2006 cho thấy niềm say mê hợp nhất đối với nhạc rock. Khán giả chắc chắn trẻ, có học thức, trật tự và họ đứng trong tầm nhìn của các nhân viên an ninh đằng trước.


Rock hôm qua và hôm nay, địa phương và toàn cầu

So sánh giữa bảng 1 và 2 đã nói ở trên cho thấy một tiến trình tương tự nhau giữa nhạc rock trước và sau năm 1975 ở Việt Nam. Sự khác biệt chủ yếu giữa hai thời kì là hơn 40 năm trước nhạc rock lúc sơ khai xuất hiện tuỳ vào sự lành nghề của các nhạc sĩ nước ngoài và việc học hình thức nhạc mới từ đầu. Sau 1975 thực sự có một cái bể để các các nhạc sĩ rock đóng vai trò trong việc hồi sinh loại nhạc này. Một sự tương ứng sâu xa hơn có thể thấy giữa nhạc kích động tuyên truyền của miền Nam và việc dùng rock trong ca khúc chính trị cộng sản thời kì sau. Việc dùng thang âm ngũ cung bản địa trong nhạc kích động cũng tương tự như việc khai thác thang âm bản địa của dân tộc thiểu số trong “rốc rừng.”

Cuộc gặp gỡ của Việt Nam với nhạc rock chỉ là một chương trong quá trình gặp gỡ rộng hơn với văn hoá âm nhạc Tây phương. Vào những năm 1930, thanh niên Việt Nam cũng tìm kiếm ở phương Tây, nơi họ tìm thấy một văn hoá, lôi cuốn và đầy hương vị xa lạ trong ca khúc và phim ảnh từ Paris và Hollywood. Họ tự học chơi guitar, mandolin, và banjo nhằm học thuộc những bài hát Pháp và Mĩ mà họ nghe qua phim ảnh và đĩa hát. Viết lời Việt cho những bài hát này trở thành một ý nghĩa quan trọng cho việc chuẩn bị sáng tác những bài hát gốc của chính mình (Gibbs 2002-3). Tương tự như thế, những thế hệ khám phá nhạc rock những năm 1960 và sau đó những năm 1990 thường tự học guitar điện, bằng cách lập ban nhóm, và bắt đầu sáng tác lời cho các giai điệu rock nổi tiếng.

Cuộc hôn phối vẫn đang diễn ra với văn hoá phổ thông toàn cầu đã sản sinh ra cả sự mê hoặc lẫn băn khoăn. Như tác giả Stokes đã lưu ý, toàn cầu hoá , trái với một số mong đợi, là nguyên nhân tạo ra ảnh hưởng cho một dân tộc và đất nước “có một ảnh hưởng văn hoá mạnh mẽ hơn” (2003, 305-6). Từ lúc khởi thuỷ, vấn đề thể hiện một tính chất Việt trong các ca khúc tân nhạc mang ảnh hưởng Tây phương đã trở thành mối quan tâm trở đi trở lại. Vào những năm 1940, một số nhạc sĩ tìm ra giải pháp bằng cách tích hợp những nét hình thức của nhạc cổ truyền vào ca khúc của mình (Gibbs 1997). Trong nhạc rock, chúng ta cũng có thể nhìn thấy sự tham gia của một số hình điệu và khúc thức Việt - nhất là trường hợp nhạc kích động và rốc rừng. [18] Điều này có thể thấy trong những bài hát gần đây như “Sáng và tối” của Small Fire. [19]

Sự tiến triển này có thể đến thông qua những yếu tố không phải âm nhạc, mà qua những gì Anthony D. Smith gọi là “tình cảm trong những gắn bó và tự hào dân tộc” (1999, 101). Những bài hát của Gạt Tàn Đầy về thưởng thức phở hay kể lại bối cảnh của một bức tranh dân gian quen thuộc chứng minh cho loại tình cảm tự hào dân tộc và những sự gắn bó với quê hương. Điều này trong quá trình biến đổi đã thành một phần của việc tìm kiếm một giá trị đích thực rộng hơn, từ lâu đã trở thành điều không thể thiếu trong mĩ học của rock và thành một phần trong cuộc đấu tranh chống lại các thế lực toàn cầu hoá (Connell and Gibson 2003, 19; 41-3).

Ý thức về giá trị đích thực cũng được tìm thấy trong năng lượng diễn cảm của rock – thông qua khả năng thể hiện “cảm xúc mạnh mẽ” của nó một cách trực tiếp (như Trần Tiến đã nhắc đến trong trích dẫn ở trên). Sự thể hiện này cũng có nghĩa là khả năng đưa tin thông báo về những điều tác giả nhìn thấy. Một rocker đã phát biểu: “Nó chỉ là âm nhạc của sự phơi bày bức xúc, của sự thật mà thôi. Phóng viên điều tra để phơi bày sự thật- rock cũng vậy. Chỉ có điều thay bằng viết – họ hát!” (Lê Việt Trường 2005). Những bài hát như “5000 ngày” của Gạt tàn Đầy và “Niềm tin cho cát bụi” của Bức Tường (viết về trẻ em đường phố Hà Nội) là những ví dụ cho cố gắng này.

Nhưng sự chân chính cũng có thể triển khai bằng cách đề cao một lí tưởng sống. Những bối cảnh đối lập giữa sáng và tối cũng phản chiếu những thách thức của việc một người đi tìm đường trong thế giới này. Trong một cuộc trao đổi trực tuyến, một fan đã hỏi các thành viên của Bức tường là liệu họ “đã bao giờ cảm thấy bế tắc, hoặc có lối sống buông thả với rượu, ma tuý như rất nhiều các rocker nổi tiếng trên thế giới như Kurt Cobain, Jimi Hendrix, Jim Morrison hay chưa?” Trả lời của ban nhạc là “Chưa bao giờ và thậm chí không bao giờ.” [20] Sự nổi loạn quá mức cũng như cách hành xử nổi loạn gây sốc đã từ lâu đi đôi với thẩm mĩ của rock - một phần của “trật tự nguyên bản” và “tính độc đáo” (Pattison 1987, 188). Tuy thế chúng không xuất hiện trong nhạc rock Việt Nam.

Trả lời của ban nhạc đối với thắc mắc này khẳng định yếu tố dân tộc chủ nghĩa khác – mà hoàn cảnh của họ không như ở phương Tây:

… cách sống của chúng tôi cũng hoàn toàn khác. Điều quan trọng là cách sống, cách thích nghi trong môi trường xã hội như thế nào, người ta có hoà nhập với cộng đồng hay không, biết ủng hộ nhìn nhận nhau, biết yêu những thứ xung quanh mình thì làm sao có chuyện bế tắc được.

Song bế tắc mà Bức Tường tránh khỏi từng là một phần của những bối cảnh cá nhân mà ban Phượng Hoàng đã miêu tả vào những năm 1970. Họ sống dưới một “mặt trời đen,” trong một thế giới mà giấc mơ của mỗi người chỉ có thể chết đi, nơi họ cảm thấy mình như những kẻ sống bên lề trong một xã hội phi lí. Quan điểm đen tối này không thể được chấp nhận đối với các nhà kiểm duyệt của chế độ cộng sản, và không phải là hình mẫu mà các rocker ngày nay muốn đi theo.

Thẩm mĩ rock đương đại Việt Nam cặp đôi heavy metal, một thể loại có khả năng chứa đựng sự dữ dội và tương phản lớn, với những bài hát thể hiện một mục đích lành mạnh. Sự tập trung của nó vào các chủ đề xã hội khiến cho nhạc rock trở nên ngoại lệ với thị trường nhạc đại chúng Việt Nam, vốn chủ yếu gồm các bài tình ca. Tình yêu không phải là một chủ đề thường gặp của các nhà soạn lời rock Việt Nam. Thay vào đó, như một người viết trên một diễn đàn trên mạng đã nói về Bức Tường, họ cài cắm những vấn đề như “tư tưởng và “giáo dục, cũng như ca khúc chính trị và ca khúc tuyên truyền đã làm trong những thập niên trước (Kimdung 2002).

Đối với các nhà quản lí ngay sau 1975, rock rất đáng sợ - một nhân tố của bất an và nổi loạn (Hữu Trịnh 2005). Thế hệ rocker mới của Hà Nội có sự quả quyết rằng rock không phải là một mối nguy hiểm đối với xã hội ổn định với quan điểm “rock không phải là gây loạn hay phá hoại” (Lê Văn Trường 2005). Mặc dù không có một thông điệp cộng sản hay ủng hộ chính quyền rõ ràng trong các ca khúc của họ, các rocker Việt Nam chủ yếu là những thanh niên có địa vị cao về mặt xã hội và trình độ giáo dục, họ đã tiếp thu các tiêu chuẩn của đất nước mình. Chủ nghĩa lí tưởng mà họ thể hiện thông qua ca từ họ cố ý đối trọng những khuôn mẫu tiêu cực thường liên quan đến nhạc rock quốc tế vậy đã miễn cho các rocker Việt những lời đả kích của các phương tiên truyền thống như khi tung ra cho những nhạc sĩ khác. Tương tự, họ tạo ra vẻ tin cậy nơi họ thông qua sự liên kết với các tổ chức thanh niên và triển khai một hình ảnh lành mạnh trong việc giữ gìn những giá trị Việt - cả truyền thống và do chế độ chấp nhận.

Hy V. Luong ([Lương Văn Hy] 2006) đã viết rằng động lực của văn hoá Việt Nam đương đại nằm giữa “nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam và cư dân địa phương” và quá trình tích hợp của Việt Nam với “hệ thống tư bản chủ nghĩa toàn cầu.” Sự nhập cư của nhạc rock vào Việt Nam là một phần trong tiến trình lịch sử lâu dài của toàn cầu hoá về âm nhạc. Vẫn có nhiều sự tranh cãi trong các rocker Việt Nam về hướng phong cách và tính độc đáo của rock Việt, cũng như về việc tạo ra nhạc rock Việt Nam đúng nghĩa. Palmer (1978) đã nhận dạng “sự khẳng định tính cá nhân và điều có thể” là một phần quan trọng của sự lôi cuốn của rock trong văn hoá Mĩ. Mặc dù đây cũng là một phần của sự lôi cuốn của loại nhạc này đối với các rocker Việt Nam, song sự khẳng định này có những giới hạn. Những giới hạn đó chắc chắn do khả năng tiếp thu về mặt văn hoá tự thân và có hiệu lực bên ngoài bởi nhà nước quy định. Dù sao, các rocker Việt Nam đã nhập vào với thế giới, kiếm tìm và, điều này thì tôi muốn tranh luận, là tạo ra một thẩm mĩ rock bản địa độc đáo.


Tham khảo:

An Trung.
1988. “Liên hoan ca khúc chính trị 1988,” Tuổi Trẻ (24 tháng 11), 4.
Belz, Carl.
1972. The Story of Rock. [Câu chuyện về Rock] New York: Oxford University Press.
Berger, Harris M.
1999. Metal, rock, and jazz: perception and the phenomenology of musical experience. [Metal, rock và jazz: nhận thức và hiện tượng học của kinh nghiệm âm nhạc] Hanover: NH: University Press of New England.
Bùi Dũng.
2005. “Thấy gì, khi Small Fire "Ngược dòng"...?” Tuổi Trẻ Online (7 tháng 12).
Connell, John and Chris Gibson.
2003. Sound Tracks: Popular Music, Identity and Place. [Những âm tuyến: Nhạc phổ thông, bản sắc và khu vực] New York: Routledge.
Ellul, Jacques.
1965. Propaganda: The Formation of Men’s Attitudes. [Tuyên truyền: Sự hình thành thái độ con người] New York: Vintage Books.
Emerson, Gloria.
1971. “G.I.'s and Vietnamese Youth: Sharing at Rock Festival,” [Lính GI và thanh niên Việt Nam: Chia sẻ tại Rock Festival] New York Times (May 30), 3.
García Márquez, Gabriel.
1980. “The Vietnam Wars: Fight to Reclaim a Devastated Country, Vietnam Faces a Hostile China and the Threat of a Defeated Enemy Within its Borders,” [Chiến tranh Việt Nam: Đấu tranh để phục hồi đất nước bị tàn phá, Việt Nam đối mặt với Trung Quốc thù địch và mối đe doạ của kẻ thù bại trận nơi biên giới]
Gregory Rabassa dịch. Rolling Stone (May 29), 43-6.
Gibbs, Jason.
1997. “Reform and Tradition in Early Vietnamese Popular Song”, Nhạc Việt 6 (Fall), 5-35 [Cải cách và truyền thống trong tân nhạc thời kì đầu Việt Nam, Nguyễn Trương Quý dịch, www.talawas.org]
2003-4. “The West's Songs, Our Songs: The Introduction of Western Popular Song in Vietnam before 1940”, Asian Music vol. 35, no. 1 (Fall/Winter), 57-83. [Bài Tây, bài Ta: Khúc dạo đầu và chuyển thể của ca khúc phổ thông Tây phương ở Việt Nam trước 1940, Nguyễn Trương Quý dịch, www.talawas.org]
2005. “Điệu Rumba trên dòng Cửu Long: Bolero - một dạng ca khúc phổ thông Việt Nam”, Nguyễn Trương Quý dịch. talawas (22-9).
2006a. “Những biểu tượng của cuộc chiến tranh chống Mĩ trong ca khúc Việt Nam sau 1975”, Nguyễn Trương Quý dịch, talawas (21-2).
2006b. “Trần Tiến: Người hát rong của thời Đổi mới”, Nguyễn Trương Quý dịch, talawas (6-6).
Grossberg, Lawrence.
1984. “Another Boring Day in Paradise: Rock and Roll and the Empowerment of Everyday Life,” [Một ngày buồn chán khác nơi thiên đàng: Rock and Roll và quyền năng của đời thường nhật] Popular Music 4, 225-258.
Hamm, Charles.
1995. Putting popular music in its place. [Hãy đặt nhạc phổ thông vào đúng chỗ của nó] Cambridge: Cambridge University Press.
Hiền Đức.
2000. “Nhạc Trần Tiến – những ngẫu hứng từ dân ca,” Nhân Dân điện tử (13-5).
http://www.nhandan.org/vn/vietnamese/20000513/bai-vh10.html. Bài gốc in trên Thế giới mới.
Hữu Trịnh.
2005. “Khởi nguồn của nhạc trẻ Sài Gòn sau 1975”, Giai Điệu Xanh website
(14 tháng 4)
James, David.
1989. “The Vietnam War and American Music,” [Chiến tranh Việt Nam và nhạc Mĩ] Social Text 23 (Autumn-Winter), 122-143.
Khánh Băng.
1968. “Người lính chung tình,” Saigon: Tác giả xuất bản.
Kimdung.
2002. "Phóng sự: Rock Hà Nội 10 năm nhìn lại 1 chặng đường: Chương 2 : The Wall - khi thời thế tạo anh hùng." Rockvn.com (3-10-2002) www.rockvn.com.
Kolko, Gabriel.
1997. Vietnam: Anatomy of the Peace. [Việt Nam: Giải phẫu hoà bình] New York: Routledge, 1997.
Le Tuan Hung
1998. Đàn Tranh Music of Vietnam: Traditions and Innovations. [Âm nhạc Đàn Tranh Việt Nam: Truyền thống và Sáng tạo] Melbourne: Australia Asia Foundation.
Lê Việt Trường.
2005. "Rock Việt - cái nhìn của người trong cuộc", Tiền Phong online (12 tháng 11)
Luong, Hy V.
2006. "Structure, Practice, and History: Contemporary Anthropoligical Research on
Vietnam," [Cấu trúc, Thực tế và Lịch sử: Nghiên cứu nhân loại học đương đại về Việt nam] Journal of Vietnamese Studies 1 / 1-2 (February/August), 371-409.
Marlow, Tom.
1970. "Yea, We're The CBC Band and We'd Like to Turn You On. We Got a Little Peace Message, Like, Straight from Saigon. Waaaaaaah yeaaa!," [Đây, chúng tôi là ban CBC và chúng tôi muốn làm bạn dậy hứng. Chúng tôi có một thông điệp hoà bình nho nhỏ, điều yêu thích, thẳng từ Sài Gòn!] Rolling Stone (Nov. 26), 28.
Martin, Linda and Kerry Segrave.
1988. Anti-Rock: The Opposition to Rock'n'roll. [Chống lại Rock: Sự đối lập với Rock’n’Roll] Hamden, CN: Archon Books.
Nguyễn Thụy Kha.
2006. “Người đi săn tìm Rock Việt,” Báo Ảnh Việt Nam online (tháng 3)
Nguyên Văn. 2006.
Rực lửa rock Sài GònThanh Niên online (12 tháng 3)
Palmer, Robert.
1978. “When is it Rock and When Rock’n’Roll? A Critic Ventures an Answer,” [Khi nào Rock và khi nào thì Rock’n’Roll? Một nhà phê bình mạo muội đưa ra một câu trả lời] New York Times (August 6), D14.
Pattison, Robert.
1987. The Triumph of Vulgarity: Rock Music in the Mirror of Romanticism. [Chiến thắng của sự dung tục: Nhạc rock trong phản chiếu của chủ nghĩa lãng mạn] New York: Oxford University Press.
Phạm Duy.
1991. Hồi ký: Thời phân chia Quốc Cộng. Midway City, Cal.: PDC Musical
Productions.
Phạm Vũ.
2004. “14 năm đòi xóa tội ‘giết con’”, Tuổi Trẻ online (9 tháng 4)
Quản Trọng Dân, Nguyễn Thanh Đức.
1983. “‘The Rolling Stones’ hồi sinh nhưng thực chất không đổi,” Tuổi Trẻ Chủ Nhật (2-10), 9
Quốc Bảo.
2003. “Nhạc trẻ là...Giai Điệu Xanh (1 tháng 10)
Smith, Anthony D.
1999. Myths and Memories of the Nation. [Huyền thoại và hồi ức của dân tộc] Oxford: Oxford University Press.
Southerland, Daniel.
1976. “Blue Jeans in Hanoi,” [Quần bò ở Hà Nội] Christian Science Monitor (July 21), 2.
Stokes, Martin.
2003. “Globalization and the Politics of World Music,” [Toàn cầu hoá và tính chính trị của nhạc World Music] in Cultural Study of Music: A Critical Introduction, Martin Clayton, Trevor Herbert, Richard Middleton, eds. New York: Routledge.
Taylor, Philip.
2001. Fragments of the Present: Searching for Modernity in Vietnam’s South. [Những mảnh vỡ của hiện tại: Đi tìm cái hiện đại ở miền Nam Việt Nam] Honolulu: University of Hawaii Press.
Tran Quang Th.
1975. “Let’s Crack Down on These Depraved Hippies and Clean Them Up,” Saigon Giai Phong (July 7). [Hãy trừng trị bọn hippy đồi truỵ và quét sạch chúng] Bản dịch tiếng Anh trong kho dữ liệu Vietnam Virtual Archive. Item 2322601010 at the Texas Tech University Virtual Vietnam Archive
Thu Trang.
Thu Thủy
2006. “Ban nhạc rock có fan là... con nít,” Thể thao và Văn hóa (8 tháng 12), 40.
Trịnh Lâm Ngân [Trần Trịnh, Nhật Ngân].
1969. “Gặp nhau trên phố,” Saigon: Việt Nam Nhạc Tuyển.
Trường Kỳ.
2002. Một thời nhạc trẻ. Montreal: Tác giả xuất bản.
2005. “Thăng trầm nhạc trẻ dưới mắt nhà báo Trường Kỳ”, phỏng vấn của Nguyễn Minh, Giai Điệu Xanh (30-4)
Tùng Giang.
2005. Hồi kí nhạc sĩ Tùng Giang: Âm nhạc, tình yêu, tình bằng hữu. Westminster, CA: Thuý Nga.
Từ Huy.
1982. “Hãy đàn lên,” Tuổi Trẻ (8-5).
Vietnam Feature Service.
1969. Third Renaissance... Culture in Vietnam, [Sự phục hưng thứ ba… Văn hoá ở Việt Nam] TCB-U59 (January 1). Vietnam Virtual Archive. Item 2321817010 at the Texas Tech University Virtual Vietnam Archive
Weinstein, Deena.
1999. Heavy Metal: The Music and Its Culture. [Heavy Metal: Âm nhạc và văn hoá của nó] Boulder, CO: Da Capo Press.
Xuân Th.
1987. “Bàn chuyện ca khúc chính trị: Tài năng chưa đúng hướng,” Sài Gòn Giải Phóng (26 tháng 4), 1.
Y Vân.
1965. “Người yêu lí tưởng,” Saigon: Việt Nam Nhạc Tuyển.

Bản tiếng Việt © 2007 talawas


[1]Những lời chỉ trích nhạc rock của người cộng sản có chung giọng điệu với cảm giác bị sốc của người Mĩ mộ đạo đối với rock vào những năm 1950 (ví dụ, xem Martin và Segrave 1988, 48-55).
[2]Quốc Bảo (2003) kể tên một số nhạc sĩ từng chuyển mình từ đời sống hộp đêm Sài Gòn sang phong trào quần chúng của nhà nước.
[3]“Thế nào là ca khúc chính trị,” Tuổi Trẻ (24 tháng 3), 6.
[4]Tuy nhiên, trong một bài viết về Rolling Stones, các tác giả đã nhìn nhận sự “lập dị” của ban nhạc là một sự phản kháng bị động chống lại xã hội tư bản chủ nghĩa trong quá trình giãy chết của xã hội này (Quản Trọng Dân, Nguyễn Thanh Đức 1983).
[5] X. Th. 1987; An Trung 1988.
[6]Xem Tuổi Trẻ (Xuân 1984). Trong Gibbs 2006b, tôi đã bàn về một bài hát khác cũng kiểu này là “Thành phố trẻ” của Trần Tiến.
[7]Bức ảnh được lấy từ website tỉnh Bình Thuận. http://www.binhthuan.gov.vn/songanh/sokhcn/thamkhao/moi_truong/chuyen_de/9811/suutap/bst49_b.html
[8] Tôi đã viết về những bài này chi tiết hơn, xem Gibbs 2006a và Gibbs 2006b.
[9]Thậm chí khi chính quyền bắt đầu cho phép những bài hát khác sáng tác cùng thời được biểu diễn trở lại, riêng “Hãy ngước mặt nhìn đời” bị cấm vào ngày 15-10-1989 do Cục Âm nhạc và Múa; xem “Các bài hát được phép sử dụng, không được sử dụng,” Thanh Niên 12-11-1989.
[10]Thành đoàn Hà Nội và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là những tổ chức tham gia vào cái mà Ellul định danh là “tuyên truyền tích hợp” – tuyên truyền để tạo điều kiện cho việc “gắn chặt với luân lý và phép ứng xử của xã hội” (1965, 74-79).
[11]Một cuộc phỏng vấn với tay bass của nhóm Atmosphere cung cấp một hình ảnh rõ ràng về quan hệ giữa nhạc sĩ rock Việt Nam và các nhà quản lí văn hoá của chính quyền. Anh ta kể đến định kiến tiếp diễn của các quan chức văn hoá Việt Nam đối với nhạc rock (Lê Việt Trường 2005).
[12]Trong tiếng Việt, hoạt động này của chính quyền thường được gọi là “phòng chống tệ nạn xã hội” và thường cụ thể là chống lại nạn mãi dâm, phim ảnh khiêu dâm và ma tuý. Nó cũng trực tiếp nhắm đến những trào lưu ngoại lai không mong muốn trong quảng cáo và âm nhạc (Kolko 1997, 79).
[13]Xem “Ban nhạc The Wall trả lời phỏng vấn trực tuyến,” VNExpress (29-11-2002) http://vnexpress.net/Vietnam/Van-hoa/2002/11/3B9C2E90/
[14]Bùi Dũng 2005.
[15]Phát thanh trên chương trình “Nốt nhạc thứ bảy” của Đài Tiếng nói Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ngày 18-3-2006. Xem http://www.voh.com.vn/newssound/newssound.cfm?catid=5
[16]“Tranh dân gian ngày Tết,” Tổng cục Du lịch - Tin tức Du lịch trực tuyến (13 tháng 1 2006) http://www.vietnamtourism-info.com/cgi-bin/news/exec/view.cgi?archive=47&num=8194)
[17]“Đám cưới chuột” giành giải tháng 10-2006 trong cuộc thi Bài hát Việt của Đài THVN. Xem “Đám cưới chuột lên ngôi ‘quán quân’,” Bài hát Việt 2006. http://baihatviet.vtv.vn/Index.aspx?Page=ViewNews&ItemID=1151
[18]Phong cách của nhạc kích động là một trường hợp đáng quan tâm vì nhiều ca khúc phong cách này dùng chất liệu thang âm ngũ cung của cổ nhạc, làm cho nó có thể được xem như có “tính dân tộc. Do sự phục vụ của nó cho quân đội VNCH, loại nhạc này đã bị cấm ở Việt Nam từ năm 1975.
[19]SYG, một ban nhạc heavy metal ở bang Georgia, Mĩ có ba anh em người Việt là thành viên chủ chốt, đã tạo ra sự trộn lẫn giữa âm thanh cổ truyền VN với heavy metal. Cây guitar của họ có thể chơi các nhạc cụ truyền thống Việt Nam như đàn tranh (đàn thập lục), đàn cò và đàn bầu. Bản thu âm “Tragedy of Ratanasit” của họ được đánh bằng cách tương phản giữa tiếng gầm gừ mở đầu và phần đối lại rất bình yên khi những nhạc cụ truyền thống được thêm vào giữa bài hát. Xem http://www.myspace.com/vkoresyg
[20]Xem “Ban nhạc The Wall trả lời phỏng vấn trực tuyến,” VNExpress (29 tháng 11 2002) http://vnexpress.net/Vietnam/Van-hoa/2002/11/3B9C2E90/
Nguồn: How Does Hanoi Rock? The Way to Rock and Roll in Vietnam, tham luận tại Há»™i thảo của Society for Ethnomusicology (Há»™i Nhạc dân tá»™c học), Honolulu, Hawaii, MÄ©, ngày 16.11.2006.