trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
Pháp luật
  1 - 20 / 28 bài
  1 - 20 / 28 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiPháp luật
27.4.2005
Trần Thị Trường
Sách và các quy ước quốc tế
 
Có lẽ nhiều người còn nhớ câu nói của V. Lenin: "Không có sách thì không có tri thức. Không có tri thức thì không có chủ nghĩa cộng sản". Trên thực tế chúng ta cũng thấy thiếu sách thì xã hội thiếu thông tin đa chiều, thiếu những kinh nghiệm đã đúc kết thành sách. Thiếu những kinh nghiệm đúc kết, thiếu thông tin đa chiều thì khó xây dựng một xã hội bền vững.

Ðể có sách, trước hết người ta tư duy sáng tạo và thể hiện những ý tưởng đó thành lời, sau người ta thể hiện nó trên một hình thức và cuối cùng cái hình thức chứa đựng lời ấy (cuốn sách ấy) được phổ biến trong cộng đồng, được cộng đồng tiếp nhận. Sự tiếp nhận đó thể hiện văn hoá đọc của xã hội. Tuy nhiên, có người đọc nhiều mà không biến cái đọc của mình thành thực tiễn hành động, không đem lại hiệu quả tích cực, chỉ được coi là “ông” mọt sách. Lại có người đọc hoặc không đọc chỉ trông cậy hoàn toàn vào kinh nghiệm thực tế và lối tư duy cảm tính thì khó đi được xa, khó chinh phục được đỉnh cao của vấn đề.

Sách cũng vậy, có cuốn được ấn hành tới hàng triệu bản để mua vui giải trí cho hàng triệu người nhưng chỉ tồn tại trong một thời điểm nhất định, chỉ nhằm giúp cho người đọc giải toả những tình trạng stress nào đó. Và đọc xong người ta hoá giải cuốn sách đó trong một lò nguyên liệu giấy. Lại có cuốn số lượng khiêm tốn chỉ vài trăm bản nhưng được lưu truyền đời này sang đời khác như một cẩm nang vĩnh viễn, hoặc là kim chỉ nam cho một vài thế hệ người. Vì thế đánh giá văn hoá đọc và đánh giá giá trị sách không thể là việc đơn giản. Có người lo ngại rằng sách và văn hoá đọc đang bị các phương tiện truyền thông khác lấn át. Tôi nghĩ rằng các phương tiện truyền thông ngày nay có phong phú bao nhiêu, lôi cuốn bao nhiêu đi nữa chỉ chiếm một phần thời gian, một phần sự chú ý của những người có nhu cầu và có văn hoá đọc, thậm chí nó phân hoá và phân loại đẳng cấp người đọc, nó giúp cho người ta nhanh chóng chọn lựa con đường nào cho đời sống của mình. Người cần sách là người muốn tìm hiểu thêm kinh nghiệm người khác cho mình, người không cần sách (hay ít cần, chỉ cần để giải trí giữa giờ) là những người chỉ tin vào kinh nghiệm bản thân. Xác định như thế, người viết sách cũng như người làm sách (nhà xuất bản) hiểu rằng đối tượng bạn đọc cuốn sách của mình là ai, cuốn sách của mình viết cái gì, viết có hấp dẫn lôi cuốn không, có đủ lượng thông tin cần thiết và mới mẻ không.


Sách và những điều liên quan

Lịch sử đã để lại cho chúng ta rất nhiều cuốn sách có giá trị. Trên giá sách của một nhà nghiên cứu (có thâm niên và có tiền) thường không dưới 2000 cuốn. Giá sách của một người có văn hoá đọc trẻ là cả một thư viện, thậm chí hai ba thư viện. Ðó là những cuốn sách đã có rồi, rất cần thiết nhưng nhân loại luôn luôn cần có thêm những cuốn sách mới. Ðó là một tất yếu.

Ðể có thêm sách phải sáng tạo ra nó. Quốc gia hay quốc tế cũng đã và đang đưa ra những hình thức, những biện pháp để khuyến khích sự sáng tạo đó như phổ biến sách, khẳng định danh tính người viết ra sách, và trả thù lao thích đáng. Những biện pháp ấy đã tạo nên khái niệm "tác quyền" hay còn gọi là "quyền tác giả".

Ở nước ta, Bộ Luật Dân sự đã qui định "cá nhân có quyền tự do sáng tạo..., quyền tự do sáng tạo được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ..., nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu đối với sản phẩm trí tuệ" (Ðiều 47). Bộ luật đã dành ra hẳn một phần gồm có 3 chương và 80 điều nhằm bảo vệ quyền tác giả của các sản phẩm trí tuệ (Phần 6, từ chương I, đến chương III, từ điều 745 đến điều 825). Song, để đảm bảo tính hoàn thiện toàn diện của vấn đề trong phạm vi rộng lớn hơn, trong mối quan hệ đa chiều, đa biên và phức tạp hơn phải kể đến Các điều ước Quốc tế về Sở hữu trí tuệ như Công ước Berne về Quyền Tác giả. Và tháng 10.2004 vừa qua chúng ta đã trở thành thành viên của Công ước này. Công ước Berne ra đời từ năm 1886, được bổ sung và cập nhật, sửa đổi tại Paris năm 1896, tại Berlin năm 1908, hoàn thiện tại Berne 1914, sửa đổi tại Rome 1928, tại Brussel 1948, tại Stockholm 1967, tại Paris 1971 và bổ sung 1979. Ðạo luật hiện hành là đạo luật Paris, ngày 2.7.1971, được bổ sung ngày 2.10.1979, mang lại sự khả thi cho đời sống sáng tạo văn học - nghệ thuật toàn thế giới.


Những khó khăn gặp phải

Không bảo vệ được quyền tác giả thì không khuyến khích được sáng tạo. Tất nhiên rồi. Song, bảo vệ quyền tác giả thế nào để người đọc ở các nước nghèo được đọc sách của các tác giả ở các nước giầu, người đọc ở vùng sâu vùng xa được đọc sách của tác giả ở thành thị, người đọc là học sinh, sinh viên những người cần sách nhưng chưa có và chưa có nhiều tiền mua sách được đọc sách, đó là cả một vấn đề nan giải. Những nan giải đó khiến cho các quốc gia có xu thế hội nhập, muốn có thoả thuận quốc tế về nhiều lĩnh vực luôn cân nhắc. Ðến nay toàn thế giới mới có 157 nước thành viên của khối Công ước này. Và, trước chúng ta một chút có: Tiểu Vương Quốc Ả rập Thống nhất (14.7.2004), Syria (11.6.2004). Ả rập Xê-út (11.3.2003), Trung Quốc năm 1992, Bắc Triều Tiên (19.2.2003), Hoa Kỳ năm 1989 và một nước Tây Âu như Ireland thì vừa mới gia nhập (2.3.2005).

Các điều khoản trong Công ước Berne quy định chặt chẽ đến mức tưởng như có thể làm tê liệt toàn bộ sự xuất hiện các cuốn sách có nguồn gốc ở các nước phát triển trong thế giới người nghèo. Muốn có sách từ những nước phát triển, người làm sách phải xin phép, phải thoả thuận được với tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm trước khi phổ biến cho độc giả của mình. Trong trường hợp người dịch là đồng sở hữu tác phẩm dịch còn phải được phép của người đó. Sự thoả thuận có được thường phải đảm bảo nghiêm ngặt về hình thức xuất bản, hình thức tác phẩm, phương thức thanh toán, giá cả, số lượng và thời gian lưu hành v.v. Trong đó giá cả là vấn đề đau đầu nhất. Người đọc ở một nước có thu nhập bình quân 2000 USD/năm không thể mua được sách giá 100 USD/cuốn. Ở một nước chỉ có 80 triệu dân sử dụng ngôn ngữ không phải là ngôn ngữ thông dụng của quốc tế, người dân có thu nhập thấp thì không thể xuất bản một cuốn sách dịch từ một ngôn ngữ của quốc gia có nền kinh tế phát triển cao với số lượng lớn đủ để thanh toán cho một lần thoả thuận.


Mâu thuẫn đã và sẽ được giải quyết như thế nào?

Không ít người đã tỏ ra lo ngại trước những mâu thuẫn quá lớn ấy và cho rằng Việt Nam chưa nên gia nhập khối thành viên của Công ước Berne. Cho rằng gia nhập khối ấy đồng nghĩa với thua thiệt, phải mua đắt, bị ép giá trước những kẻ giàu mạnh v.v. Quả thật có chuyện ấy nếu người làm sách không hiểu kỹ để khai thác những ưu đãi dành cho mình, những người ở những quốc gia mà nền kinh tế mới chỉ ở mức đang phát triển được quy định trong phần Phụ lục của Công ước Berne.

Một số nước nhìn thấy những lợi ích (vật chất và tinh thần) của họ nằm ở cả giai đoạn trước và sau hội nhập quốc tế. Những lợi ích đó sẽ thúc đẩy một nền kinh tế đến phát triển phồn thịnh và sự phồn thịnh cho phép đất nước ấy bình đẳng về nhiều phương diện trên trường quốc tế. Sự phồn thịnh của nền kinh tế quốc dân sẽ nâng cao thu nhập người dân nhờ đó họ đủ tiền mua những cuốn sách tốt, của các tác giả có uy tín, như vậy cũng là góp phần khuyến khích để có thêm những cuốn sách tốt hơn. Một số nước khác được các nước giầu hỗ trợ, dành nhiều ưu đãi cho một giai đoạn nhất định của quá trình phát triển vì thế cũng đủ điều kiện để tham dự vào sân chơi chung. Bên cạnh đó là sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước với quan điểm sách là động lực để phát triển tri thức, phát triển kinh tế một cách lành mạnh và xây dựng một xã hội bền vững. Ở nước ta, để có sách “cũng không ít gian truân” nhưng không thể không hội nhập. Hội nhập thì không nên bỏ qua cánh cửa WTO. Vào WTO thì điều kiện tiên quyết là phải trở thành thành viên của khối Công Ước Berne. Vả lại chẳng lẽ ta không bước những bước đầu tiên cho dù là khó khăn và không ít ngỡ ngàng để bước vào thềm của ngôi nhà văn minh mà cứ chịu cảnh “chụp giựt” của người và để mặc người “chụp giựt” của mình. Hy vọng các nhà chuyên môn trong lĩnh vực tác quyền sẽ biết được đâu là lợi thế, đâu là cái cần tuân thủ nghiêm ngặt để có thể áp dụng đúng lúc đúng chỗ trong thực tiễn. Có như vậy thị trường sách mới trở lại bình thường. Và có như vậy mới đảm bảo quyền được hưởng thụ của công chúng.



Nhà văn, nhà báo Trần Thị Trường hiện là Phó giám đốc Trung tâm Quyền tác giả Văn học Việt Nam (VLCC) thuộc Hội Nhà văn Việt Nam.

© 2005 talawas