trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
Thế hệ @
  1 - 20 / 34 bài
  1 - 20 / 34 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiThế hệ @
30.4.2003
Đỗ Kh.
Năng phiệt, Kỹ phiệt và Học phiệt
 
Trong bộ phim tài liệu "Hearts and Minds" (1974) của Peter Davis, có đoạn ông Nguyễn Ngọc Linh, cựu phát ngôn viên hàm bộ trưởng của chánh phủ Nguyễn Cao Kỳ và Tổng Giám đốc công ty Mekong, ngồi nơi bàn giấy văn phòng của ông ở công trường Lam Sơn, Sài gòn, liệt kê cho nhà báo Mỹ các lãnh vực thương mại và kỹ nghệ ông đang và định đầu tư vào, từ máy cày đến xe con và du lịch quốc tế. Xem lại bộ phim này, tôi tưởng ông vừa bước ra khỏi bài "Thời của những bobo" (Mai Chi, [ talawas, 16.04.03 ]) tuy ánh đèn halogen duy nhất trên hình là ánh sáng chuyên viên thu hình chiếu vào khuôn mặt lịch lãm của ông. Vào đầu thập niên 70, ánh sáng halogen chưa ra khỏi kỹ thuật đánh đèn của phim ảnh để nằm trong những đó bắt cá mà trang trí bàn giấy bên cạnh những cái gùi của người Hmong. Ngoài ra, Tổng giám đốc Nguyễn Ngọc Linh, 30 năm trước đã đầy đủ (hơi bị đủ) những điều kiện để là một (tiền) "bobo" theo Mai Chi, thuộc tầng lớp "techno-meritocrat" và hội viên (lâu đời) của hội "elite mới."

Tổng Giám đốc Nguyễn Ngọc Linh thuộc vào làn sóng mấy ngàn hay mười mấy, mấy mươi ngàn gì đó tôi không rõ, từng du học nước ngoài và trở về làm tí mưa tí gió tại miền Nam trong thời gian 54 - 75. Dĩ nhiên, họ không chui ra từ ruộng đồng (nhưng ngày nay cũng thế,) ông là con một cụ Tuần dưới thời Pháp thuộc (chứ xuất thân thợ giày thì chỉ có đại tướng Văn Tiến Dũng.) Họ biết uống rượu vang, nhất định, biết phải rót cho mình khi vừa khui chai và trước khi mời khách. Rất phải phép với những người cầm súng, tuy ít học hơn nhưng sẵn... đạn, họ nắm những bộ, nha, vụ, kỹ thuật trong chính quyền (kinh tế, tài chính, thuế vụ v.v...,) điều hành những công ty lớn tư nhân hay là quốc doanh. Theo phương châm "Ðeo súng lãnh đạo, có bằng quản lý, nhân dân lãnh đủ," những bobo tiền 1975 này đã thực thi tại mảnh Nam của đất nước rất là đầy đủ những gì Mai Chi mong đợi cho toàn quốc vào ngày mai. Cá nhân của ông Nguyễn Ngọc Linh chẳng hạn, đã đoán trước phong trào du khách ngoại quốc của 20, 30 về sau (trong "Hearts and Minds", ông phát biểu đại khái "Chúng tôi đã chuẩn bị đón du khách nước ngoài mặc dù hiện giờ thì chưa có du khách!") Ðiều mà ông không dự đoán, là 2 năm sau câu phát biểu này, ông và thân nhân, bằng hữu phải dùng tiền "cướp" một chuyến bay Air Vietnam sang Singapore lánh nạn trước khi Sài gòn giải phóng (hay thất thủ.) Lịch sử đã không đợi các du khách của Tổng Giám đốc Nguyễn Ngọc Linh.

Ngày hôm nay, 2003, những sinh viên du học là gì, nếu "ưu điểm duy nhất" không là được sinh ra trong những gia đình "bề thế" thì cũng thuộc thành phần tiểu tư sản trí thức thành thị. Nếu nói đến "năng phiệt" (meritocracy) tại Việt nam, tôi nghĩ là xứng đáng chỉ có thành phần cách mạng, những người đã mang đất nước đến thống nhất và độc lập tuy những khái niệm tự do, dân chủ và kết quả của nó là giàu mạnh đối với họ có lẽ ngoài tầm. Tiếp sau họ, thế hệ "kỹ phiệt" (technocracy) đã có những đại diện ở mức cao nhất, trong chính trường cũng như ngoài thương trường hiện nay. Khó có thể coi Chủ tịch nước Trần Ðức Lương hay Tổng bí thư đảng Nông Ðức Mạnh là những nhà "ý thức phiệt". Họ, cũng như Tổng Giám đốc A hay Tổng Giám đốc B, là những technocrat, đào tạo tại các đại học Nga, Hoa. Con cháu họ, du học tại Mỹ hay tại Úc, là những người thừa kế đương nhiên, máu mới của tầng lớp tuy có vắng mặt tại miền Bắc trong vài thập niên nhưng trước đây đã có cả ngàn năm truyền thống, là tầng lớp học phiệt vô cùng quen thuộc của ta.

Cụ Hồ Tá Bang, một nhà tri thức, doanh gia và cách mạng ở đầu thế kỷ 20, có một câu mà đến đời con ông, cụ Hồ Tá Khanh, vẫn còn tâm đắc "Chúng nó trước hủ nho giờ lại hủ tây!"[1] Check e-mail ở Sing hay check Tứ Thư Ngũ Kinh thì tôi e cũng thế, có lắm khi còn tồi tệ mấy phần. Thế giới thứ ba ngoài Việt nam đã đi trước con đường mặt trời chân lý này, phụ nữ Bangkok đã từ lâu quấn khăn thổ cẩm, ở Thượng hải các nhà doanh nghiệp trẻ đã có từ lâu những mặt nạ Phi châu trong phòng ngủ để khoe với những người mẫu (đeo gùi) lỡ lạc bước vào. Mô đen năm nay trong giới elite mới là cất Prada đi và mang túi dết có ảnh của ông Mao nhưng điều này không bớt hố phân biệt duyên hải và miền trong, nông thôn và thành thị, người giàu và người nghèo ở Trung quốc một mảy may nào. "Những ông chủ tư bản mới từ lâu đã không bụng phệ hút xì gà nữa" nhưng nếu họ đều giống như là Bill Gates thì lại càng... bỏ mẹ. Nhắc đến ông này, thần tượng của giới bobo Việt nam (?) tôi nghĩ có một ông Gates thôi ở Hoa kỳ đối với thế giới đã hơi bị đủ, lạy trời sao đừng có thêm 5, 7 ông nữa để cho người sử dụng còn cắn răng mà chịu đựng được Windows[2].

Tầng lớp technocrat từ Ðông sang Tây là 1 tầng lớp tay sai, mang khả năng của họ vui vẻ mà phục vụ mọi quyền lực kinh tế và chính trị để đổi lấy...ánh sáng halogen trong phòng khách và ôï liu cho rượu Martini[3]. Như mọi tôi tớ, họ dễ bảo, có nhiều bằng cấp nhưng ít có đề nghị, nói xấu chủ sau lưng nhưng không dám có ý kiến. Họ học rộng biết nhiều, và biết nhiều nhất là biết điều, các ông nghè ngày nay cũng chẳng khác các ông nghè ngày xưa mấy. Họ sợ bị chu di tam tộc lắm, sợ con cháu của họ không được học trường tốt và nối sự nghiệp quản lý của cha ông, trước giờ, dù hùng mạnh đến đâu, chưa ai nghe nói đến manager khởi nghĩa! Tại Việt nam tương lai, không có lẽ gì họ lại khác ở châu Phi hay là Nam Mỹ và ngày nay, ngày mai, không có lẽ gì họ lại khác ngày trước ở miền Nam, khi các ông tiến sĩ tại Pháp nhận lệnh từ 3 chàng ngự lâm pháo thủ có bằng thành chung và đi lính thời Tây.

Một số không phải nhỏ có lẽ vì vậy mà ở lại nước ngoài sau khi thành tài. Tôi chẳng bao giờ có con số chính xác nhưng mặc dù chiến tranh đã chấm dứt, du học sinh Việt nam ngày hôm nay cũng có nhiều người lựa chọn con đường này[4]. Trường hợp của du học sinh Trung quốc ( đi trước Việt nam 15, 20 năm) lại càng rõ hơn. Có bằng cấp nước ngoài có nghĩa là tìm việc được ở nước ngoài, càng cao thì càng có việc tốt mà học không xong thì cũng chẳng về làm gì nếu có điều kiện để ở lại, thà làm cu-li ở Mỹ thong dong. 5,3 năm nữa có giấy tờ bảo lãnh, về cưới người yêu bé nhỏ, bố mẹ đã phục viên mang sang này ở, cuối tuần chở các cụ đi chợ 99 là hài lòng. Vài ba ngàn người này khó mà ảnh hưởng được hậu vận trực tiếp của đất nước, nếu anh nông dân phải tin tưởng vào thế hệ mà Mai Chi gọi là bobo du học này để cuộc sống khá hơn, để còn đến lượt mình (ai cũng có thể đe hàng xóm), thì chỉ có nước mà... ăn độn. Những người trẻ ở Việt nam ngày nay, tay lấm bùn nông thôn hay dầu những nhà máy, sẽ tự họ quyết định lấy được số phận.

Mươi năm trước đây, ở Việt nam thịnh hành một niềm tin sáng chói, là sẽ bắt kịp được Thái lan! Mười năm sau, giờ Việt nam đã bắt kịp được Thái lan của... mười lăm năm về trước. Nhờ thế hệ bobo đang thành hình, có lẽ rồi ta sẽ bắt Thái lan kịp thật. Bởi vì cần mẫn là một đặc tính của giới kỹ phiệt, ngay cả những giấc mơ của họ bao giờ cũng vâng dạ ở những điều đã thấy, ở những đỉnh cao dù sang trọng và lịch lãm nhưng vẫn là ti tiện. Bangkok ờ thì, but then, what for?

© 2003 talawas




[1]Cụ Hồ Tá Bang là người thành lập công ty nước mắm và trường Liên Thành ở Phan Thiết. Bác Sĩ Hồ Tá Khanh, du học tại Pháp trong thập niên 30, làm bộ trưởng kinh tế trong cơn gió bụi của chánh phủ Trần Trọng Kim.
[2]Ðịa vị độc quyền của Microsoft theo nhiều nơi (Sun, Java, Linux, Apple...) nghĩ, là một trở ngại cho sự phát triển và tiến bộ của cách mạng công nghệ thông tin. Nó có được ngày nay hẳn là không nhờ sức trì trệ của công ty này.
[3]Cần có bao nhiêu technocrat thuộc elite mới để thay 1 cái bóng đèn halogen bị hỏng? Ba người, 1 để thay bóng cháy trong khi 1 người pha Martini và 1 người đi tìm ô liu.
[4]Tôi đơn cử 1 trường hợp gặp trong tiệm phở Nam Cali, anh phục vụ này tuyên bố đang học nghề làm tóc, "vò đầu các cô chẳng sướng hơn là bưng chén" và chẳng lẽ lại về Việt nam mở tiệm sấy gội sau khi đi du học Hoa kỳ.