trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 325 bài
  1 - 20 / 325 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
2.9.2008
F. A. Hayek
Chủ nghĩa xã hội và khoa học
Đinh Tuấn Minh dịch
 
Tóm tắt của dịch giả: Thuyết phục những người theo chủ nghĩa xã hội (CNXH) rằng dự án kinh tế - chính trị của họ là sai lầm thực sự là một công việc khó khăn. Vấn đề ở đây không phải nằm ở chỗ những người theo chủ nghĩa tự do cá nhân không thể đưa ra được những lý giải khoa học xác đáng mà lại nằm ở chỗ những người theo CNXH không muốn nghe những lý giải đó bởi vì họ tin rằng họ có những hệ giá trị khác. Trong bài luận này Hayek chỉ ra rằng thực ra tất cả chúng ta, bất kể thuộc phe phái nào, đều chia sẻ những niềm tin cơ bản, cụ thể là (i) niềm tin vào trách nhiệm cá nhân và (ii) niềm tin vào việc duy trì một trật tự hoà bình dựa trên một số các qui tắc trừu tượng để các cá nhân trao đổi được với nhau. Nếu những người theo CNXH cũng đồng ý như vậy, thì dự án xây dựng CNXH, dù là theo kiểu hoạch định tập trung hay theo kiểu chính phủ can thiệp vào thị trường vì lợi ích của của một giai cấp nào đó, không tránh khỏi việc dẫn đến những hậu quả tồi tệ. Sau những lập luận ngắn gọn và sâu sắc của mình, Hayek kết luận: “Về mặt đạo đức, CNXH không thể tạo dựng mà chỉ phá hủy nền tảng của tất cả các giá trị đạo đức: tự do và trách nhiệm cá nhân. Về mặt chính trị, nó sớm hay muộn dẫn tới chính phủ toàn trị. Về mặt vật chất, nó sẽ làm tổn hại đáng kể quá trình tạo ra của cải, nếu không muốn nói, nó là nguyên nhân dẫn đến đói nghèo trên thực tế”.
I.

Chủ nghĩa xã hội (CNXH) có quan hệ với khoa học trên nhiều khía cạnh. Có lẽ, mối quan hệ nhạt nhẽo nhất hiện nay là mối quan hệ mà chủ nghĩa Marx bám rễ vào tấm biển "chủ nghĩa xã hội khoa học". Theo học thuyết này chủ nghĩa tư bản (CNTB) chắc chắn sẽ phát triển thành CNXH xuất phát từ [mâu thuẫn] trong lòng của nó và nằm ngoài tác động chủ quan của con người. Điều này có thể vẫn quyến rũ một số tín đồ mới, nhưng hầu hết những người có đầu óc sáng suốt thuộc các trường phái khác nhau đã không còn quan tâm tới nó. Bề ngoài, những người theo CNXH trông cứ như thể họ tin rằng việc chuyển tiếp từ CNTB sang CNXH sẽ xảy ra nhờ qui luật tất yếu của sự tiến hoá xã hội. Nhưng họ dĩ nhiên không hành động theo thứ niềm tin đó. Hiện nay có rất ít người còn tin vào sự tồn tại của bất kỳ "qui luật lịch sử" nào.

Dĩ nhiên, kinh nghiệm thực tiễn đã bác bỏ các dự đoán của Marx về sự phát triển của CNTB nói riêng.

Khía cạnh quan hệ tiếp theo là thiên hướng của các bộ óc được đào tạo trong các ngành khoa học tự nhiên, cũng như của các kỹ sư, những người ưa thích kiểu hình thành trật tự một cách có chủ ý hơn là trật tự được phát triển một cách tự phát; đây là một lối suy nghĩ dễ được chấp nhận và phổ biến, và nó thường thu hút các trí thức vào các chương trình hành động theo đường lối CNXH. Đây là một hiện tượng quan trọng, xuất hiện rộng rãi, và ảnh hưởng đáng kể tới sự phát triển tư duy chính trị. Tuy thế, tôi đã nhiều lần bàn đến ý nghĩa của những lối suy nghĩ này. Tôi gọi lối suy nghĩ theo kiểu của các nhà khoa học tự nhiên đối với vấn đề xã hội là "chủ nghĩa duy khoa học" (scientism) và theo kiểu của các kỹ sư là "chủ nghĩa kiến dựng” (constructivism). Ở đây, tôi không cần thiết phải lật lại những vấn đề đó nữa. [1]


II.

Thay vì vậy, điều mà tôi muốn trình bày ngày hôm nay là thủ đoạn độc chiêu được đa số những người theo CNXH sử dụng để bảo vệ các học thuyết của họ chống lại những phê phán khoa học. Họ cho rằng những khác biệt giữa các học thuyết của họ và các học thuyết của các đối thủ thuộc về bản chất, và do vậy các phản bác khoa học là không có giá trị. Trên thực tế, họ thường thành công trong việc tạo ra cảm tưởng rằng mọi vận dụng khoa học để chỉ trích các đề cương theo CNXH đều ipso facto [từ định nghĩa – ND] mang thiên kiến chính trị vì là sự khác biệt giữa các học thuyết của họ và của những đối thủ của họ hoàn toàn bắt nguồn từ sự khác biệt về các chuẩn mực giá trị – điều cấm kị trong các nguyên tắc làm khoa học –, và vì thế, thậm chí sẽ là khiếm nhã nếu mang chúng ra tranh luận khoa học.

Hai trải nghiệm sau đây khiến tôi không còn kiên nhẫn thêm được nữa với những luận điệu này. Trải nghiệm thứ nhất mà tôi tin là không chỉ xảy ra với riêng tôi. Bản thân tôi cũng như đa số những nhà kinh tế học đương thời theo chủ nghĩa tự do cá nhân đều đã đến với kinh tế học khởi nguồn từ niềm tin ít nhiều vào CNXH, hoặc ít nhất là bất mãn với xã hội hiện tại, khi còn trai trẻ. Nhưng chính việc nghiên cứu kinh tế đã khiến chúng tôi trở thành những người chống CNXH quyết liệt nhất. Trải nghiệm thứ hai là: những khác biệt không thể dung hoà giữa tôi và các nhà kinh tế học theo CNXH về các vấn đề cụ thể liên quan đến các chính sách xã hội rốt cục lại không phải là những khác biệt về giá trị mà là những khác biệt về mức độ tác động đối với xã hội của những chính sách cụ thể.

Đúng là trong các cuộc tranh luận đó chúng tôi thường kết thúc với những khác biệt về cường độ ảnh hưởng mà các chính sách khác nhau gây ra. Đối với vấn đề này, cả hai phái thường phải trung thực thừa nhận rằng họ đều không có được lập luận thuyết phục hoàn toàn. Có lẽ tôi cũng phải thừa nhận rằng xác tín của tôi vào sự ủng hộ của đại chúng đối với lập trường của tôi mạnh mẽ ngang bằng với của những đối thủ của tôi đối với lập trường của họ.


III.

Mặc dù vậy, khi khảo sát lịch sử các kết quả nghiên cứu khoa học ứng dụng về các đề cương của những người theo CNXH, chúng ta tìm thấy vô số bằng chứng rõ ràng rằng không chỉ các phương pháp được những người theo CNXH cổ xuý không thể nào đem đến được cái mà họ hứa hẹn mà ngay cả những giá trị khác nhau mà họ muốn hướng tới thông qua bất kỳ một cách thức khả dĩ nào đó cũng không thể nào đồng thời thành hiện thực được cùng một lúc, bởi vì những giá trị đó mâu thuẫn lẫn nhau.

Tôi sẽ bắt đầu bằng cách xem xét vấn đề thứ hai vì có vẻ nó thú vị hơn ở thời điểm hiện tại của cuộc bàn luận; Việc làm sáng tỏ nó có tác dụng xoá tan một số nhầm lẫn thịnh hành liên quan đến việc cho rằng việc đưa các xét đoán giá trị vào trong thảo luận khoa học là không thể chấp nhận. Những nhầm lẫn này thường được sử dụng để biện hộ rằng các lập luận khoa học chống lại CNXH là không hợp lệ hoặc đáng ngờ về mặt khoa học. Một xem xét như thế làm nảy sinh các câu hỏi quan trọng và thú vị, mà không hiểu sao đã bị phớt lờ, về khả năng giải quyết về mặt khoa học đối với các các niềm tin đạo đức. Các nhà kinh tế học, mà công việc hàng ngày của họ là phân tích các loại xung đột giá trị, mà đòi hỏi phải được giải quyết liên tục trong tất cả các hoạt động kinh tế, đã tỏ ra nhút nhát khi phải đối mặt trực diện và hệ thống với nhiệm vụ này. Cứ như thể họ sợ làm vấy bẩn lên toà lâu đài pha lê khoa học của họ khi bước quá các câu hỏi về nhân-quả hay khi đánh giá mang tính phê phán về mức độ đáng muốn của các chính sách đại chúng nhất định nào đó. Họ thường khăng khăng cho rằng họ chỉ có thể đơn thuần “đặt ra các giả định” về các giá trị mà không cần xem xét tính hợp lệ của chúng. (Tuy nhiên, chừng mực nào mà người ta vẫn còn giả định rằng các chính sách vì lợi ích của một số nhóm cứ như thể là “bị thiệt thòi” là tốt đẹp thì các khu vực nghiên cứu như thế vẫn còn bị bỏ qua.)

Thực sự ở điểm này chúng ta cần phải hết sức cẩn thận, và thậm chí phải hơi mô phạm một chút, khi lựa chọn hình thức trình bày, bởi vì tồn tại một hiểm hoạ thực sự nếu vô tình đưa các xét đoán về giá trị một cách không hợp lệ vào trong tranh luận khoa học, và cũng bởi vì những người bảo vệ các lý tuởng CNXH giờ đây hầu như đã học được cách thức sử dụng chiêu bài “giải phóng khỏi các xét đoán về giá trị” ('freedom from value judgments') như là một thứ cơ chế bảo vệ cho sự nghịch lý trong tín ngưỡng của chính họ, và họ liên tục để mắt để chộp các chỉ trích trình bày theo một số hình thức thiếu cẩn trọng. Còn có trò hề nào không được đưa ra nữa đối với một số đoạn trong tác phẩm của nhà phê phán CNXH vĩ đại nhất, Ludwig von Mises, rằng tại đó ông đã mô tả CNXH là “không thể”; hiển nhiên Mises chỉ muốn nói rằng các giải pháp mà CNXH đề xuất không thể nào đạt được cái mà chúng dự định đạt được khi tiến hành! Tất nhiên chúng ta có thể cứ thử tiến hành theo một cách nào đó, nhưng câu hỏi được đặt ra là liệu một nỗ lực nào đó như thế có tạo ra các kết cục đáng muốn mà nó đã đề xuất hay không. Không còn nghi ngờ gì nữa đấy một câu hỏi khoa học.


IV.

Vậy bây giờ cho phép tôi đóng vai nhà mô phạm. Tôi sẽ cố gắng chỉ ra một cách chính xác những loại xét đoán giá trị nào có khả năng chấp nhận được trong thảo luận khoa học và những loại nào thì không thể. Khởi điểm của chúng ta phải là một chân lý logic (logical truism): từ các tiền đề logic chứa đựng chỉ những mệnh đề về nhân-quả, chúng ta sẽ không thể suy ra được các kết luận về điều chúng ta phải làm. Một mệnh đề [thuần túy nhân – quả] như thế sẽ chẳng dẫn đến bất kỳ một hành động nào chừng nào chúng ta vẫn không biết (hay không đồng ý) đâu là những hậu quả đáng muốn và không đáng muốn [của hành động]. Nhưng một khi chúng ta đưa vào cùng các tiền đề logic ban đầu của chúng ta bất kỳ một mệnh đề nào về tầm quan trọng hay mức độ nguy hại của các mục đích hay hậu quả khác nhau của hành động, thì chúng ta có thể rút ra các chuẩn mực khác nhau thuộc mọi chủng loại đòi hỏi hành động phải tuân thủ. Chúng ta rõ ràng chỉ có thể bàn luận nghiêm túc về các vấn đề xã hội với những người mà chúng ta cùng có chung ít nhất một số giá trị. Tôi nghi ngờ liệu chúng ta có thể thực sự hiểu biết ai đó nói gì nếu như chúng ta không chia sẻ những giá trị chung nào đó với anh ta. Dù sao thì điều này cũng có nghĩa là, xét về mặt thực tiễn, trong bất kỳ cuộc bàn luận nào, trên nguyên tắc, chúng ta đều có khả năng chỉ ra được một số trong những chính sách mà một ai đó cổ xuý không nhất quán hay không không thể dung hoà được với một số giá trị niềm tin nhất định nào đó của anh ta.

Điều này dẫn tôi đến việc phải phân tích sự khác biệt cơ bản giữa các thái độ chung về các vấn đề đạo đức, điều được xem như là nét đặc trưng của các bên tham gia tranh luận chính trị hiện nay. Kẻ theo phe bảo thủ tin rằng có các giá tuyệt đối và nói chung khoan khoái bám chặt vào chúng. Một mặt tôi cảm thấy ghen tị với họ về sự khoan khoái đó thì mặt khác tôi không thể chia sẻ với họ về những niềm tin đó. Đấy là số phận của nhà kinh tế muốn tiếp tục đương đầu với các xung đột thực sự về giá trị; thực ra thì việc phân tích cách thức giải quyết các xung đột này chính là trách nhiệm nghề nghiệp của y. Các xung đột mà tôi muốn nhắc tới ở đây không phải là những loại xung đột khá hiển nhiên giữa các giá trị mà những cá nhân khác nhau sở đắc, hay những sự khác biệt giữa những hệ thống các giá trị cá nhân, mà là những xung đột và thiếu khuyết bên trong hệ thống các giá trị của bất kỳ cá nhân nào. Quả là rất khó khăn khi phải đối diện với sự thực rằng hoàn toàn không có những giá trị tuyệt đối, nhưng chúng ta vẫn bắt buộc phải thừa nhận điều đó. Ngay cả bản thân mạng sống của con người cũng chẳng phải là một cái gì đó có giá trị tuyệt đối. Chúng ta vẫn liên tục sẵn sàng hy sinh, và bắt buộc phải hy sinh một cái gì đó, vì một số những giá trị khác cao hơn, ngay cả khi cái phải hy sinh là mạng sống của một con người để cứu được mạng sống của nhiều người khác.

(Ở đây có một điểm thú vị mà rất tiếc tôi không thể xem xét được. Mặc dù có lẽ chúng ta không bao giờ tự cho phép mình hủy hoại một mạng người cụ thể, thì chúng ta lại liên tục đưa ra những quyết định mà chúng ta biết rằng sẽ dẫn đến cái chết của một số người mà chúng ta không quen biết.)

Nhưng những người theo chủ nghĩa tự do cá nhân, những người theo chủ nghĩa tự do chân chính chứ không phải là những người theo chủ nghĩa xã hội màu hồng (pink socialists), (những người mà Josef Schumpeter mô tả là “cảm thấy sung sướng không thể kìm nén vì nghĩ rằng việc họ lựa chọn nhãn hiệu này là một hành động sáng suốt”), không sa vào thái cực đối nghịch mà những người theo CNXH rơi vào: Những người theo CNXH tin rằng họ có thể xây dựng được một hệ thống đạo đức hoàn toàn mới nào đó theo kiểu họ mong muốn mà không cảm thấy e ngại gì cả, vì rằng hệ thống mới này hứa hẹn đem lại hạnh phúc lớn hơn cho con người (tuy nhiên, trên thực tế họ đơn thuần rơi về các bản năng ban sơ kế thừa từ xã hội nguyên thủy). Mặc dù người theo chủ nghĩa tự do cá nhân nhất thiết phải khẳng định rằng mình có quyền xem xét một cách phê phán mọi giá trị hay qui tắc đạo đức đơn lẻ của xã hội mình đang sống, thì anh ta cũng biết rằng anh ta có nghĩa vụ làm điều này và có thể làm được điều đó trong khi vẫn chấp nhận hầu hết các giá trị xã hội khác của xã hội hiện tại như là những thứ có sẵn hầu có thể đạt được mục đích xem xét lại từng giá trị kia. Khi xem xét lại cái giá trị mà anh ta nghi ngờ anh ta luôn phải cân nhắc đến tính tương hợp của nó với phần còn lại của hệ thống các giá trị đang thịnh hành.

Thực ra thì nhiệm vụ [xem xét lại các giá trị] đạo đức của chúng ta là một cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ để giải quyết các xung đột đạo đức, hoặc để bổ sung những cái còn thiếu vào trong những khoảng trống trong kho tàng đạo đức của chúng ta – và chúng ta chỉ có thể đảm đương được trách nhiệm đó nếu như chúng ta cố gắng hiểu được sự tồn tại của cái trật tự hòa bình và của các nỗ lực điều chỉnh tương hỗ; đấy là cái giá trị tối cao mà hành xử đạo đức của chúng ta cố gắng vun đắp. Các qui tắc đạo đức của chúng ta phải liên tục được kiểm nghiệm lẫn nhau, và nếu cần thì điều chỉnh để tương hợp lẫn nhau, nhằm loại bỏ những xung đột trực tiếp tồn tại giữa những qui tắc khác nhau, và cũng nhằm bắt chúng phục vụ việc duy trì cái trật tự khả dĩ để cho con người hành động.


V.

Nhiệm vụ [xem xét lại các giá trị] đạo đức là nhiệm vụ mang tính cá nhân, và tiến bộ về mặt đạo đức đạt được trong một số cộng đồng là nhờ các thành viên của các cộng đồng đó áp dụng những qui tắc mà có khả năng bảo tồn tốt hơn và đem lại lợi ích chung cao hơn cho nhóm của mình. Tiến bộ đạo đức đòi hỏi sự thử nghiệm cá nhân; cụ thể là, trong một khuôn khổ có giới hạn các qui tắc trừu tượng bắt buộc phải tuân thủ, cá nhân được tự do sử dụng tri thức của chính mình để theo đuổi các mục đích của riêng mình. Sự phát triển của cái mà chúng ta gọi là nền văn minh thực chất chính là nhờ cái nguyên lý này, rằng một người phải chịu trách nhiệm về các hành động của chính mình và các hậu quả của chúng, và rằng anh ta có quyền tự do theo đuổi các mưu cầu do chính mình đặt ra thay vì phải tuân thủ sự sai bảo của lãnh tụ của cộng đồng nơi anh ta là thành viên. Đúng là những niềm tin đạo đức của chúng ta, như tôi đã cố gắng chỉ ra đâu đó trước đây, đôi khi vẫn còn khá kỳ cục, khiến chúng ta phải phân biệt giữa những thói quen bản năng kế thừa từ xã hội tiền sử, và những qui tắc hành xử đúng đắn (the rules of just conduct), làm tiền đề cho sự tồn tại của xã hội mở. Nhưng tính chất đạo đức của sự chịu trách nhiệm cá nhân của người trưởng thành đối với phúc lợi của bản thân và gia đình của anh ta vẫn luôn là nền tảng cho hầu hết các xét đoán đạo đức về hành vi. Do vậy, nó là một khuôn khổ không thể tách rời đối với sự vận hành hòa bình của bất kỳ xã hội phức tạp nào.

Như vậy là tồn tại những niềm tin cơ bản – cụ thể là niềm tin vào trách nhiệm cá nhân và vào khuôn khổ các qui tắc trừu tượng chung giúp chúng ta tôn trọng hành động của những người khác; chúng là cơ sở để xây dựng các qui tắc đạo đức của chúng ta, và nếu chúng ta không chấp nhận chúng thì chúng ta chẳng thể tiến hành được bất kỳ một cuộc đối thoại nào về các vấn đề đạo đức. Tuy nhiên, các niềm tin cơ bản đó không thể nào tương thích được với đòi hỏi của những người theo CNXH về một sự tái phân phối thu nhập bằng vũ lực do chính quyền thực hiện. Không có bất kỳ một phân tích khách quan nào, dù được coi khoa học hay không, lại có thể có chút mảy may nghi ngờ về điều này. Một nhiệm vụ tái phân phối [bằng vũ lực] cụ thể như vậy, mà dưới con mắt của một chính quyền nào đó là vì các phẩm hạnh hoặc nhu cầu của những người khác nhau, là phi đạo đức; điều này không đơn giản là bởi vì tôi nói thế, mà là bởi vì nó xung đột với các giá trị đạo đức nền tảng nhất định mà những người cổ vũ nó cũng chia sẻ. Tất nhiên, xuất phát từ thực tế là các hệ thống đạo lý được chấp nhận rộng rãi đã không đưa ra được các giải pháp có sức thuyết phục cao cho các xung đột về các giá trị mà chúng ta không thể phủ nhận là luôn nảy sinh trong lĩnh vực này khiến cho đòi hỏi về việc tìm ra giải pháp cho các vấn đề chính trị nảy sinh ở đây, và cho việc đánh giá đạo đức đối với việc sử dụng biện pháp cưỡng ép để áp đặt một giải pháp nào đó, trở trành một đòi hỏi bức xúc nhất.


VI.

Việc hoạch định kinh tế dựa theo chủ nghĩa tập thể – nền tảng tư tưởng được sử dụng trước đây để biện minh cho việc tiến hành quốc hữu hóa các phương tiện “sản xuất, phân phối, và trao đổi” – không tránh khỏi sự dẫn tới chế độ toàn trị man rợ. Lý lẽ này đã được chấp nhận tương đối rộng rãi ở phương Tây kể từ khi tôi phân tích quá trình này ở một mức độ khá chi tiết trong cuốn The Road to Serdom [Con đường dẫn tới nô lệ – ND] hơn 40 năm trước đây. Tôi không rõ đấy có phải là một phần lý do, hay là bởi vì những người theo CNXH ngày càng nhận ra được tính phi hiệu quả không thể khắc phục được của hoạch định tập trung, khía cạnh mà tôi sẽ đề cập đôi chút dưới đây, hay đơn giản là vì họ đã phát hiện ra rằng biện pháp phân phối thông qua việc đánh thuế nhắm vào các khoản thu nhập tài chính là một phương pháp dễ dàng hơn và nhanh chóng hơn để đạt được mục tiêu của mình; nhưng, dù là vì lý do gì thì các đảng phái xã hội chủ nghĩa ở phương Tây ngày này hầu như đã từ bỏ hoàn toàn các yêu sách hai năm rõ mười là rất nguy hại này về một nền kinh tế tập trung. Những người cánh tả kiên định ở một số quốc gia, và các đảng cộng sản, vẫn tiếp tục gây sức ép đòi hỏi điều này, và dĩ nhiên, có lẽ sớm hay muộn gì họ cũng sẽ giành được quyền lực. Nhưng, những nhà lãnh đạo được xem là ôn hòa, những người hiện tại lèo lái hầu hết các đảng phái xã hội chủ nghĩa ở các nước thuộc thế giới tự do, đã trực tiếp, hoặc gián tiếp thông qua những cơ quan truyền thông nhân danh họ, tuyên bố rằng họ – với tư cách là những nhà dân chủ chân chính – xứng đáng được [nhân dân] tin tưởng để ngăn chặn bất kỳ xu hướng tiến triển nào như thế.

Nhưng liệu họ có thể làm được điều đó? Tôi không có ý nghi ngờ thiện chí tốt đẹp của họ. Tuy nhiên, tôi lại rất nghi ngờ khả năng kết hợp mục tiêu của họ về vấn đề tái phân phối tài sản dựa hoàn toàn vào chính phủ với mục tiêu duy trì, xét trong dài hạn, mức độ tự do cá nhân tối thiểu, ngay cả khi họ thành công trong việc duy trì các hình thức dân chủ. Đúng là sự thay thế chủ nghĩa xã hội lạnh (cold socialism) đã làm nguội đi cái quá trình mà tôi đã dự đoán là chủ nghĩa xã hội nóng (hot socialism) sẽ dẫn đến. Nhưng liệu rốt cục nó có thể tránh được những hậu quả giống như của chủ nghĩa xã hội nóng? Có những lý do rất đáng kể để nghi ngờ khả năng chủ nghĩa xã hội lạnh tránh được chúng.

Để thành công, các chính phủ đồng thời sẽ phải (i) duy trì sự vận hành của các thị trường, tức cho phép sự tồn tại của môi trường cạnh tranh ở mức độ sao cho xác định được các mức giá cho tất cả các sản phẩm và các yếu tố sản xuất, những cái đóng vai trò như là những chỉ dẫn tin cậy phục vụ quá trình sản xuất, (ii) can thiệp ở mức độ tương tự chí ít tới các mức giá lao động (hiển nhiên bao gồm cả những người làm trang trại và ‘tự sử dụng lao động của mình’) nhằm thỏa mãn các đòi hỏi về mức thu nhập công bằng hay bình đẳng (just or equitable remuneration). Thỏa mãn hoàn toàn cả hai đòi hỏi này là việc bất khả. Các chính phủ có thể tìm cách hướng tới một loại giải pháp thỏa hiệp nào đó, và họ cố gắng tránh áp dụng các biện pháp can thiệp gây phương hại đến sự tồn tại của thị trường nếu như họ đã đáp ứng được ở mức độ nhất định những áp lực mạnh mẽ nhất. Nhưng những chính phủ muốn bệ đỡ việc duy trì các yếu tố tất-phải-có của thị trường, sau khi khởi động việc điều tiết các kết quả của thị trường vì quyền lợi của những nhóm người nhất định nào đó, rõ ràng đang bệ đỡ một dự án chính trị bất khả thi. Một khi các đòi hỏi can thiệp vào thị trường để ưu đãi những nhóm người cụ thể nhất định dần được mọi người nhận ra, một chính phủ dân chủ không thể từ chối đáp ứng các đòi hỏi tương tự của bất kỳ những nhóm nào khác mà nó cần đến những lá phiếu của họ. Mặc dù quá trình có lẽ diễn ra từ từ, một chính phủ bắt đầu kiểm soát giá cả nhằm đảm bảo các nhãn quan đại chúng về công bằng sẽ có xu hướng trượt dần tới kiểm soát toàn bộ các loại giá cả; và, vì điều này tất phá hủy sự vận hành của thị trường, nên kết cục cuối cùng sẽ vẫn là một nền kinh tế bị định hướng tập trung. Ngay cả khi các chính phủ cố gắng tránh không sử dụng kiểu hoạch định tập trung như thế làm công cụ, thì nếu như họ vẫn kiên định mục tiêu tạo ra sự phân phối thỏa đáng họ tất sẽ bị đẩy đến việc sử dụng định hướng tập trung như là một loại công cụ duy nhất nhằm có thể thực hiện đuợc việc kiểm soát toàn bộ quá trình phân phối thu nhập (nhưng lại không khiến hệ thống trở nên công bằng) – và do đó bị đẩy tới hình thành một hệ thống về cơ bản là toàn trị.


VII.

Việc thuyết phục những người theo CNXH rằng hoạch định tập trung là phi hiệu quả tốn rất nhiều thời gian. Những người hoạt động thực tiễn có lẽ sẽ chấp nhận điều này chẳng cần bằng lý lẽ mà chỉ cần qua việc nhìn vào ví dụ cảnh báo về hệ thống kiểu Nga-Xô; tuy nhiên, các lý thuyết gia đương đại chỉ chầm chậm thoái lui khỏi cái lập trường quan điểm được tạo dựng bởi các nhà sáng lập chủ nghĩa Marx và được tiếp nối duy trì bởi những lý thuyết gia hàng đầu cho tới tận cách đây chỉ khoảng độ 50 năm. Cho dù thế, ở một mức độ nào đó họ đã cố ý tạo ra cái ấn tượng rằng họ đã đánh bại đầy thuyết phục những đợt công kích dữ dội của những kẻ phê phán thù địch, do họ đã từ bỏ hết lập trường này đến lập trường khác để đưa ra những giải pháp mới hơn cho vấn đề.

Các nhà sáng lập chủ nghĩa xã hội, bao gồm cả Marx và Engels, đã không hiểu được rằng, để các nguồn lực được sử dụng một cách có hiệu quả thì bất kỳ sự chỉ đạo tập trung nào đối với cỗ máy sản xuất được sở hữu bởi xã hội đều đòi hỏi phải có những tính toán dưới góc độ giá trị. Như Friedrich Engels đã nói chắc như đinh đóng cột, rằng kế hoạch xã hội đối với khâu sản xuất “sẽ được tạo lập một cách hết sức đơn giản mà chẳng cần đến thứ giá trị vẫn cứ được nhắc đến hoài (the famous value)”. Ngay cả khi cuộc tranh luận về vấn đề [hoạch định tập trung] bắt đầu nổ ra một cách nghiêm túc ngay sau khi kết thúc thế chiến thứ I, nó đã được tiếp sức bởi một chuyên gia khoa học xã hội trong nhóm logic thực chứng thành Vienna với nhận định rằng tất cả các phép tính về hiệu quả của quá trình sản xuất xã hội có thể được tiến hành in natura [thông qua các đại lượng vật lý – ND] – nghĩa là, không cần xem xét đến các tỷ lệ luôn thay đổi của sự biến chuyển giữa các yếu tố vật chất được sử dụng. Chống lại quan điểm này chính là Ludwig von Mises và một số các lý thuyết gia đương đại cùng thời (bao gồm cả Max Weber) khi họ đưa ra luận điểm phê phán có tính quyết định đầu tiên đối với lập trường CNXH.

Điểm cốt lõi ở đây – cái mà cần phải thừa nhận rằng ngay cả các nhà kinh tế cổ điển hàng đầu cho tới tận John Stuart Mill đã không hiểu được – là ý nghĩa tổng quát của các tỷ lệ thay thế luôn thay đổi giữa các hàng hóa khác nhau. Ý tưởng đơn giản này, cái cuối cùng đã giúp chúng ta hiểu ra được vai trò của những sự khác nhau và sự biến đổi của các mức giá các mặt hàng khác nhau, đã dần được khai triển với tốc độ chậm chạp khởi đầu từ việc nhận ra – tôi không nói đấy là sự khám phá vì dĩ nhiên là mọi tá điền chất phác đều đã biết đến những sự khác nhau và sự biến đổi đó nếu không muốn nói họ còn biết đến cả vai trò lý thuyết của chúng – rằng các mức hoàn lợi sẽ giảm dần khi liên tiếp đưa lao động và tư bản vào khai thác đất đai. Tiếp đến, qui luật này, dưới cái tên qui luật về độ thỏa dụng cận biên giảm dần, được phát hiện là chi phối các mức thay thế cận biên giữa các loại hàng hóa tiêu dùng khác nhau. Và cuối cùng, nó được khai triển thành mối quan hệ tổng quát giữa tất cả các loại nguồn lực hữu dụng, giúp xác định được ngay tức thì rằng liệu các loại nguồn lực đó có giá trị kinh tế ngang bằng nhau hay không, và rằng liệu chúng có khan hiếm hay không. Chỉ đến khi người ta hiểu được rằng sự thay đổi các mức cung của các yếu tố sản xuất khác nhau (hoặc các hàng hóa khác nhau để thỏa mãn nhu cầu) quyết định tỷ lệ thay thế cận biên luôn biến đổi của chúng, thì người ta mới thực sự hiểu được rằng không thể tách rời các mức qui đổi tương đương (hoặc các tỷ lệ thay thế cận biên) quen thuộc khỏi bất kỳ tính toán hiệu quả [kinh tế] nào. Cuối cùng, người ta chỉ thực sự hiểu được chức năng không thể thay thế của các mức giá cả trong một nền kinh tế phức tạp cho tới khi nhận ra được là: nhờ có các mức giá thị trường nên cái mức qui đổi tương đương này tại tất cả các cách sử dụng khác nhau của [các yếu tố sản xuất khác nhau hoặc các hàng hóa khác nhau để thỏa mãn nhu cầu], điều hầu như chỉ được biết đến bởi một số ít trong số nhiều người mong muốn sử dụng chúng, mới có thể được làm ngang bằng với các tỷ lệ thay thế giữa bất kỳ cặp hàng hóa nào, bất kể chúng được sử dụng cho bất kỳ mục đích sử dụng nào. [2]

Như tôi đã đề cập trước đó, xét về bản chất, “các tỷ lệ thay thế cận biên” luôn biến đổi đối với các loại hàng hóa khác nhau có ý nghĩa giống như các mức qui đổi tương đương nhất thời được xác định bởi hoàn cảnh hiện tại giữa các loại hàng hóa đó, và nếu chúng ta muốn có thể khai thác được đầy đủ nhất công năng của các loại hàng hóa này thì các tỷ lệ này tất phải là những tỷ lệ tại đó những hàng hóa này phải có khả năng thay thế được lẫn nhau ở mức cận biên trong tất cả các cách sử dụng khả thể của chúng.

Sự hiểu biết về chức năng của các mức qui đổi tương đương luôn thay đổi giữa các hàng hóa như là cơ sở cho sự tính toán, và sự hiểu biết về chức năng truyền thông của các mức giá cả, cái đã kết hợp tất cả các thông tin về các hoàn cảnh phân tán giữa một số lượng lớn con người thành một tín hiệu đơn nhất, là hai nhân tố giúp mọi người cuối cùng nhận thức được một cách rõ ràng về luận điểm: rằng chỉ có thể thực hiện được tính toán duy lý trong một nền kinh tế phức tạp dưới góc độ các mức giá trị hay các mức giá cả, và rằng những mức giá trị này sẽ trở thành các chỉ dẫn thực sự chỉ nếu như chúng là các nỗ lực phối hợp, chẳng hạn các mức giá trị được hình thành trên thị trường, của mọi loại tri thức của những người cung cấp hay người tiêu dùng tiềm năng về mức độ sẵn có cũng như các cách sử dụng khả thể của chúng.

Phản ứng đầu tiên của các lý thuyết gia theo CNXH, một khi họ không còn có thế nhắm mắt làm ngơ trước thực tế này, là đưa ra đề xuất rằng các ủy ban hoạch định XHCN của họ nên xác định các mức giá bằng cách sử dụng cùng hệ thống các phương trình đồng thời vốn đã được các nhà kinh tế toán nỗ lực tạo dựng để giải thích các mức giá thị trường ở trạng thái cân bằng. Họ thậm chí còn cố gắng ám chỉ rằng Wieser, Pareto và Barone đã chỉ ra từ lâu về khả năng làm được điều này. Trên thực tế, cả ba học giả này đã chỉ ra cái mà một ủy ban hoạch định XHCN ắt phải cố gắng thực hiện để làm cân bằng tính hiệu quả của thị trường – chứ không phải, như các lý thuyết gia theo CNXH đã hiểu một cách sai lệch, về việc làm thế nào để có thể hoàn thành được một kết quả bất khả như thế. Cụ thể, Pareto đã nói rõ ràng rằng hệ thống các phương trình đồng thời – công trình giúp ông trở nên nổi tiếng – chỉ nhằm đưa ra cái khuôn trạng tổng quát (giống như cách hiện nay chúng ta hiểu về điều này), chứ không thể dùng để xác định các mức giá cụ thể, bởi vì sẽ chẳng có bất kỳ một cơ quan trung ương nào có thể biết được tất cả các hoàn cảnh theo không gian và thời gian vốn định hướng các hành động của các cá nhân, các hành động như thế trở thành thông tin và được nạp vào cỗ máy truyền thông mà chúng ta gọi là thị trường.

Vì thế, nỗ lực đầu tiên của các lý thuyết gia theo CNXH hòng đáp lại phê phán của Mises và một số người khác đã sớm bị sụp đổ. Bước tiếp theo nhằm bác bỏ Mises, cụ thể là Oscar Lange và cả một số những người khác nữa, là các nỗ lực khác nhau nhằm hạn chế bớt vai trò của hoạch định tập trung và tái đưa vào một số các yếu tố của thị trường dưới cái tên “cạnh tranh kiểu CNXH”. Ở đây tôi sẽ không đi sâu vào việc phân tích sự đảo chiều trí tuệ vĩ đại này đã đem lại ý nghĩa như thế nào đối với những người đã nhấn mạnh trong một thời gian dài về tính ưu việt vượt bậc của hoạch định tập trung đối với cái gọi là “tình trạng hỗn độn của cạnh tranh”. Cách tiếp cận có tính mâu thuẫn nội tại này đã làm nảy sinh những vấn đề mới thuộc về một loại hoàn toàn khác. Tuy nhiên, không cách nào nó có thể vượt qua được hai khó khăn cốt yếu. Thứ nhất, chừng nào mà mọi máy móc công nghiệp và tư bản khác còn thuộc về “xã hội” (nghĩa là chính phủ), thì chính quyền XHCN không thể để cho cạnh tranh hay để thị trường quyết định lượng tư bản mà mỗi doanh nghiệp phải có là bao nhiêu, hay cho phép người quản lý được dấn thân vào các loại rủi ro nào — đây là hai điểm mang tính quyết định để cho một thị trường thực sự hoạt động được. Thứ hai, nếu ngược lại chính phủ cho phép thị trường hoạt động tự do, nó sẽ không thể làm được bất cứ thứ gì để bảo đảm rằng khoản thu nhập mà thị trường đem lại cho mỗi cá nhân tham gia sẽ tương ứng với mức mà chính phủ coi là công bằng trên bình diện xã hội. Đấy, rốt cục thì mong ước đạt được cái gọi là mức thu nhập “công bằng” như thế lại là toàn bộ mục đích của cuộc cách mạng XHCN!


VIII.

Các câu trả lời tương ứng cho ba câu hỏi mà chúng ta đặt ra không phụ thuộc vào các xét đoán giá trị cụ thể nào, trừ câu trả lời cho câu hỏi đầu tiên, tại đó các giá trị nhất định (chẳng hạn tự do và trách nhiệm cá nhân) được xem như là điều hiển nhiên. Có thể giả định rằng các giá trị đó đáng được chia sẻ bởi tất cả những người mà có mong muốn thảo luận về các vấn đề đạo đức như thế. Vấn đề nền tảng luôn là liệu chủ nghĩa xã hội có thể đem lại cái mà nó hứa hay không. Đây là một vấn đề thuần túy khoa học, ngay cả khi câu trả lời có thể phụ thuộc một phần vào một số điểm khiến cho chúng ta không thể trình bày được một cách chặt chẽ tính đúng đắn cho câu trả lời của chúng ta. Tuy thế, câu trả lời về tất cả ba vấn đề mà chúng ta đã đạt được hoàn toàn mang tính phủ định. Về mặt đạo đức, CNXH không thể tạo dựng mà chỉ phá hủy nền tảng của tất cả các giá trị đạo đức: tự do và trách nhiệm cá nhân. Về mặt chính trị, nó sớm hay muộn dẫn tới chính phủ toàn trị. Về mặt vật chất, nó sẽ làm tổn hại đáng kể quá trình tạo ra của cải, nếu không muốn nói, nó là nguyên nhân dẫn đến đói nghèo trên thực tế. Tất cả ba phản biện này đối với CNXH đã được đưa ra từ rất lâu trên các nền tảng thuần túy trí tuệ, và theo thời gian chúng đã được hiệu chỉnh và toàn kiện. Không có những nỗ lực nặng ký đáng kể nào trong việc bác bỏ các phản biện chống lại CNXH này một cách thuyết phục về mặt lý luận. Thực ra, điều ngạc nhiên nhất đối với việc xem xét các vấn đề này bởi đa số các nhà kinh tế chuyên nghiệp là: họ rất ít khi coi chúng là vấn đề trọng tâm của các cuộc thảo luận. Ai đó có thể nghĩ rằng không có gì đáng quan tâm hơn đối với các nhà kinh tế là tính hiệu quả và lợi ích tương đối đối với phúc lợi chung của các chế độ kinh tế khác nhau. Nhưng thực tế thì họ thật đáng xấu hổ về chủ đề này, cứ như thể họ sợ hãi cày xới lãnh địa của họ vì tự trách mình đang dính líu đến các chủ đề “chính trị”. Họ đã bỏ mặc cuộc tranh luận lại cho các chuyên gia về “các hệ thống kinh tế”, những người đưa ra những lập luận cũ rích trong sách giáo khoa của họ, những người luôn cẩn thận tránh né việc đứng về bên nào. Cứ như thể là, việc cái vấn đề tranh luận đó trở thành chủ đề tranh cãi chính trị là nguyên nhân làm im tiếng các nhà khoa học, những người biết rằng họ có thể bác bỏ một cách rõ ràng ít nhất một số các lý lẽ của một bên. Thái độ trung lập kiểu này đối với tôi không phải là sự không thiên vị mà là sự hèn nhát. Đã đến lúc chúng ta phải thét to lên rằng: những nền tảng trí tuệ mà CNXH dựa vào đã bị sụp đổ hoàn toàn.

Tôi phải thú nhận rằng, sau một quãng thời gian phí hoài chờ đợi 40 năm để tìm kiếm một bảo vệ có trí tuệ đáng kể bác lại các phản biện chống lại các đề án CNXH, tôi đã bắt đầu trở nên không thể kiên nhẫn hơn được nữa. Bởi tôi đã luôn nhìn nhận rằng phe theo CNXH bao gồm rất nhiều người có thiện chí, nên tôi đã cố gắng phê phán các học thuyết của họ theo một cách nhẹ nhàng. Nhưng thời gian đã quá đủ để kêu to lên rằng các nền tảng trí tuệ của CNXH chứa đầy những lỗ hổng, và rằng việc phản biện chống lại CNXH được dựa trên, không phải là các giá trị khác biệt hay thiên kiến gì cả, mà là lý lẽ logic không thể bác bỏ. Đây là điều cần phải được nói ra, đặc biệt về thái độ sử dụng chiến thuật thường xuyên của hầu hết những người cổ vũ hay bảo vệ CNXH. Thay vì lập luận một cách có logic để đáp trả các phản biện nền tảng, những người theo CNXH lại công kích các động cơ và thể hiện thái độ nghi ngờ về thiện chí của những người bảo vệ phe “chủ nghĩa tư bản”. Đối với tôi, những cách thức lộ liễu như kiểu, xoay cuộc tranh luận từ luận điểm rằng liệu một niềm tin có đúng đắn hay không sang luận điểm rằng tại sao nó vẫn được người ta tin, tự nó là một minh chứng hiển nhiên cho sự yếu kém về nền tảng trí tuệ của những người theo CNXH. Rất phổ biến là, phản biện đáp trả của người theo CNXH có vẻ thường tập trung nhiều vào việc hạ thấp uy tín tác giả thay vì bác bỏ các luận điểm của tác giả. Chiến thuật ưa thích của các phản biện đáp trả là cảnh báo giới trẻ đừng có quan tâm nhiều đến tác giả hoặc tác phẩm của tác giả. Thực sự là thủ đoạn này đã được phát triển tới mức độ chuyên nghiệp. Liệu một người trẻ tuổi có còn đoái hoài đến một cuốn sách, chẳng hạn cuốn Constitution of Liberty [Hiến pháp tự do – ND] của tôi, khi anh ta được một vị khả kính “cấp tiến” về khoa học chính trị của Anh quốc nói rằng đó là một trong những “con khủng long vẫn còn thỉnh thoảng xuất hiện, rõ ràng trơ lì trước sự chọn lọc của tự nhiên?” Nguyên lý nói chung dường như là: nếu ta không thể bác bỏ được lý lẽ, hãy đánh vào uy tín của tác giả. Dù cho lý lẽ chống lại CNXH có khả năng xác thực, trung thực và có lẽ còn đúng đi chăng nữa, nhưng các học giả cánh tả này dường như không thèm ngó ngàng đến bất kỳ một khả năng nào, bởi vì có lẽ chính bản thân họ cũng đã biết rằng họ hoàn toàn sai.

Tất nhiên, sự khác biệt chính trị thường bắt nguồn từ sự khác biệt về các giá trị tối hậu, và đây là điều rất ít hoặc chẳng dính líu gì đến khoa học. Nhưng những khác biệt cốt lõi tồn tại hiện nay ít nhất là giữa những trí thức theo CNXH, những người xét đến cùng đã phát minh ra CNXH, và các đối thủ của họ không thuộc về loại này. Chúng là các khác biệt trí tuệ có thể được sàng lọc và giải quyết bằng lập luận logic giữa những người không muốn sa lầy vào một mớ bòng bong. Tôi chưa bao giờ tham gia vào bất kỳ một đảng phái chính trị nào. Cách đây khá lâu tôi đã làm sốc nhiều người bạn của tôi khi giải thích với họ rằng tôi không thể là một người thuộc phái bảo thủ. [3] Thành thực mà nói, việc đắm mình vào tìm hiểu bản chất của các vấn đề kinh tế của xã hội đã khiến tôi trở thành một người chống CNXH triệt để. Hơn nữa, có một điều thuyết phục tôi là, với tư cách là một nhà kinh tế, bằng cách đưa ra các lý lẽ phê phán CNXH, tôi có thể đóng góp cho cộng đồng tốt hơn bất kỳ phương tiện nào khác. Chống CNXH ở đây có nghĩa là chống đối lại tất cả sự can thiệp của chính phủ vào thị trường, bất kể biện pháp can thiệp đó là vì lợi ích của nhóm người nào.

Hoàn toàn không đúng khi mô tả thái độ này là thái độ laissez faire – một loại ngôn từ bôi nhọ khác thường được sử dụng để thay cho lý lẽ – bởi vì một thị trường vận hành tốt được đòi hỏi một khung các luật lệ thích hợp. Cũng tồn tại nhiều lý do thích đáng khác đòi hỏi chính phủ đảm nhận nhiều loại dịch vụ nằm ngoài cơ chế thị trường, vì lý do này hay lý do khác khiến thị trường không thể đáp ứng. Nhưng nhà nước tất nhiên phải không bao giờ có cái quyền độc tôn đối với bất kỳ loại dịch vụ nào như thế, đặc biệt các loại dịch vụ bưu chính, truyền thông, hoặc việc phát hành tiền tệ.

Một số tín hiệu cho thấy thái độ lành mạnh đang quay trở lại. Nhưng tôi vẫn chưa thực cảm thấy hy vọng vào các viễn cảnh của tương lai. Có quá nhiều người phát biểu về việc các quốc gia trở nên “không thể cai quản”, nhưng lại có quá ít người nhận ra rằng các nỗ lực cai quản quá nhiều chính là mầm mống của sự lộn xộn, và thậm chí còn ít hơn nữa những người nhận ra được rằng tai ương đã và đang ngấm vào thể chế hiện hành sâu đến mức độ như thế nào. Vì sự nghiệp hướng tới các mục tiêu của mình, CNXH cần chính phủ với các quyền lực không bị giới hạn, và nó đã có được điều đó. Trong một hệ thống như thế, có nhiều nhóm khác nhau phải nhận được cái không phải là thứ mà một phái đa số nghĩ là những nhóm đó xứng đáng hưởng, mà là cái mà bản thân các nhóm này nghĩ rằng họ có quyền được hưởng. Do đó, việc cấp phát cho những nhóm này cái họ nghĩ rằng họ có quyền được hưởng trở thành cái giá mà một số nhóm phải trả để trở thành một đa số. Dân chủ vô hạn nhất định dẫn tới một loại CNXH, nhưng là một CNXH mà không ai có ý định hướng tới hoặc có lẽ mong muốn: một tình huống tại đó cơ quan đại diện được bầu cũng như nhóm đa số cầm quyền, với quyền lực mà nó có, phải tiến hành cái việc bù đắp mọi mối bất bình được tưởng tượng ra, bất kể đòi hỏi đó có đôi chút chính đáng nào hay không. Đó không phải là sự bình bầu do một đa số tiến hành về phẩm bậc của các cá nhân hoặc các nhóm, mà là quyền lực tranh giành các đặc lợi từ chính phủ, nơi giờ đây có quyền quyết định sự phân phối thu nhập, bởi những cá nhân hay những nhóm đó.

Nghịch lý là: để đảm bảo dân chủ, cái chính phủ siêu quyền lực mà CNXH cần có tất phải hướng đến việc bù đắp mọi sự bất mãn như thế, và để thỏa mãn mọi sự bất mãn đồng nghĩa với việc nó phải đãi ngộ cho các nhóm dựa trên ước tính của chính các nhóm đó về những gì mà họ xứng đáng được hưởng. Nhưng không một xã hội khả dĩ nào có thể đãi ngộ mọi người ở mức do chính anh ta ước tính. Một xã hội tại đó một số ít người có thể khai thác quyền lực để giành được cái mà họ cho rằng họ có quyền được hưởng có khả năng dẫn đến sự thiệt thòi đáng kể cho những người khác, nhưng dù thế thì xã hội đó chí ít vẫn có khả năng tồn tại được. Một xã hội tại đó mọi người hợp nhau lại thành một số nhóm nhất định nhằm áp lực chính phủ trợ giúp anh ta có được cái mà anh ta muốn là một xã hội tự tiêu vong. Không có cách nào ngăn cản được việc một số người nảy sinh cảm giác rằng họ bị đối xử thiếu công bằng – đấy là cái xu hướng phổ biến trong mọi chế độ xã hội, nhưng với các mô hình xã hội mà cho phép các nhóm người bất mãn có được cái quyền thỏa mãn các đòi hỏi của họ – hoặc theo cách nói lái mới, thừa nhận “quyền được hưởng”, thì sẽ chẳng có bất kỳ một xã hội nào tránh khỏi tình trạng không thể quản lý được.

Không có giới hạn nào đối với các ước muốn của dân chúng đòi hỏi một chính phủ dân chủ không bị giới hạn phải có trách nhiệm đáp ứng thỏa mãn. Hãy xem tuyên bố đáng lưu ý, phát biểu bởi một chính trị gia hàng đầu của Công Đảng (Anh), rằng ông ta coi mình có nghĩa vụ bù đắp mọi bất mãn! Tuy nhiên, sẽ là thiếu công bằng khi lại đi chỉ trích nặng nề các chính trị gia vì họ không được phép nói “không”. Với các mô hình đang thịnh hành, có lẽ một nhà lãnh đạo có uy tín đôi lúc có thể dám nói “không”, nhưng một đại diện cử tri thông thường, để còn hy vọng giữ được cái ghế của mình, không thể nói “không” đối với bất kỳ một số lượng đáng kể các cử tri của mình, dù cho các đòi hỏi của họ không chính đáng.

Trong một xã hội nơi của cải của nó phụ thuộc vào sự thích ứng nhanh chóng với các hoàn cảnh liên tục thay đổi, cá nhân có thể được thả cho tự do lựa chọn các hướng đi cho mình chỉ khi các phần thưởng dao động dựa theo các giá trị của các dịch vụ mà anh ta có thể cung ứng vào bể các nguồn lực chung của xã hội. Nếu thu nhập của anh ta được xác định bằng con đường chính trị, anh ta sẽ mất đi không chỉ sự khuyến khích mà còn cả khả năng quyết định cái anh ta có nghĩa vụ phải làm vì lợi ích chung. Và nếu anh ta không thể tự biết cái mình phải làm là gì để khiến các dịch vụ của anh ta trở nên có giá trị cho đồng loại của mình, anh ta sẽ phải chấp nhận bị sai bảo làm cái mà (người khác) yêu cầu. Đương đầu với sự không thỏa mãn, nghịch cảnh và sự gian khổ là một nguyên tắc mà hầu hết mọi người trong bất kỳ xã hội nào đều phải qui phục, và nó là một nguyên tắc mà mọi người đều chờ đợi sự tuân thủ từ những người có năng lực hành vi. Cơ chế giảm nhẹ những nỗi gian lao này trong một xã hội tự do là cơ chế [đảm bảo rằng] không có ai độc đoán áp đặt chúng, và đồng thời cũng đảm bảo rằng phạm vi tác động của chúng được quyết định bởi một quá trình phi cá nhân, nơi mà cơ hội không được định đoạt trước.

Tôi tin rằng, sau một thời gian sống trong một chế độ XHCN, mọi người rồi sẽ nhận ra được rằng trò chơi thị trường sẽ giúp cho mọi người có được phúc lợi và địa vị xã hội tương đối tốt hơn so với việc ỷ vào ý chí của một cá nhân sáng suốt, người được ủy quyền chăm nom cho mọi người. Tuy nhiên, các xu thế hiện nay dường như lại là: các thể chế chính trị hiện tồn sẽ kiệt sức vì các nghĩa vụ mà chúng không thể gánh đỡ nổi trước khi một ý tưởng như trên lan đủ rộng. Sẽ chẳng thể nào xây dựng được một xã hội tử tế trừ phi dân chúng học được cách chấp nhận rằng đa số sự bất mãn của họ là không chính đáng, và họ không nên lấy chúng để đòi hỏi những người khác, và rằng trên thế giới này không nên xem chính phủ có khả năng gánh vác trách nhiệm một cách có hiệu quả đối với việc đáp ứng hạnh phúc cho các nhóm người cụ thể. Rồi thì, những người có lý tưởng nhất trong số những người theo CNXH sẽ bị dồn đến phải phá hủy nền dân chủ để phục vụ cho cái viễn cảnh CNXH lý tưởng của họ trong tương lai. Những xu thế hiện tại cho thấy rằng sẽ có sự nổi dậy của một lực lượng đông đảo những người mà chính phủ không thể thoái thác trách nhiệm phải đáp ứng phúc lợi và địa vị xã hội của họ, và sự nổi loạn của họ vì lý do không được trả đầy đủ, hoặc vì bị yêu cầu phải làm nặng nhọc hơn mức mà họ thích, ắt sẽ bị đàn áp bằng roi da và súng máy: đây cũng là kết cục gây ra bởi chính những con người thực tâm có ý định ban phát [cho mọi người] tất cả những ước muốn của mình.


Bản tiếng Việt © 2008 talawas


[1]Cụ thể là Hayek đã trình bày những vấn đề này trong cuốn The Counter-Revolution of Science: Studies on the Abuse of Reason, Liberty Fund: Indeanapolis, 1979[1952]. Độc giả trong nước có thể xem chương 14 có tiêu đề “Sự lạm dụng và suy tàn của lí trí” của Ebenstein, A. (2007), Friedrich Hayek: Cuộc đời và sự nghiệp, Lê Anh Hùng dịch, NXB Tri thức. [ND]
[2]Hayek trình bày nội dung đoạn này về vai trò của các mức giá cả trong nền kinh tế tương đối rõ ràng trong phần V của bài luận “The Use of Knowledge in Society”, American Economic Review, XXXV, No. 4, (tháng 9, 1945). Độc giả có thể tham khảo bản dịch của bài luận này trên talawas với tiêu đề “Sử dụng tri thức trong xã hội” do Đinh Tuấn Minh dịch. [ND]
[3]Hayek bày tỏ thái độ này qua bài viết: “Why I Am Not a Conservative”, được đưa vào trong phần Tái bút của cuốn The Constitution of Liberty, The University of Chicago Press: Chicago, 1960.
Nguồn: Bài phát biểu tại phân nhánh Canberra của Há»™i kinh tế Úc và New Zealand ngày 19/10/1976. In lại trong Nishiyama C. and K. Leube (eds.) (1984), The Essence of Hayek, Standford, CA:Hoover Institution Press, pp. 114-127.