trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 497 bài
  1 - 20 / 497 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
8.10.2008
Nguyễn Thị Hoàng
Bóng lá hồn hoa
 1   2   3 
 
Bóng lá hồn hoa (tiếp theo)


Vừa mới vào đêm, sương đã xuống ướt hết những bờ cây bụi cỏ hai bên lối đi quanh quất xuống hồ. Tiếng côn trùng đệm nhạc vào khoảng tịch mịch buồn thiu và dâng lên trong tôi một chút buồn chưa bao giờ có. Tôi nói lời thứ nhất với nàng:

"Sao em lại tới đây? Tình cờ à?"

"Em gặp ông từ đầu không tình cờ thì không còn việc gì là tình cờ được cả. Em xin làm nô tì cho ông để được thấy ông, ông không bằng lòng, thì em đến làm đầy tớ nhà bà cô họ ông, chỉ cần được một năm, hay vài ba năm còn thấy ông tới đó một lần, thấy và được săn sóc cho ông còn hơn là bị nhìn lướt qua như nước đá mỗi khi thấy nhau giữa những bữa tiệc tùng, hội họp kia".

"Làm sao cô biết là tôi có bà cô họ?"

"Gì mà em không biết? Như em cũng biết là cô Quỳnh Mai đang yêu mê ông và nhà ấy sẵn sàng tậu cả cơ nghiệp cho ông. Có phải vì vậy mà ông tránh bỏ em hay không, em đã nói, em không dám đòi hỏi hay làm phiền gì hết, em chỉ xin được yêu ông, trong xa cách, và chỉ thỉnh thoảng được nhìn thấy ông, săn sóc cho ông thôi, rồi ông lấy ai, ăn ở hay yêu thương người nào cũng tùy ông. Việc đó, em xem như không liên can gì đến tình em và sự sống chết của em hết. Rồi em cũng sẽ thương yêu cô Quỳnh Mai, nếu như ngày kia ông yêu thương cô ấy, em yêu thương, quý mến và bằng lòng tất cả những gì liên hệ với ông. Bây giờ thì em sung sướng, vì bà cô rất thương yêu em, cũng không hiểu tại sao. Và như vậy là em có một nơi nương tựa êm đềm cho đời sống và tình em, để lâu lâu lại thấy ông một bận đi về…"

Giọng nàng chìm xuống, vừa thơ ngây hồn nhiên bùi ngùi, thứ giọng không chính mình nhận ra nỗi buồn của mình nhưng người nghe lại muốn khóc.

Nhưng lòng tôi chỉ gợn lên một thoảng ái ngại âm thầm, không đủ góp lửa để thắp lên một chút yêu thương mong manh cho nàng phút đó. Con đường đá sỏi mấp mô xuống bến. Gót giày nhọn và cao, hình như nàng bước chậm, khó khăn bên cạnh tôi, nhưng vẫn cố đi lùi lại, tránh khỏi tôi một quãng xa như sợ sự gần gũi sẽ làm phiền người bên cạnh.

Một lúc, nàng như lệch người đi và dừng lại.

"Em sao thế?"

Nàng rút đôi giày ra khỏi chân.

"Em không nên mang giày cao, mà em quên đi mất".

"Đau chân à?"

"Dạ không, việc khác".

Rồi nàng cầm giày trong tay, đi nhanh hơn, bóng chập chùng lẫn trong vòm tối của lá bến.

Chiếc thuyền nhỏ xình xịch nổ máy, xa dần bờ. Cơn gió lạnh phơ phất quật xuống mặt hồ như những sợi mưa lất phất. Ánh trăng xanh nhạt như từ địa ngục thắp lên le lói bên kia làn nước đen thẳm.

Tôi ngồi im. Tiếng nàng thở dài đè nén.

"Nếu… em nhảy xuống dưới này, có phiền ông không?"

"Không… à, tôi chưa nghĩ điều ấy, này nhưng em đừng nói nhảm".

"Em không nói nhảm đâu, nhưng lúc nào em cũng nghĩ làm cách nào để đừng phiền ông, em cứ nghĩ là khi nhớ tới em, dù một thoáng thôi, ông bực phiền vì em, em chỉ muốn chết đi để đền bù và chuộc lỗi".

Tôi cầm tay nàng. Những ngón tay nàng thơm mùi rượu gì không tên, kỳ lạ trong miệng tôi. Tôi cắn những ngón tay nàng và tự nghĩ sao không thể yêu được người này. Không, người đàn bà này như một que diêm. Chỉ đốt một lần là không còn gì nữa hết. Vang vang ý nghĩ đó trong tôi, tôi vừa sợ vừa lắng nghe tiếng nói mình trong im.

Nàng khóc, yên lặng một lúc. Rồi như chưa bao giờ buồn, chưa có việc gì xảy ra cả, nàng cười trong tối.

"Việc gì em phải vậy, việc gì…" Và bỗng dưng, nàng nằng nặc đòi trở lại bờ, đòi trở về nhà tức khắc.

Tôi hỏi, nàng chỉ nói là bị mệt bất ngờ.

Nhưng dù bóng tối, dù vô tâm, tôi vẫn đoán thấy một thay đổi quyết liệt nào đó trong ý nghĩ nàng.

Buổi tối quanh hồ trở nên lặng lờ, khô khan. Cơn mưa đã ngừng từ bao giờ. Chỉ còn lại nỗi bứt rứt nặng nề trong không khí.

Tôi cho quay thuyền lại, để mặc nàng về nhà bà cô một mình, rồi trở ra phía hồ, tôi qua bên kia những xóm vui chơi, theo tính lông bông quen thuộc của tôi.

Khi quyết định lấy Quỳnh Mai, con gái của ông chủ hãng phim, tôi không hề có một ý niệm rõ rệt nào về bổn phận và đời sống vợ chồng. Cũng không có chút tình yêu tình ghét nào đối với người con gái nổi tiếng với nhan sắc và tài nghệ đó. Tôi chỉ có một ý nghĩ tha thiết, làm thế nào để lên khỏi cái bẫy sập của đời sống tức thì, càng nhanh càng tốt, và phục hồi lại tất cả những gì đã mất.

Cùng lúc, từ bao giờ không biết, tôi thua sạch trong ván bài kỳ dị với đời, danh vọng, của cải, những thứ hào quang rạng rỡ quanh tôi. Một sáng thức dậy nhìn thấy mình tầm thường, trơ trụi, què quặt không còn chút tự tin hay ý chí để bắt đầu lại. Hình như tôi đã đi quá trớn, trong nghề nghiệp, trong ăn chơi, mọi thứ khác, và bây giờ tôi sạch túi.

Cũng không hiểu sao ông giám đốc lại lưu tâm đặc biệt tới tôi như vậy. Ông ta nói, với cuộc hôn nhân tốt đẹp, tôi mãi mãi sẽ là tài tử độc quyền ở hãng ông, và không còn đặt vấn đề gì khác hơn là tôi tự tạo lấy cơ nghiệp, diễn xuất, đạo diễn và sản xuất bằng vốn liếng nhà, bên cạnh Quỳnh Mai.

Tôi đòi riêng một điều kiện với Quỳnh Mai, nàng đừng níu kéo quá trong đời sống vợ chồng và làm mất tự do của tôi.

Nàng nói không những không chiếm đoạt mà còn khuyến khích cho tôi phát triển tự do của tôi, như thế mới có một đời sống đẹp, và tài tử diễn xuất hay, đẹp khi có đời sống hoàn toàn như thế. Đó là quan niệm của nàng. Đúng ra chỉ là cách biệt đãi của Mai dành cho tôi.

Tôi lại lang thang, sau lễ đính hôn, với người này người khác, và không một đám vui chơi nào thiếu mặt tôi.

Buổi tối, gần khuya một dạo tôi thường lui tới hộp đêm R. chỉ vì khung cảnh ở đó hợp mắt và nhạc vừa phải, không phải loại kích động giật gân, cũng không lả lướt cổ điển quá. Tôi tới đó hàng tháng, nhưng không lưu ý đến những cặp đùi phô bày trên sân khấu hay những thân thể mềm mại uốn lượn quanh các bàn khách mập mờ tối. Cho đến một bữa, một người khách nào say sưa kéo váy của một cô vũ nữ lại phía mình, mãi không chịu buông, ban quản lý nhà hàng phải bật đèn trắng lên can thiệp. Giữa đám người lô nhô cười cợt, tôi nhận ra Sơn Chi.

Trong khi những người khác chỉ mặc những mảnh áo lót nhỏ xíu, nàng mặc nguyên một chiếc váy rộng, dài thượt, chỉ mỏng phần trên ngực và từ bụng trở xuống, thắt lại thật gọn, kín bưng. Nàng nhợt nhạt trong ánh đèn sáng bất ngờ. Nhiều tiếng lao xao cãi cọ nhau phía đó, rồi không hiểu vì sao tôi nhận rõ là nàng nhìn thẳng về phía tôi một lúc lâu, đăm đăm, như nhận ra chỗ ngồi của tôi từ trước. Rồi nàng ngã ra, nằm dài, bất động giữa đất.

Tiếng xe hồng thập tự rít lên ngoài đường sau đó, và đáng lẽ, đi tìm nàng, hỏi mọi chuyện ra sao, tới đâu, tôi lại tiếp tục những cuộc chơi của tôi và trở về nhà.

Bà vú già cho biết là trong lúc đi vắng, nhà thương có gọi điện thoại và yêu cầu tôi liên lạc lại khi tôi về.

Thì ra là Sơn Chi gọi tôi.

"Em xin lỗi ông, có vậy thôi".

Nàng định ngắt, nhưng tôi tự nhiên muốn nói một cái gì với nàng, thay vì hỏi thăm, tôi gay gắt:

"Việc gì cô xin lỗi, cô cứ tung hoành mặc sức cô chứ. Xin lỗi cái gì?"

"Xin lỗi trong lúc ông đi chơi em đã vô ý để ông nhìn thấy cảnh không đẹp về em".

"Vậy không thấy cảnh đó, cô đẹp chắc?"

"Em không dám nghĩ vậy" - nàng nói, bình tĩnh và kiên nhẫn - "nhưng không gieo sự xấu xa và hổ nhục vào mắt nhìn của ông".

"Cô cũng biết đến xấu xa hổ nhục à?"

"Ông chửi rủa khinh miệt cái nghề em bây giờ chứ gì? Không phải là nghề đâu, em chỉ làm thế đó…"

Đàng kia, hình như có người muốn giật dây nói để nói gì đó với tôi, nhưng nàng gạt đi, và tôi cố đoán mà không hiểu người kia có ý gì.

Tôi hỏi, nàng chỉ nói có một người cần mượn điện thoại gọi việc gấp cho một phòng nào đó. Tôi, đến lúc ấy, linh cảm có cái gì không ổn cho nàng, cho liên hệ lờ mờ giữa nàng và tôi. Tôi nói:

"Bây giờ em ra sao?"

"Không sao cả, em sẽ khoẻ và đi về".

"Về chỗ nào vậy?"

"Em ở trên tầng thứ ba, khách sạn M. Còn phòng số mấy… hỏi làm gì vậy chứ?"

"Không chừng tôi sẽ thăm em".

"Ông thăm em, như một người khách, như những người khách khác vẫn đến thăm và tặng hoa em chứ gì?"

Giọng nàng kênh kiệu, trêu cợt, không còn vẻ dịu dàng e ấp như trước kia. Nàng đã nhiễm độc ánh sáng của thành phố. Tôi cảm thấy tức bực và lấy làm lạ vì tính tức bực không đâu đó. Người ta chỉ ganh hay ghen khi chiếm hữu thứ gì. Tôi không muốn chiếm nàng. Từ chối không để nàng thuộc về tôi. Nhưng nghe nói đến những đứa khác lui tới, tôi cảm thấy bị giẫm chân, xúc phạm. Nghĩ như vậy tôi đổi ý. Tôi nói nếu không nàng có thể lại đằng tôi, và chúng tôi sẽ thức nói chuyện.

Nàng không trả lời và cúp ngang điện thoại.

Buổi tối đó, buồn nản, mệt mỏi, tôi đi ngủ, không xem lại những đồ đạc ưa thích một lượt trước khi ngủ như mọi lần. Tôi chợt cảm thấy là mình đang chờ. Tôi chờ nàng tới, ngủ quên trong phòng sách. Tôi cũng không hiểu vì sao chờ, và chờ nàng tới để làm gì. Nhưng tôi vừa có cảm tưởng kỳ lạ là mọi điều đang khác đi và tôi muốn biết nàng bây giờ ra sao.

Một lúc không biết bao lâu, như trong mơ, có bàn tay nào kéo lệch vai tôi ra đàng sau. Tôi bàng hoàng mở mắt, Sơn Chi đứng ở góc phòng, chiếc áo đen rộng thùng thình xuống tận sàn nhà và phía trên chỉ buộc với cổ áo bằng một sợi dây nhỏ xíu, hở cổ và ngực thật rộng. Một chiếc áo khác áo buổi tối. Nàng nói đã về khách sạn thay áo khác trước khi đến đây. Nàng có vẻ khêu gợi, diêm dúa và lăn lóc thế nào với loại áo này. Tôi hỏi nàng đi bằng xe gì đến. Nàng nói tới đây bằng phương tiện của những đứa ăn chơi. Cả cách nói, nàng cũng đổi khác nữa. Đố tìm thấy chút dáng dấp Sơn Chi của những ngày cỏ xanh miền núi.

Tôi đã tỉnh hẳn, kéo tay nàng ngồi xuống ghế nệm dài. Nàng đòi uống. Tôi lấy chai rượu và hai cái cốc cùng bình nước đá. Nàng có vẻ thản nhiên thành thạo cách uống rượu và nâng ly. Trông nàng, một Sơn Chi khác hẳn trước, tôi vừa khinh vừa thích nàng. Đến lúc đó tôi mới cảm thấy trước kia, chưa bao giờ tôi thích nàng cách ấy.

Khi tôi táy máy gỡ múi dây áo trên gáy nàng, nàng đẩy tôi ra:

"Ông đừng như vậy nữa. Em đến nói chuyện thôi mà".

"Em sao thế?"

"Em không sao cả, nhưng một người đàn bà thì không lúc nào giống lúc nào cả. Ông đừng đối đãi với em giống như trước kia. Coi em là kẻ khác. Con Sơn Chi trước kia nó chết rồi".

"Em là ai cũng vậy, em cũng đã đến đây mà".

"Sơn Chi nó cũng đã đến đây, nhiều lần, nhưng bây giờ không là những lần trước kia".

"Em yêu một người nào à? Em bị ràng buộc à?"

Nàng làm ra vẻ như muốn nhổ toẹt xuống đất rồi cười khanh khách. Tiếng cười nàng trong khuya vắng làm tôi lo sợ và khó chịu. Nàng hỏi với hai tay khoanh trước ngực và nét mặt nghiêm:

"Ông sẽ làm như thế với một người đàn bà khác, khó gì. Còn em ư, ông sẽ không bao giờ làm được gì em nữa hết".

Nàng nói với một vẻ trịnh trọng khác thường: "Ông hiểu sao thì hiểu nhưng điều ấy có thật, những lúc đang nhảy múa trên sân khấu em nghĩ mãi tới điều đó, như em cảm thấy nỗi đau em lớn dần lên".

"Em nói gì vậy?"

Nàng để tay lên bụng.

"Nỗi đau của em đây này. Ông không thấy em mặc áo thụng à?"

Tôi không nghĩ gì sau câu nói.

"Em… mang thai đó à, sao lại nhảy?"

"Cách độc nhất có tiền nuôi nó. Em sắp nghỉ rồi. Không ai biết đâu, trừ ông. Xin ông đừng nói ra".

Tôi hỏi, thật tình không suy nghĩ gì hết.

"Hắn… ra sao?"

"Hắn nào?"

"Thì hắn?"

Nàng nhìn sững tôi một lúc, như người vừa ngủ mệt dậy ngó trân trối một hình thù nào quái dị. Rồi nàng im lặng, đứng lên đi lại phía cửa sổ, nhìn ra đêm sâu bất động.

Một lúc lâu, rồi nàng quay lại hỏi tôi, giọng run run như từ dưới hang hốc nào vọng lên:

"Ông… nhất định lấy Quỳnh Mai chứ?"

"Có lẽ. Không có gì đáng nghĩ ngợi về điều đó cả".

"Ông không, nhưng người khác nghĩ ngợi. Ông… có muốn có con không?"

"Có vợ thì có con chứ".

Nàng cười nhạt.

"Không chắc đâu. Em tưởng rằng ông sẽ không có con, không bao giờ".

Tôi không để ý đến nét mặt nàng khi nói câu ấy.

"Sao em biết?"

"Thường thường như thế, ông đã…"

Nàng im bặt. Một lúc nàng lại hỏi:

"Ông không… lưu ý đến truyền thống của ông à".

"Truyền thống gì?"

"Việc của ông cha".

"Việc gì, em nói gì vậy?"

"Em nghĩ rồi, ông cũng giống như ông cụ ngày trước. Cũng hay là ông cụ còn có ông, nhưng mà ông thì lại giống ông cụ, thành ra lẩn quẩn, chẳng đâu tới đâu cả".

"Làm sao em biết ông cụ tôi?"

"Em có quen cụ Hùng Sinh, cụ ấy cho nghe chuyện".

Hùng Sinh là một nhà cổ hoạ, có họ xa với tôi ở hàng bác. Tôi không lui tới ông cụ, vì ông chán ghét và thất vọng về những thứ mà tôi gọi là thành công. Ông thường than tiếc:

"Rồi cháu cũng đến vấp nạn như ba cháu mà thôi. Cứ ba hoa cho lắm đi".

Về thân thế tôi, mọi sự đều lờ mờ và chính tôi cũng không hiểu rõ. Đại khái, ông Hùng Sinh chỉ cho biết một vụ gì đó oan nghiệt đã xảy ra, và cha tôi đã làm chết oan một người đàn bà trẻ.

Nàng lắng nghe tiếng đồng hồ nhỏ giọt trên tường rồi mím môi hỏi tôi:

"Nếu như… em cũng biết ông trả lời ra sao rồi nhưng em vẫn hỏi lại, vì còn phải quyết định. Nếu như… ông lấy Quỳnh Mai, còn em thì… em bỏ hẳn nhưng xin ông cho được làm tôi tớ và được ở mãi dưới những phòng bếp bỏ không kia, có được không? Em sẽ hầu hạ ông và Quỳnh Mai, những đứa con nhỏ của ông, việc nhà của ông. Lần này không phải để được nhìn ông ra vào ăn ngủ như em đã nghĩ trước kia nữa. Em không nghĩ đến tình cảm nữa, chỉ là cần có chỗ để nuôi con em thôi. Gì cũng được, miễn là có chỗ, điều ấy quan trọng hơn tất cả".

"Thế còn hắn".

Mặt nàng nhợt ra dưới ánh đèn mờ và tôi có cảm tưởng như nàng muốn ngột hơi ngất đi khi nhắc tới hắn.

"Ông đừng nhắc nữa. Việc của em, em liệu một mình".

"Nhưng như thế… cũng bất tiện cho chúng tôi quá, thà rằng sau này…"

Nàng quay ngoắt lại, cười khan:

"Ông từ chối, có phải không? Em cám ơn ông lời từ chối dứt khoát của ông. Như vậy em dễ sắp xếp".

"Sắp xếp gì?"

"Cách cuối cùng của em, mọi điều từ trước đến bây giờ, em ngu muội và mù quáng quá nên xin ông cắt nghĩa cho một lời thôi, có phải nghĩa là ông không muốn liên luỵ gì tới em, phải không?"

Tôi không biết nói cách nào với nàng. Một thoáng vui chơi, có người đàn ông nào lại nghĩ tới một việc kéo dài, dai dẳng và trầm trọng đến thế?

Nhìn nét mặt khó khăn im lìm của tôi, nàng tự hiểu, hình như nàng run lên, khắp người, với một cơn xúc động dữ dội, rồi không thèm một lời nào, nàng bước nhanh ra khỏi cửa.

Tôi mất ngủ liên miên nhiều đêm không một dấu hiệu nào của bệnh hoạn. Không một lý do nào khác cả. Nhưng mỗi đêm, vừa nằm xuống, là cảm thấy có cái gì đánh thức, mở banh trí óc, bắt nhìn lên khoảng tối, và nghĩ ngợi triền miên những điều không đâu tới đâu.

Mất ngủ làm tôi đổi hẳn tính. Tôi trở nên bẳn gắt, cáu kính, chán nản và trốn tránh tất cả những vui chơi mệt mỏi. Công việc tôi cũng vì thế gián đoạn, chậm trễ. Mỗi một đoạn phim người ta phải quay đi quay lại ba bốn lần vì những chểnh mảng và sơ hở của tôi. Cứ thế tôi suy sụp từ từ, vì chứng mất ngủ, cả đời sống lẫn tâm hồn.

Mọi chuyện như thế, từ chói chang rực rỡ đến mù tối u ám rất nhanh, đến lúc tôi nhận ra thì không còn gì cứu vãn được nữa.

Thấy tôi bỗng nhiên suy sụp như thế, ông bố Quỳnh Mai tỏ vẻ thay đổi, thất vọng và lơ là với tôi. Đàng nào thì tôi cũng cưới được Quỳnh Mai mà, nhưng tôi có cảm tưởng như những lời hứa về tài sản dành cho tôi, ông ta không giữ đúng nữa. Tôi càng xuống tinh thần hơn vì cảm thấy mất dần những hào quang quanh mình.

Tôi tìm hiểu nguyên do, nhưng không thể nào truy ra manh mối của chứng mất ngủ. Rồi một hôm không biết cái gì xui khiến, tôi đến thăm bác Hùng Sinh. Ông ta hỏi ngay:

"Con nhỏ đâu rồi?"

"Con nhỏ nào thưa bác?"

"Hôm trước nó đến đây và kể chuyện với bác. Coi chừng lại oan nghiệt nữa đa nghe con".

"Nó kể chuyện với bác à, chuyện gì?"

"Hỏi như mày thì đúng là oan nghiệt rồi. Bây giờ nó đâu?"

"Nó lang bang, con biết đâu được".

"Lang bang là tại mày".

"Sao lại tại cháu?"

"Còn không tại mày, chớ tại ai?"

"Nó thiếu gì người…"

Ông bác nổi khùng, đứng dậy đập bàn ầm ầm:

"A, thì ra mày không khác gì thằng cha mày, đồ vô luân, nhơ bẩn, ra khỏi đây ngay".

Trước khi ra cửa như ông ta muốn, tôi hỏi:

"Nó nói gì với bác?"

"Mày có con với nó".

Rồi ông đánh ập cửa lại.

Tôi đi lang bang ngoài đường cả buổi chiều. Tự hỏi điều đó có thật không. Câu chuyện có phải của mình không. Tại sao Sơn Chi lại tìm được tung tích của ông Hùng Sinh, kể chuyện với ông. Không lẽ nàng nói dối. Tôi cố nhớ lại từng chi tiết, những lần gặp nàng. Nhưng trí óc tôi mù mờ, hỗn độn, tôi không còn nhận ra gì nữa hết.

Lờ mờ trong trí tôi, tôi nghĩ là phải tìm lại nàng, vậy thôi. Tìm để làm gì, tôi cũng không biết nữa.

Tôi trở lại chỗ khách sạn nàng ở, hỏi thăm. Người ta bảo đã dọn đi nơi khác. Làm sao biết một người con gái rời bò khách sạn để đi đâu. Bởi lòng tôi ráo khô, lạnh lẽo, cho nên tôi không lưu tâm tìm kiếm nữa.

Tối hôm đó trời mưa lớn. Mấy chòm cây cao quanh vườn quằn quại rạp mình trong gió hú. Sấm chớp ào ào quật ngã mấy cây lớn quãng đường bên kia nhà. Đêm trước trời còn trăng nên đêm đó trước khi đi ngủ tôi không đóng cửa sổ. Chập chờn nửa tỉnh nửa mê, giông gió ầm ầm, thức dậy, cuống quít giữa toà nhà to rộng một mình, tôi hồn xiêu phách lạc, không biết làm gì trước sau. Mưa đổ ào ào vào nhà, khắp các phòng như nước lũ. Những đồ đạc xô đẩy nhau rớt ngổn ngang. Bao nhiêu sách vở tranh ảnh quý giá ướt sũng, nát như thành rác bẩn. Cả các giao kèo, tờ khế ruộng đất của cải cũng tan theo con nước.

Tôi bật hàng trăm que diêm không châm được ngọn nến. Đèn đuốc tắt ngấm đâu từ trong giấc ngủ. Hệ thống dây đèn có lẽ đã bứt bung hết từ cơn gió đầu tiên. Cho đến cây diêm cuối cùng, tôi mới thắp được ngọn đèn nhỏ xíu. Tôi đi khó khăn qua các đồ đạc ngổn ngang của phòng sách để trở lại phòng ngủ với bàn tay che quanh ngọn đèn. Gió dữ dội như sắp đánh bung đèn xuống đất.

Lúc trở về phòng ngủ, dưới ánh đèn lù mù, tôi sững sờ không thấy hai cái gối vừa gối đầu đâu cả, mặc dù quanh quất đó không một đồ gì lộn xộn, vì phòng này sâu trong nhà, không bị nước ngập.

Tôi bưng đèn qua phòng tắm gần đó. Trong phòng tắm nước đầy ắp trong bồn với xà bông vừa quậy bột. Những cánh màn hồng buông xuống, che hờ nửa phòng tắm và phòng thay áo. Đêm qua, tôi không tắm và bồn tắm không một giọt nước nào.

Mọi nơi trong phòng tắm sắp đặt cho một người sắp tắm. Nước trong bồn còn nóng. Nhưng tấm khăn dưới sàn gạch hoa mới thay. Trên giá, những khăn mới lấy từ tủ ra. Tôi gọi tên bà vú. Không nghe tiếng thưa. Nếu bà ta không trở lại thì không thể là một người nào khác. Vậy thì ai? Tôi bắt đầu cảm thấy lạnh. Tiếng gió hú bên ngoài càng lúc càng kéo dài, thê thảm như tiếng kêu của một con vật sắp chết. Bỗng tôi lắng nghe. Có tiếng người gọi trong gió, nghe vi vút, xa xăm, thứ tiếng ơi hời, ngân nga thăm thẳm rung động, rên rỉ, vời vợi, không dứt.

Tiếng gọi tưởng chừng như gần gần mãi lại thì thoắt bỗng ra đi, tít mù, đứt quãng, nhưng một thoáng sau đó lại văng vẳng vọng về, cuốn hút trong tai.

Tôi bưng đèn hấp tấp cuống quít đi ra phòng ngủ. Hai cánh cửa sổ lúc nãy đóng im với cánh màn buông, bây giờ mở tung phần phật gió lùa. Cơn mưa đã dứt hột. Chỉ còn vòm trời hẩng lên cao, đến thảm đạm với một ánh trăng tái nhợt, lạnh lẽo bò lần trên những khói cây đèn gãy đổ hoang tàn pha vào tiếng gió hú ngân dài làm nổi gai ốc người một mình trong canh vắng.

Tôi đặt ngọn đèn nhỏ xuống sát tường và loay hoay kéo cánh cửa sổ đóng lại. Nhưng kéo mãi, với hết tất cả sức mạnh vãn không thể nào níu được cánh cửa sổ lại gần. Tôi lùa tay ra ngoài xem thử có cái gì vướng mắc hay không. Không có gì cả. Nhưng khi tôi rụt tay vào thì hình như có một con vật vô hình nào khổng lồ bên ngoài tớp lấy bàn tay tôi, kéo người ra, không thể nào rụt lại được. Cùng lúc, tiếng cười khúc khích trỗi lên trong phòng, phía bồn tắm.

Tôi không bao giờ tin ma quỷ. Không bao giờ nghĩ tới bất cứ thứ gì không có thật. Cho nên cho tới đó tôi vẫn nghĩ, như trước kia, một cô gái nào vẫn tới phục kích trong phòng, nửa đêm làm trò trêu cợt mà chơi.

Tôi giằng thật mạnh cánh tay và rút ra khỏi sức níu kéo bên ngoài và quay vào hỏi ai đó. Không tiếng trả lời, tiếng cười cũng im. Rồi là tiếng nước róc rách chảy xuống lỗ thoát. Tiếng bàn chây hay bàn tay quẫy nhẹ trong bồn nước cạn. Rồi cũng im.

Tôi quay nhanh vào, ngọn đèn mong manh tắt ngấm. Bóng tối lạnh và đặc như nước bùn sóng sánh. Tôi như mất hướng trong vũng bùn sóng sánh đó, cảm thấy mình nặng trĩu và chìm lặn xuống.

Tôi sờ soạng đặt cây đèn nhỏ xuống và cố tìm hộp quẹt dưới chân giường thì tay chạm vào hai cái gối chồng lên nhau, hai cái gối không trông thấy lúc mới vào phòng.

Một mớ gì nham nhám như tóc xõa dài vương vương trên gối. Tôi run rẩy lần tay xuống phía dưới. Không gì hơn ngoài mớ tóc. Tôi lần tay lên trên mặt gối. Không còn mớ tóc đó nữa. Lúc đó tôi chỉ còn thèm một đốm sáng.

Bỗng cuối phòng, chỗ góc tủ bỗng loé lên một vệt hồng, đúng là ngọn đèn lại cháy lên. Lúc nãy tôi đặt cái đèn xuống bên cạnh giường, trên mặt bàn nhỏ, cách xa chỗ đốm sáng bây giờ. Tôi quay lại, rất nhanh, phía cái bàn, ngọn đèn vụt tắt đi.

Tôi mất hết bình tĩnh, hai tay ôm đầu, đi nhanh ra khỏi phòng, tìm một chai rượu trên quầy cao, nốc một hơi. Rồi tôi rơi mình xuống ghế dài, thiếp đi trong bóng tối.

Khi tôi thức dậy thì đèn khắp các phòng sáng trưng, mưa gió đã lặng hẳn bên ngoài, và trời hình như sắp sáng. Chỉ còn những đống đồ đạc rách nát bừa bãi khắp toà nhà rộng là dấu tích đêm kinh hoàng vừa qua. Tôi đi vào phòng tắm. Mọi vật không có gì thay đổi. Giường ngủ vẫn yên lành gối nệm phẳng phiu.

Sáng ra, mình không biết mình đã mê hay tỉnh trong đêm, và mọi chuyện xảy ra có thật hay chỉ là những ảo ảnh do tâm thần bấn loạn vì quá nhiều đêm không ngủ.

Tôi bị dày vò, ám ảnh, xâm chiếm với tiếng kêu ơi hời thảm thiết và những vết tích khác lạ trong phòng đêm qua.

Chỉ còn cách là uống rượu, cho lấp che hết những ý nghĩ hỗn độn, những cảm thấy lạ lùng, ngoài rượu ra, tôi không còn thiết tha đến điều gì khác nữa, kể cả bạc tiền và công việc.

Bóng tối, để tránh những ám ảnh buồn bực và tránh cả sự ghê sợ nữa khi về nhà nằm một mình, tôi thường lệ la cà ở mấy quán rượu, ngồi nhìn thiên hạ đùa cợt vui chơi và thật khuya, trở về, lái xe như điên sau khi đã nốc hết chai bia, bất kể phương hướng.

Đó là tối thứ Bảy. Tôi nhớ rõ, bởi vì có một tiệc cưới. Đúng là chỗ tôi trông thấy Sơn Chi dạo nào ăn mặc theo kiểu tỉnh thành kệch cỡm lần đầu.

Thấy tôi ngất ngưởng một mình, nhiều người trong phía nữ chỉ trỏ xì xào bàn tán. Tôi nghĩ là họ phẩm bình về tôi trong các phim đã xem, như thường lệ, hay là nhắc đến những bài báo mới viết về tôi, những thói quen tật xấu của tôi dạo này. Mãi cho đến khi sắp tan tiệc, tôi mới nhận ra một điều khác thường. Các cô các bà nhìn tôi với một vẻ e dè sợ hãi lẫn khinh miệt. Họ đều như muốn tránh né và sợ vướng gần tôi mỗi khi tôi tới gần. Tôi lại nghĩ, vì dạo này tôi say sưa hư hỏng không làm nên tích sự gì, nên không có được lòng mến chuộng của họ như trước kia nữa. Trong khi đó, bọn đàn ông mải mê và thản nhiên ăn uống nhảy nhót, tán tỉnh vui chơi với các đàn bà của họ. Chưa bao giờ tôi cảm thấy chán nản và tuyệt vọng về tôi bằng tối hôm đó. Cho nên tôi cần thêm một chai rượu chát trước khi ra về. Và như thế là khi cầm tay lái, tôi chỉ việc xả hết tốc lực, phóng vút như tên bắn không còn để ý phương hướng đất trời gì nữa hết.

Đến khi tỉnh ra trong gió lạnh hun hút nửa khuya tôi nhận ra mình mất hút thành phố sau lưng, mất hút những con đường ánh sáng quen thuộc đi về. Tôi nhìn xuống vực sâu hun hút dưới đường xe chạy và tự hỏi vì sao mình đã không nhào xuống đó trong cơn say. Như có một lôi kéo hay dẫn dắt vô hình nào đưa tôi và chiếc xe về phía trước.

Đến một khúc quanh cheo leo đêm tối mịt mùng, hai ngọn đèn trước không đủ nhận biết ranh giới giữa con đường và vực thẳm nữa, chiếc xe loạng quạng chỉ muốn nhào xuống vực sâu.

Tôi thắng xe lại phân định rõ phương hướng rồi cho chạy chậm lại tìm một quãng đường rộng quay xe trở lại. Đúng lúc tôi định quay trở lại thì một cơn gió bất ngờ lạnh buốt bỗng ào ào nổi lên. Một cơn gió không biết từ phương hướng nào, kéo tới rất nhanh khoả xuống ào ạt một vùng không gian mù đặc. Loang loáng trước ánh đèn xa là những đám bụi vàng nhạt cuốn tròn. Những đám bụi mỗi lúc một dày cao như cột khói và kéo dài lê thê về phía trước như cái đuôi khổng lồ kỳ dị của một con chồn bị mắc bẫy. Tôi không tìm ra chỗ quay xe nên đành lái bừa về phía trước. Xe tôi đâm hẳn vào đám bụi dày đặc và ánh sáng rẽ hẳn đám bụi ra thành từng mảnh nhỏ. Rồi trong hai mắt tôi thất lạc tinh thần, tôi thấy rõ từng đám bụi đậu lại, trắng bệch dưới đèn xe lảo đảo bay lượn thành những mảnh vải trắng rách bươm phơ phất. Những mảnh vải lưa thưa như chờn vờn bay lượn, ngay trước mũi xe tôi mỗi lúc một trở nên linh động và ẻo lả lạ thường. Tôi cố kìm lòng lại, lấy đôi chút tính tình và nhìn rõ thì không phải là những mảnh vải nữa, mà chính là hai cánh tay áo trắng xác xơ rách nát, như vướng mắc từ những cành gai góc bên một sườn non. Hai cánh tay áo trắng chơi vơi, trong ánh đèn xe giữa một vùng đêm thâm u lạnh ngắt làm tôi mê đi trong cơn sợ hãi dị kỳ cực điểm. Tôi dừng xe lại. Tiếng máy xe tắt. Tôi chìm vào khoảng tối mịt mù sâu hút lạnh băng kia. Hai cánh tay áo vẫn vẫy gọi, chập chờn rồi thì trong hai mắt tôi thảng thốt hôn mê, cánh tay áo bỗng xoắn lại như một sợi dây chão chắc nịch, kéo bừa cả chiếc xe tôi về đằng trước.

Phút này tôi cũng không thể nào nhớ rõ, tôi đã mở máy cho xe chạy lại hay không, nhưng rõ ràng là lúc ấy tôi không còn đủ thần trí tỉnh táo để làm chủ lấy mình chứ đừng nói đến việc điều khiển chiếc xe ở một khúc đường cheo leo quanh co như thế. Ra sao không biết nhưng chiếc xe như nhẹ tênh trôi phăng phăng về phía trước, theo một tốc độ mịt mùng, kỳ dị chưa bao giờ thấy ở bất cứ xe đua nào. Tôi đã nhắm mắt lại, mặc cho cái đà vun vút ấy kéo mình đi, cho đến khi tôi nghe, vi vút từ xa xăm nhưng chuyển sâu vào trong đầu óc nhức buốt và căng thẳng, tiếng gọi ơi ới như đêm nào mưa gió ở nhà. Chiếc xe phóng ào ào về phía tiếng gọi ơi hời kỳ dị cho đến khi nó dừng lại ở một cửa hang rộng thênh thang lạnh buốt với hơi đá và khí núi ngun ngút bốc lên từ vực sâu dưới kia con đường.

Bây giờ tôi mới nhận ra con đường đi về thung lũng Cẩm Thạch và đó là quãng giữa đường, nơi những đoàn xe du lịch thường dừng năm ba phút nghỉ ngơi.

Như theo một sức dẫn dắt vô hình nào, không thể kháng cự cưỡng chống lại, tôi mở cửa xe và bước xuống đường.

Mặt đường đẫm ướt sương khuya. Gió cuốn lốc những cành cây gãy từ bên này sang bên kia đường, kéo xuống vực thẳm tận chìm.

Bây giờ tiếng gọi ơi hời nghe rõ và gần bên kia phiến đá khổng lồ khách du lịch thường ghé ngồi ngoạn cảnh.

Sợi dây chão khổng lồ bây giờ trở lại mềm dịu phất phơ đàng quãng đường trước mặt, không phải sợi dây nữa, mà là hai cánh tay áo trắng vẫy gọi tôi.

Tôi tiến tới phía phiến đá, vừa định nghiêng mình nhìn xuống khoảng tối mù thăm thẳm thì loáng một cái hai cánh tay áo đã từ đàng kia phóng lại như một con rắn lớn, vít lấy cổ tôi, kéo xuống phía ngoài kia phiến đá, bên bờ vực thẳm.

Không còn nhìn còn nghe còn cảm thấy gì nữa hết, tôi tê đi vì hoảng sợ. Trong cơn sợ, hình như tôi đã dùng hết sức lực để gỡ đầu mình ra khỏi vòng dây trắng kỳ dị kia, khỏi thứ sức mạnh kinh khủng kéo lùa tôi về phía vực sâu kia, rồi thì tôi không biết gì nữa hết.

*


Tôi tỉnh lại trong phòng của một bệnh viện, nhìn chăm chú một lúc lâu những người đi lại bình thường kia mới biết là mình vẫn còn sống.

Như tôi đã mê đi rất lâu và mọi chuyện xảy ra đêm hôm trước đã quá xa rồi. Nhận ra tôi, những người ở nhà thương đã săn sóc tận tình. Họ cho là tôi quá chén nên say và muốn lao mình xuống dưới đó. Người ta tìm thấy tôi, sáng hôm sau trên phiến đá, nằm sấp, đầu chúc về phía vực sâu.

Những tờ báo đều loan tin tôi tự tử hụt trong cơn say với những thất vọng trầm trọng nào đó. Những tơ báo vừa in buổi chiều thì đến tối đó, khoảng mười giờ có một người đàn bà tới gặp tôi.

Tôi nghĩ là Quỳnh Mai vừa từ Nhật trở về, hay một trong những người quen biết cũ.

Không phải. Một người đàn bà lạ. Cô ta như có vẻ trong giới ăn chơi sa đoạ của thành phố.

Nàng giới thiệu ngay:

"Tôi là bạn thân của chị Dạ Hương".

"Dạ Hương? Tôi cũng không được quen ai là Dạ Hương".

Nàng ngẩn ra một lúc rồi vội nói là bạn của Sơn Chi. Dạ Hương là tên của nàng sau này.

Tôi lặng người đi khi nghe nhắc đến Sơn Chi. Cái gì đó chắc chắn đã xảy ra. Nếu không đã không có những điều kỳ dị xảy ra vừa rồi, và nghe tin tôi như thế, nàng hẳn đã đến. Cho tới lúc đó, tôi nghĩ là nàng vẫn còn sống, vơ vất một nơi nào đó. Hoặc đi theo một tên đàn ông nào đó. Nhưng thấy người đàn bà này tới, tôi chợt choáng người nghĩ đến những liên hệ kỳ lạ giữa Sơn Chi và những điều kỳ dị đã xảy ra mà tôi chỉ nghĩ là ảo giác mịt mù trong cơn say.

Tôi định hỏi thăm về Sơn Chi, nhưng tôi ngượng, quả tình là tôi đã ngượng. Bởi vì hỏi thăm cho thoả những tò mò ray rứt, chứ không phải lo lắng đến số phận nàng ra sao.

Nhưng người đàn bà đã nói ngay:

"Tôi không muốn đến tí nào, bởi thành thật mà nói, tôi không muốn gặp một người đàn ông như ông. Nhưng mà vì bạn tôi đành phải tới".

Nàng nói, và đặt lên nệm giường cạnh tôi một túi gấm nhỏ màu đỏ.

"Người ta tìm thấy gói này, lẫn trong những đồ vật khác của chị ấy để lại, trên phiến đá ngày hôm đó, những ta gởi về chỗ ở, tôi ở chung với chị ấy nên họ giao cho tôi cất giữ. Chị ấy trong câu chuyện vẫn nhắc tới cái này. Bây giờ mới tìm thấy chỗ của ông và dịp thuận tiện để gặp ông nên tôi mang trả lại cho ông".

Tôi mở chiếc túi gấm nhỏ.

Cành hoa bằng cẩm thạch gắn áo ngày nào tôi dúi vào tay Sơn Chi.

Tôi bơ phờ cả người.

"Trên phiến đá à?"

"Phải, những đồ đạc chị ấy để lại cũng ngay trên chỗ người ta bắt gặp ông nằm hôm qua".

"Có nghĩa là Sơn Chi đã…"

"Chị ấy đâm đầu xuống dưới đó. Cái đáy sâu hun hút không ai tìm lại được dấu tích gì sau đó đâu".

Người đàn bà lặng quay ra.

Tôi nhổm dậy từ giường, chặn nàng lại ở cửa.

"Khoan, để cho tôi hỏi".

Nàng nhìn tôi bằng cặp mắt soi mói, khinh bỉ và thù hằn.

"Hỏi gì, còn gì cho ông hỏi đâu? Nhưng ông hỏi làm cái gì nữa chứ?"

"Ít ra…"

"Không ít nhiều gì nữa cả. Bây giờ ông có làm gì cũng muộn quá rồi. Ông lo cho phần của ông thì hơn, người ta, báo chí thì cho là ông tự tử. Tôi thì tôi biết quá. Làm sao ông tự ý đi tới đúng chỗ đó được. Ông có biết quái gì đâu. Chính là chị ấy kéo ông tới đó. Tôi biết, chị ấy linh thiêng lắm. Nói cho ông biết, chị ấy vẫn về thăm tôi mỗi đêm đó. Chị nói dưới ấy lạnh lẽo quá, chỉ muốn về quanh quẩn phá phách chơi làm khuây".

Tôi ghìm cánh tay người đàn bà lại.

"Yên cho tôi hỏi, phải để cho tôi hỏi. Có phải rời khách sạn rồi, Sơn Chi đến với cô không?"

"Chị ấy hết nhẵn cả tiền, đi xin việc làm chỗ ở nơi nào cũng từ chối. Chị nói với tôi chị không cần gì, nhưng còn trong bụng chị… Sau chị phải bỏ về lén lút ở trong rừng nhà. Người ta biết được chuyện, đốt cháy cả rừng hương. Chị ấy chạy thoát ra được về với tôi. Tôi nói tôi sẽ làm hết sức để lo liệu. Nhưng chị ấy buồn phiền quá, bỏ ăn uống. Cho đến hôm đó tôi đi vắng mấy hôm, lúc trở về không còn thấy chị ấy nữa. Và khi tôi về, chị ấy đã mất rồi. Chuyện giản dị có vậy".

Nàng vùng mạnh giật tay tôi ra. Nàng cười khảy trước khi bỏ đi.

"Tôi chắc là ông sẽ không yên thân đâu. Tôi đã nói chị ấy linh thiêng lắm mà. Chị ấy là người hiền lành nhưng oan hồn của chị ấy, của đứa nhỏ sẽ không hiền đâu".

Tôi quên hẳn cơn mê, những săn sóc dặn dò của nhà thương, lững thững đi ra ngoài, xuống thềm, và đi như một người mất trí khỏi bệnh viện.

Tôi đã phải bỏ nhà tôi, vì cứ đến đêm lại bị quấy phá như lần mưa gió thứ nhất. Tôi đến với những người bạn, những người quen, những người có họ xa, và cuối cùng là nhà bà cô và ông Hùng Sinh. Hai nơi này tôi càng bị quấy phá nhiều hơn, một cách âm thầm, tôi đoán nghĩ có lẽ vì đó là nơi nàng đã tới lui.

Cuối cùng tôi đành đi ở khách sạn. Mấy người láng giềng, tình cờ gặp, than với tôi, dạo này trong vườn nhà tôi ban đêm thường có người đàn bà nào tới kêu khóc và đấm cửa ầm ầm, làm kinh động cả đến giấc ngủ của họ. Một người, sốt ruột, nửa đêm cầm đèn chong đi xem giữa lúc nổi lên tiếng kêu khóc thảm thiết nhất, nhưng cánh cổng nhà tôi vẫn khoá và nhìn vào bên trong không có một ai.

Ở khách sạn nào, mới tới đêm đầu tiên tôi cũng được bình yên. Nhưng tới đêm thứ hai thì mọi chuyện đã khác đi.

Tiếng nước bắt đầu rả rích trong phòng tắm. Những chiếc gối đổi chỗ hoài trên giường. Những cánh cửa đóng mở bất thường mặc dầu đã được khoá. Những tấm màn cũng buông cuốn vô chừng. Và đèn thì vẫn bật đỏ lên lúc tôi chỉ muốn tắt đi, để ngược lại tắt ngấm hẳn đi lúc tôi bàng hoàng kinh sợ nhất cần cầu cứu một tia sáng. Những tiếng cười, những tiếng khóc luân phiên nhau. Và cứ nhắm mắt lại là y như có người nắm chặt đàng sau gáy đẩy dúi tôi xuống đàng trước. Tôi ngợp, luôn ngợp, khi thức và cả khi ngủ với cảm giác bị nhận chìm đầu lập lờ xuống một vùng nước đặc quánh lạnh lẽo. Tôi uống rượu và thuốc ngủ liên miên. Trong giấc ngủ hay cơn mê tôi lại thấy hai cánh tay áo trắng phất phơ ở lưng chừng đèo. Nó quấn lấy cổ tôi, vít xuống, như đêm nào trên đường về thung lũng Cẩm Thạch.

Tôi hết cách. Không ai biết những điều như thế đã xảy ra cho tôi cả. Tôi cầu mong ở một nơi đủ đức độ và kinh nghiệm để giúp tôi ra khỏi sự bủa vây kỳ quái kia. Tôi tìm đến bác Hùng Sinh.

Bác Hùng Sinh, nơi tôi có thể bày một lễ cúng, khẩn nguyện và xin tha tội thử xem. Ở nhà bác, tôi làm một lễ, mời thầy cúng và khấn hứa đủ mọi điều. Tôi không tin tưởng ở sự cúng vái. Khi sống, người đã bị bạc đãi, hất hủi, khi chết tôi làm gì để cứu vãn lại được.

Quả nhiên, đêm sau cùng, nàng lại về, cười khanh khách, tiếp tục quấy phá tôi. Nàng vẫy gọi và tìm cách dẫn dụ tôi ra khỏi phòng. Tôi thấy tôi theo nàng phóng như bay vun vút trên con đường về thung lũng Cẩm Thạch.

Nhưng lúc bay trôi theo nàng như thế, thật quái lại, tôi không còn cảm thấy tức giận hay sợ hãi vì bị ép buộc hay phá phách nữa, mà ngược lại, cảm thấy phù du, phiêu lãng, thênh thang trong một cõi tuyệt vời xa vắng nào. Chỉ có lúc tỉnh dậy, tỉnh hẳn, nghe lại những tiếng động xôn xao quen thuộc từ cõi người vọng lên, tôi nhận ra mình đã chết trong những thời khắc mê mệt đó. Chết để sống với Sơn Chi một đời sống khác.

Nếu sự trả thù chỉ có nghĩa là hủy diệt sự sống của một người, thì điều đó thật đơn giản quá chừng. Lần đầu tiên trong đời, tôi suy nghĩ. Tôi băn khoăn về những cảm nhận vừa mịt mù thăm thẳm, vừa đằm thắm dịu dàng trong những cơn mê, và tôi cảm thấy nàng nếu có ý muốn trả thù thì sự trả thù có ý nghĩa nhưng vô ích. Tôi có đau đớn, có mất mát gì đâu. Chỉ là sự chết. Một sự chết gần gũi, xen lẫn thật sự trong sự sống. Cái chết có nghĩa là làm cho đời sống của tôi ngắn lại, vậy thôi. Tôi đã nhận hưởng đủ mùi từ cõi đời còn ước mong và nuối tiếc gì nữa. Cái chết tới, trong tay nàng dẫn dắt, dịu dàng trôi bay. Nàng đã quấy phá, bực tức, những phản ứng cuồng điên nóng nảy là do tôi còn bám víu lấy đời, còn muốn phục hồi lại những vinh quang ngày tháng đã mất. Nhưng khi tôi xuôi tay bay biến theo nàng lênh đênh giữa sống và chết, trên con đường về thung lũng đá xưa kia, thì mọi sự không còn gì phiền muộn hay đang băn khoăn suy tính gì nữa hết. Tôi nhận là mình hai lần lợi dụng nàng, khi sống, và bây giờ, với cõi chết. Nàng thơ dại như một búp hoa rừng, nàng không nghĩ ra điều ấy, khi đêm đêm về dẫn dắt tôi theo. Nàng nghĩ là tôi tham sống nên sự chết trở nên kinh hoàng, ghê gớm lắm. Chỉ làm cho tôi chết đi là đủ, là thoả lòng thù. Nhưng nàng không thành công. Tôi sẽ tới với sự chết thật bình tĩnh, dịu dàng như một cõi rong chơi. Vậy thì suốt cả muôn ngàn kiếp nàng cũng không bao giờ an thoả ở cõi ngoài đời.

Tôi bỗng nhớ tới những điều nàng nói về ông cụ thân sinh tôi, những người trước đó. Có một cái án mập mờ nào đó, tôi cũng không thể được rõ với những lời kể lại loáng thoáng. Hình như họ cũng giống tôi và bị báo oán đến tan tành cả cơ nghiệp đi… Tôi tới bác Hùng Sinh lần nữa và hỏi cho ra điều đó.

Ông Hùng Sinh từ chối. Ông nói nếu mày biết sớm hơn thì may ra. Bây giờ cũng muộn rồi. Tôi nói thật thản nhiên:

"Lẽ ra, cháu phải tu dưỡng để chuộc tội cho những người trước. Cháu là kẻ mang truyền thống oan khiên kia, cháu đã không hủy diệt mầm mống oan khiên kia đi, lại tìm cách khuấy động và giấu mình vào đó, cháu muốn chịu đựng những gì hơn họ đã chịu. Chứ cái chết, cháu thấy nó không đủ, trơn tru và giản dị quá. Một đời sống điêu đứng còn cay độc gấp nghìn lần sự chết. Oan hồn muốn cháu chết theo. Cháu thấy thành thật như vậy là chưa đủ, nhất là chết một cách dễ dàng, thản nhiên như cơn mộng. Bây giờ thì nhắm mắt, để cho nàng kéo đi, cháu cũng có thể chết rồi. Cháu muốn làm một cái gì khác".

Ông Hùng Sinh trầm ngâm.

"Tao mừng là mày đã nhận ra mọi điều. Nhưng người ta chỉ có sự sống và cái chết. Sự sống, không của riêng mày, mà kẻ khác, mày đã hủy diệt đi, chỉ còn lại cái chết, nếu mày cho là không đủ, thì cũng chẳng còn cách nào khác cả. Mỗi người có thể nào sống được hai đời mình để làm lại sự sống hay sửa soạn lại sự chết cho đúng ý mình đâu".

"Ông cố của con, xưa kia, thật ra thì ông đã lãnh tất cả cái án cho con cháu sau này có còn mắc vào vòng báo oán cũng nhẹ bớt đi. Cụ ấy bị mất chức quan, bị đày ải và chết héo mòn trong ngục thất với bệnh cùi. Những đứa con, mỗi đứa chết thảm cả. Bà vợ thì ngoại tình với một tên tướng giặc, và chính những đứa con ấy, sau này, về tàn hại trở lại những anh em ruột thịt nó mà không biết. Y như những chuyện phim của mày vậy mà. Cái hồn oan nó báo oán, xui xiểm, quấy quả lên cả đấy. Cả gia đình đang yên vui, bỗng nhiên tan hoang, vì cụ ấy ép uổng, rồi lại vứt bỏ con người ta chết oan chết khuất".

Những lời ông nói, tôi không còn nghe rõ nữa. Mọi sự thật đã xa vời. Chỉ còn những tiếng kêu thầm bên trong ray rứt đay nghiến. Tôi không thể chịu đựng được những điều đã xảy ra như thế. Một lúc, tôi tỉnh ra. Tỉnh ra và mê đi trong một phút nào, mình sẽ bị cuốn trôi vào cõi chết, thật êm đềm, nhẹ nhàng.

Tôi phờ phạc cả người với những ý nghĩ không đâu, những cơn mê liên tiếp, những giấc chiêm bao quái dị nàng về.

Những cuốn phim của tôi, trong thời gian qua, đem chiếu ở Nhật, làm cha con Quỳnh Mai ghé qua để ký hợp đồng gì đó với các nhà làm phim bên đó, đã thành công ngoài sức tưởng tượng. Tên tuổi tôi vượt lên hàng đầu. Thư từ sách báo gởi về tôi chất đống mỗi ngày. Nhưng tôi trông rõ trong gương, một con ma đói, một con quỷ sầu. Tôi muốn có cách gì thoát hết ra mọi ý nghĩ và ám ảnh kia. Để được trở lại bình thường như cũ. Chưa lúc nào tôi thèm sống, an lành bình thường, như xưa kia bằng lúc đọc những bức thư của Quỳnh Mai. Nàng sắp về, sắp về với những rương áo quần và nữ trang để làm hôn lễ với tôi.

Tôi kinh hoàng nhận ra mình đã biến mất rồi. Tôi còn là một kẻ khác. Một tên ma quái tới từ địa ngục. Tôi không thể lôi bất cứ một người nào tới với địa ngục của tôi. Không thể thêm một người nào nữa.

Đêm qua, tôi lại mơ thấy phòng mình vun vút về thung lũng Cẩm Thạch. Vẫn những tiếng kêu khóc và hai cánh tay tả tơi vít đầu tôi xuống. Tôi chống cự mãnh liệt nhưng lần này tôi chìm lỉm xuống khoảng không, không còn chống cự được nữa.

Sáng nay được điện tín Quỳnh Mai. Nàng sắp về. Người ta tin tưởng và chờ đợi quá nhiều thứ nơi tôi. Tôi phải tránh trước khi họ về tới, tôi phải…

Bác Hùng Sinh nói, người ta chỉ có hai thứ, sự sống và cái chết. Tôi chỉ còn lại một thứ… không ai cứu tôi cả. Tôi biết. Tôi hư đốn, ươn hèn, nhưng chỉ cần một người nào đó cứu tôi được thôi. Tôi tin là không còn gì cứu kịp nữa, với những nọc độc đã lan vào khắp xương tủy và phiền muộn gậm nhấm từng ngày từng đêm. Tôi…

Hắn ném tung cả đống giấy xuống sàn nhà cười ha hả trong đêm vắng. Tiếng cười làm lũ trẻ trong nhà đang say ngủ, thức dậy, khóc thét lên. Hắn lắc vai tôi:

"Cậu đúng là già rồi, già hẳn rồi, hết thời rồi".

"Nghĩa là sao?"

"Đọc thứ này là tệ quá, lại còn định in ra và bắt tao theo".

"Đâu phải chỉ mỗi một chuyện này, nếu cậu có dịp nghe, cậu sẽ nghe hàng loạt chuyện kiểu này trong đời sống xưa kia và bây giờ. Người ta bị suy sụp, tan nát, chết chóc, những thảm cảnh đầy dẫy mà không ai truy ra cái gốc, chỉ nhìn vào ngọn. Như chuyện tên gì năm nào bị nổ banh xác trong nhà hàng đó mày có biết sao không?"

"Thôi dẹp, lại một chuyện như thế này chứ gì? Nó chết, thành ma, ma báo oán. Dẹp đi cậu ơi, tao nói cho nghe cái này hay lắm".

Rồi hắn nhỏ giọng, kể những mục vui chơi mới, những trò bịp bợm giữa đàn ông con trai để phá đàn bà. Hắn kể hàng trăm lần, nhưng vẫn thích nhắc lại, những kết quả và thành tích, lấy làm thích thú. Tôi thì tôi không cười được. Mỗi lần đọc một chuyện tương tự, hay nghe ai kể những cái chết oan khuất, tôi vẫn cảm thấy lạnh người và trong hồn như có một làn gió lạnh xoáy qua. Cảm thấy như phảng phất đâu đây, một bóng hình, một oan hồn đang nghe lắng, rình mò chờ đợi để tri ân sự hiểu biết xót xa hay thù hằn chồng chất thêm oán cừu. Hắn không tin. Và không ai tin cả. Chắc chắn như thế. Nhưng những điều đó đang có thật, đang xảy ra, đâu đó, một cách gián tiếp và thầm kín mà những con mắt và tai người trần tục không thể nhìn thấy hay lắng nghe. Họ chỉ gây nhân và chịu hậu quả một cách tình cờ, vô tâm, cho đến khi bật ngửa người với một đỗ vỡ bi thảm khốc liệt nào đó cho con cái, cho cơ nghiệp, cho chính bản thân họ.

Hắn kết luận trước khi tìm một chỗ ngoài hiên nằm ngủ cho hết phần đêm còn lại.

"Khi không cậu làm mất giấc ngủ của moa. Cứ tưởng là có cái gì hay lắm trong tập bản thảo, nên cứ bị đánh lừa với cảm tưởng đầu tiên đã có. Đọc hết, chẳng có gì cả".

Và hắn nắm tay lại:

"Thôi để moa ngủ, ném cho một tấm ra mỏng, nằm ngoài này chắc là lạnh. Nhưng lạnh thì lạnh, ngủ trong nhà cậu, chắc chắn là yên thân".

Hắn nói chắc yên thân với một thoáng lo âu.

Tôi lo chỗ nằm và những thứ cần dùng cho hắn rồi đi ngủ, sau khi đã khép cánh cửa ngăn phòng ngủ với phòng nhà mát ngoài hiên. Lúc ấy vào khoảng ba giờ sáng, trăng cũng đã tàn.

Tôi vừa chợp mắt lơ mơ được một lúc thì nghe tiếng đập cửa gấp rút bên ngoài. Những tiếng đập vội vã lẩy bẩy như chập vào nhau, xô đẩy, chen lấn.

Tôi mở cửa. Hắn quấn tấm ra trong tay, áo quần xốc xếch, mặt mày ngơ ngác thất thần dưới ánh đèn mờ.

"Lại nó!"

"Ai?"

"Con Hồng Hoa".

"Ra sao?"

"Nó mặc toàn đồ trắng thật mỏng, phơ phất, nó gọi tao dậy. Lúc mở mắt nhìn lên thì tao thấy trên khuôn mặt nó chỉ có… trời ơi, hai con mắt tròng đỏ ngầu im sững nhìn tao, hai con mắt đầy máu…"

Tôi lạnh xương sống, khép vội cánh cửa, an ủi nó.

"Yên đi, cậu vừa đọc xong tập bản thảo, bị ám ảnh với những chi tiết trong đó, làm gì có Hồng Hoa như thế".

Hắn ngồi xuống ghế.

"Kiếm cho tao ít trà nóng và đường".

Tôi khó khăn đi tìm những thức hắn cần dùng.

Uống xong ngụm nước trà nóng, hắn có vẻ tỉnh táo lại.

"Có nên đi tìm xem nó ra sao không?"

"Còn gì nữa?"

"Nếu có chuyện xảy ra, tao làm thế nào".

"Chuyện là chuyện gì?"

Hắn ngẩn ngơ:

"Như trong tập bản thảo".

"Như thế nào được".

"Những lần tao thấy nó, không rõ là chiêm bao hay chỉ là nghĩ. Nếu quả là chiêm bao thì…"

"Để xem hư thực ra sao đã. Bây giờ nó đâu?"

"Hỏi xem đã, không biết nó đi đâu rồi".

"Thôi ngủ tiếp đi. Mai sẽ liệu, dù sao cũng chưa muộn.
Nguồn: Bóng lá hồn hoa, truyện của Nguyá»…n Thị Hoàng, mẫu bìa Duy Thanh, in tại nhà in riêng của Văn, 38 Phạm NgÅ© Lão, Sài Gòn. Phát hành ngày 15-7-1973. Số lượng 4000 cuốn. Giấy phép xuất bản số 2366/PTUDV/KBCNT/KSALP, Sài Gòn ngày 28-6-1973. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.