trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 97 bài
  1 - 20 / 97 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcLý luận phê bình văn học
10.7.2007
Phạm Toàn
Quyền lực và thẩm quyền trong phê bình văn học
(Nhìn lại một sự kiện phê bình văn học năm 1970)
 
Vào năm 1970, có chuyện một nhà nghiên cứu văn học không chuyên nghiệp (dưới đây sẽ gọi Bên A) viết một bài góp ý cho một nhà nghiên cứu văn học chuyên nghiệp (dưới đây sẽ gọi Bên B). Bên B sau đó mời Bên A đến trụ sở cơ quan để trò chuyện, cảm ơn, xoa dịu, song bài viết góp ý không đăng ở bất kỳ diễn đàn nào (mới đây tác giả cho in bài đó trong tập tạp luận Chỉ tại con chích choè). Đã 37 năm rồi, nhưng cho tới hôm nay, công việc làm của cả Bên A lẫn Bên B đều còn nguyên giá trị của một case study để xem xét mối quan hệ giữa quyền lực và thẩm quyền trong công việc phê bình văn học.


Quyền lực và thẩm quyền

Có một thứ quyền lực Giời cho, ấy là cha mẹ có quyền lực với con cái, ông bà cụ kỵ có quyền lực với con cái cháu chắt. Khi cái sinh vật người ấy được xã hội hoá theo đạo Khổng, thì sinh ra cái “quyền huynh thế phụ”, anh trai có quyền lực với các em thay cho quyền lực người cha bị mất.

Quyền lực mang tính xã hội có thể thấy trong quan hệ bề trên của giáo viên đối với học sinh chẳng hạn. Các quyền lực khác trong xã hội đều chung tính chất sau: quyền lực này Giời không ban nhưng lại xui Người ban (vì thế mà “nhờ Giời” có được ông nọ bà kia).

Quyền lực bao giờ cũng cần đồ bảo hành, đó là thẩm quyền. Đạo Khổng dạy các bậc cha mẹ tự tạo ra thẩm quyền bằng tu thân đã sau rồi mới tề gia. Đồ bảo hành hoặc thẩm quyền khiến cho một quyền lực thành một quyền lực đích thực gồm có nào là trình độ đào tạo, nào là bằng cấp, nào là thâm niên tuổi nghề, và còn một tiêu chí mơ hồ một cách cụ thể nữa là tín nhiệm.

Thế mà vẫn còn một địa hạt ở đó diễn ra song song cả sự đề bạt và cất nhắc chính thức (trao quyền lực) lẫn sự đóng góp vô tư của những cá nhân không chính thức có quyền lực ấy: phê bình văn học (và nghệ thuật). Nhưng điều thú vị là: nếu xem xét kỹ công việc làm của những nhà “ngoài biên chế” này, ta sẽ học được cách phân biệt hai khái niệm quyền lực thẩm quyền.

Trường hợp phê bình văn học của Dương Tường năm 1970 (Bên A) trong lá thư góp ý hết sức nhẹ nhàng lịch thiệp cho một viện sĩ Bên B xứng đáng là một case study làm lập luận của bài viết này.


Bối cảnh phê bình văn học

Vào năm 1970, nước ta kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Cuộc kháng chiến là toàn diện, nên trong khi các chiến sĩ đổ máu thật sự trên chiến trường, còn có các “chiến sĩ” toát mồ hôi làm công việc chống lại sự suy đồi toàn diện của phương Tây. Các chiến sĩ ở hậu phương được trao quyền lực đó. Và thẩm quyền của họ được bảo hành bằng những danh hiệu cao (có cả bậc viện sĩ một nước Trung Âu). Họ tìm cách phơi bầy cái xấu xa, sự tụt dốc, tính sa đoạ, cảnh suy đồi “phi lý” của phương Tây-văn học-con người; của thuyết cấu trúc; của chủ nghĩa hiện sinh. của lý thuyết thao tác, của tâm lý học hành vi, của phân tâm học, cả của lối sống hớ hênh thi áo tắm... Nhiều!

Công việc “chống” này khá yên tĩnh nếu so với các chiến sĩ nằm hầm bí mật tại Củ Chi, so với các bạn tân binh ở thành cổ Quảng Trị, so với các anh hùng biệt động ẩn hiện trong thành nội Sài Gòn… Chỉ vì trận đánh này mang tính đơn phương. Mọi “kẻ địch” chỉ bị các chiến sĩ giáo sư viện sĩ của ta bắn mà bọn ấy không cách gì bắn trả lại được viên nào. Cái “chiến trường” sau này gọi tên là những cuộc trao đi đổi lại, những forum, thì thời đó vẫn chưa có. Chỉ có những người đứng bên này chiến hào gọi với sang bên kia réo bọn sài lang chi bối về hệ tư tưởng. Bên kia chẳng thấy ai ló mặt.

Những “kẻ cầm đầu” thì không ló mặt, nhưng có những đại diện của họ ló mặt. Đó là những tác phẩm của họ. Những bằng chứng được coi là xác đáng bị đem ra phân tích và phê phán. Có điều, ở đây quyền lực phê bình văn học cũng một mình một ngựa tung hoành nơi trận địa vắng kẻ địch đã đành, vắng cả người vỗ tay hoan hô. Vì không một độc giả nào được thấy mặt các tác phẩm suy đồi bị đem ra phê phán. Khẳng định “không một độc giả nào” hoàn toàn không hàm hồ. Vì ngay cả người có quyền lực thì cũng chỉ được đọc các tác phẩm bị họ phê phán… qua những bản tóm tắt. Chắc chắn như vậy.

Vụ Bên A phê phán Bên B cho thấy điều đó.


Phê phán việc phê phán

Chuyện xảy ra năm 1970. Bên B in bài “Nước Mỹ bi thảm qua cái nhìn của Uy-li-em Fô-ốc-ne” làm Bên A sửng sốt. Không chịu được sự cẩu thả, sự sai lạc, sự hàm hồ trong bài nghiên cứu kia, Bên A đã viết mấy lời gửi tác giả để đính chính những chỗ người “chiến sĩ” kia hiểu sai “kẻ địch”. Xin tóm tắt mấy ý như sau.

  1. Về cách phiên âm tên tác giả: sao lại là Fô-ốc-ne? Hãy thử phát mấy âm tiết đó coi, liệu có thành Faulkner không? Bên A đề nghị giản dị như sau thôi: Fócnơ. Điều chấn chỉnh đầu tiên này gợi lên một ý khác – mà lúc đó Bên A không muốn nói – phiên âm sai làm lộ ra chút gì đó về sự thiếu thẩm quyền của Bên B.

  2. Vì không am tường tiếng Anh, ít ra là vì thế, nên cái tên tiểu thuyết The Sound and the Fury cũng dịch sai. Bên B dịch “Hò hét và phẫn nộ”. Bên A phân tích lại: hò hét chỉ bao hàm tiếng người, còn ở đây là những âm thanh đủ kiểu, không chỉ của con người, như xuất xứ của cuốn tiểu thuyết từ một độc thoại của Macbeth “Đời là một tích truyện do một thằng đần kể, đầy huyên náo và cuồng nộ, chẳng có ý nghĩa gì hết”.

  3. Không chỉ là chuyện dịch sai, đây là chuyện Bên B không hiểu hết hàm nghĩa của toàn bộ câu chuyện thông qua các nhân vật cụ thể. Vì thế mà, trong khi đầy ưu ái với nhân vật Jason, nhân vật bị ngòi bút của Faulkner dồn hết sự khinh ghét vào việc khắc hoạ hắn như một gã ti tiện, thô tục, đểu cáng, lí tài và phân biệt chủng tộc, thì Bên B lại tỏ ra khắc nghiệt với chính những nạn nhân của Jason, và nhất là đã bỏ qua nhân vật đầy chất triết lý như bà vú da đen Dilsey, kẻ chứng nhân “đã thấy từ đầu chí cuối” mọi chuyện…

  4. Cũng tương tự như vậy, do không đọc nguyên văn, do thiếu cảm nhận tinh tế, Bên B đã dịch sai và cũng là hiểu sai tác phẩm Nắng tháng Tám cũng của Faulkner! Cụ thể là, và đó là điều trầm trọng, Bên B đã “quên mất” một nhân vật cực kỳ quan trọng, cô Lena Grove, người lặn lội đi tìm tên Sở Khanh và đã vì thế mà bị dấn thân vào biết bao điều khốn khổ… cho tới khi sinh con, toàn thân được Light in August (“nhẹ tênh đi vào tháng Tám” chứ không phải “Nắng tháng Tám” như Bên B dịch).

Thẩm quyền

Bạn đọc có thể mở toàn bộ hồ sơ Bên A Bên B vừa rồi trong tập sách của nhà thơ Dương Tường Chỉ tại con chích choè.

Dương Tường Bên A không có quyền lực gì trong ngạch phê bình văn học. Nhưng nhà thơ này, với năng lực cảm thụ văn chương, với khả năng đi vào văn bản gốc, với sự khiêm nhường của người biết thì thưa thốt nên đã tạo cho mình một thẩm quyền, là cái những quyền lực vì lý do gì đó cứ không có và không thể có nổi.

20-6-2007

© 2007 talawas