trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Dịch thuật
7.7.2004
Lý Đợi
Đính chính cùng Việt Lang
 
1.

Tôi đọc bài Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam đã … văn của tác giả Việt Lang hôm 25/6/2004 trên talawas, mà thực sự thấy rất áy náy. Có lẽ vì tôi ngờ ngợ với câu mà tác giả này viết: “Trong những ngày thực hiện bài viết này lần thứ nhất, tôi (Việt Lang) cố gắng liên hệ với Nhật Chiêu - người viết bài giới thiệu cho ấn bản Câu chuyện của dòng sông của Nhà xuất bản Hội Nhà văn - để chuyển bài viết này đến ông, song chưa được. Hy vọng sau khi đăng bài viết này trên Đặc Trưng, Nhật Chiêu sẽ biết đến nó. Một người thưởng thức được vẻ đẹp của những vần hài cú, cảm nhận được nét phiêu lãng trong Basho, chắc cũng biết tự xử thế nào cho ngòi viết của mình mãi thẳng, phải không ông Nhật Chiêu?"

Tôi không biết một bài viết như thế này thì chuyển tới nhà nghiên cứu Nhật Chiêu làm gì cơ chứ, để thắng thua hay tỏ ra mình thế này thế nọ chăng?

Thông thường, những kiểu bài này chỉ là viết về một sự thật, một cái đúng thôi. Mà sự thật thì phải được xác minh và rõ tính khách quan chứ. Nhưng tôi e rằng, nó không hoàn toàn đúng. Bởi thế tôi đã đến nhà ông Nhật Chiêu [1] để xác minh lại thông tin và được biết như sau:

  • Quyển Câu chuyện dòng sông theo thông tin mà ông Nhật Chiêu xác minh được là do tư nhân (Nhà sách Quang Minh) liên kết với Nxb Hội nhà văn để in (năm 1992) và Nxb có xin phép sử dụng lại bài viết Hermann Hesse-Người thắp lửa tâm linh của Nhật Chiêu đã in trên Tạp chí Văn một thời gian trước đó (năm 1991) để làm Lời giới thiệu cho cuốn sách. Như vậy thì Nhật Chiêu có liên quan gì đến toàn bộ cuốn sách cơ chứ? Với lại, nếu không đọc Tạp chí Văn lúc ấy thì người biết đọc một chút cũng thấy rằng bài viết 28 trang này là viết về toàn bộ cuộc đời và tác phẩm của Hesse, chứ không phải là Lời giới thiệu riêng cho Câu chuyện dòng sông.

  • Thứ hai, tất cả sự trình bày cuốn sách (có tên dịch giả hay không có tên cũng thế) hoàn toàn không thuộc chủ trương, thẩm quyền hay trách nhiệm của Nhật Chiêu. Dù khi sách in ra, chính bản thân Nhật Chiêu đã đến Nxb để phàn nàn về thái độ làm việc dễ gây hiểu lầm này. Và cung cấp luôn tên, địa chỉ của dịch giả Phùng Khánh, dù Nxb này đã có sẵn trước đó; sau đó còn yêu cầu họ làm ngay một đính chính để gởi kèm theo sách nhưng có vẻ đã trễ nên không có chuyện đính chính xảy ra.

  • Vậy thì đã rõ, Nhật Chiêu đâu có liên quan gì đến câu chuyện xuất bản nhiều bí ẩn ở Việt Nam. Cho nên chuyện Việt Lang nói: “ngòi viết mãi thẳng", hay “tự xử"… với trường hợp Nhật Chiêu thì hơi oan uổng và có vẻ nhảm nhí.

Ngoài ra, tại TP.HCM, rất nhiều người đã biết nhà nghiên cứu Nhật Chiêu cũng là một dịch giả với nhiều công trình, trong đó nổi tiếng và uy tín nhất là những bản dịch về thơ Haiku, chưa ai thay thế được. Các tác phẩm biên khảo như Đại cương văn hoá phương Đông (viết chung), Câu chuyện văn chương phương Đông, Nhật Bản trong chiếc gương soi… và nhiều bài nghiên cứu trên các tạp chí chuyên ngành đã bị nhiều người khác đạo văn. Bằng chứng cụ thể như Hoài Anh trong cuốn Tìm hoa quá bước (Nxb Văn học), đã lấy khá nhiều bài thơ của các tác giả phương Tây do Nhật Chiêu dịch. Cuốn Những mẩu chuyên văn minh thế giới (Nxb Giáo Dục) do Đặng Đức An làm chủ biên đã chép gần như nguyên si 2 chương viết về Lưỡng Hà và Ai Cập do Nhật Chiêu viết và dịch trong Câu chuyện văn chương phương Đông. Tất cả điều này các báo trong nước đã làm khá rõ, thậm chí có nơi còn gọi Nhật Chiêu là nạn nhân kỷ lục của các vụ đạo văn.


2.

Tôi cũng đến lấy ý kiến nhà thơ Ý Nhi (Nguyên trưởng đại diện chi nhánh phía Nam của Nxb Hội nhà văn) thì biết như sau:

  • Vào những năm đầu thập niên 90, cái tên Phùng Khánh rất là nhạy cảm, nên có thể các người liên kết với Nxb có vẻ ngại không muốn để vào. Dù nhà thơ Ý Nhi đã nhiều lần yêu cầu họ hãy tôn trọng quyền dịch giả và phải biết rằng bản dịch này không có vấn đề gì. Khi sách in ra, nhà thơ Ý Nhi đã nhờ nhiều người tìm cách tiếp xúc dịch giả nhưng không làm được, cuối cùng chính nhà thơ Nguyễn Đạt (một người bạn của dịch giả) đã cầm thư xin lỗi của Ý Nhi và tiền nhuận bút đến gặp. Dịch giả này (Ni sư Trí Hải) đã viết thư gởi lại cho Ý Nhi như sau (thư này vẫn còn):

    “K/g Nxb Hội nhà văn.

    Xin cảm ơn về bức thư thành thiết của Bạn, và số tiền nhuật bút 840.000đ. Từ lâu đã có rất nhiều người làm như vậy, nhưng không ai có thái độ ‘liêm khiết trí thức’ đáng muốn như vậy!

    Một lần nữa xin chân thành chúc Nxb gặp nhiều may mắn, và mong được cộng tác trong nhiều tác phẩm giá trị khác.

    Sư cô Trí Hải
    17.8.92"


  • Rồi trong lần tái bản năm 2001, nhà thơ Ý Nhi đã yêu cầu bên thực hiện sách ghi tên dịch giả Phùng Khánh-Phùng Thăng vào, không hiểu tại sao mà khi sách in ra lại thấy tên Bùi Giáng ở đó. Nhà thơ này lại yêu cầu họ làm đính chính cập vào cuốn sách (họ đã làm, chắc Việt Lang làm rớt mất) và viết thư xin lỗi, đồng thời gởi tiền nhuận bút, nhưng cũng mãi tới năm 2003 mới tới được nơi và lần này, cũng chính Nguyễn Đạt là người cầm đến. Nhưng cũng không gặp được dịch giả, chỉ có đại diện là ni sư Tuệ Dung tiếp nhận và viết thư như sau (thư này vẫn còn):

    “Tôi là Tuệ Dung, có nhận quyển Câu chuyện dòng sông và một triệu tám mươi ngàn đồng của Nhà Xuất Bản Hội Nhà văn thay cho Ni Sư Trí Hải đang nhập thất tĩnh tu.

    Phú Nhuận, 16/6/03
    Thích nữ Tuệ Dung"


    Thư này có đóng kèm một dấu vuông, giữa có hình hoa sen và mấy chữ: Tuệ Uyển Vạn Hạnh.

  • Với các bản dịch và dịch giả trước 1975, đây có thể là một trường hợp duy nhất mà một tác phẩm bị nhà liên kết đối xử không đúng luật, trước Nxb Hội nhà văn. Còn với những tác phẩm khác của Vũ Hoàng Chương như Ta đã làm chi đời ta, Mây (in 1992); của Bùi Giáng như Mưa nguồn, Mùi hương xuân sắc, Khung cửa hẹp…; của Mặc Đỗ như Người vợ cô đơn, của Nguyễn Minh Hoàng, Huỳnh Phan Anh, Trần Thiện Đạo, Bửu Ý, Hoài Khanh,… có thể nói, chỉ có Nxb này là nơi chính quy đầu tiên in lại vào đầu những năm 90. Ngay cả Bùi Giáng, khi cuốn Mưa nguồn được tái bản, ông đã đến Nxb cảm ơn và có cả thư cảm kích để lại. Vậy thì, không thể nói Nxb này “dụng văn một cách không có đạo lý". Dù sự thật về xuất bản ở Việt Nam trong rất nhiều năm qua, mỗi Nxb đều ít nhiều có hành động kỳ đà cản mũi và tự bôi nhọ mình.


3.

Cuối cùng, với tư cách của độc giả, xin lưu ý với BBT talawas rằng, với những trường hợp mà bài viết thông tin hơi một chiều như của Việt Lang thì cần làm một động tác xác minh lại để được chính xác và khách quan hơn trước khi đăng lên [2] . Nói như nhà thơ Ý Nhi, thì chẳng có gì quan trọng với những trường hợp như thế này cả, nhưng đã nói đến sự thật thì nên cần sáng tỏ.

© 2004 talawas





[1]Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu, hiện là giảng viên Khoa Ngữ Văn & Báo chí, Trường ĐH KHXH & NV TP.HCM. Là tác giả của một vài cuốn sách uy tín như Basho và thơ Haiku, Thơ ca Nhật Bản, Câu chuyện văn chương Phương Đông, Văn học Nhật Bản… Là dịch giả của nhiều công trình, nổi tiếng với các bản dịch về thơ Haiku. Luân phiên giảng dạy các chuyên đề về: Văn học Nhật Bản, Văn học Hàn Quốc, Văn học Phương Tây, Văn học Phương Đông, Văn học Trung Cận Đông, Chủ nghĩa Hiện đại và Hậu hiện đại, Thiền luận Suzuki…
[2]Chú thích của talawas: Sau khi nhận được bài viết của tác giả Việt Lang, BBT talawas đã kiểm tra và xác nhận rằng những thông tin mà Việt Lang đưa ra sau đây là đúng: 1) Bản dịch Câu chuyện dòng sông do Nxb Hội Nhà văn xuất bản các năm 1992 và 2001 chính là bản dịch Câu chuyện dòng sông của dịch giả Phùng Khánh; 2) Trong bản năm 1992 của Nxb Hội Nhà văn không có tên dịch giả; 3) Trong bản năm 2001, tên dịch giả được đề cuối sách là Bùi Giáng.
Việc đánh giá các thông tin đã được xác minh này và phản hồi về sự đánh giá ấy như thế nào là thuộc quyền của công luận.