trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 208 bài
  1 - 20 / 208 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiĐời sống hiện đại
17.3.2008
Bùi Văn Phú
Một danh xưng, một biểu tượng và những bài học
 
Little Saigon đã là biến cố chính trị lớn ở San Jose trong 4 tháng qua

“Little Saigon” là một cái tên để chỉ nơi có nhiều cơ sở thương mại của người Việt trên đất Mỹ. Riêng ở bang California, hai nơi đã chính thức có danh xưng này là Quận Cam và Thành phố San Francisco. Little Saigon ở Quận Cam đã có từ 20 năm qua. San Francisco mới được đặt tên vài năm nay và trong Hội Tết Mậu Tí hôm 3.2, các giới chức thành phố đã chính thức công bố việc xây dựng cổng chào dẫn vào Little Saigon sẽ được thực hiện trong năm nay.

Ở hai miền nam bắc California, tiến trình hình thành Little Saigon đã diễn ra theo những thủ tục hành chánh bình thường và không gây tranh cãi, ồn ào. Riêng tại Thành phố San Jose, việc đặt tên Little Saigon đã tạo ra những tranh cãi và gây căng thẳng trong sinh hoạt chính trị thành phố suốt gần 4 tháng và tưởng chừng còn kéo dài nhiều tháng nữa. Bất ngờ tuần qua đã có những xoay chuyển đưa tới kết quả tạm thời vừa lòng các phía liên hệ.

Nguyên do vì sau những biểu quyết của hội đồng thành phố ngày 4.3, việc từ chối đặt tên Little Saigon có liên quan đến pháp luật khiến Thị trưởng Chuck Reed và một số nghị viên đã phải xét lại quyết định của họ. Phần khác là vì ông Lý Tống nhất quyết hi sinh tính mạng của mình bằng cách tuyệt ẩm từ sau phiên họp ngày 4.3. Chiều ngày 6.3 Thị trưởng Chuck Reed đã xuống thăm ông, trao một thư riêng khuyên ngừng tuyệt thực, nhưng ông Tống một mực từ chối. Nhiều nhân sĩ trong cộng đồng người Việt cũng đến thăm và khuyên, nhưng ông sẵn sàng chết. Ông Tống đã tuyệt thực trước Toà Thị chính từ ngày 15.2 và theo lời ông, sự việc thành phố không chấp nhận đòi hỏi của đông đảo cư dân gốc Việt là một hành động phản dân chủ, cuộc tuyệt thực nhằm nói lên tính ngụy dân chủ của chính quyền Thành phố San Jose.

Trong phiên họp ngày 4.3 Hội đồng Thành phố San Jose đã có ba biểu quyết quan trọng.

  1. Huỷ bỏ tên “Saigon Business District” (với tỉ số 11-0) mà hội đồng đã quyết định 8-3 trong phiên họp ngày 20.11.2007.
  2. Huỷ bỏ quyết định ngày 5.6.2007 (với tỉ số 10-1) là quyết định đầu tiên của hội đồng liên quan đến việc đặt tên cho một khu thương mại Việt Nam.
  3. Biểu quyết thứ 3 (với tỉ số 7-4) có hai phần. Phần đầu thừa nhận tên “Little Saigon” được sự ủng hộ của đông đảo cư dân người Việt sinh sống ở San Jose. Phần thứ hai để cho ủy ban của thành phố soạn thảo một thủ tục đặt tên cho khu phố và việc đặt tên cho khu thương mại người Việt với sự đóng góp ý kiến của những người có quyền lợi trong đó.

Biểu quyết thứ nhất được đồng thanh thông qua vì nhiều nghị viên có thể đã vi phạm đạo luật Brown Act về tính minh bạch và trong sáng trong các quyết định của họ. Hội đồng thành phố đang bị một hội đoàn người Việt là Cộng đồng Việt Nam Bắc California kiện ra toà vì việc này.

Biểu quyết thứ nhì do Nghị viên Madison Nguyễn đề xuất. Theo lời Thị trưởng Reed thì đã có những thông tin, đồn đoán loan truyền rằng quyết định ngày 5.6.2007 của thành phố đã có sự ảnh hưởng của nhà nước Việt Nam, nên ông muốn huỷ bỏ để hội đồng tái bắt đầu một tiến trình mới cho minh bạch, rõ ràng.

Vấn đề là vì sau khi hội đồng thành phố có quyết định thì ngày 7.6.2007 tin này đã được đưa lên trang mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong khi cộng đồng người Việt không hay biết. Nếu chính phủ nước ngoài muốn có ảnh hưởng đến quyết định của cơ quan công quyền Hoa Kỳ mà không đăng kí hoạt động vận động hành lang là không được pháp luật Mỹ cho phép.

Mấy tuần qua, Việt Nam nhật báo đã tìm ra nhiều email trong hồ sơ của thành phố về trao đổi giữa ông Tăng Lập và Nghị viên Madison Nguyễn liên quan đến việc đặt tên cho khu thương mại Việt Nam từ tháng 4.2007. Ông Tăng Lập là một nhà đầu tư điạ ốc có nhiều dự án phát triển cơ sở thương mại ở San Jose và Việt Nam.

Biểu quyết thứ ba là đề xuất của Nghị viên Sam Liccardo, dựa trên thỉnh nguyện thư do ông Henry Hướng Lê đưa ra với 92 chữ kí của thương gia không muốn thành phố đặt tên Little Saigon hay áp đặt bất cứ một tên nào cho khu phố. Ông Lê, một nhà đầu tư điạ ốc và là chủ một tiệm bánh mì Lee’s Sandwich ở San Jose, đại diện cho nhóm thương gia đã lên phát biểu chống lại tên Little Saigon trong những phút đầu của buổi họp. Đến phần thảo luận giữa các dân cử, ông Lê được Nghị viên Liccardo mời lên để hỏi về vai trò của ông trong việc thu thập chữ kí cho bản thỉnh nguyện và ông Lê xác nhận đã thu thập những chữ kí đó.

Chỉ ít ngày sau thì có ít nhất 20 chủ nhân lên tiếng là họ không bao giờ kí vào một thỉnh nguyện thư mà ông Hướng Lê đưa cho thành phố, trái lại họ là những người ủng hộ tên Little Saigon. Trước những cáo buộc về việc giả mạo chữ kí, Thị trưởng Chuck Reed và Nghị viên Sam Liccardo đã hỏi lại ông Lê và những câu trả lời của ông không làm cho hai vị dân cử hiểu được tính trung thực của những chữ kí. Đến ngày 12.3 trong một thông báo phổ biến, ông Henry Hướng Lê giải thích rằng danh sách đó là do một bạn của ông đưa cho ông vì người đó không vào dự buổi họp của thành phố được. Câu hỏi được đặt ra là người bạn của ông Lê là ai? Nhiều người bị mạo nhận chữ kí đang xúc tiến việc kiện ông Lê ra toà.

Trước những sự việc mà nhiều dân cử San Jose và cả hội đồng thành phố phải trả lời trước pháp luật, nên chiều ngày 13.3 một thoả thuận đã đạt được giữa các phe tranh đấu và hội đồng thành phố với những điểm quan trọng sau:

  1. Một cổng chào với danh xưng “Little Saigon” sẽ được dựng lên trên đường Story Road, gần ngã tư với đường McLaughlin. Tài chánh xây dựng cổng chào và thực hiện những lá phướn treo dọc bên đường sẽ do sự đóng góp của cộng đồng người Việt. Hội đồng thành phố sẽ tu chính luật lệ để việc xây dựng bởi ngân quỹ tư được thực hiện.
  2. Cổng chào chỉ là tạm thời trong ba năm. Trong thời gian đó thành phố sẽ soạn thảo và ban hành những chính sách liên quan theo như đã được quyết định trong ngày 4.3.
  3. Ông Lý Tống sẽ chấm dứt cuộc tuyệt thực sau 27 ngày.

Cư dân vui mừng khi nghe quyết định của thành phố
Khi Thị trưởng Chuck Reed công bố bản thoả hiệp trước khoảng 300 người có mặt bên trong Toà thị chính, nhiều tiếng reo vui vang lên, những tấm bảng đã được giơ cao: “We love Little Saigon, San Jose”, “Little Saigon Won”, “Chính nghĩa đã thắng”.

Trong bài diễn văn đọc hôm đó, Nghị viên Madison Nguyễn nói rằng cô đã học được nhiều bài học, nhất là từ hai buổi họp hội đồng thành phố. Ý cô muốn nhắc lại là trong hai lần họp dù với hơn nghìn cư dân gốc Việt tham dự, dù đại đa số ý kiến phát biểu ủng hộ Little Saigon, thế nhưng danh xưng đó vẫn bị thành phố từ chối. Không nói thẳng ra nhưng người nghe hiểu rằng cô muốn thừa nhận sai lầm của mình.

Bài diễn văn ngắn vừa dứt, cô không nhận được những tràng pháo tay mà là rất nhiều tiếng la ó “liar, liar” (kẻ nói láo).

Trong số những dân cử đứng trước mặt cư dân, ngoài thị trưởng còn có Phó Thị trưởng Dave Cortese, các Nghị viên Forrest Williams, Sam Liccardo và Madison Nguyễn. Đứng cùng với cư dân có các Nghị viên Pete Constant và Kansen Chu là những người đã ủng hộ Little Saigon. Như thế Little Saigon đã có sự ủng hộ của ít nhất 7 trong số 11 dân cử của thành phố.

Nghị viên Madison Nguyễn, Thị trưởng Chuck Reed, bên trái, và Nghị viên Forrest Williams trong cuộc họp báo ngày 13.3
Cô Madison là nghị viên duy nhất hiểu tấm bảng ghi tiếng Việt “Chính nghĩa đã thắng” và chỉ có cô biết rõ ai là kẻ gian tà trong biến cố Little Saigon ở San Jose.

Như những tranh đấu khắp nơi cho lá Cờ Vàng trước đây, sau San Jose thì Little Saigon đã trở thành một danh xưng của người Việt ở Mỹ.

Trong cuộc tranh đấu này, phía muốn đặt tên Little Saigon là “Phong trào cử tri San Jose đòi dân chủ” đã đạt được kết quả là nhờ dựa vào khía cạnh pháp luật mà bất cứ dân cử nào cũng phải tôn trọng và vận động được đông đảo quần chúng ủng hộ bằng những cuộc biểu tình, có lúc lên đến hơn 5 nghìn người.

Báo chí Việt ngữ tuy còn theo phía này hoặc phía kia, nhưng riêng tờ Việt Nam nhật báo đã sử dụng chức năng để truy tìm, điều tra về những trao đổi bên trong của Nghị viên Madison Nguyễn trước khi thành phố có những biểu quyết. Sự việc này đặt thành phố trước những khó khăn về vấn đề pháp lí.

Quan trọng nhất chính là sự quyết tâm của người Việt.

Như một lần bà Dân biểu Tiểu bang Fiona Ma, lúc còn làm Giám sát viên ở San Francisco, đã nói về những điều mà người Việt tranh đấu để có được thì không phải là những quyền lợi vật chất mà chỉ là một danh xưng, Little Saigon, hay một biểu tượng là Cờ Vàng. Đối với nhiều người Việt, đây là di sản tinh thần quý giá nhất mà họ muốn để lại cho thế hệ mai sau.

(Ảnh trong bài của tác giả.)

Các bài đọc thêm

http://www.viettribune.com/vt/index.php?id=1684

http://www.viettribune.com/vt/index.php?id=2053

http://www.viettribune.com/vt/index.php?id=2002

http://www.viettribune.com/vt/index.php?id=1982


© 2008 talawas