trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
Thế hệ @
  1 - 20 / 34 bài
  1 - 20 / 34 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiThế hệ @
26.3.2003
Song Anh
Tuyên Ngôn Của Thanh Niên Thế Hệ Mới
 
Đọc bài của tác giả Mai Chi và của một số người phê phán "thế hệ @" tôi thấy có một số "vết gợn lớn", xin được nêu lên và thảo luận dưới đây.


1.Cần thận trọng khi áp dụng phép quy nạp

Chúng ta không thể có một đánh giá chính xác về một thế hệ trên cơ sở quan sát một số thành viên, hoặc thậm chí một vài nhóm trong đám đông, đơn giản vì mẫu quan sát của chúng ta không có tính đại diện. Nơi nào, thời nào cũng có "con sâu bò rầu nồi canh". Bên cạnh cha con Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông và đại tướng Trần Hưng Đạo cũng còn có "Cô" Trần Ích Tắc và những tên phản quốc hèn nhát; bên cạnh Hồ Chí Minh và những người chiến sỹ cách mạng xả thân vì nước thì cũng đâu có thiếu những con mọt hại dân hại nước, bán nước cầu vinh. Âu cũng là lẽ thường tình của những vận động xã hội, kết quả của những cuộc đấu tranh sống còn giữa thiện và ác trong chuỗi sinh sinh hóa hóa vô tận này.


2. Không nên đi tìm một "mẫu số chung" cho thanh niên

Có vẻ rằng khi phê phán thế hệ @, Mai Chi và các tác giả khác đã có trong đầu một hình mẫu lý tưởng về thế hệ thanh niên hiện nay. Nếu đúng là như vậy thì đó là một sự ngây ngô về con người và về cuộc đời. Có ai trong chúng ta thích một bản nhạc trong đó chỉ có độc một âm (monotone)? Nếu chỉ độc một âm thì không thể thành nhạc được! Cũng như vậy, một bức tranh sinh động chỉ được tạo bời các gam màu đa sắc. Vẻ đẹp, sự quyến rũ say mê của cuộc sống nằm ở tính đa dạng và phong phú của nó. Vậy hãy nên để cho sự đa dạng này được phát huy hểt mình, thể hiện hết mình trong cái thế sinh động trời phú cho nó. Thanh niên là những con người tràn trề năng lượng, trong họ chứa đầy ước mơ và hoài bão, nếu cũng lại gò họ vào những khuôn sáo chết cứng thì cũng ngang bằng việc tước đi tuổi trẻ của họ.

Nói như vậy không có nghĩa là tôi đồng ý với những hành động buông thả của một số thanh niên hiện nay. Nhưng cũng cần lưu ý rằng họ là những công dân của đất nước này, họ có quyền lựa chọn và phải chịu trách nhiệm trước những hành động của mình. Vậy nên hãy cứ để trăm hoa đua nở, mỗi bông hoa có vẻ đẹp riêng của nó, và bông hoa nào hợp với cuộc đời sẽ tự khẳng định được mình và "di truyền" tính trồi của mình sang những bông hoa khác.


3. Không nên suy nghĩ hộ thanh niên

Mỗi thời, với điều kiện lịch sử của mình, đều có một sứ mệnh nhất định. Thanh niên chúng tôi ý thức được rằng chúng tôi có sứ mệnh làm cho bản thân mình, gia đình mình, nhân dân mình được sống một cuộc sống văn minh trong ấm no và hạnh phúc; và chúng tôi tin rằng chúng tôi có quyền lựa chọn đường đi cho thế hệ mình. Trong quá trình thực hiện sứ mệnh lịch sử này, bài học của các thế hệ đi trước và của những dân tộc tiến bộ luôn là những bài học vô giá. Chúng tôi sẵn sàng học hỏi, tiếp thu một cách có chọn lọc để biến những di sản chung này thành của mình, để phục vụ mục đích của mình.


4. Không nên cho rằng chỉ thước đo của mình là đủ 100 cm

Tôi không thích thái độ đánh giá như một quan tòa của Mai Chi và những người chỉ biết phê phán thế hệ @. Về điểm này, tôi thông cảm với bạn Socola. Nếu ai cũng tin rằng chỉ có thước đo của mình là đủ 100 cm, còn thước của tất cả những người khác chỉ có 70 phân, thì kết cục chỉ là một sự phê phán nhau một cách loạn xị. Mỗi thời mỗi khác, và vì vậy cũng không nên lấy tiêu chuẩn của thời hôm qua để đánh giá các biến số của thời nay. Thấu hiểu điều này, chúng tôi cũng không muốn lấy thước đo của chúng tôi ngày hôm nay để quay ngược lại phán xét một cách độc đoán những thế hệ đi trước mình!


5. Nên biết đặt câu hỏi ngược

Không nên chỉ biết chê trách thanh niên @ mà nên đặt câu hỏi "tại sao họ lại như vậy?" Rõ ràng rằng lối sống của thanh niên @ không phải là do "trời sinh ra thế". Tôi nhớ lại khi đi học phổ thông, hầu như ở trường nào cũng có khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn". Lời dạy của đức Thánh Khổng vẫn còn nguyên chân giá trị của nó. Thế nhưng chúng tôi biết học lễ ở đâu khi nhiều người lớn mà chúng tôi biết sống không có lễ; biết học văn ở ai khi mà ngay cả những bậc học rộng tài cao, thày của chúng tôi, mà luận án tiến sỹ cũng chỉ là kết quả của một sự sao chép nhào nặn thô thiển. Trước khi mắng con là "đồ mất dạy", thiết nghĩ là bậc phụ huynh nên tự hỏi là liệu nó đã từng "có dạy" hay chưa và làm sao để đến nông nỗi "mất" cái dạy ấy.


6. Không nên nhầm lẫn hiện tượng với bản chất

Mai Chi viết "Nếu bạn đang hay đã học ở nước ngoài tôi cá rằng bạn chưa từng có một đứa bạn Việt Nam nào chơi trong dàn nhạc giao hưởng sinh viên của trường, hay tham gia câu lạc bộ chụp ảnh, hay xuống đường biểu tình chống chiến tranh, hay viết bài cho Greenpeace". Nếu được phép khuyên anh (chị, chú, bác, cô) Mai Chi, tôi khuyên rằng không nên thuần tuý nhìn hiện tượng để phán xét về bản chất, đơn giản là vì điều này thực sự vô nghĩa.

Xin nói thêm rằng tôi cũng đang học ở nước ngoài. Tuy tôi không chơi trong dàn nhạc giao hưởng của trường nhưng trong lòng tôi có một cây đàn, nó đang ngân nga những giai điệu hướng về tổ quốc, nơi đồng bào tôi đang sống tuy vất vả nhưng quả cảm và thấm đậm tình người. Cây đàn trong tôi nảy những tiếng buồn khi nghe tin thiên tai lũ lụt, rung những tiếng vui khi biết dân mình năm nay được mùa, chung vui ăn tết …

Tôi cũng không tham gia biểu tình chống Iraq vì tôi nghĩ đời sau không ai chê Quản Trọng nhát gan lùi về phía sau khi ra trận. Tuy nhiên tôi vô cùng thông cảm với nhân dân Iraq, những người dân vô tội và không có sức tự về đang phải chịu những làn bom đạn như người dân nước tôi đã từng phải hứng chịu.

Tôi cũng chưa từng viết bài cho Greenpeace, nhưng tôi lên tiếng trên diễn đàn talawas này để bảo vệ danh dự cho thanh niên thế hệ chúng tôi, để nói hộ bản tuyên ngôn cho thế hệ mình, rằng tạo hóa ban cho thanh niên chúng tôi những quyền không thể xâm phạm, trong đó có quyền được sống một cách độc lập, được tự do suy nghĩ, hành động và tự chịu trách nhiệm về những hành động của mình, và tất nhiên cả quyền mưu cầu hạnh phúc theo quan niệm của chúng tôi!

Và cuối cùng, tại sao @ lại là xấu nhỉ? Nếu phân khối lớn, chạy được nhanh, giúp được Đời, nâng được Đạo, tải được Văn thì @ cũng tốt chứ sao


© 2003 talawas