trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
talaFemina
  1 - 20 / 43 bài
  1 - 20 / 43 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộitalaFemina
1.7.2003
 
Chị Thanh Tân nghĩ gì?
Ngoại tình
 1   2 
 
Chị Thanh Tân thân mến,

Tôi đang trải qua những dằn vặt tinh thần rất lớn, thấy mình có lỗi và rất hổ thẹn. Hy vọng chị có thể giải thoát cho tôi.

Tôi năm nay 45 tuổi, có một gia đình nhỏ. Vợ chồng tôi đã cùng đi năm châu bốn biển. Vợ tôi có ngoại hình hấp dẫn và trái tim ấm áp. Chúng tôi cùng trình độ, cùng sở thích, cùng thẩm mỹ, tôi rất gắn bó với cô ấy. Mọi chuyện tưởng chừng như tốt đẹp. Thế nhưng tôi nhận thấy rằng mỗi khi có cơ hội là tôi lại lao vào quan hệ với những người phụ nữ khác. Bất kể họ tẻ nhạt hơn hay nhiều tuổi hơn vợ tôi, tôi gần như bị một ma lực lôi cuốn vào những quan hệ đó, không cưỡng lại được. Vì sao vậy? Tôi không cho rằng tôi chỉ đơn giản cần chút ít thay đổi trong đời sống tình dục. Trong thâm tâm, tôi cảm giác mình có một nhu cầu rất lớn muốn tham dự vào cuộc sống của người khác, muốn lọt vào thế giới của họ, biết quá khứ của họ, hiểu những buồn vui của họ. (Có lần một cô gái làng chơi hỏi tôi có phải là công an không). Hình như đó là những cố gắng để lấp đầy sự cô đơn dai dẳng của tôi. Mặt khác, phải chăng tôi chỉ đang dùng những lời lẽ hoa mỹ để biện hộ cho bản năng sinh học của một động vật giống đực? Hay cái tôi săn tìm chẳng qua là những tự chứng minh giá trị bản thân của mình, để thay thế cho quyền lực và tiền bạc là những thứ mà tôi không chạy đua được với người khác?

Dù vì lý do gì chăng nữa thì tôi không muốn mình là người dối trá, không muốn phá những điều tôi đang có. Tôi muốn lại có thể nhìn thẳng vào mắt vợ mình. Tôi phải làm gì bây giờ hả chị?
C.

*


Anh C. thân mến,

Tôi cầu cho mọi đàn ông muốn tự chứng minh giá trị bản thân cứ lao hết vào trái tim, vòng tay và những chỗ khác ở đàn bà, như anh đã làm. Như vậy thế giới này về tổng cục sẽ yên ổn hơn. Nó vẫn tiếp tục đổ nuớc mắt, chúng ta hiểu những giọt nuớc mắt cay đắng đó, vẫn tràn đầy bi kịch, chẳng bi kịch nào là quá nhỏ, nhưng nó không phải đổ máu quá nhiều. Song Bill Clinton ở thời điểm huy hoàng của quyền lực vẫn sa vào vụ xì-gà, cô thực tập sinh Nhà Trắng là tất cả, ngoại trừ là người đàn bà đáng mơ ước nhất.

Nếu một cô gái làng chơi dù chỉ trong giây lát giúp anh bớt nỗi cô đơn dai dẳng, và hai bên xử sự đẹp với nhau, không ai hành hung ai, anh không quỵt tiền công, cô ấy có thẻ khám sức khoẻ, có đăng ký môn bài, và có nhiều "áo mưa" đủ kiểu dáng giấu sẵn trong nịt ngực cho cả hai chụm đầu chọn chiếc ưng ý nhất, thì việc ấy tốt cho thể trạng anh hơn là đi dìm cô đơn trong bể bia 333, hay là tìm nàng tiên Nâu làm bạn. Song giữa bầy cung tần mĩ nữ, Tần Thủy Hoàng vẫn tuyệt đối cô đơn.

Mọi giả thuyết anh đưa ra đều có thể đúng, tôi không có lí do gì để cho rằng động cơ nào trong số đó là sai lầm hay chính đáng hơn động cơ nào. Một người đàn ông không hề muốn nhưng buộc phải chung sống với một nguời đàn bà và một nguời đàn ông không hề muốn nhưng cứ là kẻ "trăng hoa", so hai người ấy thì người sau rõ ràng hạnh phúc và đem lại hạnh phúc (hay ít nhất là khoái cảm) cho kẻ khác hơn, còn mức độ tự hành hạ và làm khổ thêm ít nhất một người khác thì không bên nào hơn bên nào.

Anh sẽ không có một dằn vặt tinh thần nào hết, nếu yếu tố đạo đức không xen vào câu chuyện. Nếu còn độc thân, anh sẽ bực mình vì bỏ lỡ một cơ hội, chứ chẳng khổ vì không cưỡng lại được nó.

Nhưng thứ nhất, đạo đức không hề là một phạm trù bất di bất dịch. Ông Nguyễn Trãi có cần phải tra vấn lương tâm và sợ nhìn thẳng vào mắt vợ khi phải lòng Nguyễn Thị Lộ và đem nàng về làm thiếp trong nhà đâu? Nàng không thể làm chính thất. Nàng không thật sự tương xứng về mọi phuơng diện với ông, như vợ anh tương xứng với anh. Nàng là một cô gái bán chiếu. Vợ ông biết rằng cô gái bán chiếu chẳng bao giờ thay thế địa vị chính thất của bà. Cũng như anh biết - và rất có thể vợ anh đã ngầm biết - những phụ nữ nào đó không thể thay thế chị ấy. Anh trò chuyện suốt đêm với họ về năm châu bốn biển, chính những nơi anh và vợ đã đi qua. Anh tốn nhiều công sức làm một cái tổ hấp dẫn trong lòng họ, nhưng để sắm một cái bếp ở nhà cho vợ nấu nuớng đàng hoàng thì anh bỏ ra nhiều thời gian, trí lực và tiền bạc gấp bội. Anh quan hệ với họ, nhưng anh sống với vợ mình. Nếu phải hiến một quả thận để cứu một sinh mạng, nhất định vợ anh chứ không phải một phụ nữ khác sẽ được hưởng quả thận của anh. Hình như vấn đề xét về điểm thứ nhất này không phức tạp lắm: anh là một Nguyễn Trãi sống nhầm thế kỉ chăng? Vậy thì không phải đạo đức tự thân, mà chính là gã đàn ông của thời trung cổ phải thoả hiệp với luật hôn nhân của thời hiện đại đang làm anh khổ. Có vô số người sống lâu hơn thời đại của mình như thế, họ cũng đáng thương cảm như những người bỏ quá nhanh thời đại của mình sau lưng. Trong trường hợp anh, chỉ có cách đẩy thời đại lùi lại, anh thử tính toán cụ thể xem phuơng án đó khả thi như thế nào. Nhân đây cũng xin nói rằng, so với các đấng nam nhi ngoại tình liên miên với thủ trưởng, bạn hàng và những viên gạch lát đường tiến thủ, hay các bậc mày râu thường xuyên phải lòng chai rượu, bàn đèn và bộ xóc đĩa..., thì anh khả ái và vì vậy dễ tha thứ hơn, còn hậu quả chắc chẳng bên nào thua bên nào.

Thứ hai, đạo đức không hề là một trọng luợng tuyệt đối, nó chỉ là một trọng lượng cần thiết để níu chúng ta không bay khỏi cuộc sống mà thôi, và các nhà đạo đức cuồng tín nhất cũng phải nhận rằng nhân loại còn vận hành bằng một vài phương tiện khác. Hãy hình dung, một hôm trời xấu nào đó trong cuộc dấn thân tham dự vào thế giới của một phụ nữ khác như thuờng lệ, anh bỗng thấy tham dự chưa đủ, mà phải là đồng chủ nhân của nó mới thoả. Không thể buông, không thể thiếu, không thể đánh đổi. Anh sẵn lòng hiến nốt quả thận còn lại cho người ấy, nếu cần thì anh vất luôn cả danh hiệu giáo sư đại học. Những tính từ: tương xứng, ấm áp, hấp dẫn v.v. không còn nghĩa lý gì hết. Người ấy có thể nhạt như nước luộc trứng và già đóng vảy, có thể là một mụ mẹ mìn, một ả yêu tinh, một con giặc cái..., anh bất chấp hết. Vợ anh có thể tuyên bố: hãy buớc qua xác tôi, và anh nghẹn ngào bước qua xác chị ấy. Anh vuốt mắt cho vợ, chứ không nhìn vào mắt ấy nữa. Vâng, những hôm trời xấu như vậy thì đạo đức tương đối vô dụng, giá trị duy nhất của nó lúc ấy là an ủi rằng, rồi thời tiết sẽ trở lại bình thường. Vậy thì xét về điểm thứ hai này, vấn đề cũng không quá phức tạp: anh đang ở trong khuôn khổ của đạo đức, xê dịch trong ranh giới tột cùng của nó, nhưng chưa bao giờ vuợt ra khỏi nó.

Có hai điểm khác chúng ta chưa nói đến: Tình yêu và sự Công bằng.

Anh không một lần nhắc đến Tình yêu trong thư, không với vợ anh và cũng không với những phụ nữ khác. Tôi mạo muội đoán rằng viết thư cho vợ, anh không mở đầu bằng "Em yêu" và gửi SMS cho những phụ nữ khác, anh không kết thúc bằng "Yêu em", cùng lắm thì anh dùng tiếng Anh thay thế. Vâng, nhân loại 6 tỉ người thì có 10 tỉ dạng tình yêu. Ta có thể bắt đầu bằng hai dạng rất cơ bản, mang tên hai nhà thơ La Mã cổ đại (Ovidius Naso, 43.tr.c.n-18 s.c.n và Vergilius Maro, 70-19 tr.cn.) được không? Tình yêu kiểu Ovid là một nghệ thuật mà ta phải học. Nó không làm chủ ta, mà ta làm chủ nó. Tình yêu kiểu Vergil là một quyền lực siêu nhiên, nó chế ngự ta và chế ngự mọi thử thách. Tôi có cảm giác anh thuộc trường phái Ovid. Anh đã và đang làm tất cả để thu xếp một đời sống giống như tình yêu nằm trong vòng kiểm soát của mình, bất chấp mọi biểu hiện có vẻ như là ma lực, không cưỡng lại được. Anh đang kiểm soát rất chu đáo mọi quan hệ tình cảm của mình, với vợ, và với những phụ nữ khác. Anh không lao vào mọi cơ hội, mà luôn đủ tỉnh táo để chỉ lọc ra những cơ hội mà ranh giới, triển vọng và hậu quả có thể tính truớc và chấp nhận được. Anh biết cách chăm lo cho tất cả: cho bổn phận, cho nhu cầu, cho điều cần làm và điều có thể làm. Thậm chí anh không quên lương tâm, cả nó nữa, luơng tâm của anh, cũng cần được săn sóc thích hợp. Điều duy nhất tôi lo cho anh là một lúc nào đó anh sẽ kiệt sức, mà chỉ cần xao lãng một chút là cái thế giới giống như tình yêu mà anh đang kiểm soát hoàn hảo ấy sẽ tuột phanh. Tiếc rằng khi thả phanh, tình yêu kiểu Ovid không hoá thân thành tình yêu kiểu Vergil.

Anh cũng không hề nhắc tới sự Công bằng. Tôi lại đoán rằng anh tôn trọng phụ nữ, coi bình đẳng nam nữ là thành tựu lớn của thế kỷ 20 và là điều đương nhiên của thế kỷ 21. Ở ngoài anh cư xử như một gentleman, ở nhà như một người chồng văn minh. Anh không từ chối đi chợ, giặt giũ, trông con, và tất nhiên anh không đuổi vợ xuống bếp khi nhà có khách, cũng như không bao giờ cho chị ấy một cái tát. Nhưng bình đẳng là một chuyện, công bằng là một chuyện khác, cái sau khó thực hiện hơn cái trước nhiều lần. Sẽ là công bằng, nếu anh cưới một người vợ thích lao vào và có cơ hội để lao vào quan hệ tình cảm với những người đàn ông khác, dù chỉ là một anh trai làng chơi. Như vậy anh không cần cảm thấy mình có lỗi, thấy khó xử, trong tinh thần một nhân vật của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: "Vợ người thì đẹp, vợ mình thì tử tế, chó má thế!" Không có nhân vật nữ nào trong văn học Việt Nam than thở rằng chồng mình tử tế quá. Tôi chỉ nghe chị em Việt Nam thốt lên những câu như: "Chồng mình không ruợu chè, không cờ bạc, không hút hít, không gái gú. Còn đòi gì nữa!" Người vợ luôn chấp nhận những điều kiện tối thiểu. Người chồng luôn cho mình điều kiện tối đa. Công bằng đứng ngoài hôn nhân. Không biết anh có muốn mời nó vào không?

Thân ái,
Thanh Tân

© 2003 talawas