trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 28 bài
  1 - 20 / 28 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
2.11.2007
Ngô Thế Vinh
Mây bão
Tiểu thuyết
 1   2   3   4   5   6   7 
 
CHƯƠNG BA

“Con ốm. Anh về ngay. Em mong.”

Nhận được dây thép Ngân đánh lên, Huệ sửa soạn để về ngay, ý nghĩ chuyến về này với Huệ lại hứa hẹn bao nhiêu niềm vui và hao hức. “Trẻ con ốm đau là chuyện thường, có gì phải bận tâm”. Huệ hơi băn khoăn không hiểu tại sao chỉ có mỗi việc con ốm mà Ngân cũng gọi chàng về. Đứa con mà kỷ niệm của người chồng đối với Ngân không mấy là yêu thương. Còn Ngân thấy chuyện gọi Huệ về là cần thiết. Đứa bé ít lâu nay biếng ăn, gầy sút hẳn. Rồi cách đó mấy hôm nó nằm liệt giường với 39-40 độ sốt, người nó dốc đi, nét mặt dại xuống. Ngân phải đưa con đi nhà thương và bác sĩ bắt phải đưa vào phòng lạnh để hy vọng cứu chữa. Nỗi lo lắng của Ngân không phải là nỗi lòng của một người mẹ yêu con khi con ốm; mà là đứng trước một tình thế kịch liệt, ít hy vọng, Ngân không muốn trách nhiệm của mình phải nhiều quá. Nếu đứa bé có làm sao, Huệ sẽ có thể đay nghiến: “Cô giết nó, thật cô giết nó”. Lời day dứt đó có nghĩa lý gì nhưng Ngân vẫn thấy sợ, nàng cảm thấy sợ hơn khi ý thức được rằng mình đã không tha thiết yêu con. Tin Vũ trở về càng làm Ngân ray rứt và đau đớn. Gặp Huyền, trở lại gặp Vũ lần đầu, Ngân biết rằng mình đã hoàn toàn mất Vũ. Lúc đó Ngân thấy rằng trước đời sống nàng vẫn chỉ là đứa con gái khờ dại trước Huyền, non nớt và nông cạn trước Vũ. Ngân ý thức rằng nàng đang chán ngấy cảnh hiện tại. Vậy thì nàng đang ao ước gì đây, có ai mà biết, chính Ngân cũng không biết nữa. Huệ về nhà được một ngày đầu, đến thăm con được hai lần, còn thì tối ở chỗ khác, như cố ý tránh Ngân. Ngay hôm sau Huệ đến tìm Hà, người tình cũ cách đây ít lâu. Huệ vẫn đóng vai người anh họ của Hà trước mặt Tohio, gã tuỳ viên sứ quán Nhật.

Hà và Tohio đã gắn bó gần như ngang nhiên sống chính thức với nhau từ lâu. Căn phòng và mọi thứ của Hà đều được Tohio sắm hết cho. Tohio hứa hẹn sớm muộn cũng sẽ cưới Hà làm vợ và đưa nàng sang Nhật khi mãn hạn ở đây. Tohio đã chụp chung ảnh với Hà để gửi về và ít lâu sau gã cho Hà xem thư của bố mẹ chàng ở Nhật tỏ ý vui mừng về cuộc hôn nhân sắp tới.

Sống thường xuyên với Tohio, Hà vẫn được tự do đi nhảy và chung chạ lung tung với những người khác. Có thể gã cũng biết nhưng coi đó là chuyện tự nhiên, nhưng có một điều chắc chắn nhất là gã rất tin cậy ở người con gái. Thái độ cương trực và tâm hồn đơn giản của gã về một lòng tin cậy đôi lúc làm chính Hà phải sờ sợ. Nhưng trước mặt Tohio, sự giấu diếm một dĩ vãng nhơ nhớp hỗn loạn, chỉ là một thói quen dễ dãi. Đôi lúc Hà có cảm tưởng chính mình trong sạch, dĩ vãng đó không có thực và tình yêu của nàng với Tohio thật trong sáng. Dù vẫn ăn nằm với nhiều người đàn ông khác nhưng lúc sống với Tohio, Hà vẫn có cảm tưởng mình chân thành và chung thuỷ. Còn với Huệ, mối tình lăng nhăng kéo dài với một đứa con đem cho đi và một lần phá thai; Hà thấy Huệ đi qua đời mình với nhiều nặng nhọc và dấu vết. Lúc Huệ gặp lại Hà ở vũ trường:

“Thằng Nhật bây giờ đâu, vẫn thế?”

Hà nghĩ tới chuyến đi của Tohio suốt hai mươi hôm. Đêm nhảy, về đánh bạc tới sáng, mệt lăn ra ngủ suốt ngày, tỉnh dậy buồn chán nản và tiếp tục ngày hôm sau.

“Nó về Đông Kinh hai mươi hôm, bắt đầu từ hôm kia.”

Huệ nham nhở:

"Về được nhà em hay vẫn phải dắt đi chỗ khác."

Tohio vừa đi, đem Huệ về nhà, Hà thấy phân vân khó chịu. Đem Huệ về đó không có nghĩa một bội bạc – nàng tìm cách tự bào chữa, mà cho là phương tiện lấp kín những trống rỗng, buồn nản suốt bấy nhiêu hôm. Tohio đi, Hà thấy thiếu thốn. Sự có mặt thường xuyên của gã bây giờ đã như là một cần thiết. Cũng như một con chiên mỗi tuần phải đi lễ nhà thờ để thấy mình còn trong sạch thánh thiện và đáng được che chở. Lần đầu tiên Hà thấy mình cô độc, trong óc Hà lảng vảng những tình cảm vui buồn hỗn độn và dịu nhẹ. “Không lẽ mình yêu thật hắn”, Hà chớp mắt lắc nhẹ đầu để xua đuổi một ý nghĩ mà Hà cho là có ý nghĩa tự châm biếm. Hà quay sang Huệ gật đầu:

"Ừ thì về, anh họ với chả anh ruột, cái thứ vô luân."

Một câu nói đùa như một lời kết tội và trách mắng làm Hà thấy yên tâm. Huệ nheo mắt, há miệng hềnh hệch, tiếng cười dài như bị hụt hơi còn vướng nơi chiếc cổ lộ hầu lắc lư lên xuống. Cả hai vai gầy của Huệ rung lên, Hà nhìn Huệ và thấy lòng tự ái kiêu hãnh được vuốt ve đúng lúc. Dưới mắt nàng, Hà có cảm tưởng mình ở trên Huệ nhiều quá: cái nhìn của Hà là thái độ cúi xuống và ngó tới. Huệ có vợ đẹp, một đứa con và một mảnh bằng to tướng. Thì ra lúc này Hà thấy rằng cái giá trị của Huệ chỉ là cái giá trị xung quanh hắn ta, hắn không hơn gì nàng. Hắn có tiền, thế thôi, nếu lột hết ra hắn chỉ là một con vật đáng thương, ốm đau và yếu đuối : lúc này nàng thấy cần Huệ, cần một người thấp kém và bé nhỏ hơn mình. Nàng hất cằm hỏi:

"Thế ông anh vẫn ngoan và dễ bảo?"

"Dĩ nhiên!"

Trước kia Hà thấy Huệ có duyên về một lối pha trò nghiêm trọng, nhưng lúc này nàng thấy hắn tầm thường và nhạt nhẽo. Câu nói bật ra như ý nghĩa của một lời thú tội : “Huệ đi qua đời mình và để lại quá nhiều dấu vết”, ý tưởng đó cứ ám ảnh Hà mãi. Lương tri như vắng đi, bản năng tự vệ ích kỷ làm nàng thấy mình có thể trở nên tàn ác. Phải nói là Huệ sợ nàng. Huệ phải làm bất cứ cái gì Hà muốn trừ cái chết. Hắn không phải chỉ sợ có ít thế, hắn còn sợ nhiều thứ, thiếu can đảm để mà bấu víu đời sống. Một đứa con và một lần phá thai, lấy Huệ là một chuyện không thể, chính Hà cũng không muốn thế. Cả một gia thế và thanh danh họ Phan nằm trong tay nàng. Hắn cũng thừa biết rằng ngoài cái danh thơm và bề thế của họ Phan còn lưu lại lâu mấy trăm năm, bản thân Huệ chả là một cái gì. Hà có thể làm tất cả tiêu tan ra mây khói : một vụ xì-căng-đan, nàng có thể làm to ra, mảnh bằng Huệ như bị sé nát, ô nhục họ Phan có thể đổi bằng cái chết của ông Luỹ, Ngân bỏ hắn và dư luận thì dè bỉu.

Huệ kinh hoảng khi ý thức được rằng, ngoài tất cả, đứng riêng ra, hắn chỉ là một con số không tròn trạnh, không chút giá trị và vô nghĩa lý.

Với Hà lúc này, nàng thừa thủ đoạn và trơ trẽn để làm như thế. Thái độ của nàng không phải là sự mong ước tầm thường được đền bù; mà chỉ bởi kết quả những dấu vết của một xúc phạm xấu xa tàn nhẫn. Nàng sẽ hành động, để trả thù đời, để thấy rằng mình không bất lực vô nghĩa trước đời sống.

Từ ngày được đưa vào làm toà báo của ông Tôn, Hà thấy nhẹ nhõm và vui sướng; nhưng chưa được bao lâu, gã chủ nhiệm hom hem đã lợi dụng ơn nghĩa cưỡng ép nàng. Với Hà, cuộc đời người con gái đã thừa nhơ bẩn trước khi tới đây, quan niệm ái tình với nàng thì quá dễ dãi; trong một lúc vui và ưng ý, ái tình đó có thể cho không, nhưng ý nghĩa của gò ép người con gái mới trở về, thái độ của kẻ gia ơn nàng thấy khả ố làm sao, nhất là với một kẻ mà tuổi tác gần bằng cha nàng. Hà đã phản ứng mạnh mẽ và thô lỗ. Câu chuyện chỉ xảy ra giữa hai người và không ai biết. Nàng cũng cố ý giấu nhẹm đi. Bỗng một hôm Hà bị bắt và bị vu khống về một rắc rối tiền bạc với đủ bằng cớ; đáng lẽ nàng phải nói toạc ra tất cả sự thật , không biết sao nàng lại ngu dại mà im đi. Hà phải bồi thường chỗ tiền và đó cũng là cái cớ mà lão Tôn đuổi nàng đi. Cho tới hiện tại, hôm nay cái ý nghĩ “phải trả thù đời” luôn luôn ám ảnh nàng. Hà vui sướng mê man khi thấy mình nàng có thể làm xụp đổ cả một thành trì kiên cố: sự nghiệp của Huệ và cả thanh danh to lớn của nhà họ Phan, nàng sẽ hành động khi thấy đó là một thoả mãn cần thiết...

Thức gần suốt hai đêm, ngủ bù mãi đến trưa, tỉnh dậy Hà vẫn còn thấy mệt. Thân thể như hết nước khô ráo và mỏi rã rời. Trong suốt lúc thức nàng vẫn thấy tỉnh táo và khoẻ khoắn, vậy mà sau một giấc ngủ lại đầu tiên Hà mới thấy cả cơ thể mình yếu đi và thấm mệt. Số tiền vũ phiếu của hơn một tháng nàng thua sạch, Huệ cũng thua đậm. Bọn Thanh và Siu Lin ăn cánh với nhau vơ gần hết. Đây không phải lần đầu tiên nàng bị thua nhiều như thế. Cũng có lúc Hà được rất nhiều khi vận đỏ. Số tiền có được cũng đem mà phao phí vung đi. Cuộc đỏ đen mà nàng biết sớm muộn chỉ có kẻ thua, không ai là được mãi: từ mấy con bạn tới mụ cai gà, đến cả mấy tay chơi - ai cũng thấy đó là một thú vui sâu sé tai hại nhưng cần thiết. Có lẽ Hà sẽ không nghĩ thế nếu không gặp lại chị Chi tối hôm qua.

Trừ những ngày đầu mới làm với lão Tôn, chị em còn liên lạc mật thiết, nhưng sau đó thì bẵng đi. Cái dĩ vãng cùng những kỷ niệm bấy lâu tưởng như chìm hẳn đi thì nay đột nhiên lững thững trở lại. Chi già xấu và thiểu não hơn xưa. Chồng Chi tử nạn trong chuyến lật xe lúc đi hành quân trở về cùng mười chín đồng đội khác. Sau đó, không biết nghĩ sao Chi lấy Hỉ - tên thông ngôn đầu trọc mắt híp đục, ọ oẹ tiếng Trung, người mà Hà ghét cay ghét đắng ngay từ khi mới gặp. Trước đó hắn vừa đi làm vừa sống truỵ lạc với những con gái điếm. Chi lấy hắn thì hắn vừa mất việc và thất nghiệp lang thang. Gia đình Chi với ba đứa con của chồng trước, một đứa còn phải bế và cái bào thai đứa con sau này với Hỉ trong bụng. Nếu chỉ gặp Chi không có lẽ Hà cảm động đến phát khóc. Sự có mặt của người đàn ông nhất lại là Hỉ đã bóp chết mọi tình cảm của nàng. Lòng khinh ghét Hỉ làm nàng khinh ghét lây cả chị. Một thằng chồng hèn mạt đến nỗi phải dắt vợ đi tìm một đứa em gái lưu lạc để ngửa tay ăn xin một số tiền lấy cớ cho Chi đi đẻ và mua sữa nuôi con. Hà có một món tiền trong băng, nàng có thể giúp Chi đúng lúc, nhưng chính Hà đã dắn lòng từ chối. Đời sống nghèo nàn cùng cực đã biến đổi con người Chi quá đi. Chả bù lúc bà và anh Tuân còn sống, Chi sâu sắc tế nhị và đảm đang. Vậy mà sau này đã có lần Chi xô Hà vào con đường ô nhục và dơ bẩn nhất của đoạn đời người con gái. Định mệnh lại đưa tới hôm nay. Trước mắt nàng Chi không còn là chị Chi trước kia nữa. Chi có thể sống với Hỷ, chịu đựng được hắn Chi cũng không khác gì hắn. Hà lại thấy tâm hồn trống trải và thiếu thốn. Hà ao ước cho dù bất hạnh rủi ro cho cuộc đời nàng, ít ra Hà cũng vẫn còn một người chị dù nghèo nàn nhưng còn nguyên vẹn lương tâm trong sạch: đó như niềm hy vọng, là cái đích cho nàng bấu víu. Còn như hiện tại, Hà như trơ lì, không còn cảm xúc đau khổ trước thực trạng, nàng biết mình sẽ dễ dàng mà quên đi - nhưng khi ý thức được rằng từ nay không còn lý do kìm hãm nếp sống của nàng nữa, nàng sẽ tuỳ tiện sống theo sở thích và đam mê. Nếp sống hiện tại sẽ kéo phăng nàng tới mà không cần tính toán một ngày mai.

Nghĩ đến nỗi đau đớn vật vã của chính mình khi Tuân chết, nàng thấy tự ngượng. Cái hổ thẹn lúc này cũng không khác gì lúc mà Hà quên cả gia phong để bán thân mua vui cho kẻ khác. Tiếng gọi của lẽ phải và luân lý như tiếng vọng lại yếu ớt và xa vời. Cảm tưởng đó cũng như lúc nàng bỏ nhà lão Tôn ra đi và nghe tin anh Vũ, bạn anh Tuân cũng đã chết. Hà thấy mình không có chút liên hệ trách nhiệm với người sống. Liên hệ ràng buộc nếu có chỉ là đối với những người đã quá vãng: bà nội, anh Tuân, anh Vũ, họ chết mà như vắng mặt trong một chuyến đi xa, nhưng đối với họ Hà thấy ràng buộc trách nhiệm ấy mong manh quá, không đủ sức để kìm hãm đời sống nàng nữa.

Để tránh những ý nghĩ chán nản, Hà quyết định đứng dậy đi tắm. Nước lạnh từ vòi sen giỏ xuống mơn man những làn da thớ thịt mỏi rời. Hà chà mạnh tay lên ngực và bụng, cảm giác dễ chịu như được ve vuốt làm nàng thấy khoan khoái. Bỗng nhiên nàng nhớ tới Tohio: “Anh chàng bây giờ đang ở Nhật, xa mình chắc nhớ lắm”, nàng tự nhủ thầm như thế. Hà lấy khăn khô thấm hết những hạt nước đọng trên mình và trên tóc, bất giác soi mình vào gương nàng thấy tự tin và tự mỉm cười... Sang Nhật với Tohio, nàng sẽ sống như một phụ nữ Phù tang chính cống...

Hà mở cửa phòng tắm bước ra ngoài, phía sau lưng tiếng nước chảy xoáy trong ống dẫn; tiếng òng ọc cuối cùng nơi lỗ tháo nước ở bồn tắm khiến nàng nhớ tớ tiếng cười ồng ộc tắc nghẽn của Hỉ, tiếng cười đứt quãng của hắn như những tiếng nấc. Hình ảnh Hỉ với Chi cứ vô cớ ám ảnh nàng mãi...

Huệ vẫn co quắp nằm ngủ để hở ra khỏi chăn cái đầu dài, tóc khô loà xoà, gò má cao và hóp, miệng há hốc lộ ra một khoảng sâu đen. Hắn nghiêng mình nằm úp, bàn tay gầy lô nhô những mấu xương đưa tới.

Hà ngồi vào bàn trang sức, bơm nước hoa lên tóc, vỗ nhẹ quả bông phấn trắng lên cổ và má, rồi nàng phủ nhẹ một lớp phấn hồng trên lớp phấn trắng mỏng: soi bóng mình vào tấm gương lớn bầu dục, Hà lấy làm mãn ý. Có tiếng lách tách nơi khoá cửa, Hà chạy ra cất tiếng hỏi:

“Ai?”

“Dạ thưa cô cháu.”

Tiếng đứa bé gái tới lấy quần áo đưa đi giặt và lấy xách cơm trưa. Đời sống thật giản dị và dễ dãi. Hà thuê đứa con gái lão gác cửa mỗi ngày hai buổi tới làm những việc vặt vãnh, còn thì ăn đã có cơm tháng đưa tới.

Vặn hai vòng khoá và xoay tròn quả đấm bằng sứ trắng, cánh cửa bật mở. Đứa bé gái đứng sững ở đó, vẫn vẻ mặt ngây ngô, vẫn chiếc quần đen , cái áo vải xanh nhạt và đôi guốc trắng: quanh năm nó ăn mặc như thế, được cái con bé cũng dễ trông, ngoan và sạch sẽ.

“Vào nhà tắm lau dọn cho khô” - Hà nói, “bao nhiêu thứ quần áo trong giỏ gói lại đem đi giặt rồi đi xách cơm về đây.”

Đứa bé gái đứng lại lưỡng lự:

“Dạ thưa cô...”

Nó đưa mắt lạ lùng nhìn người đàn ông nằm đó, rồi bẽn lẽn nhìn xuống chân.

“Gì nữa mày!”

“Dạ thưa cô hiệu giặt họ không nhận giặt quần áo lót đàn bà.”

Hà cau mắt, nắm vai mỏng và nhỏ của đứa con gái giúi vào nhà tắm nói như mắng :

“Thì mày đưa tiệm khác, năm đồng giặt có mỗi miếng vải bằng bàn tay vẫn còn chê, sao mà giở chứng thế không biết.”

Đứa con gái loay hoay bò lưng lau khô từng viên gạch men trong nhà tắm. Hà không để ý tới con bé nữa. Chưa đến mười hai giờ trưa mà nàng tưởng như trời sắp tối. Nghĩ đến buổi tối đi làm nàng lại thấy ngại và mệt. Hà trở lại giường nằm một lần nữa, với lấy mấy tuần báo có ảnh ra đọc. Thiên phóng sự mà nàng đọc giở hôm qua hay quá đi nhưng vì mệt quá Hà ngủ thiếp nên chưa đọc hết. Hà giở lần từng trang tìm kiếm, nàng lấy làm phục gã nhà văn nào đó mô tả đúng hình ảnh và tâm trạng của những đứa con gái cảnh ngộ như nàng. Hà có cảm tưởng gờm gờm như gã là một trong những người nàng quen đâu đây.

“Thật kỳ, nó tả đúng hệt cả cái nhà tắm cơ chứ!”

Hà mỉm cười lẩm bẩm như thế. Đứa bé gái ôm gói quần áo từ nhà tắm đi ra mà nàng không biết trừ lúc cánh cửa khép vào lách cách.

Buổi trưa tiếng xe máy của những người đi làm về vọng từ dưới sân vang lên. Building được xây theo lối hình chữ C cao vút: nhiều ánh sáng nhưng thiếu tiện nghi về tiếng động. Toà nhà mỏng cao vượt lên bao quanh một cái sân như hình ống; chỉ một chút âm thanh ồn ào dưới sân hay từ dưới những từng thấp cũng dội mạnh lên như trong một chiếc ống. Có những đêm khuya, Hà nằm nghe thấy rõ cả tiếng gót giày da dội trên sàn xi măng dưới sân. Có tiếng xe Lambretta cũ kỹ của Huy đi làm về. Tiếng máy kêu to thuyếnh thoáng đặc biệt và tiếng thắng kêu kin kít. Huy là một tư chức hiền lành, mấy năm bàn giấy đã làm nước da anh thiếu nắng và lưng cong gù đi; Huy cũng có một cô vợ nhỏ nhắn, ít nói và hiền lành; cả ngày chồng đi làm, không đi đâu, ru rú trong buồng, cùng lắm khi đi ra gặp ai dáng dấp trở nên bẽ lẽn và luống cuống. Tình yêu của họ thế nào Hà cũng không biết nữa, họ yêu nhau ở trong buồng thôi, chứ ra ngoài bất quá ngày chủ nhật, tuy đi cạnh nhau mà cả hai cố giữ vẻ đạo mạo nghiêm trang:

“Chồng gì cái ngữ ấy! Chán bỏ mẹ đi.”

Hà vẫn nghĩ thế nhưng không ghét họ. Đời sống yên lặng và ấm cúng bên trong của hai người, không biết dòm ngó và xoi mói ai, làm Hà thấy tự do và dễ chịu. Từ ngày tới đây, ngoài cái không khí trầm buồn và êm thấm, Hà mới được chứng kiến có một lần cặp vợ chồng này cãi nhau. Nói là cãi nhau thì không đúng vì buổi tối hôm đó Hà chỉ nghe thấy tiếng nói to và giọng gay gắt của Huy còn thì là tiếng người con gái khóc thút thít. Sau đó đời sống họ trở về bình thường ngay.

Có tiếng gót giày đi qua cửa, nàng đoán Huy đã về đến nhà. Đứa bé gái sao hôm nay đi lâu. Hà thấy lòng đói xôn xao và muốn ăn. Nàng uể oải lật tờ tuần báo và qua trang, đọc nốt chỗ tả nỗi lòng của cô gái lấy Mỹ:

“Tụi nó cũng kẹo bỏ mẹ đi chứ dễ tưởng sung sướng lắm sao.”

Có tiếng động lách cách ở của rồi ngưng lại. Chắc con bé đã về, Hà bực mình lên giọng gắt:

“Ai đã khoá, mở cửa mà vào, vác xác đi chơi đâu mà lâu thế con ranh con!”

Cánh cửa bật mở. Người đàn ông đứng sững nơi khung cửa. Hà kinh hoảng bật dậy, tờ báo tuột tay rơi xuống đất. Còn Huệ đang xoay mình cựa quậy, giơ tay che miệng há hốc mồm ra ngáp. Thật hay mơ: Hà tự hỏi như thế. Tohio đi đã được ba hôm. Hắn dối nàng, hắn lỡ một chuyến bay hay nhớ nàng mà hắn xin ở lại...

Tại sao hắn tới đây lúc này Hà cũng không biết nữa. Trong khung cửa sáng, bóng dáng Tohio hiện ra như một hung thần lúc này. Ánh sáng bị chắn hết, cả căn phòng như tối xầm lại. Mặt Hà biến sắc khẽ quay lại nhìn Huệ. Thân hình Tohio thấp, dắn chắc và vững chãi. Hắn mặc chiếc sơ mi trắng và quần tây đen sẫm đi với chiếc veste mà nàng đã sắp cho hắn vào vali trước hôm đi. Đôi giầy đen mũi nhọn bóng, chiếc cravate đang thắt được nới lỏng ra và hơi trễ xuống. Tohio cau mày, trán hằn sâu vết nhăn dữ tợn; mắt sáng quắc lên nhìn cơ thể người đàn ông nằm đó. Hắn lại nhìn qua phía Hà, luồng mắt như xoáy sâu vào đầu óc đứa con gái. Hắn đứng chôn chân, câm lặng và không nói. Bằng trực giác của người đàn bà, Hà đọc được ý nghĩ diễn ra trong óc Yohio :

“Thằng nào nằm kia, thằng anh họ bấy lâu của cô, thằng khốn nạn mà bấy lâu cô lừa tôi để ngủ với nó...”

Tohio trọng danh dự và nhiều lý trí; cặp mắt sáng quắc như đang bị đốt cháy bởi ý nghĩ điên cuồng. Môi hắn bặm lại, phía bên mép trễ xuống dáng kìm hãm đau đớn. Hắn vẫn cố giữ vẻ bình thản, dạng chân đứng vững chãi, cúi xuống chậm rãi xăn tay áo. Phía trên giường Huệ tỉnh dậy mắt mở choàng sợ hãi và ngơ ngác. Huệ giơ mu bàn tay dụi mạnh mắt. Lúc này Tohio không nhìn Hà mà bước gần tới Huệ, hai bàn tay co rắn lại, cánh tay để trần vạm vỡ nổi những bắp thịt và đường gân. Huế muốn chạy trốn. Cái nhìn đanh ác của Tohio như muốn gắn chặt Huệ ở nguyên chỗ. Một bàn tay xô tới nắm mạnh vào ngực áo Huệ lôi xốc lên, một quả đấm mạnh như giáng vào giữa mặt khiến Huệ tối tăm cả mặt mũi, rũ cả người xuống sàn gạch. Quả đấm vừa rồi chỉ như một đo lường thận trọng và sau đó chính Tohio cảm thấy không cần thiết. Tohio không muốn làm gã đàn ông kia đau đớn. Chàng muốn làm tiêu hao danh dự hắn. Chàng nhếch một bên mép tự mỉm cười ngạo nghễ khi cúi xuống kéo xốc Huệ loạng choạng đứng lên. Huệ nhăn nhó vì nắm tóc như bị dứt ra, Tohio nhìn xoáy thẳng vào mặt Huệ và chậm dãi bồi thêm hai cái tát đau đớn. Khi Tohio buông thả nắm tóc Huệ ra thì thể xác hắn lăn kềnh xuống sàn, rồi bò lồm cồm ra ngoài trốn. Tohio vẫn đứng nguyên, quay lưng yên lặng về phía Hà và không có ý nghĩ đuổi theo. Còn Huệ với chiếc sơ mi trắng dài thùng thình vạt sau xệ xuống che lấp chiếc quần đùi vằn nát; lúc ra thoát khỏi cửa, hắn thu hết sức nhỏm dậy và định kêu cứu. Sau mái tóc loà xoà hằn nguyên bàn tay mới tát, hai bàn chân còn đi một đôi tất xám lỏng lẻo trên hai cổ chân nhỏ loeo khoeo và lờm chờm lông. Ra đến cầu thang, Huệ đứng sững lại và thấy chính mình là dại dột: kêu cứu, làm to chuyện hay trả thù bằng cách nào lúc này chỉ là một hành vi tự tố cáo, tự vùi mình vào sa ngã sỉ nhục, Huệ bắt đầu thực sự lo sợ và đứng yên. Cũng may, buổi trưa hành lang dài vắng hun hút, câu chuyện xảy ra hỗn loạn nhưng êm ru. Huệ cầu nguyện và ước ao cho câu chuyện qua êm đi và Hà sau đó không lôi thôi to tiếng gì nữa. Nơi gầm cầu thang tối, chờ đợi và thời gian lúc này với Huệ là khổ ải. Huệ nghĩ tới vợ tới con và thanh danh, thấy mình thật hổ thẹn và không xứng đáng. Hối hận và biết nghĩ chỉ tới với Huệ lúc đó với những dằn vặt đau đớn, Huệ chỉ mong thời gian qua mau đi.

Lúc Huệ bò trốn ra khỏi cửa chạy và định kêu cứu thì Tohio vẫn đứng nguyên. Tin được hoãn lại với Tohio tưởng là sung sướng thì chàng phải chứng kiến sự lừa dối của người yêu. Tất cả xảy tới tàn nhẫn đột ngột khiến chàng phải đau đớn. Chàng cố dằn lòng để giữ được bình tĩnh. “Mất lý trí là điên cuồng chỉ ở những tâm hồn yếu đuối, lúc đó người ta đáng thương như những con vật”. Chàng nghĩ thế và muốn hành động của mình đều do sự suy nghĩ chính chắn. Hà chạy lại đứng sững trước mặt chàng sợ hãi đến cùng tột. Tohio cúi xuống gài chậm khuy áo, trong lúc nóng giận và bối rối Tohio thường làm vài cử động tự nhiên như thế. Sự tức tối và hằn học như đè nặng nơi cổ và ngực chàng từ lúc nẫy. Gài xong chiếc khuy bên tay trái, chàng thấy hơi thở đã đều và lồng ngực như nhẹ đi. Tohio ngước mắt nhìn thẳng vào mặt Hà bàn tay như thừa thãi, các ngón tay như ríu lại, chàng muốn tát thẳng mạnh vào mặt Hà lúc đó. Đưa tay nắn sửa lại chiếc cravate đã trễ xuống từ nãy, chàng nhìn Hà bằng một ánh mắt bình thản và lạnh nhạt pha lẫn khinh bỉ. Câu chuyện vụt qua đi bỗng nhiên Tohio cảm tưởng như không có thật. Trước mắt chàng là người con gái đáng yêu đang run sợ và cần che chở. Hà đánh phấn hồng nên chàng không nhận được sắc mặt tái xanh đi; theo nhịp thở đôi con mắt run run, chân Hà như không đứng vững. Hà nghĩ thà Tohio đánh đập nàng tàn nhẫn để thể xác Hà được đau đớn, để nàng có cảm tưởng tội lỗi mình như được nhẹ đi. Nhưng Tohio vẫn đứng yên lặng, Hà thấy mình trơ trẽn và trần truồng trước mặt Tohio. Nét mặt Tohio dịu xuống, chàng nhìn Hà như nhìn một vật bé bỏng và đáng thưong. Chiếc áo sơ mi màu hồng và mỏng bị cặp vú nhọn để trần nâng cao lên, chiếc áo hở cổ thấp xuống lộ cả một bờ vai trắng dịu, ánh sáng như đọng lại ở đó, mái tóc Hà chưa khô. Khi chàng vừa chớp mắt thì Hà nhảy ôm chầm lấy người chàng. Nếu chàng vòng tay ôm hôn người con gái lúc đó thì tất cả tội lỗi đều có thể tha thứ hết. Một ý nghĩ thất vọng tiếp theo một khao khát rạo rực về thể xác như có thể làm chàng buông trôi. Danh dự, phản bội, lòng tha thứ, mấy tiếng đó cứ vang lên và Tohio vẫn lãnh đạm đứng yên. Mùi thơm của nước hoa mà chàng có cảm tưởng từ da thịt Hà toát ra; Hà thì vẫn gục mặt trên vai chàng, người con gái đang nức nở khóc. Chàng đưa mắt nhìn đôi giày của gã đàn ông xa lạ bên đôi guốc trắng thanh của đứa con gái, trên giường chỗ hai người nằm còn trũng xuống và bừa bộn chăn gối. Một quyết định mạnh mẽ, chàng đưa tay xô mạnh vai Hà. Người con gái mặt đẫm nước mắt, ngơ ngác, thân thể bật ngã ngồi trên đệm. Tohio quay gót chậm rãi đi ra và tiến đến chỗ cầu thang máy.

Thấy Tohio hiện ra phía đầu kia của hành lang, Huệ lo sợ lách mình vào một thang gác tối...

Như một người mất trí, Hà ngồi chết lặng rồi bật đứng dậy lao người chạy ra. Đến cầu thang máy Tohio đã bấm nút chạy xuống. Nàng hớt hải lao người xuống những bực thang ngay đó, và như cố sức chạy đua. Xuống hết ba cầu thang thì Hà như đứt hơi nhưng vẫn cố lết ra sân. Chiếc xe ngoại giao sơn đen biển vàng đã rồ máy, bánh trước rít hểnh trên sân, toàn thân xe rún rẩy và chồm đi. Hà đưa cánh tay vuốt nước mắt và mũi, ló đầu nhìn chiếc xe chạy xa đi trên con đường bóng ướt còn vương lại một lớp khói xanh mỏng là là mặt đất và như bị kéo lê đi.

Tohio cố tình cho xe chạy chậm lại để nghĩ rằng lòng mình bình thản yên tĩnh. Đến sứ quán chàng tự động rẽ quặt vào bất ngờ khiến chiếc xe đàng sau phanh kít lại. Nhìn màu cờ vòng tròn đỏ trên nền trắng, chàng mỉm cuời tự tin và kiêu hãnh.

Hà tự mình lẩm bẩm chua chát:

“Nhật bỏ đi thì ta lấy Mỹ...”

Ruột Hà như thắt lại đau đớn. Nàng có cảm giác như vừa mất mát vừa thiếu thốn. Hà loạng choạng bước chậm và nặng nhọc về phía cầu thang. Ông gác dan ngồi đó trố mắt nhìn nàng ngơ ngác. Nàng chắc bộ dạng mình phải thiểu não lắm. Ý nghĩ không đâu nước mắt lại dâng lên. Hà đóng xập cửa thang máy, bấm nút đỏ thứ tư, thang máy đưa lên như cân sức nặng đôi chân của nàng. Nàng đứng dựa mình vào cửa sắt và muốn ngồi bệt xuống. Một ý tưởng quái gở thoáng đến, nàng muốn bị tắt điện đột ngột và một tai nạn ngay lúc đó: thể xác nàng lòi ra ngoài cửa sắt dập nát và chơi vơi... được tin đó nàng hy vọng Tohio sẽ trở lại. Lúc này Hà mới thấy rằng tình yêu với Tohio có thật và tha thiết. Chiếc thang ngưng lại, cánh cửa bật mở Hà bước ra, ánh đèn gắn trên tường nhỏ như một chiếc khuy vẫn nhấp nháy. Nàng lại sực nhớ tới Huệ. Hà không biết rõ tại sao ánh đèn đỏ lại làm nàng nghĩ tới Huệ... đôi mắt hắn lúc bừng tỉnh dậy kinh hoảng còn dấp dính lèm nhèm, tròng mắt vàng đục ngơ ngác và nét mặt xám xanh. Nếu bình thường lúc bước khỏi giường sau giấc ngủ, hắn vuôn vai ưỡn người rồi há hốc miệng ngáp dài thật to thành tiếng:

“Em có biết đời người những phút nào sướng nhất không?”

“Ngữ anh chỉ nghĩ đến chuyện sướng thân thôi.”

Không để ý câu trách mỉa mai của Hà, Huệ tiếp tục ý nghĩ:

“Ấy sướng nhất là lúc mới ngủ dậy, đứng duỗi tay vuôn vai ngáp... sướng ở cái chỗ chưa kịp có một ý nghĩ về cảm giác khoan khoái dễ chịu thì giây phút đó đã lại qua đi...”

Trong những lúc sống chung thường xuyên với nhau, hắn nhắc luôn đến ý nghĩ đó, thường đến chán tai. Sáng nay, Huệ chưa kịp ngáp chưa kịp một cử động vuôn vai thì Tohio bước đến. Hà nghĩ tới Huệ với tất cả ý tưởng về sự bé bỏng hèn mọn. “Huệ đi qua đời mình để lại quá nhiều dấu vết”, nàng lại nghĩ ngay như thế. Người đàn bà thấy tự ái bị xúc phạm thương tổn. Huệ nhu nhược sợ hãi không một ý tưởng tự vệ kháng cự; lúc đó nàng có ý nghĩ hắn chỉ là một vật bé bỏng yếu đuối, cần che chở. Hà muốn nhảy vào can và bênh hắn, nhưng một ý nghĩ ngược lại: “Để hắn có một bài học”. Hà vẫn đứng yên lúc Huệ bị tát, rơi kềnh xuống, bò lồm cồm trốn ra ngoài. Hà thấy thế mà thương.

Cùng một lúc Tohio thấy ân hận vì đang tay lột danh dự một người. Còn Huệ khấp khởi mừng thầm là Tohio chỉ ghen phải mức, không làm hắn bị thương tích và êm đi.

Hà như ngơ ngác tiếc nuối một cái gì không rõ rệt, như một chén nước trên tay bị rơi xuống đất vỡ tan. Nàng thấy ân hận đã để Huệ đi qua đời nàng với nhiều nặng nề và dấu vết. Ý tưởng đó cứ ám ảnh nàng mãi.

Cánh cửa buồng hé mở, nàng lấy vai hất cửa lách mình bước vào. Huệ đã mặc xong quần áo, ngồi trên giường cúi xuống buộc dây giày và đưa bộ mặt hầm hầm nhìn ra. Đứa bé gái đã đưa cà men cơm để đó tự lúc nào. Huệ đứng dậy đá mạnh đôi guốc trắng của Hà vào gầm giường rồi đi lại phía gương, không quay lại nhưng giọng khàn khàn gay gắt:

“Khốn nạn, thật khốn nạn! Cô lừa tôi, ngủ với tôi rồi còn hẹn nó tới đây! Khốn nạn đàn bà...”

Hà yên lặng và đau xót. Đêm hôm qua lúc canh bạc, có mặt cả mấy con bạn và mấy tay chơi; trong một lúc cao hứng Hà đã đối xử với Huệ với tất cả bộ mặt thật của mình bằng những câu trịch thượng thô lỗ. Thường ngày Huệ cũng nhịn và chỉ cười. Nhưng trước mặt mấy bạn hắn - nghĩa là trước những người khác, hắn mới cảm thấy xúc phạm và nhục nhã, Huệ nhìn ánh mắt khác lạ của Vũ người tình cũ của vợ mình, người có lần Huệ cảm thấy hơn và kiêu hãnh vì chiến thắng. Huệ run rẩy mắt đỏ ngầu, giận dữ mắng Hà thậm tệ. Giọng Trung ngay cả lúc nóng giận vẫn là những âm thanh trầm, díu lại và yếu ớt. Hà hiểu tâm trạng hắn lúc đó. Sai Huệ đi mua thuốc lá, thêm một câu chửi tục tĩu. Tự ái thằng đàn ông bị xúc phạm thế là quá đáng. Hà biết yên lặng như vẻ sợ hãi đúng lúc để vuốt ve lòng tự ái mù quáng của thằng đàn ông. Nhưng hôm nay, niềm ô nhục mà Huệ mang chuốc lấy thật quá rõ. Dưới mắt Hà Huệ không còn một chút giá trị gì nữa. Ít ra hắn phải cưỡng lại, dù thảm bại nhưng hắn còn cứu vãn được chút danh dự và tấm lòng bất khuất. Đằng này hắn lồm cồm chịu đòn rồi bỏ trốn lẩn đi như một con vật đau ốm.

“Anh cút ngay ra khỏi nhà tôi. Chính anh mới là thằng hèn, chính anh mới khốn nạn.”

Nàng như bị đứt hơi, nuốt nước miếng ngưng lại. Huệ quay lại nhìn Hà đến trố mắt, cũng như hôm qua đáng lẽ Hà phải biết điều mà im đi. Hà giọng chua cay và tàn nhẫn:

“Nghe tôi nói xong thì anh biết điều mà xéo ngay ra. Tôi muốn được yên một mình. Trước kia và cho đến bây giờ số phận anh nằm trong tay tôi, tôi có đủ tàn nhẫn làm cuộc đời anh lụn bại tan nát. Tôi những tưởng anh là một thằng khá biết rẫy rụa và phấn đấu... Nhưng hôm nay quả là không còn gì nữa. Một vụ sì căng đan với anh lúc này tôi thấy cũng hèn mọn và vô nghĩa như chính anh, có sao anh cũng chỉ ôm mặt khóc than hay cụp đuôi lẩn trốn. Tôi nói và là tôi hứa, tôi tha cho anh từ nay, anh rời ngay nơi đây, đừng bao giờ bén mảng tới nữa và để cho tôi yên. Anh đi mau không tôi đổi ý kiến...”

Giọng Hà nặng to tiếng và càng gay gắt, khiến chính Huệ thấy phập phồng lo sợ như đứng trên bờ vực thẳm. Hà như điên dại mất lý trí, chỉ một cái co tay là cuộc đời Huệ tan nát.

“Tôi nói tôi tha cho anh. Anh còn muốn gì lúc này thì tôi gọi du côn nó tuốt xác anh ra, mặt anh chỉ đáng thế.”

Huệ khấp khởi mừng thầm, đến trước mặt Hà nói những câu líu díu. Hắn bước ra khỏi, nàng co chân đạp mạnh cánh cửa đánh rầm lại, đưa tay khoá trái, quay vào tiện chân đạp đổ toé loe cả liễn cơm, đóng kín hết cửa sổ và nhảy lên giường nằm xấp người úp mặt khóc. Căn phòng thiếu ánh sáng tối om, giấc ngủ đến với Hà chậm và khó khăn như cố quên đi một cơn đói.


CHƯƠNG BỐN

Vừa thi ra, Minh thấy hy vọng không bao nhiêu. Đây là trường kỹ sư thứ tư mà Minh đang cầy cục thi vào. Hôm qua có kết quả của mấy nơi kia, chàng được tin đã bị trượt. Sau chuyến thi Lyon, chàng sẽ đáp xe lửa đi Mulhouse thi vào hai nơi nữa. Chàng thường bảo đùa bạn bè:

“Thi cử đối với bọn này không còn gì là hồi hộp như hôn nhân đối với một nàng trinh nữ nữa.”

Minh tự mỉm cười với ý nghĩ rằng mình bỗng nhiên và bất đắc dĩ biến thành loại Tú Xương trong trường thi cử. Tin Kỳ sắp sang Pháp làm Minh ngao ngán. Lẽ ra chàng phải vui sướng khi có thêm một người bạn cũ, nhưng với Kỳ, ý nghĩa một chuyến đi phỏng có gì nếu không ngoài những ước ao hưởng thụ và trốn tránh.

Buổi tối nay Minh lại lái xe phóng lên mấy quả đồi nhìn xuống các cơ xưởng , nhà máy lọc dầu với đèn thắp sáng choang mà trong đầu óc lại hiện ra muôn vàn ước mơ ấp ủ và dự định. Minh cảm động khi nhớ tới quê hương, nơi mà hôm ra đi chàng đã tự hứa hẹn với bao nhiêu là lý tưởng và thiện chí. Nghĩ tới đời sống bê tha truỵ lạc của một thời gian qua Minh thấy không chút hối hận. Tất cả dấn thân vào đổ vỡ chỉ là một thái độ tự do muốn lấp liếm những đau thương trống rỗng. Minh không hề có ý tưởng là cuộc đời mình đã hư hỏng như mọi người khác thường nghĩ và nhìn với con mắt đáng thương. Minh thấy tự tin vào lương năng mình, bấy lâu rày xé mà vẫn còn nguyên vẹn và không hề hư hỏng. Lúc này Minh có quyết định trở lại một đời sống trong sạch và kỷ luật. Bước đường lỡ dở buông trôi vừa qua đối với chàng như một kinh nghiệm quý giá, từ nay chàng sẽ không còn mắc vào nữa.

Minh quay xe trở về nhà, cô Thư đã trang điểm xong và sửa soạn đi đâu. Trên gác còn ánh đèn thắp sáng, chú Thư còn ngồi trước giá vẽ, lưng còng xuống mệt mỏi, đưa cọ thêm thắt vào một bức hoạ sắp vẽ xong. Minh bước nhẹ trên sàn gỗ tránh tiếng động và tôn trọng sự yên lặng của chú Thư. Chú Thư tới ở Lyon không lâu nhưng đã nhiều năm sống ở Pháp. Tiếng Việt chú nói ngượng nghịu, những âm cuối cùng thường khô phát ra khó khăn và như rạn vỡ. Chú là bạn thân của ba Minh trước kia, vì còn ít tuổi nên anh em Minh vẫn quen gọi là chú, như hàng em của ba. Chú Thư vốn là một dược sĩ, có một hiệu thuốc lớn. Mãi đến gần bốn mươi mà chú vẫn kén chọn và chưa chịu lập gia đình. Đó có thể là nguyên nhân của tính quá thận trọng đắn đo do chú thường lo ngại về một sự gán ghép lầm lẫn. Nhưng rồi bước đi đầu tiên sau bao năm suy ngẫm đã làm chú thất vọng. Lại là một thất bại và lầm lẫn. Chú yên lặng chịu đựng, dìm mọi thái độ và để mặc người vợ tự do yên sống. Người vợ ngoại tình hay không chú ít bận tâm đến. Nhưng từ khi có mặt người đàn bà thì chú thấy mình thật cô độc. Nỗi cô độc mà gần bốn mươi năm sống độc thân chú không cảm thấy. Nghĩ đến vợ chú Minh liên tưởng tới mẹ mình. Minh lẩn trốn ý nghĩ với nhiều căm giận và chua xót. Hiệu thuốc tây vẫn mở đó, chú thư bỏ kệ chẳng thèm ngó ngàng tới, cả ngày chỉ quanh quẩn trên gác với giá vẽ. Vẽ mãi chán lại đến trước đàn dương cầm chơi những bản nhạc buồn đến thật khuya. Chú thích sự cô độc và yên lặng trọn vẹn. Trên căn gác, cả tâm hồn chú như chìm vào một thế giới riêng đầy màu sắc và âm thanh thanh cao, đôi lúc ở đó Minh cảm thấy một nỗi buồn nặng trĩu. Bước qua phòng chú khép cửa vào buồng riêng, Minh nằm suy nghĩ yên lặng vẳng vào từ bên ngoài tiếng dương cầm buồn nhẹ và thánh thót ru Minh vào một giấc ngủ tưởng như yên tĩnh. Đêm đó chàng ngủ mơ thấy đương sống ở Sài Gòn, ngộ nghĩnh là phong cảnh dân tình ở quê nhà lại cũng lai giống với Lyon. Chàng thấy cùng các bạn sống trong những hoạt cảnh tưng bừng, riêng anh Vũ sao lúc nào cũng nhìn Minh bằng ánh mắt trách móc và không vui. Minh thấy mẹ chàng thật hiền dịu dỗ dành con Loan em gái chàng đương khóc, nó biết lỗi đã bỏ nhà ra đi, nó tưởng nhầm nó bị chửa hoang nhưng không làm sao hết. Minh gặp lại Vân Anh với ánh mắt đen láy, mái tóc xoã xuống vai và chiếc áo dài tím nhạt có vẽ lấm tấm những bông hoa hồng và trắng. Minh đăm đăm nhìn xoáy vào chiều sâu ánh mắt Vân Anh, màu đen trong mắt nhạt dần và biến thành màu xanh ngọc bích. Vân Anh chính là Versois đi với chàng hồi chiều bên bờ sông Rhône và mẹ chàng sao giống hệt thím Thư, ăn mặc rực rỡ sắp sửa bước ra xe với một người đàn ông tới đón... Tiếng động phía ngoài cửa làm Minh thức giấc, tiếng kỳ kèo của thím Thư vang lên:

“Khuya lắm rồi chưa ngủ sao anh?”

Tiếng chú Thư xẵng có vẻ bực dọc:

“Mợ về mệt cứ ngủ trước đi, còn thì để mặc tôi.”

Thím Thư gay gắt hơn:

“Ô hay, em lo cho anh lo cho sức khoẻ của anh, em nói, sao anh lại xử tệ với tôi như thế kia chứ. Tưởng lấy anh là tôi hạnh phúc sung sướng, biết như vậy thì tôi ở nhà với thầy me tôi còn hơn. Trời ơi! Chồng với con thế này làm sao tôi sống.”

Có tiếng động mạnh của một vật nặng đổ kềnh, hình như chú Thư đạp đổ ầm cả giá vẽ, ầm ầm chạy xuống cầu thang và bỏ đi ra phố.

Không khí nặng nề Minh nhận thấy ngay từ bữa ăn chiều. Chú Thư chỉ muốn được yên lặng mà vợ chú thì không. Suốt bữa cơm nói bóng gió xa gần về sự quê kệch ít giao du của chú. Chú Thư vẫn chịu đựng hết bữa ăn rồi bỏ lên gác. Minh thấy thương chú quá. Tình cảm Minh giống hệt lúc chàng đứng trên gác nhìn thấy mẹ chàng đi với những người đàn ông khác, lúc chàng quay nhìn chiếc di ảnh của ba chàng đạo mạo khắc khổ và nghiêm nghị với hàng lông mày như cau lại và mắt tự nhiên sáng quắc lên. Minh hậm hực thấy mình bất lực định thốt một câu chửi vu vơ nhưng chàng im được ngay vì chữ đó có vẻ xúc phạm tàn nhẫn đến chính cả mẹ chàng.

*


Từ ngày rời bỏ nhà chú Thư, một nơi thừa tiện nghi nhưng quá thiếu sự yên ấm, Minh thuê một căn gác riêng ở trong một cái xóm gần như nghèo nàn nhất Lyon. Chàng thường tránh về nhà vì không khí sặc sụa những khói nhà máy và than bụi không được trong sạch lắm. Ban ngày ngoài giờ đi làm thêm ở một nhà sách, chàng thường vào ngồi thư viện. Công việc trong nhà sách gần như không có gì, chỉ việc đánh số ghi giá tiền và khuân từng chồng từ nơi này sang nơi khác. Số tiền kiếm được khoảng ba mươi ngàn quan, tuy không phong lưu nhưng tạm đủ sống. Hy vọng được cấp lại học bổng sau khi ra khỏi trường hàng không thật mong manh nên chính chàng cũng không trông mong gì.

Buổi trưa khi ở thư viện ra, Minh rẽ vào một hiệu ăn quen, ăn vội vã bữa trưa rồi xà một quán nước ở góc phố. Bước được vào bên trong bớt lạnh, Minh bẻ thấp cổ áo xuống, ngồi trước một ly cà phe đen nóng bốc hơi, khề khà với khói pipe. Sang đây khí hậu lạnh Minh nhiễm thêm một thói quen là uống cà phe đen và hút pipe. Những lần như thế, qua làn khói, Minh lại nhớ về quê huơng, tưởng tượng bên nhà hồi còn ở ngoài bắc, uống bát chè tươi, thân mật với các người lao động trong một quán gió thếnh thoáng và chênh vênh, hun hút từng cơn gió bấc giá buốt.

Minh hôm nay cảm thấy vui êm ả, như đang sắp có tin vui với những hy vọng bâng quơ. Chàng đang ngẫm nghĩ về một niềm vui vô duyên cớ. Hai cái thư nhận được hôm nay, một của Versois, một của Thế ở Orly gửi về. Nghĩ đến Thế với nội dung bức thư mà Minh chán ngán - Lại nhắc nhở khuyên can như cố lôi kéo tuyệt vọng Minh về đời sống; dưới mắt Thế Minh đã lỡ là một người sa ngã và hư hỏng rồi. Chàng không ghét Thế, nhưng mỗi lần nhận được thư Minh cũng chỉ liếc qua và tự mỉm cười với chính mình. Ít ra trong đời sống chàng còn có một người bạn mà Minh có thể yêu mến tin cậy dù Thế cũng vẫn không hiểu được chàng.

Minh móc túi từ nơi ngực lấy ra hai chiếc thư: chiếc của Thế nặng và dày cộm chàng đặt xuống mặt bàn. Minh chậm rãi bóc thư Vesois mới gửi cho. Cả mấy trang thư người con gái vẫn một giọng thiết tha yêu Minh, nàng nói nếu nàng không lấy Minh bởi nàng muốn hy sinh hạnh phúc cho sự nghiệp của chàng. Nàng giọng buồn lắm và có vẻ không thiết tha gì nữa, Versois nói chuyến này nàng sẽ đi nghỉ hè ở Hy Lạp suốt hai tháng để xa cảnh cũ, để cố mà quên Minh...

Người con trai bâng khuâng trước lời lẽ trong bức thư, cảm giác thiết tha là lạ như một nhẹ nhàng tiếc nuối. Minh đăm đăm nhìn chữ ký cuối thư của Versois “Van Anh”, cái tên Việt Vân Anh mà chàng đặt cho Versois cách đây ít lâu, người con gái không để dấu - Van Anh, chàng thấy xúc động không đâu về một trách nhiệm không hình thành rõ rệt. Versois vắng đi Minh mới thấy nhớ nàng tha thiết, Minh liên tưởng tới những cô gái Việt chàng gặp gỡ trước kia, họ đã là những người đàn bà biến tính và mất mát: một nếp sống bừa bãi và giao du tự do trước mắt mọi người khác. Họ tự tin vào thứ lý luận và tự cho là khôn ngoan: “Các anh sống tự do ra sao mà lại cấm bọn con gái tụi tôi phải thế này với thế kia!”

Versois, vẻ đẹp trong trắng ngây thơ của nàng chỉ là một cái gì quá mong manh trước những quan niệm đục ngầu đó. Minh thấy thất vọng và chán nản hộ cho người con gái, chàng chấp nhận điều xảy tới như một hiển nhiên không thể tránh và cất mũ giã từ nó. Chàng bật diêm nhóm lửa châm pipe và đốt luôn cả bì thư của Versois dưới chân ghế. Minh giở tới lá thư Thế, cảm giác bình thản như cũ. Chàng nẩy ý định sẽ rời Lyon để lên Paris tuần sau trước khi tới Mulhouse. Minh vừa đậu kỳ thi tuyển và cả đậu cao nữa, sang đầu năm tới Minh sẽ tới học ở đó. Chàng thấy trước đời sống lại hứa hẹn những rộn ràng thử thách, Minh thấy vui sướng với cảm giác giao động đầy mới mẻ đó. Chàng lại trạnh nhớ tới Kỳ, một thằng bạn lúc nào cũng ao ước thoát được sang đây để hưởng thụ và trốn tránh. Chàng tự nhủ: “Thật lầm lẫn, ở đâu mà chẳng phải đấu tranh nếu không muốn bị dồn ép tàn lụi hoặc chết dí như những con rệp”. Ý nghĩ đó tới cùng với viễn ảnh một hình thức đấu tranh tư tưởng giữa những người đồng hương nhưng thuộc hai phe ở bên đây. Chàng tự nói như một lời hứa: “Mình sẽ viết thư cho anh Vũ ngay khi tới Mulhouse”...


CHƯƠNG NĂM

Trời bắt đầu sẩm tối, Vũ lách ra khỏi đám đông đang ép nhau và xô tới. Chàng đi lại phía gốc cây bên kia đường nơi Huyền và đứa con đang đứng đợi. Mua xong mấy tấm vé, lưng áo Vũ ướt đầm; cơn gió thoảng dán manh áo ướt vào làn da gây gây lạnh. Huyền đón chàng trở lại bằng nụ cười ấm áp trông không rõ trong bóng tối. Nguyên đứa con trai chàng vẫn quay lại nói với mẹ huyên thuyên những gì Vũ không nghe rõ.

Cổng hội chợ trang trí đơn giản theo đường nét lập thể. Những khung gỗ lớn bọc vải màu vàng và đỏ sáng trưng với đèn thắp bên trong. Những cụm đèn rọi đủ màu sắc dội lên, chiếu sáng những lùm cây, phía dưới những mặt lá nhuộm một màu xanh lợt như toàn một lứa lá non. Huyền và Vũ dắt tay con đi vào trong hội chợ, đứa bé vẫn cười nói như quên cả bước đi khiến hai người phải kéo tay dìu nó. Gã soát vé là một người đàn ông trẻ to béo với một hàm râu quai nón rậm đen; đứa bé như trì kéo hai người lại nói:

“Ba ơi?”

“Gì con?”

“Ông yêu râu xanh!”

Vũ nhìn con giơ tay chỉ, quay lại phì cười, cùng với tiếng Huyền cười theo trong và ấm áp, nàng đưa tay vuốt nhẹ mái tóc Nguyên và cấu yêu vào má con. Một cảm tưởng yên tĩnh và sung sướng tràn ngập xâm chiếm tâm hồn Vũ. Qua gian hàng phụ nữ quốc tế, hai người đang bước trên những luống cỏ vàng khô và bị dẫm nát. Đến dãy những gian hàng trưng bày các sản phẩm tiền chế, Vũ dừng lại đó rất lâu. Thứ tự những sản phẩm đồ gốm đồ sứ, những công trình mỹ thuật về thuỷ tinh, than đá và chế phẩm phụ thuộc, các vật liệu xây cất và mô hình kiến thiết trong các năm tới; rồi đến chỗ trưng bày các sản phẩm hoá học, các đồ dùng plastic, kỹ nghệ giấy, các loại hải sản và thực phẩm đồ hộp đánh dấu những bước chập chững công nghệ hoá của ngư nghiệp Việt nam... Thứ gì cũng có mặt theo một lối trưng bày độc đáo và hết sức tượng trưng. Nguyên rời tay mẹ, chạy đến cuộn giấy lớn đến mấy người ôm tách bóc ra từng miếng; Huyền cất tiếng gọi giật con:

“Nguyên.”

Đứa bé quay lại thấy mẹ quắc mắt nhìn nhưng rồi mỉm cười quay sang Vũ, nó ngoan ngoãn chạy lại bên mẹ và đứng yên. Với Vũ, tiếng gõ vội dồn dập của đôi giày da nhỏ xíu vang vang của con như một âm thanh reo vui. Chàng nghĩ tới Hiển, Bách, Thiệp và những người bạn khác của chàng. Có thể lúc này Hiển đang lênh đênh ngoài khơi im vắng hay đầy sóng gió; Bách đang cặm cụi trong phòng khảo cứu nơi cơ xưởng; còn Thiệp có thể đang nặn óc để đương đầu bào chữa cho mười vụ án chính trị còn nóng hổi hôm qua; và ở một tỉnh miền Trung không xa Châu đang khổ công tính toán để phát triển xuất cảng sản phẩm thuỷ tinh lan tràn toàn cõi Đông Á. Hồi còn đi học, Châu thổ lộ với các bạn trong cảm tưởng tiếc nuối:

“Người Nhật đi tàu ngoài khơi, nhìn vào những cồn cát trắng cao ngất chạy dài ở bãi biển miền Trung họ thèm khát và ao ước biết là chừng nào, trong khi chính mình bỏ phế hoang phí...”

Châu cũng như tất cả các bạn chàng đều vắng mặt nơi đây nhưng Vũ vẫn có cảm tưởng về sự đoàn tụ khá đầy đủ của bạn hữu lúc này. Sự có mặt dù rất tượng trưng của họ bao hàm một ý nghĩa đóng góp đặc biệt. Hiển thì lúc nào cũng quá khích:

“Xã hội mình nghèo xác chậm tiến, sự có mặt của các nghệ sĩ nhà văn chết đói bi quan loèo khoèo lúc này không cần thiết, cái cần là những nhà bác học chuyên viên, kỹ nghệ gia và các nhà kinh doanh, nếu muốn trong một khoảng thời gian nào đó xã hội mình có mang một bộ mặt mới.”

Hiển có thể vẫn còn tin chắc mạnh mẽ như vậy nhưng dầu sao hắn cũng sáng suốt và biết nghe, đến một lúc nào đó thái độ của hắn sẽ khác đi.

Còn Thiệp lúc nào cũng chủ trương một chính sách khổ hạnh như hình ảnh đời sống con người anh ấy.

“Phải có một chính sách mạnh, thật mạnh và cứng rắn mới mong có được sự tiến hoá. Bản chất dân mình hiện tại là hậu qủa của bao năm đè nén thối tha, làm sao mà giao cho họ một thứ tự do lông bông quá trớn. Nghiêm khắc với họ là để mưu cầu hạnh phúc cho họ nếu không muốn xã hội trở thành một cơ cấu hỗn loạn vô tổ chức.”

Thiệp đã thể hiện được gì và còn khao khát ước vọng gì nữa với một hoàn cảnh quá bất hoà trong tương lai. Bề ngoài Thiệp yên lặng trầm tĩnh nhưng anh lại có lửa hăng say đam mê của một ngòi bút tranh đấu. Cơ hội báo chí đã đến, Thiệp có biết như vậy không? Vũ tự hỏi như thế.

Bước khỏi gian hàng, giữa đám đông bụi bặm với đầy màu sắc và âm thanh, Vũ bế con trên tay. Huyền đi bên cạnh, thỉnh thoảng gặp một người quen tiến lại mỉm cười chào. Những máy phóng thanh đặt thấp sát nhau phát ra những âm thanh chát chúa đến nhức óc. Rất đông người dồn về khu những gian hàng vui thú đỏ đen, cay cú hỗn độn. Đứa bé dẫy trên tay Vũ chỉ về phía trước:

“Ba cho Nguyên bắn súng.”

Hai thanh niên đang gò mình nhắm bắn qủa bóng nhựa trắng nổi chập chờn trên một vòi nước phun cao, thỉnh thoảng bóng rơi tõm xuống phễu rồi lại được tia nước nâng lên chơi vơi. Trong lúc hai người cùng bắn, bỗng quả bóng nhựa bị chọc thủng văng ra xa. Lời qua tiếng lại tranh nhau không ai chịu nhường ai, cho đến khi có tiếng người con gái đứng phía trong dịu dàng và chiêu đãi:

“Tôi ghi trúng cho cả hai ông nhưng lần sau xin mỗi người bắn cách nhau cho dễ thấy.”

Một người dáng nhỏ choắt, mặt đỏ lên nhăn nhó vùng vằng bỏ đi. Vũ thuê cho con đứng vào chỗ ấy. Đứa bé thấp quá phải kê thêm ghế cho nó đứng, so với khẩu súng nó có vẻ nhỏ tí teo. Khẩu súng nặng phải được tì lên thành gỗ ngang, Nguyên không sao bắn trúng nhưng mỗi lần lãy cò là nó cười rức lên khiến Huyền phải ôm giữ cho con khỏi té ngã. Vũ đứng phía sau cũng cười reo lên xen lẫn những tiếng cười của các người xung quanh. Huyền vẫn yên lặng dáng vui, ánh mắt long lanh nhìn Vũ nhìn con, môi hơi bặm lại vẻ cảm động sâu xa. Nàng tưởng nhớ lại những khó khăn vừa qua, nàng nuôi con khắc khoải trông đợi nhưng không chút hy vọng, nhất là từ khi được tin Vũ chết đi. Rồi Vũ tới tìm Huyền hôm qua. Gần một tuần vượt đèo đường xá khó khăn, chiếc Land Rover của Vũ bám đầy bụi và đất đỏ; lớp sơn xanh gốc như mờ đi và trở thành vàng khè. Huyền thấy Vũ già dặn và trưởng thành hơn xưa. Được gặp lại Vũ, nàng thấy lòng rung động và sung sướng tràn ngập. Những khoảng trời xanh nơi xứ Huế vào buổi chiều thường gây cho nàng một cảm tưởng đều đặn và chán nản. Màu xanh đó mỗi lúc hoàng hôn chập choạng ngả dần sang tím bầm. Nhìn căn nhà cũ cổ kính nhiều cột kèo phía trong không lên đèn tối om. Huyền có ý nghĩ là mình đang già đi. Nàng không ao ước được trẻ đẹp mãi nhưng ý nghĩ về sự già nua yếu đau làm Huyền thấy bâng khuâng và buồn thấm thía... Hiện tại, Huyền biết mình sắp sửa phải đứng trước một quyết định quan trọng. Giả con cho Vũ và tiếp tục đời sống riêng mình, xa con là điều mà chính nàng không muốn, trở lại sống với Vũ nàng thấy đó như ý nghĩa một bội bạc với Mai. Nghĩ tới mối tình say đắm bất chợt với Đại, nàng thấy ngượng. Nàng thấy cần phải giữ kín mọi chuyện nếu nàng giao con cho Vũ và ra đi. Nhưng nếu quyết định sẽ sống với Vũ, Huyền nghĩ nàng sẽ thú thật tất cả, nếu không tâm trí nàng lúc nào cũng bị ám ảnh về một dĩ vãng vừa qua. Suốt hôm qua, cả buổi Vũ chỉ đùa nghịch với con và dắt nó đi chơi. Cả buổi tối ngoài sân chờ đợi, Vũ vẫn nói chuyện vẩn vơ không đả động gì đến chuyện nàng đang mong đợi. Tuy mong đợi nhưng chính nàng lại thầm ao ước là được sống yên lặng với tình trạng như hiện tại. Và cho đến bây giờ nàng cũng chưa biết dự định mình ra sao, nếu Vũ có hỏi tới chắc nàng sẽ vô cùng bối rối. Nàng chưa hiểu hoàn cảnh hiện tại của Vũ và ngay cả dự định sau này của chàng. Huyền muốn chính Vũ sẽ tự đề nghị ra những giải pháp để nàng lựa chọn. Nàng biết chắc rằng không đời nào Vũ lại để cho Huyền sống xa con... Còn tình cảm nàng đối với Đại, đó chỉ là những khao khát bồng bột và nông nổi của một giai đoạn tối tăm trong đời nàng. Sau này mỗi lần nghĩ tới Huyền thấy tự ngượng và muốn quên hẳn đi.

Chiếc áo màu xanh óng ả của một thiếu nữ đàng trước gợi cho nàng hình ảnh một bầu trời về chiều hôm qua. Những đám mây bạc ngả sang màu phớt hồng mỏng và nhẹ trôi đi, một khoảng trời trong và không mây phía đàng xa, sâu thăm thẳm không đáy, xanh dịu nhẹ màu cẩm thạch. Chưa bao giờ nàng lại thích màu xanh đó đến như thế, khi nhìn tới Huyền có một cảm giác yên tĩnh diệu vợi. Hôm nay Vũ trở về, ý tưởng đó chỉ thoáng qua và Huyền nghĩ rằng không bao giờ mình có thể quên màu xanh đó. Góc thành phía tây, trên các đọt cây cao vẫn còn vương lại những tia nắng rớt...

Tới khu giải trí nhi đồng, Nguyên nôn nao dằng giật trên tay Vũ như thèm muốn, Huyền nhìn chồng mỉm cười trước dồn dập các lời chào đón.

“Mời em vào du hành không gian bằng phi thuyền Việt Nam.”

Vũ vỗ yêu vào má con:

“Nguyên thích không?”

“Thích ‘nắm’.”

Đứa bé chưa hết ngạc nhiên, ngước mắt nhìn vu vơ dáng sung sướng. Huyền đi lại mua vé cho con, vừa đặt đứa bé vào chỗ ngồi thì tiếng chuông reo vang, đoàn tàu khởi hành với hàng đèn xanh và đỏ sáng nhấp nháy trên cao. Vũ và Huyền ngửa cổ nhìn con và lũ trẻ khác trôi chậm lơ lửng trên không, giữa bầu trời đầy sao sáng. Tiếng dây thép rít trên ống suốt sắt nghe xít xao và rờn rợn. Nguyên nghiêng đầu nhìn xuống, thấy mẹ thì giơ tay bé bụ bẫm vẫy vẫy. Không ai bảo ai, cả hai Vũ và Huyền cùng đang nghĩ tới con với cả một tương lai.

Đợi lúc toa tàu xuống thấp đến bến, người thiếu nữ đứng đó cúi xuống bế Nguyên ra. Huyền đem gửi con vào khu giữ trẻ cho nó vui đùa ăn uống với những đứa bé khác. Vũ nắm tay Huyền kéo đi nhưng còn ngoái cổ nhìn con, một tay giơ lên vẫy...

Hai người chọn một chiếc bàn trống sát ngay bờ sông và khuất vào bóng tối. Nơi bến đàng xa tối nay mở hội hoa đăng, những chiếc đèn lồng bằng giấy thắp sáng được thả xuống dòng sông rời bờ trôi chậm chậm trên mặt nước, ra xa giữa dòng sông tối đen, muôn ngàn ánh lửa lốm đốm như những vì sao trôi xa mờ đi chỗ nhịp cầu lấp trong sương trắng. Chỗ hai người ngồi xa đám đông và bụi bặm, các lá cỏ đã ướt đẫm những giọt sương đêm. Phía ánh đèn gần bến sương đổ xuống mờ mờ, tiếng phóng thanh như yếu đi và vang vang trên mặt sông. Từ nãy Huyền vẫn thấy Vũ nhìn ra mặt sông và yên lặng:

“Anh, bao giờ anh đi?”

“Trưa mai.”

Trong bóng tối Vũ không thấy ánh mắt Huyền cau lại:

“Sao anh gấp thế?”

“Anh nghĩ mọi việc sẽ thu xếp xong trước ngày mai cùng lắm là chiều mai anh đi.”

Huyền giọng buồn, trách móc:

“Đường xá như thế mà anh dám thân chinh lái xe từ trong đó ra...”

Vũ cất giọng đầm ấm:

“Nguy hiểm là trước kia cơ em ạ, bây giờ các mặt trận đều yên tĩnh nên đường xá cũng tạm yên. Chỉ mỗi tội đường bị hỏng xấu chưa kịp sửa sang nên khó đi. Ban đầu anh có ý định ghé thăm các bạn hữu trước rồi chặng cuối cùng ra tìm em và thăm con nhưng anh nóng ruột quá, chỉ muốn gặp em và con ngay. Lâu quá rồi còn gì. Chuyến vào này anh thi hành nốt những dự định bị bỏ dở trong chuyến đi... À trước khi đi anh được tin anh Mai được viện Pasteur gửi đi Pháp.”

Nghe nhắc tới Mai, Huyền hơi bối rối và yên lặng. Nàng tự hỏi không biết Vũ có biết chuyện giữa Mai và nàng chưa. Huyền lại càng băn khoăn hơn khi liên tưởng tới Đại. Tiếng Vũ nói cắt ngang mọi ý nghĩ:

“Anh Mai thật tốt, được biết anh ấy đã săn sóc em và con được chu đáo anh cũng đỡ băn khoăn và yên tâm.”

“Anh Vũ...”

“Gì em?”

Huyền vẫn ngập ngừng, nàng cố thu can đảm nói lên ý nghĩ:

“Chuyện anh Mai và chị Trâm...”

Giọng Huyền đổi khác lạ, nàng nghe rõ câu nói mình mà vẫn có cảm tưởng như là ai nói với. Vũ xen vào ý nghĩ dở dang của Huyền:

“Huyền không nói anh cũng biết tất cả, chuyện đã qua không liên hệ gì đến hôm nay. Anh vẫn nghĩ anh Mai là người bạn tốt, anh chắc Huyền cũng nghĩ thế...”

Huyền vẫn yên lặng, Vũ do dự nhưng muốn nhân cơ hội nói ngay:

“Anh vẫn nghĩ em là một người con gái có một cá tính rất lạ. Anh mến yêu và nhớ mãi cá tính đó. Con, thằng Nguyên được như hôm nay thật nhờ cậy em hết cả. Anh ra đi thật vô tích sự, để rồi trở về vị trí hôm nay.”

Chàng nói giọng chán nản pha chút kiêu hãnh. Huyền cảm động giọng trầm xuống:

“Đó là bổn phận của em, em đã tự hứa với mình như thế.”

Qua bước khó khăn đâu tiên nàng thấy tự tin và bày tỏ:

“Như anh cũng đã biết, em là kết tinh của sự hèn nhát của ba em, sự nhu nhược và trốn tránh của bà mẹ. Em biết số phận em ra đời chỉ là kết quả của một cuộc trao đổi ái tình miễn cưỡng. Ý nghĩ và cũng là sự thật đó sẽ còn ám ảnh em mãi, cả đời em không bao giờ quên được nó. Lúc ba em chết đi, em dẫn con trở về, cho đến lúc này chính em cũng không hiểu ý nghĩ mình lúc đó. Vì một lòng thương hại ư, tàn nhẫn quá chính em cũng không dám nghĩ thế. Đời em, đúng như em dự đoán, còn nhiều gian nan. Khi anh ra đi em thấy chán nản và cô đơn. Em phẫn uất với chính mình, em không muốn con em lại phải chịu khổ sở như mẹ nó nữa. Cũng vì cái dĩ vãng ấy mà em để anh ra đi trong khi chính lòng em không muốn thế. Mong anh ở lại như ý nghĩa một khẩn khoản cầu xin chính em không muốn thế. Các bạn em vẫn nhìn câu chuyện giữa hai người dưới một khía cạnh bạc bẽo và thô bỉ. Họ nhìn anh với con mắt của kẻ bội bạc, còn em thì với ý nghĩ dại dột và đáng thương. Chính những lúc đó em thấy mình có thừa can đảm để ngang nhiên sống bình thản. Dù chỉ bình thản với bộ mặt bề ngoài. Họ bảo em bị anh tàn hại mất tương lai, em vẫn nói “Cho dù anh ấy thế nào, ít ra tôi cũng có được một thằng con thông minh và giống bố nó”. Không hiểu sao chính em lại tin vào điều mình nói như thế; có lẽ em không muốn để người khác thương hại. Theo em đó là một điều nhục nhã. Sau đó là chuyện Trâm và anh Mai, chắc anh đã biết. Em cũng mừng mà gặp lại anh hôm nay. Hồi được tin anh mất tích không những em buồn mà lại thương hại cho con chưa chi đã sớm phải mồ côi bố nó. Phản ứng tự nhiên của em chỉ thoáng qua như thế, nhưng chính em vẫn không nghĩ và tin rằng anh mất đi... Lâu quá rồi còn gì phải không anh.”

Vũ cúi đầu yên lặng. Huyền thì muốn nói luôn chuyện giữa Vũ và Ngân cùng những dự định của anh ra sao. Tuy nghĩ thế mà Huyền thấy mình như hụt hơi nên lại ngưng...

Vũ đưa mắt nhìn ra mặt sông, một con đò dọc kín mui đi ngang qua, tiếng mái chèo vỗ nước lụp bụp. Một ánh đèn dầu le lói ở phía trong chiếu ra, lan trên mặt sông sẫm đen. Vũ nghĩ tới những thú vui đốt cháy thoáng qua, nghĩ đến đêm gặp Huyền lần đầu tiên, nghĩ đến Hà em Tuân, nghĩ đến con. “Nếu Tuân còn sống, Hà đâu đến nỗi; bây giờ Tuân có thể có được một trại chăn nuôi, ước mơ đã có từ khi còn đi học.” Chàng nghĩ tới những điều dự định nói với Huyền, chàng lại sực nghĩ tới Ngân.

“Anh Vũ.”

Chàng không đáp ngước mắt nhìn Huyền như dò hỏi:

“Hôm về đưa đám ba em, em gặp chị Ngân...”

Trước một hoàn cảnh bất hoà, Vũ thoáng một cảm giác hốt hoảng; bình tĩnh trở lại ngay sau đó, chàng giọng yên tĩnh:

“Chuyện đó chắc em đã biết cả, anh chả cần nhắc tới. Riêng đối với anh tình yêu lúc này đồng nghĩa với bổn phận, những bồng bột mơ mộng thời trai trẻ mới lớn đã qua rồi. Anh thấy cần thiết là một điểm tựa cân bằng và vững chãi. Cho đến hôm nay anh trở về với hai bàn tay không, những năm sống đem lại được gì nếu không ngoài những kinh nghiệm cay đắng. Anh thấy lúc này vẫn như là bắt đầu, ước vọng tuổi trẻ lại dồn về với mọi đam mê. Anh và các bạn đang mong làm một cái gì, anh hy vọng tin tưởng và cố gắng thu xếp ... Huyền chỉ có em giúp được anh nhiều trong ước vọng đó.”

Hình ảnh buồn thiểu não của Ngân khi ra tìm Vũ làm chàng bâng khuâng. Chàng nghĩ tới Huệ với cuộc sống bừa bãi yếu đuối; Hà và Chi kết quả của nghèo khó túng quẫn, chồng Chi có lần hậm hực dằn lòng phủi áo ra đi cho vợ tiếp khách nuôi con. Vũ đã khổ tâm cùng cực trước hoàn cảnh đó và chàng tưởng chừng như chính nhân phẩm con người đã bị xúc phạm tàn nhẫn.

Hai người đứng dậy, rẽ qua đón con. Huyền ôm chầm lấy con âu yếm hôn, nói nựng;

“Con của mẹ hôm nay thức khuya, tối mai bắt chú phải ngủ sớm mới được.”

Nàng nghĩ tới những ngày mai, căn nhà lại vắng lặng lạnh lẽo khi Vũ ra đi. Cái lạnh lẽo mà nàng vừa cảm thấy khi Vũ trở lại. Ánh trăng bạc đọng trên cánh tay cổ tay tròn bụ bẫm của Nguyên, nàng vỗ vào mông con nói:

“Nguyên thấy lạnh không con?”

Nàng lại nhớ đến cánh tay để trần của mình hôm gặp Vũ lần đầu tiên trong nhà thương, ánh mắt Vũ nhìn say đắm khiến nàng cảm thấy lạnh rờn rợn trên làn da, cũng như nàng vừa có ý nghĩ căn nhà ấm cúng bỗng trở thành hoang vắng khi người đàn ông ra đi. Huyền thấy rằng sự có mặt của Vũ với đời sống mẹ con nàng là cần thiết.

Cửa Thượng Tứ đứng lừng lững phía xa, chiếc cầu xi măng cong cong, con đường nhựa đen nhãy cũng uốn tròn một nét mềm mại mất hút. Vào cuối mùa hạ sắp sang tiết thu, hương sen ở dưới hồ toả lên thơm ngát. Hai người bước đi yên lặng, đứa bé ngủ gục trên vai Huyền, chỉ còn nghe tiếng gót giày khô vang vang.

Trong bóng tối, ánh trăng sáng mờ chỉ đủ thấy rõ những bông sen trắng nở xòe ra giữa những chiếc lá tròn to và đen sẫm. Cố lắng tai nghe Vũ chỉ phân biệt được tiếng dế rên rỉ đều đều, tiếng ếch nhái táp miệng cắt quãng phía trong xa, không khí đã vắng lặng còn thêm vẻ u tịch, bức tường thành xám đen cao lừng lững chạy dài. Trong đám cây xanh um, căn nhà ở quen thuộc lấp ló trên đó. Vào khỏi cửa thành, qua một khúc rẽ, bước theo những bậc thang đất khấp khểnh là tới nhà.

Huyền bật đèn, đặt nhẹ con xuống chiếc giường riêng cho đứa bé. Đêm đó hai người nói chuyện đến thật khuya. Sau bao tháng ngày chờ đợi, tất cả những nao nức khát khao, tối hôm đó cả hai cùng có dịp thổ lộ. Ái tình trở lại, cả hai cùng tìm thấy ở nhau những giây phút thân yêu đầm đấm. Những đám mây ảm đạm rẽ ra để lộ một khoảng trời xanh, chưa bao giờ Huyền thấy một màu xanh đẹp thế, màu ngọc thạch. Nàng tưởng tượng nếu ánh mắt con mình xanh như thế thì đẹp biết bao. Huyền liên tưởng tới nguồn gốc pha trộn của mình, nghĩ đến con tự nhiên nàng thấy sung sướng và kiêu hãnh.

Hơi ấm của Vũ thấm dần qua thân thể và cánh tay nàng. Huyền rướn người lên nằm sát trong vòng tay Vũ với cảm giác yếu ớt và bé bỏng, đầy thương yêu rộn ràng. Huyền ước ao có thêm được một đứa con gái. Nàng cảm động định bảo chồng: “Anh ạ, trong những phút sung sướng quá người ta chỉ muốn khóc.” Chỉ ý nghĩ đó không thôi đủ làm Huyền dâng dâng nghẹn ngào, không sao cất lên được một câu nói.

Ngô Thế Vinh
Noel 1962
Nguồn: Mây bão, tiểu thuyết của Ngô Thế Vinh. Nghiêu Đề trình bày. Sông Mã xuất bản. Sài Gòn 1963. (Giấy phép xuất bản số 2355 HĐKDTƯ-PI-XB ngày 5-11-63). Bản Ä‘iện tá»­ do tác giả cung cấp.