trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 325 bài
  1 - 20 / 325 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
26.7.2008
Trần Ngọc Vương
Phép hành chỉ của Ngô Ðức Kế giữa một thời mưa Âu gió Á
(Kỉ niệm 130 năm ngày sinh của chí sĩ Ngô Đức Kế 1878 - 2008)
 
Hiện hữu giữa cõi trần chỉ 51 năm, trong đó 23 năm đầu đời đã phải dành cho việc tạo lập thân danh, 14 năm giữa đời trải qua trong chốn tù ngục, ông chỉ còn lại trên dưới 15 năm để kịp làm được gì đó thì làm.

Rồi với tất cả những gì làm ra để còn lại, Ngô Đức Kế, theo tôi, đã kịp đứng vào hàng ngũ những người Việt ưu tú nhất, đứng vào Top Ten, nếu có một cái “bảng vàng danh dự” như vậy được đề nghị, đặng chọn lấy những “tinh hoa dân tộc” trong vòng 30 năm đầu thế kỷ XX.

Cuộc đời, đúng hơn, con người xã hội của Ngô Đức Kế được/bị định đoạt bởi một số - không nhiều - những mốc lớn, trong đó, có những mốc dường như hình thành “một cách tự nhiên”, một vài mốc khác - thuộc dạng “biến cố tai hoạ” (catastrophe), lại một vài mốc khác nữa, chuyển tải nhiều ý nghĩa nhất – là những sự lựa chọn chủ động có ý thức.

Bài viết đi sâu phân tích một số mốc lớn như thế trong cuộc đời nhà chí sĩ với hy vọng làm rõ hơn địa vị của ông trong tiến trình lịch sử xã hội và lịch sử văn hoá, văn học Việt Nam theo chiều hướng hiện đại hoá.


1. Đỗ đại khoa và quyết định không ra làm quan

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình tuy chưa phải là cự môn vọng tộc, nhưng với thực trạng giới quý tộc ở Việt Nam từ xưa cho đến bấy giờ (“Ai giàu ba họ ai khó ba đời”) thì một nguồn gốc như thế cũng đã hoàn toàn đáng được gọi là thế nho: ông nội (Ngô Phùng) đỗ cử nhân, quan hàm đến Quang lộc tự thiếu khanh, chức Quốc sử quán toản tu (đâu đó giữa tam/tứ phẩm văn giai); cha cũng xuất thân cử nhân, nhưng quan hàm thì dường hiển đạt hơn: cụ Ngô Huệ Liên về hưu với hàm Hữu Tham tri bộ Lễ (tòng nhị phẩm văn giai, thuộc vào hàng đại thần trong triều). Ngô Đức Kế là người cao khoa, tuy không là người hiển hoạn: 19 tuổi đã đỗ Cử nhân, 23 tuổi đã đỗ Tiến sĩ. Kể theo thói tục, một danh phận như thế, một xuất thân như thế vào thời bấy giờ mấy ai dám ước mơ!

Triều Nguyễn là một triều đại ki bo trong việc ghi nhận các danh hiệu các phẩm trật. Trong lịch sử khoa cử Việt Nam, giữa các triều đại lớn chọn người làm quan bằng con đường khoa hoạn, chỉ triều đại này là không lấy đỗ bất cứ vị Trạng nguyên nào, lại còn “chế tạo” thêm cái Đại khoa đỗ vớt (Phó bảng) mà số lượng người đỗ vớt có khoa lại đông hơn cả người đỗ chính thức (Tiến sĩ). Cứ như muốn hạ bệ, làm nhục cả những người “trót” có khoa danh vậy (Ngay khoa Tân Sửu (1901- niên hiệu Thành Thái thứ 13) mà Ngô Đức Kế đỗ Á nguyên Tiến sĩ này, chỉ có 9 người được ghi danh Tiến sĩ mà có đến 13 người đỗ Phó bảng).

Đến nay còn chưa rõ, nguyên nhân trực tiếp nhất của cái quyết định “tày trời” của Ngô Đức Kế rằng sẽ nhất định không ra làm quan là gì. Nhưng có vẻ một quyết định như vậy được đưa ra khá “tức thời”, khá đột ngột: sau khi đi xem yết bảng và biết mình đã đỗ, “cảm tác” của Ngô Đức Kế vẫn là một cảm xúc theo quán tính, tịnh chưa có gì mới:

Khán bảng thời cảm tác

Thánh chúa ân cầu sĩ
Ngô thân hựu vọng nhi
Thử sinh tư báo bổ
Hồi thủ cảm suy di

Vua thì vẫn ân cần cầu tìm người giúp việc trị nước, cha mẹ thì vẫn hằng mong con công toại danh thành, theo lối mòn “dương thanh danh hiển phụ mẫu”, nên chức phận của kẻ làm tôi, làm con là phải lo cho trọn cái “đạo hằng” ấy. Trong bài thơ, chỉ câu cuối phát ra một tín hiệu mới, tuy hãy còn mờ nhạt, chung chung, rằng “nhân vật trữ tình” đang cảm thương thời thế!

Người đỗ đạt mà không ra làm quan thì không phải đến thời điểm này mới có, nhưng đỗ chính thức đại khoa mà không ra làm quan thì những người như vậy trong lịch sử khoa cử Việt Nam không nhiều. Trước Nguyễn Thượng Hiền, tôi không nhớ được có yếu nhân nào đã từng làm như thế. Sau Nguyễn Thượng Hiền, giờ tới lượt hai ông, nghè Ngô và nghè Huỳnh, những người cùng trang lứa (Huỳnh Thúc Kháng sinh năm 1976, Ngô Đức Kế - 1878), cùng tâm trạng và rồi, sẽ cùng chung nhiều chặng của số phận.

Ngày hôm nay ta không còn ngạc nhiên về chuyện các Tiến sĩ bỏ suông bằng cấp, vượt ra khỏi quỹ đạo công bộc, vì thời thế đã khác, thân danh của người đỗ đạt cũng đã khác. Nhưng ở thời điểm đầu thế kỷ XX, một quyết định như Ngô Đức Kế chắc chắn là một sự lạ, sự lạ động trời. Hãy so sánh một chút với chính những người đồng chí, những người cùng thế hệ ông và đều là những yếu nhân (Nguyễn Thượng Hiền, Huỳnh Thúc Kháng, hay ngay chính hai lãnh tụ Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh), sẽ thấy rõ hơn mức độ táo bạo của những quyết định mà Ngô Đức Kế đưa ra định hướng hành động cho chính mình.

Nguyễn Thượng Hiền xuất thân quý tộc, cha là Nguyễn Thượng Phiên làm quan đến hàm Thượng thư. Ông Hiền nổi danh tuổi trẻ tài cao, đáng ra, nếu không có sự biến tập kích đồn Mang Cá dẫn đến việc Hàm Nghi xuất bôn, xuống chiếu Cần Vương, đảo lộn sinh hoạt bình thường của nền chính trị vĩ mô, thì Nguyễn Thượng Hiền đã đỗ Đình Nguyên vào năm 18 tuổi. Do kết quả kỳ thi năm đó chưa chính thức công bố mà bị huỷ, nên sau 6 năm nữa, Nguyễn Thượng Hiền lại lai kinh ứng thí và lần này, ông đỗ Á nguyên Hoàng giáp. Có một lúc hai ông bố vợ cùng là Thượng thư, một trong hai người chính là Tôn Thất Thuyết, phụ chính đại thần, người nắm thực quyền và trở thành người quyết định đối với vận nước trong vòng trên dưới một thập kỷ, nhưng Nguyễn Thượng Hiền cũng còn có hai ông bố khác, một ông bố đẻ vốn đã thử đối đầu với Pháp bất thành, trở thành ông đại quan ít nhiều tiêu cực, nói rằng theo tư tưởng trùm chăn thì e quá, nhưng chắc chắn là đầy rẫy sự nghi ngại khi phải đối diện với những quyết định gây đột biến; còn ông bố vợ thứ hai thì là hoàng thân quốc thích, có địa vị cao nhưng không phải là nhà chính trị thao lược nổi bật. Với những dữ kiện chính ấy, ta hiểu vì sao Nguyễn Thượng Hiền sau khi đỗ đạt không nhận quan tước, mà mở cửa giao du với danh sĩ đến từ mọi miền, có điều kiện hơn người để sớm tiếp xúc, am tường nền chính trị thế giới và tình hình khu vực, rộng đọc tân thư tân văn. Nhưng rồi sau dăm ba năm suy ngẫm, Nguyễn Thượng Hiền vẫn phải chọn một địa vị trong chốn quan trường. dù rằng đầy sự miễn cưỡng.(Rồi các sử gia và những người nghiên cứu các lĩnh vực thuộc khoa học lịch sử khác sẽ còn phải ngoái đi ngoái lại nhiều lần nữa để làm sáng tỏ vị trí, vai trò thực của từng người tham gia vào các quyết định chính trị làm thay đổi bản chất của các hoạt động, các tổ chức, các phong trào và làn sóng xã hội cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, nhưng có thể nói sớm ở đây rằng một khi càng cụ thể hoá sự kiện và dữ liệu, thì “trật tự đội ngũ” hẳn sẽ có những biến thái nhất định).

Huỳnh Thúc Kháng có nhiều nét gần Ngô Đức Kế hơn cả trong số các chí sĩ - yếu nhân đầu thế kỷ XX: xuất thân từ cửa nhà có (tuy vẫn chưa thoát khỏi danh phận nông dân), tuổi tác xấp xỉ nhau, (như đã biết, cụ Huỳnh lớn hơn cụ Ngô 2 tuổi), danh vọng tương đương nhau (cũng đỗ Tiến sĩ vào lúc tuổi còn trẻ), sau khi đỗ cùng không chọn con đường ra làm quan mà lui về quê đọc sách đợi thời. Điểm khác nhau chính ở chỗ Huỳnh Thúc Kháng có một khu (có thể coi là một trang trại) trồng chè, trồng quế ở cái vùng mà ngay địa danh đã nói lên ưu thế tự nhiên (Quế Sơn, Tiên Phước), còn Ngô Đức Kế tuy gia thế thoạt nhìn có vẻ hoành tráng, nhưng ngay tại bản quán thì muốn sống được, bất luận ai thuộc gia tộc này hẳn cũng phải dùng tới “trảo nha”.


2. Không chọn gươm đao, chọn bàn tính và dao cầu thuyền tán

Nghệ - Tĩnh và Nam - Ngãi không ngẫu nhiên mà trở thành hai “địa chỉ đỏ” suốt từ cuối thế kỷ XIX đến tận gần đây. Không ngẫu nhiên mà hai cụ Phan, lãnh tụ trưởng thành từ hai vùng đất này lại “tương phản nhi tương thành” (lời Phan Bội Châu) trở nên là lãnh tụ của cách mạng cả nước.

So với các danh sĩ “thế hệ 1862” (theo cách hình dung và phân định thế hệ của nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước ba bốn chục năm trở lại đây) “trong vùng ảnh hưởng của đế kinh”, thì cả Phan Bội Châu lẫn Phan Châu Trinh trong vài ba năm đầu thế kỷ XX đều bộc lộ phong thái của những “người nhà quê ra tỉnh”. Không cần quy chiếu tới Nguyễn Trường Tộ, Bùi Viện, Nguyễn Lộ Trạch, không tham bác tới những “mệnh quan” của triều đình vì công vụ buộc phải biết tới thế giới bên ngoài (như Đặng Huy Trứ, Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ, Phạm Thận Duật, Nguỵ Khắc Đản…), chỉ cần so ngay với Nguyễn Thượng Hiền, Đào Nguyên Phổ, Vũ Phạm Hàm, Từ Đạm, Cao Xuân Tiếu… cũng có thể dễ dàng nhận ra rằng cả Phan Châu Trinh lẫn Phan Bội Châu đều tiếp xúc với Tân thư khá muộn, vào khoảng trên dưới 30 tuổi. Tại sao những người tiếp xúc với tân thư, tân văn muộn hơn, thân phận dường “quê mùa” hơn, chỉ trong một khoảng thời gian ngắn lại đã vươn lên trở thành những lãnh tụ, những người “phất cờ gióng trống, gõ mõ khua chuông”, gây bão tố, tạo sấm chớp, cuốn theo mình hầu như trọn vẹn tầng lớp tinh hoa của dân tộc?

Câu trả lời chắc chắn không thể đưa ra một cách đơn giản. Tuy vậy, một số bình diện nhất định của đáp án đã có thể bộc lộ khá rõ ràng khi người quan sát ghi nhận và chứng thực rằng cả Phan Châu Trinh và Phan Bội Châu từ thời điểm rất trẻ, thậm chí là từ thời niên thiếu, đã buộc phải đối diện với những khủng hoảng lớn của quốc gia đại sự mà vì cá tính, phẩm hạnh riêng hay vì cả hoàn cảnh hẹp xô đẩy, hai ông đã buộc phải hiện diện giữa vòng xoáy của những cơn lốc ấy. Chứng kiến xương rơi máu đổ theo nghĩa đen, thất bại và hiểm hoạ theo nghĩa đen, cả hai “chàng Phan” đều từng bao phen vật vã vì câu hỏi lớn: con đường nào là con đường thực sự có thể hứa hẹn mang lại thành công cho sự nghiệp cứu nước.

Giữa hai chí sĩ trẻ họ Phan, có thể cho rằng Phan Châu Trinh thể nghiệm sự bất trắc của con đường đấu tranh vũ trang để vãn hồi độc lập của đất nước cũng như tính chính đáng của vương triều Nguyễn một cách trực tiếp hơn, cụ thể và cay đắng hơn nhiều. Cái chết oan nghiệt và tức tưởi của đấng thân sinh chắc chắn đã khiến người con trai suy nghĩ và cảm nhận cực lao lung về các khả năng lựa chọn lối hành xử tiếp tục.

Nam - Ngãi và Nghệ - Tĩnh từ lúc nổ ra cuộc xâm lược và chống xâm lược Pháp vốn thường xuyên là những địa danh nổi tiếng cả nước về sự “ngạnh trực”, những nơi mà từ sĩ phu, thân hào cho đến người bình dân cùng đều nhiệt tình với quốc sự, hay có ý kiến khác, nhiều trường hợp là ngược lại với “sự chỉ đạo của cấp trên”, thậm chí ngược cả với ý chỉ của vua.“Nghệ - Tĩnh và Nam - Nghĩa từ phái văn học đến phái Cần Vương nghĩa hội thường một mạch câu thông với nhau. Đến phong trào Tân học cải cách cùng Đông học cán dùi trống một nhịp với nhau” (Lời Huỳnh Thúc Kháng). Đó cũng là hai vùng đất diễn ra nhiều nhóm xã hội có tôn chỉ tồn tại và phát triển khác biệt nhau nhất, dẫn đến những đối kháng phức tạp và dai dẳng. Từ thời Nguyễn Công Trứ, Ông Ích Khiêm cho tới nay, đã không ít những nhóm, những phong trào xã hội triệt để nhất, có tính liên tục cao nhất, để lại dấu ấn lịch sử thậm chí thành truyền thống đậm nét bậc nhất hình thành, duy trì, phát triển và lan toả ra toàn quốc từng khởi lên từ hai vùng đất này. Như một tất yếu, các lãnh tụ cách mạng ra đời và trưởng thành ở đâu thì cũng kéo theo cả những “nhân vật phản biện, đối trọng”, những “đại Việt gian, đại phản động” xuất hiện “ăn theo” ở đó.

Cần Vương là một phong trào kháng chiến cứu quốc - phục quốc, với sự lựa chọn phương tiện là “thiết huyết” (sắt và máu). Tuy phong trào diễn ra trên phạm vi cả nước, nhưng nơi có đông người hưởng ứng nhất, hoạt động có quy mô nhất, bền bỉ dai dẳng nhất với nhiều biến cố nhất chính là ở Nghệ - Tĩnh và Nam - Ngãi. (Tôi không bàn tới cuộc khởi nghĩa Yên Thế vì nhìn trên tổng thể, đó là một cuộc khởi nghĩa nông dân có hướng tới mục tiêu xa nhất là giải phóng dân tộc, về cơ bản không nằm trong khung khổ và tính chất của cuộc kháng chiến Cần Vương). Như đã biết, phong trào Cần Vương có lãnh tụ ảnh hưởng đến toàn quốc là vị “sơn trung Tể tướng” Phan Đình Phùng, mà cái “triều đình trong núi” ấy lại di dịch trong khoảng đâu đó trên vùng núi của Hà Tĩnh, Quảng Bình, phả sức nóng sang đất Nghệ An và “nối mạng” sang cả đất bạn Lào. Quan lại và sĩ nhân Nghệ - Tĩnh, hẹp hơn là Hà Tĩnh, từng chứng kiến và trải nghiệm sự phân hoá quanh co và phức tạp bởi những tác động đa chiều của phong trào này, của cái “triều đình” này.

Ngô Đức Kế không trải qua những kinh nghiệm bi kịch kiểu như Phan Châu Trinh, may không có người thân nào trực tiếp bỏ mình “dưới lưỡi dao của các nhà ái quốc phong kiến độc đoán và cổ lỗ” (Nhận xét của Nguyễn Văn Xuân về hoàn cảnh Phan Châu Trinh), nhưng những cơn khủng hoảng vào những khoảng khắc thất bại và thoái trào của phong trào Cần Vương trên đất Hà Tĩnh, sự lộng hành, dữ dằn và lạm dụng tinh thần ái quốc quá mức của các đầu lĩnh địa phương lãnh đạo các “quân thứ”, mà cụ thể là hàng loạt hành vi mang tính bạo hành của “Can thứ” chắc chắn đã khiến một thiếu niên con nhà gia thế như Ngô Đức Kế phải sớm thảng thốt đăm chiêu.

Cho đến ngày nay thì trong nhận thức chúng ta, xét đến cùng, bất chấp nhân cách cá nhân vòi vọi của một vị chủ soái như Phan Đình Phùng, phong trào Cần Vương ở vùng này nói riêng, trên phạm vi cả nước nói chung không cách gì hội tụ được những tiên đề tối thiểu cần thiết để hướng tới một thắng lợi chung cuộc. Nhưng lịch sử lại không xảy ra chỉ với những dữ kiện rành mạch, những quyết sách dũng cảm, đúng đắn và sáng suốt, những phương lược và kế hoạch hoàn hảo, “rõ như ban ngày”. Không có một “sự sáng suốt”, sự hiền minh nào xuống dễ dãi tự trời cao. Bi kịch muôn thuở của lịch sử lại là tính tất yếu của những sự trả giá. Trong những hoàn cảnh cực hạn như hoàn cảnh này, đó chỉ có thể là giá máu, rất nhiều máu. Máu của nhiều tầng lớp, nhiều thế lực, lực lượng. Có thể nói: máu chảy từ nhiều phía. Khi máu đổ quá nhiều mà phía trước vẫn còn mờ mịt, thì điều khả dĩ thi thố là vừa không được làm sai lạc hay bỏ rơi mục đích tối hậu, vừa làm sao để bớt đổ máu vô ích.

Suốt hàng vài ngàn năm tồn tại cuả quốc gia – dân tộc từng diễn ra bao lần nước mất rồi lại giành lại nước. “Chiến tranh như gió mùa thổi quằn quaị tháng năm”. Kinh nghiệm và truyền thống giành và giữ độc lập lâu dài ấy, tiếc thay lại khá đơn sắc: hiện tượng suy kiệt tiềm lực quốc gia sau một hay những võ công vang dội lặp lại trong lịch sử Việt Nam cơ hồ thành quy luật, mang tính chu kỳ. Cho dẫu sau lần đại thắng Nguyên Mông lần thứ hai, Hoàng đệ - Chiêu Minh đại vương - Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải đã nuốt vội niềm tự hào để thốt ra lời cảnh tỉnh “Thái bình tu nỗ lực” đặng cho “Vạn cổ thử giang san” thì vương triều Trần không vì vậy mà huy hoàng khởi sắc như hằng mong, trái lại lao khá nhanh vào cung đường suy thoái. Cho dẫu hình ảnh một đấng hiền thấy rộng nhìn xa ngồi vò võ “Bui có một lòng âu việc nước – đêm đêm thức nhẵn nẻo sơ chung”, trên cương vị Lại bộ Thượng thư (tương đương và gồm cả chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ lẫn chức Trưởng Ban tổ chức Trung ương bây giờ) liên hồi nhắc nhở “Cấm các Đại thần Tổng quản tham lam lười biếng”, “Cấm bày đặt những lễ nghi khánh hạ”, cấm những “lao dịch thổ mộc không cần thiết làm hại đến sức dân, phạm vào mồ hôi máu mỡ của dân” như hình ảnh Ức Trai tiên sinh có làm xúc động hết thế hệ này sang thế hệ khác, thì sự thật, về những người giữ đại chức đại quyền cỡ Trần Quang Khải, Nguyễn Trãi mà chân thành và sốt sắng lo xa cho thế nước sức dân đến vậy, hoá ra khi ngoái nhìn, lịch sử chỉ cung cấp được một danh sách vô cùng khiêm tốn, cụt lủn, gia dĩ, những “vĩ nhân lạc loài” ấy nếu không rơi vào cô đơn thì lại rơi sâu thêm, vào bi kịch.

Quán tính và kinh nghiệm sử dụng bạo lực, lựa chọn đấu tranh vũ trang để đạt tới những mục tiêu chính trị thực ra cũng là kinh nghiệm và quán tính “kinh điển”, “muôn thuở”, là lối mòn quen thuộc của loài người. Ở mọi nơi trên thế gian này, cũng như trong kinh lịch của một đời người, cái sự khoẻ bao giờ cũng xuất hiện và được dùng tới sớm hơn nhiều so với cái sự khôn. Và quán tính tạo bi kịch cũng đã được dân gian tổng kết: “Khôn đâu đến trẻ, khoẻ đâu đến già”, vậy mà để đạt tới sự an lạc, ở từng cá thể cho chí các cộng đồng, lại thường phải cần đầy đủ cả khôn lẫn khoẻ! Chỉ ở trạng thái phát triển hoàn thiện, trưởng thành toàn diện, cá nhân hay cộng đồng mới đạt tới đồng thời hai phẩm tính ấy để trở nên là một “thực thể hoàn hảo”.

Người Pháp, cả Pháp thực dân lẫn Pháp bạn bầu nhưng đều ở thế ngồi trốc ăn trên, bấy giờ chê người bản xứ Annam “vừa yếu vừa đuối”, thiểu hẳn cả khôn lẫn khoẻ. Vẫn biết rằng có sự thật chua xót đối với chúng ta trong những lời nhận định phía này chân thành phía kia ngạo nghễ đó, nhưng luôn phải nhắc lại, rằng khi kẻ thống trị chê đám người bị trị là ngu hèn dại dột, thì không có nghĩa là kẻ nọ mong cầu cho kẻ kia mau mau mà mạnh mẽ khôn ngoan!

Xét riêng thập niên đầu tiên của thế kỷ XX, có thể coi Nghệ - Tĩnh và Nam - Ngãi là hai địa bàn thể hiện tập trung nhất các hoạt động, các phong trào yêu nước và cách mạng, kể cả khi các hoạt động cụ thể diễn ra trên một địa chỉ khác thì các chí sĩ của Nghệ - Tĩnh và Nam - Ngãi vẫn có một địa vị ít nhiều nổi trội. Lược quy để hình dung sắc thái riêng của phong trào yêu nước và cách mạng ở mỗi vùng, nhiều nhà nghiên cứu từ lâu đã nhận định vai trò lãnh tụ của Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh trước hết là đối với mỗi địa bàn – quê hương của họ.

Nét chủ đạo của phong trào yêu nước và cách mạng đầu thế kỷ XX ở Nghệ - Tĩnh là định hướng ưu tiên cho phương thức đấu tranh bằng bạo lực với người lãnh tụ Phan Bội Châu. Nét chủ đạo của phong trào ở Nam – Ngãi là vận động dân chủ, duy tân, hình thức đấu tranh được lựa chọn là nỗ lực tối đa những hoạt động công khai và hợp pháp với người lãnh đạo tiêu biểu là Phan Châu Trinh. Ngay từ thời đó, giới cầm quyền, các nhà biên khảo, rồi đến các thành viên phong trào và quần chúng cách mạng đã định danh (dù không chính thức) cho hai phương thức hoạt động này là minh xãám xã. Trên thực tế, ở Nam - Ngãi có nhiều người là đồng chí của Phan Bội Châu nhiệt thành, triệt để, mà ở Nghệ - Tĩnh lại cũng có không ít những “đảng nhân” hết sức đáng tin cậy của Phan Châu Trinh. Đặng Nguyên Cẩn, Ngô Đức Kế chắc chắn là hai nhà hoạt động nổi bật của “minh xã”, nói cách khác, có tư tưởng chủ đạo gần gũi với Phan Châu Trinh trong số các nhà yêu nước đầu thế kỷ XX. Hẳn việc đi sâu tìm hiểu các chi tiết lịch sử, phân tích, đánh giá các dữ kiện trong quá trình hoạt động của Ngô Đức Kế và Đặng Nguyên Cẩn vào những năm 1902 – 1908 sẽ giúp ta làm sáng tỏ thêm cái “lôgic đa trị” ở thời điểm này của lịch sử. (Tiếc rằng trong khuôn khổ bài viết này tôi chưa có cơ hội để làm việc đó).

Điều có thể khẳng định chắc chắn, đó là: ở Ngô Đức Kế đã xuất hiện một cảm quan lịch sử mới khi đối diện với vấn đề sinh tử là trách nhiệm cá nhân trước sự tồn vong của đất nước. Xét tới hoàn cảnh và vị trí của Ngô Đức Kế lúc bấy giờ, tôi cho rằng đó là một sự thức nhận sáng suốt và một quyết định hành xử táo bạo, dũng cảm. Chọn con đường vận động duy tân, cổ động cho ý thức nỗ lực tự cường, nói khái quát hơn là định hướng hoạt động của mình là vì tiến bộ xã hội và đường lối thân dân, ngả dần về hướng dân chủ hoá. Với một nhà Nho Nghệ - Tĩnh, đối đầu với áp lực của những quán tính lịch sửtâm lý, tâm thế đám đông là một sự lưa chọn cực khó khăn, thậm chí nguy hiểm. Điều may mắn cho các nhà nho, nhất là các bậc đạt nho, là nền giáo dục mà họ hấp thụ vốn từ hàng ngàn năm trước đã đúc rút giùm họ, nói khác, đã tiên lượng cho họ khả năng lựa chọn ở vào hoàn cảnh như thế: hoành qua đương hổ dị - thung dung tựu nghĩa nan! Phải cần biết bao can đảm để không chọn gươm súng, mà chọn cây bàn tính và / hoặc dao cầu thuyền tán, không làm bậc trung liệt, mà chọn làm con buôn, bởi đó là sự lựa chọn một khi quy chiếu với lẽ phải thông thường còn xa danh mới được coi là chính.


3. Quan hệ của Ngô Đức Kế với lãnh tụ của hai phái

Căn cứ vào hành trạng, rõ ràng không có bất cứ cơ sở nào để xếp Ngô Đức Kế vào danh sách thành viên phái Ám Xã. Hán Việt tân từ điển của Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm (Vĩnh Bảo, Sài Gòn 1951) thích nghĩa “những từ ngữ Hán Việt đời mới” này: “Khoảng đầu thế kỷ XX, một nhóm chí sĩ Việt Nam, như Phan Châu Trinh, Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng có liên lạc nhau làm như một đoàn thể, mục đích cốt lay tỉnh đồng bào, cổ động Duy Tân, bài trừ những cái không thích hợp với hoàn cảnh và thời đại. Đoàn thể ấy được mệnh danh không công khai, không chính thức là Minh Xã.”(Dẫn theo Nguyễn Văn Xuân, “Phong trào Duy Tân”, In trong Tuyển tập Nguyễn Văn Xuân, Nxb Đà Nẵng, 2002, tr.783). Còn Ám Xã là “Một hội xã bí mật ở hồi Pháp thuộc do một số chí sĩ Việt Nam tổ chức, chủ trương dùng vũ lực để giành độc lập. Đối với Minh Xã, Phan Bội Châu là người Ám Xã” (Sđd). Mà như đã biết, cả thực dân Pháp, chính phủ Nam triều tay sai lẫn tâm lý đám đông thông thường vẫn mặc nhiên coi các thành viên của phái Ám Xã – còn gọi là phái thiết huyết, phái cấp khích - mới là những phần tử “ngoài vòng pháp luật”, mới là mối đe doạ cho nền trật tự an ninh, vì thế, mới là đối tượng đích thực của những sự theo dõi, tầm nã, bắt giết… Chiểu theo cái lý lẽ ấy, thì Ngô Đức Kế hẳn không thể là “đối tượng cần phải loại ngay ra ngoài đời sống xã hội” mới phải. Nhưng xét kỹ hơn, thì chính Đặng Nguyên Cẩn là người tích cực và sốt sắng làm môi giới cho những mối quan hệ giữa Phan Bội Châu với giới khoa bảng và danh sĩ tại Kinh đô, Ngô Đức Kế là người ngay sau khi đỗ Tiến sĩ đã có những tiếp xúc, trao đổi chính kiến và tư tưởng với các vị tân khoa có khuynh hướng duy tân cách mạng, trở thành một cầu nối chắc chắn và thuận tiện cho danh sĩ Trung - Bắc kỳ, thành một thành viên tham gia tích cực vào các cuộc giao lưu, tiếp kiến, hội ngộ của rất nhiều nhóm mang ý đồ dự vào “quốc sự” suốt từ Nam Ngãi ra đến tận Thăng Long, Sơn Nam thượng, Sơn Nam hạ… Đặng Nguyên Cẩn lớn tuổi hơn, lại bị ràng buộc bởi chức trách của một ông quan, nên trong nhiều trường hợp Ngô Đức Kế phải làm thay phần việc và phát ngôn thay cả chính kiến của chính người đồng chí đồng hương lớn tuổi hơn ấy. Căn cứ vào những tài liệu đã được sưu tầm và công bố cho tới những năm gần đây, có thể nhận xét rằng Ngô Đức Kế tham gia vào hầu hết các sự kiện và các phong trào yêu nước và cách mạng nổi bật ở Trung và Bắc Việt Nam từ ngay sau khi đỗ đạt cho tới tận ngày bị bắt. Vốn vẫn có cụm từ “con cáo già thực dân”. Chẳng khó khăn gì để “lũ cáo” ấy đánh hơi thấy ở mấy nhân vật “cộm cán” này những “hơi hướng” phản nghịch!

Các sử gia và nhiều nhà nghiên cứu thuộc các khoa học lịch sử khác trong khi nỗ lực phân định ranh giới và minh định tính chất của các nhóm hoạt động, các cuộc vận động, các tổ chức, phong trào yêu nước và cách mạng vài thập niên đầu thế kỷ XX chủ yếu do nhà Nho khởi xướng và đóng vai trò nòng cốt đã dần dần bổ sung thêm một nhận xét khái quát mới: hầu như tất cả những người tham gia vào các tổ chức và hoạt động ấy nếu xuất thân là nhà Nho thì đều không ý thức đầy đủ tầm quan trọng mang tính cốt tử của cương lĩnh và đường lối cách mạng. Nhà Nho coi tầm nhân cách (trong đó có cả học vấn, tri thức và tài năng) cùng độ tin cậy đạo đức mới là những “chuẩn cứng” của việc xét đoán, đánh giá và trao đổi, ký thác cho nhau. Hiểu được điều này, mới giải thích được vì sao Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh trong khi khác nhau đến vậy lại có thể tin cậy, tôn trọng và thương quý nhau đến trọn đời, tại sao Ngô Đức Kế tuy về mặt chính kiến là rất gần gũi với Phan Châu Trinh, Đặng Nguyên Cẩn, Huỳnh Thúc Kháng… nhưng về họat động cụ thể lại cơ hồ dồn hết thành quả (kinh tế) phục vụ cho công cuộc Đông du của Phan Bội Châu: thuỷ chung, nhà Nho vẫn cứ hiện hữu với tư cách là hình mẫu trí thức của một hình thái lịch sử xã hội “đã bị vượt qua”, không sao “cập nhật” hết những chuẩn mực của nhà chính trị, nhà cách mạng và mẫu người trí thức thời hiện đại! Sự khác biệt từ tôn chỉ, mục tiêu, qua phương pháp cách mạng đến cách thức tổ chức đoàn thể giữa phong trào Đông Du và cuộc vận động Duy Tân là điều có thật, khá rõ rệt, thậm chí trên một số phương diện khác biệt đến mức đối lập, tạo ra những mâu thuẫn, những tình huống chống đối, loại trừ lẫn nhau. Cả Phan Bội Châu, cả Phan Châu Trinh từng người với tư cách lãnh tụ phong trào của mình đều đề cập đến “hoạ đảng tranh”, thậm chí có những thời điểm là gay gắt với nhau, công khai hoá sự phê phán lẫn nhau, nhưng không ai trong số họ từng tìm cách loại bỏ người kia với tư cách là đối thủ chính trị ra khỏi chính trường. Đây sẽ là điểm khác biệt to lớn, thậm chí mang tính nguyên tắc cốt yếu, trong quan hệ giữa các đảng phái chính trị vào giai đoạn sau, khi xã hội đã có những bước tiến thật sự đáng kể về phía xã hội hiện đại. Với chính trị hiện đại, cương lĩnh của tổ chức và lập trường tư tưởng của các thành viên làm nên bản chất, làm nên sức mạnh, cũng làm nên sự dị biệt của từng tổ chức chính trị - xã hội so với mọi và với từng tổ chức, đoàn thể còn lại. Cũng với chính trị hiện đại, phẩm chất, tư cách cá nhân sẽ là những thứ được / bị tối thiểu hoá, sự gắn bó giữa cá nhân với đoàn thể theo tinh thần “bánh xe, đinh ốc của guồng máy” sẽ luôn luôn được nhấn mạnh, được đề cao. Từ một phương diện, nền chính trị trong các xã hội hiện đại trở nên mạch lạc hơn, khoa học hơn, mang tính kết cấu nội tại chặt chẽ hơn, nghĩa là hữư hiệu hơn, và từ phía khác, chúng cũng trở nên khắc nghiệt, tàn nhẫn, vô luân và phi nhân hơn.


4. “Đệ nhất tù nhân”

Sự kiện gây ngạc nhiên, đòi hỏi phải có thêm tư liệu để minh định và giải thích, nhưng dù thế nào đi nữa cũng không thể thay đổi sự đánh giá bản chất: Ngô Đức Kế là chí sĩ bị bắt sớm nhất trong số những người về sau sẽ “bị” gọi chung là “quốc phạm”, bị lưu đày ra Côn Đảo. Nếu có thể giả thiết, trong chừng mực “giả sử” thực dân Pháp và chính phủ Nam Triều làm được, thì những người hoạt động yêu nước và cách mạng “đáng” bị bắt trước hoặc cùng với Ngô Đức Kế chính là các chiến sĩ Đông du, đứng đầu là Phan Bội Châu. Thực dân và đám tay sai của chúng trong chính phủ Nam Triều trên thực tế nhận thức rất nhanh về hiểm hoạ, mối đe doạ của các phong trào và cuộc vận động mới diễn ra dồn dập từ 1904 tới 1907. Khác với Đặng Nguyên Cẩn hay Trần Quý Cáp, tới thời điểm bị bắt, Ngô Đức Kế vẫn chưa/không phải là mệnh quan của triều đình, vì thế, khác với các vị ấy, Ngô Đức Kế đã không bị “cánh tư pháp” của Nam Triều dùng luật của Đại Nam để trị tội. Lôgic tự nhiên của các diễn biến cho thấy Ngô Đức Kế bằng cách thức tồn tại và hành động của mình đã trở nên - nếu không lớn nhất thì cũng là “một trong rất không nhiều”- “cái gai” gây lo âu và tức tối bậc nhất đối với bè lũ thực dân cai trị.

Theo nhà nghiên cứu, nhà văn Nguyễn Văn Xuân: “Thời đó, phong trào Duy Tân của Nghệ Tĩnh đã có lãnh tụ mặc nhiên là Ngô Đức Kế, có tổ chức mệnh danh (chứ không có danh xưng) là Minh Xã và dự bị lập các cơ sở thiết yếu của phong trào mà hợp thuơng Triêu Dương là một. Như thế, ta sẽ không ngạc nhiên khi ngọn trào cúp tóc xin xâu phát ra ở Quảng Nam, Nghệ Tĩnh đáp ứng rất mạnh mẽ vì đã đi sâu vào quần chúng.” (Sđd. tr. 783)

Khác với nhiều cơ sở ở các địa phương khác, nhất là các cơ sở thuộc phái Ám Xã nhiều lúc chỉ lập ra để có cớ quyên, thu tiền trong dân, Triêu Dương thương quán của Ngô Đức Kế là một cơ sở kinh doanh, buôn bán thực sự. Hẳn một trong những mục tiêu của Ngô Đức Kế và các đồng chí của minh khi mở Triêu Dương thương quán là để, nói như Ngô Đức Thọ “yểm trợ phong trào Đông Du”, nhưng chắc chắn sứ mệnh của thương điếm – thương hội này không chỉ giản đơn như thế.

Lý do “trực tiếp” khiến Ngô Đức Kế bị bắt là do viên Tắc lãnh Lê Văn Hạ tố cáo tội “tiềm thông dị quốc”. Trước đây, nhiều tài liệu có khuynh hướng cho rằng Ngô Đức Kế bị Nam Triều “xử lý”. Ngay trong Thi tù tùng thoại, “người bạn tù vĩ đại” với ông là Huỳnh Thúc Kháng cũng viết rằng: “Sau cụ Sào Nam đông độ rồi, có tên nguỵ Tắc Hạ, do viên Án sát Hà Tĩnh lúc ấy là Cao (Ngọc Lễ - TNV) xui nó khai vu cho cụ, kêu án tiềm thông dị quốc bị bắt giam ở ngục Hà Tĩnh gần một năm, sau đày ra Côn Lôn” (Dẫn theo Nguyễn Văn Xuân, tlđd. Tr.895).

Nhưng với những tài liệu mới sưu tầm được trong thư khố Đông Dương ở Pháp những năm gần đây, thì đã khá rõ rằng việc bắt (và bắt sớm) Ngô Đức Kế chắc chắn là có chủ trương từ chính người Pháp, mà trực tiếp là viên Công sứ Pháp ở Hà Tĩnh lúc bấy giờ.

Ngẫm cho kỹ, việc Ngô Đức Kế bị bắt sớm, trở thành “đệ nhất tù nhân” lúc bấy giờ không có gì quá khó hiểu: có “trọng tội” gì (trong mắt Pháp thực dân, dĩ nhiên) mà Ngô Đức Kế không tham dự nữa đâu: bỏ phắt quan trường, gom tiền “cung phụng” cho phong trào Đông du, tán trợ đắc lực cho một “quốc phạm đầu đàn” là Phan Bội Châu, đồng chí ngang tầm với một “đệ nhất loạn đảng nhân” khác là Phan Châu Trinh, đề xướng cải cách việc học việc thi lăm le chuyển đổi mặt bằng dân trí, hành nghề mới “kiểu châu Âu” là mở thương điếm thương hội, tích cực tham gia vào cái nhà trường “gai ngạnh” là Đông kinh Nghĩa thục mà dường như lại còn là tác giả của một vài tài liệu giáo khoa mang tính cương lĩnh hàng đầu… Cứ như “chuẩn mực” luật pháp thực dân, Ngô Đức Kế thụ án 14 năm tù vừa bị giam giữ vừa bị lưu đày… hãy còn là nhẹ!


5. Bão vẫn nổi từ đáy lọ mực

Bước sang đầu thập niên thứ ba của thế kỷ XX, nền chính trị thực dân ở Đông Dương dường có vẻ “thanh bình” hơn nhiều so với hai thập niên đầu hết dân bản xứ vùng lên phải dùng đến khủng bố trắng lại liệt cường tranh thắng bằng một cuộc đại chiến toàn cầu khiến “mẫu quốc” dù cuối cùng vẫn được xếp vào nhóm “những kẻ cười sau” nhưng cũng đã cung đốn vào cuộc chiến kia cơ man nào là người và của.

Phải thừa nhận rằng sau đợt khủng bố trắng (kéo dài từ cuối năm 1907 đến tận 1910), thực dân Pháp đã lâm thời dập tắt những niềm hy vọng vãn hồi được nền độc lập ở Việt Nam một cách nhanh chóng và bằng những phương thức cách mạng triệt để. Ngay cả tiếng gầm của “con hùm Yên Thế” cũng yếu dần rồi tắt lịm. Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh tuy vẫn có uy danh, nhưng tổ chức tan tác, bản thân các ông lưu lạc hải ngoại nhiều năm tháng còn phải tìm công việc “độ nhật”. Trên phạm vi toàn quốc ngay vào thập kỷ thứ hai của thế kỷ XX, ngoại trừ cuộc mưu sự bất thành của vua tôi Duy Tân - Trần Cao Vân - Thái Phiên, không có một phong trào, một tổ chức hay một cuộc vận động xã hội nào hướng tới việc phục hồi độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia một cách quyết liệt và trực tiếp. Nền chính trị thế giới và khu vực trong gần trọn thập niên đó không hứa hẹn bất kỳ điều kiện thuận lợi nào cho cuộc đấu trang giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa, trong đó có Việt Nam. Hoạt động của Việt Nam Quang phục hội – bao gồm và kể cả những vụ binh biến, những cuộc khởi sự cục bộ nhìn chung không có nhiều hiệu quả và điều còn quan trọng hơn, chưa thể hứa hẹn tính hiệu quả.

Vậy nhưng những tiền đề cho những đợt vận động cách mạng mới thì đã dần dần được tích hợp trong lòng cái xã hội tuy vẫn là thuộc địa nhưng đã buộc phải tư sản hoá, hiện đại hoá không cưỡng lại được ấy. Nền kinh tế trên tổng thể càng ngày càng được/ bị lôi cuốn vào những mối liên hệ khu vực và quốc tế, sinh động hơn và đa tạp hơn nhiều so với mối liên hệ thuộc địa - mẫu quốc; nhiều tầng lớp, thậm chí giai cấp mới đã hình thành trong lòng xã hội đó. Quy chiếu với tri thức và kinh nghiệm của tầng lớp nhà Nho, đó là những thực thể hoàn toàn xa lạ, thậm chí mang tới cho họ cả những sắc thái bí ẩn. Nhận thức, chứ chưa nói tác động tới, càng chưa nói tới việc khuất phục, lãnh đạo, hướng dẫn những tầng lớp, giai cấp mới ấy trở thành một thách thức to lớn, một “nhiệm vụ bất khả thi” đặt ra trước tầng lớp nhà Nho, cái tầng lớp vì quá nhiều lý do, buộc phải nguôi ngoai dần cái “thiên chức” “đạo giác tư dân” mà họ đảm nhiệm tự ngàn xưa.

Nhưng nếu các thực thể mới – bao gồm cả thực dân, cả các tầng lớp và giai cấp bản xứ mới cùng những sản phẩm phái sinh, ăn theo – có thể chứng tỏ được trước toàn thể cộng đồng những ưu thế vượt trội về kinh tế, về tổ chức xã hội, về kỹ thuật rồi về khoa học, thì ở các tầng sâu hơn của kết cấu đời sống văn hoá tinh thần, những xung đột, tranh chấp - cạnh tranh và cả đối đầu nữa còn lâu mới tới mức ngã ngũ. Mặt khác, trong thực tiễn, rất nhiều những thành tựu và giá trị văn hoá cho dẫu có xuất xứ từ những nguồn gốc xa lạ với nhau, hiện hữu trong đời sống cộng đồng hữu quan với một hay nhiều vai trò khác nhau, thì với tư cách là những hằng số văn hoá kết tinh, chúng không tồn tại theo phương thức loại trừ lẫn nhau mà trong rất nhiều trường hợp vẫn có thể nương vào nhau để tồn tại, thậm chí bổ túc cho nhau. Nếu Âu hoá từ nửa sau thế kỷ XIX đã trở thành một tất yếu lịch sử đối với các quốc gia phương Đông,thì với thời gian, rất nhiều những giá trị và truyền thống cố hữu lại đã có thể hồi sinh, hoàn hình thậm chí diễn ra cả các quá trình thẩm thấu ngược, gây ảnh hưởng tích cực tới thoạt đầu là các thành tố đơn lẻ của kết cấu cộng đồng mới, rồi dần dà lan toả thành ảnh hưởng đồng loạt, tới tận cả những thành phần thuộc cấu trúc thượng tầng và thượng đỉnh của “nền văn hoá mẫu quốc”. Tôi cho rằng việc chính quyền Pháp ở Đông Dương mà trước hết là ở Việt Nam vào thập kỷ thứ hai của thế kỷ XX đã chủ động đưa ra và thực hiện “chính sách hợp tác” thay cho “chính sách đồng hoá” đã được ráo riết thực thi trước đó có nguyên nhân cơ bản là nhận thức của những người đề xuất chính sách về loại hiện tượng tất yếu này.

Ra khỏi nhà tù, ra khỏi xứ lưu đày quay lại với quê nhà, với đời sống xã hội, sau ngót 13 năm bị cách ly, các nhà Nho chí sĩ trong đó có Ngô Đức Kế không thể tránh khỏi tình trạng lạ lẫm, ngỡ ngàng, kể cả lạc hậu trước thực trạng của xã hội mới. Nhưng từ bên trong, những nguồn năng lượng văn hoá mà họ vốn là những thực thể kết tinh ở mức độ cao vẫn còn đủ dồi dào để toả nhiệt và phát sáng tiếp tục. Hàng loạt công việc mà Ngô Đức Kế còn kịp làm được trong tám năm cuối đời sau khi ra tù như làm chủ bút báo Hữu Thanh, viết những bài nghị luận, chính luận và bút chiến nổi tiếng trong đó có “Nền quốc văn”, “Luận về chính học cùng tà thuyết”, biên tập lại tác phẩm của người đồng chí khả kính của mình làm thành Phan Tây Hồ di thảo, mở “Giác quần thư xã” và tiếp tục sáng tác, biên tập lại trước tác của mình… đều là những việc làm có ý nghĩa sâu sắc về văn hoá, văn học và lịch sử. Ông vẫn tiếp tục và đủ sức tạo ra những tác động lịch sử, gây được những “cơn bão từ đáy lọ mực” – nói theo cách diễn đạt của văn hào Victor Hugo.


Thay lời kết: Ngô Đức Kế và ý thức về điểm dừng lại

Vào thời điểm làm chủ bút báo Hữu Thanh, một lần phát biểu “Cảm tưởng trong lúc biên tập” Ngô Đức Kế viết: “Kể không hết trăm sắc ngàn vẻ, sáng láng dập dìu, như xoay cái vạn hoa đồng mà xem, con mắt ứng tiếp không kịp”.

Tôi hốt nhiên nhận thấy rằng đó cũng là cảm nhận chung của mọi nhà Nho, kể cả nhà Nho đã kịp Âu hoá tinh thần như ông, trước mọi biến động của xã hội trên đà hiện đại hoá gấp rút. Dường như đó là điều không thể khác được.

Huỳnh Thúc Kháng, theo đúng truyền thống cái quan định luận, đã điếu Ngô Đức Kế bằng một đôi câu đối khó mà tri âm tri kỷ hơn:

“Xanh trường khối lỗi, vô số vị thành thư, Á phách Âu hồn, truyện đáo vĩ nhân phiên tuyệt bút;
Khảo mục hà sơn, kỷ đa bất thực quả, Tô chiên Quản mão, ca lai chính khí dũng triều âm.”

Cụ Huỳnh tự dịch:

Ngổn ngang gò đống, bao nhiêu bụng sách chép chưa xong, phách người Á mà hồn người Âu, đến chuyện vĩ nhân dừng ngọn bút;

Xơ xác non sông, những kẻ dư sinh còn được mấy, cờ họ Tô mà mão họ Quản, ngẫm bài chính khí dậy cơn dông”.

Ở Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế, ở Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, ở các đấng vĩ nhân thời trước như Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông… ở các bậc lỗi lạc lớp sau như Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp…, cố hữu một hằng số bất biến trong nhân cách cá nhân là lòng yêu nước nồng nàn, thiết tha, rực rỡ. Hằng số bất biến đó một khi được hiện thực hoá tối đa thành hành động khiến những cá nhân xuất chúng trở nên bất tử, trường tồn cùng dân tộc.

Nhưng không một ai luôn luôn đúng trong mọi bối cảnh, không một cá nhân nào là hệ quy chiếu tuyệt đối cho mọi người ở mọi thời. Họ phải bị và được vượt qua, cũng như dân tộc muốn được bảo tồn phải đổi mới và vượt lên phía trước.

Giữa thời đại đầy biến động, liên tục thay cũ đổi mới, với những gì là thiên phú cộng với nhiều nỗ lực nhân tạo tốt lành, tôi nghĩ, Ngô Đức Kế đã sống, suy nghĩ và hành động để hiện thực hoá tối đa những gì ông có thể. Tôi không cho rằng trong kết quả đã đạt tới những thành tựu phi thường. Dẫu vậy, ông xứng đáng hiện diện ở một tầm cao đủ khiến nhiều thế hệ con Lạc cháu Hồng tri ân và ngưỡng vọng.

Hà Nội tháng 7/2007

© 2008 talawas