trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Nghệ thuật
Điện ảnh
  1 - 20 / 103 bài
  1 - 20 / 103 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtĐiện ảnh
28.6.2005
Bảo Khánh
Sự bất thường của điện ảnh Việt
 
Sự bất thường đó được thể hiện rõ trong lễ trao giải Cánh diều vàng vừa qua khi bộ phim hay nhất (trong nhiều năm trở lại đây) của điện ảnh Việt Nam: Mùa len trâu bị đối xử bất công khi không được tham dự trực tiếp vào cuộc chơi. Nó được “ưu ái” cho một tư cách “bình vôi” rồi được trao giải thưởng lãng nhách. Người làm và cả người quản lý điện ảnh vẫn than thở “ta chỉ có nền mà không có đỉnh” nhưng bây giờ “có đỉnh” thì lại không dám công nhận! Những mớ giải thưởng hổ lốn còn lại càng làm cho những người quan tâm đến điện ảnh lắc đầu chán nản khi đa số những chủ nhân của chúng đều không hề xứng đáng…

Có lẽ từ sau bộ phim đột phá Mùi đu đủ xanh của đạo diễn Pháp gốc Việt Trần Anh Hùng, Mùa len trâu của đạo diễn Mỹ gốc Việt Nguyễn Võ Nghiêm Minh mới đem đến nhiều cảm xúc mới mẻ như thế cho những người yêu điện ảnh. Khi mà phần lớn những tác phẩm điện ảnh trong nước vẫn chưa thoát ra khỏi lối kể chuyện mòn mỏi, cũ nhạt, giáo điều hoặc những thể nghiệm nghệ thuật nửa vời, ngây ngô hoặc giải trí nhàn nhạt, bắt chước, kệch cỡm thì Mùa len trâu đem đến một cảm giác khác hẳn. Đây cũng là một trong vài bộ phim của điện ảnh Việt Nam mà khi xếp ngang hàng với những tác phẩm điện ảnh nghệ thuật quốc tế, chúng ta không hề phải tự ti hay hổ thẹn. Mùa len trâu đem đến một không gian thưởng ngoạn nghệ thuật đầy chất đương đại dù câu chuyện phim đậm chất folklore. Chất đương đại ở đây thể hiện ở lối làm phim rất kỹ thuật mà đầy cảm xúc, ở cách kể chuyện giàu tính thể nghiệm, ẩn dụ mà rất giản dị, trong sáng, dễ hiểu, ở ngôn ngữ điện ảnh rất “ép-phê”, ở cách dàn dựng rất có ý đồ mà không lộ bàn tay sắp xếp của đạo diễn, ở cách diễn xuất đầy bản năng mà đầy hồn cốt của những gương mặt nghiệp dư mới lần đầu đứng trước máy quay như Lê Thế Lữ (vai Kìm), Nguyễn Thị Kiều Trinh (Ban)…

Mùa len trâu (tên tiếng Anh là Buffalo Boy và tên tiếng Pháp là Le Gardien De Buffles) là bộ phim đầu tay của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh, một đạo diễn Mỹ gốc Việt. Trước khi làm phim, anh là một tiến sĩ Vật lí sau nhiều năm học tại Pháp. Bộ phim đầu tay này đã đoạt 4 giải thưởng điện ảnh quốc tế trong các LHP Locarno (Thụy Sỹ - giải đặc biệt của BGK trẻ), Amiens (Pháp - giải Con sò vàng cho Phim hay nhất), Chicago (Mỹ - giải dành cho Đạo diễn trẻ xuất sắc nhất) và Amazonas (Brazil - giải đặc biệt dành cho Phim hay nhất). Phim cũng tham dự trên 10 LHP Quốc tế khác. Hiện nay Hãng phim Giải phóng đang làm thủ tục để bộ phim này dự giải Oscar 2006 dành cho Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất. (Năm 1994, bộ phim Mùi đu đủ xanh do Hãng phim Giải phóng hợp tác với Pháp đã lọt vào 5 phim tranh giải Oscar Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất)

Hiện nay, bộ phim đang chiếu rải rác ở một số thành phố của Mỹ trong hệ thống các trường đại học. Riêng tại Pháp, phim được chiếu trên diện rộng tại các thành phố lớn từ ngày 23.3 và nhận được nhiều dư luận tốt của các nhà phê bình và giới truyền thông. Nhiều tờ nhật báo và các tạp chí chuyên về điện ảnh Pháp đã đánh giá rất cao bộ phim này. Các tờ báo nổi tiếng như L’Express, Libération, Télérama, Figaroscope, Studio chấm phim này 3 sao/4 sao

Tờ Télérama viết: “Đạo diễn đã làm chủ và xử lý đề tài một cách đáng ngạc nhiên, vì thế mà bộ phim này in sâu trong trí nhớ và cảm xúc của người xem”.

Tờ Le Figaro: “Một bộ phim đầy chất thơ lồng trong những bối cảnh tuyệt đẹp của miền Nam Việt Nam”.

Tờ Le Monde: “Đôi chút hơi vụng về và dài dòng nhưng không phải vì thế mà bộ phim kém phần hấp dẫn. Đặc biệt là cách xử lý tinh tế về tâm lý nhân vật của đạo diễn và những góc quay đầy ấn tượng của nhà quay phim Yves Cape”

Tờ Libération: “Chủ đề và cách xử lý đề tài này hoàn toàn cho phép đạo diễn gặt hái được nhiều giải thưởng tại các LHP Quốc tế”

Tờ Figaroscope: “Những hình ảnh tuyệt đẹp, diễn viên diễn xuất đầy sống động”…

Mùa len trâu cũng là một tác phẩm điện ảnh hoàn chỉnh mà tất cả các yếu tố cấu thành nó đều ngang tài, ngang sức - chứng tỏ một ê-kíp làm việc đồng bộ, bài bản và có trình độ quốc tế. Tài năng của Nguyễn Võ Nghiêm Minh thực sự đã phát lộ ngay từ bộ phim đầu tay như Trần Anh Hùng đã làm choán ngợp người xem với bộ phim đem đến cách thưởng thức bằng cảm giác nhiều hơn lý trí trong Mùi đu đủ xanh hơn 10 năm trước, hay gần đây hơn là Tony Bùi lạ lẫm đầy chất thơ với Ba mùa. Không chỉ ở tài năng đạo diễn, mà ở vai trò một nhà biên kịch, Nguyễn Võ Nghiêm Minh cũng thể hiện là một người có đẳng cấp. Hầu hết các bộ phim chuyển thể của điện ảnh Việt Nam từ các tác phẩm văn học nổi tiếng trước đây đều khiến người xem luôn ở trong cảm giác so sánh, đối chiếu và kết quả luôn nghiêng về phía tác phẩm văn học. Bến không chồng của Lưu Trọng Ninh (từ tiểu thuyết cùng tên của Dương Hướng), Mê Thảo - Thời vang bóng của Việt Linh (từ truyện Chùa đàn của Nguyễn Tuân), Người đàn bà mộng du của Nguyễn Thanh Vân (từ truyện Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành của Nguyễn Minh Châu) và ngay cả Thời xa vắng của Hồ Quang Minh (từ tiểu thuyết cùng tên của Lê Lựu) vừa rồi… luôn khiến người xem “lấn cấn” giữa phim và tác phẩm văn học được chuyển thể. Nhưng với Mùa len trâu, Nguyễn Võ Nghiêm Minh không chỉ tôn trọng cái hồn cốt từ tác phẩm gốc của nhà văn Sơn Nam mà còn đem lại cho bộ phim một mỹ cảm mới và còn có cái nhìn nâng tầm tác phẩm văn học. Âm nhạc của nhạc sỹ Pháp gốc Việt Tôn Thất Tiết (ông cũng là người soạn nhạc nền cho cả ba bộ phim của Trần Anh Hùng), quay phim người Bỉ Yves Cape, hoà âm của Thomas Gauder là những cá nhân xuất sắc đã phối hợp để tạo nên một bộ phim hoàn chỉnh mà dấu ấn của từng người vẫn thể hiện rất rõ ràng…

Một bộ phim xuất sắc đã đoạt nhiều giải thưởng quốc tế, giới phê bình lẫn khán giả đại chúng cả trong và ngoài nước đều công nhận và “tâm phục khẩu phục” nhưng hai lần bị chối từ của những người “cầm cân nảy mực” của giới quan chức điện ảnh (trong khi, nó đáng được giới nghề nghiệp tôn vinh và học hỏi). Tại LHP Việt Nam lần thứ 14 vừa qua tại Đắc Lắc, Mùa len trâu không được xét giải với lý do là… muộn, còn tại giải Cánh diều vàng, giải thưởng điện ảnh thường niên của Hội điện ảnh Việt Nam, phim này không lọt vào hệ thống tranh giải chính thức của phim truyện nhựa mà được trao một giải thưởng “bá vơ” là “Phim hợp tác quốc tế hiệu quả nhất”. Tất cả chỉ vì bộ phim này có đối tác nước ngoài góp vốn sản xuất. Quả là một lý do không thể chấp nhận được!

Điện ảnh là một ngành nghệ thuật tổng hợp đắt đỏ và hầu hết những bộ phim nghệ thuật trên thế giới đều là những sản phẩm đa quốc gia với nhiều đối tác góp vốn sản xuất. Bộ phim Nghệ sỹ dương cầm của đạo diễn Roman Polanski là phim góp vốn của 5 nước khác nhau, đã đoạt hàng loạt giải thưởng tại LHP Cannes, giải César, Oscar, Bafta… Hầu hết các bộ phim Iran đoạt giải quốc tế đều do nguồn tài trợ bên ngoài, chủ yếu là của Pháp. Tại các LHP Quốc tế hay các giải thưởng điện ảnh thường niên của các quốc gia có nền điện ảnh lớn mạnh, cái người ta quan tâm là chất lượng nghệ thuật của tác phẩm dự thi chứ không phải là xuất xứ của nó hay được đầu tư tiền ít hay tiền nhiều. Tại giải Oscar năm 2004, bộ phim nhỏ bé Lost in Translation với kinh phí chỉ 5 triệu USD lọt vào top 5 phim tranh giải phim hay nhất của năm bên cạnh các bộ phim “bom tấn” với kinh phí trên 100 triệu USD như The Lord of the Rings hay Master and Commander. Và tại giải Oscar năm nay, bộ phim kinh phí 25 triệu USD Million Dollar Baby của Clint Eastwood vượt qua xuất phẩm trên 100 triệu USD The Aviator của một bậc thầy khác là Martin Scorsese. Trong khi đó tại giải Bafta năm nay, giới Hàn lâm điện ảnh Anh quốc bỏ phiếu công nhận giải Phim hay nhất của năm cho bộ phim The Aviator của điện ảnh Mỹ dù trong năm qua điện ảnh Anh cũng có nhiều phim xuất sắc đoạt giải quốc tế như Vera Drake (đoạt giải Sư tử vàng tại LHP Venice 2004). Dẫn chứng trên để chứng minh rằng, trong xu thế toàn cầu hoá hiện nay người ta không còn quá quan tâm đến tính “địa lý” hay “quốc tịch” của tác phẩm. Tiền bạc lại càng không phải là lý do để khẳng định đẳng cấp nghệ thuật của một bộ phim…

Trong khi đó tại Việt Nam, khi chất lượng điện ảnh nhiều năm qua ở mức trung bình kém và ngôn ngữ điện ảnh quá cũ kỹ, thì một bộ phim nghệ thuật đẳng cấp và “vượt tầm” như Mùa len trâu lại liên tục bị chối từ của những người được coi là định hướng cho sự phát triển điện ảnh. Đấy chẳng phải là sự bất thường của điện ảnh Việt Nam sao?

Nguồn: Tạp chí Khám phá (số 2, ra ngày 4.4.2005)