trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
Thế hệ @
  1 - 20 / 34 bài
  1 - 20 / 34 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiThế hệ @
11.3.2003
Phan An Tuân
Trói tròn trong cái đuôi còng
 
1. Thế nào là Thế hệ @?

Thế hệ @? Chắc chắn là để chỉ Thế hệ Trẻ, Thế hệ Mới. Nếu tính theo thập niên sinh: có Thế hệ 60-x, Thế hệ 70-x, Thế hệ 80-x… Thế hệ @ gần nhất với Thế hệ 80-x. Nếu gọi theo phong cách sống, Thế hệ @ là thế hệ của thời đại công nghệ thông tin, những đại diện của thế hệ này gần nhất với những thành tựu của công nghệ thông tin - có thể nói họ sống - hít thở bằng Internet, e-mail, chat...Trên thế giới chưa thông dụng cách gọi Thế hệ @, người ta hay gọi Thế hệ bị lãng quên, Thế hệ đánh mất (Lost Generation), Thế hệ X, Thế hệ P (Pepsi-Cola Generation), Thế hệ Tiếp theo (Next Generation)… Chỉ có ở Việt nam phát sinh cách gọi này (ngoài ra có thể một phần vì đỉnh điểm ước mơ của các đại diện của thế hệ này là có được một chiếc xe máy Honda nhãn hiệu @), Thế hệ @ nên khoanh vùng là để chỉ Thế hệ Trẻ Việt Nam. Thế hệ @ chỉ để chỉ thế hệ trẻ ở thành phố Việt nam vì gọi lớp thanh niên nông thôn Việt Nam là Thế hệ @ sẽ không chính xác - lớp thanh niên này có cách sống, kiểu nghĩ cùng những giấc mơ khác.

Câu hỏi đặt ra là: Sinh viên và thanh niên thành thị Việt Nam ngày nay là ai, họ nghĩ gì, ước mơ gì? Họ thiết kế cuộc sống của mình như thế nào? Cảm giác gì đặc trưng và liên kết thế hệ của họ?


2. Thế hệ @ là ai?

Phỏng theo ý tưởng của nhà triết học Đức Schopenhauer khi nhìn nhận về một con người hay một thế hệ là trả lời các câu hỏi:

– Anh ta (họ) là người như thế nào? (Ở đây nói về những tố chất chủ quan, tính cách: lãng mạn hay khô khan thực dụng, dũng cảm hay hèn nhát, dám đấu tranh hay an phận thủ thường, lạc quan hay bi quan…)
– Mọi người nhìn nhận anh ta (họ) như thế nào? (Ở đây nói về chỗ đứng, địa vị trong xã hội: được kính trọng hay bị khinh thường, được đặt niềm tin hay gây thất vọng)
– Anh ta (họ) có gì? (Ở đây nói về những yếu tố vật chất và phi vật chất mà đối tượng sở hữu: giàu hay nghèo, hiểu biết hay dốt nát…)

Dựa trên những tiêu chí trên, mỗi người có những đánh giá của riêng mình về Thế hệ @. Theo cá nhân tôi, Thế hệ @ khá thực dụng và hệ quả của xuất phát điểm này là thái độ hèn nhát, không dám đấu tranh và cái nhìn bi quan trong cuộc sống (từ cái nhìn này đến lối sống hiện sinh, hưởng thụ… Không phải ngẫu nhiên người ta đặt câu hỏi: Phải chăng Thế hệ @ là sự cộng hưởng của Thế hệ Thực dụng, Thế hệ Thờ ơ và Thế hệ Bạo lực? (Mai Chi, Thế hệ A còng, talawas, 24.02.2003)
Ở mọi dân tộc và trong mọi thời đại, thế hệ trẻ thường không được đánh giá đúng; ở châu Á nói chung và Việt nam nói riêng, đặc biệt là bây giờ; thế hệ trẻ chỉ được coi là một thế hệ quá độ, một thế hệ phải chấp nhận, không bao giờ được đặt niềm tin và hy vọng. Về phương diện sở hữu, có thể nói Thế hệ @ là thế hệ hiểu biết và giàu có nhất so với các thế hệ cha anh.


3. Thế hệ @ nghĩ gì, ước mơ gì?

Thế hệ @ không phải là một thế hệ đồng nhất, mỗi đại diện của thế hệ có những suy nghĩ và ước mơ riêng.

Cá nhân tôi nghĩ: Phải kiếm tiền!
Thời đại nào cũng là thời đại của đồng tiền và đặc biệt là thời đại này - đồng tiền vẫn là thước đo giá trị phổ biến nhất. Chúng ta nên thừa nhận giá trị của nó, chấp nhận nó như một tất yếu chứ không nên có thái độ dè bỉu tiêu cực. Có một quan niệm cần loại bỏ là người giàu là người xấu xa, bẩn thỉu… Làm việc tại phòng gắn máy lạnh của một cao ốc trong downtown Hà Nội hay Sài Gòn và một ngày chỉ nhiều nhất là hai lần nghĩ tới hay tiếp xúc với "nhân dân", một lần khi đóng tiền cứu trợ lũ lụt và một lần khi dừng lại mua mít dọc đường với mức lương gấp mười lần lương bố hay thầy giáo cũ chỉ hai năm sau khi tốt nghiệp đại học không có gì là đáng xấu hổ. Vấn đề là ta biết đóng và đóng được nhiều tiền cứu trợ lũ lụt hơn, ta không chỉ mua mít mà còn mua và tiêu thụ nhiều sản phẩm nông nghiệp khác - đó là một cách gián tiếp thúc đẩy nông nghiệp, giúp đỡ bà con nông dân (và cả bà con buôn bán nhỏ nữa).
Tất nhiên là phải kiếm tiền bằng kiến thức, hiểu biết, kinh nghiệm và sức lao động của mình chứ không phải bằng bất cứ giá nào. Đồng tiền bao giờ cũng chỉ là phương tiện chứ không phải là mục đích. Quan điểm của đạo Khổng "Vinh thân, tề gia, trị quốc…", ở đây theo tôi có thể được hiểu muốn nói gì thì nói, trước tiên anh phải kiếm được tiền, nuôi sống bản thân mình và giúp đỡ được gia đình mình và mọi người.
Cách đây 80 năm, Phan Khôi phê phán tầng lớp thanh niên Việt Nam có học và du học thời đó chỉ mải mê cơm áo mà không nghĩ đến câu hỏi "Làm gì để có ích cho xã hội?" Tôi cũng đồng ý với lời Phan Khôi kêu gọi: "Mỗi một vị thanh niên tân học hãy đem vài phần mười của cái mình đã lấy được ở ngoại quốc ra mà truyền bá cho dân chúng, để nâng cao cái tầng trí thức của họ lên, như thế gọi là giúp ích".
Cá nhân tôi nghĩ: Phải hưởng thụ!
Đơn giản tôi nghĩ: nếu một người không biết yêu bản thân mình thì anh ta cũng không thể yêu những người xung quanh. Nếu ta kiếm được tiền ta cũng phải biết cách tiêu tiền - hưởng thụ đòi hỏi phải có văn hoá. Điều đầu tiên tôi nghĩ: Hưởng thụ cũng là một cách kích thích sản xuất và dịch vụ phát triển.
Cá nhân tôi nghĩ: Phải khẳng định mình!
Khẳng định bằng việc kiếm tiền và hưởng thụ đồng tiền mình làm ra. Ở châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng mọi người thường không thích có những sự khác biệt và nổi trội. Tôi thấy nhiều "tay đua đêm, trong đầu đầy thuốc lắc, và đằng sau là bạn gái tóc nhuộm hung áo thun tụt trần tới thắt lưng" đó cũng là một cách khẳng định mình - một cách bế tắc của họ. Xin nhắc lại là mỗi người có riêng cách khẳng định mình.

Mỗi người thuộc thế hệ @ có ước mơ riêng. "Giới trẻ ngày nay được tự do theo đuổi giấc mơ đời mình, mà đa số giấc mơ đó là có được sự sung sướng về vật chất và tiện nghi, hơn là đặt nặng vấn đề gia đình hoặc xã hội".
Cá nhân tôi không ước mơ sẽ có xe @ (vì bây giờ tôi đang chạy xe Mercedes).
Nhưng về Việt Nam chắc chắn tôi sẽ mua và mua được xe @ nếu thực sự đó là loại xe tốt và đi xe @ sẽ được mọi người coi trọng hơn.
Cá nhân tôi không có ước mơ mà chỉ có những dự định, kế hoạch cho tương lai mà chắc chắn tôi sẽ thực hiện được, ví dụ như mở Công ty tư vấn luật, kế toán và quản trị kinh doanh - kiếm tiền và giúp mọi người cũng kiếm được tiền như mình.


4. Thế hệ @ thiết kế cuộc sống của mình như thế nào?

Theo cảm nhận của tôi, đa số đại diện của Thế hệ @ lựa chọn con đường đi du học, sau đó ở lại hoặc về nước làm thuê cho công ty nước ngoài… Đi làm thuê lương cao, hết giờ làm không phải suy nghĩ nhiều - có thời gian để hưởng thụ những giá trị của cuộc sống @.
Một người @ viết: "điều tôi muốn là một gia đình nhỏ/vợ dễ thương và con cái hiền lành/để làm một gia đình gắn bó/yên bình trong cái sự đua tranh" (away, www.ttvn.net) , tuy nhiên theo tôi ý tưởng này không phải là phổ biến trong Thế hệ @.


5. Cảm giác gì đặc trưng và liên kết thế hệ @?

Theo tôi, đó là cảm giác mất hướng, thiếu vắng niềm tin. Tôi đồng ý với ý kiến của Trần Hanh X là "thế hệ trẻ ngày nay thiếu niềm tin, theo cả hai nghĩa - họ không có niềm tin nội tại và cũng không được ai tin tưởng… thế hệ trẻ ngày nay nhạy cảm hơn lớp cha anh, nên họ không dễ dàng gì bị mê luỵ vào những sự cuồng tín ảo. Nhưng mặt khác, họ cũng không tìm thấy các giá trị mới khả dĩ đáng theo đuổi…" (Bài Xin góp thêm một suy nghĩ nhỏ với tác giả Mai Chi về "Thế hệ @", talawas, 27.02.2003)

Một người @ viết "Tôi, cũng như bao người trẻ khác, biết chỉ nói không là không đủ. Không thể đổ lỗi cho chiến tranh, cho thế hệ trước, cho cơ chế, cho bất lực, hay cho những thế lực bên ngoài mãi được. Tôi biết rằng đã đến lúc tôi phải góp một phần vào để tạo ra sự thay đổi. Phải làm một cái gì đấy. Vâng, một cái gì đấy!" (Thư của một người @, talawas, 27.02.2003) nhưng đa phần họ chưa biết phải làm gì. Nếu chỉ đơn giản là kiếm mảnh bằng, kiếm một chỗ làm lương cao… với họ là không khó. Nhưng ngay cả khi đạt được tất cả những thứ đó rồi, họ vẫn sẽ bị dằn vặt bởi ý nghĩ "Mình vẫn chưa làm được gì".
Bản thân tôi cũng luôn bị "khủng hoảng đường lối", luôn phải đi tìm câu trả lời cho câu hỏi "Làm gì?"
Bên cạnh đó, đa phần những đại diện có cảm giác cô đơn, cô đơn giữa mọi người (theo tôi vấn đề này chắc ở thế hệ nào cũng có). Bên cạnh mong muốn "Tôi một mình ngơ ngẩn số không / Chỉ muốn một mai cựa mình tỉnh giấc / Làm một điều gì nhỏ nhặt / Số không vu vơ thành có nghĩa cho đời", người @ đã viết nỗi cô đơn thành thơ: "Tôi chỉ có mình tôi / Ở cũng vậy mà đi cũng vậy …/ Tôi một mình, chỉ mỗi một mình thôi / Ðến cũng được mà đi cũng được …"
(www.tathy.com/thanglong)


Thay lời kết:

Biểu tượng @ nói nên được phần nào vấn đề của Thế hệ @. Chữ A dùng để chỉ ngôi đầu bảng. Thế hệ A là thế hệ đầu bảng, thế hệ tiên tiến, thế hệ ưu việt nhất. Rất tiếc chữ a gắn với Thế hệ @ chỉ là chữ a thường, đã thế lại còn bị trói tròn trong cái đuôi còng của nó. @ còn gợi hình dung một đường xoáy ốc rối rắm, phức tạp khởi đầu từ một cái nhân hình số 0, chỉ có hy vọng lớn lao là đường xoáy ốc này hướng lên phía trên.

© 2003 talawas