trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 3021 bài
  1 - 20 / 3021 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
6.10.2008
Trần Thiện Huy

Vừa đây bài viết của ông Võ Tấn Phong có nhắc đến tên tôi và một bài viết cũng hơi lâu về trước; việc trả lời những bài viết như vậy thú thật là một nhiệm vụ làm cho tôi cảm thấy rất nản lòng, vì thời gian của mình và của độc giả lại bị phí phạm thêm vô ích.

Tôi được tác giả phong cho danh hiệu là “nhà Mac-xit” hay “Mac-xit Việt Nam”; danh vị đầu quả thật là một từ ngữ vô nghĩa, hệt như danh vị “nhà dân chủ” dạo này hay được dùng vậy. Chí ít thì người ta còn đoán được “nhà dân chủ” là một cách viết tốc ký cho “nhà đấu tranh vì dân chủ”, còn trường hợp của tôi thì không hiểu chính mình đang được gán ghép cho những tính cách và công dụng gì trong xã hội. Nếu nhà Maxist (xin lỗi vì tôi không quen kiểu viết phiên âm) tức là nhà lý luận hay nghiên cứu Marxist thì tôi tự xét là cả đời tôi chưa lần nào viết về chủ nghĩa Marx, và chẳng đóng góp được thêm dòng nào cho nó cả. Còn như muốn nói đến tôi là người theo đuôi chủ nghĩa Marx, thì nếu có đọc bài viết của tôi, tôi đã phủ nhận chuyện đó ngay từ đầu, và rõ ràng tôi không có việc gì phải chối nếu đó là sự thật, vì thời buổi này, nếu bảo rằng làm như thế sẽ thuyết phục độc giả tốt hơn, hay đỡ gây ác cảm từ các “nhà chống Marxist” thì đó thật là một suy nghĩ lạc quan đến thảm hại.

- Ông Võ Tấn Phong hình như không hiểu nổi, hoặc cố tình không hiểu, sự phân biệt mà tôi muốn đặt ra giữa phê phán một thực trạng lớn lao và phê phán cá nhân. Không ai chối là Marx không phê phán và đả kích chủ nghĩa tư bản – nếu không thì Marx còn làm gì khác nữa. Cái tôi muốn nói chính là Marx không lầm lẫn giữa trách nhiệm cá nhân với vấn đề xã hội. Ở chung quanh chúng ta, vào thời điểm này, người ta phê phán Marx rất dễ, vì cứ đem Gulag, đem thảm sát Mậu Thân, v.v. bày ra 1 đống giữa bàn là người đối diện hết còn đường cãi. Tôi thì đơn giản thấy rằng cách phê phán đó làm chúng ta nghèo nàn đi về mọi mặt, kể cả nghèo nàn bớt thời giờ và công sức bỏ ra để giải quyết những vấn đề mà theo lời các “nhà chống Marxist” họ đang cố tìm cách giải quyết như thay đổi thể chế “tư bản đỏ” (một sự trái khoáy của số phận, ông có nghĩ thế?) hiện nay.

Và để nói thêm nữa, tôi không hề bảo ở đâu trong bài viết rằng phê phán Marx là sai, hay không được phép. Trong khi ông Võ Tấn Phong có vẻ lại nghiễm nhiên cho rằng bất kể phê phán Marx bằng cách nào, sai hay đúng đi nữa, thì phê phán cái sự phê phán ấy nhất định là sai, và không được phép, vì thế đồng nghĩa với sự cố gắng duy trì thể chế chính trị Marxist. Tôi thiết nghĩ, cái mầm mống của sự áp đặt hay sự bịt miệng, sen-đầm chân lý đầy dẫy trong lịch sử tri thức xứ ta, xuất xứ từ lối suy nghĩ quen thuộc “một là ta, hai là nó” ấy, chứ chẳng cứ gì chế độ nào đâu. Hy vọng tương lai sẽ chứng minh tôi sai.

Dĩ nhiên, cách tách bạch giữa con người Marx với thể chế cộng sản – tức là cái thể chế độc đảng, chỉ đạo kinh tế, lý luận một chiều mà người ta gọi là “cộng sản” – của tôi chẳng có gì đảm bảo là đúng đắn. Tôi sẽ rất biết ơn nếu có ai đấy chỉ ra chỗ sai sót của nó, nhưng trong trường hợp này thì tôi hãy tạm giữ lòng biết ơn lại vậy.

Cũng xin nói thêm, để khỏi ai mất công trả lời – hay ít nhất, để chính tôi khỏi mất công phúc đáp – rằng chỉ nói “bao nhiêu oan khiên, bao nhiêu thảm hoạ đã do những người Marxist gây ra, vậy thì phải đả phá ngay từ xuất xứ, tức là từ Marx” cũng là một vấn đề tôi đã nêu ra trong bài viết của mình, nghĩa là cả sự độc đảng, cả kinh tế tập trung, cả áp đặt văn hóa, đều không hề xuất hiện trong những tác phẩm của Marx. Tôi xin hứa sẽ đọc rất kỹ và hồi đáp những câu trả lời chứng minh ngược lại, một cách thực chứng chứ không phải suy diễn, còn ngoài ra, xin phép cho tôi không lên tiếng thêm để tránh khỏi tạo ra những cuộc tranh cãi vô vị kéo dài.

Thứ hai, ông Võ Tấn Phong cho rằng tôi không hiểu rõ về chủ nghĩa tư bản lắm, qua việc nhắc đến Machiavelli. Tôi không biết ông hiểu Machiavelli như thế nào, nên chỉ tạm nói rằng ngày nay, môn khoa học chính trị ở Tây phương – vâng, ở Tây phương tư sản đấy ạ - khi lý luận về Machiavelli đã đẩy cách hiểu về ông này đi xa hơn rất nhiều khỏi cái quan niệm machiavellian thông dụng. Tôi không có quyền trách ông Võ Tấn Phong đã không chịu mất thời giờ đọc trước những câu tôi đã trả lời trong mục “Ý kiến ngắn”, nên xin cho ông biết rằng, trong khuôn khổ giới hạn không gian của mục này, tôi đã cố gắng cung cấp một vài trích dẫn để bảo vệ ý kiến của mình, trong khi các vị cười nhạo tôi không hiểu Machiavelli chẳng hề làm gì để biện minh cho cái quyền đó của họ.

Nói tóm lại, kinh nghiệm của tôi sau bài viết này là, trong những tiếng nói phản hồi, trừ có tác giả La Thành giữ được tác phong tranh luận, nếu không gọi là ôn hòa thì cũng thích đáng, mà tôi vẫn chưa kịp trả lời. Còn những vị còn lại, chỉ đọc lướt qua bài viết, bắt được mấy cái tên, vài câu chữ, là phản ứng ngay một cách rất bản năng, gần như theo phản xạ, theo kiểu “À, đã bắt được một tên cộng sản nằm vùng”. Thật vậy, cách đọc cẩu thả và quy chụp của nhiều vị làm cho tôi vô cùng kinh ngạc, và cứ phải lặp đi lặp lại rằng, xin quý vị đừng bắt tôi phải nhắc lại những gì tôi đã nói trong bài viết của mình. Còn những nhận xét về trình độ cũng như phẩm cách của các “nhà Marxist Việt Nam”, đặc biệt chỗ nào liên quan đến cá nhân tôi, như thích dạy dỗ người ta, như không thèm đọc đến nơi đến chốn, hay dối trá, tôi xin nhờ độc giả công bằng gửi đến đúng tay người nhận.