trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 497 bài
  1 - 20 / 497 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giới
2.8.2008
Phong Uyên
Tham vọng không cần che giấu
 
Ngày 23.06.2008, talawas có đăng lại bản dịch của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) “Vai trò của Trung Quốc đối với Đông Nam Á và Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế” – một bài viết lấy từ mạng Sina.com nói về vai trò Trung Quốc đối với Đông Nam Á và Việt Nam, đã được TTXVN đưa vào ấn bản Tài liệu Tham khảo Đặc biệt [1] . Đọc bài này tôi không thể không có ý nghĩ rằng tác giả bài viết đã phản ảnh một phần nào mưu đồ khuynh loát Đông Nam Á của bá quyền cộng sản Trung Quốc cùng với phương sách của họ bắt Việt Nam phải nằm trong vòng cương toả của mình.

Trước hết, cần phải nhận xét rằng người viết bài đã biểu lộ những hiểu biết kém cỏi, sai lầm và những khẳng định vô căn cứ về lịch sử cận đại, về sự thành hình các liên minh và địa lý chính trị thế giới từ đầu thế kỷ thứ XX đến ngày nay. Cũng có thể bài viết dành cho người dân Trung Hoa vốn dĩ kém hiểu biết nên đó chỉ là những sai lầm cố ý với mục đích tôn dương vai trò quốc tế mỗi ngày một lớn của Trung Quốc ở thế kỷ thứ XXI này.

Tôi xin tuần tự bình luận về những luận điểm trong bài viết (được trích dẫn trong ngoặc kép).

1. Nói liên minh giữa “Anh, Pháp và Nga không cùng một ý thức hệ” là sai vì khi đó, trong cuộc Thế chiến thứ I, Nga còn nằm dưới chế độ Nga hoàng và có ý thức hệ tương đồng với Anh. Người chống lại liên minh hồi đó lại chính là Lénine được Đức đưa từ Thụy Sĩ về Nga để tổ chức phản chiến. Chỉ đến khi Thế chiến II bùng nổ, Staline bị đồng minh Hitler của mình trở mặt, Nga (lúc này đã là trụ cột của Liên Xô) mới quay lại kết liên minh với phe Anh - Mỹ không cùng một ý thức hệ.

2. Trong khi tự ví Trung Quốc của mình với Mỹ, người viết bài nêu vấn đề: “Trung Quốc vĩ đại trỗi dậy từ thế kỷ thứ 21 này... tranh giành bá chủ toàn cầu với Mỹ... Trong việc xưng bá trong tương lai, cũng cần phải có một đội ngũ đồng minh trung thành”. Đồng minh kiểu này khác gì “chư hầu” của Trung Quốc ngày xưa? Trắng trợn hơn, người viết còn huỵch toẹt rằng trong khi chờ đợi 20 năm nữa để Đại Hàn, Nhật Bản sẽ trở thành “đồng minh”, các nước Đông Nam Á “đương nhiên là đối tượng trở thành đồng minh thích hợp nhất của Trung Quốc”, bắt đầu là những nước “thuộc diện vùng sâu vùng xa” (ám chỉ Miến Điện, Lào và Cam-bốt?). Rõ ràng, Trung Quốc đang bộc lộ ý định dùng Đông Nam Á làm bàn đạp để chinh phục thế giới.

3. Khi khẳng định “Kinh tế Đông Nam Á và kinh tế Trung Quốc có mối liên hệ mật thiết... nhu cầu về tài nguyên, nguyên liệu và dịch vụ của Trung Quốc đã thúc đẩy sự phát triển kinh tế các nước này...”, tác giả bài viết đã không giấu giếm toan tính của Trung Quốc bóc lột tài nguyên và lũng đoạn thị trường các nước Đông Nam Á.

4. Sự mô tả rằng Trung Quốc đã “hi sinh lợi ích của mình khi không thả nổi đồng nhân-dân-tệ (NDT)” trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 để kể công Trung Quốc đã cứu các nước Đông Nam Á là dối trá và giả đạo đức. Ai cũng biết rằng năm 1997, chính Hoa Kỳ – thông qua IMF và WB – đã can thiệp bằng cách đổ vào Thái Lan gần 1 tỷ Mỹ kim để duy trì sự ổn định kinh tế trong vùng. Sở dĩ Trung Quốc ngày đó đã không thả nổi đồng NDT là vì họ muốn gắn chặt nó vào đồng Mỹ kim để tăng cường xuất khẩu, đồng thời để bóc lột người lao động Trung Quốc bằng đồng lương rẻ mạt.

5. Tác giả bài viết đã không cần úp mở rằng “cùng với sự trỗi dậy của Trung Quốc, các nước Đông Nam Á sẽ là các nước bị văn hoá Trung Quốc đồng hoá”, đồng thời trắng trợn tuyên bố rằng quyền lực kinh tế của cộng đồng người Hoa ở những nước này sẽ biến thành quyền lực xã hội và chính trị để phục vụ Trung Quốc: “Người Hoa chiếm 10% tổng số dân Đông Nam Á nhưng lại chiếm 80% tài sản xã hội... Một cộng đồng như thế lẽ ra phải ở mức thượng tầng xã hội cao nhất... nhưng cùng với sự trỗi dậy của TQ, tình hình đó được xoay chuyển để hiện tại đó thành quyền lực xã hội... các nước chủ yếu (Indonesia, Malaysia, Thái Lan) có thể sẽ có người Hoa làm tổng thống như người Hoa - Singapore. Nước có người Hoa làm tổng thống thì khó có thể không muốn kết đồng minh với TQ.” Căn cứ vào đâu mà tác giả bài viết dám nói 10% dân số Đông Nam Á là người Hoa, trừ phi tính đếm đến cả gốc gác tổ tiên – hễ ai có một giọt máu Hoa đều là người Hoa? Và phải chăng Trung Quốc đang nuôi ý chí lật đổ chế độ quân chủ Thái Lan khi nói rằng có thể có tổng thống Thái Lan là người Hoa?

6. Bài báo tiếp tục một giọng điệu trắng trợn: “Trung Quốc nắm giữ đầu nguồn sông Mê Kông, cũng cơ bản nắm giữ huyết mạch của tất cả các quốc gia bán đảo Trung Nam (= Đông Dương), giữ ưu thế tuyệt đối về địa lợi... đồng thời miền nằm ở vị trí quan trọng nhất của Đông Nam Á là Myamar về cơ bản đã do Trung Quốc khống chế... nếu không có viện trợ mỗi năm hàng tỷ US$ của Trung Quốc thì chính phủ Myamar đã sớm sụp đổ.” “Đông Dương” (Indochine) vốn là danh xưng phổ biến dùng để chỉ định một vùng nằm giữa Ấn Độ và Trung Quốc gồm nhiều nước ngoài Việt Nam, Lào, Cambốt thuộc Pháp trước còn có bán đảo Mã Lai Á, Singapore, Thái Lan, Miến Điện. Việc sử dụng tên gọi “Trung Nam” để chỉ Đông Dương là hàm ý coi cả Đông Dương là một phần đất của Trung Quốc – “quốc gia / đế quốc ở trung tâm” –, ước mong thực hiện mộng bành trướng có từ thời Hán. Toàn cõi Đông Dương từ Miến Điện, Thái Lan, Lào, Cam-bốt, Singapore, Mã Lai và tất nhiên kể cả Việt Nam sẽ thành những quận huyện tiếp theo những Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam đời Hán. Chủ nghĩa Đại Đông Á của quân phiệt Nhật ngày xưa phải chăng đang biến thành chủ nghĩa Đại Trung Quốc với Trung Quốc ở giữa, chung quanh có “Trung Nam” và – một ngày kia, biết đâu – sẽ thêm “Trung Tây” (= các nước Tây Á), “Trung Bắc” (= Siberia hay Tây Bá Lợi Á), “Trung Đông” (= Nhật Bản, Đài Loan, Trường Sa - Hoàng Sa, Phi Luật Tân...)?

7. Trong một tiểu đoạn của bài viết, tác giả đã cố tình khơi khơi xếp Cộng hoà Tchad – quốc gia nằm ở trung tâm [Bắc phần] châu Phi – vào nhóm các nước Ả Rập Cận Đông hay Bắc Phi. Cộng hoà Tchad là đất nước của người Phi da đen, hoàn toàn khác về chủng tộc với người Ả Rập. Nguyên là một cựu thuộc địa của Pháp, Tchad vẫn còn chịu nhiều ảnh hưởng của Pháp và đang nhờ quân đội Pháp giúp đỡ chống lại nước Soudan láng giềng phía Đông – quốc gia được Trung Quốc giúp đỡ súng ống gây chiến tranh diệt chủng Darfour khiến cho tới nay đã 300 ngàn người bị thiệt mạng và 3 triệu người phải di tản, chất một gánh nặng lên vai Liên hợp quốc. Là một nước nghèo, dân số chưa tới 10 triệu sống bằng tiền viện trợ chủ yếu từ Pháp, thử hỏi Tchad lấy đâu ra “60 triệu Mỹ kim và một số lượng lớn hàng hoá để ủng hộ nạn nhân động đất ở Trung Quốc”? Còn vô lý hơn nữa, Trung Quốc đang là đồng minh của Soudan, kẻ thù của Tchad thì tại sao Tchad lại đem tiền đi ủng hộ bạn của kẻ thù của mình? Trung Quốc cũng chẳng hề thương xót gì Soudan mà chỉ có mục đích khai thác nguồn dầu hỏa của nước này, đồng thời dùng Soudan làm đầu cầu để xâm nhập Tchad – cũng là quốc gia có nhiều tiềm năng dầu hỏa. Ngoài Soudan, Trung Quốc cũng chẳng có người “anh em” Ả Rập nào khác. Các nước Phi châu đang đứng trước hiểm họa bị Trung Quốc tung tiền mua chuộc những nhà lãnh đạo chính trị, đem nhân công qua xây dựng vài dinh thự, sân vận động để mị dân, đem hàng hoá Trung Quốc rẻ mạt đổi lấy tài nguyên khoáng sản khiến nền sản xuất hàng hoá của các nước này bị tê liệt, nền thương mại đều lọt vào tay người Tàu di cư qua nắm. Đã có nhiều trường hợp người dân Phi châu bức xúc nổi lên đập phá các cửa tiệm của người Tàu như ở Sénégal.

*


Không khảo mà xưng, tất cả những luận điệu nêu trên của tác giả bài viết từ Sina.com đã biểu lộ một cách không cần che giấu những mưu đồ đầy tham vọng của chủ nghĩa bá quyền Trung Quốc: chinh phục các quốc gia Đông Nam Á để thâu thập đồng minh, đồng thời khai thác tài nguyên Phi châu, hòng tranh giành ngôi bá chủ thế giới với Hoa Kỳ. Muốn biết manh tâm của người “anh cả” Trung Quốc đối với Việt Nam, cần phải đọc phần sau của bài viết.

Trong phần này, tác giả bài viết đã tỏ ra rất “xi-níc” (cynique) khi nói: “Hiện nay nguy cơ kinh tế của Việt Nam là cơ hội cuối cùng (mà TQ đang chờ đợi) đã xuất hiện”.

Không hề nói sẽ giúp đỡ cứu vãn nền kinh tế Việt Nam như thế nào, mà chỉ coi đó là cơ hội tốt” để bắt chẹt một cách hết sức rõ ràng: “Yêu cầu họ (= Việt Nam) phải bù giá lớn về chính trị và kinh tế... Trung Quốc chìa tay giúp đỡ kinh tế Việt Nam, tin rằng những lợi ích đạt được sẽ vượt xa những gì cho đi... và nhất định cần sự đền đáp. Trung Quốc trước đây chẳng phải đã nếm mùi phản bội của Việt Nam đấy sao (ám chỉ cuộc xung đột Trung – Việt hồi 1979)?” Và đây, “sự đền đáp” mà Trung Quốc đòi hỏi ở Việt Nam là:

Thứ nhất, Việt Nam phải trở thành “khởi điểm của sự kết giao đồng minh giữa Trung Quốc với ASEAN.” Nói trắng ra là Trung Quốc muốn dùng Việt Nam làm đầu cầu xâm nhập ASEAN.

Thứ hai, Việt Nam “phải chấp thuận những gì mà trước đây họ không thể chấp nhận, ví dụ như (Trung Quốc phải) được góp 30% cổ phần trong ngân hàng của Việt Nam.” Thử hỏi ngân hàng nhà nước một nước độc lập nào có thể chấp nhận điều vô lý như vậy?

Thứ ba, “Yêu cầu Việt Nam tuyên truyền rầm rộ giúp đỡ Trung Quốc trên các phương tiện thông tin đại chúng để làm giảm sự thù địch đối với Trung Quốc của người dân Việt Nam, để làm cho các nước Đông Nam Á khác thấy được.” Một yêu cầu như vậy khác gì nói trắng ra rằng người Việt nào biểu lộ thái độ thù địch với Trung Quốc thì phải bị (chính quyền Việt Nam) phạt tù, và mọi cơ quan truyền thông ở Việt Nam cả ngày phải lải nhải ca tụng Trung Quốc vĩ đại?

Thứ tư, “Yêu cầu Việt Nam thực hiện chính sách ưu đãi để các công ty Trung Quốc vào Việt Nam có thể gia tăng được ưu thế cạnh tranh.” Sao không nói trắng ra rằng Việt Nam phải dành cho Trung Quốc các đặc quyền kinh tế?

Thứ năm, “Trong giao dịch năng lượng giữa hai nước, đưa ra điều kiện có lợi cho Trung Quốc”: tất nhiên là Việt Nam phải chịu thiệt!

Thứ sáu, và đây là last, but not least: “Yêu cầu (Việt Nam) tiến hành hàng loạt cải cách kinh tế để cuối cùng, thực hiện nhất thể hoá kinh tế Việt - Trung, thực sự là những cải cách làm cho Việt Nam nhập vào vành đai kinh tế Trung Quốc.”

Rồi tác giả bài viết đưa ra một kết luận đầy trịch thượng: “Nếu Trung Quốc nhận được những báo đáp trên, Trung Quốc có thể lái được phương hướng kinh tế Việt Nam, ràng buộc Trung Quốc và Việt Nam với nhau, như vậy dù Việt Nam muốn phản bội cũng không thể.”

Tôi không biết nên kết luận thế nào, vì thú thật từ trước tới nay, đọc nhiều hàng ước của các nước thua trận tôi chưa thấy nước nào phải chịu ký nhận những điều kiện nhục nhã như vậy, kể cả Hoà ước Patenôtre năm 1884 đặt Việt Nam dưới quyền bảo hộ của Pháp. Tôi cũng không thể không nghĩ rằng người viết bài này phải là chuyên viên trong một “think tank” của Đảng Cộng sản Trung Quốc, vốn vẫn coi Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ như một chi bộ của Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Tây Tạng hay ở Tân Cương không hơn không kém. Sở dĩ những người theo chủ nghĩa bá quyền Trung Quốc dám cho phép mình có một nhãn quan như vậy vì họ dư biết rằng phe bảo thủ trong Đảng Cộng sản Việt Nam – hiện vẫn nắm ưu thế trên chính trường Việt Nam – không có lựa chọn nào khác là phải dựa vào Trung Quốc để bảo toàn sự sống còn của mình. Cũng vì lý do này mà trước khi Nguyễn Tấn Dũng công du Hoa Kỳ, Nông Đức Mạnh đã vội vã qua Tàu để chứng tỏ lòng trung thành của phe phái mình với đàn anh. Một mình con én Nguyễn Tấn Dũng – được cho là cấp tiến – cũng không thể làm nên nổi mùa xuân, một khi người bảo trợ của ông Dũng là Võ Văn Kiệt đã khuất bóng, đồng thời những người dân chủ trong nước có thể làm hậu thuẫn cho ông đều đã bị cầm tù.

Ban lãnh đạo Trung Quốc theo đường lối đối ngoại bá quyền đang chỉ chờ Nguyễn Tấn Dũng thất bại trong công tác cứu nguy nền kinh tế hiện nay là sẽ tung tiền cho phe bảo thủ: mệnh danh “giúp đỡ” nhưng thật ra là mua rẻ Việt Nam – giống như họ đã tung tiền ra ở Myamar. Bá quyền Trung Quốc khó mà bỏ lỡ cơ hội ngàn năm có một này.

© 2008 talawas



[1]Theo một nội quy chính thức ở Việt Nam, ấn bản Tài liệu Tham khảo Đặc biệt do Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) phát hành hàng tuần chỉ được cung cấp (bằng kinh phí nhà nước) cho các cán bộ là thủ trưởng các cơ quan hành chính sự nghiệp từ cấp vụ / cục / viện trở lên nếu là cơ quan thuộc các bộ ngành trung ương, từ cấp sở trở lên nếu là cơ quan địa phương; hoặc cho các cán bộ là người đứng đầu các doanh nghiệp nhà nước từ cấp tổng công ty trực thuộc bộ hoặc trực thuộc các uỷ ban nhân dân tỉnh / thành phố trở lên; hoặc cho cán bộ chỉ huy các đơn vị lực lượng vũ trang từ cấp tương đương sư đoàn thuộc bộ hoặc quân đoàn thuộc quân khu trở lên. TTXVN là cơ quan báo chí duy nhất ở Việt Nam được phép cung cấp “thông tin tham khảo” – tức thông tin không thể được phổ biến rộng rãi, mà chỉ để “phục vụ các cán bộ / cơ quan lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và phục vụ công tác nghiên cứu, công tác đối ngoại”. (talawas)