trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Nghệ thuật
Điện ảnh
  1 - 20 / 103 bài
  1 - 20 / 103 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtĐiện ảnh
21.7.2004
Nhóm PV ANTGCT
Vụ án đằng sau phim Ký ức Điện Biên
 
Bộ phim Ký ức Điện Biên của đạo diễn Đỗ Minh Tuấn đã ra mắt khán giả Việt Nam. Phải thú thực là nhóm phóng viên ANTGCT hầu hết chưa được xem bộ phim này. Chính vì thế, chúng tôi chưa có một nhận xét nào về bộ phim. Việc khen chê một tác phẩm nghệ thuật là chuyện bình thường Phim Ký ức Điện Biên cũng có lời khen, tiếng chê. Nhưng bây giờ, không còn chuyện khen chê nữa mà chuyện xảy ra lại giống như một vụ án.

Ngày 5-7-2004, Hội Điện ảnh TP Hồ Chí Minh có công văn số 31/ĐA/TP do NSND Huy Thành ký gửi cho Công an TP Hồ Chí Minh. Nội dung công văn đó như một lời kêu cứu:

“Ban Chấp hành Hội Điện ảnh TP HCM vừa nhận được đơn của ông Đức Kôn, nhà lý luận phê bình, tiến sĩ nghệ thuật học, hội viên Hội Điện ảnh TP HCM trình bày về việc ông bị đe dọa và lăng mạ bằng “tin nhắn” qua điện thoại di động. Chúng tôi xin gửi kèm theo đây đơn của ông Đức Kôn, để báo cáo sự việc lên Công an TP HCM, mong các đồng chí nghiên cứu và xem xét áp dụng các biện pháp nghiệp vụ cần thiết theo pháp luật, giúp đỡ ông Đức Kôn trước những lời đe dọa của người giấu mặt tự xưng là Huy “voi”. Xin cám ơn sự giúp đỡ của các đồng chí”.

Tiến sĩ Đức Kôn đã gửi bản sao photo công văn nói trên kèm thư của ông gửi Báo Công an Nhân dân. An ninh thế giới Cuối tháng cũng nhận được tài liệu tương tự Trong thư viết tay, tiến sĩ Đức Kôn kể lại việc ông bị một người mang tên Huy “voi” gửi tin nhắn lăng mạ và đe dọa tính mạng ông. Theo công văn của Hội Điện ảnh TP HCM và thư của tiến sĩ Đức Kôn thì sự việc có phần nghiêm trọng. Ai là người gửi những tin nhắn khủng khiếp này? Tiến sĩ Đức Kôn gần như khẳng định người gửi những tin nhắn kia phải là người có liên quan đến những người làm phim Ký ức Điện Biên. Vậy những người làm phim này là ai? Chúng tôi và hầu hết những người theo dõi báo chí viết về bộ phim này chỉ biết được hai người quan trọng nhất trong những người làm ra bộ phim là nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát và đạo diễn Đỗ Minh Tuấn. Trước khi tìm hiểu ai đã gửi những tin nhắn kia, chúng ta hãy tìm hiểu nguyên nhân của việc xuất hiện những tin nhắn đó. Lý do là sau khi bộ phim Ký ức Điện Biên ra mắt khán giả, tiến sĩ Đức Kôn đã viết bài phê bình bộ phim này. Theo tiến sĩ Đức Kôn, đấy là toàn bộ lý do của những tin nhắn. Vậy thì có nhiều khả năng những tin nhắn kia được “chế tạo” từ một trong những người liên quan đến bộ phim.

Đối tượng “nghi vấn” đầu tiên phải là đạo diễn, nhà thơ Đỗ Minh Tuấn vì ông là linh hồn bộ phim. Chúng tôi không cần hỏi ông Đỗ Minh Tuấn nhưng chúng tôi tin rằng ông Đỗ Minh Tuấn không làm việc này. Đối tượng “nghi vấn” thứ hai là nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh, tác giả kịch bản phim Ký ức Điện Biên. Đó là một phu nữ duyên dáng và lịch lãm với những câu thơ của chị lúc nào cũng da diết yêu thương. Với một người phụ nữ như thế, chị không có khả năng “chế tạo” loại “bom tin nhắn” kiểu mới như vậy. Vậy thì ai? Thật dễ dàng trả lời là Huy “voi”, vì người nhắn tin xưng danh là Huy “voi”. Nhưng Huy “voi” là ai? Chúng tôi chưa nghe tên một đạo diễn, phó đạo diễn, nhà văn, nhà biên kịch, nhà quay phim hay diễn viên có tên như vậy. Hay Huy “voi” chỉ là một khán giả yêu phim Ký ức Điện Biên quá, yêu đạo diễn, nhà thơ Đỗ Minh Tuấn quá và yêu nhà thơ, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát quá mà khi đọc được những lời phê bình của tiến sĩ Đức Kôn thì không kìm được sự tức giận. Hay Huy “voi” là một người thân nào đó của nhà thơ, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát hay nhà thơ, đạo diễn Đỗ Minh Tuấn vì thương người thân của mình làm ra một tác phẩm lại bị phê bình như thế mà nhắn tin, gọi điện cho tiến sĩ Đức Kôn. Tất nhiên, chúng tôi chỉ cần gọi đến số điện thoại đã nhắn tin cho tiến sĩ Đức Kôn thì biết ngay Huy “voi” là người như thế nào. Nhưng thú thực, tuy là những phóng viên của ANTGCT chúng tôi vẫn cứ sờ sợ khi gọi đến số điện thoại của Huy “voi”. Vì chúng tôi không biết Huy “voi” là ai. Cứ nghĩ đến lời nói qua điện thoại của Huy “voi” là chúng tôi đã hoảng lên rồi. Việc đâu có cơ quan chức năng giải quyết, mình mon men đến làm gì (?!)

Chúng tôi ngỡ có thể lặng im mà quên đi chuyện này. Nhưng như thế là rũ bỏ chức năng của nhà báo. Cuối cùng, một nhà báo trẻ nhất và có vẻ “liều” nhất của chúng tôi đã gọi điện cho Huy “voi”.

Ôi, tưởng ai, hóa ra là một họa sĩ, họa sĩ của phim Ký ức Điện Biên: Anh tên là Vũ Huy. Họa sĩ Vũ Huy bảo các anh gọi cho tôi như thế là hơi muộn đấy. Tuy muộn, nhưng anh vẫn đến Tòa soạn ANTGCT để nói về những tin nhắn và lời nói qua điện thoại của mình. Khi anh xuất hiện, chúng tôi mới hiểu vì sao anh có biệt danh là Huy “voi”. Vì anh to lớn khác thường với người Việt Nam chúng ta hiện nay. Chỉ cần anh đeo đôi găng đen thì không ai không nghĩ anh là một võ sĩ đấm bốc. Đúng thật, nếu ông họa sĩ này vung tay thì đám phóng viên bé nhỏ chúng tôi sẽ bay lên tận nóc nhà Tòa soạn. Cái biệt danh của anh chúng tôi cũng đoán mò thôi. Nếu không phải xin anh đừng đánh bom “tin nhắn”, đừng vung tay và càng không nên dùng súng đạn thật.

Khi đã khá bình tĩnh trước thân hình của anh, chúng tôi mới hỏi anh vì sao anh có thể nhắn những cái tin như thế. Nhất là khi anh cũng là một nghệ sĩ? Họa sĩ Vũ Huy nói (ở đây chỉ là lời anh Huy tường thuật lại):

“Khi tôi đọc bài báo của anh Kôn viết không dừng lại ở mức phê bình. Tôi gọi điện cho anh Kôn và đầu tiên tôi xưng em vì anh Kôn sinh năm 1944 còn tôi sinh năm 1955, tôi nói anh Kôn ơi, em là họa sĩ điện ảnh. Em tham gia làm bộ phim đó. Tại sao anh lại nặng lời thế. Anh Kôn hỏi anh là ai? Tôi nói tôi là thế này, thế này. Anh Kôn nói ngay: Chúng mày làm phim ẩu lắm... Tôi nói anh không nên nói như thế. Phim này Ban Tư tưởng - Văn hóa đánh giá là tốt, nhiều báo chí đánh giá là tốt. Chúng tôi đã làm phim với tất cả tinh thần và sức lực của chúng tôi. Anh Kôn liền bảo... (ANTGCT xin lỗi họa sĩ Vũ Huy và bạn đọc khi không in những câu này của tiến sĩ Đức Kôn). Anh Kôn đã gọi điện và nhắn tin cho tôi nhiều lần (chúng tôi lại xin lỗi không dùng cụ thể cụm từ mà tiến sĩ Đức Kôn nhắn tin tới họa sĩ Vũ Huy. Nhóm PV). Còn câu anh viết, tôi xưng là tổ sư của điện ảnh và là công an văn hóa là vu cáo. Tôi là họa sĩ làm sao lại xưng mình là tổ sư điện ảnh. Anh Kôn viết thế để lôi những người già đáng kính của điện ảnh vào cuộc Tôi chẳng có lý do gì mà xưng là công an văn hóa. Mục đích của anh Kôn là để lôi công an vào cuộc. Những câu nói đến súng đạn hay tổ sư, công an văn hóa không phải là tin nhắn mà là sự vu khống của anh Kôn. Tôi không khủng bố anh Kôn. Những tin nhắn của tôi không có tính chất khủng bố. Chính tin nhắn của anh Kôn mới là khủng bố. Anh Kôn gọi cho tôi, dọa nạt tôi... Còn về anh Kôn, các anh nên tìm hiểu con người này và các bài viết của anh Kôn về điện ảnh lâu nay thì các anh sẽ hiểu.”

Vụ án bây giờ đã chuyển sang một hướng khác. Họa sĩ Vũ Huy công nhận anh có nhắn những tin như thế. Còn tiến sĩ Đức Kôn thì sao? Nếu đúng như họa sĩ Vũ Huy kể lại những lời nói của tiến sĩ Đức Kôn về chiến thắng Điện Biên Phủ thì tiến sĩ đã làm chúng tôi đau lòng và thất vọng quá. Vai trò của chiến thắng Điện Biên Phủ đối với tự do của một dân tộc bị nô lệ và sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân quan trọng như thế nào thì không chỉ người Việt Nam mà nhân loại đã biết. Chúng tôi không cần thiết phải nói lại. Sự thật về những nhận định nói trên của tiến sĩ Đức Kôn như thế nào chúng tôi chưa dám khẳng định. Các cơ quan chức năng sẽ trả lời điều này. Nhưng cuộc “đấu” nhau phải thừa nhận là quá thiếu văn hóa giữa một người là tiến sĩ và một là họa sĩ thì đấy là sự thật mà bạn đọc đã biết. Họa sĩ Vũ Huy “đấu” tiến sĩ Đức Kôn thì tiến sĩ Đức Kôn cũng “đấu” lại. Điều ấy mới là điều chúng ta quan tâm nhất. Phim có thể dở nhưng Điện Biên Phủ mãi mãi vinh danh, là niềm tự hào của dân tộc chúng ta. Tiền có thể mất, nhưng văn hóa thì không được mất! Cho đến lúc này, chúng tôi chỉ biết kêu lên như vậy mà thôi.
Nguồn: Báo An ninh thế giá»›i cuối tháng, số 36, tháng 7.2004