trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Nghệ thuật
Điện ảnh
  1 - 20 / 103 bài
  1 - 20 / 103 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtĐiện ảnh
1.6.2002
Đặng Nhật Minh
Mùa ổi ở Paris và ở Việt Nam
 
Vui đấy, buồn đấy...

Trước hết nói chuyện vui. Ðầu tháng tư vừa rồi tôi được tin phim Mùa ổi sẽ công chiếu ở Paris bắt đầu từ ngày 17 và nghe đâu sẽ kéo dài trong 2 tháng trên toàn nước Pháp. Tôi vui vì biết rằng chen chân được vào màng lưới chiếu bóng ở cái đất này đâu phải dễ! Ở đó đâu phải chỉ có mình mình. Ðó là thị trường giành giật của hàng trăm nền điện ảnh lớn nhỏ chưa kể đến anh chàng khổng lồ hợm tiền hợm của như Holywood. Vậy mà một phim Việt Nam được chiếu bán vé đàng hoàng giữa Paris trong 12 rạp lớn của hệ thống rạp chiếu bóng Gaumont. Chẳng cứ là phim của mình cũng đã thấy vui lắm rồi huống hồ đây lại là phim do mình tự viết kịch bản và đạo diễn. Niềm vui không tả xiết!

Ðầu tháng 5 tôi về Huế thăm gia đình và dự Festival Huế 2002 không ngờ được gặp rất nhiều bà con Việt kiều quen biết từ Paris về. Ai cũng khoe vừa xem Mùa ổi ở Paris rồi tay bắt mặt mừng, chúc mừng y như tôi vừa lập được một chiến công gì không bằng. Tôi thấy cảm động và thông cảm với bà con. Sống nơi đất khách quê người, mỗi lần rủ nhau vào rạp xem phim là để xem phim người... Có định xem phim châu Á cho đỡ nhớ nhà thì cũng chỉ toàn phim Tầu, phim Nhật... Vậy mà bây giờ có một phim Việt Nam được quảng cáo trên đường phố, được hàng chục tờ báo có uy tín ở Paris viết bài, nhắc đến với nhiều thiện cảm... bà con sao khỏi không háo hức mừng vui? Bất ngờ hoạ sỹ Lê Bá Ðảng gọi điện báo: vợ anh vừa mới từ Paris sang, muốn gặp tôi ngay. Hẹn sáng mai đến Khách sạn Hương giang ăn sáng với nhau. Anh Ðảng về Việt Nam hơn một tháng trước để chuẩn bị triển lãm tranh ở Huế, vợ anh chị Mishu bây giờ mới sang. Thì ra chẳng có chuyện gì khẩn cấp cả. Chị Mishu vừa mới xem Mùa ổi ở Paris nên muốn gặp tôi để nói rằng: chị rất yêu phim này, chị rất cảm động khi xem phim này... và ở Paris các rạp chiếu phim này đều kín chỗ. Chị cho tôi xem những báo ở Paris viết bài khen ngợi phim mà chị sưu tầm được. Lại một lần nữa vui.

Vừa trở ra Hà Nội thì nữ diễn viên Chiều Xuân đến gõ cửa nhà. Cô đưa cho tôi một cuộn giấy rồi nói: Anh có quà. Có một Việt kiều ở Paris về nhờ em chuyển đến anh. Khi giở ra tôi không khỏi thốt lên vì ngạc nhiên: một áp phích của phim Mùa ổi đang chiếu ở Pháp! Áp phích làm thật đẹp, rất có gu, không rườm rà, trên đó chỉ có một cận cảnh của diễn viên Thu Thuỷ trong vai Loan đang nhìn ra cửa nơi Hoà lấp ló sau bức tường rào nhìn đăm đăm vào cây ổi. Một dòng chữ in phía trên cùng tấm áp phích: Bộ phim này là một kiệt tác về chất thơ (Tạp chí STUDIO). Một món quà thật quý giá vì cả đời làm phim tôi chưa bao giờ được nhìn thấy một áp phích phim của mình được làm cho hẳn hoi tử tế, ngoại trừ một vài tấm pa nô vẽ nhem nhuốc treo trước cửa một vài rạp. Lại thêm một niềm vui nữa. Và niềm vui cuối cùng do ông Nguyễn văn Thảnh, Cục trưởng Cục điện ảnh thông báo: Ông tuỳ viên văn hoá Ðại sứ quán Pháp vừa cho biết trong 2 tuần đầu chiếu ở Paris đã có 17.000 người xem phim Mùa ổi. Một con số được coi là lý tưởng ngay đối với những phim ăn khách chiếu trong nước. Những niềm vui này được một vài tờ báo chia sẻ như: Tuổi trẻ chủ nhật, Người lao động (TPHCM), Thế giới điện ảnh, Thanh niên, Công an nhân dân v.v... Tờ Tuổi trẻ còn in hàng tít ở trang bìa: một sự kiện lịch sử của điện ảnh Việt Nam!

Bây giờ nói sang chuyện buồn. Cũng trong tháng 5 này tôi nhận được một cú điện thoại của một nữ doanh nghiệp trẻ, giám đốc một công ty từ Thành phố Hồ Chí Minh gọi ra. Sau đây là cuộc đối thoại qua đường dây:

- Em vừa xem phim của anh. Xin chúc mừng!

- Phim nào?

- Mùa ổi ...

- Xem ở đâu? Bao giờ?

- Vừa xem xong. Thuê hẳn cả một rạp để xem. Mời bạn bè cùng xem.

- Sao không mua vé mà xem cho đỡ tốn?

- Người ta bảo chiếu xong rồi. Không có người xem nên dẹp!

- (im lặng kéo dài)...

- Mà người ta chiếu lúc nào em cũng chẳng biết... chẳng thấy có thông báo hay áp phích quảng cáo gì cả ...

- Làm gì có quảng cáo... tốn tiền lắm, chẳng ai làm đâu. Mà tại sao lại chơi ngông thế!

- Tức thì chơi ngông cho họ biết tay! Em nói với họ: có rất nhiều người muốn xem phim này sao các anh bảo là không ai xem rồi dẹp? Các anh dẹp sớm để chiếu phim Mỹ, phim Hồng Kông và Hàn quốc chứ gì?

- Thôi, người ta chiếu vài ngày cho thế là quý rồi. Anh nghe nói người ta còn định không cho chiếu nữa kia...

- Sao lại không cho chiếu? Ðịnh cấm à?

- Cấm thì không cấm vì phim đã được Bộ Văn hoá cho phép phát hành trong toàn quốc rồi. Cấm cũng dở, cụ thể là cô vẫn thuê xem được đấy thôi. Nhưng vì phim này không thích hợp để chiếu phục vụ ngày lễ lớn.

- Quanh năm có ngày lễ lớn, phim nhựa của các anh thử hỏi mỗi năm làm được mấy phim mà cứ đòi phải có phim thích hợp... Kỷ niệm ngày lễ lớn xem phim Mùa ổi thì đã sao?

- Cô là nhà doanh nghiệp, chỉ biết chuyện kinh tế. Cô không hiểu được những vấn đề thuộc lĩnh vực văn hoá đâu... Cô gọi cho tôi bằng mobil đấy à? Thôi cúp nhé kẻo tốn tiền...

- Thuê cả rạp để xem còn chẳng sợ tốn nữa là vài phút điện thoại...

Dầu sao tôi cũng cúp máy. Cúp máy vì buồn... buồn cho mình, buồn cho những người làm điện ảnh ở nước mình... Có cố gắng xoay xở thế nào cũng không tránh khỏi mang tiếng là đồ ăn hại, làm phim chẳng có ai xem... Nhưng rồi bỗng nhiên nhớ lại những buổi chiếu phim Việt Nam chật kín người xem tại Vinh trong Liên hoan phim VN cuối năm vừa qua, thấy những người làm phim cũng không phải là đồ ăn hại cả, họ cũng đem lại chút gì đó cho người xem để họ buồn vui, nghĩ ngợi cùng với những con người trên màn ảnh. Khán giả Việt Nam cũng không phải chỉ thích xem phim Mỹ, phim Hàn quốc không thôi... Họ cũng muốn xem phim hay của nhiều nước khác nữa. Họ vô tư hơn các nhà chiếu bóng, phát hành phim nghĩ nhiều, và chắc chắn họ cũng yêu phim Việt Nam không kém những người Pháp đã xem Mùa ổi ở Paris trong những ngày vừa qua. Khốn nỗi, họ chỉ được cho xem phim Hàn quốc và Mỹ, bởi chiếu những phim này các rạp mới được ăn chia phần trăm tiền doanh thu! Còn đối với các phim Việt Nam không được ăn chia phần trăm thì tốt nhất là đánh úp khán giả. Lẳng lặng tung ra vài hôm cốt để không ai kịp xem, kịp thông báo cho nhau xem thì vu luôn cho là không có khách rồi dẹp. Ðó là mẹo hay nhất để lừa công luận (mà có khối người tin). Thế rồi bài ca cũ lại được cất lên: Ðồ ăn hại! Làm phim không có ngưòi xem thì làm làm gì cho tốn tiền của nhà nước! Nghĩ mà buồn! Cho nên vui đấy lại buồn ngay đấy!
Nguồn: Thể Thao Văn Hoá, 31.05.2002