trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 38 bài
  1 - 20 / 38 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
Loạt bài: Con đường xã há»™i - dân chủ
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13 
10.7.2008
 
Trao đổi ý kiến về xã hội dân sự và dân chủ - xã hội
 
Sau khi Hà Sĩ Phu và Mai Thái Lĩnh phát biểu về chủ đề “xã hội dân sự” (civil society) trên đài RFA vào hai ngày 29 và 30.5.2008 [1] , đã có một số ý kiến phản hồi từ một số cây bút tại hải ngoại. Nhận thấy những ý kiến trao đổi riêng tư này có thể có tác dụng hữu ích đối với công cuộc vận động dân chủ hóa đã và đang diễn ra trong nước, chúng tôi đã xin phép các tác giả để được công bố một số ý kiến xung quanh đề tài nói trên.
talawas
Thư của Trần Ngọc Cư

19.6.2008

Anh Tiêu Dao Bảo Cự và quí bạn hữu thân mến,

Một trong những tiêu chí gây ấn tượng nhất của "Nhóm Dân chủ Đà Lạt" là xây dựng xã hội dân sự (còn gọi là xã hội công dân). Có lẽ chúng ta nên thảo luận những phương án cụ thể và dễ tiếp thu như vậy, hơn là đưa ra những lí thuyết dân chủ trừu tượng và dài dòng (như dân chủ xã hội, dân chủ đa nguyên, vân vân và vân vân). Những lí thuyết này cũng như chính bản thân của chủ nghĩa xã hội, đối với tuyệt đại đa số, vẫn còn là "chiếc bánh ở trên trời" [cụm từ Yeltsin đã dùng trước lưỡng viện Quốc hội Mĩ]. Thiết tưởng là, chúng ta nên "níu thắt lưng" hiến pháp và xu thế toàn cầu hóa (không thể cản nổi dù chúng ta có muốn chống lại) để xây dựng xã hội dân chủ. Tôi đồng ý với nhiều người rằng toàn cầu hóa có những mặt tiêu cực của "chủ nghĩa thực dân mới", nhưng tôi muốn mượn lời của Clinton trong bài diễn văn đọc trước sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội vào cuối năm 2000, đại ý: toàn cầu hóa là sức gió; gió có thể gây bão bùng, nhưng gió có thể tạo ra nguồn năng lượng đối với những ai muốn khai thác gió.

Tôi vừa trích dịch một đoạn trong bài tham luận của bà ngoại trưởng Mĩ và đã đăng lên talawas. Xin chia sẻ với quí anh, chị. Nếu anh chị có phản biện, rất mong được trao đổi trong mục "Ý kiến ngắn" của talawas.

Kính chúc quí anh chị một ngày an lành.

Thân ái,
Trần Ngọc Cư

*



Thư hồi âm của Mai Thái Lĩnh

Anh Trần Ngọc Cư thân mến,

Tôi có nhận được thư của anh gửi, do anh Bảo Cự chuyển. Cảm ơn anh về những ý kiến đóng góp. Cũng nhờ anh giới thiệu, tôi mới chú ý đến phát biểu của bà Condoleeza Rice. Rõ ràng là đường lối ngoại giao của Hoa Kỳ ngày nay đã thay đổi rất nhiều so với trước kia. Tôi đặc biệt chú ý đến cụm từ “the peaceful evolution” (sự tiến hóa hòa bình) mà anh dịch là “diễn biến hoà bình”.

Tuy nhiên, cũng có vài vấn đề cần nói rõ thêm.

Về vấn đề mà anh cho là “những lí thuyết dân chủ trừu tượng và dài dòng (như dân chủ xã hội, dân chủ đa nguyên, vân vân và vân vân)”, chúng tôi có cái nhìn hơi khác. Ở đây chúng tôi không sa vào cuộc tranh luận lý thuyết (đã và đang diễn ra trên một số trang web ở hải ngoại), bởi vì chúng tôi đặt trọng tâm vào hoàn cảnh cụ thể trong nước. Khi tôi bắt đầu trình bày những vấn đề liên quan đến trào lưu dân chủ-xã hội, tôi không nhắm tới những người Việt ở hải ngoại mà nhắm đến những người đang sống trong nước. Tình hình thực tế ở Việt Nam là trong tất cả các trường trung học và đại học, tất cả học sinh sinh viên đều phải học chính trị Marx-Lenin. Đó là chưa kể đến việc bất cứ ai muốn thăng quan tiến chức đều phải học qua một khóa chính trị Marx-Lenin dù là sơ cấp, trung cấp hay cao cấp.

Vào năm 2005, tôi bắt đầu bằng việc công bố cuốn Huyền thoại về một Nhà nước tự tiêu vong. Đây là một tiểu luận nhằm trình bày lại vấn đề Nhà nước, làm rõ những khiếm khuyết trong lý thuyết về Nhà nước của Marx, đặc biệt là nhằm phản biện các quan điểm sai lầm được Lenin nêu ra trong cuốn Nhà nước và Cách mạng (theo tôi biết, đây là cuốn sách gối đầu giường của Fidel Castro). Cuốn sách khó đọc ấy (của tôi) trong thực tế đã được giới trẻ đón nhận. Nhiều trang web (như X-cafevn, Việt Nam thư quán,…) đã chọn cuốn sách để giới thiệu cho đông đảo bạn đọc. Một trang web có tên là www.onthi.com (có lẽ của học sinh, sinh viên) đăng nó vào mục “Thư giãn”. Gần đây, một số forum - kể cả của những bạn trẻ không ưa thích dân chủ, cũng đưa cuốn này vào để thảo luận. Nhân dịp kỷ niệm “190 năm ngày sinh Karl Marx (05/05/1818 - 05/05/2008)”, Lê Tuấn Huy - một tiến sĩ trẻ ở Sài Gòn có giới thiệu cuốn sách ấy (cùng với các bài viết khác của tôi bàn về dân chủ - xã hội) cho giới trẻ để họ tham khảo. Một vài blogger đã trích đăng lại một số chương trong tác phẩm của tôi vào blog của họ.

Điều gì khiến họ quan tâm đến một tác phẩm có vẻ khô khan như vậy nếu không phải là nhu cầu tìm hiểu sự thật sau khi đã bị cưỡng bách học Marx-Lenin? Vì thế, những tác phẩm trình bày về con đường dân chủ - xã hội không còn là vấn đề lý thuyết cao xa hay là "chiếc bánh ở trên trời". Nó là món ăn thường ngày mà thế hệ trẻ có thể dùng để thay cho món bánh mì nguội ngắt và nhạt nhẽo Marx-Lenin mà họ vẫn phải gặm mỗi ngày.

(…)

Chúng tôi chọn con đường dân chủ - xã hội một phần bởi vì nguồn gốc lịch sử của bản thân anh em chúng tôi. Thật ra, trong quá trình phát triển của lịch sử Việt Nam thời hiện đại, cánh tả đóng một vai trò hết sức quan trọng. Vào lúc mới hình thành, cánh tả ôn hòa chiếm vị trí đáng kể. Nhưng kể từ sau khi Phan Châu Trinh mất, phong trào cánh tả ở nước ta ngày càng “cấp tiến hóa”: từ Nguyễn An Ninh cho đến nhóm Tạ Thu Thâu – Phan Văn Hùm, và Đảng Cộng sản, tất cả đều ngả sang xu hướng cực đoan. Cánh tả ôn hòa dần dần tiêu hao và biến mất. Điều đó khiến cho sự hợp tác giữa cánh hữu và cánh tả gặp khó khăn, cuộc đấu tranh giành độc lập ở Việt Nam chuyển sang con đường bạo động, dẫn đến hai cuộc chiến tranh mà thắng lợi sau cùng rơi vào tay Đảng Cộng sản.

Làm sống lại phái tả ôn hòa trong sân khấu chính trị Việt Nam là nhiệm vụ của những người như chúng tôi. Về phía những người tạm gọi là phái hữu, tất yếu sẽ nảy sinh những người có lập trường ôn hòa. Trong cái nhìn dự báo của riêng tôi, nền dân chủ ở Việt Nam sắp tới sẽ là công trình của phái tả ôn hòa hợp tác với phái hữu ôn hòa, cộng với các xu hướng trung dung mà người ta thường gọi là phái giữa (the centre). Có hai phái ngày nay đang ở thế mạnh là phái cực tả (Đảng Cộng sản) và phái cực hữu (những người chống cộng cùng mình); nhưng trong tương lai tôi tin rằng các xu hướng đó sẽ ngày càng bị suy vong cùng với đà phát triển của dân chủ. Mặt khác, Đảng Cộng sản cũng sẽ phân hóa, phái ôn hòa - cải cách có thể tồn tại nếu họ thích nghi, còn phái cực đoan - bảo thủ sẽ mất dần ảnh hưởng.

Chúng tôi không có định kiến đối với Hoa Kỳ, nhưng mô hình dân chủ của Hoa Kỳ sinh ra từ một đất nước không có gánh nặng của văn minh thời cổ, do đó có những đặc điểm riêng, không dễ áp dụng một cách máy móc vào các nước khác. Hình thành chế độ dân chủ ở mỗi nước cần có hình thức và nội dung linh hoạt, phù hợp. Chúng tôi chọn con đường dân chủ - xã hội như một kênh chuyển tải các giá trị dân chủ vào Việt Nam phù hợp với hoàn cảnh lịch sử cụ thể của đất nước. Tất nhiên có thể có những cách khác, con đường khác; cách nào đem lại kết quả tốt cũng đáng hoan nghênh.

Mặc dù sinh ra trong hoàn cảnh khác (bị đàn áp khốc liệt hơn), nhóm Đà Lạt cũng có xu hướng tương tự như Hội Fabian (Fabian Society) ở Anh, nghĩa là chủ trương tiệm tiến (gradualness) và thẩm thấu (permeation). So ra chúng tôi cũng kiên trì không kém họ. Thành lập vào 1883-1884, câu lạc bộ trí thức này đã bỏ ra 22 năm kiên trì nghiên cứu và truyền bá kiến thức, mãi cho đến năm 1906 họ mới gắn với các hoạt động chính trị để trở thành think tank [2] của Đảng Lao động Anh (Labour Party). Chúng tôi cũng bỏ ra thời gian gần bằng như vậy, nhưng phát triển không được quy mô bằng, vì nhiều lý do, trong đó có lý do bị đàn áp, cô lập.

Chúng tôi không có tham vọng làm được tất cả hay bao trùm tất cả. Mỗi người, mỗi phe nhóm hãy làm tốt phần mình, những người có tấm lòng với đất nước sẽ có lúc gặp nhau. Khi công bố chủ trương “tự do báo chí, tự do ngôn luận, phát triển xã hội dân sự” chúng tôi cũng có tính toán đển thời điểm thích hợp. Nói như anh Hà Sĩ Phu, đó là những bước đi ban đầu để hướng tới mục đích cuối cùng. Nếu chỉ chú trọng đến những hình thức chính trị dân chủ (như chế độ bầu cử, thể chế chính trị, các đảng phái,…) mà cái nền xã hội dân sự chưa vững chắc thì dân chủ cũng chỉ là hình thức, là cái vỏ bên trên, là chỗ để các chính trị gia kiếm chác, dân chủ như vậy không có thực chất. Tấm gương của nước Nga là một sự cảnh báo về nguy cơ của một chế độ độc tài không cộng sản tái xuất hiện sau khi chế độ cộng sản bị sụp đổ. Chúng tôi chú trọng xã hội dân sự là vì vậy. Cũng là điều may mắn khi chủ trương đó được các anh chị em ở hải ngoại tán thưởng và phù hợp với đường lối ngoại giao của Hoa Kỳ hiện nay.

Vài ý tưởng để trao đổi riêng với anh. Tôi cũng ít khi tham gia tranh luận trên mạng. Trong những bài viết sắp tới, tôi sẽ cố gắng trình bày để làm sáng tỏ hơn những vấn đề còn khúc mắc.

Thân ái,

Đà Lạt, 21.6.2008,
Mai Thái Lĩnh

T.B.: Anh Ngô Nhân Dụng đề nghị dịch “civil society” là xã hội công dân. Trong cuốn Huyền thoại… tôi cũng dịch là xã hội công dân. Nhưng hiện nay, tôi cho rằng dịch “civil society” là xã hội dân sự hay xã hội công dân đều đúng. Gọi là xã hội dân sự khi coi nó là đối trọng của Nhà nước (state, Etat) vì dân sự = việc của người dân, việc liên quan đến quyền lợi riêng. Còn gọi xã hội công dân là khi muốn nhấn mạnh đến một cộng đồng bao gồm những công dân có ý thức, biểu thị một xã hội văn minh dựa trên pháp luật, đối lập với một xã hội ít nhiều còn “dã man”, kém văn minh - dựa trên thần quyền hay sự tùy tiện của cá nhân, của phe đảng.

© 2008 talawas


[1]Xem tạp chí Tổ quốc số 43, 15.6.2008 hoặc: “Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ Đến Thăm Đà Lạt”, Vietnam Review, 19/06/2008: www.vietnamreview.com
[2]Think tank: tạm dịch là kho tư duy (tank: thùng chứa, bình chứa). Danh từ này dùng để chỉ một nhóm người có kiến thức và kinh nghiệm, cùng làm việc với nhau để sản sinh ra những ý tưởng góp ý kiến về một lĩnh vực nào đó. Hội Fabian là một trong những think tank lâu đời nhất, được tổ chức dưới hình thức một hội tự nguyện từ hai bàn tay trắng gây dựng nên sự nghiệp, khác với những think tank về sau - thường là những viện nghiên cứu nhận được sự đầu tư của chính phủ hoặc của các tập đoàn kinh tế lớn.