trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 497 bài
  1 - 20 / 497 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
Loạt bài: Sách xuất bản tại miền Nam trÆ°á»›c 1975
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89   90   91   92   93   94   95 
1.10.2008
Nguyễn Thị Hoàng
Cho những mùa xuân phai
(Tập truyện)
 1   2   3   4   5 
 
Lời mở

Trong hoàn cảnh hoàn toàn bế tắc của ngành xuất bản, tháng 1 năm 1966, Cơ sở Văn mạnh dạn tung ra thị trường chữ nghĩa một Tủ sách Phổ thông với tôn chỉ: sách hay, in đẹp, bán giá hạ.

Việc làm có tính cách mở đường của Văn đã thâu hoạch được một số kết quả tốt – đủ tốt để các nhà xuất bản bạn vững tin mà mở rộng ngành hoạt động của mình, đủ tốt để các nhà xuất bản mới được thành lập khá nhiều trong hai năm 1966-1967.

Sang năm 1968, chúng tôi dự tính sẽ tạm ngưng ấn hành sách phổ thông vì tự coi như nhiệm vụ mở đường đã hoàn tất. Nhưng, biến cố đầu Xuân Mậu Thân đã lại đẩy ngành xuất bản vào một ngõ tắc. Phần lớn, nếu không muốn nói là hầu hết, các nhà xuất bản đều tạm ngưng hoạt động, hoặc chỉ hoạt động cầm chừng. Trước viễn ảnh đen tối đè nặng lên ngành xuất bản, chúng tôi lại cảm thấy cần phải tiếp tục công việc đã làm đều đặn từ hai năm qua.

Tiếp tục với một hình thức mới, để thích ứng với tình thế mới.

Và Nguyệt san Văn Uyển được khai sinh.

Từ nay, tháng tháng Văn Uyển sẽ gửi tới bạn đọc những sáng tác chọn lọc của những tác giả danh tiếng trong và ngoài nước.

Ước mong bạn đọc sẽ tiếp tục dành cho Văn Uyển mối cảm tình nồng nhiệt mà quý vị đã dành cho Tủ sách Phổ thông do cơ sở Văn chủ trương từ mấy năm qua…

Giờ đây, Văn Uyển số ra mắt xin giới thiệu tuyển tập đoản thiên mới nhất của Nguyễn Thị Hoàng: Cho những mùa xuân phai. Trân trọng mời bạn đọc hãy nhập vào thế giới tràn đầy tình cảm của nhà văn phái nữ đang nổi tiếng nhất, có sách bán chạy nhất hiện nay…
Văn Uyển
Cho những mùa xuân phai

Mélanie, đã ba hôm nay con chong đèn không ngủ, buổi sáng năm giờ không lên nhà nguyện, tám giờ không đi phát thuốc cho các trại, buổi chiều không sang phòng họp công tác, và buổi tối, trong giờ cầu kinh, con lơ đễnh nghĩ ngợi đâu đâu đọc nhầm cả lời lẽ, sai nhịp với các soeur, con làm sao vậy, còn đúng một tuần nữa là lễ phát nguyện của con rồi, con có nhớ như vậy không. Buổi sáng nay con không phải đi phát thuốc nữa, phần việc con sẽ nhường lại cho soeur Albertine, nhưng hãy ra đẩy xe rác xuống vườn, và trong lúc đi ngang qua những vùng đất bẩn sau trại, con phải suy nghĩ lại, một lần cuối cùng, tự hỏi chính mình về sự lựa chọn, và sau đó, mẹ khoan hồng cho con tìm lấy một cơ hội nào đó để thử thách lại.

Một tuần, chỉ còn một tuần nữa là dứt khoát, là bắt buộc tôi phải can đảm và thành thật chọn lựa quyết liệt thôi sao, một tuần nữa để tìm cho ra đời sống đích thực mình giữa ngã ba ngã tư chằng chịt những ảo giác bồng bềnh, những sắc màu hỗn loạn, những tiếng gọi kêu bất ngờ vang vang trỗi dậy khắp cùng bốn phía tâm hồn tôi sao. Tôi muốn nói, đúng hơn là thú tội, những ý nghĩ thầm kín nẩy mầm như đậu trong trí tôi từ ba hôm nay, từ buổi chiều Chủ nhật ở hàng hoa, nhưng tôi không thể cúi đầu nói ra những điều đó, cũng như tôi không còn can đảm ngẩng đầu lên nhìn thẳng vào hai mắt màu xám trong vắt của Mẹ Nhất lúc này. Tôi biết dù có kể ra những xao xuyến, thao thức đó, dù rằng đối với ba năm ở nhà tập, như thế là tội lỗi chăng nữa, bà vẫn tha thứ, vẫn dỗ dành để tôi lại trở về ngoan ngoãn cúi đầu bước vào cửa hẹp sáng láng của bà. Nhưng tôi không nói ra. Bởi tôi tiếc, tôi không muốn nói ra với bất cứ người nào, những điều tôi chỉ âm thầm nói để mình nghe, với một nụ cười ẩn bóng trong gương soi, với tia nắng lay lắt trong khung cửa chiều trên cao lầu chuông ấy, với những tiếng gọi mơ hồ thầm kín ở đầu. Như vậy mới chính là tội lỗi mơ hồ, xa lạ vừa đủ để đánh thức mùa xuân yên ngủ trong tôi, vừa đủ cho tôi bỗng bàng hoàng sợ hãi nhận ra tôi vừa đắm mê, vừa chạy trốn cuộc đời bên ngoài những bờ tường cao đóng kín. Cuộc đời ngoài kia, tôi rưng rưng trong lòng một tiếng khóc tủi mừng khi nghĩ đến những con đường, những hàng cây lá bay, những tiếng còi xe reo vui lảnh lót, những người qua lại, và phố phường tấp nập, những cửa hàng sáng rỡ, những bông hoa, và khuôn mặt dịu dàng của một mùa xuân quá khứ. Tiếng pháo ran ran đâu đó những bông hoa mai vàng, những màu áo mới. Tất cả thật đã vô cùng rộn rã, vô cùng xa xôi, mùa xuân, cuộc đời, những bóng hình thân yêu ngày cũ.

Tôi đặt khay thuốc xuống mặt bàn và lẳng lặng đi ra. Mẹ Nhất bỗng gọi lại và vô tình hai mắt tôi chạm vào mắt bà, và bước lên một bước, tôi bỗng cảm thấy nhẹ bỗng thênh thang cả tâm hồn thể phách trong hai cánh tay bà êm dịu vây phủ bờ vai tôi ba hôm rồi bỗng dưng lạnh lẽo. Tôi nói ấp úng, thưa, con sẽ cố gắng. Bà đặt nhẹ ngón tay cái trên trán tôi như thường lệ, làm dấu thánh giá thong thả như muốn khắc vào tâm hồn tôi vết sẹo muôn đời của đức tin không phai mờ, và bà dịu giọng, thôi con đi đi. Tôi bỗng dưng muốn làm nũng với bà, nhưng thật ra là với một người nào đó không bao giờ có trong đời tôi, mẹ cho con xuống thăm phòng số bốn trước khi ra bãi rác.

Cái mụt ở cánh tay bà phòng số bốn đã căng phồng như tôi dự đoán. Tôi xoa cánh tay trần bà ta, không đau đâu, chỉ ba hôm là khỏi hẳn, muốn lành thì phải chịu đựng một thời gian đau đớn chứ, cái mụt đã cương lên, không làm cho nó vỡ ra, xẹp xuống, sẽ kéo dài nhức nhối lâu hơn. Người đàn bà xắn cao tay áo cho tôi, vâng, tôi cũng muốn cho xong cái mụt để còn về ăn Tết. Bà về đâu, tôi hỏi, không biết nữa, nhưng ra khỏi đây là tìm thấy chỗ của mình rồi, đâu mà chẳng được, bà ta trả lời giọng cao lên nao nức. Tôi nhúng cái tăm quấn bông gòn vào chai alcool iodée ém cho khô bớt rồi nâng cánh tay tròn lẳn của người đàn bà thoa nhè nhẹ quanh mụt một vòng tròn thuốc vàng nâu, đắp lên một miếng gòn kẹp vải gaze thưa và dán vào da bằng hai đường chéo băng keo.

Thế này rồi làm sao nữa, bà ta hỏi. Khoảng ngày mai là cái mụt sẽ chín, cương mủ lên dồn cả vào chính giữa, tôi chích mũi kim vào đó, ém cho mủ và máu độc ra thật hết, cần nhất là cho lớp máu độc đen tím ra hết cho đến khi thấy tươm máu đỏ là coi như sạch hẳn, rắc bột poudre dagénan vào miệng mụt, băng lại, và hôm sau nữa là mụt khô, và tay bà lại liền như cũ, tôi giải thích tỉ mỉ cho bà ta, nhưng thật ra là cho chính tôi, cho chính cái mụt trong tâm hồn không ai chữa khỏi, không bao giờ lành, phải từ buổi chiều Chủ nhật tôi biết là không bao giờ lành. Như vậy thì có gì đau đớn, bà ta ngạc nhiên hỏi. Có chứ, đau ngấm ngầm, khi cái mụt cương mủ mà không có một chất thuốc nào nóng bỏng để dồn tất cả chất độc về một chỗ làm cho mụt bung vỡ ra một lần. Tôi biết là lợi dụng bà ta để nói với mình quá nhiều nên buông cánh tay bà ta, đi thoắt thoắt xuống hành lang qua bãi rác.

Trong sân, bọn lao công đã tụ tập đông đủ như thường lệ để chờ đi theo một soeur lấy rác, gồm những máu mủ dính trong từng đống bông băng, những chất nhầy không tên vung vãi giữa sàn nhà được chùi vào trong miếng giẻ rách, cùng tất cả những rác rê và các thức ăn, đồ dùng phế thải của nhà thương, và hốt lên chiếc xe đẩy nhỏ xíu hai bánh, có tay cầm, đẩy ra bãi rác. Thấy tôi có người hỏi sao soeur Albertine không ra, tôi nói tôi thay thế hôm nay cho bà ấy, nhưng để tôi làm một mình được rồi mấy người nghỉ đi. Họ nói hơn mười xe rác, nhiều lắm không làm nổi một mình đâu. Tôi định nói là hãy để cho tôi, tôi cần làm như vậy, nhưng yên lặng gạt mấy người phu đàn bà đi thẳng vào nhà bệnh. Bác sĩ đi tạt ngang qua bảo tôi, cô mang băng miệng vào đi, dãy này bệnh nặng, tôi nói không sao đâu, tôi cũng bệnh nặng mà, bác sĩ trố mắt nhìn tôi, và tôi tinh nghịch nhìn đăm đăm ông thầy thuốc trẻ cố quên ba năm nhà tập, ông cũng bệnh nặng lắm mà không biết đấy.

Bỗng dưng tôi choáng váng trong một cơn vui bất ngờ, huyên náo và cúi rạp mình xuống những gậm giường, những ngõ ngách hôi hám tanh tưởi của nhà bệnh, lùa hết tất cả những thứ dơ bẩn trong thùng, bê ra xe, đẩy phăng phăng qua khoảng sân la liệt những người què quặt, nheo nhóc, những lũ trẻ ngồi chờ phát thực phẩm, qua nhà xác, ra bãi rác lúc nhúc những ruồi xanh, trùn và sâu đất. Mùi hôi thối xông lên ngạt thở đến buồn nôn. Tôi giơ cao càng xe để trút tất cả những mảng rác bẩn ghê rợn xuống cỏ ướt. Một vài miếng gòn nhăn nhúm dính thuốc và máu bầm còn vướng lại trong xe. Tôi xắn tay áo nhặt những thứ ghê gớm đó vứt ra bãi rác, và trong phút giây tôi bỗng lặng người nhớ đến khuôn mặt rỡ ràng của Trí buổi chiều Chủ nhật vừa qua, đến những ngày cần mẩn thử thách ở nhà tập, nhớ đến sự kiên nhẫn lặng thinh những lần các bà phước bắt ra sân nhổ cỏ cú, trồng lại cho ngay hàng, nhổ đi và trồng lại bốn năm lần trong một ngày dưới nắng. Mồ hôi vã xuống má xuống cổ tôi. Mặt trời nồng nàn chiếu xuống, những vách tường vôi trắng cao ngất quanh nhà trại sáng lên bỡ ngỡ. Và trời, trời như một ngày nào trẻ thơ có Trí cao vút mênh mông trên đầu tôi, như một trang trải tuyệt vời của mộng mơ và tình tự. Tôi buông xe, đứng ngẩn người nhìn trời, mỗi lúc một choáng váng say ngây trong sóng nắng lớp lớp dâng lên ngập lụt người tôi và Trí lại trở về, cùng với tiếng về râm ẩn mùa hạ nào xa lắc, bến sông im trong buổi chiều tím, và những bông hoa huệ trắng nõn trong vườn đêm về quê thăm Trí. Tôi không muốn nhắc những ngày xưa cũ đó. Những ngày đã qua, những ngày đã chết. Trí đã qua, và Trí cũng đã chết trong đời tôi. Nhưng tôi đã tình cờ gặp lại Trí, gặp lại tôi, gặp lại nỗi xôn xao trong sáng đầu đời. Chúng tôi cách nhau một hàng dài những vòng hoa đã kết lấp lánh từng quả bóng xanh đỏ. Hình như có một thứ váng sáp đóng cứng trên khuôn mặt tôi trong khoảnh khắc tình cờ đầu tiên, và cái váng sáp một lúc lâu nứt nẻ, vỡ ra, rơi xuống và cũng đến đó, Trí nhìn thấy tôi, nhìn thấy Phượng của những ngày chung học ở quê nhà. Trí. Tiếng gọi bật lên đầu môi, và âm vang của tiếng gọi ngân dài trong lòng tôi những ngày có Trí xa rồi.

"Bây giờ Phượng ra sao?" Trí hỏi.

"Ra sao là ra sao?"

"Nghĩa là mình muốn hỏi về tình trạng hiện tại của Phượng, giữa chúng mình như có một khoảng cách thật mênh mông và mình khó dùng ngôn ngữ thế giới mình để hỏi thăm chuyện trong thế giới Phượng mà khỏi phiền lòng Phượng. Nhưng có một điều mình muốn hỏi Phượng là vì sao năm ngoái mình trông thấy Phượng trên xe hàng, Phượng giấu mặt đi không cho mình nhìn thấy".

Tôi lặng người. Chuyến xe hàng đi Biên Hoà buổi đó. Hai con mắt Trí đăm đăm trên kia vành nón tôi nghiêng che cái cổ áo vải thô, cái áo tôi đã cố hoá trang cho bình thường khi đi thăm một người bà con dưới ấy đau nặng. Tôi lẩn tránh Trí, lẩn tránh thật trôi về trên bờ tim dào dạt thủy triều, là bởi tôi không chắc chắn gì con đường đi và chính những bước chân mình ngập ngừng trên đó. Tôi chỉ có thể đến đích nếu dứt lìa, xa cách hẳn mọi tương giao, không bao giờ thấy một le lói ánh sáng nào của đời sống. Nhưng mọi sự chỉ là một thử thách cay nghiệt, và tôi chỉ là một con chim sâu trên một bờ rào vướng vít tơ hồng, hót và sợ mình nghe thấy tiếng, sẵn sàng lao vút vào khoảng không, sẵn sàng sa xuống một cửa lồng son êm ái. Tôi nói sao với Trí. Tôi tránh Tố Như bởi vì tôi muốn nhìn thấy Trí. Chỉ vậy thôi.

"Phượng mua hoa cho ai?" Trí hỏi.

"Cho một bà phước mới chết".

"Mình muốn mua hoa cho Phượng".

"Ở đây làm gì có hoa lilas".

"Phượng vẫn còn thích hoa lilas?"

"Nhắc vậy thôi, mình không còn quyền thích cái gì cả. Không biết ở nhà bây giờ lilas còn nở thơm không. Câu hát nào dội lên trong lòng tôi đông giá ba năm trời, tay trong tay chúng ta về quê hương cũ… Tôi đã từng nghĩ vậy ngày xưa, lần đầu tiên hai đứa không còn cách nhau bên này bên kia hàng rào vườn cây, mà hai phương trời chia lìa, mỗi đứa theo học một phương, cùng mong một ngày đưa nhau về nhà cũ. Mọi ước mong thật đã xa mù xa tắp rồi, và Trí đã khác, tôi đã khác, cuộc đời cũng đã khác xưa. Bỗng dưng tôi lạnh ở hai vai, lạnh khắp châu thân, bỏ Trí đứng ngẩn ngơ, băng mình qua đường, băng mình qua biển lớn lòng tôi dạt dào sóng dội và khắp trời chiều Chủ nhật tôi chỉ còn nhìn thấy bóng dáng tôi áo đen, như một cánh dơi khổng lồ sa xuống thấp, thấp mãi trên những ghềnh đá cheo leo, thấp xuống mãi trên những bến sương mù vọng ngân tiếng chuông nhà thờ đổ dồn thúc bách, và tiếng chuông dứt nối rạc rời của buổi lễ cầu hồn ru tôi trong giấc ngủ nghìn thu lạnh lẽo. Trí ơi, Trí ơi, tôi gọi tuổi nhỏ xa xanh trôi xuôi thời gian trùng điệp, Trí ơi, Trí ơi.

*


Lại tiếng kêu gào inh ỏi dưới bếp. Mụ điên lại thọc tay bẩn vào các nồi thức ăn của người khác. Ngày nào cũng đúng ba lần như thế. Nếu mụ ta điên thật để tôi góp nhặt bằng cớ đưa lên bà Nhất thì mọi chuyện đã trở nên dễ dàng. Nhưng không điên, mụ ta còn làm kẻ khác điên đầu hơn bị một người điên chính cống quấy rầy, và theo những lời báo cáo, có hôm bà Nhất, giám đốc cơ sở từ thiện này đã đến thăm, nhưng trước mặt bà, mụ điên khôn ngoan tỏ ra bình thường lễ phép. Tôi điên đầu hơn ai cả, bởi mọi chuyện ở đây, tôi đều phải giải quyết, thay mặt bà Nhất, và mọi người trong nhà bất cứ xảy ra chuyện gì cũng níu lấy tôi đòi xử kiện. Hàng trăm thứ để xử kiện trong một ngày. Nào người nọ giặt áo quần ngay trong phòng. Nào người kia đến phiên không làm vệ sinh. Nào kẻ khác ăn cắp xà phòng và than đỏ trong lò của người bên cạnh. Nhưng phiền phức nhất là những vấn đề xung quanh mụ điên. Suốt ngày mụ ta ngồi lê lết ngoài sân, ngay cửa ra vào, nói lảm nhảm không ngừng nghỉ, chờ có ai đi vào đi ra là níu lấy ống quần kéo xuống doạ dẫm, cho tao tiền đi, không tao kéo. Không có ai bị kéo, mặc dù không ai nạp tiền mãi lộ cho mụ, nhưng đều lo nơm nớp. Nhưng đến ai ăn cái gì thì mụ ta không tha. Nếu không cho, thế nào mụ ta cũng đánh đổ. Cho không đủ cũng vậy. Nhưng ai cũng ghét vì mụ quá tham lam và không ai muốn cho. Nên mỗi bữa ăn, mụ ta rình thế nào cho được để quậy cả bàn tay bám đầy cáu ghét và mũi dãi vào trong phần ăn của người khác. Cứ thế và rồi cả nhà này cùng đói. Và người ta quật mụ điên xuống. Mụ chống chọi kịch liệt. Cả nhà huyên náo lên. Tôi so sánh những giờ cầu kinh, những đêm lặng lẽ ở viện với sinh hoạt trong nhà này, và phân vân, bên tám lượng bên nửa cân, tôi không biết cho bên nào hơn cả. Dù sao thì tôi vẫn còn một triển hạn ngắn ngủi để thử thách một lần cuối cùng, theo chỉ thị của bà Nhất, ở lại nhà này trông coi đám người ở trọ nghèo nàn này và trong thời gian còn lại phải dứt khoát chọn lựa con đường sẽ tới. Sau một ngày thắng mình, thắng đám đông ồn ào trong nhà, tôi kiệt sức buổi tối, trở nên ích kỷ và hèn nhát, trốn tất cả mọi người, đuổi tất cả đi chơi, một mình chiếm hết căn nhà rộng có khung cửa sổ lớn mở ra vườn đêm ngát mùi trái chín và nhang thơm của nhà láng giềng. Có một cái gì kéo tôi lại cửa sổ, đứng lại ở đó hàng giờ không biết mỏi. Ban đêm, nhìn xuyên qua bóng tối của vườn cây, tôi thấy nhấp nháy một ánh đèn của một khung cửa mở xa lắc bên kia. Mãi rồi một buổi sáng tôi nhìn sang và thấy hắn, đứa con trai. Trong khoảng cách cố định đó, tôi bỗng dưng cảm thấy, trong một phút giây nào đó, hắn có mái tóc giống Trí. Cũng trẻ và vui như Trí năm năm về trước. Thật tình tôi chú ý đến hắn chỉ vì vậy, thật chỉ vì vậy thôi. Dần dần, hắn trở thành một con dã nhơn ngộ nghĩnh trong chuồng sở thú, và tôi một kẻ ở ngoài, nhìn qua để giải buồn vơ vẩn. Một hôm tôi thấy hắn cười, vô nghĩa. Tôi bỗng cảm thấy như bị trêu chọc, mạ lị, và bực tức quay vào, khép cửa. Nhưng rồi tôi hối hận đã cho nó thấy tôi đóng cửa, tức là thấy hắn và tỏ thái độ với hắn. Tôi đi trở ra, mở bung cửa. Hắn vẫn còn đó, nhăn răng cười, tay cầm một khúc bánh mì. Hắn gật đầu và đưa bánh lên miệng. Tôi tức lộn ruột nhưng đồng thời, cảm thấy một thoáng gió mát luồn vào trong tóc. Nắng buổi trưa đầu mùa khô sáng lóng lánh trên những tàng lá dày xanh sậm. Cây đào ở cuối vườn nhú lên từng chòm trái non. Bóng dáng mùa xuân phất phơ trong hơi thơm nồng nàn của nắng lá. Tôi cảm thấy mình chớp nhẹ hai hàng mi, và trên môi tôi, đứa con gái ngày xưa trở về, cười rạng rỡ. Tôi dúi đầu vào song cửa, tôi gọi, Trí, Trí ơi, Trí.

Buổi chiều tôi chạy trốn tiếng ồn ào dưới bếp, bỏ đám người đánh lộn quật nhau túi bụi tôi đi ra đường, không biết đi đâu, lòng hoang mang và trí bất định. Bỗng muốn có một người nào trói chặt chân tay mình lại đánh cho một trận nhừ tử. Rồi sau đó tôi sẽ tỉnh hẳn, sẽ dứt khoát mọi điều. Nhưng không ai đánh đập tôi, không ai biết đến tôi đang chơ vơ lạc lõng như thế này cả. Và tôi đã nương nhờ đám đông lặng lẽ bằng cách lên xe buýt ngoài đường. Cái đám đông lặng lẽ và di chuyển, tôi nghĩ an ủi và ngồi xuống chỗ trống sau cùng. Xe chạy một quãng tôi bỗng cảm thấy có người chạy theo xe và bám vào cửa, nhảy vào trong, và một chiếc lá rơi vào trong tay tôi. Một chiếc lá xanh, với hàng chữ lờ mờ ghi vội, ra gặp tôi không, ở cửa rạp Eden, người cầm chiếc lá. Hắn biến mất ở đàng mũi xe và nhảy xuống ở một trạm gần. Tôi choáng người sợ hãi nhìn hai bên. Không ai nhìn tôi cả. Nhưng tôi thấy rõ như đang đối diện, hai con mắt trong veo của bà Nhất, với cảm giác của dấu tay bà quệt nét thánh giá lên trán tôi hôm nào. Xe ra đến phố. Tôi cuống quít, tôi dở gương soi. Tôi đưa năm ngón tay run cào mớ tóc. Rồi như kẻ mất hồn, tôi nhảy xuống một trạm ngừng, đi ngược đường, cố nghĩ là không đi tới đâu, nhưng tôi đang đi ngược từ chợ Sài Gòn lên Lê Lợi, quẹo qua Tự Do. Và tôi hoảng kinh thấy mình đi về phía rạp Eden.

Tôi dừng lại rất lâu trước một cửa hàng lớn và nhìn bóng mình lờ mờ in vào tủ kính. Không hiểu vì sao tôi đã đến. Một cách thành thực, không vì một lý do nào thúc đẩy cả, ngay một chút tò mò cũng không. Trong những lúc đứng nhìn qua khu vườn cây từ khung cửa sổ, tôi tự hỏi nếu mình quen hắn, hắn sẽ là cái dây nối tôi với cuộc đời bấy lâu cách xa ngoài đó. Nhưng rồi tôi sẽ cảm thấy gì. Điều quan trọng là tôi có thực tâm cảm thấy gì không. Hay con người tôi đã là một tử tế bào vô ích trước tất cả các cuộc thử thách, thí nghiệm. Mơ hồ, tôi nghĩ đến Trí. Hay là tôi đến đây là vì nghĩ đến Trí. Trí ở đâu xa rồi, mất rồi và hắn thì giống Trí. Tôi đang tìm đến tôi hay đang chạy trốn khỏi tôi khi bước chân tới nơi người cầm chiếc lá đợi chờ.

Tôi hạ tầm mắt để không phải nhìn một khuôn mặt nào cả đến hắn. Tôi muốn tưởng tượng hắn theo cách tôi nghĩ và gạt hắn thật xa ra khỏi tầm tay tôi, như Trí, như những người chưa bao giờ tới trong đời con gái tôi. Tôi nhận ra chiếc lá ở một bàn tay buông thõng, gần chỗ lấy vé.

Giọng người lạ:

"Trông cô khác hẳn người trong khung cửa sổ. Tôi cứ tưởng là cô khinh bỉ và hiểu lầm tôi, không đến đây bao giờ. Điều tôi sợ nhất là bị cô nghĩ lầm về ý định của tôi. Thật ra tôi, tôi… tôi không có một chỗ nào thiêng liêng yên tĩnh và ngôn ngữ nào thích hợp để nói với cô những điều muốn nói. Đáng lẽ tôi không nên xin gặp cô như thế, tôi muốn nuôi một vẻ đẹp nào đó hơn là… nhưng mà tự nhiên khi thấy cô đi ra tôi bỗng tung cửa chạy theo. Mong cô hiểu là tôi không cố ý xếp đặt như thế này. Và thật ra thì tôi cũng không đủ can đảm mời cô vào trong ấy, nhưng thật không có một chỗ nào yên tĩnh để nói chuyện cho bằng rạp hát cả".

Những ý nghĩ trước đó một phút về hắn của tôi tiêu tan đi hết, nhường chỗ cho một cảm xúc dễ dàng bình tĩnh.

"Cô thường đi xem hát không?"

"Không, đã hơn ba năm nay".

"Hơn ba năm mà không vào rạp chiếu bóng một lần nào cả sao?"

"Anh không biết gì về tôi cả sao?"

"Một hôm tôi bỗng nhìn thấy cô nơi khung cửa sổ".

"Tôi tập đi tu, bị phạt đến săn sóc đám người đó, vì đã xao lãng bổn phận".

"Tôi không tin".

"Cái gì làm anh không tin?"

"Nụ cười của cô".
"Tôi cười, tôi có cười thật sao?"

"Tôi vẫn thấy cô cười với Trời ở khung cửa sổ".

Tôi nhắm hai mắt choáng váng trong cơn say không tên mênh mang hai con mắt màu xám của bà Nhất xoá nhoà mờ mịt.

Như trong chiêm bao, tôi theo hắn lên những bậc cầu thang, đi lên cảm giác bồng bềnh xa lạ chưa một lần tìm thấy. Ánh sáng hồng vừa tắt trong rạp khi tôi tìm thấy chỗ ngồi mình.

"Chiều nay cô đi đâu vậy?" Hắn hỏi.

"Đi tìm xem tôi như thế nào".

"Cô thế nào bây giờ?"

"Nếu bây giờ không chỉ có nghĩa là phút giây này mà thời gian thường trực, thì tôi nửa thiên thần nửa quái vật".

Tôi thoáng thấy hắn mỉm cười trong bóng tối, và những ngón tay hắn bứt rứt xoa xoa trên thành ghế.

Tôi không muốn nữa điều tôi vừa chợt muốn. Tôi biết là tôi thành thật, nhưng nói ra, tôi tiếc, thật tiếc, với hắn hay bất kỳ ai cũng vậy. Tại sao ta cứ làm hoen ố tâm hồn mình bằng những lời nói ra với những con người không bao giờ, không bao giờ cùng chung với ta một bờ đất sống. Bây giờ hắn biến thành một người khác, một đứa con trai mời một người con gái. Hoặc tệ hơn, tìm cách rủ rê một đứa con gái vào rạp chiếu bóng. Điều làm cho tôi có thể xao động, không phải hắn, không phải chiếc lá hắn gửi vào tay mà khuôn mặt con người ở hắn tôi nhìn qua một khoảng vườn cây. Hắn hiện hình là đời sống trong lúc tôi trong này cửa hẹp bỗng dưng nhớ nhung đời sống thênh thang bên ngoài, đặt cho mình dấu hỏi đầu tiên và cuối cùng để dứt khoát. Bây giờ bóng tối gờn gợn xung quanh, cùng với hơi thở nồng, nhạt thơm mùi không tên của máy lạnh, vì cuộc biến động âm thầm cho mỗi đời người chỉ gần gũi tấc gang. Nhưng tôi nhìn thấy tôi rồi. Dửng dưng, ráo hoảnh. Tất cả những lung lay xao xuyến trong đáy lòng một phút trước chỉ là ảo giác, như một bóng ma lây lất để thử thách can đảm tôi giữa bóng tối mênh mang đời sống. Tưởng tượng nếu tôi nghiêng người qua bên kia một thoáng tích tắc đồng hồ thôi. Tưởng tượng không có một ý nghĩ, một phán xét nào ngăn cản cả, tôi tự do và dứt khoát hẳn với tất cả mọi ràng buộc, tôi sẽ đi tìm gì cho tôi. Gian phòng bít kín. Những con đường thành phố rộn ràng. Những con mắt phù thủy nhìn nhau. Và những mong muốn âm thầm. Tôi không cảm thấy gì hết, chẳng phải là chai đá, nhưng tất cả đối với tôi lạ lùng và cách biệt đến ghê tởm. Nhưng tôi đã đến. Mẹ Nhất đã chẳng cho tôi tự chọn một lần thử thách dứt khoát với con đường mình sao? Cánh tay hắn trên bành ghế trong bóng tối lờ mờ bỗng vờn lên hình ảnh của bức tường hành lang nhà nguyện. Tôi ngơ ngác không biết tôi-ở-đó bây giờ đi đâu. Tôi nhớ tôi. Ý nghĩ bỗng vươn lên như một mầm đậu non đã đến ngày quấn đọt mềm vào cành khô gần gũi. Tất cả thật đã quen thuộc, như từng hình ảnh, từng cử chỉ nhỏ ở đó đã mọc rễ vào tâm hồn, số kiếp tôi, đến nỗi, dù nhọc nhằn, dù héo hon, dù bỏ quên đi tất cả những mùa xuân con gái, nhưng xa đi, tách rời, hay nghĩ rằng rồi để dứt khoát với đời sống đó, tôi rùng mình lạnh giá hai vai. Tôi đã đi từ một bức tượng thần linh vào nhập lốt của một con quái vật. Tôi đang đi tìm mũi nhọn để đâm chết con quái vật, thoát xa khỏi nó để trở về dâng hiến linh hồn cho bức tượng thần linh đây. Hắn là gì bên cạnh tôi? Có phi con người không? Không. Chẳng ai là con người cả. Ngồi mãi đây rồi tôi cũng như những kẻ xung quanh. Hình như ngoài kia chiều dần xuống. Tôi nghe vang vang trong hồn tiếng chuông nhà thờ đổ khúc ăn năn. Tôi đứng lên đột ngột khi phim bắt đầu. Lúc này tôi không thể biết tiếng chuông ăn năn vì ánh mắt xanh xám của bà Nhất hay môi Trí cười buổi chiều Chủ nhật nào đã xa.

Nghĩ là đám con trai đã tản ra nhường lối cho tôi bước tới. Nhưng không, chúng nó càng tụ lại gần nhau thành một khối di chuyển theo tôi ở mỗi bước chân ngập ngừng. Tôi nóng bừng cả mặt nhìn xuống màu áo mình xanh nhạt, cái áo cũ từ bốn năm nay bỏ quên trong đáy va-li gởi ở nhà một người bà con, may bằng thứ hàng láng và mỏng, bây giờ đã lỗi thời, nhìn xuống mũi giày màu bạc óng ánh lấp ló dưới ống quần xa-tanh cũng láng mướt, mọi thứ diễn tả một sự đỏm dáng khác thường gượng gạo trơ trẽn, diễn tả đúng quảng đời ngắn ngủi nửa vời tôi bước tới hôm nay. Và tôi lạnh người nhận ra danh từ xác định đúng tình trạng của mình hiện tại: tu xuất. Tu xuất. Là danh từ ngày xưa đi học tụi bạn thường tinh nghịch tàn nhẫn gọi và trêu chọc những đứa nào trong lớp có vẻ khờ khao, thật thà đến đờ đẫn, quê mùa. Bây giờ tôi đúng là tu xuất, một con tu xuất. Và con tu xuất đang mặc áo quần chải chuốt, mặt mày trang điểm tỉ mỉ, đi tìm nhà một người con trai. Thật như thế sao? Con đường tôi đang đi đây đưa tới một người con trai sao? Cái đám đông tinh quái chờ cho tôi đến thật gần, không còn lối thoát mới dạt sang hai bên, chỉ chừa một lối nhỏ cho tôi qua lọt. Tiếng nói chúng rát bỏng hai bên má. Chắc đi tìm đứa nào, dám là thằng Trí. Tiếng một đứa khác, bồ thằng Trí đâu mà bệt quá vậy, thằng đó chỉ toàn những em ca-nhe ca sĩ đến thăm. Tôi nhắm mắt đi qua khỏi những lời rắn độc của chúng, Trí chúng nó nói không phải là Trí của mình. Tôi an ủi, nhưng đồng thời, hình ảnh buổi chiều ở rạp chiếu bóng đi ra, sau khi chạy trốn người con trai hò hẹn, buổi chiều lá me bay dưới trời gió trở, ào trên vỉa hè bỗng tới tấp bay và Trí đi qua bên kia bờ đường trong cơn gió lốc hồn tôi, với một người con gái đẹp. Tôi vò nát tờ giấy chương trình rạp chiếu bóng trong tay, hai mắt mịt mờ như nhìn vào khói toả, nghiêng người đi lảng sang bờ đường bên kia. Một thoáng tôi nghe có tiếng người con gái hỏi, xin lỗi, chị có phải là chị Phượng, anh Trí muốn gặp chị. Tôi sững người, lòng đau quắt một giây và hỏi ngớ ngẩn, Trí đi với cô, sao còn gặp tôi làm gì. Người con gái nói, tôi chỉ là bạn qua đường vậy thôi, nếu chị buồn tôi sẵn sàng nhường lại Trí, tôi thì không thiếu gì bạn, chị đừng lo cho tôi. Người con gái định bỏ đi, nhưng Trí đã đến và níu cánh tay người con gái. Hai người thoáng nhìn nhau. Tôi đọc thấy trong đáy mắt hai người lời hẹn hò lâu dài thầm kín và nóng bỏng. Như họ đã qua gần gũi quen thuộc, chỉ cần một khoé mắt nhìn cũng đủ sống trọn vẹn những khắc giây đắm đuối của đời người. Trí hỏi, bây giờ Phượng trở về đời rồi sao. Tôi ấp úng với dòng nước mắt trong lòng, không biết nữa, nhưng chiều nay thì trở về đời. Câu nói tôi vang ngân lên một niềm xót xa thương tiếc nào đó làm cho nét mặt Trí bỗng buồn hẳn đi, mình đã tìm Phượng bao nhiêu lần trong những năm qua nhưng không gặp được nhau. Tôi định nói, phải tìm không gặp nên chi Trí đã bỏ cuộc. Nhưng tôi đã cảm nhận ra mình hoàn toàn vô lý, sự vô lý đáng thương của kẻ thua cuộc thiệt thòi. Trí nhìn người con gái rồi nhìn tôi bối rối, Phượng đi chơi với bọn mình không. Tôi nói dối để giúp cho Trí lối thoát, bằng một giọng cao như kiêu hãnh mà thật ra để trám kín nỗi nghẹn ngào, không được đâu, mình có hẹn, hai người đi chơi cho trọn buổi chiều đi. Bỗng Trí đưa tay ra bắt tôi, từ biệt. Tôi choáng người trong cơn đau đớn bất ngờ, tức tủi lẫn với một nỗi xao xuyến thương đau không cùng tưởng ngập lụt bầu trời cao xa trên ấy. Bàn tay tôi chết ngất phút giây trong tay Trí. Cơn chết ngất ru hồn về những mùa tàn thu cũ, con đường ẩm ướt bờ sương và hàng cây long não lá xanh ngời giao nhau trên trời mờ đục. Cuộc rước đuốc tưng bừng nửa đêm và Trí đến thăm bất ngờ cùng với cơn gió lạnh sắt se tuổi học trò mười sáu bâng khuâng. Lúc ra về Trí cũng đã bắt tay tôi, tay tôi cũng đã từng chết ngất trong tay Trí cùng với nỗi rung động thanh khiết thơ ngây đầu đời. Bây giờ tay Trí lạnh băng. Như giữa chúng tôi đã xây lên một bức tường thép đúc. Và bức tường xua đuổi chúng tôi ra xa nhau, mỗi người một nơi, tuyệt mù tăm tích từ đây. Tôi buông tay Trí đi mau qua bên kia đường, nhưng qua bên kia đường tôi vẫn còn quay lại nhà Trí. Tay Trí vòng qua lưng người con gái. Và bóng họ chìm trong sóng người của phố chiều chập choạng đèn giăng.

Tôi nằm lì ở xó nhà người bà con từ buổi ấy nung nấu với ý nghĩ đi tìm gặp Trí. Bởi tôi nghĩ nếu gặp nhau riêng tư, Trí sẽ trở về là Trí ngày xưa. Và Trí của buổi chiều ngoài phố chỉ là nhân vật của một màn kịch ngắn. Màn đã hạ xuống và tôi sẽ tìm thấy Trí, vẫn là của tôi sau hậu trường. Cho nên bây giờ mình đi tìm Trí đây Trí ơi. Tôi dừng chân trước một căn nhà có cây trứng cá đọc bảng số. Không phải số nhà Trí. Bỗng nhiên tôi cầu khẩn con đường còn dài ra mãi, dài mãi cho tôi nuôi dưỡng dài lâu ảo tưởng bồng bềnh về mối liên lạc mơ hồ giữa Trí và tôi. nhưng một lũ trẻ con ló đầu ra khỏi khung cửa xanh và tôi nhận ra trên từng nét mặt tươi cười dấu hiệu quen thuộc của Trí. Tôi hỏi một đứa, phải nhà Trí đây không em. Nó chạy tuốt vào trong, chú Trí ơi người ta hỏi kìa. Tôi cắn môi ngăn một tiếng khóc không hiểu nguyên do bỗng bật lên. Nhưng rồi Trí đó, Trí trong khung cửa xanh của những mùa xuân con gái tôi bây giờ tìm đến viếng thăm.

"A Phượng!"

Ơi tiếng reo vui của những ngày đi học ngày xưa mỗi lần đến thăm nhau. Ơi tiếng reo vui của những mùa hè hoa lilas tím ngát sau vườn khói. Ơi tiếng reo vui bây giờ đã thật sự tan chìm như bọt sóng trên bờ thời gian mịt mù hai đứa nhìn nhau.

"Tưởng là Phượng giận mình và không bao giờ còn gặp nhau".

Trong chữ nhau ngọt ngào, tôi nghe lại từng mùa xuân pháo đỏ ngập đường, những ngày khai giảng nhìn nhau bên này bên kia khung sân trường biển rộng mênh mông, những đêm họp bạn lửa cháy bập bùng, và chúng tôi đi với nhau, một quãng đường mong manh từ sân cỏ ra cửa thường, đủ thắp sáng mộng mơ trong tâm hồn và bâng khuâng trong trái tim. Tôi mỉm cười. Mỉm cười lại từ bao nhiêu năm nay hon héo môi khô. Và bằng lòng mình đã đến. "Vào trong này đi Phượng", Trí nói. Tôi bước qua khung cửa xanh, vào phòng khách rộng trải thảm màu vàng cam và ngồi xuống một ghế nệm nhung cũng màu cam. Chúng tôi cách nhau một mặt bàn vuông phủ ren trắng, với một khóm oeillet trắng nõn trong lọ thủy tinh thấp. Trí giới thiệu khung cảnh, nhà này của anh chị mình đó, mình ở nhờ, cũng định đi chỗ khác thích hơn. Tôi nói Trí sắp đi ở riêng sao. Trí nghịch ngợm, ở riêng với ma. Tôi nhìn ánh nắng xuyên qua khung cửa nhỏ, và bóng tàng cây trứng cá rung rinh in hình vào bức tường trắng trước mặt, nói vẩn vơ, hôm nay trời thật đẹp, như trời tháng ba ở ngoài Huế. Câu nói bỗng tròng trành trong lòng tôi chuyến đò sương buổi chiều tan học, khung trời tím trên đầu, và nỗi vui xôn xao vừa nhìn thấy Trí thoáng qua bên kia bờ đường học trò tấp nập. Trí nói, có lẽ mình nên đi chơi một vòng để tìm lại trời Huế ngày xưa. Tôi cúi đầu chớp mắt. Bỗng Trí hỏi, năm nay Phượng bao nhiêu tuổi rồi. Tôi đáp nhỏ hai mươi mốt. Trí nói, như vậy chúng mình đều còn quá nhiều thời giờ để bắt đầu lại. Tôi cười buồn, chỉ mình mới bắt đầu lại, còn Trí thì việc gì đâu, chỉ là tiếp tục. Trí bỗng thoáng nhìn tôi, rồi nhìn lâu, trong hai mắt trong sáng của người con trai, tôi tìm thấy những năm tháng bỏ quên của nằm chết lạnh lùng.

Chúng tôi đi ra đường bằng một lối khác con đường tôi tìm đến. Ánh sáng bây giờ lên cao, và ai bên đường, những cây trứng cá tỉa những tàng bóng mát xuống bước chân đi chúng tôi ngập ngừng tìm kiếm thời gian đã mất.

"Bây giờ mình đi đâu Trí?"

"Tìm một chỗ nào không có người quen, không có không khí của Sài Gòn".

Ngồi bên Trí trong xe tắc-xi, cảm giác lạ lùng bỡ ngỡ trở về, như lúc ngồi trong rạp hát với đứa con trai lạ. Bây giờ tôi muốn nhìn thấy lòng sông, bóng cây xanh trên bờ, khung trời ngói nâu, buổi chiều tan học. Muốn nhìn thấy Trí, muốn nhìn thấy tôi, thấy Trí đúng hình ảnh và suy nghĩ ngày xưa. Nhưng tôi lạ tôi, Trí lạ tôi, trên nụ cười như nở thắm cho những niềm vui xa lạ nào khác, trên hai gò má bây giờ chớm hốc hác hình ảnh của những đêm đen nào tối tăm lầy lụa. Một thoáng, tôi thấy lờ mờ qua hàng dây thép giăng trên cao cắt trời thành những tảng xanh dài gầy gò song song thẳng tắp hai con mắt xanh xám của bà Nhất, và cái nhìn buồn bã bây giờ lặng lẽ oán trách, lẫn với một thoáng kêu gọi não nùng. Bỗng tôi nhớ không khí trang nghiêm quen thuộc của nhà nguyện lúc năm giờ sáng, ánh đèn vàng lặng lẽ lan trải trên những bờ vai áo trắng im lìm như tượng đá, và tiếng cầu kinh thanh thoát, đều đều như một điệp khúc xa xăm hư ảo. Tôi bỗng muốn biết những gì đã xảy ra từ ngày tôi bỏ đi. Muốn biết bà Nhất dành cho tôi những hình phạt nào. Tiếng Trí nóng bỏng như hơi ấm của lò sưởi gần:

"Phượng nghĩ gì vậy?"

"Đến nhà tu và bỗng muốn trở về".

"Nhưng sao lại còn đến thăm mình?"

"Không biết, mình muốn nhìn lại Trí lần cuối cùng".

"Làm như sắp chết đi".

"Biết đâu. Chết đi ở đời này để sống trở lại ở một đời khác".

Ngoài kia, con đường nhựa thênh thang thẳng tắp kéo dài về một chân trời hồng thắm. Xe qua những quãng phố xá đông đảo, những cửa hàng rực rỡ màu sắc. Lác đác một vài tiếng nổ bất ngờ, khô và ngắn. Gì vậy Trí? Tôi hỏi. Trí nghiêng vai qua tôi nhìn ra mũi xe, pháo trẻ con đốt sớm đây, sắp Tết rồi, làm thế nào để Tết này chúng mình cùng đi chơi thật vui với nhau. Tôi cười buồn trong gương chiếu hậu, đối với mình hôm nay đã là Tết, ngày Tết cuối cùng.

Hình như xe dừng gần một ngã tư đèn đỏ, tiếng Trí bảo dừng xe, và tôi đi trong chiêm bao theo Trí xuống bờ đường rực nắng. Ánh sáng chói chang của ngày gần đứng bóng làm tôi cảm thấy cách xa cả cuộc đời, Trí, con đường và cả chính tôi. Chúng tôi đi mải miết, từ đường này qua sang đường khác, và khi Trí nắm tay tôi, dẫn qua một con đường rộng, tôi bắt đầu ngà ngà say, và tôi nói với Trí chúng mình nên trở về ngay thành phố.

Tôi đi thẳng xuống hàng hoa, tần ngần đứng lại nơi hôm nào gặp lại Trí lần đầu. Tôi cố hình dung lại hình ảnh lung linh ngọt ngào của ngày đó đã chết im lìm dưới đáy thời gian. Bây giờ chỉ còn lại dư vang buồn bã của một ngày lang thang trong nắng mùa xuân rạng ngời với Trí và cảm giác lờ mờ xót xa của khắc giây mong manh và muôn trùng trong rạp hát tối mờ, lạnh lẽo, khi tay Trí ngập ngừng tìm bàn tay tôi, áo Trí phảng phất mùi thơm nồng nàn ảo diệu của hoa huệ trắng đêm trăng nào trong vườn xưa, hương thơm hay chỉ là ảo giác của một đời xót thương quá khứ, hơi thở Trí ấm áp lạ lùng, rộn rã, và cuối cùng của một quãng đời con gái trắng trong là đôi môi ngọt ngào của Trí xuống mặt tôi nước mắt không tên lặng lẽ chảy dài. Tôi nói với Trí, cám ơn Trí về buổi sáng, về buổi chiều, về cả ngày hôm nay, bây giờ thì để cho mình về. Trí buồn lại giọng, mình biết thế nào rồi Phượng cũng trở về đó.

Tôi thong thả đi bộ ra trạm đón xe buýt chạy ngược ra xa thành phố. Chiều xuống thấp trên những đỉnh cây bắt đầu nhoà sương. Trời thoang thoảng lạnh phủ trùm xuống vai áo tôi gầy gò mỏng mảnh. Khi về đến cửa nhà nguyện trời tối hẳn. Tôi len lén ra ngả sau, vào phòng tối, trút bỏ tất cả áo quần của một ngày lang thang, mặc trở lại quần áo vải thô, rồi hấp tấp đi trở lên phòng bà Nhất. Tấm màn đen phủ xuống im lìm. Tôi lẩm nhẩm một bài kinh quen thuộc trong lúc chờ lệnh bà Nhất gọi vào cho lòng lắng dịu xuống. Nhưng sau lưng tôi, một bàn tay êm dịu nào đã phủ xuống, như là sóng đêm tẩy xoá vết bẩn trên mặt cát chiều hôm, và giọng bà Nhất đằm thắm dỗ dành, mẹ biết rồi con sẽ trở về.

"Nhưng con đã cắt ngắn mớ tóc rồi".

"Tóc con sẽ dài trở lại".

"Và lòng con cũng đã hoen ố rồi".

"Tiếng cầu kinh sẽ gột rửa cho con".

"Con không xứng đáng".

"Con tự biết là xứng đáng nên mới trở về. Bây giờ con hãy ra ngoài sân cỏ, mẹ vẫn để dành cho con tặng phẩm cuối cùng, mẹ đã cho đem phơi sương, vì biết là con sẽ trở về lúc trời tối".

Tôi thoăn thoắt ra hành lang, xuống thềm, ra sân. Ánh đèn từ bên kia dãy nhà nguyện hắt xuống sân cỏ một vệt trắng mờ hư ảo. Và trong vệt sáng lờ mờ tưởng như một dòng Ngân hà xa thẳm đi không bao giờ tới nơi, tôi trông thấy tấm áo chùng trắng trải thênh thang, hình ảnh tôi sấp mình chuộc lỗi dưới trời, và xung quanh, những tấm áo lót vải thô trắng nõn, những chiếc tất dài, cái mũ cùng tất cả những hành trang cần thiết tiễn đưa tôi lên cuộc đời sáng láng trên cao. Không phải là tôi trở về trong đêm nay đâu. Tôi ra đi. Vâng, mình sắp ra đi, đi thật xa để đừng bao giờ thấy nhau nữa Trí.
Nguồn: Cho những mùa xuân phai, tập truyện Nguyá»…n Thị Hoàng, bìa Nguyá»…n Trung, nguyệt san Văn Uyển xuất bản lần thứ nhất. In tại nhà in riêng của Văn Uyển, xong ngày 28 tháng 5 năm 1968. Ngoài ấn bản thường, có in riêng 50 cuốn trên giấy trắng mịn, dành riêng cho tác giả và nhà xuất bản. Tác giả giữ bản quyền. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.