trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 257 bài
  1 - 20 / 257 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học nước ngoài
13.7.2007
Jürgen Kremb
Một con sói khoác bộ áo cừu
Phạm Toàn dịch
 
Người dân khắp Trung Hoa đang cố tìm xem ai chính là cái ông tác giả bí ẩn của cuốn sách được bàn cãi nhiều nhất và bán chạy nhiều triệu bản Tôtem Sói. Tác giả cuốn sách nặng kí ấy là một người chống đối nổi tiếng, viết văn với bút danh Khương Nhung. Nếu ông dùng tên thật, sách của ông chẳng khi nào ra mắt công chúng được.

Bìa Tôtem Sói, cuốn sách mô tả người Trung Hoa như là những con cừu không còn một chút ý chí nào nữa
Chúng ta là sói hay chỉ là những con cừu? Đó là chủ đề của những cuộc tranh cãi nồng nhiệt giữa những người đam mê lịch sử nước nhà, những nhà trí thức có đầu óc phê phán, và các đại gia say sưa phát triển công nghiệp.

Những người tộc Hán, tộc người chiếm đại đa số dân cư nước Cộng hoà Nhân dân Trung hoa, là một bầy cừu sống ngoan ngoãn, cần phải học tính chất tàn bạo của những con sói Mông Cổ – ít ra đó là chủ đề xuyên suốt cuốn sách 650 trang Tôtem Sói. Mới đây, sách đã phá tất cả các kỷ lục bán ra và, ngoại trừ những cuốn sách đỏ, Kinh Thánh của ông Mao, thì chẳng có xuất bản phẩm nào bên trong nước Trung Hoa có nhiều người đọc hơn. Ngay khi xuất hiện lần đầu năm 2004, tác giả cuốn sách, nấp sau bút danh Khương Nhung, đã ẵm mười giải văn chương vì lối kết hợp được cả tiểu sử, chuyện loài vật và những quan sát dân tộc học vùng đồng cỏ Mông Cổ. Những giọng hay nhất của Đài Phát thanh Bắc Kinh đã đọc cuốn sách 12 phần đó trên sóng vào buổi “Thời gian Vàng”, giờ phát thanh đẹp nhất trong ngày. Chừng bốn triệu bản sách hiện đang nằm trong tay bạn đọc.

Đây là loại thành tựu mà Đảng Cộng sản không muốn để lọt tai. Những nhà xuất bản nước ngoài đang lao vào đấu thầu mua bản quyền dịch tiểu thuyết này. Một nhà xuất bản ở Tokyo đưa ra con số 300.000 USD riêng cho bản quyền đưa sách này lên phim hoạt hình. Nhà Penguin Books dự định xuất bản bản tiếng Anh đã lập kỷ lục khi ứng trước 100.000 USD mua quyền phát hành cuốn sách này trên toàn thế giới. Và bộ phận Random House của nhà Bertelsmann đặt 20.000 Euro cho bản quyền bản tiếng Đức.

Song mặc dù thành công như thế, nhưng vẫn còn khó khăn – Khương Nhung từ chối tham gia vào mọi công việc quảng cáo sách, bất kể là với bộ máy tuyên truyền của Đảng Cộng sản hoặc với nhà xuất bản nước ngoài. Nhà văn tuổi đang về già này có thể thu được thành tích sách bán chạy hơn nếu ông tham gia, nhưng ông không phải là sói. Ông già sáu mươi ngồi trên chiếc ghế mây trong một vườn trúc ở khu vực “Tây” của Bắc Kinh – nhút nhát và dè dặt như con gấu Panda khiến đất nước mình nổi tiếng.


Từ người chống đối thành nhà văn

"Chụp ảnh nhé?" – Không, không để công bố, chỉ để kỷ niệm thôi, ông nói. "Tôi ghét mọi điều thổi phồng. Tôi chút nữa thì suy tim chỉ vì viết câu chuyện đó ra." Ông không nhận quyền tác giả khi sách của ông lên sân khấu – xuất hiện vào đêm công diễn đầu tiên hẳn là một ác mộng đối với ông. Chỉ có năm con người – trong đó tính cả vợ ông – biết rõ ai là người đứng sau bút danh Khương Nhung. Nhà nghiên cứu chính trị học tại một trường đại học lớn của Bắc Kinh này đã mời phóng viên Spiegel Online tới nhà mình để trả lời phỏng vấn. Tác giả Tôtem Sói chắc là vẫn chưa lộ diện cho các nhà báo Trung Hoa, và ông đã trả lời với điều kiện có thể không công bố tên thật khi đăng bài báo này. Nếu để tên thật, các nhà kiểm duyệt Trung Hoa chắc là không bao giờ cho sách của ông ra đời. Tiếp theo cuộc sinh viên nổi dậy và bị thảm sát ở Thiên An Môn ngày 4 tháng 6 năm 1989, Khương Nhung bị vào tù hai năm. Đến bây giờ ông vẫn còn bị cấm dạy học. Và cũng không có hộ chiếu hoặc được quyền đi khỏi đất nước.

Đảng Cộng sản kết án ông là đứng chung trong nhóm chống đối tìm cách thúc đẩy các đảng viên cộng sản cả nước tiến hành những cải cách dân chủ dạo mùa xuân năm 1989. Bản thân ông xúc phạm họ những gì về mặt tinh thần? Ông tìm cách diễn biến hoà bình để Đảng Cộng sản thành đảng đi theo những nguyên lý dân chủ xã hội.

Thật hoàn toàn dễ hiểu là ông phải hết sức thận trọng khi ngồi vào bàn viết cuốn tiểu thuyết Tôtem Sói của mình. Quãng sáu năm trước, vợ ông, một nhân vật có vị trí vững vàng trên sân khấu văn hoá Trung Hoa, bắt đầu nhận thấy ông có những thay đổi lạ lùng về hành vi. Ban đầu, bà nghĩ đó là do tuổi già. "Đột nhiên, ông ấy ngày nào cũng đóng kín cửa ở lỳ trong phòng làm việc và không cho tôi biết ông ấy đang làm chuyện gì.”

Trong căn buồng sáu mét vuông, ngồi lút giữa những đống sách chất cao, nhà nghiên cứu chính trị học bắt đầu tự vấn lương tâm, sử dụng những công trình nghiên cứu về hành vi, về sinh thái và về lịch sử đồng cỏ Mông Cổ. Kết quả là có được một thứ vũ điệu sói Trung Hoa, một bản tự truyện của một chàng trai Trung Hoa tìm cách sống chung với sói.


Đời sói

Lớn lên ở thành phố Bắc Kinh cộng sản của Mao Trạch Đông, Khương Nhung chạy trốn cảnh điên rồ của Cách mạng Văn hoá bằng cách tình nguyện đi vào vùng đồng cỏ Mông Cổ, sống ở đó với một gia đình du mục.

Một bữa kia, ông quyết định không làm theo những lời dặn dò của ông chủ gia đình và tự mình lao vào cuộc sống hoang dã. Tình cờ, ông rơi vào một vùng săn của một bầy sói. Pha trộn cả hoảng sợ và bái phục, chàng Khương Nhung trẻ tuổi theo dõi đàn thú ăn thịt vô cùng thông minh săn đuổi một đàn cừu qua một con dốc đẩy đàn cừu vào chỗ chết. Xác cừu được tha vào hang cất trong đó làm thức ăn đông lạnh cho sói ăn vào mùa đông.

Ông thấy hết sức khâm phục chúng, và từ đó ông bắt đầu nghiên cứu đời sống loài sói. Công việc đầy kịch tính và âu sầu của ông khi thuần dưỡng một con trong đàn sói thật là vô cùng thích hợp cho một bộ phim Hollywood – đặc biệt cái thời điểm ông nhận được ra rằng thuần hoá được một con vật trong số những con vật thông minh hơn cả đó cũng có nghĩa là giết chết nó.

Sự phê phán mang tính xã hội bị kết án của cuốn tiểu thuyết chỉ bắt đầu khi mô tả cảnh lính tráng từ tỉnh lỵ đến thảo nguyên và ép mục dân Mông Cổ từ bỏ lối sống du mục của họ. Ông Khương Nhung phải đi cùng những người mặc đồng phục đi săn sói và theo dõi cuộc săn thành một cuộc tàn sát đẫm máu để tiêu diệt loài sói.

Khi binh lính tới đông thêm, số lượng sói bị giết càng tăng. Hệt như ở Tây Tạng, việc thuộc địa hoá xứ sở này của người Trung Hoa đã tạo ra thảm hoạ sinh thái đối với cảnh quan tự nhiên vẫn còn nguyên vẹn ở Nội Mông. Những người dân Trung Hoa tới định cư biến đổi thảo nguyên thành ruộng lúa, nhưng không còn sói nữa, và chuột mau chóng trở thành đại dịch. Cừu thành hoang dại gặm cỏ cho tới khi những đồng cỏ đầy bụi. Những trận bão cát Mông Cổ thổi qua Bắc Kinh tới tận Seoul. Từ chỗ chỉ đơn thuần là một chuyện kể mang tính đạo đức, giờ đây thực tại trong Tôtem Sói là thực tại diễn ra mỗi mùa xuân, một tấm gương về tác động nghiêm trọng của sự bùng nổ kinh tế không kiểm soát nổi đối với lân bang.


Hiểu lầm về tư tưởng

Nhưng người kể chuyện đầy tài năng không bỏ rơi độc giả trước một viễn cảnh trơ trụi. Một lời Vĩ thanh dài 60 trang ở cuối sách khiến ta nhớ lại việc phê phán cuốn sách Hoàng Sơn. Hoàng Sơn là tuyển tập những bài viết phê phán do các nhà trí thức hàng đầu Trung Hoa viết, đã tạo ra mồi lửa tư tưởng cho cái rồi sẽ thành những ngọn lửa bùng to của cuộc nổi loạn của sinh viên năm 1989.

Lý thuyết của Khương Nhung cho rằng người Hán của Trung Hoa đã hoá thành cừu an phận cả rồi, họ chấp nhận bất kỳ sự lãnh đạo nào hơn là phải nhảy lên cầm dây cương phóng tới tương lai của chính mình, như hành động vẫn thường thấy ở loài sói.

Nhưng điều này cũng có thể bị diễn giải không đúng. Kai Strittmater của tờ Süddeutsche Zeitung (Nhật báo Nam Đức) lại thấy cuốn tiểu thuyết của Khương Nhung tạo cơ sở cho việc Mỹ Latin hoá nước Trung Hoa – một sự biến đổi từ chuyên chế cộng sản sang chính quyền phát xít. Thật là vô nghĩa, tác giả Tôtem Sói bác lại, lưu ý rằng cuốn sách của mình chỉ là tác phẩm của một nhà tư tưởng phê phán cánh tả mà thôi.

Nhưng kể từ khi xuất bản Tôtem Sói, ít ra thì đã có bốn quyển sách nhắm vào công việc điều hành nước Trung Hoa của giới tinh hoa, và cùng nêu ra một câu hỏi: "Làm cách gì chúng ta có thể dùng được chiến lược của sói để làm cho Trung Hoa còn thành công hơn nữa?" Chính phủ thì dùng bộ máy tuyên truyền của Trung ương Đảng để lộ tin tức rằng các uỷ viên Bộ Chính trị đầy quyền lực đều đã nghiên cứu cuốn sách và cho rằng đó là một "công trình có ý nghĩa".

Dĩ nhiên là tất cả những chuyện đó đều xảy ra trước khi bộ máy an ninh quốc gia gửi tập hồ sơ dầy cộp tới các ông chủ về chính trị của đất nước này, cho biết chính thức ai là kẻ đã viết ra những cuộc khiêu vũ của anh ta với loài sói. Một khi căn cước của Khương Nhung đã bị lộ, người ta liền thông báo cho các nhà xuất bản rằng từ đây họ không được phép in sách với những bút danh, trừ phi cơ quan kiểm duyệt đã biết rõ căn cước thật của tác giả – cùng với các khuynh hướng chính trị của ông ta bà ta. Chỉ thị này đến hơi muộn để có thể hãm được thành công của Khương Nhung.


Bản tiếng Việt © 2007 talawas
Nguồn: Bản tiếng Anh của Spiegel Online, Andrew Burkeley dịch từ tiếng Đức.