trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 305 bài
  1 - 20 / 305 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tản văn thứ Sáu
21.3.2008
Đặng Thân
Vai diễn & Số phận
 
Nhà tiên tri Vanga (Vangelia Pandeva Dimitrova; 1911–1996) có giải thích về số phận con người rất giản dị: đời người như một cuốn phim quay sẵn. Bà có nói với một người làm ở nhà hát: “Ta đã bảo ngươi rồi, là sau khi chết thân thể sẽ phân huỷ như bất kỳ sinh vật nào khác, nhưng một phần của thân thể, phần linh hồn, hay là cái gì đó mà ta không biết phải gọi thế nào, lại không hề phân huỷ. Cái còn lại của con người chính là linh hồn. Nó không phân huỷ mà tiếp tục phát triển để tinh tiến tới những trạng thái cao hơn. Cái đó gọi là sự bất tử của linh hồn.” [1] Bà còn nói với một người khác: “Với những người đã chết, ta là cái cửa ra vào cho họ trở lại với thế giới này. Khi có ai đó đến với ta thì những người thân đã chết của người đó vây quanh anh ta, hỏi ta nhiều câu và đưa ra câu trả lời, và ta chỉ việc kể với người sống những gì ta nghe thấy.”

Cái ý của Vanga đã rõ là con người có số phận và số phận đó không thể thay đổi. Mọi sự kiện trong đời đã được sắp đặt trước, miếng cơm chén nước đều có tiền định, không có gì mà phải hối hả tranh cướp cả. Rồi tất cả lại thay đời đổi kiếp trong luân hồi. Những người trải qua cái chết lâm sàng (clinical death) hay kinh nghiệm cận tử (near-death experience) cũng kể lại những điều tương tự. Họ còn nói rằng mỗi kiếp người như một khoá học, khi chết đi là con người tốt nghiệp một khoá học để đi lên theo học một trình độ cao hơn ở một kiếp khác nếu người đó “học” tốt, nếu “học” kém có khi lại còn phải quay lại học những khoá có trình độ thấp hơn (xuống Địa ngục?).

Từ những ý niệm đó ta lại nhớ đến Shakespeare với câu nói “bất hủ gây mất ngủ”: “All the world is a stage. And all the men and women merely players” (Tất cả thế gian là một sân khấu lớn, tất cả mọi người đều chỉ là những diễn viên mà thôi). Mọi vai diễn như vậy là đã được ông đạo diễn phân vai, không thể vì thích vai khác mà muốn đổi thì đổi được, nhất là trong cuộc đời thì ông đạo diễn ấy lại là Ông Tạo [hoá]. Vậy là đã rõ: số nghiệp (karma) của chúng ta chỉ là những diễn viên (đã được phân vai), nhiệm vụ (dharma) của chúng ta là phải đóng/diễn cái vai đó cho tốt.

Chính cái cụm từ “diễn cái vai đó cho tốt” làm cho chúng ta vẫn thấy được “sân chơi” của Con Người (chưa đến nỗi phải “đi chỗ khác chơi” [2] )! Như vậy thì dù không đổi được vai mình muốn nhưng mỗi diễn viên vẫn còn “đất diễn” của mình, dù đó là vai chính (mà ai cũng thèm) hay vai rất phụ như “lính 1”, “lính 2”. Vì thực chất sau mỗi vở diễn người ta chỉ còn nhớ tới người nào diễn hay/tốt nhất chứ đâu cần biết đó là vai chính hay vai phụ. Chính người diễn hay nhất mới làm cho sân khấu/màn bạc/cuộc đời toả hào quang.
Xin được đơn cử ra đây một vài ví dụ của các vai diễn:

Trên sân khấu quyền lực/chính trị Trung Quốc thế kỷ XX người ta thấy vở diễn tuyệt vời giữa Mao Chủ tịch và Tưởng Tổng thống. Mao đích thị là nhân vật chính của vở kinh kịch hoành tráng ấy khi giành được Hoa Lục để trở thành “lãnh tụ vĩ đại của các dân tộc Trung Hoa”, còn Tưởng sẽ phải đóng vai gì? Đang đường đường là Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc, một trong 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đầy quyền lực với thế giới mà vì thất thời/thế nên vào năm 1949 đã phải ngậm ngùi lủi thủi ra đảo Đài Loan (dài có 394 km và rộng chỉ 144 km), để trở thành “nhân vật phản diện” (mà ai cũng ghét). Thế rồi nhân vật phản diện đau khổ đó đã “biến đau thương thành hành động cách mạng”, âm thầm cần cù vượt gian lao với những chính sách khôn ngoan trên một hòn đảo cằn cỗi vốn dĩ chỉ là nơi cư ngụ của một nhúm dân đánh cá. Thế mà 30-40 năm sau Đài Loan đã trở thành một đất nước giầu mạnh với hơn 20 triệu dân, được xếp vào hàng ngũ “những con hổ châu Á” làm nên hiện tượng “sự thần kỳ châu Á”. Khi nhắm mắt xuôi tay (1976), Mao là ông chủ của một đất nước tan nát, nghèo hèn. Còn khi Tưởng mất (1975), Đài Loan đã xếp trong hàng ngũ những nước giầu, sau đó Chính phủ Đài Loan còn tuyên bố hùng hồn: sẵn sàng cho nhân dân cả nước Đài Loan nghỉ việc đi du lịch một năm, điều mà chưa cường quốc nào dám “chơi”. Chắc chắn khi Tưởng chết ông đã để lại một vai diễn ấn tượng nhất, và mọi người chỉ nhớ đến ông và hâm mộ ông mà thôi, dù đó là vai “phản diện”. Hiện nay Đài Loan được coi là nơi làm ăn dễ dàng sung túc thịnh vượng nhất thế giới, thể hiện qua câu nói của người Việt hải ngoại “nhất Đài, nhì Ca”. “Đài” đây là Đài Loan, còn “Ca” là California và Canada. Có thể nói Tưởng chính là một trong những “nhân vật phản diện vĩ đại nhất mọi thời đại”! Trong năm 2008 Liên hiệp quốc đang xét để Đài Loan trở thành thành viên như một quốc gia độc lập. Vậy là giờ đây nhân vật phản diện lại trở thành nhân vật chính diện mất rồi, khiến cho bao kẻ bồi hồi trước những dòng sông khi lở khi bồi. Đạo diễn Tạo Hoá đôi khi cũng thật tồi, vì nhiều khi “tiền hậu bất nhất” trước những bọn lất bất.

Trong “tháp ngà văn chương” cũng có những nhân vật lạ lùng, không hiểu đạo diễn Tạo Hoá sinh ra họ là để chứng minh một điều gì?

Nhà thơ Mỹ Walt Whitman (1819–1892) cũng đã phải đóng vai phản diện đầy đau khổ. Sau khi trải qua khá nhiều nghề (in ấn, dậy học, biên tập báo, thầu xây dựng) ông ôm ấp một tập thơ với ý định viết nó suốt đời, đó là tập Leaves of Grass (Lá cỏ). Năm 1855 ông tự bỏ tiền túi ra in tập thơ lần đầu với 12 bài, có 795 bản. Tập này cũng được trình bầy khá độc đáo, không có tên tác giả mà chỉ có một bức hình của ông mặc áo trắng, quần công nhân và đội mũ ống. Trong bài mở đầu nhà thơ tự giới thiệu “Walt Whitman, người Manhattan”, bắt đầu bằng “I celebrate myself, and sing myself” [3] . Chủ đề xuyên suốt của tập thơ là ý nghĩa của đời sống con người trong mối liên hệ giữa tâm hồn và thể xác, giữa thần thánh và người trần mắt thịt, sự tiến hoá của những hình thái cuộc sống, sự bình đẳng giữa mọi sinh linh và cuộc phiêu lãng muôn thuở của linh hồn trong quá trình sinh, tử và hồi sinh. Tập thơ ra đời không được đón chào, giới phê bình coi đó là những vần thơ “dung tục, tầm thường”, có vẻ “tục tĩu, khiêu dâm”, anh em ông coi nó “không đáng đọc”. Một học giả gọi nó là “rác rưởi, ô uế, dâm tục”, còn tác giả thì bị gọi là “con lợn kiêu căng”. Có người sau khi nhận được món quà này do chính tác giả gửi đã tức giận xé nát nó ra trước khi gửi trả lại cho tác giả, để không có ai tiếp theo phải đọc tập thơ đó. Tuy vậy Lá cỏ ngay lập tức được Ralph Waldo Emerson (1803–1882), là người lúc đó đã rất nổi tiếng, đánh giá cao. R. W. Emerson viết bức thư khen ngợi dài 5 trang gửi cho W. Whitman và gặp ai cũng hết lời ca ngợi tập thơ. Sau đó người ta phải xem xét lại giá trị của tập thơ đằng sau những đề tài tính dục chướng tai gai mắt. Và những nhà văn, học giả nổi tiếng đã ngưỡng mộ tập thơ và đến thăm ông, trong đó có Bronson Alcott (1799–1888) and Henry David Thoreau (1817–1862). Năm 1856 tập thơ được in lại lần thứ hai có bổ sung thêm những bài thơ mới khác cùng với bức thư của Ralph Waldo Emerson. Và sau đó được bổ sung hàng trăm bài thơ, in lại rất nhiều lần, chỉ tính thời Walt Whitman còn sống đã được in lại 6 lần. Lá cỏ được đánh giá là tác phẩm thơ duy nhất thể hiện vẻ muôn mặt của đời sống nước Mỹ và đề cao tư tưởng dân chủ. Thế kỷ XX, Lá cỏ được thừa nhận là một trong những sự kiện văn học quan trọng nhất, đã làm một cuộc cách mạng trong thi ca, với sự ra đời của một thể thơ mới – thơ tự do, mà Walt Whitman là người khởi xướng. Thơ của Walt Whitman có sự ảnh hưởng đến nhiều nhà thơ lớn của thế giới: T. S. Eliot, Ezra Pound, Galway Kinnell, Langston Hughes, William Carlos Williams, Pablo Neruda, Arthur Rimbaud, Federico García Lorca, Fernando Pessoa, Vladimir Vladimirovich Mayakovsky

Kể cũng phải thôi, khi nụ hôn đầu tiên xuất hiện trong điện ảnh ở Mỹ vào năm 1896 (sau Lá cỏ hẳn 40 năm) trong bộ phim câm The Kiss (Nụ hôn) [4] của William Heise đã gặp một cơn bão la ó bởi rất đông người bảo thủ trong những quan niệm đạo đức. Một ông chủ xuất bản ở Chicago tên là Herbert S. Stone gọi bộ phim là “cực kỳ ghê tởm” và “đòi cảnh sát can thiệp”. Ngài phàn nàn: “Nhìn cái cảnh hai nhân vật gí môi vào nhau quá lâu quả là không thể chịu đựng được”. Mà đấy là chuyện bên Mỹ cơ đấy. Có thể nói W. Whitman hay W. Heise là những người được giao những vai tiên phong bơi trên dòng nước ngược mang tên “hủ lậu” được dán mác “chính thống”, “truyền thống” và những thứ “thống” khác như: thống soái, thống dâm, thống khổ, bi thống, thông thống, tổng thống, thống tướng, thiên đầu thống, thống khốc, thống mạ, thống thiết, thống trị.

Họ đã được giao vai “anh hùng” thì phải gặp trở lực lớn thôi. Thế mới ôi. Vậy thì càng phải diễn hết mình.

Sang thế kỷ XX tình hình tưởng sẽ thay đổi toàn diện nhưng vẫn còn những ca phức tạp hơn nhiều.

James Joyce (1882–1941), một trong vài nhà văn có ảnh hưởng lớn nhất trong thế kỷ XX, cũng phải đóng vai phản diện quá lâu. Tác phẩm đỉnh cao của ông và cũng của thế kỷ XX Ulysses (viết từ năm 1922) cũng phải trải qua 15 năm lận đận vì bị coi là “văn chương dâm uế”. Nhà văn “số 1” này còn không được giải Nobel vì có một ngài uỷ viên Hội đồng xét Nobel phán rằng ngài còn sống thì không bao giờ có chuyện J. Joyce được Nobel, mà ngài này lại toi sau J. Joyce mới khổ loài người chứ. Ông đích thực là một ngọn núi cách mạng văn chương ngất ngưởng của thế kỷ. Những tác phẩm của ông có ảnh hưởng quan trọng đến các đỉnh núi khác như Samuel Beckett, Jorge Luis Borges, Flann O'Brien, Máirtín Ó Cadhain, Salman Rushdie, Robert Anton WilsonJoseph Campbell. Hàng năm nhiều nơi trên thế giới làm lễ hội về ông, hình của ông còn có mặt trên đồng tiền giấy 10 bảng ở đất nước quê hương Ireland. Tôi thích giai thoại này về ông: khi J. Joyce đã nổi tiếng thế giới bên ông luôn có nhiều kẻ xun xoe; có một kẻ đến quỳ xuống “xin được hôn bàn tay đã viết nên Ulysses” thì ông đáp “xin lỗi, không thể được đâu vì bàn tay này ngoài việc viết nên Ulysses thì nó còn làm nhiều việc khác nữa”.

Ôi, được giao vai phải đóng một đỉnh núi tầm cỡ Everest thì ắt phải chịu cảnh băng tuyết vĩnh hằng và những cơn bão cực lớn. Thế mới ớn. Vậy thì càng phải diễn như xả thân.

Sau rốt cần phải nói về nhân vật “dị nhân X-man” Henry Valentine Miller (1891–1980) vì nhiều lẽ. Henry Miller nổi tiếng với sự đột phá trong các loại thể văn chương và việc phát triển một loại “tiểu thuyết” mới pha trộn tiểu thuyết với tự truyện, phê phán xã hội, cảm quan triết học, quan hệ phi-siêu thực và chủ nghĩa huyền bí. Loại “tiểu thuyết” này luôn xoay quanh cuộc đời thực của chính Henry Miller mà vẫn sặc mùi hư cấu. Sinh ra ở New York trong gia đình gốc Đức, lớn lên làm nhiều nghề. Đang làm Giám đốc nhân sự với thu nhập cao bỗng vào năm 1929 “dị nhân” rũ bỏ tất cả đi sang châu Âu chỉ với vẻn vẹn 20 USD giắt túi. “Dị nhân” sống theo style nghèo túng, dựa vào sự hào phóng của bạn bè hay người tình. Và tại Pháp vào năm 1934, người tình Anaïs Nin đã giúp “dị nhân” in cuốn sách “khủng” sau nhiều năm bị giới xuất bản Mỹ cấm đoán vì lí do “dâm uế”, cuốn Bắc chí tuyến. Sau này với những Mùa xuân đen (1936) hay Nam chí tuyến (1939) người ta vẫn còn phải đưa lậu vào Mỹ. Quả là không đùa với tính bảo thủ, cứng nhắc của người Mỹ. George Orwell đã gọi ông là “một Whitman giữa những xác chết”. Chính những tác phẩm của ông đã làm nên sự ảnh hưởng chính yếu tới thế hệ Beat oanh liệt trong những năm 50 và 60. Đến tận năm 1961 Bắc chí tuyến mới được xuất bản tại Mỹ mà vẫn làm cả hệ thống toà án hoảng loạn. Tuy nhiên, vào năm 1964 Toà án tối cao tại tiểu bang Ohio đã phải ra phán quyết công nhận đó là một tác phẩm văn học. Sự kiện này đã khởi đầu cho cuộc “cách mạng tình dục” lừng lững làm rung chuyển thế giới. Từ đó đến nay cuộc cách mạng này đã làm thay đổi loài người về nhiều mặt, làm cho ngày lễ tình nhân 14-2 thêm phong phú sắc mầu, làm cho ngành công nghiệp khách sạn-nhà nghỉ (và cả các trung tâm sức khoẻ sinh sản) trở nên phát đạt chưa từng thấy.

Nếu không có “dị nhân vật” Henry Valentine Miller chắc rằng thế giới đã vô cùng buồn tẻ và ngột ngạt trong gông cùm tư tưởng, hoặc có thể nền văn minh Atlantic đã chết từ lâu rồi.

Như vậy ta càng thấy rõ trong tam tài Thiên-Địa-Nhân tài nào cũng có vai trò “đóng góp” của mình vậy, trong một quy luật mà người xưa đã dậy: Người bắt chước Đất, Đất bắt chước Trời, Trời bắt chước Đạo, Đạo bắt chước Tự nhiên. Thế cho nên mới lại có câu “Thuận Thiên giả tồn, nghịch Thiên giả vong”. Xin có lời cảnh báo những kẻ “nghịch” vậy.

Đọng lại vấn đề là phải được giao vai. Hãy cho con một vai, ơn “đạo diễn” Chúa! Năn nỉ mà. Dù phải nhẩy vào lửa để cứu công chúa hay đóng sex giữa trời băng tuyết, con hứa sẽ diễn hết mình.

Thì ai cũng được Chúa phân vai rồi đó thôi.

Valentine ‘08



[1]http://www.answers.com/topic/baba-vanga
[2]Như cách nói của nhà thơ [già] Ý Nhi dẫn lời nhà văn [cụ] Trang Thế Hy. Xem: http://www1.thanhnien.com.vn/Vanhoa/2008/1/6/221694.tno
[3]Tôi ca ngợi chính mình, và hát về chính tôi.
[4]http://www.anecdotage.com/index.php?aid=575