trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 208 bài
  1 - 20 / 208 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiĐời sống hiện đại
6.3.2008
Bùi Văn Phú
Little Saigon: Chuyện vẫn còn dài
 
Tối ngày 4.3 vừa qua, Hội đồng Thành phố San Jose đã họp để thảo luận lại về việc đặt tên cho khu thương mại của người Việt ở đây, một vấn đề đã gây tranh cãi và làm căng thẳng không khí của thành phố trong hơn ba tháng qua, kể từ sau quyết định của hội đồng thành phố chọn tên “Saigon Business District” vào cuối tháng 11.2007.

Trong cuộc tranh cãi này, cộng đồng người Việt có hai ý kiến trái ngược. Một phía ủng hộ quyết định của hội đồng thành phố và một phía phản đối và quyết tranh đấu cho tên “Little Saigon” vì cho đó là biểu trưng cho căn cước tị nạn cộng sản của đa số người Việt hải ngoại.

Câu chuyện bắt đầu khi Nghị viên Madison Nguyễn đặt quyền lợi thương mại của một doanh nhân Việt gốc Hoa lên trên quyền lợi của những cử tri gốc Việt. Doanh nhân gốc Hoa là ông Tăng Lập đang làm chủ Grand Century Mall nằm trên khúc đường dự định được đặt tên và tổ hợp của ông là TWN, tức Tăng-Wong-Nguyễn, đã lên kế hoạch xây dựng một trung tâm thương mại nữa có tên Vietnam Town, với trên 250 đơn vị bán lẻ, nằm cạnh Grand Century Mall. Kế hoạch dự trù hoàn tất vào cuối năm 2006 nhưng đến nay nền móng vẫn chưa xong.

Là chủ nhân hai trung tâm thương mại lớn, từ đầu năm ngoái ông Tăng đã vận động với Nghị viên Madison để chọn tên cho khúc đường Story Road là “Vietnamtown Business District” và hứa sẽ bỏ tiền ra xây hai bệ đài chào mừng đặt ở hai đầu và làm những bảng quảng bá treo dọc theo hai bên đường. Nghị viên Madison làm việc với ông Tăng trong khi cộng đồng không hay biết và điều này có thể đã vi phạm luật lệ của thành phố. Ông Tăng Lập là một đại gia, là người đã làm cho vị dân cử tiền nhiệm của Nghị viên Madison phải từ chức sau khi bị kết tội nhận hối lộ.

Trước khuyến cáo của thành phố, Nghị viên Madison Nguyễn đã có những buổi gặp gỡ với cộng đồng để ghi nhận ý kiến và đa số đều muốn tên khu phố phải có chữ “Saigon”. Ủy ban Tái phát triển Thành phố còn thực hiện một cuộc thăm dò những chủ cơ sở thương mại và cư dân trong đoạn đường sẽ được đặt tên. Kết quả là “Little Saigon” được nhiều phiếu nhất với 38%, Vietnamese American Business District 14%, không đặt tên 14%, Saigon Town 13%, Vietnamese Business District 10%, New Saigon Business District 7%, còn “Saigon Business District” chỉ được 5%. Phía tranh đấu cho “Little Saigon” dựa vào con số này để lên án hội đồng thành phố đã có quyết định thiếu dân chủ khi chọn một cái tên có số phần trăm ít nhất. Thị Trưởng Chuck Reed cho rằng 38% không phải là đa số vì có trên 60% đã không chọn tên “Little Saigon”.

Cảnh biểu tình trước Toà Thị chính San Jose ngày 2 tháng 3, 2008 (ảnh Bùi Văn Phú)
Cộng đồng người Việt ở San Jose có hai ban đại diện, hai cơ chế tổ chức khác nhau - Cộng đồng Người Việt Bắc California và Cộng đồng Việt Nam Bắc California - và mỗi ông chủ tịch đứng một phía. Ông Hoàng Thế Dân bênh vực quyết định của hội đồng thành phố. Ông Nguyễn Ngọc Tiên phản đối. Ông Tiên và ban vận động cho “Little Saigon” đã tổ chức được 14 lần biểu tình trước Toà Thị chính vào những ngày thứ Ba trong tuần, mỗi lần với vài trăm người trong ôn hoà, trật tự. Còn ông Hoàng Thế Dân giữ thái độ tương kính nên không tổ chức cuộc biểu tình nào, dù để nói lên quan điểm ủng hộ Thị trưởng Chuck Reed và Nghị viên Madison Nguyễn.

Trưa ngày Chủ nhật 2.3, trên 5 nghìn người Việt đã biểu tình để nói lên ý nguyện có tên “Little Saigon” cho khu thương mại của người Việt ở San Jose. Bài xã luận của tờ San Jose Mercury News ngày 3.3 đề nghị hội đồng thành phố chọn “Little Saigon”. Thêm vào là sự việc Ông Lý Tống đòi tuyệt thực cho đến chết nếu hội đồng thành phố không chấp nhận tên đó. Ông Tống được giới truyền thông chú ý vì là người đã một lần đi máy bay vào Havana rải truyền đơn và hai lần ép máy bay vào không phận Sài Gòn cũng để thả truyền đơn chống chế độ cộng sản và ông đã bị nhà nước Việt Nam giam tù nhiều năm.

Phiên họp của hội đồng thành phố tối 4.3 vừa qua đã có hơn nghìn người Việt tham dự, hơn 300 trăm ý kiến phát biểu, đại đa số vẫn ủng hộ “Little Saigon”. Phía muốn giữ tên “Saigon Business District” đưa một kiến nghị với 800 chữ kí, phía muốn “Little Saigon” có kiến nghị của 4000 người. Chung cuộc cả hai phía đều thua. Hội đồng thành phố đã quyết định bỏ tên “Saigon Business District” (tỉ số 11-0) và đình hoãn việc đặt tên cho đến một thời điểm khác, để các thương gia trong vùng có tiếng nói trong việc này (tỉ số 7-4). Như thế hội đồng thành phố cho rằng những con số thăm dò của Ủy ban Tái phát triển đưa ra trước đây là những con số ảo chăng?

Trong biến cố “Little Saigon” đã có những ý kiến khen cũng như chê trách cộng đồng. Hình ảnh nào là phản ảnh thực của cộng đồng người Việt San Jose: ồn ào hay yên lặng, chống cộng hay thân cộng, cương quyết hay nhu nhược, đồng lòng hay phân hoá, đối đầu hay hoà hoãn. Có lẽ tầm nhìn tuỳ thuộc vào chỗ đứng của từng cá nhân trong cuộc tranh cãi này. Còn người ngoài nhìn cộng đồng người Việt thế nào? Cố gắng đi tìm câu trả lời là đang bước vào một thế giới ảo.

Câu chuyện “Little Saigon” ở San Jose chắc chắn còn kéo dài một thời gian nữa, có thể đến hết năm nay.

© 2008 talawas