trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 325 bài
  1 - 20 / 325 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
18.12.2004
Nguyễn Hoàng Văn
Giữa... cứt và người
 
Có lẽ không ít người sẽ cau mặt, đòi gập ngay trang sách, chỗ văn chương mà! Nhưng khoan, hãy kiên nhẫn đã vì, đó đây trong văn chương, cứt cũng đã lai rai xuất hiện dăm ba lần.

Như câu ca dao:

Em như cục cứt trôi sông
Anh như con chó chạy rông trên bờ

chẳng hạn! Chúng ta tiếc cho câu ca dao sinh bất phùng thời: không chắc là nó ra đời lúc nào nhưng hẳn nhiên là xuất hiện trước thơ tình Xuân Diệu rất xa, trước Hồn bướm mơ tiên, trước hết thảy các kiểu giấy mực sực nức nước hoa và nhủng nhẳng phấn son rất xa. Nó mà ra đời trễ hơn hẳn đã vô cùng... mới, đã đường đường là một lời phản kháng, một thứ tuyên ngôn đả phá nền văn chương ái tình muôn thuở õng a õng ẹo.

Ðọc Chiều chiều, hồi ký của Tô Hoài, cứ thấy thương cho Phùng Quán với cái lần phải đi ăn trộm... cứt. Trên bảo: văn nghệ sĩ phải về cơ sở học hỏi, họ phải học để giác ngộ từ giữa lòng quần chúng và từ giữa lao động vinh quang, loại vinh quang có thể đo lường qua... chỉ tiêu cứt, thứ cứt dùng làm phân bắc cho rau vườn ta thêm xanh, cho lúa đồng ta thêm hạt. Và để đạt chỉ tiêu... cứt vinh quang ấy nhà thơ chúng ta chỉ còn cách đi ăn trộm.

Không chỉ mỗi một Phùng Quán: Chiều chiều còn thấp thoáng hình ảnh vật vờ của những anh trai Cổ Nhuế giữa lòng thủ đô Hà Nội một chiều nhá nhem tối, những kẻ phải lao đao chốn cửa quyền vì tội tham lam và nhòm ngó cầu tiêu của người dân thủ đô. Cổ Nhuế, hay Kẻ Noi, bên lề Hà Nội, là cái làng sống bằng nghề hốt cứt, thờ Thành Hoàng là một kẻ hốt cứt, thờ cả bộ đồ nghề gồm đôi quang gánh và hai mảnh xương trâu. Món đồ nghề, nghe đâu, từng được vua Lê Thánh Tôn “ví” như hai thước kiếm trong câu đối tặng làng:

Khoác tấm áo bào, giang tay gánh vác thiên hạ
Vung hai thước kiếm, tận thu lòng dạ thế gian [1]

Với khẩu khí vua xưa, cứt là lòng dạ thế gian. Với những... vua nay, qua con mắt của Trần Dần, cứt còn là ý chí “thống nhất tập trung”. Thời ấy, cái thời mà con người phải gian tham cứt thì chính quyền thủ đô lại trịnh trọng ra văn bản để thể chế hoá cái sự làm ra cứt; cứ như thể quy định động tác cho quân đội duyệt binh và bắn súng, cho công nhân thao tác máy, hay như thể nội quy mười mấy điều mà tù nhân phải học thuộc lòng. [2]

Rồi đọc đến Ngài đại tá chờ thư của Gabriel García Márquez, Nobel Văn Chương 1982, cũng thấy... cứt. Viên đại tá hết thời chờ tin của đứa con đang sống lưu vong. Túi sạch, gia tài, nữ trang bán sạch, sinh lộ đã đến đường cùng, chỉ biết trông chờ vào độ gà nòi. Ðộ gà thua, lấy gì mà ăn? Ngài đại tá phải trải qua mấy mươi năm thăng trầm đầy vinh quang cay đắng của cuộc đời mình mới có thể từng phút từng phút đi đến cái khoảnh khắc thanh thản lạ lùng khi trả lời vợ: Cứt!

Như thế, Ðông Tây hay kim cổ gì gì, văn chương vẫn tà tà lai rai với... cứt.

Tuy nhiên đó vẫn là thứ mà nhân loại hằng né tránh, ít khi đề cập đến. Cả cái sự thải ra nó, cái sự từng được ca dao nâng lên, giữa một khung cảnh rất riêng, thành một trong những “khoái”:

Thứ nhất là đỗ thủ khoa
Thứ hai vợ đẹp, thứ ba ỉa đồng

cũng bị né tránh.

Nói theo Jacques Lacan thì có né tránh, họ cũng chỉ né tránh để được... yên phận làm người thế thôi: loài người chỉ có thể tách mình ra khỏi loài thú kể từ lúc cảm thấy không thoải mái, cảm thấy khó chịu với những gì mình thải ra. [3]

Tuy nhiên, không thể né tránh, số phận chúng ta gắn chặt với hai điều: sống, vào nhà xí; chết, ra nghĩa trang.

Cái nhà xí vậy mà quan trọng lắm thay! Năm 1995, trong bài diễn văn đọc trước cuộc hội thảo quốc tế về... cầu tiêu công cộng (International Symposium on Public Toilet 25-27.2.1995) tại Hồng Kông, Tiến sĩ Bindeswar Pathak, người Ấn Ðộ, trịnh trọng tuyên bố hầu như với toàn thế giới: “Cái cầu tiêu là một chương đoạn quan trọng trong lịch sử văn minh [...] Cầu tiêu là dấu nối trọng yếu giữa hỗn loạn và trật tự, giữa sự trong lành và sự bết bát của môi trường sống [...] Nếu không hơn thì nó [cái cầu tiêu] cũng quan trọng ngang tầm với những thách đố xã hội khác, từ nạn mù chữ, bần cùng cho đến nạn thất nghiệp...” [4]

Nó quan trọng đến độ nếu không thật tâm chiến đấu để chống lại thì thế giới này sẽ bị hủy diệt vì... cứt. Những nhà khoa học quan tâm đến môi sinh như Pathak cảnh cáo: “Cái toa lét đã trở thành mối đe doạ của nền văn minh!”. Và họ thắc mắc: dân số càng càng tăng thì “lòng dạ thế gian” sẽ còn tăng, thế rồi trái đất này sẽ phải hứng chịu bao nhiêu “lòng dạ” như thế nữa? Tuy nhiên, từ trên những phương tiện truyền thông ít ai nhận thấy điều đó; chỉ thấy những âm mưu địa lý - chính trị, những trò khủng bố, những tin tức thị trường trồi sụt v.v... Qua những ngôn ngữ quảng cáo, cuộc chiến đấu chống cứt của nhân loại cơ hồ chỉ là độ mềm mại của từng khoanh giấy vệ sinh!

Trong khi giới khoa học quan tâm đến tác động của cứt với vấn đề môi sinh thì Dominique Laporte, một nhà phân tâm học người Pháp, lại nhìn nó qua lăng kính triết học và lịch sử.

Trong Lịch sử của cứt, Dominique Laporte đã xem cách ứng xử của người đối với cứt như là một tiến trình phát triển của văn minh, đặc biệt là sự hình thành của vai trò cá nhân, sự hay nói cách khác, sự hình thành của những ý thức về cái tôi, về con người cá nhân. [5]

Có nhiều hướng tiếp cận điều này. Nếu Michel Foucault nhìn ý thức đó như là sự kết trái của những quan hệ quyền lực, nếu Jacques Derrida diễn dịch nó qua những mô hình ký hiệu học thì, cứ theo những gì mà Laporte đã trình bày và lập luận, chúng ta có thể nhìn sự hình thành ấy qua... cứt.
Diễn dịch một cách khác: nếu René Descartes dùng khả năng tư duy để nhận chân sự hiện hữu “Tôi suy nghĩ, do đó tôi tồn tại!” thì, ở đây, vấn đề có thể nhìn qua lăng kính bài tiết: “Tôi đi ỉa, do đó tôi tồn tại!”.

Như thế, có nghĩa là, nếu tôi “đi” khác, thì tôi cũng “tồn tại” khác hay sao? và mỗi thời người ta “đi” mỗi cách khác nhau hay sao? Theo lời của Laporte, chúng ta có thể kết luận: cách thức mà con người đương đầu hay ứng xử với cứt chính là biểu hiện tâm lý và văn hoá của một xã hội đặc trưng, trong một thời đại đặc trưng.

Thế kỷ 16, thời kỳ Phục Hưng, không thể chối cãi, là một bước ngoặc vĩ đại trong lịch sử. Châu Âu đã vùng dậy trước sự đè nén của giáo quyền và quay về với những giá trị nhân văn của Hy Lạp và La Mã cổ đại. Chính ngay lúc những kiệt tác nghệ thuật bất hủ, mang đầy tính nhân bản chào đời, đó cũng là lúc con người trở nên khe khắt với... cứt.

Laporte nhắc đến sắc lệnh cấm... cứt của hoàng đế Pháp François Ðệ Nhất, ban hành năm 1539. Paris thời ấy, có thể nói, tràn ngập cứt. Có những đường phố hay quảng trường mà, để bước qua, ai cũng phải nhăn mặt và bịt mũi, cũng phải cực kỳ cảnh giác đôi chân. Cứ theo Laporte thì bản chất triết học của sắc lệnh này có thể tóm gọn trong một câu: cứt của nhà nào (hay kẻ nào), nhà đó (hay kẻ đó) phải chịu trách nhiệm. Sắc lệnh cấm thải cứt ra đường và cấm phơi bày cả cái sự thải ấy ở nơi công cộng. Sắc lệnh bắt buộc mỗi nhà phải xây một hầm cầu trong thời hạn ba tháng, bằng không sẽ tịch biên gia sản. Với những thị dân Pháp thời bấy giờ, sống trên những đô thị hoàn toàn vắng bóng hệ thống cống rãnh, đây quả là một sắc lệnh hãi hùng! [6]

Laporte cho rằng đấy là tiến trình... nội hoá cứt hay tư nhân hoá cứt: lỗ mũi của từng gia đình hay từng cá nhân phải ráng mà chịu đựng chính chất thải của mình, đừng bắt cộng đồng phải gánh vác nữa! [7] Sắc lệnh này rất đáng chú ý ở khía cạnh lịch sử: Tại sao một Châu Âu Phục Hưng không... phục hưng cái đã từng tồn tại trong nền văn minh cổ đại - những cống rãnh của La Mã dưới thời Caesar chẳng hạn - mà chăm chăm trút cứt lên đôi vai của từng cá nhân?

Hậu kỳ Phục Hưng là một cột mốc lớn trong lịch sử nhân loại. Kể từ đây, những nền móng quốc gia hiện đại đã phôi thai qua sự tách rời giữa đời sống công cộng và đời sống cá nhân, và rồi, ý niệm đó đã đi thẳng vào sự bài tiết: cá nhân phải chịu trách nhiệm về những gì mình đã thải ra và sự “thải” ra đó, vì là một vấn đề cá nhân, do đó cần phải kín đáo!

Càng về sau, con người càng đi xa hơn trong những tách rời chung-riêng ấy. Kỵ mùi của nhau, cảm thấy sự bực dọc gây ra cho nhau, từ chỗ tư nhân hoá cái sự bài tiết, họ lại lục tục... tư nhân hoá giấc ngủ bằng những kiểu giường cá nhân, từ giã cái giường chung, đâu từ giữa thế kỷ 18; hay xa hơn là tư nhân hoá nơi an nghỉ ngàn thu ở chốn nghĩa trang. [8]

Nếu ngủ, bài tiết và... nghĩa địa là những nhu cầu hay số phận không thể trốn chạy của con người, thì chính từ những cái riêng trên giường, trong nhà cầu hay nơi mộ chí như thế, cái tôi hiện đại của thời kỳ Ánh Sáng mới hình thành.

Sigmund Freud, cha đẻ khoa phân tâm học, đánh giá sự lành mạnh của xã hội văn minh qua ba tiêu chí: sạch, trật tự và đẹp. Ông tổ của khoa học chuyên về cái tôi đòi hỏi từng cá nhân phải xây dựng sự lành mạnh của tâm trí qua con đường loại bỏ những “cứt phẩn tâm lý” (psychic shit). Theo Laporte, ý tưởng của Freud có cái gì đó tương ứng với quan niệm khe khắt về vấn đề vệ sinh của thời đại Victoria, cái quan niệm kiến tạo một xã hội khoẻ mạnh bằng cách trừ khử tuyệt đối những gì mà con người thải ra. [9]

Cũng không thừa thãi lắm nếu phải nhắc đến mối quan hệ giữa cứt và tiền!

Song song với tiến trình tư hữu hoá trên địa hạt bài tiết là tiến trình tư nhân hoá trên lĩnh vực thương mại. Trong thời kỳ Trung Ðại, cho dù phải tự chế bằng những lề luật bất thành văn như một thứ đạo đức, ít hay nhiều, ông hoàng hay lãnh chúa nào cũng đích thân bắt tay vào những giao dịch thương mại của lãnh địa mình. Nhưng khi mầm mống của nhà nước hiện đại bắt đầu phôi thai, có vẻ như tiền đã trở thành một thứ... cứt phẩn xã hội (societal shit), và chính lúc này, giai tầng cai trị, để tỏ vẻ cao thượng, cố làm cao, cố tách mình ra khỏi những hoạt động mua đi bán lại.

Có một tương quan đáng để ý ở đây. Dè bỉu thì dè bỉu, xã hội nào cũng cần đến những hoạt động duy lợi và do đó, tầng lớp thương nhân, như một giai tầng mới, lại ra đời để đảm đương cái trách vụ mà giới quý tộc hằng bỉ thử, chê bai, xem là nhơ bẩn, không hợp với tầm tay... quý tộc. Cùng lúc đó, để... văn minh, xã hội phải loại bỏ hay giấu cho khuất mắt những chất thải mà mình đã thải ra, và như thế phải có một thành phần nào đó đảm nhiệm cái công việc nhơ bẩn này. [10]

Như thế, cách thức mà con người đương đầu với những gì mình thải ra luôn phản ánh dấu ấn của thời đại trong ý thức về cái tôi, về quan hệ giữa những cá nhân và giữa cá nhân với tập thể, cộng đồng. Giữa những xã hội cổ sơ, khi ý thức về cá nhân hãy còn mờ nhạt, chất thải của từng cá nhân không hề là vấn đề riêng của hắn: hắn đùn đẩy ra ngoài như là một thứ trách nhiệm chung, thể hiện ở những con đường nghẹt mũi ở Paris, thể hiện ở cái trò khoái thứ ba giữa nơi đồng không mông quạnh. Xã hội văn minh dần, cái trò thải bừa xả bậy đó càng bị cấm kỵ.

Chất thải nào cũng tạo nên rắc rối cả. Các nhà môi sinh lo lắng với biological shit, Freud lo lắng với psychic shit, các nhà đạo đức thời đại tôn thờ con bê vàng thì nghĩ ngợi với societal shit. Có còn những thứ chất thải khác, ở những lĩnh vực khác nữa hay không, như văn chương, chẳng hạn?
Xét cho cùng, văn chương cũng vậy cả thôi, cũng I shit, therefore I am: cái cách chúng ta ứng xử với những gì mình thải ra cũng phản ánh ào ào như thế. Thí dụ như cái tôi, tức quan niệm ở đó tác giả nhìn về tác giả: nếu như sự “viết” bỗng dưng trở thành sự “thải”, đấy chỉ là trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm của riêng tác giả hay nhất định phải đùn đẩy cho cộng đồng, bắt số đông độc giả phải xía vô gánh vác?

Nếu câu trả lời là “có” thì cái trò văn chương ấy, có khi, và trong một chừng mực nào đó, cũng là một trò khoai khoái, xếp hạng sau thứ nhất thủ khoa, sau cả thứ hai vợ đẹp. Nghĩa là một trò ỉa đồng, cái trò ỉa đồng văn chương.

Thì lĩnh vực nào cũng thế, kể gì văn chương: chúng ta chỉ có thể làm được điều gì đó đàng hoàng khi xây dựng được một thứ “văn hoá thải” tử tế, nghĩa ý thức được tác động của sự thải của mình, cái ý thức bao hàm cả trách nhiệm dọn sạch những chất thải ấy một cách thẳng thắn, đường hoàng và tươm tất.

Thế thôi. Chứ đừng cậy thời thế loạn mà đem trò ỉa đồng ra trây, ra nhởn nhơ tự nhiên như nhiên giữa nơi phố thị...

3.2001



[1]Trích theo Hàn Sĩ, “Nghề tổ”, Thông Luận 112, 2.1998, Paris, trang 31.
[2]Trần Dần, (2001), Ghi, TD MéMoire, Phạm Thị Hoài hiệu đính, trang 100. Theo Trần Dần thì giữa thập niên 50 chính quyền thành phố Hà Nội cũng ra một bản văn để quy định cách đi ỉa: “1) Tất cả nam nữ đi ỉa đái phải tới chỗ quy định. 2) Phải ỉa đúng lỗ. 3) Nếu là chuồng xí máy, ỉa xong phải tháo nước, bỏ giấy vào thùng đã quy định. Nếu không phải là chuồng xí thì thôi. 4) Ỉa xong phải rửa tay sạch sẽ.”, Trần Dần ghi thêm: “Ðó là một ví dụ sâu về thống nhất tập trung. ”
[3]Dẫn theo Slavoj (izek, in trên mặt trong của bìa sau, trong History of Shit, Dominique Laporte. [Xem chú thích kế tiếp]
[4]4 Xem: www.sulabhtoiletmuseum.org/pg02.htm
[5]Dominique Laporte, (2001), History of shit. Cambridge: The Massachusetts Institutes of TechnologyPress. [Nadia Benabid và Rodolphe el-Khoury dịch từ nguyên tác Histoire de la Merde.]
[6]Sđd, trang 3-7. Trước sắc lệnh này chưa đầy ba tháng, ngày 15.8.1539 Hoàng đế Pháp đã ban hành một sắc lệnh yêu cầu các quan chức Pháp phải sử dụng tiếng Pháp trong các công văn, giấy tờ hành chánh. Một phần quan trọng trong cuốn sách của Laporte là so sánh việc dọn cứt với công việc dọn ngôn ngữ của Hàn Lâm Viện Pháp.
[7]7 "domestication of waste" và "privatization of waste", sđd, trang 28.
[8]Sđd, trang viii [Dẫn theo 'Lời giới thiệu' của Rodolphe el-Khoury]
[9]9 Sđd, trang 11 [Tác giả tham khảo từ Sigmond Freud, Civilization and Its Discontents, chương 3 & 4]
[10]Sđd, trang 37-43

Nguồn: Nguyá»…n Hoàng Văn, VÄ‚N HOÁ, GIỚI TÍNH VÀ VÄ‚N HỌC, (tiểu luận và tuỳ bút), VÄ‚N MỚI xuất bản, California 2004