trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 38 bài
  1 - 20 / 38 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcCác giải thưởng văn học
9.3.2004
SÆ¡n Tá»±
Nhân danh
 
Trong nhiều lĩnh vực như kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, sự lựa chọn của một người hoặc một nhóm người thường được khoác cho cái áo "được quần chúng lựa chọn", "đáp ứng yêu cầu của đội ngũ nghiên cứu khoa học"… Công trình chỉ nhờ một câu "nhân danh" như vậy lập tức coi như được đóng dấu chất lượng và chấp thuận. Xin giới thiệu một bài viết nhân việc xét giải thưởng văn học năm 2003 và hoan nghênh những ý kiến trao đổi xung quanh vấn đề nhân danh trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Không rõ từ bao giờ, ở nhiều người đã hình thành một thói quen: trong phát ngôn, hễ muốn tránh sự phản ứng nhằm vào mình, người ta thường sử dụng cách nói đại loại "quần chúng không chấp nhận điều này...", "thế hệ trẻ sẽ không thể nào thưởng thức được thứ âm nhạc già cỗi đó..." v.v. Lối nói này ở phương Tây đã thành một tình huống ngữ pháp: người ta nói rằng thực ra chỉ là tôi nói rằng - tức là người đang nói không dám nhận rằng mình đang phát ngôn điều đó mà thôi.

Trong bài viết về công tác xét giải thưởng văn học năm 2003 của Hội Nhà văn Việt Nam, đăng trên báo Văn Nghệ ngày 07.2.2004, người đọc lại nhận ra giọng điệu như vậy khi Ban Chấp hành cho rằng ngôn ngữ của tiểu thuyết Cõi người rung chuông tận thế "không phù hợp với phần đông công chúng yêu văn học Việt Nam". Người ta có quyền ngạc nhiên khi thấy Ban Chấp hành không đủ tự tin để bộc lộ thẳng thắn rằng họ không thích tác phẩm đó - đàng hoàng phát ngôn và chịu trách nhiệm về lời nói của mình. Bao giờ mới có thể chấm dứt sự loanh quanh, "đổ riệt" cho "công chúng" vô hình nào đó, nhưng lại dưới hình thức nhân danh một đám đông để "tăng trọng" cho lập luận mà tự mình đã thấy là không vững vàng, phải cần một chỗ mơ hồ mà tựa vào? Lý do kiểu này vừa giả vừa sơ giản như thể một người được mời ăn phở, không thích thì không ăn, nhưng thay cho câu nói trung thực rằng tôi không thích thì anh ta lại uốn giọng khái quát: phở không bao giờ hợp với bụng dạ người Việt Nam.

Nhiều năm qua, không mấy ai hào hứng theo dõi quá trình xét giải thưởng hàng năm của Hội Nhà văn Việt Nam. Chỉ từ năm ngoái, khi nhà văn Hồ Anh Thái từ chối giải thưởng, dường như dư luận mới bắt đầu giật mình và để tâm theo dõi đặng tìm ra một câu trả lời. Vì vậy có thể nói việc từ chối kia là một sự đánh động dư luận, rồi đặt các ban bệ xét giải của Hội Nhà văn đằng sau một bức tường kính trong suốt. Mọi sự vận động, mọi toan tính riêng chung đều hiển hiện ra trước mắt công luận, khó còn điểm mờ điểm khuất.

Thế là mùa xét giải đầu tiên sau đó đã hiện ra rõ mồn một. Tiểu thuyết Cõi người rung chuông tận thế của Hồ Anh Thái nhiều người thích, lắm người không ưa, nhưng thực sự đã gây được dư luận trong giới chuyên môn và trong độc giả, được tái bản nhiều lần trong vòng một năm qua.Việc trao giải thưởng cho cuốn tiểu thuyết này trở nên rõ ràng khi nó đã đạt đa số phiếu của cả Hội đồng Sơ khảo và Hội đồng Chung khảo. Nhưng Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đã phủ quyết kết quả bỏ phiếu của các hội đồng bằng một cuộc họp "nội bộ".

Phủ quyết quyết định của Hội đồng Chung khảo, Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đã chứng tỏ sự hoạt động tùy tiện và độc đoán, coi thường tính pháp lý của các hội đồng. Cũng có thể trong trường hợp đặc biệt, khi tính chất tư vấn của các hội đồng chuyên môn phải đặt xuống dưới lợi ích chung, Ban Chấp hành có thể phủ quyết kết quả làm việc của hội đồng. Nhưng trường hợp ấy là hi hữu, chỉ có thể xảy ra với những lý do sau:

- Các hội đồng đi chệch khỏi sự quản lý của Ban Chấp hành, có những quyết định sai trái.
- Tác phẩm và tác giả được trao giải thuộc diện "có vấn đề" về mặt văn hóa xã hội.

Liệu Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam có nhu cầu trình bày lý do thực của mình, chứ không phải phủ lên vụ việc một màu sắc chuyên môn? Có còn lý do thứ ba, thứ tư nào đó hay không? Việc gì phải lảng tránh bằng sự "nhân danh công chúng"?

Cử chỉ sáng suốt nhất bao giờ cũng là sự thẳng thắn, rõ ràng và công bằng.

Bằng không, việc trao giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam vẫn như nhiều năm gần đây, luôn luôn phủ bóng mây của những lý do cá nhân, cảm tính, những lý lẽ phi văn chương và nằm ngoài văn chương, những sự tán tụng mang tính thiên kiến và phê phán mang tính định kiến. Kết quả chấm giải hàng năm bộc lộ những bất cập không chỉ về trình độ mà cả thái độ, không chỉ là nhận thức mà còn cả ý thức. Cũng cần chỉ ra rằng bỏ sót một tác phẩm xứng đáng thì không chỉ là sự thiệt thòi cho tác giả mà chính là sự hư hại uy tín trước hết cho Hội Nhà văn. Nghĩa vụ của Hội là phải có cặp mắt xanh phát hiện cho ra tác phẩm hay, cho dù nó bị khuất lấp ở đâu đó hoặc tự che khuất, không tự tiến cử. Thiệt hại dây chuyền đi đến tận cùng của nó là thiệt thòi cho công chúng và nền văn học chung. Nhưng căn cứ vào cung cách làm việc của Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam lâu nay thì giải thưởng hàng năm vẫn nặng tính ban ơn và ban phát từ thiện.
Ðến bao giờ sự trung thực của nghề cầm bút mới khiến họ nói ra ý kiến thật của chính mình chứ không nhân danh đám đông nữa?
Nguồn: Tạp chí Tia Sáng, Hà Ná»™i, tháng 3. 2004