trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
talaFemina
  1 - 20 / 43 bài
  1 - 20 / 43 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộitalaFemina
11.7.2003
Laura Miller
Germain Greer - Vị nữ thánh thay đổi thế giới nhưng làm hỏng đời mình
Ý Nhi dịch
 
Phần cuối của cuốn tiểu sử mới do Christine Wallace viết mang tên "Germaine Greer: Mụ nạ dòng bất trị", có một khoảnh khắc đáng ghi nhớ. Ở tuổi 50, Greer vừa xuất bản một tập hồi ký viết về cha mình ("Daddy"), và một bạn học cũ từ trường nữ trung học Công giáo mà Greer theo học thuở nhỏ ở Úc có nói với bà hiệu trưởng, Mẹ bề trên Eymand Temby, rằng thật là bất ngờ khi biết là Greer vẫn còn ủ ê về thời thơ ấu của mình. Người bạn ngỏ ý cho vị nữ tu mượn cuốn sách của Greer. "Ðừng cho ta mượn làm gì," Eymand trả lời dứt khoát. "Ta không chịu đựng được việc Germaine buồn bã thế đâu. Không thể đọc để thấy cô gái tuyệt diệu ấy buồn bã đâu."

Greer, giờ đây 60, từng là một học sinh nổi loạn nhưng thông minh, sau này thành một ngôi sao trí thức, đã đoạn tuyệt với nhà thờ, kêu gọi tự do tình dục tràn lan cho phụ nữ, quăng bỏ hôn nhân và gia đình, và mạnh mẽ chỉ trích những giá trị Tây phương áp đặt lên các nền văn hoá nông dân bản xứ trên khắp thế giới. Nói tóm lại, Greer đã khước từ mọi giá trị mà Mẹ bề trên Eymard theo đuổi và cố công truyền lại, vậy mà vị tu sĩ vẫn nhớ đến bà như là "cô gái tuyệt diệu ấy". Tương tự, Gloria Steinem kể về Greer với đầy thiện cảm, bỏ qua việc Greer miệt thị những nhà hoạt động nữ quyền trong "Vị nữ thái giám", cuốn sách thành công rực rỡ vào năm 1970 của bà, bỏ qua ý kiến coi thường của Greer viết trên tờ Harper về bản Họp kín Chính trị của Phụ nữ Quốc gia mà Steinem đã tranh đấu để gửi đến Hội Nghị Dân Chủ năm 1972. Steinem hồi tưởng về bữa ăn tối với Greer tại một nhà hàng, khi người đàn bà Úc này lớn tiếng ca tụng sự quan trọng của chất nhờn của âm hộ, mang đến một sự mê say và vui vẻ đầy tai tiếng cho một bàn ăn toàn phụ nữ. "Tôi nhớ, lúc ấy tôi thấy đó là một thông tin rất quí giá cho mình, tôi vừa biết ơn vừa vui thích." Steinem nói với Wallace. "Bà ấy thật tuyệt vời."

Rõ ràng Germaine Greer là một trong những cá nhân mà các quy định thông thường về hạnh kiểm tốt không thể đem ra áp dụng cho bà được. Chúng ta không ràng buộc bà vào những thứ đó, sức thu hút của bà mãnh liệt làm sao, nhan sắc của bà thắng thế làm sao. Dù vậy, sự hấp dẫn của bà cũng chỉ bảo vệ công việc của bà một cách thiếu hoàn hảo. Mặc dù tác phẩm cuối cùng của Greer, "Người đàn bà trọn vẹn", được kèn trống như là một tác phẩm kế tiếp của cuốn "Vị nữ thái giám", và là một best-seller ở Anh, nơi ký ức về cuốn sách đầu tiên của Greer còn phảng phất lâu hơn ở Hoa Kỳ, nhưng đa số các nhà phê bình, như Margaret Talbot của tờ New Republic (người gọi Greer là "người đàn bà ghét phụ nữ"), bực bội vì những bài viết công kích lộn xộn, tự mâu thuẫn của Greer, và phẫn nộ với những quan điểm của bà trong các vấn đề như cắt âm vật (bà ủng hộ) và khám ung thư qua những tế bào lấy từ tử cung (bà chống).

Giới báo chí, xưa kia từng thấy cặp đùi dài, tính bốc phét tục tĩu và lời ca tụng tình dục tập thể của Greer hấp dẫn tới độ khó mà cưỡng nổi (tạp chí Life đã phong bà là "người tranh đấu cho nữ quyền xấc xược mà ngay cả đàn ông cũng thích"), nay bẽ mặt biết ra rằng bà vừa công khai rút lui khỏi chủ nghĩa yêu đương tự do và giờ đây kết án tất cả đàn ông là những nhà máy sản xuất tinh trùng thô bạo, lười biếng, không biết cách đem lại cho phụ nữ sự thoả mãn về tình cảm lẫn tình dục. Người giải phóng dũng cảm đã từng trách móc phụ nữ không vùng lên và dành lấy những cơ hội nghề nghiệp thì nay lại than vãn việc đi chợ mỗi tuần ở siêu thị là công việc "mệt nhọc", làm còi cọc tâm hồn, do các nam quyền áp đặt lên những nạn nhân phụ nữ.

Ðiều gì đã thay đổi? Thật ra không có gì nhiều. Greer cương quyết cho rằng bà không đi ngược với bất cứ quan điểm trước kia nào của bà, và kỳ quặc thay, bà có lý. Bà đơn thuần đi theo những tiên đề của mình để đến những kết luận được ẩn chứa ngay từ đầu. Và cách viết của bà cũng không biến đổi gì nhiều. Có lẽ đúng hơn là chúng ta, các độc giả của bà, thế giới xung quanh bà, đã thay đổi. Nếu bị thất vọng với "Người đàn bà trọn vẹn" để rồi quay về đọc lại "Vị nữ thái giám", tìm lại một Germaine Greer đã làm sôi sục biết bao phụ nữ trong thập niên 70, thì cũng giống như đi xem lại cái phim kinh dị đã làm bạn khiếp hãi lúc bé để rồi nhận ra nó hiền lành một cách tội nghiệp.

Tôi nhớ mình phát hiện ra cuốn "Vị nữ thái giám" ở lứa tuổi thiếu niên và thấy nó thật thú vị và khích động, đến độ tôi vẫn giữ cuốn sách trong nhiều năm sau. Khi cuốn sách lần đầu ra mắt, nó khêu lên những trận cãi vã, ẩu đả bên bàn ăn, nó bị ném vào mặt mấy anh chồng không biết gì. Có cô gói cuốn sách trong giấy nâu và giấu trong đống giày bởi vì chồng cấm không cho đọc.
Tuy vậy, tôi thất vọng não nề khi đọc lại "Vị nữ thái giám", và thấy nó loãng như cháo, cũng như "Người đàn bà trọn vẹn" vậy. Ðó đây những đoạn hùng biện khích động hoặc (hiếm hoi hơn) những phân tích nhận thức trôi lềnh bềnh trên một thứ độc khí của giả thuyết, tham khảo đáng ngờ, thái độ "cách mạng" thời trang, tác quyền thoả thuận những mối thù hằn cá nhân, sự mập mờ chiến lược, những quay ngoặt trong biện minh, và những tranh luận kiểu Làng Potemkin xây bằng sự dũng cảm tinh khiết tuyệt đối. Greer có thể minh bạch một cách đáng kinh ngạc, đặc biệt lúc bà sai, khi bà quy đồng tính luyến ái là "khi một cá nhân không có khả năng thich nghi với vai trò tính dục đã được ban của mình" hoặc nhận xét rằng buồng trứng và tử cung luôn luôn bị "trục trặc". Tệ hơn nữa, cuốn sách chẳng mảy may thú vị như tôi vẫn nhớ, phần lớn vì nó thiếu một ý tưởng hay tầm nhìn bền vững, vì nó không chuyên chú lần theo và săn đuổi một kết luận theo phương pháp mà các bài luận chiến sắc sảo vẫn làm. Greer không có đủ sự chú tâm để đạt được điều đó. "Vị nữ thái giám" là một bản văn thất thường, nồng nhiệt, rải rác, không có đủ độ kết để đạt tới tiêu chuẩn của một bản tuyên ngôn. Sự ngây thơ bốc đồng và khủng khiếp vung vãi khắp nơi, rõ là một sản phẩm hoàn hảo của thời đại của nó.

Greer thì cũng vậy thôi. Theo lời kể của Wallace (Greer đã từ chối hợp tác viết tiểu sử, cho rằng những công việc như vậy thì nên đợi sau khi đối tượng đã qua đời), Greer luôn luôn trước hết là người giải phóng tình dục, rồi sau đó mới là người nữ quyền. Trong những năm đại học ở Sydney, bà giao du với một đám tự do phóng túng gọi là Push, một nhóm theo chủ nghĩa vô chính phủ kiểu tài tử thực hành chế độ đa phu đa thê. Khi sang Anh để lấy bằng cao học ở Cambridge, bà đi lại với một loạt tạp chí bí mật, phản qui ước, với những cái tên như Oz và Suck, nơi bà làm mẫu khoả thân và viết các bài báo miêu tả sự vinh quang của một cô gái lang chạ với băng nhạc rock hoặc cảnh giác "sự tha hoá trưởng giả của việc làm mẹ." Nếu có thể cho rằng "Vị nữ thái giám" có một thông điệp chính, thì thông điệp đó là: sự kiềm chế tình dục giết chết người phụ nữ (vì thế có từ "thái giám" trong tựa đề) và cắt lià họ ra khỏi cái "năng lượng" mạnh mẽ, sáng tạo mà họ cần có để tập trung ý chí dành lấy độc lập, sự suất xắc và cá tính toàn vẹn. Giải phóng tình dục là con đường đi đến sự toại nguyện.

Greer thành thật tin tưởng vào tất cả các điều này - đây là lời giải thích duy nhất cho nỗi cay đắng hiện thời của bà. Trong "Người đàn bà trọn vẹn" bà vô tư viết, "chúng ta bị bán cho 'tự do' tình dục" và "lời dối trá của cuộc cách mạng tình dục", quên bẵng sự thật rằng bà đã từng là một trong những người bán hàng rong xuất sắc cho cho cái hiệu dầu rắn đặc biệt này. Nói về tư tưởng, là một nhà nữ quyền, nghĩa là một nhà tư tưởng chủ trương cải thiện đời sống phụ nữ, bà đã quay 180 độ. Nhưng văn chương của Greer chỉ nói về phụ nữ ở bên ngoài; bên trong quả tim run rẩy của nó, nó thật ra là chỉ về bà mà thôi. (Lắm lúc lớp nguỵ trang của tính phổ biến mỏng một cách khôi hài, chẳng hạn như bài diễn văn chợ rỗng tuếch trong "Người đàn bà trọn vẹn", trong đó Greer diễn tả những sỉ nhục chung chung mà một người đi chợ điển hình phải chịu đựng. Người đàn bà vô danh này bỗng nhiên dấn thân vào một cuộc lùng kiếm giả tưởng để tìm "một lọ ớt". Bà ta lục lọi trong gian hàng Tex-Mex, sau đó "trong đám dưa chua" và rốt cuộc phải cậy hỏi "người đàn ông mặc com lê đính bản hiệu công ty," ông này bảo là chẳng biết bà muốn gì, hàm ý "bà khách hàng hoá điên... Bà đưa ông xem những quả ớt đỏ tươi rồi phân trần là bà muốn quả ớt đã nặn hạt, bóc vỏ, ngâm trong nước muối.." và vân vân. Ôi, chuyện đó xảy ra với tôi hoài!)

Greer không nghĩ bà mâu thuẫn vì phương pháp của bà không hề thay đổi - đưa những kinh nghiệm cá nhân của bà vào những giả thuyết về tình trạng của phụ nữ. Về vấn đề tình dục, bà thực thụ cảm thấy bị bịp. Trong những năm trà trộn với nhóm Push ở Sydney, nội qui yêu đương tự do mang lại cho bà biết bao "vết xước" (mang thai ngoài ý muốn, từ ngữ của nhóm), kết thúc với vài lần phá thai kèm theo các vấn đề phụ khoa không được nói rõ. Hậu quả là, lúc cuối 30, khi bà khao khát có con, Greer không thể thụ thai và bà cầu tới những phương pháp y khoa đắt tiền và khó khăn nhưng đều thất bại. Nỗi oán hận của Greer dành cho cái chủ nghĩa tình dục không tưởng mà bà đã từng háo hức giật giải quán quân chủ yếu bắt nguồn từ sự xui xẻo này - bà mô tả tình dục ở cuối thập niên 50 và đầu thập niên 60 như một "môn thể thao chém giết." Sự lên án những điều trị sản khoa phức tạp, gây ra vô kể thiệt hại cho những phụ nữ tuyệt vọng chỉ có lý khi bạn hiểu rằng cái quá trình này đã làm tăng niềm hy vọng của bà để rồi chà đạp nó xuống - và rốt cuộc làm trái tim bà tan nát.

Trong thập niên 80, Greer trải qua một sự bừng tỉnh đột ngột nữa: Bà già đi. Cô Shelly Winters trẻ trung từng líu lo rằng ở Hollywood một gương mặt xinh đẹp là một tờ giấy thông hành, và nhà báo Anh quốc, Julie Burchill, đáp lại rằng quả thực nhan sắc là một tờ giấy thông hành: Nó sẽ hết hạn. Ðúng ra Greer phải thấy trước điều này, nhưng nhận thức về bản thân như một ngoại lệ vượt khỏi những giới hạn vây quanh sự hiện hữu của nhân loại là một yếu tố đã làm bà trở thành một nhân vật tuyệt hảo của thập niên 60 và 70. Tuổi trung niên đã biến đổi sự năng động của đời sống tình dục của Greer đến độ bà đã mất cả bình tĩnh.

"Bà thích cái mà đa số phụ nữ không thích, và đó là điều quan trọng: xông ra chiến đấu với đàn ông," Steinem viết về bà như một động vật chính trị, nhưng sự quan sát này cũng đúng với cuộc đời cá nhân của bà. Cuốn tiểu sử của Wallace đầy dẫy những giai thoại về thái độ tình dục táo bạo của Greer (ví dụ bà tiến tới một người lạ mặt mặc áo hở ngực tại một bữa tiệc và véo núm vú của anh ta), tất cả các tình tiết đều thể hiện sự tán tỉnh lẳng lơ gắn với sự áp đảo. "Nhờ mấy ông anh tội nghiệp của tôi nên tôi không khe khắt quá," bà nói rất tự mãn với Screw khi giải thích tại sao bà không phản đối vấn đề quấy nhiễu trên đường phố. "Tôi là người đàn bà thiên hạ không bao giờ hy vọng được quằm." Greer, theo cách của những người cải đạo của thuyết yêu đương tự do, đã thuyết pháp về tính đa dâm như một niềm hân hoan tinh khiết, ngây thơ, và đằm thắm, nhưng bà thực hành nó như thi hành quyền lực, và khi tuổi trẻ của bà phai tàn, cái lợi thế bà đã duy trì bấy lâu đối với các tình nhân cũng vậy. Khi bước vào tuổi cuối tứ tuần bà đã chấm dứt quan hệ tình dục và tuyên bố là rốt cuộc tình dục chẳng có gì quan trọng.

Nếu như Greer thành thật hơn một chút và có cái nhìn sâu sắc hơn một chút, bà có thể đã có một thông điệp để truyền lại cho các thiếu nữ về mối hiểm hoạ của sự nhầm lẫn giữa tự do tình dục và khả năng- tuy có thật nhưng ngắn ngủi- điều khiển đàn ông. Bà có thể làm sáng tỏ sự khác nhau giữa một tự do tình dục hành hạ tinh thần lẫn thể xác với một tự do tình dục thương yêu và tôn trọng chúng. Nhưng từ bấy lâu Greer vẫn phát biểu trực tiếp từ những mớ phức tạp của kinh nghiệm cá nhân bà, ngoại suy từ tình trạng riêng của bà ra số phụ nữ còn lại một cách trắng trợn và có vẻ thiếu ý thức về giả định của mình. ("Bà ấy xem xét nội tâm nhiều như một củ khoai lang vậy thôi," Barbara Grizzuti Harrison có lần nhận xét.) Trong thập niên 70, bà trách cứ những phụ nữ không có sự tự tin, phong cách hay hay do e thẹn mà thiếu sức sống tình dục của bà. Ngày nay, khi cảm thấy bị phản bội, bà trở nên ác nghiệt, ầm ĩ, và thành một người nữ quyền ghét đàn ông một cách bắng nhắng còn hơn là những người nữ quyền mà bà từng thách thức bằng những lời ba hoa về lông lá và nịt ngực trong thập niên 70.

Điều trớ trêu là một bức chân dung kém danh tôn như bức tranh Wallace vẽ lại xuất hiện để nhắc nhở chúng ta giá trị của Germaine Greer. Bà không hẳn là một tư tưởng gia, nhưng điều quan trọng đối với quần chúng thật sự không phải là những ý tưởng của bà. Tuy say mê cuốn "Vị nữ thái giám" khi đọc lần đầu, tôi đã không thể nhớ, ngoài chuyện giao cấu lưỡng tính thì Greer thật ra ủng hộ cái gì. Ðiều mà tôi rút được từ cuốn sách là nguyên tắc mạo hiểm, lòng can đảm, và tinh thần hồ hởi để gánh vác thế gian. Điều thách thức của bà đối với những phụ nữ tự cho mình đã được giải phóng, "hãy nghĩ đến ý tưởng nếm máu kinh nguyệt của chính bạn", thật ra không có nghĩa lý gì, nhưng hồi hộp làm sao khi biết rằng có người nào đó đã du hành xa tít vào cái lãnh thổ của hành vi được chấp nhận của phụ nữ và cắm cây cờ của bà ta xuống. Nó tạo thêm không gian cho số còn lại của chúng ta.

Cũng như đa số thánh nữ (bà chính là một thánh nữ, một diễn viên huy hoàng, cường điệu, gây hỗn loạn), Greer đã tự làm hỏng đời mình. Bà cho là bà đã chịu đựng rất nhiều, nhưng bà đã xây dựng biết bao đau khổ cho kẻ khác: Cuốn tiểu sử của Wallace là bản mục lục xác thực bao gồm hành vi xấu, đạo đức giả trắng trợn và trò chơi hai mang với bạn bè và gia đình. Nhưng ít đồng nghiệp của bà chống lại bà vì các lý do này. "Chuyện lạ là làm sao mà Germaine có thể nói những điều bất công, nhưng lại rất thu hút, và thậm chí thuyết phục," Wallace viết. Một ân huệ đặc biệt dành cho một người hiếm có có thể bỏ ếm được loại bùa này. Trong nhiều trường hợp, người ta sản xuất nghệ thuật vĩ đại, nhưng trong trường hợp của Greer thành tích của bà ít rõ ràng hơn. Ở cao điểm của bà, trong giai đoạn văn hoá chín muồi của bà, Greer đã tạo ra phép kỳ diệu, ngay cả khi hồi tưởng lại nó vẫn có vẻ được bào chế bằng ảo ảnh thuần tuý. Một đồng nghiệp người Úc của bà, Susan Ryan, nhắc Wallace rằng "các phụ nữ nội trợ, những người lắm đau khổ... đã có hứng khởi từ cuốn sách của bà và cuộc đời họ đã thay đổi. Họ không trở thành siêu sao, nhưng họ trở thành quản thủ thư viện hoặc chức vụ gì đó. Tôi đã từng nghe các phụ nữ nhắc đi nhắc lại mỗi nói tới đề tài Germaine: 'Cuốn sách của bà đã làm cuộc đời tôi khá hơn.' Và họ sẽ là những người đàn bà bình thường sống những cuộc sống rất bình thường, nhưng là những cuộc sống tốt đẹp hơn." Những phụ nữ hoàn toàn không giống Germaine Greer, người nữ quyền cải thiện thế giới bất chấp chính bản thân mình.
Laura Miller là chủ bút của Salon Books


Germaine Greer sinh năm 1939 tại Melbourne. Bà là giáo sư Văn học Anh và Ngôn ngữ học đối chiếu tại trường Đại học tổng hợp Warwick, Anh. Một số sách đã xuất bản: "The female eunuch" ("Vị nữ thái giám ") (1971), "Daddy " (1990), "The Change" ("Sự thay đổi") (1994). Cuốn "The Whole Woman" ("Người đàn bà trọn vẹn") đưa ra một đánh giá tổng quát của chủ nghĩa nữ quyền vào cuối thập kỷ 90.






* Đầu đề của talawas

(c) 2003 talawas
Nguồn: www.salon.com, 1999