trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 482 bài
  1 - 20 / 482 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcThơ và Thơ Trẻ
30.10.2007
Hoàng Hưng
Đọc và trình diễn thơ ở Việt Nam hiện nay
 
Diễn xướng vốn là hình thức phổ biến thơ nguyên thủy. Sau khi có sách in, nó vẫn không hề suy yếu. Ở Việt Nam xưa, nếu bình thơ là hình thức đọc thơ phổ biến nhất, thì có thể coi ngâm, ca trù là những hình thức diễn xướng thơ theo con đường nhạc hoá độc đáo của Việt Nam. Thế kỷ XX, ngâm thơ (sau này còn gọi là diễn ngâm) trở nên hình thức diễn xướng thơ chủ đạo, trước khi có sự cạnh tranh của lối đọc diễn cảm bắt đầu từ kháng chiến chống Pháp (với những giọng đọc nổi tiếng như Hoàng Cầm, với biến thể là kiểu tấu như của Thanh Tịnh) đến sau 1954 thì phát triển thành đọc diễn cảm có nhạc đệm ở miền Bắc. Nhiều nhà thơ hiện đại phản đối ngâm thơ, trong đó có Xuân Diệu (ông cho ngâm là giết thơ). Dễ hiểu vì trong lối ngâm, ngôn từ độc đáo của bài thơ bị dìm trong nhạc điệu khá công thức, người nghe bị ru trong giọng ngâm ngọt ngào của nghệ sĩ hơn là khám phá cái hay của bản thân bài thơ. Ngâm thơ với một số hạn chế mô thức âm nhạc có sẵn cũng chỉ hợp với các thể thơ truyền thống có nhịp điệu và âm điệu ổn định, cân đối, ngày càng bất lực trước sự phát triển của khuynh hướng thơ tự do không vần mang tính đương đại. Có thể nói ngâm thơ giờ chỉ còn lôi cuốn giới thính giả cao tuổi, trong khi đọc diễn cảm đã lên vị trí ngang ngửa với ngâm và trở thành chủ đạo trên những thi đàn chuyên nghiệp.


Đọc diễn cảm vẫn mang tính nghiệp dư

Trước nhất, nói về các nghệ sĩ đọc thơ. Số này rất ít so với số đông áp đảo là nghệ sĩ diễn ngâm, tôi cảm thấy họ chưa để công nghiên cứu kỹ càng bài thơ đến từng câu từng chữ, như các ca sĩ nghiên cứu từng ca từ để lấy hơi, nhả tiếng. Càng chưa nghiên cứu phong cách, đường lối thể hiện riêng cho từng bài thơ, từng tác giả khác nhau. Cho nên nhìn chung mới chỉ đạt mức đọc trôi chảy, dễ nghe (tuy đôi lúc vẫn còn ngắt hơi chưa đúng, làm lạc nhịp thơ), diễn cảm thì ở mức phổ thông, không có sáng tạo. Ở các nước, thường người đọc thơ là những nghệ sĩ sân khấu chuyên nghiệp. Ở ta, không mấy ai trong giới đó quan tâm đến thơ, có lẽ vì thơ - cả làm lẫn trình diễn – chưa bao giờ được coi là một nghề thực thụ.

Việc đọc thơ hiện nay chủ yếu do tác giả thực hiện. Giao lưu giữa người làm thơ và người yêu thơ luôn luôn là nhu cầu ở cả hai phía. Không ít người cho biết: nghe nhà thơ đọc, cảm nhận mạnh mẽ hơn là tự đọc văn bản bằng mắt. Vì bản chất sâu xa của thơ là giọng nói của tác giả, nhịp điệu bài thơ gắn với hơi thở của tác giả, cho nên trực tiếp nghe tác giả thì dễ bắt trúng hồn bài thơ.

Trong suốt gần nửa thế kỷ qua, tôi tham dự không ít buổi đọc thơ của các nhà thơ. Nhìn lại, thấy rõ là chúng ta chưa biết đọc thơ, chưa biết giao tiếp với công chúng. Hình ảnh các nhà thơ đang ngồi chờ đến lượt đọc thơ trên màn truyền hình đã nói lên hùng hồn nhất tình trạng tệ hại ấy. Trông họ mới căng thẳng, nghiêm trọng làm sao. Đến khi họ đọc, thì cứ như học trò trả bài, chẳng có chút sinh khí nào. Ở những buổi đọc thơ trong khán phòng thì (có lẽ vì không phải ngồi xếp hàng chờ) có đỡ hơn, nhưng vẫn là một kiểu cách khá đơn điệu, không ấn tượng, thậm chí nhiều người lúng túng, không thuộc thơ của chính mình. Thiếu tự tin trước đám đông và không có ý thức đọc thơ như một tiết mục trình diễn đòi hỏi sự chuẩn bị, nghiên cứu kỹ thuật truyền đạt bài thơ, từ giọng đọc, những chỗ nhấn nhá, trầm bổng, ngắt hơi... ra sao để những cái hay của câu chữ phát huy hết hiệu quả, đó là hai yếu tố căn bản khiến cho các buổi đọc thơ đều mang tính “cây nhà lá vườn”, “văn nghệ quần chúng”. Xin nói ngay là bản thân tôi cũng y như thế mà thôi. Những buổi đọc thơ thành công có lẽ chủ yếu nhờ sự xuất hiện của các tác giả được công chúng yêu mến, và một phần nhờ tài ăn nói của họ khi giao lưu hơn là nhờ chất lượng đọc thơ.

Trong khi đó, ở các nước Âu Mỹ, từ sau Thế chiến 2, các nhà thơ ngày càng coi trọng đọc thơ trước công chúng. Lịch sử thơ Mỹ còn ghi nhận buổi đọc thơ tại Gallery Six ở San Francisco năm 1955, Allen Ginsberg đọc bài trường ca làm cử toạ phát rồ, ghi dấu ấn hình thành thời kỳ thơ mới của Mỹ. Việc đọc thơ đã phát triển thành trình diễn thơ, nhiều nhà thơ trở thành người trình diễn (performer), người giúp vui cho công chúng (entertainer) mang tính chuyên nghiệp. Từ trình diễn thơ (poetry performance) lại phát triển thành hẳn một loại hình thơ mới chuyên để trình diễn (performance poetry) có vị trí hết sức quan trọng trong sinh hoạt thơ Mỹ từ mấy chục năm nay.


Trình diễn thơ đương đại: khởi đầu ấn tượng

Ý tưởng và thực hành trình diễn thơ kiểu đương đại mới du nhập vào Việt Nam từ những năm đầu thế kỉ XXI. Nếu sau này ai viết lịch sử trình diễn thơ, xin đừng quên rằng mở đầu hình thức này chính là những đêm thơ ở quán cafe EraWine (trong Khách sạn Lotus, đường Nguyễn Trãi, TPHCM) năm 2001 do hoạ sĩ Như Huy tổ chức. Màn trình diễn ấn tượng nhất có lẽ là màn Phan Vũ đọc “Em ơi Hà Nội phố”, ông đọc trong tiếng ghi ta ngẫu hứng của Châu Đăng Khoa với tiếng vocal của một bạn diễn; ông đọc hết trang nào lại châm lửa đốt ngay trang đó, như đốt mã cho những ngày tháng, những con người một thời đã ra đi mãi mãi... Cuối năm 2003, thì có hai đêm trình diễn tổng hợp thu hút khá đông người dự tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, nằm trong dự án nghệ thuật “Xuyên biên giới” (Pushing Through Border) do tổ chức Dance Theatre Workshop của Mỹ tài trợ, Ly Hoàng Ly đạo diễn, với hai nhân vật chính là Ly Hoàng Ly và nhà thơ nữ người Mỹ gốc Á Anida Yeou Esguerra và sự tham dự của nhiều hoạ sĩ, nhà thơ, nhà văn, nghệ sĩ múa. Trình diễn thơ chiếm phần quan trọng nhất trong hai đêm đó. Đêm đầu, trong một không gian sắp đặt của chính hai nhà thơ kiêm nghệ sĩ thị giác, Anida diễn rất hiệu quả những bài thơ viết về sự phản kháng của phụ nữ gốc Á trên đất Mỹ với giọng truyền cảm mạnh, nhiều lúc thét gào, động tác hình thể mãnh liệt, trong khi đó Ly Hoàng Ly trình diễn chải tóc và vocal âm điệu hát ru trong một chiếc lồng sắt như bổ sung đối chiếu hình ảnh người phụ nữ Việt Nam. Đêm sau, trong ánh đèn dầu và đèn pin ngẫu hứng (do sự cố mất điện khó hiểu?) tạo không khí ảo huyền bất ngờ, Ly Hoàng Ly trình diễn bài “Người đàn bà và ngôi nhà cổ” với âm thanh những chiếc thìa đổ như mưa rào trên người cô, trong khi các bạn diễn như lên đồng trong các động tác quay cuồng và lời hô hét bộc phát... Ở Hà Nội, có thể nói lần đầu tiên công chúng thủ đô biết đến trình diễn thơ đương đại là đêm thơ Dương Tường cuối 2005 tại l’Espace (Nhà Văn hoá Pháp). Giữa khung cảnh một tác phẩm sắp đặt “73 chiếc cối đá” (tượng trưng số tuổi của nhà thơ) của Nguyễn Minh Thành và tiếng piano ngẫu hứng của Vũ Dân Tân, màn hình chiếu video của Nguyễn Quang Huy, nhà thơ trong “áo bào thơ” do hoạ sĩ Trương Tân thực hiện đọc thơ “con âm” của mình, đọc xong ông xé tập giấy in thơ phân phát cho khán giả và sau đó khán giả đem lại xin ông chữ ký. Câu thơ “chiều buông đầy những thở dài” (Le soir est tout soupirs) của tác giả lập tức nhận được phản hồi từ khán giả: đó là những bài thơ lấy cảm hứng từ câu thơ đó. Đêm thơ nhộn nhịp này có những yếu tố đặc trưng của trình diễn thơ đương đại: sự phối hợp giữa đọc thơ và các nghệ thuật khác, đặc biệt là nghệ thuật thị giác, sự tương tác giữa tác giả và công chúng.

Trên đây là ghi nhận những buổi trình diễn thơ theo kiểu đương đại đầu tiên ở Việt Nam mà tôi muốn “kể” hơi chi tiết vì chúng chưa được truyền thông rộng rãi như bây giờ.

Phải đến năm 2007, nhờ các tổ chức văn hoá châu Âu (Hội đồng Anh, Trung tâm Văn hoá Pháp), trình diễn thơ mới liên tục sôi nổi với những đêm đầy ấn tượng ở Hà Nội và TPHCM, trong đó có sự giao lưu giữa một số nhà thơ nổi tiếng của nước bạn (Roger Robinson, Francesca Beard của Anh, Jean-Michel Maulpoix, André Velter của Pháp) với các nhà thơ trẻ Việt Nam (Nguyễn Vĩnh Tiến, Dạ Thảo Phương, Vi Thùy Linh, Trương Quế Chi, Nguyệt Phạm, Phương Lan, Thanh Xuân...) Những buổi trình diễn này thu hút nhiều người trong giới văn hoá, nhất là các bạn trẻ, được giới truyền thông nhất loạt cổ vũ, cho thấy nhu cầu đổi mới cách đưa thơ đến công chúng đã đến lúc đáng quan tâm.

Tuy nhiên, sau những phút sôi động trong khán phòng, tôi có những băn khoăn về cách thức và hiệu quả của việc trình diễn thơ qua những gì mắt thấy tai nghe, xin thành thật chia sẻ với mong muốn các nhà thơ trình diễn của ta tham khảo để đưa chất lượng trình diễn lên tầm cao mới.

Điều đáng lưu ý là trong khi các nhà thơ nước ngoài đọc thơ mình một cách giản dị, tự nhiên, truyền cảm chủ yếu bằng giọng đọc và động tác hình thể có mức độ thì các nhà thơ trẻ Việt Nam khá công phu trong việc phối hợp thơ với những nghệ thuật khác như âm nhạc, video, sân khấu. Nhưng nếu nàng thơ được “hộ tống” ồn ào vui tai vui mắt bằng ánh sáng, âm thanh, màu sắc thì không ít khi bản thân nàng lại chưa được tăng thêm sức truyền cảm, có khi là ngược lại. Như khi Nguyễn Vĩnh Tiến hát “Ma ngủ” ngẫu hứng say sưa có nhạc đệm, với những động tác minh họa sôi nổi, thì lời thơ bị át trong âm nhạc. Vi Thùy Linh và Dạ Thảo Phương đọc diễn cảm khá tốt trên nền tác phẩm video, nhưng người đọc lại bị phân tâm theo dõi màn hình. Trương Quế Chi rất có kỹ năng sân khấu, đài từ rất tốt, gây được xúc động, có lẽ cô là người sẽ đi xa nhất trong nghệ thuật trình diễn thơ, hơi tiếc là có những lúc cô lẫn lộn giữa thơ với sân khấu, khiến bài thơ bị “bi kịch hoá” quá mức... Nhân đây cũng xin nhận xét là yếu tố hài khá nổi bật trong phần trình diễn của mấy nhà thơ Anh không hề có trong các tiết mục thơ của Việt Nam, nhưng điều ấy nằm trong tính trữ tình truyền thống cố hữu của thơ của ta, âu cũng là dịp để ta thấy rõ hạn chế của nó.

Một nhận xét nữa là các nhà thơ khi trình diễn mới chỉ quan tâm làm cho lời thơ căng lên, vang lên, rực lên, sôi lên... trong khi người nghe - xem thấy thiếu thốn khoảng lặng để lời thơ dư ba, thấm thía. Với thơ phương Đông thì yếu tố “âm” kia quan trọng biết bao! Mà chả cứ phương Đông, phương Tây cũng rất biết hiệu quả của “sự im lặng vang lên” (Một màn trình diễn âm nhạc ở phương Tây mà tôi được nghe tả lại: Một nhạc sĩ ôm cây đại hồ cầm lên sân khấu, ngồi trang trọng trong tư thế biểu diễn. Khán phòng im phăng phắc chờ đợi. Ông ngồi đúng ba phút, tay giơ lên theo động tác kéo cần đàn, không nhúc nhích. Rồi màn từ từ hạ. Thế là xong tiết mục “ba phút nhạc không âm thanh”.)

Còn một vấn đề cần làm rõ trong việc sử dụng những ngôn ngữ phối hợp khác khi trình diễn thơ: nên hết sức tránh minh hoạ thô thiển, giản đơn (như lời thơ nói đến chuyện “vứt bỏ mặt nạ” thì người đọc thơ đem mấy cái mặt nạ vứt xuống đất, thơ nói về đường phố thì chiếu cảnh đường phố lên màn hình...). Những động tác, hình ảnh, âm thanh phải mang tính gợi ý, mở rộng liên tưởng, tăng cảm xúc cho lời thơ, có thể đến mức thành một tác phẩm song hành với bài thơ. Tuy nhiên, cực đoan theo kiểu một số trường phái “thơ trình diễn” Mỹ trong đó lời thơ chỉ là một thành phần (thậm chí chỉ còn là thứ yếu) bên cạnh một tác phẩm trình diễn thuộc ngôn ngữ khác (kịch câm) như Nguyễn Thúy Hằng đưa ra thì chắc rất ít người yêu thơ Việt Nam thưởng thức, và thực sự đó là một thể loại hoàn toàn khác, chắc chắn là không ít thú vị, nhưng không còn là thơ thuần túy mà bài này muốn đề cập. Một con đường trình diễn khác ở nước ngoài thường làm là “soạn lại” bài thơ thành một tác phẩm mang tính phức điệu (có bè đệm, điệp khúc, biến tấu, hoà thanh, phối khí) cũng nên được thử nghiệm ở ta.


Cho lời thơ âm vang và thấm sâu

Tôi đã được thưởng thức một số đêm thơ xúc động. Ở Hồng Kông, tại Hội nghị Văn bút Quốc tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương đầu năm nay, hai nhà thơ già Ko Un (Hàn Quốc) và Dư Quang Trung (Đài Loan) đã chinh phục hàng ngàn sinh viên đại học với lối đọc thơ đầy truyền cảm và những động tác hình thể mạnh mẽ, với sự chủ động dẫn dắt khán giả hô ứng sôi động. Sau đó ở Hà Nội, tại l‘Espace, nhà thơ nổi tiếng về trình diễn của Pháp André Velter với phong cách hào hoa của một nghệ sĩ lão luyện và kỹ thuật đọc thơ nhuần nhuyễn khoan nhặt, tự nhiên nhưng bài bản, với tiếng đàn tam ngẫu hứng của Bá Nha, đã được khán giả tán thưởng. Trong những buổi ấy, việc trình diễn vẫn lấy đọc diễn cảm là chủ đạo, phối hợp với động tác hình thể và âm nhạc. Bởi điều cốt yếu của trình diễn thơ vẫn là làm sao cho lời thơ âm vang và thấm sâu vào lòng khán giả. Theo tôi, việc trình diễn thơ ở ta hiện nay vẫn phải lấy đó làm chủ đạo.
Nguồn: Báo Văn nghệ ngày 25.10.2007