trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 257 bài
  1 - 20 / 257 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học nước ngoài
1.9.2007
Helen Brown
Sản xuất ở Trung Hoa, đón đọc khắp thế giới
Phạm Toàn dịch
 
Trên trang eVăn thuộc VnExpress.net ra ngày 26-7-2007 có bản dịch không đầy đủ một bài báo nhan đề “Văn học Trung Quốc đắt hàng ở nước ngoài”, với chú thích rất sơ sài: “Nguồn Telegraph”, người dịch ký tên tắt là H.T. Chúng tôi xin giới thiệu bản dịch nguyên văn bài báo nói trên để bạn đọc tham khảo.
talawas
Mười lăm năm trước đây, một cuốn sách khổ lớn bìa màu xanh xuất hiện trên cái đất nước vốn chỉ được biết đến qua một cuốn sách bìa đỏ bé xíu.

Cuốn hồi ức gia đình tựa đề Thiên nga hoang dã của Trương Nhung (Jung Chang) [1] kể lại câu chuyện xé lòng về ba thế hệ phụ nữ trên đất nước Trung Hoa: một người là vợ lẽ của một tướng lĩnh, một người tham gia hoạt động cách mạng nhưng bị bội phản, và một cô tiểu tướng Hồng Vệ binh bất đắc dĩ, người sau này trở thành nhà văn.

Được bán hơn 10 triệu bản và năm nào cũng đứng đầu danh sách “tiểu sử phản ánh lịch sử được mượn đọc nhiều nhất” tại các thư viện nước Anh, Thiên nga hoang dã đúng là một hiện tượng về xuất bản và một thắng lợi của một tác giả hồi 16 tuổi đã phải tháo trôi qua bồn cầu nhà xí bài thơ đầu đời của mình để bọn người đang hành hạ cha mình không vớ được.

Kể từ đó, từ từ nhưng chắc chắn, chúng ta bị sách Trung Hoa hấp dẫn, và qua các hồi ký như Thiên nga hoang dã Bụi hồng của Mã Kiến (Ma Jian), cuốn sách đoạt giải Thomas Cook Travel Book năm 2002, chúng ta đã tìm ra lối đi vào thế giới tiểu thuyết Trung Hoa.

Năm 2000, Cao Hành Kiện (Gao Xingjian) đoạt giải Nobel Văn chương vì cuốn tiểu thuyết Linh sơn đầy suy ngẫm của ông. Năm 2001 bản quyền cuốn sách công nhiên nói chuyện tính dục của Vệ Tuệ mang tên Búp bê Thượng Hải được bán cho 19 nước, sau khi sách này bị nhà cầm quyền Trung Hoa đem đốt 40 nghìn bản.

Năm ngoái, cuốn Từ điển Chân xác Hoa-Anh dành cho các tình nhân của Quách Tiểu Lỗ (Guo Xiaolu) đã lọt vào vòng chung kết giải Orange dành cho tiểu thuyết [2] . Và tác phẩm rất “nghịch tặc” mang tên Phục vụ nhân dân! [3] của Diêm Liên Khoa (Yan Lianke) thế nào cũng là thành công lớn cuối mùa hè năm nay.

Lấy bối cảnh là thời kỳ cao điểm sùng bái cá nhân Mao Trạch Đông năm 1967, sách mô tả anh lính cần vụ cùng bà vợ một ông tư lệnh sư đoàn bị liệt dương tham gia một trò chơi tính dục nguy hiểm trong đó họ cùng đập phá tượng Mao trong khi làm tình với nhau.

Phần lớn những gì kích thích người đọc ở tiểu thuyết của Diêm Liên Khoa đều xoay quanh cái nhãn mác “Bị cấm ở Trung Hoa”, in đậm nhái theo phong cách các khẩu hiệu tuyên truyền ngay trên bìa bản in tiếng Anh.

Việc kiểm duyệt lắm khi lại là hình thức quảng cáo rất hay, và những tác phẩm nào bị cấm ở một chế độ không thuộc phương Tây lại khiến chúng ta khoái gấp đôi, vì chúng ta vừa được ăn trái cấm, vừa vênh vang cảm thấy so với họ thì mình tự do biết bao.

Michel Hockx, giáo sư Hoa ngữ Đại học London, nói rằng có những tác giả người Trung Hoa tìm cách làm cho sách họ bị cấm, lấy đó làm con đưòng đi tắt đến các nhà xuất bản nước ngoài. Có những người còn giả vờ rằng họ bị cấm trong khi chính quyền Trung Hoa thực ra không để ý gì đến họ.

"Nhưng trong trường hợp tiểu thuyết của Diêm Liên Khoa thì tôi cho rằng chuyện bị cấm là chính xác", ông nói. "Bất kỳ chuyện gì công khai đả kích vào hình ảnh Mao đều là bất hợp pháp. Không giống như các luật chống phỉ báng của bên Tây, luật của Trung Hoa quy định cấm phỉ báng cả những người không còn sống nữa. Nhưng bây giờ đây ở Trung Hoa bạn có thể viết bất cứ điều gì mình thích miễn là không trực tiếp đả kích chính phủ." Hockx cũng nói đến cảnh chợ đen sôi động trong nước Trung Hoa mua bán các tiểu thuyết cấm.

Toby Eady, nhà đại lý đã bỏ ra bảy năm để đưa sách của Trương Nhung lên các giá sách của chúng ta, giờ đây là nhà tư vấn xuất bản tiểu thuyết Á châu cho công ty Picador, nói:

"Bây giờ chuyện cấm đoán ở Trung Hoa cũng bớt rất nhiều. Ngày trước có Sách Vàng và Sách Xanh: Sách Vàng nói chuyện sex, và Sách Xanh nói chuyện chính trị. Chúng tôi trước đây thường phải tới gặp các ông công an để tìm biết xem cái gì bị cấm. Nhưng bây giờ thì không thế nữa. Ít ra là với sách sex thì không. Với sách chính trị thì có thể."

Cho dù ở phương Tây người ta vẫn thèm đọc những hồi ký kể khổ, Eady cảm thấy rằng từ phía Trung Hoa, cái thèm đó không còn nữa, mặc dù sau thành công của Thiên nga hoang dã, loại sách này đang tràn ngập thị trường.

"Tôi có lần ngồi trò chuyện với Wei Liang và Fan Wu, và hai vị đều nói về những ngày còn nhỏ tuổi các vị đã phải sống trong các trại cải tạo ra sao," Eady nói.

"Cha mẹ cả hai vị đều là những phần tử trí thức vào thời có Hồng Vệ binh. Khi đó Milan Kundera là tác giả phương Tây được nhiều người tìm đọc nhất tại Trung Hoa. Người Trung Hoa thích đọc Kundera vì họ có những trải nghiệm tương tự. Họ liên hệ tới những ngày chẳng một ai được quyền có hạnh phúc hết."

"Hai năm trước đây”, ông kể tiếp, "lần đầu tiên các nhà xuất bản Anh đến Hội chợ sách Bắc Kinh. Họ nhắm mắt mua sách mà chẳng cần biết ai sẽ dịch chúng. Đó là một hình thức quảng cáo, một thứ chính sách của công ty. Mấy năm trước, được yêu cầu phát biểu về nước Trung Hoa trước nhiều nhà xuất bản lớn, tôi có nói rằng họ phải tôn trọng văn hoá của nó - xuất bản các tác phẩm hay qua những bản dịch tử tế, không phải là qua các bản dịch vớ vẩn. Sang năm sẽ có vô số sách dịch được xuất bản."

Eady nhìn thấy những khó khăn về ngôn ngữ là cả một “vạn lý trường thành” và phân biệt rõ ràng giữa các tiểu thuyết viết bằng tiếng Hoa rồi được dịch ra tiếng Anh như cuốn Các cô nàng gày gò [4] , tiểu thuyết đầu tay của Hân Nhiên (Xinran) vợ ông và những cuốn viết bằng tiếng Anh của các tác giả Trung Hoa (như cuốn Các bà vợ Gió Đông của Liu Hong).

"Chúng ta có thể chiêm ngưỡng các tòa nhà, những đồ sành sứ, các bức hoạ, ngọc ngà châu báu và tượng cả ở trong nhà bảo tàng cũng như ngoài đường phố, nhưng chúng ta không thể hiểu nổi bản chất của tiếng Hoa”, Eady nói.

"Làm cách gì để chúng ta thâm nhập được vào tiếng Hoa với tư cách một ngôn ngữ và một phương cách tư duy? Chẳng có cách gì khác ngoài đọc sách, hiểu Trung Hoa qua lịch sử của nó thay vì qua cách nhìn của phương Tây đối với lịch sử nước này. Những bản dịch tốt đòi hỏi nhiều thời gian và sự hợp tác giữa tác giả và người dịch. Hiện có ít nhà xuất bản có được nhiều thời gian như vậy."

Các nhà văn phương Tây thế kỷ thứ 20 hoặc làm tiếng Hoa trở nên nhạt nhẽo, hoặc lãng mạn hóa nó thái quá, nhất là tiếng Hoa dưới dạng chữ viết. Ezra Pound, nhà văn hiện đại chủ nghĩa, gọi chữ Trung Quốc là những “chữ tượng hình bí ẩn hiển hiện trước mắt”, tạo thành những "khêu gợi nghệ thuật nửa là chữ nửa là hội hoạ trước mắt ta"; một bức phác thảo sinh động diễn tả lại vận động của thiên nhiên.

Esther Tyldesley, người dịch tiểu thuyết của Hân Nhiên sang tiếng Anh, so sánh việc dịch từ tiếng Hoa sang tiếng Anh như là chuyện đem mây cất vào hộp. Bà nhấn mạnh vào những chỗ chơi chữ tinh vi gần như không sao dịch nổi của tiếng Hoa. Mặc dù bà đã sống ở vùng quê Trung Hoa trong bốn năm và lấy chống người Trung Quốc, Tyldesley vẫn nói rằng việc dịch tiểu thuyết Các cô nàng gày gò đòi hỏi bà nhiều lần phải hỏi tác giả về những chi tiết nhỏ nhặt của Nam Kinh.

"May cho tôi”, bà viết, "Hân Nhiên bao giờ cũng sẵn sàng giải đáp cho tôi mọi điều. Món mì sợi Dương Xuân như thế nào? Các chú Hồng Vệ binh làm gì với loại giấy mỏng mảnh lấy đi ở các nhà gái làng chơi? Có thật là món ăn khoái khẩu của các cô gái Nam Kinh là món trứng vịt lộn vẫn còn lông và phôi bên trong không?"

Có những chỗ khác nhau về văn hoá cả trong cách kể chuyện cũng như trong ngôn ngữ. Xưa nay, tiểu thuyết vẫn bị coi là hình thức thấp trong nền văn học Trung Hoa so với thơ.

Lối kể chuyện bằng văn xuôi phát triển từ lối kể truyền khẩu, và hình thức tiểu thuyết Trung Hoa vẫn ít tuyến tính so với tiểu thuyết phương Tây.

Và tiểu thuyết Trung Hoa cũng thường có nhiều nhân vật hơn nhiều: Hồng lâu mộng của nhà văn thế kỷ 18 Tào Tuyết Cần có hơn 400 nhân vật. "Có nhiều nhà văn Trung Quốc mà tôi cho rằng sẽ chẳng bao giờ được độc giả ở đây biết đến",Tyldesley nói.

Mùa hè năm nay có hai tiểu thuyết Trung Hoa được xuất bản, một cuốn sách dí dỏm và gay cấn của Nury Vittachi [5] mang tên Liên đoàn những người thần bí công nghiệp thành phố Thượng Hải (The Shanghai Union of Industrial Mystics) và cuốn tiểu thuyết trinh thám mới nhất của Cầu Tiểu Long (Qiu Xiaolong) về quan thanh tra họ Trần mang tên Khi đỏ thành đen (When Red Is Black). Những tiểu thuyết này có vẻ phù hợp với lối kể chuyện của phương Tây.

Cả hai tác giả này đều viết bằng tiếng Anh: Vittachi sinh ra ở Sri Lanka nay là người có sách viết bằng tiếng Anh bán chạy nhất của Hong Kong; Cầu Tiểu Long thì đã sang sống ở St Louis từ những năm 1980.

Tôi hỏi Tyldesley liệu ở Trung Hoa có truyền thống viết truyện trinh thám không.

"Dân Trung Hoa có đọc trinh thám," bà nói, "nhưng chủ yếu đọc những bản dịch của sách phương Tây. Thể loại này không được khuyến khích coi là nghệ thuật. Lý do là vì giới cảnh sát vẫn còn thích giữ kín công việc của họ. Ở Trung Hoa ta không thể viết tiểu thuyết tả quá trình điều tra của lực lượng cảnh sát được. Kể cả vào ngày hôm nay, một tiểu thuyết như vậy, nếu mang tính hiện thực, chắc sẽ xoay quanh chuyện nghi phạm bị đánh đấm quá nhiều."

Văn của Vittachi viết cực kỳ vui. Ông sử dụng một anh thám tử Trung Hoa và một anh phụ tá người Úc lúc nào cũng mắc những nhầm lẫn nho nhỏ để miêu tả những chỗ khác nhau về văn hoá.

Liên đoàn những người thần bí công nghiệp thành phố Thượng Hải bắt đầu với việc văn phòng của nhân vật chính bị phá: một ngày xấu cho một ông thày địa lý phong thuỷ. Còn Cầu Tiểu Long thì sử dụng tiểu thuyết trinh thám của mình - một tác phẩm rất tinh tế về mặt đạo đức - để lôi bạn đọc phương Tây đi chu du khắp Thượng Hải. Chúng ta được biết đến hệ thống quan liêu, hệ thống kiến trúc và nền công nghiệp xuất bản của Trung Hoa.

"Khi tôi mới viết văn”, Cầu Tiểu Long nói, "tôi dự định viết một cuốn sách về nước Trung Hoa đưong đại, chứ không hẳn là một cuốn tiểu thuyết trinh thám. Một vài người bạn và đồng nghiệp người Mỹ của tôi vẫn chẳng biết nhiều nhặn gì về nước Trung Hoa mới, vì thế nên tôi nghĩ cũng đáng công nếu giới thiệu cho họ biết một nước Trung Hoa khác với nước Tàu của nữ văn sĩ Pearl Buck. [6] "

"Sách tôi viết được dịch lại sang tiếng Trung Hoa, nhưng do bị một cán bộ cơ quan kiểm duyệt phản đối rằng câu chuyện tôi kể “không thể xảy ra được ở Thượng Hải”, nên thành phố Thượng Hải trong chuyện phải đổi thành “thành phố H”. Bản dịch còn phải chịu những chỗ cắt xén và thay đổi khác vì lý do chính trị. Có người chê trách tôi đã viết bằng tiếng Anh thay vì bằng tiếng Trung Quốc. Họ kết án tôi là muốn ve vãn người đọc phương Tây."

Giống như Eady, Cao Hành Kiện tin rằng các nhà văn Trung Hoa cần tiếp tục viết bằng tiếng Hoa và khám phá tính cá nhân đã bị đè nén trong một thời gian dài.

Trong bài viết năm ngoái mang tên “Vì văn chương”, nhà văn đoạt giải Nobel này viết rằng "tiếng Hoa đương thời đủ sức đi sâu vào các hoạt động tâm lý và cái vô thức của con người… Liệu có thể tìm ra một hình thức diễn đạt nhuần nhuyễn hơn trong khi vẫn tôn trọng cấu trúc nội tại của tiếng Hoa, thay vì đắp lên nó những phạm trù ngữ pháp của những ngôn ngữ phương Tây?"

Ông tin rằng "dùng máy vi tính thì càng dễ hơn trong việc chơi chữ; không chỉ chơi với các từ mà chơi được cả với những câu, như chơi những quân mạt chược."

Ông cho rằng thông qua các biện pháp kỹ thuật đó, chúng ta sẽ tìm thấy một giàn đồng ca những giọng nói văn chương tại nơi mà trước đây, những người đồng chí có nghĩa vụ nói bằng một giọng nói. Những giọng nói này sẽ làm lung lay mọi thứ chủ nghĩa sản sinh ra "văn chương lạnh".

"Một khi cái Tôi được thức tỉnh,” ông viết, "thì chính nó sẽ là cái ta không thể chạy thoát." Nền văn học Trung Hoa đang ở trong một giai đoạn đầy cảm giác mạnh, một thời điểm mang lại một thách thức mới hết sức hấp dẫn đối với những nhà dịch sách và những bạn đọc phương Tây.


Bản tiếng Việt © 2007 talawas



[1]Cuốn hồi ký có tên đầy đủ là Thiên nga hoang dã – Ba cô con gái nước Trung Hoa. Năm 2005, Trương Nhung cùng chồng là Jon Halliday công bố cuốn sách 814 trang Mao - Câu chuyện chưa kể. (Các chú thích trong bài đều của người dịch)
[2]Orange Prize for Fiction, một trong những giải thưởng tiểu thuyết có uy tín ở Vương quốc Anh, trao cho tác giả nữ thuộc bất kỳ quốc tịch nào. Giải trị giá 30 ngàn bảng Anh kèm theo một bức tượng đồng đen mang tên Bessie của nhà điêu khắc Grizel Niven.
[3]Tiểu thuyết Phục vụ nhân dân kể câu chuyện anh lính nghĩa vụ Võ Đại Vương 28 tuổi có tài nấu bếp được sư trưởng lấy về nấu bếp phục vụ gia đình ông. Vị tư lệnh liệt dương này có lần đi công tác xa để cô vợ 32 tuổi Lưu Liên ở nhà với anh lính kia. Hai anh chị làm tình với nhau suốt ba ngày ba đêm. Sau rồi chán cả chuyện làm tình, họ xoay ra đập tượng Mao và xé những câu trích dẫn lời Mao để làm tình sảng khoái hơn và cũng để chứng minh tình yêu với nhau không chỉ là tính dục mà đó là tình cảm thật sự chân thành.
[4]Được dịch sang tiếng Anh thành Miss Chopsticks – các cô nàng (gày như) chiếc đũa – đó là cuốn tiểu thuyết của Xinran Xue viết về ba cô gái quê bị hắt hủi ở quê nhà đã rủ nhau tìm đường lên thành phố kiếm sống.
[5]Nhà báo của tờ tạp chí hàng tuần viết bằng tiếng Anh Far Eastern Economic Review có trụ sở tại Hong Kong, giữ chuyên mục nổi tiếng hóm hỉnh và phê phán Traveller’s Tale cho tờ báo này, chuyên kể những điều lố lăng tai nghe mắt thấy ở châu Á, nhiều khi các bài viết còn có cả ảnh minh hoạ.
[6]Pearl Sydenstricker Buck, (1892-1973), nhà văn Mỹ sinh ra ở Mỹ nhưng lớn lên ở Trung Hoa, là con thứ 4 của 7 người con một mục sư Tin lành. Tác phẩm của bà thể hiện sự am hiểu và cảm thông với ngừoi dân Trung Hoa, đã nhận được nhiều giải thưởng, và bà cũng đựoc nhận giải Nobel văn chương năm 1938.