trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Nghệ thuật
Điện ảnh
  1 - 20 / 103 bài
  1 - 20 / 103 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtĐiện ảnh
25.8.2004
Phạm Văn
Từ Balzac đến Đới Tư Kiệt và xi-nê
 

 
Đới Tư Kiệt vừa là nhà văn, vừa là đạo diễn điện ảnh. Ông là người Tàu, viết cuốn tiểu thuyết bằng tiếng Tây -Balzac et la Petite Tailleuse Chinoise- được dịch sang tiếng Mỹ, và bằng đầu óc Việt Nam, tôi đọc Balzac and the Little Chinese Seamstress [1] (nxb Alfred A. Knopf, New York, 2001) và xem bộ phim cùng tên do chính ông làm đạo diễn. Câu chuyện về hai thiếu niên thành thị bị đưa đi học tập cải tạo ở một miền núi xa xôi trong thời Cách mạng Văn hoá tại Trung Hoa. Nhưng những khó khăn trong cuộc sống không ngăn cản hai cậu bé mộng mơ và học hỏi, nhất là học hỏi qua văn chương và nghệ thuật, như thể đối nghịch với học hỏi qua lao động theo kiểu gọi là cải tạo.
 
Ông Tây Balzac chỉ là cái cớ để nói về sức quyến rũ của văn chương, và bản năng vươn lên của con người trong mọi tình huống. Nếu Đới Tư Kiệt ở Mỹ, có thể sẽ có tác phẩm Hemingway and the Little Chinese Seamstress, và như thế sách dễ bán chạy hơn là dính líu đến một ông Balzac xa xôi. Cuốn phim nói đến thời Cách mạng Văn hoá bên Trung Hoa, nhưng không có cảnh đấu tố từa tựa như Chúng Tôi Muốn Sống của Vĩnh Noãn, Hạng Võ Biệt Cơ (Farewell My Concubine) của Trần Khải Ca, Phải Sống (To Live) của Trương Nghệ Mưu, và Le Violon Rouge (The Red Violin/Vĩ cầm Đỏ) của François Girard. Bao nhiêu năm đã qua, nhưng mỗi khi nghĩ đến cảnh trại tập trung và lò thiêu xác của Phát xít phương Tây, cũng như cảnh đấu tố trong Cải cách ruộng đất và Cách mạng văn hoá phương Đông, và gần đây là cảnh quân đội giải phóng ở trại tù Iraq và Afghanistan, dù là sách sử hay tiểu thuyết, phim tài liệu hay xi nê, sự phong phú của đầu óc con người khi nghĩ ra những cách đầy đoạ nhau vẫn đem lại ngạc nhiên và kinh hoàng.
 
Đới Tư Kiệt trong Balzac có ngòi bút sắc bén và tàn nhẫn, khác với cái tinh tế và thâm trầm của Cáp Kim (Ha Jin) trong Waiting (Đợi chờ, nxb Random House, New York, 1999), khi tả về thời điểm đó. Tình cờ, hay có lẽ chẳng phải tình cờ, cả Đới Tư Kiệt và Cáp Kim đều nhắc đến phim Cô gái hàng hoa (The Flower Girl, 1972) của Bắc Hàn. Hoá ra trong thời đó, phim kiểu đó và cách miêu tả xã hội kiểu đó đã gây ấn tượng lâu dài cho người đương thời, và vô tình cho thấy sự nghèo nàn của một xã hội được chỉ đạo chặt chẽ không có chỗ cho trăm hoa đua nở.



 
 
Cũng như các bộ phim nhắm vào khán giả phương Tây do người Á châu đạo diễn về những chuyện xảy ra ở Á châu, phim Balzac và cô bé thợ may Trung Hoa thường có những hình ảnh rất đẹp, máy quay phim ít di động, chụp cảnh núi non cao ngất và huyền hoặc, cảnh đồng ruộng xanh rì với con trâu kéo cày tưởng là thơ mộng cho những ai chưa biết toát mồ hôi để làm ra hạt gạo.
 
Hình như phim ảnh khó tả hết những điều đã viết ra trong tiểu thuyết. Đới Tư Kiệt đã viết kịch bản với nhiều đoạn khác hẳn cuốn sách ông đã viết, và bộ phim đã không tả được hình ảnh tuyệt vời của ông cụ thợ xay và cái mê hoặc của âm nhạc, từ bản Mozart tưởng nhớ Mao chủ tịch đến bài ca Tây Tạng cải biên với lời ca mới để buộc toàn dân nhớ ơn nhà lãnh đạo vĩ đại.

 


 
Trong tiểu thuyết, hình ảnh con người hiện rõ qua câu hát dân dã của ông thợ xay lúa miền núi Tứ Xuyên: “Hãy kể cho tôi, Con rận già, Nó sợ gì? Nó sợ nước sôi, Nước sôi là nước sôi. Còn cô tiểu nhỏ, Cô sợ gì? Cô sợ sư cụ, Sư cụ là sư cụ.” Hao hao như những câu ca hóm hỉnh Việt Nam: “Ba cô đội gạo lên chùa, Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư, Sư về sư ốm tương tư, Ốm lăn ốm lóc nên sư trọc đầu”. Nhưng rất tiếc vai trò của ông cụ thợ xay hầu như không có trong phim, và trở thành mơ hồ như thể đạo diễn ... bí.
 
Tuy nhiên, hãy gác qua những rối rắm của các hệ tư tưởng, những hư cấu văn chương, cũng như những kỹ xảo điện ảnh, để thử xem sách và phim bằng con mắt tò mò của thế kỷ 21, bằng cái đầu của thời khoa học kỹ thuật.
 


 
 
Đầu truyện có tả “lò sưởi lõm xuống nền nhà [sàn]” (bản tiếng Anh: “a hearth that was hollowed out of the floor”), khó mà tưởng tượng đối với một người sống ở phố thị! Nền nhà sàn thường bằng gỗ, làm sao đốt một đống lửa sáng rực trên đó? Hay là tác giả sơ ý? Và làm sao một anh cu li cõng bà thi sĩ ngồi chễm chệ trên ghế sau lưng anh để leo lên ngọn núi khúc khuỷu và trơn trợt? Hay là tác giả cường điệu? Và làm sao biến động tác lên xuống của cái máy may thành động tác xoay tròn của máy khoan răng trong điều kiện mọi thứ đều thiếu thốn? Hay là tác giả bịa ẩu! Chẳng mấy khi được xem một phim dựa theo tiểu thuyết mà tác giả cũng là người viết truyện phim và đạo diễn để thấy cách xử lý những chỗ khó hiểu, đôi khi vô lý trong truyện. Tuy điện ảnh không nhất thiết phải theo đúng từng chi tiết những gì đã viết ra trong sách, nhưng xem phim xong càng thấy vai trò quan trọng của người biên tập trong việc góp ý với tác giả để tránh những sơ suất khi viết.
 
Nhưng cái lý thú nhất chính là bộ phim của Đới Tư Kiệt đã gợi nhớ lại những buổi tối gần nửa thế kỷ trước ngồi ở sân trường tiểu học để xem phim thời sự của chính phủ, phim tuyên truyền về các thành tựu của nước bạn đồng minh, và phim hoạt hoạ đen trắng cổ động xịt thuốc DDT diệt trừ muỗi sốt rét. Cũng tấm phông vải trắng căng giữa trời, tiếng máy chiếu phim kêu xè xè rất tối tân, tiếng chuông cà rem nghe leng keng hấp dẫn, tiếng lép nhép ngon lành của các bà, các chị nhai bắp nướng bôi mỡ hành, tiếng xì xào của khán giả khi đến những đoạn hùng tráng hay bi ai. Và trước và sau khi chiếu, có đứa bé quên hết những câu hát suy tôn và lời xiển dương thế giới tự do, nó sẽ chạy ra sau tấm phông để tìm xem có điều gì kỳ diệu.

5/2004
 


Balzac and the Little Chinese Seamstress
(Balzac et la Petite Tailleuse Chinoise), 112 phút, Pháp/Trung quốc, 2002
 
Đạo diễn: Đới Tư Kiệt
Kịch bản: Đới Tư Kiệt, Nadine Perront
Âm nhạc: Wang Pujian
Y phục: Tong Huamiao
Diễn viên: Chu Xun (cô bé thợ may), Chen Kun (Lạc), Chu Diệp (Mã), Wang Hongwei (Bốn Mắt), Wang Shuangbao (trưởng làng), Chung Zhijun (ông thợ may)


© 2004 talawas



[1]Bản dịch của Phạm Văn có trong Tủ sách talawas.