trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 257 bài
  1 - 20 / 257 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học nước ngoài
20.8.2007
Edward Cody
Chế độ kiểm duyệt dai dẳng ở Trung Quốc đã tạo ra một kĩ năng thoả hiệp
Song Vũ dịch
 
Diêm Liên Khoa (Yan Lianke), một trong những nhà văn đương đại Trung Quốc được ưa chuộng nhất, đang soạn một cuốn sách mới, ông dùng ngòi bút tín nhiệm của mình gạch bỏ những dòng chữ từ cuốn sách hứa hẹn sẽ là một sự châm biếm cay chua khác về đời sống dưới chế độ cộng sản.

Thế nhưng lại không cay chua cho lắm.

Diêm cho biết cuốn tiểu thuyết hiển nhiên là một câu chuyện phi lý về một vị giáo sư tuy có thiện chí nhưng lại nhu nhược, được viết bằng thủ pháp tưởng tượng và hư cấu rất rõ rệt, vì như thế mới hi vọng cuốn sách thoát khỏi sự cắt xén của kẻ kiểm duyệt. Mắt Diêm hấp háy trong khi trình bầy. Ông đang viết hai phiên bản cùng một lúc để làm dịu những phần gây tranh cãi đối với độc giả Trung Quốc và những giám hộ của Đảng, trong khi vẫn giữ đủ hương vị tưởng tượng đầy khiêu khích cho những ấn bản sẽ được xuất bản ở nước ngoài, nằm ngoài gọng kềm của kiểm duyệt.

Ông thừa nhận qua một cuộc phỏng vấn, “Dĩ nhiên, kiểu viết lách này ảnh hưởng tới chất lượng của cuốn sách”, ông mỉm cười như thể đang chia sẻ một bí mật gia đình.

Sự thoả hiệp một phần của Diêm minh hoạ cho một trong những nét bi thảm mà chế độ kiểm duyệt của Đảng Cộng sản đã áp đặt lên báo chí và nghệ thuật Trung Quốc. Về nhiều phương diện, 1,3 tỷ dân của đất nước này bị tước đoạt sự nở rộ trong văn hoá. Hàng ngàn nghệ sĩ như Diêm bị buộc phải tính toán mức độ có thể tránh né thay vì giảI phóng tài năng của họ.

Trung Quốc đã đi một đoạn đường dài so với những ngày còn Mao Trạch Đông, lúc đó việc ca ngợi xã hội chủ nghĩa là hình thức duy nhất của nghệ thuật được Đảng cho phép. Tuy nhiên, nguyên tắc ấy vẫn được giữ y nguyên. Đảng vẫn còn là bộ máy quan liêu khổng lồ với quyền hạn rộng rãi trong sự kiểm soát việc nghe, nhìn và đọc của nhân dân Trung Quốc. Sau gần 30 năm tiến hành cải cách do Đặng Tiểu Bình khởi xướng, chế độ kiểm duyệt là cái thay đổi ít nhất trong đường lối của Đảng.

Kết quả là, các nhà văn và những nghệ sĩ khác bị bắt buộc phải dọ dẫm giữa điều họ muốn nói và điều mà Đảng cho phép làm – và còn phải cân nhắc xem cái giá phải trả nếu bị các quan chức kiểm duyệt đưa ra lệnh cấm. “Đó mới thực sự là chuyện đau đầu”, Diêm nói bằng ngôn ngữ bộc trực của quê quán gốc nông dân tỉnh Hà Nam của ông.

Vào tháng tới này Diêm Liên Khoa bước sang tuổi 49, và ông chẳng phải là người lạ lẫm gì với giới kiểm duyệt của Trung Quốc. Cuốn tiểu thuyết đầu tay của ông, Hạ nhật lạc [Mặt trời mùa hè lặn] bị cấm trong năm 1994 vì xúc phạm đến giới quan chức khi mô tả hai anh hùng quân đội trở nên hủ hoá. Vấn đề càng tồi tệ hơn, vì khi ấy Diêm đang phục vụ trong Quân đội Giải phóng Nhân dân và được chỉ định viết tuyên truyền. Ông bị đuổi ra khỏi quân đội trong thập niên sau đó khi cho xuất bản cuốn Hưởng thụ, một câu chuyện hài về những quan chức địa phương cố gắng mua thi hài Lênin từ Nga về nhằm thu hút khách du lịch tới cái thị trấn hẻo lánh của họ.

Cuộc đụng đầu nổi đình đám của Diêm với các quan chức kiểm duyệt xẩy ra năm 2005, khi một tờ báo văn học cho in một tiểu thuyết ngắn Vị nhân dân phục vụ [Phục vụ vì nhân dân] của ông, nói về vợ một viên sĩ quan lục quân tằng tịu với một binh nhì, và cô ta nhận thấy rằng việc phá huỷ hình tượng Mao và xé vụn cuốn sách Đỏ làm tăng cường khả năng tình dục của cô.

Các ấn bản tạp chí này đã bán chạy. Cho đến khi các cán bộ trong Ban Tuyên truyền Trung ương của Đảng biết được lý do của việc bán chạy này, họ ra lệnh khẩn cấp thu hồi 30 ngàn bản đã được phát hành và cấm không được phân phối nữa.

Bất chấp lệnh cấm và lên án – những quan chức nổi giận đã cho câu chuyện này bôi nhọ Quân đội Giải phóng – cuốn sách đã mau chóng lôi kéo sự chú ý của những người yêu văn chương. Nó đã được dịch và xuất bản ở nước ngoài và vẫn còn được giới trẻ Trung Quốc đọc khắp nơi nhờ kĩ năng truy cập những trang Web ở hải ngoại bị cấm.

Cuộc đụng độ mới đây của Diêm với giới quan chức đã phơi bầy một số phương diện thủ đoạn nhất của nền kiểm duyệt tại Trung Quốc, nó bao gồm cả việc che đậy những vấn đề y tế công cộng như dịch AID và SARS dưới danh nghĩa là để duy trì một hình ảnh tốt đẹp cho đất nước. Diêm nói rằng ông quan tâm tới dịch AIDS qua một người bạn. Ông liên lạc với Cao Diệu Khiết (Gao Yaojie), một bác sĩ đã can đảm đem sự bùng phát của căn bịnh này ở Hà Nam ra trước công luận và cung cấp đầy đủ thông tin cho Diêm biết việc bán máu ra sao đã gây nên sự llây nhiễm toàn thể đến những ngôi làng.

Năm 2004, sau khi sự kiểm duyệt mối đe doạ về y tế bắt đầu được nới lỏng sau dịch SARS, Diêm giả đóng vai phụ tá cho một nhà khảo sát dịch AIDS để trở lại Hà Nam truy tìm những gì đã xẩy ra ở nơi ấy. Một cán bộ đảng viên địa phương cho ông tiến hành công việc nhưng bắt ông hứa sẽ không được viết về những điều ông khám phá, vì cho rằng sự thật ấy nếu bị phanh phui sẽ làm huỷ hoại nền kinh tế.

“Lúc đầu, tôi cũng hi vọng sẽ viết một cuốn tiểu thuyết kiểu người thật việc thật về tình hình tại Hà Nam, và rồi sau đó có thể là một cuốn tiểu thuyết”, Diêm hồi tưởng lại. “Nhưng cứu xét việc cuốn Vi nhân dân phục vụ bị cấm vào năm 2004, tôi cho rằng khó mà qua mặt được giới kiểm duyệt cho một cuốn sách như thế được chấp thuận. Vì thế, cuối cùng tôi quyết định viết theo lối tiểu thuyết trước”.

Đinh trang mộng [Giấc mộng làng Đinh] được hoàn tất vào tháng 8 năm 2005 và được xuất bản đầu năm 2006. Trong thế giới hư cấu của làng Đinh, nông dân được khuyến khích hiến máu cho nhiều, và chính quyền kiếm bộn tiền qua việc bán số máu này, và rồi một đường ống dẫn máu được thiết đặt để vận chuyển máu ra thị trường y như thể xăng dầu vậy.

Việc lên án đã quá rõ ràng. Tuy nhiên tính châm biếm đã được giảm bớt theo yêu cầu của nhà xuất bản, và những cảnh hư cấu đã được gọt cho tròn trịa. Diêm nói: “Tôi chẳng quan tâm nhiều tới điều ấy”, “Đó đâu có phải là nghề báo, đúng không? Chính là lý do tại sao tôi phải viết dưới dạng tiểu thuyết.”

Nhưng các viên chức kiểm duyệt của Đảng lại quyết định theo kiểu khác. Họ can thiệp với nhà xuất bản sau khi 100.000 cuốn đã được in, trong đó 80.000 cuốn đã được phân phối tới các tiệm sách. Ren Chun, một phát ngôn viên của Công ty Xuất bản Văn Nghệ Thượng Hải đã viết một lá thư cho giới truyền thông Trung Quốc nói rằng, “Chúng tôi đã nhận được lệnh từ cấp trên không được phép xuất bản, bán, và quảng cáo cuốn sách”. Trong cùng bức thư, bà ta nói rằng báo chí nên hạn chế việc viết về lệnh cấm này bởi vì dịch AIDS là “một đề tài rất nhạy cảm” ở Trung Quốc .

Diêm nói là ông chưa hề được các giới chức kiểm duyệt liên lạc và cũng chẳng hề biết lệnh cấm này bắt nguồn từ đâu và tại sao. Ông chỉ biết có sự can thiệp của kiểm duyệt khi những món từ nhà xuất bản ngưng không gởi cho trả tiền cho ông nữa. Đó là thủ tụcthơng thường, ông lưu ý, bởi vì những hoạt động của giới kiểm duyệt mà chính họ cũng bị kiểm duyệt.

Đối với một nhà xuất bản muốn tồn tại, hoặc một biên tập viên còn muốn giữ việc làm của mình thì sự cân nhắc này là quan trọng. Jia Zongpei, tổng biên tập của Công ty Xuất bản Văn nghệ Thượng Hải đã treo máy khi một phóng viên hỏi “cấp trên” nào đã ra lệnh cho ông ta ngưng xuất bản cuốn sách. Ông nói: “Tôi không thể nói với ông bất cứ điều gì về vấn đề này. Xin vui lòng thông cảm cho tôi.”

Xu Naiqing, giám đốc xuất bản sách của Phòng Tuyên truyền báo chí và xuất bản Thượng Hải nói rằng văn phòng ông ta không ban lệnh cấm, cho dù nhà xuất bản đóng đô ngay tại Thượng Hải. Những viên chức thuộc Phòng Tổng Quản lý Báo chí và Xuất bản, thuộc chi Bộ tuyên truyền Trung ương tại Bắc Kinh nói rằng họ không rõ lệnh cấm xuất phát từ đâu. Họ đề nghị nên fax câu hỏi tới; câu hỏi được gởi tới, nhưng không có câu trả lời.

Từ đó Diêm có kinh nghiệm về việc cấm sách, ông ý thức rằng phải dàn xếp để thu lợi nhuận trên những cuốn sách đã được bán ra trước khi có lệnh cấm. Đối với ông, điểm quan trọng là hợp đồng có điều khoản bắt buộc nhà xuất bản phải trả một khoản tiền khoảng 6.500 Mỹ kim cho dân làng có thực trong truyện để điều trị cho những bệnh nhân AIDS.

Nhà xuất bản từ chối, nại rằng họ đã bị tổn thất quá lớn về tài chánh. Diêm, người đã hứa sẽ hiến tặng một khoản tiền tương đương từ số tiền kiếm được, và ông đã gửi nhiều đơn thỉnh cầu. Khi nhà xuất bản làm ngơ, ông nói, tôi đã thuê một luật sư đâm đơn kiện. Cuối cùng sau một cuộc phân xử lâu dài, vụ kiện được dàn xếp vào tháng 4 với số tiền bồi thường khoảng 50.000 Mỹ kim cho Diêm, dựa trên số ấn bản đã bán ra trước khi giới kiểm duyệt nhúng tay vào, tuy nhiên không có khoản hiến tặng cho dân làng.

Chính Diêm tự cho mình là có trách nhiệm ngay cả trước khi có vụ dàn xếp. Ông đã chuyển giao số tiền tương đương 13.000 Mỹ kim cho dân làng vào tháng Giêng, ngay trước Tết tân niên, ông nói, làm như vậy dân làng mới có đủ tiền để có bữa ăn bánh bao theo phong tục cổ truyền.

Mặc dù qua kinh nghiệm của mình, Diêm Liên Khoa cho rằng đời sống của nhà văn ở Trung Quốc đang được cải thiện và ông không có ý định di cư. Ông nhớ lại cách đây 13 năm, lần đầu gặp rắc rối với cuốn tiểu thuyết đầu tay, các cán bộ tuyên truyền đã bắt ông phải viết kiểm điểm suốt 6 tháng. “Nhưng với cuốn Đinh trang mộng, tôi đã không phải viết kiểm điểm gì, và đó là điều tiến bộ”, ông nói câu ấy kèm theo nụ cười nửa miệng ngược hẳn với cảm quan châm biếm của mình. “Tôi tin rằng một ngày nào đó trong tương lai, nhà văn có thể cho xuất bản bất cứ điều gì họ viết về Trung Quốc”.

Bản tiếng Việt © 2007 talawas