trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 123 bài
  1 - 20 / 123 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học nước ngoài
Loạt bài: Aleksandr I. Solzhenitsyn (1918-2008)
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10 
7.8.2008
Micheal T. Kaufman
Solzhenitsyn, đại văn hào đương đầu với chế độ Xô-viết
Phạm Văn dịch
 
Cuộc đấu tranh kiên quyết, đơn độc và không nhân nhượng về văn học của Aleksandr Solzhenitsyn đạt tới mức tiên tri khi ông tiết lộ những tai ác kinh khủng của chủ nghĩa cộng sản Xô-viết trong một số tác phẩm vĩ đại nhất của thế kỷ 20. Ông mất hôm Chủ nhật ở tuổi 89 tại Moscow.

Con trai ông là Yermolai nói nguyên nhân vì bệnh tim.

Solzhenitsyn sống lâu hơn nhà nước và chế độ Xô-viết gần 17 năm, ông đã tranh đấu nhiều năm trong tù ngục, khai trừ và lưu đày.

Solzhenitsyn là một giáo viên vô danh, ở tuổi trung niên, chưa in sách, dạy trung học môn khoa học trong một thị trấn tỉnh lẻ ở Nga khi ông nổi bật lên sân khấu văn học năm 1962 với cuốn Một ngày trong đời Ivan Denisovich. Cuốn tiểu thuyết phá vỡ khuôn mòn về một người tù đã gây xúc động mạnh. Bỗng nhiên ông được so sánh với những người khổng lồ trong văn học Nga như Tolstoy, Dostoyevski và Chekhov.

Trong 5 thập niên kế tiếp, danh tiếng Solzhenitsyn lan khắp thế giới khi ông dùng kinh nghiệm bản thân về sự câu thúc chuyên chế để viết những bộ tiểu thuyết gây xúc động như Vòng đầuKhu ung thư và các tác phẩm lịch sử như Quần đảo Gulag.

Gulag là câu chuyện đồ sộ về hệ thống trại tù khổ sai Xô-viết, một chuỗi nhà tù theo ước tính của Solzhenitsyn đã nhốt khoảng 60 triệu người trong thế kỷ 20. Cuốn sách khiến ông bị trục xuất khỏi đất nước của mình. George F. Kennan, nhà ngoại giao Hoa Kỳ, mô tả nó là “bản cáo trạng đơn độc và mạnh mẽ nhất về một chế độ chính trị không đâu sánh bằng trong thời hiện đại”.

Solzhenitsyn là người thừa kế truyền thống văn học Nga quan tâm đến vấn đề đạo đức và thường mang tính tiên tri, và ông cũng mang dáng vẻ của những người đại diện cho truyền thống này. Với nét mặt nghiêm khắc, trán cao và đầy, bộ râu thời Cựu ước, ông vừa làm người ta nhớ tới Tolstoy, vừa có vẻ như một Jeremiah thời hiện đại, tố cáo quỉ dữ ở điện Cẩm Linh và về sau là những tập tục của phương Tây. Ông trở về Nga và phàn nàn về sự suy thoái tinh thần của đất nước, nhưng vào những năm cuối đời ông ủng hộ Tổng thống Vladimir V. Putin như một người phục hồi lại sự vĩ đại của Nga.

Trong gần nửa thế kỷ, hơn 30 triệu ấn bản tác phẩm của ông đã được bán khắp thế giới và dịch sang khoảng 40 thứ tiếng. Năm 1970 ông được trao giải Nobel Văn học.

Thành công đầu tiên của Solzhenitsyn là nhờ quyết định của Khrushchev cho phép in Ivan Denisovich trên một tạp chí phổ thông. Khrushchev tin rằng xuất bản nó sẽ thúc đẩy đường lối cấp tiến mà ông đã cổ xúy sau bài diễn văn bí mật của ông năm 1956 về tội ác của Stalin.

Nhưng ngay sau khi tác phẩm xuất hiện, Khrushchev bị phe bảo thủ thay thế, và họ mở chiến dịch bịt miệng tác giả. Họ ngưng xuất bản các tác phẩm mới của ông, tố cáo ông là phản quốc và tịch thu các bản thảo của ông.


Một người khổng lồ và một nạn nhân

Bàn tay sắt của họ không kiểm soát được ảnh hưởng của Solzhenitsyn. Khi ấy tác phẩm của ông đã xuất hiện bên ngoài Liên bang Xô-viết, bằng nhiều ngôn ngữ, và ông được so sánh không những với các bậc khổng lồ về văn học Nga mà cả với các tác giả nạn nhân của Stalin như Anna Akhmatova, Osip Mandelstam và Boris Pasternak.

Ở trong nước, điện Cẩm Linh tăng cường vận động bằng cách trục xuất Solzhenitsyn khỏi Hội Nhà văn. Ông phản kháng. Ông thành công bằng cách cho các bản chụp vi phim những tác phẩm bị cấm của ông đưa lậu ra khỏi Liên bang Xô-viết. Ông gửi thỉnh nguyện thư tới các tổ chức chính quyền, viết thư ngỏ, tập hợp sự ủng hộ của bạn bè và giới nghệ sĩ, và liên lạc với người ở nước ngoài. Họ biến cuộc đấu tranh của ông thành một trong những vụ nổi tiếng nhất của thời Chiến tranh Lạnh.

Hàng trăm trí thức lừng danh ký thỉnh nguyện thư chống lại việc im tiếng ông; tên của các nhân vật khuynh tả như Jean-Paul Sartre mang một sức nặng lớn đối với Moscow. Những người ủng hộ khác gồm Graham Greene, Muriel Spark, W. H. Auden, Günter Grass, Heinrich Böll, Yukio Mishima, Carlos Fuentes, và ở Mỹ là Arthur Miller, John Updike, Truman Capote và Kurt Vonnegut. Tất cả chung sức kêu gọi một cuộc tẩy chay văn hoá trên toàn thế giới đối với Liên bang Xô-viết.

Vị trí của ông được xác lập khi ông được trao giải Nobel Văn học năm 1970 mặc dù Moscow phản đối. Những người xét giải Nobel nói ông là “sức mạnh đạo đức qua đó ông đã theo đuổi truyền thống không thể thiếu của văn học Nga”.

Solzhenitsyn không dám đi Stockholm nhận giải vì sợ nhà cầm quyền Xô-viết sẽ ngăn ông trở về. Nhưng diễn văn nhận giải của ông được lưu truyền rộng rãi. Ông nhớ lại một thời “giữa lúc kiệt sức chuyển trại tù, người tù đi thành một hàng trong nét ảm đạm của những buổi tối lạnh cắt, với hàng dãy ngọn đèn trại le lói qua bóng đêm, chúng tôi thường cảm thấy lồng ngực trào dâng điều chúng tôi muốn thét lên tới toàn thế giới – nếu toàn thế giới có thể nghe chúng tôi”.

Ông viết rằng trong khi một người bình thường có trách nhiệm “không tham dự vào điều dối trá”, nghệ sĩ có những trách nhiệm lớn hơn. “Nhà văn và nghệ sĩ có khả năng làm nhiều hơn: đánh bại sự dối trá!”

Lúc đó Solzhenitsyn đã hoàn tất nỗ lực khổng lồ của ông về sự chân thật, đó là Quần đảo Gulag. Trong hơn 300.000 chữ, ông kể lại lịch sử các trại tù Gulag, cách điều hành và nguồn căn và ngay cả sự hiện hữu của nó là vấn đề bị coi là cấm kỵ từ lâu.

Các nhà xuất bản ở Paris và New York bí mật nhận bản thảo bằng vi phim. Nhưng vì muốn cuốn sách xuất hiện trước tiên ở Liên bang Xô-viết, Solzhenitsyn yêu cầu họ hoãn xuất bản lại. Rồi đến tháng Chín 1973, ông đổi ý. Ông biết cơ quan gián điệp Xô-viết KGB đã đào được một bản sao cuốn sách chôn giấu sau khi thẩm vấn người đánh máy của ông là Elizaveta Voronyanskaya, và không lâu sau bà treo cổ tự tử.

Ông tiếp tục tấn công. Với sự đồng ý của ông, cuốn sách được xuất bản nhanh chóng ở Paris, bằng tiếng Nga, ngay sau Giáng sinh. Chính quyền Xô-viết phản công bằng một loạt bài viết, kể cả một bài trên tờ Pravda, tờ báo của nhà nước, với hàng tít “Con đường của kẻ phản quốc”. Ông và gia đình bị theo dõi, và ông nhận những lời đe doạ giết chết.

Ngày 12 tháng Hai năm 1974, ông bị bắt. Hôm sau, ông được biết là ông bị tước quyền công dân và trục xuất. Khi bị bắt, ông đã cẩn thận mang theo một cái mũ mòn xơ xác và một áo khoác da cừu tồi tàn mà ông đã giữ từ những năm lưu đày. Ông mặc áo và đội mũ khi ông bị đưa lên chiếc Aeroflot đi Frankfurt.

Solzhenitsyn được tiểu thuyết gia Đức là Heinrich Böll chào đón. Sáu tuần sau khi bị trục xuất, Solzhenitsyn gặp lại vợ là Natalia Svetlova và ba người con trai của họ. Bà đã đóng một vai trò đáng kể trong việc sắp xếp các ghi chép và chuyển đi bản thảo của ông. Sau một thời gian ngắn ở Thụy Sĩ, gia đình dọn sang Hoa Kỳ, định cư ở làng Cavendish, tiểu bang Vermont.

Ông sống hầu như ẩn dật ở đó suốt 18 năm, láng giềng giúp ông tránh những người hiếu kỳ bằng cách dựng tấm bảng “Không có chỉ dẫn tới nhà Solzhenitsyn”. Ông tiếp tục viết và suy nghĩ rất nhiều về Nga và chẳng để ý gì tới môi trường mới của mình, ông chắc chắn sẽ có ngày ông trở về quê hương.

Những lần hiếm hoi xuất hiện trước công chúng của ông có thể trở thành lời than van làm phách. Trong bài diễn văn ở buổi ra trường của Harvard năm 1978, ông gọi đất nước mà ông trú ngụ là yếu đuối về tinh thần và sa lầy vào chủ nghĩa vật chất đồi trụy. Nói bằng tiếng Nga qua người thông dịch, ông bảo người Mỹ hèn nhát. Ông nói chẳng mấy ai muốn chết cho lý tưởng của họ. Ông lên án cả chính phủ Mỹ lẫn xã hội Mỹ về việc đầu hàng “vội vã” ở Việt Nam. Và ông chỉ trích nhạc của Mỹ là chịu không nổi và tấn công nền báo chí tự do của Mỹ, cáo buộc nó vi phạm tới đời sống riêng.

Nhiều người phương Tây không biết ông là như thế nào. Ông được xem là nhà văn lớn và là vị anh hùng thách thức nhà cầm quyền Nga. Nhưng dường như ông cũng muốn đả kích tất cả mọi người – các nhà dân chủ, những người chủ trương thế tục, các nhà tư bản, cấp tiến và người tiêu thụ.

David Remnick, biên tập viên The New Yorker, đã viết rất nhiều về Liên bang Xô-viết và viếng thăm Solzhenitsyn, Remnick viết năm 2001: “Về ảnh hưởng của ông đối với lịch sử, Solzhenitsyn là nhà văn có ưu thế vượt trội trong thế kỷ 20. So sánh với ai? Orwell? Koestler? Nhưng bây giờ khi tên ông xuất hiện thì thường chẳng khác gì một kẻ quái dị, một người theo chủ nghĩa quân chủ, một kẻ bài Do Thái, một kẻ gàn dở, một thứ đã qua”.

Trong thập niên 1970, Bộ trưởng Ngoại giao Henry A. Kissinger cảnh báo Tổng thống Gerald R. Ford tránh gặp Solzhenitsyn. Kissinger viết trong một hồi ký: “Solzhenitsyn là một nhà văn trứ danh, nhưng quan điểm chính trị của ông ta gây ra lúng túng ngay cả đối với những người bạn cùng chống đối với ông. Một cuộc gặp gỡ tổng thống không những làm cho Xô-viết khó chịu, mà còn nêu lên một số tranh cãi về quan điểm của Solzhenitsyn đối với Hoa Kỳ và các đồng minh”. Ford nghe theo lời khuyên.

Nhà văn Susan Sontag nhớ lại một buổi nói chuyện về Solzhenitsyn giữa bà và Joseph Brodsky, nhà thơ Nga buộc phải sống lưu đày như Solzhenitsyn và cũng nhận giải Nobel. Bà nói: “Chúng tôi cười và đồng ý với nhau về cái nhìn của Solzhenitsyn đối với nước Mỹ, lời chỉ trích báo chí của ông, và tất cả mọi thứ đều sai thậm tệ, vân vân và vân vân. Rồi Joseph nói: ‘Nhưng bà biết đấy, Susan, mọi thứ Solzhenitsyn nói về Liên bang Xô-viết là đúng. Thật đấy, mọi con số – 60 triệu nạn nhân – là đúng cả’”.


Ivan Denisovich

Mùa thu 1961, Aleksandr Solzhenitsyn là giáo viên trung học 43 tuổi, dạy môn vật lý và thiên văn ở Ryazan, một thị trấn cách Moscow khoảng 70 dặm về phía nam. Ông sống ở đó từ 1956, khi bản án lưu đày vĩnh viễn tới vùng bụi bặm Kazakhstan được tạm ngưng. Ngoài nhiệm vụ dạy học, ông viết đi viết lại những chuyện ông đã thai nghén hồi bị nhốt trong các nhà tù và trại lao động từ năm 1944.

Một truyện vừa, tiểu thuyết ngắn, Một ngày trong đời Ivan Denisovich kể về một ngày trong trại tù băng giá, viết dưới giọng của người tù thợ nề tên Ivan Denisovich Shukov. Giọng văn không đa cảm, ông kể lại những thử thách và đau khổ của nông dân, “zek” theo cách người ta gọi tù nhân, họ sẵn lòng chịu hình phạt và đau đớn nếu họ tìm thấy một mối lợi mơ hồ nhỏ nhặt nào đó như nán thêm vài phút trước ngọn lửa chẳng hạn. Ông cũng tiết lộ những năng khiếu sống còn của họ, lòng trung thành đối với tổ lao động của họ và niềm hãnh diện của họ.

Ngày chấm dứt với người tù trên giường. Solzhenitsyn viết: “Shukov cảm thấy hài lòng với đời mình lúc anh đi ngủ”. Ngoài những thứ khác, Shukov hài lòng vì anh không bị tống vào xà lim biệt giam, tổ của anh đã tránh bị giao việc trong một chỗ không tránh nổi gió buốt, và anh đã ăn cắp được thêm một phần cháo, và có thể mua ít thuốc lá từ một người tù khác.

“Hết một ngày không mây. Gần như một ngày hạnh phúc,” Solzhenitsyn viết thêm: “Chỉ là một trong 3653 ngày của bản án, từ tiếng kẻng này tới tiếng kẻng khác. Ba ngày dôi ra là vì mấy năm nhuận”.

Câu chuyện được Solzhenitsyn đánh máy dòng một, dùng cả hai mặt để tiết kiệm giấy. Ông gửi một bản tới Lev Kopelev, một nhà trí thức mà ông đã ở chung xà lim 16 năm trước. Kopelev về sau trở thành một người chống đối nổi tiếng, ông thấy dưới chính sách cởi mở của Khrushchev có thể xuất bản câu chuyện trên tờ Novy Mir (Thế giới Nới), tờ tạp chí có uy tín nhất của cái-gọi-là giới tạp chí văn hoá và văn học năng ký của Liên bang Xô-viết. Kopelev và đồng nghiệp ông tránh đưa bản thảo cho các nhà biên tập bên dưới, họ có thể bị ngăn xuất bản, và mang tới Aleksandr Tvardovsky, biên tập viên và thành viên Bộ Chính trị ủng hộ Khrushchev.

Khi đọc bản thảo, Tvardovsky gọi Solzhenitsyn từ Ryazan tới. Ông bảo: “Anh đã viết một truyện tuyệt diệu. Anh chỉ tả một ngày, nhưng đã nói được mọi thứ cần nói về nhà tù”. Ông ví câu chuyện với những truyện đạo đức của Tolstoy. Các biên tập viên khác so sánh nó với Căn nhà của người chết của Dostoyevski, trong đó tác giả đã dựa vào kinh nghiệm tù đày của chính mình vào thời Nga hoàng. Tvardovsky đề nghị ký hợp đồng với Solzhenitsyn trị giá gấp đôi lương hàng năm của nghề giáo, nhưng ông báo trước là chưa chắc có thể xuất bản hay không.

Cuối cùng Tvardovsky có thể đưa cho Khrushchev đọc Một ngày trong đời. Khrushchev rất thích, và vào giữa tháng Mười 1962, đoàn chủ tịch Bộ Chính trị đặt vấn đề có nên cho phép xuất bản không. Đoàn chủ tịch cuối cùng đồng ý, và trong cuốn tiểu sử Solzhenitsyn (nxb Norton, 1985), Michael Scammell viết, Khrushchev bảo vệ cho quyết định này và người ta kể là ông đã tuyên bố: “Trong các ông đều có một người theo Stalin; trong tôi cũng có một người theo Stalin. Chúng ta phải nhổ tận rễ con quỉ này”.

Cuốn tiểu thuyết ra mắt trên Novy Mir hồi đầu năm 1963. Nhà phê bình Kornei Chukovsky tuyên bố tác phẩm là “một phép lạ văn học”. Grigori Baklanov, tiểu thuyết gia và nhà văn đáng kính về Thế chiến thứ Hai, tuyên bố câu chuyện là một trong những sáng tạo hiếm hoi mà sau đó “người ta khó có thể tiếp tục viết như cũ”.

Novy Mir cho tăng số phát hành và bán hết. Một ấn bản sách và một bản in trên tờ báo rẻ tiền cũng biến mất trên kệ.

Solzhenitsyn không phải là người đầu tiên viết về trại tù. Đầu năm 1951, Gustav Herling, người Ba Lan, đã công bố Một thế giới xa cách (A World Apart), viết về ba năm ông sống trong trại lao động ở White Sea. Một số nhà văn Xô-viết đã đánh máy kể kinh nghiệm của bản thân, những trang giấy này và bản sao giấy than của nó được bí mật truyền tay người đọc trong nỗ lực tự xuất bản gọi là zamizdat. Với con số hàng triệu người bị cưỡng bức vào gulag, ít gia đình nào không biết về kinh nghiệm lao tù của thân quyến và bạn bè. Nhưng ít người đọc được những truyện kể này. Một ngày trong đời thay đổi điều đó.

Mikhail S. Gorbachev, chủ tịch cuối cùng của Xô-viết, hôm thứ Hai nói rằng Solzhenitsyn là “một người có chuyện đời đặc thù, tên ông sẽ tồn tại mãi trong lịch sử Nga”.

Gorbachev nói trong một cuộc phỏng vấn với cơ quan thông tấn Interfax: “Bản án nghiêm khắc xảy đến với Solzhenitsyn, như đã xảy đến với hàng triệu người khác trong đất nước này. Ông thuộc những người đầu tiên nói về sự dã man của chế độ Stalin, và về những người đã trải qua nó nhưng không bị nghiền nát”.

Gorbachev nói các tác phẩm của Solzhenitsyn “thay đổi suy nghĩ của hàng triệu người, khiến họ nghĩ lại quá khứ và hiện tại của họ”.


Sinh ra với Liên bang Xô-viết

Aleksandr Isayevich Solzhenitsyn sinh tại thị trấn nước khoáng Kislovodsk vùng Caucasus ngày 11 tháng Chạp năm 1918, một năm sau khi Liên bang Xô-viết nổi lên từ cuộc cách mạng. Cha ông, Isaaki, là sĩ quan pháo binh Nga trên mặt trận Đức và được giáo sĩ của lữ đoàn làm đám cưới với Taissa Shcherback. Không lâu sau khi giải ngũ và sáu tháng trước khi con trai ra đời, ông bị chết trong một tai nạn săn bắn. Người goá phụ trẻ mang đứa con tới Rostov-on-Don, bà nuôi con trong khi làm nghề đánh máy chữ và viết tốc ký. Theo lời kể của Solzhenitsyn, ông và mẹ sống trong một căn chòi đổ nát. Dù vậy, lý lịch giai cấp của bà – bà là con gái một địa chủ Ukrain – bị coi là đáng nghi, cũng như kiến thức Anh và Pháp ngữ của bà. Solzhenitsyn nhớ bà chôn ba tấm huy chương thời chiến của cha vì chúng có thể biểu thị niềm tin phản động.

Ông ngoan đạo. Khi còn nhỏ, đám con trai lớn hơn có lần giật cây thánh giá khỏi cổ ông. Tuy nhiên, năm 12 tuổi, mặc dù người cộng sản từ bỏ tôn giáo, ông gia nhập Thiếu niên Tiền phong và về sau trở thành đoàn viên Komsomol, tổ chức thanh niên cộng sản.

Ông là học sinh giỏi có năng khiếu toán, mặc dù từ thời niên thiếu ông đã tưởng tượng trở thành nhà văn. Năm 1941, vài ngày trước khi Đức tấn công Nga để mở rộng Thế chiến thứ Hai vào lãnh thổ Xô-viết, ông tốt nghiệp Đại học Rostov với bằng vật lý và toán. Một năm trước ông đã cưới Natalia Reshetovskaya làm việc trong ngành hoá học. Khi chiến tranh bùng nổ, ông gia nhập quân đội và được chỉ định trông coi bầy ngựa và xe tải trước khi được chuyển qua trường pháo binh. Ông chiến đấu ba năm, chỉ huy một đội trinh sát.

Tháng Hai 1945, chiến tranh ở châu Âu sắp chấm dứt, ông bị cơ quan gián điệp Xô-viết là Smersh bắt trên mặt trận Đông Phổ. Chứng cớ tìm thấy trong một lá thư gửi cho bạn học trong đó ông nhắc tới Stalin – giới thẩm quyền nói là một cách bất kính – “ông có râu mép”. Mặc dù là người cộng sản trung thành, ông lãnh án tám năm trong một trại lao động. Đây là bước chân của ông vào mạng lưới khổng lồ của cơ quan trừng giới, về sau ông đặt tên là Quần đảo Gulag, theo chữ tiếng Nga viết tắt để nói về Cơ quan tổng quản trại.

Chuyến đi trừng giới của ông bắt đầu bằng những lần ngồi tù trong hai nhà giam ở Moscow. Rồi ông được chuyển qua một trại kế bên, nơi đó ông khiêng gỗ, rồi tới một trại khác gọi là Tân Jerusalem, ở đó ông đào đất sét. Từ đó ông bị đưa tới một trại tên là Cổng Kaluga, ở đó ông bị khủng hoảng tinh thần sau khi trả lời nước đôi theo yêu cầu của cai ngục là phải báo cáo các bạn tù. Mặc dù không hề báo cáo, ông xem chín tháng ở đó là điểm suy sụp của đời mình.

Sau khi ở một thời gian ngắn trong vài trại khác, Solzhenitsyn được đưa về Trại tù đặc biệt số 16 ở ngoại ô Moscow ngày 9 tháng 7 năm 1947. Đây là một sharashka, một trụ sở cho tù nhân gồm các khoa học gia có trình độ cao và những người bị cưỡng bách lao động liên quan đến nghiên cứu khoa học cao cấp. Ông bị nhốt ở đó vì năng khiếu toán của mình, ông cho rằng nhờ nó mà cứu mạng ông. “Đáng lẽ tôi không thể sống sót tám năm trong trại nếu tôi không là một nhà toán học được giao về sharashka ở ba năm”. Kinh nghiệm của ông ở Số 15 là nền tảng cho cuốn tiểu thuyết “Vòng đầu”, tới năm 1968 mới được xuất bản ở ngoài Liên bang Xô-viết. Khi bị giam ở viện nghiên cứu, ông quen thân với Kopelev và một bạn tù khác, Dmitry Panin, về sau họ trở thành khuôn mẫu cho các nhân vật chính trong Vòng đầu.

Được tự do tương đối trong viện, ba người gặp nhau mỗi đêm để bàn thảo tri thức và tranh luận. Trong ngày, Solzhenitsyn được chỉ định làm việc với một dự án nhận giọng điện tử có những ứng dụng về thông tin mật. Lúc nhàn rỗi, ông bắt đầu viết cho mình những bài thơ, phác hoạ và soạn thảo nét chính cho sách.

Ông cũng có khuynh hướng nói thẳng, và cái tính này chẳng bao lâu làm hại ông. Sau khi tỏ ra khinh bỉ sản phẩm khoa học của viên đại tá lãnh đạo viện, Solzhenitsyn bị đày đi trại trừng giới hoang vắng Ekibastuz ở Kazakhstan. Nó trở thành cảm hứng cho Một ngày trong đời Ivan Denisovich.

Ở Ekibastuz, viết lách bị tịch thu như đồ lậu. Ông sáng chế ra một phương pháp cho phép ông giữ lại ngay cả những đoạn văn dài. Sau khi thấy các người tù gốc Lithuania Công giáo làm tràng hạt bằng bánh mì nhai nát, ông nhờ họ làm một chuỗi tương tự cho ông, nhưng nhiều hạt hơn. Trong tay ông, mỗi hạt đại diện cho một đoạn mà ông sẽ tự lặp lại tới khi có thể đọc nó mà không ngập ngừng. Khi đó ông sẽ lần sang hạt kế tiếp. Về sau ông viết rằng tới cuối hạn tù, ông đã nhớ được 12.000 câu bằng cách này.


Lưu đày vĩnh viễn

Ngày 9 tháng Hai năm 1953, hạn tù của ông chính thức chấm dứt. Ngày 6 tháng Ba, ông bị đưa đi xa hơn về hướng đông, tới Kok-Terek, một khu định cư sa mạc, đúng lúc để nghe thông báo về cái chết của Stalin trên loa phóng thanh trong quảng trường làng. Solzhenitsyn được lệnh “lưu đày vĩnh viễn” tại đây.

Ông dạy trong một trường học địa phương và bí mật làm thơ, viết kịch và phác thảo mà không có hy vọng được xuất bản. Ông cũng bắt đầu thư từ với người vợ cũ đã ly dị ông hồi ông bị giam. Ông bị chứng đau bao tử, và khi có thể khám ở bệnh viện vùng, bác sĩ thấy một bướu ung thư lớn.

Đời ông như một kẻ cùng khổ bị giam cầm vật lộn với bệnh tật được đưa vào cuốn tiểu thuyết Khu ung thư, cũng được xuất hiện lần đầu tiên bên ngoài Liên bang Xô-viết năm 1969. Cuối cùng ông xoay xở tới bệnh viện ung thư trong thành phố Tashkent và về sau tả nỗi tuyệt vọng của mình trong truyện ngắn “The Right Hand”.

Ông viết: “Tôi giống như người bệnh chung quanh mình, nhưng tôi lại khác. Tôi có ít quyền hơn họ và bị bắt phải im lặng hơn. Người ta đến thăm họ, và mối quan tâm của họ, mục đích trong đời họ là khỏi bệnh. Nhưng nếu tôi khỏi bệnh thì hầu như vô ích: tôi 35 tuổi, nhưng mùa xuân năm đó, không có ai trên thế giới này tôi có thể gọi là của mình được. Tôi không có cả một tờ thông hành, và nếu khỏi bệnh, tôi phải rời vùng đất xanh tươi, màu mỡ này và trở lại sa mạc của mình, nơi tôi bị lưu đày ‘vĩnh viễn’. Ở đó tôi bị theo dõi công khai, báo cáo mỗi hai tuần, và trong một thời gian dài cảnh sát địa phương thậm chí không cho phép tôi, một kẻ hấp hối, đi điều trị”.

Sau khi được điều trị và quay sang thuốc dân tộc, Solzhenitsyn phục hồi. Tháng Tư 1956, một bức thư báo cho ông rằng thời kỳ lưu đày của ông đã được hủy bỏ và ông được tự do di chuyển. Tháng Chạp, ông sống những ngày lễ với người vợ cũ, và tháng Hai 1957 hai người tái kết hôn. Rồi ông ở cùng bà tại Ryazan, nơi Natalia Reshetovskaya là trưởng phân khoa hoá của trường đại học nông nghiệp. Trong khi đó, toà án hủy bỏ bản án trước kia của ông và thấy ông vẫn là “nhà ái quốc Xô-viết”. Ông lại dạy học và viết văn, dùng cả chất liệu mới lẫn cũ, viết lại một số dòng ông đã có lần cất nhớ trong khi lần hạt.

Hai mươi hai tháng trôi qua từ khi xuất bản Ivan Denisovich, Khrushchev bị hạ bệ. Đầu giai đoạn đó, tạp chí Novy Mir có thể tiếp tục thành công ban đầu với Solzhenitsyn bằng cách xuất bản ba tiểu thuyết ngắn nữa của ông vào năm 1963. Đây là những tác phẩm cuối cùng của ông được phát hành hợp pháp trên quê hương cho tới khi Liên bang Xô-viết bắt đầu sụp đổ năm 1989.

Khi Leonid I. Brezhnev thay Khrushchev làm lãnh tụ đảng vào tháng Mười 1964, rõ ràng là Solzhenitsyn bị im tiếng. Tháng Năm 1967, trong thư ngỏ gửi Đại hội Hội Nhà văn Xô-viết, ông khuyến cáo các đại biểu “yêu cầu và bảo đảm bỏ mọi sự kiểm duyệt, công khai hay che đậy”.

Ông nói với họ rằng bản thảo Vòng đầuKhu ung thư đã bị tịch thu, trong ba năm ông và tác phẩm của ông bị chụp mũ qua một chiến dịch truyền thông có tổ chức, và ông bị cấm ngay cả việc đọc trước công chúng. Ông viết: “Vì thế tác phẩm của tôi rốt cuộc bị bóp nghẹt, bịt miệng và vu cáo”.

Ông viết thêm: “Không ai có thể ngăn chặn con đường tới sự thật, và để đẩy mục đích đó tiến tới tôi sẵn sàng chấp nhận ngay cả cái chết”.

Lá thư gây ra một trận chiến trong Hội Nhà văn và xa hơn tới giới trí thức và chính trị gia, đẩy những người ủng hộ Solzhenitsyn chống lại nhóm theo phe lãnh đạo cứng rắn của Đảng. Hai năm sau, ngày 4 tháng 11 năm 1969, chi nhánh nhỏ của Hội Nhà văn Xô-viết ở Ryazan bỏ phiếu năm chống một, ủng hộ việc cho Solzhenitsyn ra khỏi hội. Quyết định này châm ngòi cuộc tranh cãi xa hơn ở trong nước. Ở phương Tây, nó làm tăng thêm làn sóng chống Xô-viết đã bắt đầu từ năm 1968 khi quân đội Xô-viết xâm lăng Tiệp Khắc để đàn áp các cải cách cấp tiến trong mùa xuân Praha.

Xung đột gia tăng 11 tháng sau, khi có lời tuyên bố Solzhenitsyn đoạt giải Nobel Văn học. Báo chí Xô-viết phản ứng bằng những cáo buộc là giải thưởng bị “nhóm phản động chống Xô-viết” sắp đặt. Một tờ báo chế giễu tác giả là “loại nhà văn rẻ tiền”; một tờ khác nói rằng nhắc tên ông cùng với “những cha đẻ của kinh điển Nga và Xô-viết” là “một tội phạm thượng”.

Nhưng cũng có những người Nga muốn bảo vệ Solzhenitsyn. Nhạc công cello lỗi lạc Mstislav Rostropovich viết cho ban biên tập Pravda, Izvestia và các tờ báo hàng đầu khác ca tụng nhà văn. Rostropovich liều lĩnh mời Solzhenitsyn tới sống vài năm ở nhà nghỉ của ông gần Moscow, chịu thất sủng sau khi lá thư của ông được in ở nước ngoài.

Các tù nhân ở Trại lao động Potma còn chịu những hiểm nguy lớn hơn nữa. Họ lén lút chuyển ra những lời chúc mừng tới Solzhenitsyn, mô tả sự ngưỡng mộ đối với “tác phẩm sáng tạo can đảm, giữ vững nhân cách và vạch ra sự chà đạp linh hồn con người và hủy hoại các giá trị nhân bản”.


Đời sống riêng xáo trộn

Cùng lúc đó, cuộc sống riêng của Solzhenitsyn bị xáo trộn. Khi tin giải thưởng được loan ra, hôn nhân của ông tan vỡ. Hai năm trước ông gặp Natalia Svetlova, một nhà toán học tham gia việc đánh máy và lưu truyền sách báo samizdat, và họ quyến luyến nhau. Solzhenitsyn giải thích: “Cô ấy chỉ đi cùng tôi trong cuộc đấu tranh của tôi và chúng tôi sánh vai nhau”. Ông yêu cầu ly dị vợ, Natalia Reshetovskaya. Nhưng bà từ chối, và tiếp tục như thế trong mấy năm. Có lúc ngay sau khi ông đoạt giải, bà tự tử, và ông phải đưa vội bà vào bệnh viện để cứu sống.

Trong khi đó, Natalia Svetlova sinh Yermolai và Ignat, hai người con trai lớn của Solzhenitsyn. Cuối cùng, tháng Ba 1973, Natalia Reshetovskaya đồng ý ly dị. Không lâu sau, Solzhenitsyn và Natalia Svetlova làm lễ cưới tại nhà thờ Chính thống giáo gần Moscow.

Những cuộc đụng độ của ông với nhà nước càng tăng thêm. Trong khi nhà cầm quyền không cho ông xuất bản, ông cứ viết và phát biểu, gây ra những lời đe doạ qua thư và điện thoại. Ông ngủ với cây chĩa xúc rơm bên cạnh giường. Cuối cùng, sau nhiều cố gắng cô lập và đe doạ ông, mật vụ bắt ông, đưa ông ra phi trường và trục xuất ông. Solzhenitsyn tin rằng ông chỉ tạm ở Hoa Kỳ. Ông nói với BBC: “Một cách lạ lùng, không những tôi chỉ hy vọng mà trong thâm tâm còn tin rằng tôi sẽ trở về. Tôi sống với niềm tin đó. Tôi muốn nói tới bản thân tôi trở về, chứ không chỉ các cuốn sách của tôi. Và điều đó mâu thuẫn với tất cả mọi lý lẽ”.

Với mục đích đó, ông sống như người ở ẩn tại vùng nông thôn Vermont, ít chú ý tới chung quanh trong khi cứ viết về Nga, bằng tiếng Nga, cho độc giả người Nga.

Remnick viết năm 1994 sau khi thăm gia đình Solzhenitsyn ở Cavendish: “Ông viết, ăn, và ngủ, thế thôi. Đối với ông nhận một cú điện thoại là cả một biến cố; ông hiếm khi rời 50 mẫu đất của ông”. Khác với toàn bộ gia đình ông, ông không bao giờ trở thành công dân Mỹ.

Con ông – ba người con trai, Stepan sinh sáu tháng sau khi Solzhenitsyn bị trục xuất – học tại trường học địa phương, nhưng họ bắt đầu mỗi ngày bằng lời cầu nguyện giải phóng nước Nga bằng tiếng Nga, và mẹ họ dạy họ về nước Nga. Bà cũng trình bày trang sách và chọn mẫu chữ cho bộ tác phẩm 20 cuốn của chồng được YMCA Press in bằng tiếng Nga ở Paris. Và bà quản lý một quỹ giúp các tù nhân chính trị cùng gia đình họ. Solzhenitsyn tặng cho quỹ toàn bộ tiền nhuận bút cuốn Quần đảo Gulag, cho tới nay là tác phẩm bán chạy nhất của ông.

Riêng về tác giả, mỗi sáng ông ra nhà viết, một chái nhà mà gia đình Solzhenitsyn đã xây thêm trong khu đất. Ở đó ông dành hết thì giờ cho một bộ tiểu thuyết lịch sử khổng lồ hơn 5.000 trang dài bốn tập. Tác phẩm tên The Red Wheel, tập trung vào những hỗn loạn cách mạng sản sinh ra chủ nghĩa Bolshevik và sắp đặt sân khấu cho lịch sử Nga hiện đại. Tác phẩm được so sánh, ít nhất về mặt dàn trải và ý đồ, với Chiến tranh và Hoà bình của Tolstoy.

Solzhenitsyn bắt đầu viết tập một, Tháng Tám 1914, vào năm 1969, dù ông nói ông đã bắt đầu nghĩ về nó từ trước Thế chiến thứ Hai, khi ông là một sinh viên ở Rostov. Tháng Tám 1914 được lén lút đưa ra khỏi Liên bang Xô-viết và xuất bản ở Paris trước khi Solzhenitsyn bị trục xuất.

Ông tin rằng chuyện kể của ông đi ngược lại giáo điều Xô-viết về thời lập quốc, đả phá thần tượng giống như các tác phẩm trước của ông về gulag.

Ở Mỹ, Tháng Tám 1914 nằm vị trí số 2 trong số sách bán chạy nhất, nhưng các bộ sau, Tháng Mười Một 1916, Tháng Ba 1917Tháng Tư 1917, tất cả đều viết xong tại Cavendish, không được mua và đọc rộng rãi.

Solzhenitsyn thất vọng vì phản ứng của người Nga đối với The Red Wheel, ông cho nó là tác phẩm chính trong sự nghiệp sáng tạo của ông. Ông bày tỏ hy vọng sẽ có ngày nó đạt được tầm vóc quan trọng.


Lạc lõng ở Mỹ

Trong 18 năm Solzhenitsyn ở Vermont, ông không bao giờ có thiện cảm với người Mỹ ngoài các láng giềng của ông trong làng Cavendish. Buổi chiều trước khi về Nga năm 1994, ông nhận rằng ông lạc lõng. Ông kể với Remnick: “Thay vì ẩn dật ở đây và viết The Red Wheel, tôi nghĩ đáng lẽ tôi có thể dùng thời giờ để làm cho phương Tây yêu thích mình. Rắc rối duy nhất là [muốn như thế] tôi phải bỏ cách sống của mình và công việc của mình”.

Nhưng ngay cả khi ông bước ra ngoài Cavendish, như lần ông đọc diễn văn cho sinh viên tốt nghiệp Harvard năm 1978, lời chỉ trích của ông đối với chính trị Mỹ, tự do báo chí và tập tục xã hội làm nhiều người nghĩ là ông vô tình, kiêu căng và hợm hĩnh.

Có người mô tả ông là phản động, là một kẻ chủ trương Slavophile cứng nhắc, là nhà dân tộc chủ nghĩa Nga, một kẻ phi dân chủ và một người độc đoán. Olga Carlisle, nhà văn đã giúp đưa lén bản thảo Quần đảo Gulag ra khỏi Moscow nhưng không còn nói chuyện với Solzhenitsyn nữa, viết trên tạp chí Newsweek rằng bài diễn văn ở Harvard nhắm vào thính giả Nga chứ không phải Mỹ.

Carlisle nói: “Niềm tin của ông mọc rễ sâu trong tinh thần Nga, không được tôi luyện với ảnh hưởng văn minh của truyền thống dân chủ”. Czeslaw Milosz, người cũng nhận giải Nobel và nói chung là ngưỡng mộ Solzhenitsyn, viết: “Giống như quần chúng Nga, chúng ta có thể giả định ông cũng có khuynh hướng độc đoán mạnh”.

Solzhenitsyn trở về Nga vào ngày 27 tháng Năm 1994, trước tiên ông đáp xuống vùng đông bắc Siberia, ở Magadan, trung tâm Gulag thời trước. Khi đến nơi, ông cúi xuống chạm đất để tưởng nhớ các nạn nhân.

Ông bay tới Vladivostok, từ đây ông cùng gia đình bắt đầu cuộc hành trình hai tháng trên toa xe lửa riêng đi xuyên Nga, để xem đất nước hậu cộng sản của ông bây giờ ra sao. Đài BBC có mặt để quay phim và trả tiền toàn bộ chuyến đi.

Trong 17 trạm đầu, phán xét của ông đã rõ ràng. Quê hương ông, ông nói, đã bị “tra tấn, khủng bố, thay đổi tới mức không còn nhận ra”. Ông tiếp tục đi, gặp những đám đông nồng nhiệt, ký sách và gặp các chức sắc cũng như thường dân, ông càng buồn thêm. Và sau khi định cư trong một căn nhà mới ở ngoại ô Moscow, ông bắt đầu bi quan, phàn nàn về tội ác, tham nhũng, dịch vụ sút giảm, nền dân chủ chùn bước và những điều ông cảm thấy là nạn suy thoái tinh thần của nước Nga.

Ở Vermont, ông chưa bao giờ có thiện cảm với Gorbachev và chính sách cải cách perestroika của Gorbachev. Ông nghĩ nó là chiến thuật vớt vát cuối cùng của một lãnh tụ bảo vệ chế độ mà từ lâu Solzhenitsyn đã biết là sẽ diệt vong.

Trong một thời gian ông cảm phục Boris N. Yeltsin, lãnh tụ đầu tiên do dân bầu lên một cách tự do của Nga, nhưng rồi lại chống ông ta. Ông nói Yeltsin đã thất bại trong việc bảo vệ lợi ích của tộc người Nga, họ trở thành các nhóm thiểu số xa lạ dễ bị thiệt hại trong các nước mới độc lập vừa đột ngột tách khỏi Liên bang Xô-viết. Về sau, ông chỉ trích Vladimir V. Putin là phản dân chủ.

Ban đầu người Nga chào đón Solzhenitsyn với nhiều hy vọng. Buổi chiều trước khi ông về, một cuộc thăm dò ở St. Petersburg cho thấy ông được nhiều người chọn giữ chức tổng thống. Nhưng ông lập tức cho thấy rõ rằng ông không muốn giữ một vai trò chính trị trong xã hội Nga, và sự đón tiếp ông chẳng bao lâu trở nên lãnh đạm.

Ít người Nga đọc The Red Wheel. Cuốn sách bị xem là quá dài đối với độc giả trẻ.

Michael Specter, ký giả báo New York Times ở Moscow hồi đó, nhận xét “Giới trí thức hàng đầu ở đây cho rằng các diễn văn của ông trống rỗng, thời của ông đã qua và sứ mạng của ông không rõ”.

Những kẻ dân tộc chủ nghĩa đã có thời hy vọng ông chúc phúc, bị ông khước từ. Những nhà cải cách dân chủ muốn ông ủng hộ, họ bực tức vì bị ông xa lánh và chỉ trích. Những người cộng sản cũ vẫn chửi rủa ông như thuở nào.

Tháng Mười 1994, Solzhenitsyn đọc diễn văn ở Quốc hội Nga. Những lời than phiền và tố cáo của ông vẫn không giảm. Ông tuyên bố: “Đây không phải là một nền dân chủ, mà là một tập đoàn đầu sỏ chính trị. Do một nhóm nhỏ cai trị”. Ông nói một giờ, và khi ông nói xong chỉ có vài tiếng vỗ tay lác đác.

Solzhenitsyn bắt đầu xuất hiện trên truyền hình mỗi tuần hai lần, làm người dẫn trong chương trình “Gặp gỡ Solzhenitsyn” dài 15 phút. Phần lớn thời gian ông độc diễn tố cáo, khiến cho khách mời ít nói của ông chẳng có gì làm ngoại trừ ngồi ngó. Alessandra Stanley viết về chương trình này cho tờ Times, nói rằng Solzhenitsyn hoá ra là “một kết hợp của Charlie Rose và Moses”. Được ít người xem, chương trình bị dẹp sau một năm.

Đến đầu thế kỷ mới, Solzhenitsyn tiếp tục viết. Trong một cuốn sách năm 2001, ông đụng tới mối liên hệ giữa người Nga và Do Thái, một vấn đề nhiều nhà phê bình từ lâu cho rằng ông đã tránh né hay coi nhẹ trong tiểu thuyết của ông. Một số buộc tội ông bài Do Thái. Nhà phê bình văn học Irving Howe không đi xa đến thế, nhưng cho rằng trong Tháng Tám 1914 Solzhenitsyn gạt bỏ các mối quan tâm Do Thái và không viết đủ về các cuộc hành quyết và khủng bố dân Do Thái. Kẻ khác vạch ra rằng không tù nhân nào trong Ivan Denisovich được nhận dạng rõ rệt là Do Thái, và một người được gợi ý một cách mơ hồ là có gốc Do Thái lại là người được ưu đãi nhất và được bảo vệ tránh những khắc nghiệt nhất.

Remnick biện hộ cho Solzhenitsyn rằng ông “thật ra, không phải là người bài Do Thái; sách của ông không bài Do Thái, và ông không bài Do Thái trong các mối liên hệ cá nhân của ông; mẹ của Natalia là người Do Thái, và không ít bạn của ông cũng vậy”.

Trong những năm cuối đời, Solzhenitsyn tán thành “sự phục hồi” nước Nga dưới thời Putin, và ông bị một số nhóm phản đối là càng ngày càng theo dân tộc chủ nghĩa.

Trong buổi phỏng vấn năm ngoái với Der Spiegel, Solzhenitsyn nói cái nhìn của người Nga đối với phương Tây như “hiệp sĩ của nền dân chủ” đã bị đổ vỡ vì NATO dội bom Serbia, một biến cố mà ông gọi là “một cú vỡ mộng nghiêm trọng, một sự đè nát lý tưởng”. Ông gạt bỏ các nỗ lực xây dựng dân chủ Tây phương, nói với tờ Times ở London năm 2005 rằng dân chủ “không đáng một đồng xu nếu nó được dựng lên bằng lưỡi lê”.

Năm 2007, ông nhận Giải thưởng Nhà nước từ tay Tổng thống Putin – sau khi từ chối, trên nguyên tắc, các giải thưởng tương tự từ Gorbachev và Yeltsin. Ông nói trong buổi phỏng vấn của Der Spiegel rằng Putin “thừa hưởng một đất nước bị cướp bóc và ngơ ngác, với một dân tộc nghèo khó và mất tinh thần. Và ông ta bắt đầu làm điều có thể làm – một cuộc phục hồi chậm và từng bước”.


Bản tiếng Việt © 2008 talawas
Nguồn: Michael T. Kaufman, “Solzhenitsyn, Literary Giant Who Defied Soviets, Dies at 89”, The New York Times, 4 tháng Tám 2008.