trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Nghệ thuật
Điện ảnh
  1 - 20 / 103 bài
  1 - 20 / 103 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtĐiện ảnhTư tưởngChiến tranh nhìn từ nhiều phía
2.4.2005
Diana Lin, Sophie Nguyen
Mỹ Việt Hoa
Khiêm dịch
 
Đạo diễn Trần Hàm

Nhiều người trong cộng đồng đại hội phim ảnh gốc Á sửng sốt khi Ngày giỗ (The Anniversary) của Trần Hàm không lọt vô danh sách đề cử chung cuộc giải Oscar. Quay bằng phim 35 li và quay ở Việt Nam, đồ án cao học UCLA của Hàm là một hành trình về quá khứ xuyên qua Việt Nam thời hậu chiến, điểm xuyết bằng những ký ức của một nhà sư về chiến tranh và sự phản bội, nhân trong ngày giỗ của anh mình. Khi danh sách đề cử giải Oscar được công bố, một số người đã vạch ra sự phân biệt chủng tộc, thối nát, hoặc thiếu hiểu biết rặt như những yếu tố quyết định, nhưng Hàm có cách nhìn khác.

Hàm và nhà sư trong Ngày giỗ


“Có sáu phim ngắn về chiến tranh trong danh sách đề cử giải Oscar. Có một phim Việt Nam khác, Cái bóng (The Shadow), được dàn dựng bằng tiếng Pháp. Nó gây cảm giác khó chịu, mà theo tôi, chính nó đã tác động tiêu cực tới Ngày giỗ khiến cho họ quyết định loại cả hai phim ra. Cái bóng nằm trong mười hạng đầu, nhưng tôi thấy nó chướng về mặt văn hoá khi một câu chuyện Việt được giao phó cho một cây viết Pháp. Về mặt tôn trọng đối với chất liệu dàn dựng bằng tiếng Việt, các diễn viên cũng không nói được cả tiếng Việt đúng cách.”

Cuộn phim diễn xuất ngắn đoạt giải năm nay (2004) là Hai người lính (Two Soldiers), cũng về chiến tranh và hai anh em. Cho dù cuộn phim 28 phút của Hàm không được đề cử, Ngày giỗ đã gây được sự chú ý và thán phục của giới đại hội phim ảnh, thắng giải tuyệt hảo ở Đại hội Phim ảnh Mỹ (USA Film Festival 2003), Vinh dự Mỹ (American Accolades), và Đại hội Kỳ thú Điện ảnh (Cinema Jove Film Festival).

“Tôi nghĩ người ta cảm thấy gần gũi với nó vì tính chân thật và sự thành thực của nó.”

Ngày giỗ là một hành trình cá nhân, một mẫn cảm Việt bởi người Mỹ gốc Việt. Nó không nhất thiết phải được phản ánh trong phim. Nó nên là một sự tỉnh thức, chớ không nên là một sự gượng ép.”

Hình gia đình trong phim Ngày giỗ


Tránh xa chính trị, Hàm chọn cách tiếp cận riêng tư hơn và tập trung vào gia đình nhiều hơn trong câu chuyện.

“Tôi bị thôi thúc có được một hiểu biết lịch sử thấu đáo, và tôi muốn người ta biết rằng đây là những gì người Việt phải tìm cách vượt qua. Đấy là thời điểm tính sổ lại, bởi vì tôi oải khi nhìn những người da trắng trong phim về Việt Nam. Tôi muốn thấy người Việt như những nhân vật chính.”

“Khi làm phim Ngày giỗ, thật ra ba tôi là người biểu tôi về đó dàn dựng nếu tôi muốn làm phim về Việt Nam. Nếu không, nó cũng giống như nấu đồ ăn Việt mà không có nước mắm, chẳng có hương vị gì hết.”

Hành trình làm phim Ngày giỗ bắt đầu trong năm 1999, khi Hàm trở về nơi chôn nhau cắt rốn của mình lần đầu. Khi đó Hàm làm người quay phim cho một phim tài liệu về sự tan vỡ của các gia đình Việt do chiến tranh. Hàm có một quyết định tỉnh táo khi quyết định đồ án kế tiếp,mà cũng là đề án cao học, của mình thực hiện ở Việt Nam.

Tận dụng 25.000 đô la của giải thưởng James Bridges mà Hàm nhận được từ UCLA, có lẽ cũng đủ để quay trọn cuộn phim nếu nó không đụng phải giới kiểm duyệt ở Việt Nam.

“Ngày cuối tuần trước khi chúng tôi bắt tay vô quay, các chủ nhiệm xưởng phim gọi người sản xuất của tôi tới nói rằng chính quyền muốn tụi tôi xếp đồ về nước. Không có giấy phép nào được cấp cho phim này. Họ không muốn bất kỳ ai làm một bộ phim về cuộc chiến tranh Việt Nam. Họ không muốn đụng tới vết thương cũ, và sợ là cuộn phim này sẽ khuấy lại những ký ức đau đớn.”

Cuối cùng, đoàn phim phải viết một kịch bản khác không có chiến tranh, và quay mọi cảnh trừ cảnh chiến tranh ở Việt Nam. Cuối cùng họ trở về Mỹ để hoàn tất bộ phim, quay những phân cảnh chiến tranh ở Malibu, Los Angeles. Kết cục, Hàm cho là sự cực khổ đáng với thành quả cuối cùng.

“Đó là tại sao tôi làm phim Ngày giỗ, vì tôi đã từng coi một phim tài liệu về chiến tranh Việt Nam như một thể loại điện ảnh hồi hai năm trước. Sau khi họ điểm qua những bộ phim rặt kiểu Stone, và Coppola, và Schumacher, người dẫn phim nói lời kết đại khái như vầy ‘Chỉ có một tiếng nói còn thiếu trong thể loại phim này, đó là… kinh nghiệm Mỹ da đen.’ Tôi nổi khùng với đài truyền hình và thốt lên ‘Dân chúng của đất nước mà cuộc chiến thật sự diễn ra đâu rồi? Còn tiếng nói của người Việt đâu?’”

Hàm không phải lúc nào cũng ý thức rõ nét về di sản Việt của mình, và cho là sự trưởng thành của mình cũng tiêu biểu tương đương như đặc tính Mỹ gốc Á. Phần lớn cuộc đời mình, Hàm bị lôi cuốn vào sự đồng hoá tự nhiên vào văn hóa Mỹ dòng chính với rất ít nhận biết về sự giàu có của gốc gác mình.

Trước khi trải lòng ra với văn hóa của mình, tôi đã cho rằng chỉ có những sáng tác của phương Tây mới là những sáng tác thật sự. Đó là những gì chúng ta đã vun đắp.”

“Nếu học hành để tách mình ra khỏi văn hóa Á Châu là kinh nghiệm của một đứa trẻ Mỹ gốc Á, thì tôi đã trưởng thành như vậy đó.”

“Tôi là người Việt gốc Hoa, vì vậy mang dòng máu Hoa văn hóa Việt.”

Hàm sinh năm 1974, con út trong một gia đình người Việt gốc Hoa. Gia đình Hàm nhập cư Mỹ năm 1982 thông qua ODP (Chương trình ra di trong trật tự).

“Khi tôi ở Việt Nam, tôi nghĩ tôi là người Việt. Khi gia đình tôi qua đến Mỹ, ba má cứ nói tôi hoài: ‘Con không phải người Việt. Con là người Hoa.'”

Không phải cho đến cuối cấp nử nhân Hàm mới bắt đầu tiếp xúc lại với gốc gác văn hóa Việt của mình.

“Tôi theo học Anh văn ở UCLA, lấy những lớp viết về Thoreau. Rồi tôi lấy tiếp một lớp biên kịch mà người thầy bảo chúng tôi viết về kinh nghiệm của chính mình.”

Lúc đó Hàm nhận ra rằng thời “trung học không khác gì hơn chứng bệnh mất trí nhớ được thể chế hóa.”

“Tôi được trông đợi trút bỏ hết mọi màu sắc trên da mình chỉ để thích ứng. Tôi thấy làm một đồ án chủ đề Á Châu thì khó hơn nhiều so với một đồ án phi Á.”

Đối với Hàm, nghệ thuật là một quá trình “nhớ lại”, một cách để thâu lượm và kết lại những mảng rời của mình, để thu thập lịch sử và văn hóa đang diễn ra và bị đánh mất, chính chúng đã tạo nên bản thân Hàm.

Thông qua những tìm tòi về biên kịch, thi, văn, nhạc, họa, và phim ảnh, Hàm bắt đầu khảo cứu lại chính nhân dạng mình kỹ càng hơn, và quy phần lớn sự bừng tỉnh của mình cho Club O' Noodle, một nhóm nghệ sĩ hài Việt đi biểu diễn khắp các viện đại học trên toàn nước Mỹ. Sau khi lấy xong cử nhân Anh văn, Hàm nghỉ học một năm đi theo đoàn nghệ sĩ để quảng bá những biểu cảm nghệ thuật của người Mỹ gốc Việt.

Hiện giờ Hàm đang làm bộ phim chủ suất đầu tiên của mình, khởi đầu lấy nhan đề là Fire in the Lake / Các h mạ ng [1] , nhưng giờ đổi thành Journey from the Fall / Ngàn dặm ra đi do bị vấn đề bản quyền với cái nhan đề trước.

Ngàn dặm ra đi giống như một sự giao nhau giữa Dương cầm thủ (The Pianist), Miền giết chóc (The Killing Fields),Trí thông minh nhân tạo (A.I.). Phần lớn người ta biết về chiến tranh Việt Nam, nhưng chỉ một số ít biết về những trại “Học tập cải tạo” mà hàng trăm ngàn cựu quân nhân miền Nam phải trải qua. Mà cũng chẳng có nhiều người biết về cuộc ra đi của hàng triệu “thuyền nhân” chạy trốn chế độ cộng sản ở Việt Nam sau khi Sài Gòn sụp đổ. Đây là những người tìm tự do giữa biển cả, chấp nhận nguy cơ đói khát, chết chóc và hải tặc. Nó là một câu chuyện sống còn kể lại kinh nghiệm của người Mỹ gốc Việt mà chưa hề được thực hiện trong phim Mỹ, là điều mà thế giới chưa bao giờ kinh nghiệm qua nhưng phải thừa nhận.”

Ngàn dặm ra đi sẽ dành phần quan trọng cho âm nhạc truyền thống, và đây là chỗ mà Chris Wong, khúc tác gia của Ngày giỗ, nhập cuộc.

“Tôi thấy chắc rằng Hàm sẽ làm những đồ án chất lượng cao nhiều hơn, và với tôi điều đó quan trọng hơn.”

“Tôi nghĩ Hàm hẳn là một trong những đạo diễn tài năng nhất. Nói về tài năng nghệ thuật thuần túy, không thể hy vọng nhiều hơn. Hàm có ý nghĩ rõ ràng về nghề nghiệp mình sẽ như thế nào và có nhiều đam mê kể lại những câu chuyện Mỹ gốc Á hoặc Mỹ gốc Việt.”

Ngày giỗ là một phim rất kích thích để viết nhạc, một thách thức mỹ cảm trong cách âm nhạc sẽ phản ánh văn hóa Á Châu như thế nào. Hàm không muốn những nhạc cụ Á Châu, mà muốn một dàn nhạc giao hưởng phương Tây. Thách thức kỹ thuật ở chỗ là Hàm chọn âm nhạc truyền thống Việt Nam cho đỉnh điểm xúc động.”

Wong sáng tác một bè hợp khúc dựa trên nhạc tiền chiến. Nhằm độ chính xác, Wong đã phải giảm chất lượng âm thanh xuống. Do vấn đề định giờ cho nên bài hát kết cục bị cắt ngang.

“Bực mình quá, lúc đầu khi tôi có được một chút gì đó nghe ra hồn, tôi kêu Hàm ‘Tớ cho như vầy là ăn khớp lắm rồi.’ Tôi chơi cho anh ta nghe, và Hàm bảo không được, vì lời chẳng ăn nhập gì hết. Tôi ngớ ra ‘Sao tao biết được? Tao có biết tiếng Việt đâu.’”

Tuy thế, Wong đang lại làm việc với Hàm lần nữa trong Ngàn dặm ra đi. “Kinh nghiệm tôi có với Hàm rất tốt đẹp. Tôi đã từng làm việc với Hàm trong nhiều đồ án khác, mà Ngày giỗ là lần đầu tiên với Hàm trong vai trò đạo diễn. Hàm là người hiệu đính trong những phim tôi phổ nhạc. Thật dễ làm việc chung vì anh ta biết rõ ràng điều mình muốn, và cùng lúc cũng thoải mái để bạn làm những điều bạn muốn, cái của riêng bạn.”

Phẩm chất và thành công của Ngày giỗ cho phép Hàm có thẩm quyền nhiều hơn trong tác phẩm của mình.

“Sau Ngày giỗ, chúng tôi được trao nhiều tự do xoay xở trong công việc hơn. Chúng tôi rất may mắn được làm việc với những người điều hành cho phép chúng tôi được tự chủ sáng tạo.”

Hàm muốn cuộn phim chủ suất đầu tiên của mình là một công bố. Hàm đang chào bán Ngàn dặm ra đi cho những nhà đầu tư, như một kỷ niệm ba mươi năm Sài Gòn sụp đổ.

“Tôi không lên bục diễn thuyết, tôi không ưa phất cờ, nhưng tôi tin rằng không một ai trừ tiếng nói riêng của mỗi chúng ta mới có thể nói lên kinh nghiệm của chúng ta.”

“Tôi chỉ muốn có thể làm được những phim mà tôi thấy đam mê, những phim đẩy lùi được giới hạn của bất kỳ thể loại nào, và hy vọng là những phim mang lại tiếng nói cho cộng đồng tôi.”

19.4.2004

© 2005 talawas



[1]Fire in the Lake cũng là nhan đề cuốn sách kinh điển nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam của Frances Fitzgerald, được giải Pulitzer và National Book Award-năm 1972. Nhan đề lấy tượng của quẻ Cách [mạng] trong Kinh dịch, gồm đoài (đầm, ao) trên, ly (lửa) dưới.

Nguồn: San Diego Asian Film Foundation, http://www.asianamericanfilm.com/archives/000686.html