trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 884 bài
  1 - 20 / 884 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
18.6.2005
Ðỗ Minh Tuấn
Quyền lực con người trong xã hội dân sự
2 kì
 1   2 
 
Bài viết “Vì sao văn học ta chưa ngang tầm thời đại” của tôi là một bức tranh chấm phá về thực trạng tự do sáng tác hiện nay, trong đó chiếc “ca-pốt rách” chỉ là một bức ảnh đính kèm như một biểu tượng thăng hoa từ tâm thức dân gian trong bối cảnh thiếu tự do xuất bản và tự do báo chí. Thế rồi, nguyên mẫu xuất hiện lên tiếng quyết đòi lại cuộc sống trần tục nguyên sơ của biểu tượng dân dã thanh khiết đó. Và sự tái sinh của sex-chính trị đã biến talawas thành giường ngủ “vô văn hoá” trong mắt thịt của những kẻ dâm đãng đạo đức giả, biến cuộc trao đổi học thuật thành diễn đàn cho Trần Mạnh Hảo (TMH) tỏ tình chính trị, tiếp thị dịch vụ đầu gấu văn hoá trong thị trường mới và phô trương bản lĩnh tự vệ của con chồn hôi.

Bài viết này cũng như bài viết trước của tôi không nhằm chạy đua với TMH trong những trò chỉ trích cá nhân mà cội nguồn của nó không nằm trong quan hệ vốn tốt đẹp của hai người. Trong nỗ lực kiên nhẫn xua đi những hoả mù và rác rưởi mà TMH đã buộc phải tung ra trong thế cưỡi hổ, tôi luôn luôn nhắm tới những vấn đề xã hội sâu sắc lớn lao hơn đằng sau những sự việc, con người cụ thể nằm trong vùng tranh cãi, với hy vọng rằng đó là cách giữ lấy những độc giả khả kính thầm lặng và duy trì đẳng cấp vốn có của diễn đàn. Bởi vì, talawas, theo nhìn nhận của tôi khi tham dự, là một diễn đàn văn hoá-chính trị hướng tới việc nhận thức và xây dựng những nền tảng tinh thần có tính lâu dài và thuyết phục, chứ không phải là diễn đàn đấu tranh chính trị thô thiển, thông thường, càng không phải là nơi đám giun kim đạo đức giả hý hửng ký sinh thầm mơ một xú khí bền lâu. Sự sang trọng và đẳng cấp nhất định của diễn đàn này chính là ở tầm trí tuệ, ở chiều sâu văn hoá và sự đối thoại công phu tương kính giữa những người khác nhau về tri thức, thân phận và chính kiến vì một mục đích chung tìm kiếm và xây dựng một tương lai đồng thuận, dân chủ, văn minh.

Trước khi đi vào đối thoại với những điều TMH nêu ra, tôi xin nói đôi lời với những quý ngài đang cho rằng cụm từ “ca-pốt rách” là thiếu văn hoá. Phật, Jesus, K. Marx, Nietzsche... là những nhà tư tưởng lớn mà họ vẫn dùng nhiều hình tượng, nhiều khi cay nghiệt để biểu đạt ý tưởng và thái độ. Các vị tổ Thiền học còn dùng cụm từ "que cứt khô" làm công án tu tập. Napoleon khi phẫn nộ trước lời kêu gọi đầu hàng của kẻ thù còn dùng từ "cứt" để truyền thông điệp về thái độ quyết chiến trước ba quân. Sau này, trong một bức thư góp ý cho một người bạn, ông Hồ Chí Minh có nhắc lại từ "cứt" này như một ví dụ đáng học hỏi về ứng xử ngôn từ trong tình huống chính trị tâm lý đầy gay cấn. Trong cuốn Triết học các hình thức tượng trưng (Philosophie der Symbolischen Formen) ông Cassirer, nhà triết học Ðức, đã khẳng định sự hiện diện tất yếu của những phương pháp đa dạng, cảm tính về hình thức. Cassirer chỉ ra rằng ngang hàng với nhận thức khoa học còn tồn tại ngôn ngữ, nghệ thuật, tôn giáo và các thước đo cảm tính trần tục khác dùng trong thế giới văn hoá - thế giới của những biểu tượng, tượng trưng. Trên ý nghĩa này, các hình tượng như “ca-pốt rách” tuy vô văn hoá như các quý ngài đã kết tội, nhưng lại là một kiểu thước đo văn hoá của các quý ngài. Trước đây, Nietzsche cũng khẳng định vai trò quan trọng của ngôn từ ẩn dụ - với những hình tượng cảm tính thô thiển - đó là vai trò xếp đặt lại những ấn tượng hỗn độn trong kinh nghiệm thô thiển của ta. Các "ẩn dụ" thoạt đầu được sử dụng ngẫu nhiên, sau dần dần trở thành khái niệm do được ta dùng đi dùng lại. Theo Nietzsche, ẩn dụ có vai trò bù đắp sự bất lực và xuyên tạc của ngôn ngữ khi trình bày sơ đồ thế giới. Sau này, các đại biểu kế tiếp của triết học cuộc sống như Dilthey, Bergson, Spengler thường dùng hành văn ẩn dụ, cách ngôn kiểu “ca-pốt rách” để tải những thông điệp về cuộc sống mà họ cho rằng khái niệm không thể nào thể hiện.


18 điều xuyên tạc và gian lận

Trong bài viết của mình, TMH đã dẫn ra mười một điều bịa đặt trong bài viết “Tiếp tục nhận diện “ca-pốt rách của Ðảng” của tôi. Nhưng thực tế đó lại chính là sự trình diễn ngoa ngôn của một kiểu hành xử văn hoá quen thuộc kết hợp trong nó sự bất lực trong việc tiếp cận bản chất của con người, sự việc với thái độ gian lận đạt đến mức bản năng - gian lận về thông tin, gian lận về lập luận, gian lận về luật chơi và rất nhiều gian lận mang tính ngộ nhận bản năng về logic. Chẳng hạn, như chúng tôi đã có dịp phân tích trong một bài giải mã TMH, một trong những thủ pháp của cây bút này là đánh tráo: đánh tráo thứ tự, đánh tráo chủ thể, đánh tráo bối cảnh, đánh tráo cấp độ. Một bài viết, một công trình khoa học phức tạp giống như một ngôi nhà nhiều tầng, cái toilet của tầng hai thấp hơn cái bàn thờ của tầng hai nhưng tất phải cao hơn cái bàn thờ tầng một. Khi phê phán, TMH phá bỏ sự phân tầng của hai hệ thống, đem so sánh cái toilet tầng hai với bàn thờ tầng một để lu loa rằng tác giả đã đặt bàn thờ tổ thấp hơn toilet, rồi từ đó phát triển thành sự xúc phạm tổ tiên, sự lộn xộn đua đòi phương Tây coi trọng buồng ngủ và toilet hơn bàn thờ tổ, rồi suy diễn ra sự coi trọng đời sống cá nhân hơn cái thiêng của văn hoá cộng đồng v.v. Một thủ pháp thông dụng khác của TMH là trích dẫn đoạn này lắp ghép với đoạn kia không còn giữ được mạch lập luận của nguyên bản, hoặc đánh tráo chủ thể, biến sự mô tả đối tượng thành tuyên ngôn của người viết, tạo ra tầng tầng xuyên tạc và gian lận rất tinh vi. Phân tích những gian lận và xuyên tạc này không phải để tiếp tục đôi co làm phiền lòng độc giả mà mong muốn vượt qua cuộc đôi co đó để đi đến những vấn đề mang tính khái quát, chia sẻ nhận thức về một xã hội dân sự qua trải nghiệm và lý giải của bản thân mấy chục năm qua. Mặt khác, thông qua sự phân tích này, tôi mong thuyết phục được phần nào số đông độc giả chân thành tin vào những lập luận gian lận núp dưới những logic hình thức để đầu cơ trên những định kiến chính trị nào đó, giúp cho quý vị độc giả có thêm tư liệu để cắt nghĩa sát thực hơn xã hội Việt Nam. Ngay cả trong những điều có vẻ đôi co này quý vị độc giả cũng có thể tìm thấy những vấn đề thú vị mang đặc trưng thời đại, chẳng hạn, một nhân vật quan trọng bậc nhất trong đời sống văn hoá văn nghệ của dân tộc hiện nay như ông Nguyễn Khoa Ðiềm mà sự hiện diện hay không hiện diện của ông trong một Ðại hội lớn như Ðại hội nhà văn vừa qua lại trở thành điều hiện còn tranh cãi, vì cho đến giờ rất nhiều người trong số 600 đại biểu khi được hỏi vẫn ngơ ngác không biết ông Ðiềm có mặt hay không?! Điều đó chứng tỏ rằng vai trò của lãnh đạo trong đời sống nhân dân đã mờ nhạt lắm.

Dưới đây là 21 điều xuyên tạc và gian lận bao gồm cả bịa đặt, thổi phồng và đánh tráo của TMH trong bài viết vừa qua.

Xuyên tạc gian lận 1 - Ðánh tráo ngày ông Ðiềm có mặt ở đại hội: Trong bài viết đầu tiên của mình TMH mô tả chi ly vẻ mặt của ông Nguyễn Khoa Ðiềm khi nghe bài tham luận của tôi, như thể ông đã quan sát kỹ quý ông lãnh đạo trong phút năm chữ “ca-pốt rách của Ðảng” vang lên. Vậy mà, khi tôi vạch trần sự bịa đặt của ông thì ông lại phải điện hỏi BTC đại hội xem ông Ðiềm có mặt hay không?! Ông Thắng nói với ông Hảo rằng ông Nguyễn Khoa Ðiềm có mặt ba ngày, nhưng Ðại hội lại những bốn ngày, hai ngày trù bị 22, 23 tháng 4 và ngày khai mạc 24 tháng 4. Tối 22-4 trù bị ông Ðiềm phải có mặt để quyết định chuyện Chủ tịch Ðoàn. Vậy mà TMH gian lận khi thuật lại lời ông Thắng thiếu ngày 22-4 để 3 ngày có mặt đó trùm sang ngày 25-4 là ngày tôi phát biểu. Lúc đứng trên bục tôi nhìn phía dưới chỉ có ông Ðào Duy Quát, Phó ban TTVH ngồi nghe. Nếu thấy ông Nguyễn Khoa Điềm tôi đã phê phán ông bảo kê cho Trần Mạnh Hảo. TMH ngờ rằng tôi nói ông Điềm không có mặt là để “che chắn” cho ông ấy, đó là nói lấy được, chẳng biết rằng chính việc ông Nguyễn Khoa Điềm và ông Phạm Quang Nghị bênh che cho những người như Trần Mạnh Hảo đã làm tôi thêm ghét ĐCSVN và có cảm hứng nói toẹt ra điều ấy.

Xuyên tạc gian lận 2 - Phịa ra câu trả lời của ông Hữu Thỉnh :Tôi đã điện hỏi nhà thơ Hữu Thỉnh rằng có phải ông nói với TMH rằng tôi bịa chuyện về cuộc họp bàn việc xử lý tôi sau bài viết công bố ý kiến về Ðảng của tôi trên Việt 3 không, ông trả lời từ Đại hội đến nay ông chưa hề nói chuyện điện thoại với TMH. Sáng ngày thư sáu 9-6, trước khi đi họp Quốc hội ông còn điện cho tôi nói rõ là từ Đại hội đến nay ông chưa hề có cuộc nói chuyện nào với TMH và ông khuyên tôi không nên tiếp tục cuộc tranh cãi với anh ta. TMH không gọi điện cho ông Hữu Thỉnh hoặc gọi nhưng không được vì ông liên tục tắt máy trong kỳ họp Quốc hội, nhưng TMH lại cả gan bịa ra câu trả lời của ông. Kỹ nghệ bịa sống sít lộ liễu đến nỗi câu trả lời của ông Thỉnh cũng y hệt giọng mấy câu trả lời của chị Ngát, anh Khoa, ai cũng nói là “Tuấn bịa đấy!”. Ông Hữu Thỉnh chỉ có mặt mo mới chối bỏ những điều tâm sự chân tình khi kể lại thiện chí và sự trân trọng của một số người lãnh đạo với tôi và khuyên giải tôi đừng tiếp tục có những thái độ và hành vi cho in những phát ngôn trên báo nước ngoài như thế. Ông Hữu Thọ nguyên Trưởng ban TTVHTW, Trợ lý Tổng Bí thư cũng có lần kể với tôi rằng trong cuộc họp ấy có ý kiến đề nghị nếu không xử lý hình sự thì cũng cần kỷ luật đuổi tôi ra khỏi cơ quan nhà nước, nhưng đa số bảo vệ, phân tích sự việc của tôi một cách khoa học nên cuối cùng đã nhất trí cho qua. Ai không tin xin điện hỏi ông Hữu Thọ.

Xuyên tạc gian lận 3 - Ðặt câu hỏi mang nội dung xuyên tạc để bẫy người được hỏi: Trong bài “Tiếp tục nhận diện “ca-pốt rách của Ðảng” tôi không hề nói là tôi bị kỷ luật và bị chính quyền cấm làm phim, cấm ký tên thật trên báo. Tôi viết rõ ràng: “may mắn là cuộc họp đã không đi đến kết quả xấu cho tôi. Nhưng sau đó Ban TTVH đã giao ban thông báo về trường hợp của tôi dẫn đến việc gần ba năm tôi không được ký tên thật trên báo và không được làm phim”. Nhưng TMH lại xuyên tạc trắng trợn: “Cũng về chuyện ông Tuấn bịa ra bị chính quyền cấm làm phim 3 năm và không được ký tên thật khi viết báo”. Ðây là sự xuyên tạc biến thông tin tôi kể về một thực tế không được ký tên thật, không được làm phim thành thông tin về một lệnh cấm không cho ký tên, không cho làm phim. Hai chuyện này bản chất rất khác nhau: không được làm phim và ký tên thật như tôi viết là diễn biến thực tế của đời sống xã hội, còn bị cấm không cho làm phim và ký tên thật là ý chí của cấp trên. TMH đã đặt câu hỏi theo tình thần xuyên tạc này nên người ta mới trả lời là không bị chính quuyền kỷ luật và cấm làm phim.

Xuyên tạc gian lận 4 - Bịa ra câu trả lời của chị Hồng Ngát để bôi nhọ tôi: TMH viết: “bà Hồng Ngát trả lời tôi như sau: “Làm gì có chuyện Đỗ Minh Tuấn bị cấm làm phim, cấm viết ký tên thật, làm gì có chuyện cấp trên xử tệ với ĐMT, Tuấn nó bịa ra đấy!” Tôi điện hỏi chị Nguyễn Thị Hồng Ngát rằng có phải chị nói với TMH như vậy không? Chị Ngát tỏ ra rất bực mình trả lời rằng chị không hề nói vậy: “TMH có điện hỏi rằng Ðỗ Minh Tuấn có bị kỷ luật gì trong đợt ấy không mình nói là không, có bị kỷ luật gì đâu. Chỉ có thế thôi chứ có nói gì khác đâu. Ðúng là dây với hủi”.

Xuyên tạc gian lận 5 - Ngộ nhận về vai trò làm chứng của ông Ðặng Nhật Minh: TMH viết rằng đạo diễn Ðặng Nhật Minh trả lời ông như sau: “Thưa anh Trần Mạnh Hảo! Tôi làm Tổng thư ký Hội Điện ảnh Việt Nam 2 khóa liền, từ năm 1989 đến năm 2000, tức khóa 3 và khóa 4. Ðỗ Minh Tuấn là Uỷ viên BCH Hội điện ảnh khoá 3. Làm gì có chuyện ông Tuấn bị cấp trên cấm làm phim 3 năm và cấm viết ký tên thật”. Ở đây có sự nhập nhèm đánh tráo về thời gian. Tôi chỉ là Uỷ viên BCH khoá 3 từ năm 1988 đến năm 1996. Những chuyện liên quan đến việc TMH ký nặc danh viết bài trên báo Công an TP HCM quy tôi âm mưu tiếp tay cho những người phản động để lật đổ chế độ và việc công bố những điều tôi nói trong cuộc gặp ông Trần Hoàn trên Việt 3 xảy ra năm 1998, lúc tôi không còn trong BCH Hội ÐA nữa. Trình bày ý kiến của ông ÐNM như vậy, TMH làm cho độc giả lầm tưởng rằng lúc đó tôi vẫn là Uỷ viên BCH dưới quyền quản lý và theo dõi của ông Minh nên ông Minh nắm sát tình hình. Thực tế là, ông ÐNM cũng bị lừa vào bẫy do cách hỏi của TMH, mặt khác ông không thể biết hết những chuyện khó khăn trong cuộc sống của tôi, nhưng ông lại trịnh trọng xông ra nhận lấy vai trò nhân chứng để quả quyết hùng hồn như thể đang nắm trong tay mọi chuyện.

Ðây là một vụ án không thành văn nên không phải ai cũng biết. Sau buổi ông Ðào Duy Quát, Phó ban TTVHTW giao ban báo chí về trường hợp của tôi, các tờ báo không dám in bài có tên tôi trong một thời gian dài. Trong hai năm viết tạp văn hàng tuần và viết bài cho Văn nghệ trẻ tôi phải ký tên Hoàng Nam theo yêu cầu của ông Trương Vĩnh Tuấn. Cuối năm 1998, công an văn hoá và thành uỷ TP Thừa Thiên - Huế đã lệnh cho Tạp chí Sông Hương bóc hai bài viết của tôi trong hai số báo đã in hàng ngàn bản, có bài đã giật tít ngoài bìa nên phải in lại bìa.Tôi vẫn còn giữ cả hai bản để quý vị nào cần kiểm chứng thì mời xem. Năm 2000 báo Sức khỏe và đời sống in tạp văn Thân phận chó ta của tôi còn bị các ông lãnh đạo cấp cao phản ứng và công an văn hoá đã gọi anh Phí Văn Chiến thư ký Toà soạn lên làm việc. Khi in bài phỏng vấn TBT Lê Khả Phiêu trên báo này vào dịp Tết Tân Tỵ (thông qua tướng Nam Khánh) tôi lại phải ký tên Hoàng Nam. Về phim, chị Hồng Ngát khi ấy là Giám đốc Hãng phim truyện VN biết quá rõ việc bộ phim 2 tập Con của Nhuệ (kịch bản Nguyễn Quang Hà) tôi làm xong đã công bố lịch phát sóng nhưng bị ách lại, đến nay vẫn không được phát sóng và Hãng phim truyện bị thiệt hàng trăm triệu vì Ðài THVN không thanh toán nốt. Các nơi sợ phim tôi làm ra sẽ không được phát sóng nên không đặt làm phim nữa. Sau này, anh Khải Hưng Giám đốc Hãng phim truyền hình là bạn học cũ thương tình cho tôi làm ba tập phim Mượn tên bố để có tiền, nhưng liên tục bị công an văn hoá vào hỏi han và cảnh báo, khi duyệt phải đổi tên phim thành Công ty co giãn mênh mông và đổi tên đạo diễn thành Minh Tuấn, trùng tên với một ông Minh Tuấn khác trong Ðài. Xin hỏi, ông Tổng thư ký Đặng Nhật Minh lúc ấy có biết những thực tế này không, và nếu biết ông đã làm gì để tháo gỡ cho hội viên những khó khăn về tự do sáng tác?

Xuyên tạc gian lận 6 - Phịa ra câu trả lời, trình bày sai lệch tinh thần thái độ của nhà thơ Trần Ðăng Khoa. Tôi đã điện hỏi Trần Ðăng Khoa rằng sau buổi tối đi xem kịch Ðời cười 3 của tôi ở Nhà hát Tuổi trẻ bác có gọi điện vào sáng sớm hôm sau nói với tôi như thế mà TMH lại viết rằng bác chối không hề nói câu đó? Trần Ðăng Khoa nói “Không phải là tôi chối mà vì không có gì chính thức cả, với lại lúc TMH hỏi tôi chưa được đọc bài bác viết trên talawas nên chẳng biết đầu đuôi ra sao. Tôi khuyên hai bác nên chấm dứt chuyện chửi nhau đi!”

Trần Đăng Khoa là chiến hữu lâu năm của Trần Mạnh Hảo, cũng đã mở màn cho một vụ phê phán tôi rất nặng trên báo Văn nghệ năm 1997 với sự tham gia của các ông Nguyễn Hoà, Đỗ Kiên Cường kết án tôi những tội danh chính trị rất nặng nề. Nếu không tin vào sự chân thành và tự trọng của một văn nhân như ông, không bao giờ tôi lại dẫn lời ông ra trong một cuộc “tỷ thí” với chiến hữu của ông. Và càng không bao giờ dại dột bịa lời của ông. Tôi có rất nhiều người bạn đã nói nhiều điều tốt về tôi mà không bao giờ chối, tại sao tôi lại phải bịa lời của nguời không thân thiết với tôi để nhận lấy nguy cơ bị chối?

Xuyên tạc gian lận 7 - Bịa ra thái độ phản ứng của đại hội : TMH viết: ”Khi ông phát biểu xong, chỉ nghe thấy nhiều tiếng nói rõ to: “vô văn hoá” vang lên từ dưới hội trường”. Lại một sự bịa đặt trơ trẽn. Không có ai hô lên như thế. Sau khi tôi kể lại việc lãnh đạo o bế cấm cuốn sách đối thoại với TMH đã khiến chúng tôi phải phản ứng theo lối dân gian gọi TMH là cái “ca-pốt rách của Ðảng” hội trường đã lặng đi như trong một tường thuật đã đăng trên talawas. Chính TMH trong bài đầu tiên đã cay cú vì mấy trăm đảng viên, mấy chục quan chức không ai phản ứng gì, sao bài này lại nói ngược hoàn toàn như thế?

Xuyên tạc gian lận 8 - Ðịnh nghĩa khái niệm «thường dân» một cách hình thức che lấp quyền lực và vai trò thực chất: TMH cho rằng: “Nhà văn thường dân là những nhà văn ngoài biên chế nhà nước, tức không phải cán bộ, không phải đảng viên như Trần Mạnh Hảo chỉ đếm trên đầu ngón tay!” Ðây là cách định nghĩa gian lận một cách tinh vi, làm như thể ông là người thấp cổ bé họng bên ngoài guồng máy. Xin hỏi, có ai trong số những người không thường dân kia được Ban TTVH và Bộ Văn hoá bảo kê bằng các quyết định cấm phát hành cuốn sách viết về mình như ông? Có ai trong số quan chức kia được báo Nhân Dân đăng bài dài hai trang của hai số báo liền (ngày 11 và 12-4-1997) để các nhà văn quân đội trao đổi ngợi ca và bênh vực một cuốn sách đang bị lên án như sách Thơ phản thơ của ông? Có ai trong số các quan chức đảng viên kia được Hội Nhà văn trao giải liên tục hết thơ lại đến lý luận rồi còn ép đưa vào danh sách đoàn đi Mỹ cùng các nhà văn nhà báo tài năng tư cách khác mà phía Mỹ tự nguyện mời? Có mấy ai trong số quan chức đảng viên kia được Tổng thư ký HNV trực tiếp đặt viết tham luận như là bài đinh đọc trong Ðại hội? Và có ai mà ngay từ dòng đầu tiên của tham luận đã nói về tường lửa để tạo cơ hội cho ông tướng công an Khổng Minh Dụ Cục trưởng An ninh văn hoá bước lên diễn đàn phát biểu, một việc mà nếu không có cơ hội cò mồi thì người công an tế nhị và có nghiệp vụ rất khó tự làm trong một Ðại hội nhạy cảm như Ðại hội nhà văn? Thường dân như thế thì to gấp mấy lần cán bộ.

Xuyên tạc gian lận 9 - Xuyên tạc tinh thần tự vệ của cái mới cởi mở thành tinh thần xung kích tấn công của cái cũ giáo điều: TMH chối bỏ việc đã trích dẫn cắt xén thoát ly văn cảnh một số đoạn trong cuốn Ngày văn học lên ngôi của tôi. Nhưng đó là một thực tế rành rành trên giấy trắng. Văn cảnh của những đoạn TMH trích là: các ông Lại Nguyên Ân, Vũ Ðức Phức, Hào Hải đã viết bài trên Văn nghệ số 48 năm 1994 và số 15, 16 năm 1995 quy kết tôi đề cao huyền thoại ”như là một loại ý thức tôn giáo duy tâm”, đề cao vô thức như một “đệ tử của Freud và Jung”, hạ thấp ý thức trái với tinh thần khoa học của chủ nghĩa Marx, “coi thường và hạ thấp sự vĩ đại của dân tộc và phủ định văn học VN nửa thế kỷ qua”. Vì thế tôi phải đối thoại lại căn cứ vào những nguyên lý của Marx để bác bỏ sự quy kết đó, chứng minh rằng chính Marx, Engels đã có quan niệm về vai trò của vô thức và bài viết của tôi không đi ngược lại tinh thần của Marx như họ viết. Bài của ông Đức Uy «Văn học đích thực phải bảo hiểm cho mình trước đã» in trên số báo Văn nghệ số 28 năm 1995 cũng tấn công vào quan niệm về nhân cách nhà văn của tôi buộc tôi phải lrên tiếng đáp lại trong bài «Kẻ cưu mang Chúa trong cơn thương khó». Trước đoạn viết về những nghệ sĩ hoà điệu cùng dân tộc cách mạng và những kẻ cơ hội chỉ phục vụ cấp trên cỡ thế giới mà TMH đã trích ra như bằng chứng của việc tôi chống lại cái mới, tôi đã viết như sau:

“Ngòi bút kỳ diệu của ông Ðức Uy không chỉ biết tiết ra dịch vị để kích thích con rồng Việt Nam tiêu hoá hết những huyền thoại anh hùng trong quá khứ. Nó còn biết tiết ra những dung dịch tư tưởng có mùi vị lạ để bảo hiểm cho văn chương khỏi bị con rồng kia ngốn ngấu. Ông tuyên bố bằng những chữ viết hoa: "Văn chương đích thực phải bảo hiểm cho mình trước đã”. Nhưng văn chương nói riêng và nghệ sĩ nói chung có cần bảo hiểm không và ai là người có thể bảo hiểm cho anh ta? Thượng đế đã trót tạo ra người nghệ sĩ từ cái xương sườn của nhân dân, nhân dân là người duy nhất thực sự có quyền lực gây hiểm nguy cho nghệ sỹ: Làm cho anh ta mất tất cả nguồn sáng tạo nếu như anh ta không biết đón lấy hơi thở của nhân dân. Vậy chính mối liên hệ với nhân dân vừa là nguồn sáng tạo vừa là bảo hiểm cho giá trị nhân văn của người nghệ sĩ, chứ không phải các hãng bảo hiểm, các tín đồ cuồng nhiệt, những kẻ cò mồi lý luận, những giải thưởng thật và giả, những nhà chính trị đầy ắp quyền lực và những kẻ cơ hội, bè cánh núp dưới những ngọn cờ của chủ nghĩa nhân văn. Nếu nghệ sĩ biến dạng trở thành con dế thì điều quan trọng để anh ta tồn tại như một nghệ sĩ là anh ta biết gáy lên để tiếng gáy của anh ta thức dậy trong con người ký ức về tình yêu và cái đẹp, giống như con dế trong truyện ngắn của Mrơslan Krelaza đã dùng tiếng gáy của mình biến toalet hôi thối thành một bầu không gian đầy ắp những ký ức về mùa thu, hoàng hôn và hương cỏ mà André Brink đã kể lại trong bài "Chân dung nghệ sĩ ở dạng côn trùng". Tiếng gáy của con dế có lưu giữ những siêu thông tin về số phận con người và do đó, tiếng gáy của con dế vừa tự bảo hiểm cho giá trị của con dế, vừa bảo hiểm cho những vẻ đẹp, những tình cảm thiêng liêng, thú vị có nguy cơ bị suy thoái, thậm chí lãng quên trong những không gian sống chật chội và hôi hám. Cái nguy hiểm nhất của người nghệ sĩ là mất đi khả năng sáng tạo, mất đi mối liên hệ với quê hương - quê hương hữu hình là dân tộc, tổ tiên, quê hương vô hình là cõi vĩnh hằng huyền bí của hư vô, cái hư vô mà Rimbaud đã phải chịu mang tội danh "kẻ trộm lửa" để chuyển về cho nhân loại. Cần phải giúp người nghệ sĩ tránh khỏi hiểm hoạ mất gốc, mất nguồn sáng tạo trong tất cả những hành trình hướng về nhân loại - khát vọng chân chính của mọi kẻ phiêu lưu, mọi kẻ du ca. Còn với anh Ðức Uy, có lẽ khái niệm "bảo hiểm" chỉ là bảo vệ cho văn học không bị rơi vào những "nanh nọc, móng vuốt" của một thế lực gì đó giống như bức tường Berlin mà Lại Nguyên Ân đã hào phóng phong cho nó cái danh hiệu "huyền thoại" trong bài báo mà Ðức Uy ủng hộ. Thực ra, với người nghệ sĩ đích thực đâu có coi "nanh, nọc, móng, vuốt" của bất cứ cái gì là nguy hiểm. Thậm chí, Hainơ đã chọn sứ mệnh nguy hiểm "tôi là thanh gươm, tôi là ngọn lửa", còn Lecmontop thì chọn số phận của cây buồm trong bão táp, vì những nguy hiểm đối với kẻ bình thường là đáng lo sợ, nhưng với người nghệ sĩ chân chính lại là một cõi bình yên, một niềm khoái lạc, một nguồn cảm hứng sáng tạo lớn lao. Vậy đặt vấn đề bảo hiểm cho văn học, cho nghệ sĩ là biểu hiện quan niệm tầm thường dung tục về sáng tạo nghệ thuật quan tâm tới khía cạnh "hộ khẩu" của nghệ sĩ thay vì tin ở khía cạnh thánh linh bất diệt của anh ta. Marx viết: "Nhà văn không thể coi tác phẩm của mình là phương tiện. Tự bản thân các tác phẩm đó sẽ là mục đích, chứ không phải là phương tiện tốt đối với nhà văn và những người khác. Cho nên, khi cần nhà văn phải hy sinh đời mình cho cuộc đời của tác phẩm”. Ý kiến trên đây của Mác khẳng định phẩm chất của nghệ sĩ chân chính là người đặt cược đời mình cho sáng tạo, thừa nhận quyền tự do sáng tạo là quyền thiêng liêng nhất của người nghệ sĩ. Nếu nghệ sĩ có dấn thân vào cuộc đấu tranh cách mạng cùng nhân dân, dân tộc, thì đó là sự tự nguyện, sự hoà điệu giữa mục đích của anh ta với mục đích chung. Anh ta có quyền đứng ngoài, có quyền thờ ơ với sự nghiệp chung nhưng anh ta nên nhớ rằng quyền lựa chọn chỗ đứng trong lịch sử này không đồng nghĩa với quyền chỉ trích tự do sáng tạo của những nghệ sĩ hoà điệu cùng dân tộc và cách mạng, càng không phải là quyền chống lại dân tộc và cách mạng.”

Đây là những quan niệm đặt văn nghệ ở một tầm cao, không phải là công cụ của chính trị dù là chính trị phía này hay chính trị phía kia. Cần phải đặt những điều TMH trích trong luồng suy tư đó mới hiểu đúng nội dung và sắc thái văn hoá của nó.

Xuyên tạc gian lận 10 - Hạ tầm đối thoại triết học và văn hoá xuống tầm quy chụp chính trị: Bài viết «Cõi chập chờn bất định và tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh» của tôi là nhằm tranh luận ở tầm triết học với Gs Hoàng Ngọc Hiến, để chỉ ra bản chất hiện sinh của tiểu thuyết này, bác bỏ quan điểm của Gs cho rằng những người không đề cao tác phẩm của Bảo Ninh là “không quen đọc tiểu thuyết, chỉ quen đọc truyện dài” nhưng đã bị TMH trình bày lại theo lối hạ thấp và xuyên tạc như phân tích dưới đây. Tôi viết:

“E. Morin cho rằng những điều kiện chắc chắn, xác thực chỉ là những hòn đảo trên đại dương mênh mông của những điều không xác thực, vì thế phải đối thoại với sự bấp bênh, phải chấp nhận đặt cược, phải ý thức rằng mình tồn tại trong bóng tối, sương mù. Từ đó, ông đưa ra đạo đức của sự lựa chọn trong đó chấp nhận những mâu thuẫn của hành vi, những mâu thuẫn vốn bị gạt đi trong đạo đức truyền thống. Rõ ràng là trong tư tưởng triết học hiện đại, cõi chập chờn bất định là cả thế gian mà ta đang sống... Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến đã thu hẹp cõi chập chờn bất định vào vài đề tài trong tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh và ca ngợi Bảo Ninh đã “cảm nhận sâu sắc về cõi này”. Vậy sự cảm nhận của Bảo Ninh trong cuốn tiểu thuyết trên thực chất là gì? Nhân vật chính trong tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” mang dáng dấp của Matixơ, nhân vật chính trong tiểu thuyết “Chết trong tâm hồn” của J. Xáctơrơ. Chàng trí thức Pháp này luôn luôn suy nghĩ biện luận như một người do dự, ngoài cuộc. Anh ta nhập ngũ nhưng sống trong quân đội như một người tham quan chiến tranh, sống cách xa đồng đội, tự coi mình đứng ngoài cuộc với một chuỗi suy tư, mụ mị, buồn chán và tuyệt vọng. Cuối cùng anh ta cũng có hành động anh hùng và bất khả kháng, y như định mệnh vậy! Xactơrơ muốn trình bày một “cõi chập chờn bất định” đầy phi lý và bất trắc, đầy những sự kiện hỗn loạn ngoài ý muốn của con người. Mỗi nhân vật của ông là một khối u buồn, chán chường và tuyệt vọng, không có nguyên tắc rõ ràng để chọn con đường của mình trong cuộc sống và không tin tưởng vào tương lai. Nếu nói Bảo Ninh cảm nhận sâu sắc “cõi chập chờn bất định” thì sự cảm nhận này cũng chỉ là cái bóng mờ của cảm nhận hiện sinh, có gì là mới mẻ”.
TMH đã trích dẫn cắt xén thoát ly mạch đối thoại và phê phán ở tầm triết học,văn hoá để lôi bài viết xuống tầm quy chụp chính trị thô thiển, như thể tôi cũng viết ngang tầm với những bài đao búa của ông. Quan điểm phê phán thái độ giải-anh-hùng của tôi là một thái độ văn hoá căn cứ trên những quan niệm triết học về người anh hùng của các nhà tư tưởng hiện đại. Benjamin coi người anh hùng như là chủ thể thực sự của tính hiện đại, là một cuộc phiêu lưu trong cõi bất định của thế giới đương đại để tạo ra những nguyên tắc trong một môi trường không thể dự đoán được và xa lạ, bằng cách đó đưa ra một lời giải đáp có tính anh hùng cho cái không xác thực. Quan điểm này theo tôi mới hơn nhiều quan điểm thể hiện trong tiểu thuyết của Bảo Ninh. Phê phán quan điểm của Bảo Ninh là phê phán cái cũ về tư tưởng triết học, đến nay tôi vẫn khẳng định như vậy. TMH hoặc bất kỳ ai đó không đồng ý xin mời đọc toàn văn bài viết của tôi và tranh luận, không nên nghiễm nhiên coi việc phê phán Nỗi buồn chiến tranh là đánh vào cái mới như TMH quan niệm, như thể bất cứ cái gì được vài quý ông quý bà ngoại quốc sờ đến hoặc tung hô là nghiễm nhiên phải là cái mới. Cách trích dẫn và nhận định của TMH mang mặc cảm nô lệ và nhược tiểu.

Xuyên tạc gian lận 11 - Quy kết hai tội trái ngược cho cùng một tác phẩm: Cùng một cuốn sách Ngày văn học lên ngôi của tôi, nhưng tháng 10-1996 khi viết bài trên báo Văn nghệ quân đội TMH trích dẫn cắt xén để quy kết tôi âm mưu “Giật bài vị văn hoá truyền thống”, “kêu gọi lật đổ các giá trị thiêng liêng”, bây giờ, khi viết bài cho talawas ông lại trích dẫn cắt xén kiểu khác để chứng minh ngựơc lại rằng tôi là Hồng vệ binh của Ðảng kiên quyết đấu tranh bảo vệ chế độ này. Tự thân hai điều quy kết trái ngược nhau này đã đủ tố giác sự gian lận, xuyên tạc và bịa đặt của TMH.

Xuyên tạc gian lận12 - Chối bỏ những bằng chứng hiển nhiên về thái độ áp bức, gian lận và cơ hội trong học thuật: Những hành động cắt xén, thổi phồng, lu loa, vu cáo, xuyên tạc, truy chụp chính trị đầy rẫy trong mấy chục bài viết của TMH đã được chứng minh rõ ràng đầy đủ và chi tiết trong cuốn Về một hiện tượng phê bình của gần 50 tác giả do NXB Hải Phòng xuất bản năm 1998, sau đó bị Ban TTVH và Bộ Văn hoá lệnh đình chỉ phát hành để bảo kê cho TMH. Vậy mà TMH chối đây đẩy: “Tất cả những điều trên đều do Ðỗ Minh Tuấn bịa ra một cách vô bằng cớ để đánh lừa bạn đọc, nhằm vu khống bôi nhọ TMH đến tận cùng”. Tôi mong sẽ có dịp post cuốn sách Về một hiện tượng phê bình lên Tủ sách talawas để quý vị bạn đọc tỏ tường những gian lận có hệ thống của TMH.

Xuyên tạc gian lận 13 - Coi thường những diễn biến thực tế để tìm kiếm sự thật trong nghị quyết: Ðể chứng minh vai trò quyết định trực tiếp của Bộ Chính trị với việc làm phim Ký ức Ðiện Biên, TMH lập luận như sau:“Sự thật rành rành vậy mà ông Tuấn còn chối! Việc Bộ Chính trị Đảng Cộng sản ra nghị quyết kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, nghị quyết có nói về chuyện làm phim kỷ niệm chiến thắng đã đăng báo toàn dân biết”.

Nghị quyết có nói về chuyện làm phim không có nghĩa là nhất thiết phải làm phim truyện. Cục điện ảnh đã phát động công khai mấy năm không có ai gửi kịch bản viết về 50 năm chiến thắng ÐBP, dẫn đến việc đến tháng 5-2003, cách ngày lễ chỉ còn một năm, do sự động viên của Cục trưởng chị Ngát mới đưa kịch bản sẵn có của mình xuống Hãng phim truyện VN. Vì chậm như vậy nên kinh phí kỷ niệm Bộ Văn hoá đã phân bổ hết vào các việc khác, trong đó có các phim tài liệu, truyền hình. Hãng phim truyện VN thì kiên quyết chỉ làm phim đặt hàng, không chịu làm phim tài trợ giật gấu vá vai như đề nghị của Cục điện ảnh VN trong đó có chị Ngát. Cuối cùng với tình cảm dành cho Điện Biên Phủ các cơ quan hữu quan cũng đã tự thu xếp được kinh phí. Nếu không có quyết tâm của Hãng phim và sự ủng hộ của cả xã hội thì mười Nghị quyết lúc ấy cũng chẳng thể phù phép được ra kinh phí làm phim. Bộ Tài chính họ không tìm được nguồn hoặc tìm chậm thì Bộ Chính trị làm gì được họ.

Những diễn biến thực tế đó mới là sự thật, chứ không phải những dòng nghị quyết mang tính nguyên tắc giấy tờ quan liêu của Bộ Chính trị là tất cả sự thật như TMH đã xuyên tạc.

Xuyên tạc gian lận 14 - Xuyên tạc về quy trình hành chính pháp lý, nội dung và chất lượng công trình. TMH viết: “Chuyện đầu tư một triệu đô la cho những dự án như làm phim, nhất nhất phải có Bộ Chính trị (mà đại diện là ông Trưởng Ban TTVH TW) phê duyệt. Lấy vài trăm ngàn từ ngân sách nhà nước ra đã phải thông qua bao nhiêu thủ tục nhiêu khê, huống hồ đâu phải tự nhiên mà một đạo diễn thuộc hàng thường thường bậc trung như Đỗ Minh Tuấn, lại được Đảng rót vào túi cho một triệu đô la để sáng tác ra tác phẩm ca ngợi Đảng?”.

Nếu lập luận như TMH thì tôi cũng có thể nói rằng việc tôi bước lên bục gọi TMH là cái «ca-pốt rách của Đảng» cũng nhất nhất phải có Bộ Chính trị cho phép, vì ông Trưởng ban TTVH thay mặt BCT ra quyết định về Đại hội nhà văn, cho phép tổ chức tại Hội trường Ba Đình nên tôi mới có dịp bước lên cái bục gỗ quốc gia kia!

TMH cho rằng: “Nếu không có Bộ Chính trị phê duyệt, coi xem ai xứng đáng làm phim này, làm sao Đỗ Minh Tuấn có thể ẵm 14 tỷ đồng Việt Nam (tương đương một triệu đô la) cho vào túi để làm ra thứ phim giả cầy dở nhất năm 2004 như báo chí đã viết”.

Trong hai đoạn trích này có tới bốn sự vu cáo, dựng chuyện và xuyên tạc trắng trợn:

  1. Việc ai làm phim là do Giám đốc Hãng phim truyện VN quyết định, không bao giờ có văn bản nào từ các cấp khác. Bộ Chính trị lại càng không có quyền can thiệp vào nhân sự cụ thể. Ðiều này bất cứ ai ở ngành điện ảnh cũng biết. TMH dựng ra chuyện này để bịp những người ở xa thiếu hiểu biết về quan hệ hành chính phân cấp trong xã hội đảng trị.
  2. Tiền ngân sách đặt hàng phim là tiền do Hãng phim quản lý, đạo diễn không có quyền “cho vào túi” như cách nói hậm hực ghen ăn của TMH. Ðạo diễn chỉ có quyền quyết định về nghệ thuật và kế hoạch sản xuất. Mọi việc mua bán chi trả đều do một hệ thống tài vụ đảm nhiệm theo đúng quy định chặt chẽ nhiêu khê rườm rà cuả nhà nước. Phim đặt hàng không khoán gọn như phim truyền hình nên nhiều khi mua một bó hoa thủ quỹ cũng đi cùng hoạ sĩ ra chợ để hoạ sĩ chọn hoa còn thủ quỹ trực tiếp trả tiền. Cách nghĩ đơn giản kiểu TMH, tưởng rằng tôi đút túi 13 tỷ để trực tiếp chi tiêu cũng là một trong những nguyên nhân gây ra sự đố kỵ về tiền bạc với đạo diễn phim.
  3. TMH phiạ ra chuyện phim Ký ức Điện Biên ca ngợi Đảng để hạ thấp tầm nhân văn và tầm nghệ thuật của phim. Chẳng có Đảng nào trong bộ phim ấy cả, chỉ có bộ đội, dân công vừa chiến đấu giữ đất hết sức cam go, vừa đầy khoan dung nhân hậu với hàng binh, vừa bối rối lo mất người vì sự hấp dẫn và tử tế của ngoại nhân. Những người lính Pháp cũng chiến đấu dũng cảm và cũng có những tình cảm bạn bè cảm động.
  4. Phim Ký ức Ðiện Biên đã được giới chuyên môn thẩm định và đánh giá cao, Hội Ðiện ảnh đã trao giải Ðạo diễn xuất sắc nhất, được mời tham dự các LHP LocarnoLHP Singapore, được Đài truyền hình Malaysia mua chiếu trên kênh 20. Không có tờ báo nào nói rằng đó là “phim giả cầy dở nhất năm 2004” như TMH dựng chuyện.

Xuyên tạc gian lận 15- Trích dẫn một bài viết mật danh trên mạng và coi đó là ý kiến chung: Yxine là một trang web có tầm vóc về điện ảnh, tuy có phần khép kín và kỳ thị với tôi, nhưng tình yêu điện ảnh chân thành, trình độ cao của một số thành viên và đôi chút công bằng trong một số ý kiến khiến tôi rất trân trọng lắng nghe họ với thái độ “thầm lặng”, mặc dù thấy có nhiều ý kiến có thể phê phán. Trong Yxine có nhiều loại ý kiến, bên cạnh thái độ bề nổi mang tính phe cánh kỳ thị, có không ít những ý kiến khen ngợi tôi và ca ngợi phim Ký ức Ðiện Biên, thậm chí trong trang Bông sen vàng nhân dịp LHP VN lần thứ 14 còn có những người đặt cược phim Ký ức Ðiện Biên được giải Bông sen vàng và tôi được giải Ðạo diễn xuất sắc nhất với tỷ lệ đặt cược thấp hơn nhiều phim khác thể hiện niềm tin của họ vào khả năng chiến thắng của bộ phim. Nhưng TMH chỉ trích dẫn một ý kiến của ai đó ký mật danh - có thể là chính ông hay con cháu và bè cánh của ông - và coi đó là tiếng nói chung có tên gọi thổi phồng là “báo chí”(!).

Xuyên tạc gian lận 16 - Vu cáo cho phim và cho công luận: TMH viết phim Ký ức Ðiện Biên của tôi “bị báo chí cả nước chửi cho”. Ðây là sự bịa đặt, xuyên tạc, tung tin đồn nhảm theo kiểu Gơben. Tôi xin trích dẫn một vài tờ báo lớn làm bằng chứng:

Ký ức Điện Biên đã tái hiện được khá chân thực những trận chiến đấu hết sức căng thẳng trong những ngày cuối cùng kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ với nhiều trường đoạn gây xúc động mạnh mẽ. Không có ranh giới giữa số phận nhân vật và sự kiện… Bên cạnh mảng khối đậm đặc những gam màu dữ dội của cuộc chiến tranh được ghép nối bởi các chi tiết chặt chẽ, Ký ức Điện Biên còn có một mảng màu sắc lãng đãng, trong trẻo và rất nên thơ» (Thanh niên 1-5-2004).

“Cuộc chiến đấu ở Điện Biên Phủ thể hiện được khá đầy đủ và chính xác sự ác liệt. Sự tuyệt vọng của những người lính viễn chinh đối lập với bầu không khí lạc quan, yêu đời, tình đồng đội của những người nông dân VN cầm súng cũng được thể hiện khá duyên dáng và hài hước… Ký ức Điện Biên là những bước đầu tiên của những người làm phim bước ra khỏi lối mòn của dòng phim kỷ niệm” (Tuổi trẻ 5 -2004).

“Dấu ấn của việc đầu tư trên mọi mặt cho bộ phim được ghi nhận về nhiều phương diện, đặc biệt trong một số bối cảnh chiến tranh hoành tráng và sống động. Riêng điểm này, Ký ức Điện Biên đã hơn hẳn nhiều bộ phim chiến tranh đã làm trước đây” (Văn hoá 6-5-2004).

“Về cơ bản phim Ký ức Điện Biên đã hấp dẫn người xem bởi một câu chuyện phim xúc động và giàu ý nghĩa, có nhiều đại cảnh hoành tráng, chân thực, tái hiện sinh động chiến thắng vĩ đại năm xưa và âm vang của sự kiện lịch sử trọng đại ấy trong cuộc sống hôm nay“ (Đại Đoàn kết 4-5-2004).

“Nói chung đây là một bộ phim có tính thuyết phục cao về cảnh chiến tranh với độ khốc liệt thực sự của nó. Và so với các phim "lễ lạt" trước đây, nó có sự vượt lên nhiều mặt, đặc biệt về mặt kết cấu, hình ảnh… Trong số các diễn viên, Kiều Anh đã thể hiện hai vai y tá Mây và cô bé Vân bị bệnh tâm thần - một cách đầy nỗ lực trong sự thể hiện thoải mái. Issack Le (vai Bernard) đã diễn rất nhuyễn, với đôi mắt nhiều sắc thái tình cảm, và "ngôn ngữ hình thể" cũng rất hoạt, rõ ra nhân vật trong nhiều trạng thái khác nhau. Nói chung cả 3 diễn viên đóng vai chính (Kiều Anh, Quang Ánh và Issack Le) đều "nghiệp dư" nhưng lại rất thuyết phục bởi sự chân thành, mới mẻ. Ngay cả diễn viên tay trái Lê Nuôi (vai Bạo lúc già) cũng để lại nhiều ấn tượng với người xem.” (Lao Động- 5-5 -2004)

“Có thể nói, với một bản lĩnh nghề nghiệp cộng với kinh phí đầu tư đúng mức, đạo diễn Đỗ Minh Tuấn đã thực sự làm nên những thước phim chiến tranh ra chiến tranh.” (Sài gòn giải phóng 6-5-2004)

“Dù là Người hàng binh hay Ký ức Điện Biên thì đạo diễn Đỗ Minh Tuấn và ekip làm phim của anh cũng đã khiến khán giả phải "tâm phục, khẩu phục"… Ký ức Điện Biên đã vừa biểu đạt được sức sống mãnh liệt của người Việt Nam, vừa miêu tả được cảm xúc của những người lính Pháp khi xông pha nơi trận mạc và những gì họ được, mất sau cuộc chiến tại VN. Bởi vậy, như tiên đoán của nhiều người, bộ phim sẽ dễ dàng được chấp nhận, được yêu mến và được đánh giá cao. Có thể coi việc chọn diễn viên là một thành công lớn của Ký ức Điện Biên. Vẻ chân chất, có phần hơi vụng khi đứng trước ống kính của Issack Le tưởng là "hạn chế" của diễn viên nghiệp dư này: nhưng lại tạo nên thành công cho anh." (Tin tức-7-5-2004)
 
“Là diễn viên nghiệp dư nhưng Issack đã vào vai Bernard một cách chuyên nghiệp. Diễn xuất không lên gân, thiên về nội tâm qua ánh mắt, qua sự giằng co của diễn biến tâm lý nội tâm. Issack đã thổi vào nhân vật hơi thở của cuộc sống đời thường, tạo nên chiều sâu cho nhân vật. Quang A’nh trong vai Bạo có cái vẻ dễ thương ngây ngô của một chàng trai lần đầu biết yêu, biết ghen tuông, giận hờn và cả sự thù hận nhưng cũng rất bản lĩnh ở những cảnh đánh trận, đào hầm. Với lợi thế ngoại hình cộng khả năng diễn xuất, Kiều Anh trong vai cô y tá cùng một lúc chiếm được tình cảm của hai chàng trai. Diễn xuất có phần ngập ngừng hơi thô của cô chính lại là sự thành công. Một cô Mây hồn nhiên, trong trẻo nếu diễn nhuyễn quá sẽ cho khán giả cảm giác không thật, cảm giác đúng là phim ảnh chứ không phải cuộc sống vốn vậy.

Có thể nói chúng ta đã có nhiều phim về chiến thắng Điện Biên, nhưng lần này vượt qua những phim “cúng giỗ”, phim kỷ niệm trước, Ký ức Điện Biên đã được khán giả đón nhận nhiệt tình. Được đón nhận phần vì bộ phim ra mắt đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, nhưng hơn hết chính là giá trị nghệ thuật, giá trị nhân văn và giá trị tư tưởng mà bộ phim có được. Người xem có thể coi đó là những tư liệu quý của mình về những năm tháng đã qua của lịch sử dân tộc. Đó là trang lịch sử đẹp, hào hùng nhưng cũng không kém phần thơ mộng. (Văn nghệ Trẻ 23-5-2004)

Xuyên tạc gian lận 17 - Ðánh đồng bản lĩnh cá nhân với quyền lực guồng máy: TMH viết: “Quan hệ với ông Lê Đức Thọ từ năm 1978 để đánh nhau với ông Đặng Xuân Kỳ, con trai ông Trường Chinh. (Ông Tuấn dám đánh nhau với con ông Trường Chinh - Chủ tịch Quốc hội lúc đó - thì quả là ông ta còn oai hơn một ông Bộ trưởng?)” Thực tế là tôi và Vĩnh Quang Lê - người “anh hùng lục lâm” đầy bản lĩnh và tháo vát có công thiết kế các kế hoạch tiếp cận nhiều lãnh đạo cao cấp để tôi phát huy trí tuệ chiến lược - đã đánh nhau với ông Ðặng Xuân Kỳ từ trước khi biết ông Lê Ðức Thọ và các Uỷ viên BCT khác. Trong quá trình đấu tranh tự vệ, để có “vũ khí nguyên tử” đối trọng lại với “vũ khí” của đối thủ, làm cơ sở tập hợp quần chúng vốn hay ngả nghiêng, chúng tôi đã gửi đơn kiện lên Bộ Chính trị với nhiều vấn đề lớn có tầm chiến lược như vấn đề chống Maoism, sự không tưởng của tư tưởng làm chủ tập thể khi Tổng Bí thư kêu gọi quần chúng đấu tranh nhưng không hỗ trợ cuộc đấu tranh của quần chúng trong thực tế v.v. Và sau đó chúng tôi xông thẳng lên gõ cửa ông Lê Ðức Thọ để ép phải giải quyết. Chúng tôi đã bằng bản lĩnh và trí tuệ của mình “lôi” ông Lê Đức Thọ và các Uỷ viên BCT khác vào cuộc đấu tranh, đánh bật được ông Ðặng Xuân Kỳ ra khỏi Viện Triết, tuy bản thân bị kỷ luật khai trừ Ðoàn và phải chuyển đi học điện ảnh, chấp nhận ra khỏi biên chế, mất lương. Nhưng TMH lại nhìn nhận bản lĩnh cá nhân này như là một kiểu quyền lực trong hệ thống. Chẳng khác gì khi thấy một Hacker bằng trí tuệ của mình bẻ khoá xâm nhập được vào những chỗ cơ mật, ông nghĩ ngay rằng chắc là có người trọng trách bảo kê tuồn password cho anh ta. Ông Lê Ðức Thọ và các lãnh đạo cao cấp khác lúc ấy cũng giống như mạng talawas bây giờ, nơi tôi đưa những thông tin, quan điểm và trí tuệ của mình vào sâu trong Ðảng với chí hướng ngây thơ là tích cực cải tạo môi trường quyền lực.

Xuyên tạc gian lận 18 - Có thái độ và chuẩn mực đánh giá khác nhau đối với những tư liệu tự thuật: Tôi đã đưa ra nhiều tư liệu có tính tự thuật, nhưng cái nào xem ra dễ có lợi cho TMH (như đoạn tôi kể về quan hệ với ông Lê Ðức Thọ) thì ông không hề nghi ngờ mà thừa nhận như một sự thật hiển nhiên để khai thác, suy diễn nhằm quy kết chính trị theo kiểu mới, còn cái nào ông thấy không có lợi cho mình thì ông phủ quyết, vặn vẹo và bôi bẩn, đòi bằng chứng kiểu toà án, công an. Ðây là thái độ gian lận hết sức lộ liễu và thiếu lương thiện. Xây dựng các lập luận trên nền tảng gian lận đó là hết sức mong manh. Nếu bây giờ tôi nói rằng tất cả những điều tôi nói về quan hệ với ông Lê Ðức Thọ là đùa giỡn, rằng tôi chẳng viết gì cho ông, chẳng tiến cử ai, dẫn ai đến nhà ông cả, chỉ có Vĩnh Quang Lê làm chuyện đó thôi, thì những lập luận của ông về thư ký ngầm, nhiệm vụ ngầm nào đó có còn đất sống không? Hay chính ông sẽ lại phải đi tìm chứng cứ cho những điều tôi kể để xứng là người “nói có sách, mách có chứng” như ông huênh hoang tuyên bố? Bài viết ghi ý kiến của Lê Ðức Thọ về thơ và phê bình thơ do tôi chấp bút tôi không ký tên lúc ấy đơn giản là vì không muốn cho những ý tưởng cởi mở ấy mất thiêng, mất uy lực trong đời sống phê bình, sáng tác. Nhà thơ mà xã hội tưởng là tác giả của bài viết ấy sau đó đã được thành phố cho nhà. Năm 1985 khi công bố lại bài viết này trên báo Nhân dân chủ nhật tôi đã ký tên người ghi. Vì TMH chưa biết chi tiết đó nên cứ say sưa suy diễn mãi rằng tôi là thư ký ngầm của ông Lê Ðức Thọ.

Còn có thể kể ra nhiều điều gian lận nữa trong bài viết của TMH, nhưng thiết nghĩ như thế đã quá đủ để chuẩn bị cho độc giả tiếp cận những vấn đề và ý tưởng ở phần sau.

© 2005 talawas