trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Tư tưởng
  1 - 20 / 177 bài
  1 - 20 / 177 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngPhương Đông và Phương Tây
18.7.2008
Huỳnh Ngọc Chiến
Ngã ba ngôn ngữ
 

Das Gedachte eines Denkers läßt sich nur so verwinden, daß das Ungedachte in seinem Gedachten auf seine anfängliche Wahrheit zurückverlegt wird.

Điều suy tư của một nhà tư tưởng chỉ được vượt qua khi mà phần vô ngôn, phần vô suy tư trong tư tưởng của ông ta được trả về chân lý sơ nguyên của nó.

(M. Heidegger, Was heißt Denken? Max Niemeyer Verlag Tübingen, 1954, tr. 23)

Với nhan đề bài viết này, tôi không muốn góp thêm một “ngã ba” nữa cho cuốn Con đường ngã ba vốn chứa quá nhiều “ngã ba” của Bùi Giáng, nghĩa là cái Dreiweg của Heidegger, theo kiểu “họa xà thiêm túc”, mà chỉ muốn ghi lại một vài suy tưởng nho nhỏ khi đọc sách của hai tác gia này. Tôi vốn là kẻ ngoại đạo về triết học, nên chỉ thích đọc sách thuộc lĩnh vực này theo thể điệu ngẫu nhĩ lai rai của một layman.

Mọi trang sách triết học nếu không chạm đến ta trong tận cùng sâu thẳm của tâm hồn để làm nó rung động với những cảm xúc vi tế nhất, thì suy cho cùng đó cũng chỉ là những thứ hý luận phù phiếm và vô nghĩa, chỉ dùng để giải trí chơi giữa cõi Ta Bà. Mọi kiến thức, dù là kiến thức hàn lâm uyên bác được thu thập từ những tư tưởng gia vĩ đại cổ kim đi nữa, nếu nó không đem lại cho ta một tâm thức bình yên để sống giữa cõi đời, và một tinh thần vô úy để một mình đối diện với cái chết, thì tôi xem cũng như một món đồ trang sức phù phiếm để khoe mẽ với đời, dù thoạt nhìn thì chúng có vẻ “sang trọng” và “trí thức” hơn những viên kim cương, hột xoàn lóng lánh trên cổ các vị mệnh phụ phu nhân.

Tôi có một người bạn thân suốt đời không hề đọc sách, song mỗi lần trò chuyện cùng anh, tôi lại thấy lý thú và học hỏi được rất nhiều điều, vì trong những gì anh nói, tôi đều nghe ra hơi thở thực sự của cuộc sống. Đây là điều chúng ta hiếm khi tìm thấy trong các sách biên khảo về triết học. Trong đó, tất cả đều được phu diễn một cách rất ư là công phu trên bề mặt ngữ nghĩa, hết tham chiếu chỗ này lại tham khảo chốn nọ. Song khi đọc, sao ta vẫn thấy cảm thấy dửng dưng, ngay cả khi chúng đề cập đến những vấn đề thiết thân của cõi nhân sinh. Đơn giản chỉ vì đó chỉ là những thứ kiến thức phù hoa, và những suy tư lạnh lùng vô hồn của lý trí, mà thiếu đi tiếng nói đằm thắm của tâm tình. Ta có cảm tưởng như đang nghe Thúy Vân thay mặt Thúy Kiều ngồi kể lể và phân tích chuyện đời dâu bể! Dù có đầm đìa nước mắt đi nữa thì nó vẫn hời hợt và vô vị.

Chỉ có những trang sách của các tác gia có suy tư chân thành và tư tưởng phóng dật thênh thang mới có thể làm rung động được lòng người, vì họ đã truyền được tâm lực và trí lực vào ngòi bút. Bút lực đó mang một dạng năng lượng tế vi, tương tự như khái niệm “Ojas” trong tư tưởng Ấn Độ [1] . Đây là một điều mà chúng ta dễ dàng nhận thấy trong các tác phẩm của Trần Trọng Kim, Kim Định, Bùi Giáng, Krishnamurti, Vivekananda, Nietzsche, Trang Tử, Whitman, Heidegger v.v… Chính những tác gia này mới cho ta thấy sức mạnh của ngôn ngữ.

Đọc Bùi Giáng ta dễ dàng nhận thấy bút lực cuồn cuộn của một người đã rong chơi du hý trong cõi ngữ ngôn để lần ra đầu mối “nhất dĩ quán chi” xuyến suốt mọi bờ bến tư tưởng kim cổ Đông Tây. Ông là người duy nhất đã thực hiện được một cuộc phục hoạt trùng tân (Widerholung) đối với Nguyễn Du, như Heidegger đã làm với các triết gia tiền Socrates, theo tinh thần:

Chúng ta hiểu phục hoạt trùng tân một vấn đề căn cơ là sự mở phơi những khả tính uyên nguyên của nó, những khả tính mà từ lâu đã bị chìm khuất trong quên lãng. Thông qua việc triển khai này, vấn đề căn cơ đó sẽ chuyển dời bình diện, và do đó, sẽ được giữ gìn phần nội hàm đáng được đặt thành vấn thoại. Tuy nhiên giữ gìn một vấn đề có nghĩa là để nó được tự do và đánh thức được sức mạnh nội tại, sức mạnh có khả năng biến nó thành vấn thoại trong căn cơ của Hiện Tinh Thể (Wesen) của nó”. [2]

Có ai đã làm được điều đó như Bùi Giáng đã làm với Nguyễn Du? Những phần vô ngôn thăm thẳm nào của Nguyễn Du đã được Bùi Giáng khơi dậy trong tinh thần tân thanh tái tạo và buộc chúng ta phải đọc lại Nguyễn Du bằng đôi mắt khác? Và từ đó nhận ra chân dung của Heidegger và Khổng Tử?
Bùi Giáng đã làm điều kỳ diệu nào khi dùng ngôn ngữ Truyện Kiều để bắc nhịp cầu nối liền hai bờ cõi Đông Tây, nối liền hai dòng ngôn ngữ hoàn toàn khác biệt nhau là Đức ngữ và Việt ngữ? Để hiểu hết được sự hoằng viễn của Bùi Giáng, khi cưỡng bức ngôn ngữ để triển khai phần vô ngôn trong tư tưởng, ta hãy suy tư xem giữa ngôn ngữ Tây phương và tiếng Việt có mối hòa thanh tương ứng nào không?

Ta hãy thử xem câu đầu tiên của Đạo đức kinh là “Đạo khả đạo phi thường Đạo 道 可 道 非 常 道” khi được dịch ra ngôn ngữ phương Tây thì nó lóng ca lóng cóng như thế nào? Tôi xin trích một số câu tiêu biểu:
  1. Der Sinn, der sich aussprechen läßt, ist nicht der ewige Sinn (Richard Wilhelm).
  2. Quand on La nomme la Voie n'est plus la Voie (không rõ người dịch).
  3. TAO called TAO is not TAO (Stephen Addiss, Stanley Lombardo: 1993).
  4. Nature can never be completely described, for such a description of Nature would have to duplicate Nature (Archie J. Bahm: 1958).
  5. The Way that can be described is not the absolute Way (Sanderson Beck: 1996).
  6. The Way (Dao) that can be “Wayed” is not the constant Way (Alexander J. Beecroft).
  7. The Tao that can be expressed is not the eternal Tao (Alexander J Beecroft).
  8. There are ways but the Way is uncharted (R. B. Blakney: 1955).
  9. Existence is beyond the power of words to define (Witter Bynner: 1944).
  10. The way that can be told is hardly an eternal, absolute, unvarying one (Tormod Byrn: 1997).
  11. The Tao that can be told of is not the eternal Tao (Wing-tsit Chan: 1963).
  12. Tao that can be spoken of, Is not the Everlasting Tao (Ellen M. Chen: 1989).
  13. The Tao that can be followed is not the eternal Tao (Charles Muller).
  14. The Tao that can be trodden is not the enduring and unchanging Tao (James Legge).
Tôi nêu một loạt các câu văn dịch để bạn đọc xem kỹ và hãy tự hỏi: liệu người phương Tây, qua các bản dịch đó, có nắm được tinh thần câu văn mở đầu của Đạo đức kinh như người Trung Quốc hoặc người Việt chúng ta? Hay là các chữ “Sinn”, “La Voie”, “sich aussprechen läßt”, “Tao, can be Wayed”, “can be trodden”, “can be spoken of”, “can be followed”… trong các câu văn dịch đó, đối với người Tây phương đều lớ ngớ như cảnh gà con mất mẹ? Vậy mà chúng ta cứ hồn nhiên cho rằng như thế là dịch sát! Chỉ một chữ “Đạo” đơn giản thôi đã khiến người phương Tây lúng ta lúng túng đến thế, thì còn có thể bàn gì đến toàn văn, hay cõi đạo Đông phương?

Bây giờ hãy thử trở lại với một câu văn của Heidegger. Ngôn ngữ của Heidegger cực kỳ phong phú và khó dịch. Mảnh đất siêu hình học đầy gai góc của mấy ngàn năm của Tây phương không cho phép ông lập ngôn đạm nhiên như những bậc chân nhân Đông phương, nên ông phải đem thiên tài ra cưỡng bức ngôn ngữ Đức để làm mở phơi, hiển lộ được cái Hiện Tinh Thể (Wesen) của ngữ ngôn. Chỉ riêng một từ Dasein của ông cũng đã đẩy các ngôn ngữ Âu châu vào chỗ bế tắc. Các cách dịch l’Être-, Being-There, l’Être-le-Là rõ ràng đều không ổn thỏa.

Chúng ta thử dịch một câu đơn giản và quen thuộc của Heidegger ra Việt ngữ. Câu đó như vầy: “Die Sprache is das Haus des Seins: Ngôn ngữ là ngôi nhà của Hữu Tính[3] . Đây là câu nói nổi tiếng của Heidegger trong trang đầu tiên của tác phẩm Brief über den Humanismus (Thư về chủ nghĩa nhân bản), thường được trích dẫn rất nhiều trong các bài biên khảo về ông, kèm theo đủ thứ các kiến thức minh giải hàn lâm. Câu nói đó có nghĩa là gì? Thực chất, trên bình diện văn phạm, chúng ta có thể hiểu và dịch nôm na là: “Ngôn ngữ LÀ ngôi nhà của CÁI LÀ” (với LÀ thứ nhất là động từ LÀ đã chia, còn CÁI LÀ sau là động từ LÀ nguyên mẫu!) Như vậy, với câu “Die Sprache is das Haus des Seins” thì người đọc sẽ đón nhận và hiểu nó như thế nào trong bản Việt ngữ? Liệu họ có cảm nhận được gì không, hay rốt cuộc cũng chẳng khác gì người phương Tây lắng nghe Đạo đức kinh, nghĩa là cũng chỉ có thể nắm một đống khái niệm ù ù cạc cạc và suy diễn theo những sở tri tích lũy trong trí não? Trong câu nói đó của Heidegger, cho dù ta có dịch chữ SeinTính, Tính thể, Tồn lưu, Chân tính, Hữu thể, Tồn thể, Hằng thể, Vĩnh thể, Thường thể, Tồn tại, Tồn hữu, Hữu tính v.v... và dù có nỗ lực “giải minh”, “thông diễn” câu nói đó bằng vô số kiến thức hàn lâm thì tất cả cũng đều cùn nhụt và bế tắc như nhau. Vì đó đơn thuần chỉ là sự thay đổi từ này bằng từ khác, dù ta có truy đến tận gốc của từ nguyên để cho rằng từ này sát nghĩa hơn hơn từ kia.

Rõ ràng từ “Ngôn ngữ” trong câu nói đó của Heidegger không thể chỉ cho mọi ngôn ngữ bất kỳ nào, cho dẫu đó là ngôn ngữ Âu châu. Các bản dịch tiếng Anh và tiếng Pháp “Language is the place for Be[ing]” hay “La langue est la maison de l’Être” nghe vẫn lạc lõng và rời rạc. Có phải rằng từ “Ngôn ngữ” trong câu nói đó chỉ có thể là tiếng Đức hoặc tiếng Hy Lạp mà thôi? Có phải nó mang một điểm đặc dị thù thắng nào như chữ “Đạo” trong tiếng Trung Quốc?

Giữa chữ Đạo 道 và các chữ Voie, Tao, Way, Path có khoảng cách bất khả tư nghì nào mà người phương Tây khó lòng thể hội? Nó có giống với khoảng cách giữa tiếng Đức và tiếng Việt? Đặc biệt là tiếng Đức của Heidegger? Nếu cho rằng dịch chỉ đơn thuần là đi tìm sự tương phối giữa những chữ tương đương về ý nghĩa và kết hợp chúng lại với nhau theo các quy luật về ngữ pháp, thì tại sao chữ Weg trong tác phẩm về sau của Heidegger lại mang một tố chất và âm hưởng mênh mang nào mà ta khó lòng cảm nhận qua các chữ Path, Way, Chemin trong các bản dịch Anh, Pháp ngữ, mà lại cảm thấy nó gần như chữ Đạo phương Đông? Và tại sao Heidegger lại khẳng định chỉ ngôn ngữ Hy Lạp, và chỉ có ngôn ngữ Hy Lạp thôi mới là logos [4] , và vì sao ông cho rằng chỉ có tiếng Đức mới nói lên được Hữu Tính (Sein) còn mọi ngôn ngữ khác đều chỉ nói về Hữu Tính? “The German language speaks Being, while all the others merely speak of Being. [5] Toàn bộ sự khác biệt nằm ở chữ VỀ (of). Các ngôn ngữ Âu châu, những đưa con cùng cha khác mẹ của tiếng Đức, còn bế tắc như thế trước một chữ Sein trong Đức ngữ, thì thử hỏi đứa con ngoại tộc là tiếng Việt sẽ làm thế nào để dìu được hồn cái phần hồn của Sein vào trong Việt ngữ? Hiểu được điểm đó thì chúng ta mới có thể hiểu được sự cưỡng bức ngôn ngữ của Bùi Giáng khi ông dịch các tác phẩm triết học phương Tây, đặc biệt là Heidegger. Cũng như Heidegger, Bùi Giáng là người thâm cảm được sự bế tắc của ngôn ngữ quy ước khi diễn đạt cảnh giới của nội tâm. Nếu Hegel buộc triết học phải nói bằng tiếng Đức thì Bùi Giáng buộc triết học phải nói bằng tiếng Việt, và hơn thế nữa là nói bằng thơ lục bát Việt Nam!

Heidegger đạm nhiên bảo:

Không bao giờ và trong bất kỳ ngôn ngữ nào, điều được diễn tả lại là cái cần được nói ra” (Nie ist das Gesprochene und in keiner Sprache das Gesagte. – "Aus der Erfahrung des Denkens").

Bùi Giáng thơ mộng hơn:

Thưa em ngôn ngữ quặt què
Làm sao nói hết nghiệp nghề người điên

Trong kinh điển Phật giáo, đức Phật không ngớt nhắc nhở các môn đồ rằng ngôn thuyết không bao giờ diễn đạt được Thực Tướng, tức Đệ nhất nghĩa đế.

Thử hỏi, về mặt ngôn ngữ, sự chi phối của các chữ Sein (Be, Être) Seiende (Being, Étant) trên dòng triết học Âu châu có giống như thể cách của chữ , chữ Đạo đối với người phương Đông? Rõ ràng điều này hoàn toàn không có. Thậm chí ý nghĩa của Sein/Seiende trong tiếng Đức cũng không hoàn toàn tương đồng với Be/Being trong tiếng Anh hoặc Être/Étant trong tiếng Pháp. Ngay cả các nhà nghiên cứu ở phương Tây như F. H. Heinemann vẫn phải tự hỏi:

Liệu sự phân biệt giữa Sein và Seiende có thật sự mang một ý nghĩa quan trọng có tính căn cơ, hay chỉ dựa trên một điểm đặc thù ngẫu nhiên trong tiếng Đức? Nó không thể được dịch sang tiếng Anh một cách chính xác đã đành, mà dịch sang tiếng Pháp cũng rất khó khăn”. [6]

Nêu hai ví dụ đơn giản về chữ Đạo và chữ Sein như thế để làm gì? Để thấy rằng muốn bắt được nhịp cầu từ ngôn ngữ này qua một ngôn ngữ khác, từ một cõi suy tư này sang cõi suy tư khác thì con đường tư tưởng của chúng ta phải chuyển dời bình diện, chứ không thể bám cứng một cách nô lệ và máy móc vào chữ nghĩa, nếu muốn vượt qua được lớp vỏ ngôn ngữ để đến được với phần tinh mật bên trong. Suốt mất ngàn năm qua, câu nói “Bất dĩ từ hại ý” của Mạnh Tử vẫn đồng vọng như một lời cảnh tỉnh.

Làm thế nào để ngôn ngữ thực sự là ngôi nhà cho Hữu Tính, để Die Sprache thực sự là das Haus des Seins? Chỉ còn cách lắng nghe và chiêm nghiệm ngôn ngữ trong viễn tượng thơ. Phải khơi rộng dòng thơ để dìu hồn Hữu Tính đi vào trong xoang điệu của tân thanh để lắng nghe được phần vô ngôn trong ngôn ngữ. Đó là chỗ mà Bùi Giáng đã nối bước Nguyễn Du để thực hiện trong tất cả các tác phẩm của ông. Theo tôi, đó mới thực sự là tinh thần của cái gọi là “hermeunetics”. Đem thơ Nguyễn Du làm phương tiện nhiếp dẫn người đọc vào cuộc đối thoại với Heidegger, Bùi Giáng đã thực hiện một cuộc “Wiederholung” tuyệt trù vô tỷ đối với Truyện Kiều. Chỉ có trực giác thiên tài của một nhà thơ mới có thể đưa ông đi vào trong cảnh giới bất khả tư nghì đó để làm “băng nhân” cho cuộc hôn phối kỳ diệu giữa hai bờ cõi Đông Tây.

Nếu ta không thực hiện nổi cỗi nguồn trường mộng ở nội tâm, thì không bao giờ triết học tiếp xúc được với căn cơ chân chính của nó, dù ta có líu lo trong học hiệu phù hoa với bao nhiêu giọng điệu”. [7]

Chính nhờ “Cõi nguồn trường mộng ở nội tâm” đó mà ông thừa thãi thông tuệ để nhiếp dẫn triết học Heidegger về hội thoại với Tố Như. Đoạn gặp gỡ giữa Kim Trọng và Thúy Kiều, khi Kiều đi tìm lại cành thoa, được ông minh diễn như cuộc đối thoại hy hữu giữa SeinDasein, đã nói lên được phần vô ngôn thăm thẳm nào trong tư tưởng Tố Như và của Heidegger? [8]

Theo chân Bùi Giáng đi ra từ cõi rừng huyền bí Đông phương, chúng ta sẽ không còn bỡ ngỡ nhiều chi lắm trước ngôn ngữ kỳ bí của Heidegger. Vì Heidegger bảo tất cả tác phẩm của mình chỉ là sự chuẩn bị cho phương Tây có đủ tư cách để mở được cuộc hội thoại với phương Đông trong mai hậu.

Các nhà nghiên cứu đôi khi chỉ trích cách dịch của Bùi Giáng một cách khắt khe mà có khi nào họ tự hỏi: ngôn ngữ Việt đòi hỏi nguyên tác phải chuyển dịch theo yêu sách nào để cái phần vô ngôn tinh mật, hay cái Ungedachte trong suy tư, mới lọt được vào cái Nghe của người đọc? Nền Phật học Trung Quốc với Thiền tông há chẳng phải là “bản dịch” tuyệt diệu của Phật giáo Ấn Độ đó hay sao? Thử đối chiếu các bản dịch của Bùi Giáng về Heidegger với nguyên tác, người đọc có thể cảm nhận được sự sáng tạo phi phàm của ông, dù đôi khi ông có đùa rỡn quá trớn qua lối hý lộng ngữ ngôn. Song đó cũng chỉ là yêu sách của lập ngôn, bởi vì “Điều suy tư của một nhà tư tưởng chỉ được vượt qua khi mà phần vô ngôn, phần vô suy tư trong tư tưởng của ông ta được trả về chân lý sơ nguyên của nó”.

Sài Gòn 07.2008

© 2008 talawas


[1]The Yogis claim that of all the energies that are in the human body the highest is what they call “Ojas”. Now this Ojas is stored up in the brain, and the more Ojas is in a man's head, the more powerful he is, the more intellectual, the more spiritually strong. One man may speak beautiful language and beautiful thoughts, but they do not impress people; another man speaks neither beautiful language nor beautiful thoughts, yet his words charm. Every movement of his is powerful. That is the power of Ojas. (Vivekananda, Raja Yoga).
[2]Unter der Wiederholung eines Grundproblems verstehen wir die Erschließung seiner ursprünglichen, bislang verborgenen Möglichkeiten, durch deren Ausarbeitung es verwandelt und so erst in seinem Problemgehalt bewahrt wird. Ein Problem bewahren, heißt aber, es in denjenigen inneren Kräften frei und wach halten, die es als Problem im Grunde seines Wesens ermöglichen (M. Heidegger, Kant und das Problem der Metaphysik, Frankfurt am Main: Vittorio Klostermann, 1973, tr. 198.) Lâu nay, các bản Anh ngữ dịch “Wiederholung” là Retrieve; Retrieval, Repitition, Recovery hoặc bản Pháp ngữ dịch là Répetition đều không thể diễn tả được hết nội dung của thuật ngữ này. Nhà thơ Bùi Giáng dịch là “trùng phục thu hồi ”, tôi cũng chưa thật thỏa mãn, dù tôi vô cùng kính phục dụng ngữ phi thường của ông. Tôi đề nghị dịch chữ Wiederholung là “phục hoạt trùng tân” 復 活 重 新 nghĩa là làm sống dậy và làm mới lại một nội dung cũ theo tinh thần tái tạo của hai chữ tân thanh.
Wesen của Heidegger thường được dịch sang tiếng Anh là “Essence”, hoặc dịch theo nghĩa “coming to presence”. Tôi dùng “Hiện Tinh Thể ” để dịch Wesen vì đối với Heidegger, Wesen là phần tinh mật, chỉ cái đương thể (whatness) trì tồn trong sự hiển lộ tinh anh.
[3]Tôi dùng từ “Hữu Tính” hoặc “Tính” để dịch Sein (Being, Être). Dịch là “Hữu Tính” khi Sein mang nghĩa đối lập lại Không Tính (trong tinh thần Phật giáo) hay Vô Thể (Nitchs, Nothingness, Néant), còn dịch là Tính khi Sein mang nghĩa đối lập với Thể; và dùng từ Hữu Thể, Hiện Thể, Vạn Hữu để dịch Seiende (Beings, Étants).
[4]…die griechische Sprache ist keine bloße Sprache wie die uns bekannten europäischen Sprachen. Die griechische Sprache, und sie allein, ist  (... ngôn ngữ Hy Lạp không chỉ đơn thuần là một ngôn ngữ quen thuộc với chúng ta như các ngôn ngữ Âu châu khác. Ngôn ngữ Hy Lạp, và chỉ có ngôn ngữ Hy Lạp, mới là Logos – Heidegger, Was ist das – die Philosophie?, Gunther Neske Pfullingen, 1956, t.12).
[5]http://www.brainyquote.com/quotes/quotes/m/martinheid395938.html
[6]Is the distinction between Sein (to be) and Seiendem (being) really of….basic importance… or is it based on a chance peculiarity of the German language? It cannot be properly translated into English, and only with difficulty into French.” (trích theo Julius Seelye Bixler, The Failure of Martin Heidegger, The Harvard Theological Review, Vol. 56, No. 2. (Apr., 1963), t. 121-143).
[7]Bùi Giáng, Martin Heidegger & Tư tưởng hiện đại, Tập 1, 1962, t.147.
[8]Bùi Giáng, Thúy Vân và Tam Hợp đạo cô, NXB Võ Tánh, Sài Gòn, 1969, các tr. 13-23.