trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Văn học
  1 - 20 / 482 bài
  1 - 20 / 482 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
Loạt bài: Hồ sÆ¡ Nhân văn-Giai phẩm
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89   90   91   92   93   94   95   96   97   98   99   100   101   102   103   104   105   106   107   108   109   110   111   112   113   114   115   116   117   118   119   120   121 
14.9.2005
Quốc Việt
Làm thế nào để bóp méo tinh thần Nhân văn-Giai phẩm?
 
Tôi sẽ không gọi những người Nhân văn-Giai phẩm (NVGP) là hồn nhiên và ngây thơ. Tôi gọi họ là những người lí tưởng. Nếu như chỉ được phép gọi cái tinh thần hết mình vì nghệ thuật, vì cái đẹp, vì chân lí, vì một xã hội mới tươi đẹp và tốt đẹp mà họ theo đuổi ấy là lí tưởng Cộng sản thì họ là những người như vậy. Với những người đó, xã hội mới phải là một xã hội tự do, dân chủ, và coi trọng giá trị con người. Với họ, Đảng đồng nghĩa với lí tưởng, đồng nghĩa với tự do, với đấu tranh hoàn thiện không ngừng nghỉ. Với họ, xã hội mà vì nó họ đổ máu chiến đấu phải là xã hội mà ở đó mọi con người, mọi thành phần phải cùng được tôn trọng, cùng có quyền như nhau. Với họ, Đảng không phải là những tín điều cứng nhắc được ấn xuống đầu mọi người từ trên xuống, không phải là những ban này ban nọ của Đảng với những cá nhân cụ thể. Với họ, Đảng là một lí tưởng. [1] Thiết nghĩ, chỉ có các cán bộ của ban tuyên huấn hay những chính trị viên quân đội hạng ba mới vô tình hay cố ý đồng nghĩa cái lí tưởng đó với tư tưởng chuyên chính vô sản hay với guồng máy chuyên chính vô sản. Thiết nghĩ, cái lí tưởng ấy, không chỉ nơi các vị NVGP mà còn cả nơi hàng ngàn, hàng triệu người Việt Nam khác, đã bị đánh cắp, bị sang tên, bị lợi dụng và bị hủ hoá. Bàn lại về tinh thần NVGP cũng như là một cách giải phóng những khái niệm như “lí tưởng”, “phản động”, “chống Đảng”,… ra khỏi vòng tay nô dịch của một thứ ngôn ngữ tuyên truyền và vận động quần chúng trong một xã hội toàn trị.

Có lẽ không chờ cho tới khi ở Trung Quốc Mao Trạch Đông phát động phong trào “Trăm hoa đua nở” (tháng 5/1956), ở Việt Nam mới có Trăm nhà đua tiếng. Vụ phê bình tập thơ Việt Bắc [2] bắt đầu từ tháng 1/1955 đến tháng 7/1955 là một ví dụ tiêu biểu: trong nhiều tháng đầu tiên của chế độ mới trên miền Bắc, trên các cơ quan ngôn luận chính thống đã diễn ra một cách tương đối dân chủ, những ý kiến phân tích và bình luận tập thơ từ nhiều quan điểm khác nhau. Vào tháng 3/1955, Lê Đạt có đại diện cho “nhóm NVGP” phê phán tập thơ Việt Bắc hay không? Vào đầu năm 1955, có một nhóm NVGP “đánh” Tố Hữu qua vụ tập thơ Việt Bắc hay không? Điều này nhà thơ Lê Đạt và nhiều người có liên quan có thể dễ dàng khẳng định hay phủ nhận.

Tôi tin rằng, vụ phê bình tập thơ Việt Bắc diễn ra một cách tự phát, không do một lãnh đạo cộng sản nào phát động. Nó cũng không bắt nguồn từ một nguyên nhân bè phái nào. Thực sự, vụ phê bình văn học này là đợt sinh hoạt báo chí dân chủ rộng lớn đầu tiên của nghệ sĩ trí thức sau khi từ chiến khu trở về và bắt đầu thực sự xây dựng một nhà nước, bắt đầu chính thức quản lí một nửa đất nước trong hoà bình. Vụ phê bình thơ Việt Bắc là cái van xả của những ước mơ, những kiềm chế do hoàn cảnh chiến tranh, là nơi bắt đầu thử nghiệm và cọ xát những quan niệm về một nền báo chí cộng sản, hay nói đúng hơn, về một xã hội mới. Bởi tôi tin rằng, nhiều người đi theo kháng chiến là đi theo tiếng gọi con tim về một nền độc lập, chứ không phải vì một nền chuyên chính vô sản. Vụ phê bình tập thơ Việt Bắc có lẽ là điểm son huy hoàng nhất trong lịch sử sinh hoạt báo chí Việt Nam (miền Bắc từ 1954 đến 1975 và cả nước từ 1975 tới nay). Nếu không có vụ phê bình tập thơ Việt Bắc như đã xảy ra, khó có NVGP như đã xảy ra. [3]

Thế nhưng chính trị có những mối lo lắng và quan tâm khác. Kể từ khi Đảng Cộng sản lấy các nguyên tắc lí luận và tổ chức Lenin-Staninism làm các nguyên tắc lí luận và tổ chức nền tảng, coi văn hoá tư tưởng là một mặt trận cốt yếu nhất thì bản thân sinh hoạt dân chủ là một mối đe dọa cần phải theo dõi và kiềm chế. Cho dù bản thân các nhà lí luận hay lãnh đạo Đảng không bao giờ nói to lên điều ấy. Cho dù những phát biểu hay ho và kêu vang về dân chủ có thể tìm thấy ở mọi nơi, mọi chỗ. Cho dù NVGP hay là các sinh hoạt dân chủ dẫn đến nó có do chính các lãnh tụ của Đảng khởi động (một điều mà không có chứng cớ nào chứng minh) thì điều đó cũng chỉ có nghĩa là: sinh hoạt dân chủ trong sự lãnh đạo của Đảng, trong các giới hạn và phạm vi do Đảng đề ra và chỉ đạo! Không cần phải giải thích dài dòng, ai cũng biết điều đó có ý nghĩa như thế nào.

Trong bản tổng kết vụ phê bình thơ Việt Bắc (mà người đọc bắt buộc phải hiểu rằng đó là tiếng nói chính thức của phía lãnh đạo văn nghệ), Hoàng Trung Thông khẳng định: [4]

phê bình văn nghệ là đấu tranh tư tưởng”,

và nhắc:

Tuy vậy, cuộc phê bình tập thơ Việt Bắc vừa qua bộc lộ nhiều khuyết điểm lớn, mà ban Văn của Hội có nhiệm vụ hướng dẫn cuộc phê bình phải chịu trách nhiệm chính.“

Bọn đế quốc và tay sai đang muốn thổi vào phong trào văn nghệ của chúng ta một luồng gió độc: "Văn nghệ tách rời chính trị". - Một số đồng chí chúng ta trong khi phê bình tập thơ Việt Bắc ít nhiều đã rơi vào khuynh hướng đó, ban Văn không kịp thời đề ra và tích cực đấu tranh lại. Ðó là khuyết điểm chủ yếu của cuộc phê bình.“

Cũng trong bài viết tổng kết này, đích danh Lê Đạt và Hoàng Cầm được nhắc đến như những ví dụ về sự sai lệch trrong tư tưởng. Không có bất cứ một cái tên nào khác trong phía rất nhiều người bênh vực và tán dương tập thơ được nhắc đến!

Cuộc diễn tập tự do sinh hoạt văn học đầu tiên mới mở màn đã bắt đầu kết thúc như vậy. Liệu có thể không sai khi cho rằng, NVGP, thực ra là đoạn kết của tự do báo chí, ngôn luận trong xã hội cộng sản bắt đầu bằng vụ phê bình tập thơ Việt Bắc và kết thúc bằng vụ án xử Nguyễn Hữu Đang và Thụy An? Trong quá trình kéo dài 4 năm đó, cuộc đấu tranh tư tưởng (không phải ai thắng ai về kinh tế giữa XHCN và TBCN sau này) giữa tự do văn hoá-văn nghệ-ngôn luận-tư tưởng và Đảng-lãnh-đạo-toàn-diện đã chính thức mang lại phần thắng cho tư tưởng Đảng-lãnh-đạo-toàn diện và bẻ gãy tinh thần độc lập trí thức mà tôi gọi là tinh thần NVGP. Thiết nghĩ, không cần phải là nô lệ cho những ám ảnh về sự tuyên truyền chống cộng của phương Tây mới nhận ra những tinh thần dân chủ ấy (tất nhiên là có nguồn gốc tư tưởng từ phương Tây) trong NVGP? Điều cần thiết duy nhất cho việc này là việc nhận thức rằng, đòi hỏi dân chủ của trí thức (nói chung, cộng sản-marxist nói riêng) là điều tự nhiên và thường trực, đặc biệt là trong thời kì đầu của chuyên chính vô sản, khi mà ngôn ngữ và não trạng toàn trị còn chưa trở nên thống trị trong xã hội.


*


Người ta có thể hệ thống các diễn biến của NVGP theo nhiều cách nhìn khác nhau. Nhưng dù theo bất kì cách nào thì cũng không thể loại bỏ khiá cạnh đấu tranh tư tưởng ra khỏi NVGP. Ở đây, hệ thống tuyên truyền của Đảng đã không hề dựng chuyện. Một thứ tiếng Việt chính xác, có lẽ sẽ không dùng từ „oan“ với NVGP: một thứ tiếng Việt chính xác sẽ dùng từ „đúng“ và „sai“. Oan, đơn giản được hiểu như là không làm nhưng vẫn bị kết tội. Đúng-sai đơn giản được hiểu như tương quan với sự thật và chân lí. Khẳng định một chiều rằng những cá nhân NVGP bị „oan“ trong vụ án NVGP (mặc dù đúng đối với các loại qui kết được chụp một cách có tính toán lên đầu họ: phản động, chống cách mạng, chống Đảng) đồng nghĩa với việc phủ nhận sự khác biệt trong việc diễn dịch những khái niệm về xã hội, về sinh hoạt văn nghệ, về trí thức, về vai trò lãnh đạo của Đảng. Việc đó cũng đồng nghĩa với việc phủ nhận tất cả những thủ đoạn đàn áp, áp chế nhằm thủ tiêu tự do ngôn luận và tư tưởng, trấn áp và cải tạo văn nghệ sĩ; đồng nghĩa với việc phủ nhận những vận động tư tưởng của ít nhất một bộ phận trí thức văn nghệ sĩ trong giai đoạn này ở Việt Nam.

Xem vụ án NVGP là cuộc đấu tranh tư tưởng trực diện giữa các tư tưởng chuyên chính của Đảng và tinh thần trí thức dẫn đến việc xem xét sâu hơn bản chất của nó, mà người quan tâm có thể dễ dàng nhận ra: đó là sự độc quyền chân lí của Đảng Cộng sản. Sự độc quyền chân lí này có nguyên nhân sâu xa là sự kết hợp của nhiều yếu tố: từ quan điểm đấu tranh chính trị bạo lực đến hệ quả ngày càng gia tăng của nguyên lí xây dựng lực lượng dựa chủ yếu trên thành phần giai cấp, trên khối công-nông-binh, từ quan niệm giáo điều về giá trị thặng dư của lao động chân tay đến quan niệm đầy mâu thuẫn về việc xây dựng „đội ngũ trí thức vô sản“, từ những mục tiêu chính trị ngắn hạn trong chiến tranh đến những ảo tưởng về một thế giới vô sản đại đồng trong hoà bình. Nhắm vào mục tiêu độc quyền chân lí ấy (dĩ nhiên hết sức thuận lợi cho việc vận động quần chúng) Đảng Cộng sản đã tiến hành cuộc đấu tranh nhằm khuất phục tinh thần độc lập trí thức, hay nói đúng hơn, bất cứ tư tưởng nào khác biệt với đường lối, chính sách của đảng bằng việc xác định đi theo quan điểm xây dựng nhà nước chuyên chính như một công cụ cải tạo xã hội và trấn áp.

Một cách trình bày các diễn biến liên quan đến NVGP tương đối bao quát đã được đưa ra trong Trần Dần – Ghi 1954-1960. [5] Có lẽ không cần phải nhắc lại các sự kiện chính ở đây. Tuy nhiên, dựa vào Ghi, có thể phân chia quá trình đấu tranh tư tưởng giữa đường lối tư tưởng chủ đạo của Đảng Cộng sản và tinh thần NVGP theo 3 giai đoạn:

Giai đoạn 1: Từ phê bình tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu đến khi Nhân vănGiai phẩm bị đóng cửa (cuối năm 1956).

Giai đoạn 2: Từ khi Nhân vănGiai phẩm bị đóng cửa (1/1957) đến các lớp học đấu tranh tư tưởng của văn nghệ sĩ và cán bộ văn hoá 2-4/1958 và NVGP chính thức bị kết án 7/1958.

Giai đoạn 3: Từ 7/1958 khi NVGP chính thức bị kết án đến năm 1988, khi Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm,... được mời sinh hoạt văn học trở lại.

Giai đoạn 1 là giai đoạn đầu tiên của quá trình xây dựng nhà nước chuyên chính vô sản ở Việt Nam, khi các nguyên lí chuyên chính vô sản đang trong quá trình củng cố lực lượng, chưa thực sự trở thành áp đảo. Có thể tranh luận về điểm này, khi cho rằng các biện pháp đấu tranh tương tự đã được áp dụng trong kháng chiến chống Pháp. Nhưng nói chung, các biện pháp đó đều được biện hộ bằng các điều kiện của chiến tranh. Mục tiêu chính của toàn xã hội trong giai đoạn trước 1954 là độc lập dân tộc. Mọi vận động tư tưởng khác đều được trì hoãn một cách có ý thức. Khi hoà bình lập lại, nguyên nhân của sự trì hoãn này không còn cấp thiết, và sự vận động tư tưởng về những hình thức sinh hoạt văn hoá nghệ thuật, về nhà nước, Đảng,... bắt đầu được khởi động lại. Song song với nó là quá trình xây dựng bộ máy quản lí các cấp, các hội liên hiệp và các tổ chức chính trị xã hội đặt dưới sự chỉ đạo của Đảng Cộng sản. Chính trong quá trình này, guồng máy chuyên chính vô sản bắt đầu thu thập sức mạnh cải tạo và trấn áp của mình.

Giai đoạn 2 là giai đoạn bộ máy tư tưởng chính thống sử dụng các phương tiện công khai và không công khai, kinh tế kết hợp với tư tưởng, qua bộ máy chính quyền và cơ quan các cấp để khuyất phục tinh thần tự do của tầng lớp trí thức. Các hình thức sinh hoạt như đấu tố, kèm cặp, học tập, cải tạo, đả thông tư tưởng,... được mang ra áp dụng một cách không cân sức. Cuối cùng, khi đã hoàn toàn bẻ gãy, khi đã thực sự áp đảo tinh thần độc lập trí thức, kết quả của nó được loan truyền rộng rãi. Hình thức đấu tranh tư tưởng như trong NVGP sau này đã được áp dụng mọi nơi, mọi lúc, chính thức tước đoạt cái giá trị nhất của sinh hoạt trí thức: diễn đàn tranh luận công khai bằng các phương tiện công cộng.

Bởi vì là cuộc đấu tranh tư tưởng (không chỉ đối với các nhân vật tham gia NVGP, mà là đối với tinh thần NVGP), cần đến gần 2 năm sau khi hoàn toàn đóng cửa báo Nhân văn và tạp chí Giai phẩm bằng các quyết định hành chính (tháng 12 năm 1956), để chính thức tuyên bố thắng lợi của Đảng: tháng 7 năm 1958. Cần đến 2 năm để hoàn toàn bẻ gãy và trấn áp mọi vận động tư tưởng độc lập trong trí thức và trong xã hội. Cần đến 2 năm để chuẩn bị và kết thúc với các án kỉ luật „nhẹ nhàng“. Bởi vì tư tưởng thì khác với một toán thám báo và không thể so sánh với một toán thám báo! Bởi vì tinh thần NVGP thì không phải là chỉ các vị NVGP.

Và bởi vì là một cuộc đấu tranh tư tưởng không cân sức nên không chờ tới khi có NVGP, bàn tay can thiệp của lãnh đạo Đảng trong việc kiểm soát tư tưởng của văn nghệ sĩ, đặc biệt là những xu hướng đòi tự do mới thể hiện rõ ràng. Tháng 6 năm 1955, Trần Dần bị bắt giam 3 tháng để làm kiểm thảo. Bản thân Trần Dần không nói nhiều về thời gian này và có lẽ chẳng ai biết rõ nguyên nhân chính của vụ bắt giam. Nhưng những cứ liệu đầy nghi vấn thì còn đó, cho phép người ta liên kết chúng với nhau: theo Ghi, tháng 4 năm 1955, trước khi bị giam giữ, Trần Dần cùng với một số văn nghệ sĩ khác đệ trình „dự thảo đề nghị cho một chính sách văn hoá“ trong đó „yêu cầu tự do sáng tác, trả quyền lãnh đạo văn nghệ về tay văn nghệ sĩ, thủ tiêu hệ thống chính trị viên trong các đoàn văn công quân đội, sửa đổi chính sách văn nghệ trong quân đội“. Nhiều cứ liệu khác cũng cho thấy những sự trùng hợp đặc biệt giữa những động thái từ ban lãnh đạo cao nhất của Đảng và các sự kiện văn học:

Ngày 9/12/1956: Hồ Chủ tịch kí „Sắc lệnh về chế độ báo chí“, thì ngày 15/12/1956 Hà Nội đóng cửa báo Nhân văn.

Ngày 6/1/1958, Bộ Chính trị BCHTƯ Đảng Lao động Việt Nam ra „Nghị quyết số 30 về việc chấn chỉnh công tác văn nghệ“, thì 10/1/1958 là ngày phát hành cuối cùng của báo Văn. Và tháng 2/1958 Trường Chinh phát biểu trước Đại hội văn nghệ toàn quốc, kêu gọi đập nát luận điệu phản động của NVGP.

Khẳng định sự sắc bén chính trị và sự chỉ đạo sát sao của ban lãnh đạo Đảng trên mặt trận văn học nghệ thuật tư tưởng không phải là biện hộ cho lịch sử đàn áp. Đó là hai khiá cạnh hoàn toàn khác nhau trong việc đánh giá các sự kiện lịch sử. Điều khẳng định này cũng giống như việc khẳng định sự sắc bén chính trị và sự cảnh giác cao độ của ban lãnh đạo Đảng Cộng sản khi năm 1988 đã giải tán Đảng Dân chủ và Đảng Xã hội sau một thời gian dài tồn tại như những quân bài chính trị. Điều khẳnh định về sự sắc bén này không cản trở một người có lí trí bình thường lên án những hành động đó là vi hiến. Điều khẳnh định về sự sắc bén này không cản trở việc phê phán hành động ấy là một hành động sai lầm.


*


Tôi mơ ước một ngày thật gần, dừng xe bên một sạp báo trên vỉa hè, tôi có thể mua một tờ Nhân văn số 6 in tại Hà Nội. Trong số tiếp nối đầu tiên này, tôi sẽ được đọc câu chuyện về NVGP; về những chìm nổi của các nhân vật trong đó; về những ý kiến đánh giá phê phán, hay bảo vệ nó; và về một thời kì vận động của đất nước, bất kể nó đen tối hay đẹp đẽ thế nào. Tôi sẽ được đọc trên đó, những vận động tinh thần của không chỉ NVGP mà còn của tất cả những ai từng liên quan đến nó, từng đấu tranh và bị khuất phục trước quyền lực, chính trị, và giáo điều. Phục hồi những cá nhân NVGP, như một sự ban ơn an ủi từ phía Đảng lãnh đạo sẽ chẳng có ý nghĩa gì khi tinh thần thực sự của NVGP không được tái sinh. Với đa số người đọc ở Việt Nam, 50 năm đã qua kể từ khi NVGP, 17 năm đã qua kể từ khi Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm,... được mời sinh hoạt văn học trở lại, thì câu chuyện NVGP vẫn coi như không được kể lại, vẫn tiếp tục bị bóp méo và làm biến dạng. Sự phục hồi ấy, đơn giản là một cách khác giết chết tinh thần NVGP.

Có lẽ, trước khi có việc đó, cần thay đổi quan niệm đóng khung về Đảng như đã được tuyên truyền và nhồi sọ. Cần trả lại ý nghĩa bình thường cho mâu thuẫn. Cần phải coi mâu thuẫn về tư tưởng đối với các quan điểm và đường lối của Đảng, ngay cả khi nó đe doạ sự tồn tại của các quan điểm chính thống, ngay cả khi nó sẽ dẫn tới sự thay đổi vai trò của Đảng là một điều bình thường. Chứ không phải bào chữa cái quan niệm „anh đe doạ sự tồn tại của tôi, tôi có quyền tiêu diệt anh“, ngay cả khi nó có mang một màu sắc nhân văn giả mạo! Cần phân biệt và tách rời mâu thuẫn với Đảng (hay chống Đảng) với tất cả những khái niệm „sai trái“, „phản động“, „phản bội nhân dân“, „phản bội đất nước“ ...

Với tôi, sự phục hồi của tinh thần NVGP không phải là ngày một tác phẩm của NVGP được in, được trao giải thưởng. Với tôi, NVGP không phải bị „oan“, mà những biện pháp của phía nắm giữ quyền lực nhằm tước đoạt quyền tự do ngôn luận và tư tưởng, với NVGP và kéo dài cho tới tận ngày nay, là vi hiến và phạm pháp.



Phụ lục

Phần phụ lục này dành riêng để làm rõ một số điểm trực tiếp liên quan đến tôi mà ít liên quan tới NVGP trong bài viết “Một cách nhìn siêu hình và cuồng tín về nhóm Nhân văn-Giai phẩm” của ông Đỗ Minh Tuấn (ĐMT).

Đầu tiên hãy thử xét quan điểm của ĐMT: “Nhóm NVGP là những người nghệ sĩ mang tinh thần dân chủ phương Tây, là một nhánh của phong trào dân chủ phương Tây có âm mưu lật đổ nền CCVS nhưng bị thất bại, bị đàn áp và trở thành biểu tượng“ (ĐMT, bài đã dẫn).

Được viết dưới dạng: “Quan điểm của Quốc Việt: Nhóm NVGP là những người nghệ sĩ mang tinh thần dân chủ phương Tây, là một nhánh của phong trào dân chủ phương Tâyâm mưu lật đổ nền CCVS nhưng bị thất bại, bị đàn áp và trở thành biểu tượng“ (ĐMT, bài đd, người trích dẫn in đậm).

Hai cách trích dẫn này giống nhau ở một điểm cơ bản: cả hai đều là quan điểm của ĐMT, chỉ có điều là ở cách trích dẫn sau, tôi biết được rằng đó là quan điểm của tôi. Tiếc thay, tôi không ngả mũ chào chúng được. Trong bài viết “Làm thế nào để giết chết tinh thần Nhân văn-Giai phẩm?” tôi tin rằng mình trình bày đủ rõ ràng để bất cứ một người nào cũng có thể thấy rằng tôi đã không hề bao giờ cho rằng NVGP là “một nhánh của phong trào dân chủ phương Tây”, cũng như không hề bao giờ cho rằng NVGP có “âm mưu lật đổ nền CCVS”. Xin ĐMT đọc lại.

Đành rằng hiểu nhau trong tranh luận là khó, nhưng tôi tự phụ rằng mình viết tương đối rõ, các quan điểm tôi viết ra có gạch đầu dòng đàng hoàng và hiện vẫn nằm trên talawas.

Tôi quả quyết rằng, sự tóm gọn xuyên tạc bất chấp nguyên bản như trên đây của ĐMT hoặc là thiếu lương thiện hoặc là vô trách nhiệm với ngòi bút của mình. Những thao tác sử dụng ngôn ngữ tương tự như vậy còn được thể hiện ở nhiều chỗ khác. Ví dụ:

QV: “NVGP là một cuộc đấu tranh tư tưởng toàn diện do Đảng Cộng sản lãnh đạo và dẫn dắt một cách sát sao.” Và: “Thất bại của NVGP là tất yếu trong bối cảnh thời sự quốc tế và Việt Nam lúc ấy. Nó cũng chứng tỏ khả năng lãnh đạo sâu sát và sự sắc bén chính trị rất cao của ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam trong thời điểm đó. Có thể nói không ngoa rằng, thắng lợi tuyệt đối của Đảng Cộng sản trong vụ NVGP mở đường cho những thắng lợi trên mặt trận quân sự những năm tiếp theo.”

ĐMT: “Nhưng Quốc Việt lại cho rằng sự trừng phạt của Ðảng CSVN như vậy là đúng đắn, sáng suốt, nhìn xa trông rộng, phù hợp với nhu cầu bảo vệ độc lập và thống nhất dân tộc.

Bạn đọc có suy xét sẽ hoàn toàn có khả năng nhận ra sự khác biệt giữa hai người:

Tôi cố gắng đưa ra một đánh giá khách quan về cuộc đấu tranh tư tưởng và khẳng định sự chỉ đạo sát sao của ban lãnh đạo Đảng trong vụ án NVGP, còn ĐMT cố tình bắt tôi phán xét sự trừng phạt của Đảng Cộng sản Việt Nam là đúng đắn. Tôi cho rằng sự chỉ đạo của Đảng CS đàn áp tự do tư tưởng và báo chí gắn chặt với, và dẫn đến thắng lợi trên mặt trận quân sự (một điều tôi cho rằng không cần thiết phải giải thích thêm), ĐMT bắt tôi phán xét sự đàn áp đó là “phù hợp với nhu cầu bảo vệ độc lập và thống nhất dân tộc”.

Một ví dụ khác:

ĐMT: “Nếu phủ nhận các tác động nhiều chiều nhiều mặt vào cá nhân lãnh tụ, phủ nhận vai trò của các cá nhân có quyền lực thay đổi đường lối và chính sách, phủ nhận sự liên thông của các cá nhân này ra các biến động có tầm xã hội, phủ nhận ý nghĩa xã hội của thuyết khách, phủ nhận sự vận động đổi thay của các nguyên tắc CCVS - như Quốc Việt đã phủ nhận - thì cũng có nghĩa là phủ nhận luôn cả quá trình đổi mới. Thực chất của quan điểm đó là gì? Là chấm dứt đối thoại, tiến hành lật đổ. Ông Quốc Việt có thực sự muốn làm cái việc đó hay không ?”

Tôi không tìm được chỗ nào tôi phủ nhận tất cả các thứ mà ĐMT vừa nêu, chỉ tìm được một chỗ tôi viết rõ ràng như thế này: “Không thể phủ nhận những cố gắng của các cá nhân trong việc quan hệ với quyền lực và dùng ảnh hưởng cá nhân để có thể tác động lên xã hội. Nhưng cần phải đặt chúng đúng vị trí của mình.


*


Tóm lại, tôi xin trả lại ĐMT những gì mà ĐMT cho rằng là của tôi. Còn các đánh giá của ĐMT về bản thân tôi trong cách nhìn nhận vụ án NVGP như „tư biện“, „siêu hình“, v.v. và v.v. thì tôi xin nhận và xin không tìm cách chối bỏ chúng. Những gì cần viết đã được viết ra, điều tuyệt vời nhất là mỗi người có một quan điểm về quá khứ, về hiện tại và về xã hội. Trong suy nghĩ của tôi, đánh giá người khác như thế nào là quyền của mỗi người, bảo vệ quan điểm của mình hay không là lựa chọn của mỗi cá nhân - trong một môi trường tương đối tự do mà internet tạo ra. Nhưng nếu cố ý xuyên tạc và gán cái mà người khác không viết cho người đó thì là một hành vi không nên thuộc về một người cầm bút.

q_vietus@yahoo.com

2.9.2005

© 2005 talawas



[1]Trần Dần, Ghi 1954-1960, Phạm Thị Hoài biên tập: “Đảng ở đâu? Thương ơi, Đảng chưa ở chúng mình, ở từng người một… Chỉ khi nào Đảng ở từng người, từng cánh tay một, thì mới tan được Hệ thống... Tôi nghĩ và tôi làm. Đảng ở tôi. Tôi phá Hệ thống.“ (tr. 74). “Đáng trách là cả một cái HỆ THỐNG! Nó nặng như núii. Nó ở trên có, ở dưới có. Ở ngang có. Đằng trước, đằng sau đều có nó.” (tr. 73)
[2]Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn: Tư liệu thảo luận 1955 về tập thơ Việt Bắc , Nxb Văn hoá-Thông tin, Hà Nội 2005, bản điện tử trong Tủ sách talawas (4/7-26/7/2005)
[3]Trần Dần, sđd: „Tôi thích những cuộc phê bình này – thơ TH và Vượt Côn Đảo của PQ - . Không phải vì bản thân những quyển sách và tác giả ấy. Mà vì ý nghĩa nó rộng ra nhiều mặt khác. Phát huy phê bình tự do. Nâng nhau lên, làm cho Đảng vào từng người một. Giương cao - lá cờ hiện thực, - giá trị con người.” (tr. 74).
[4]Hoàng Trung Thông, “Ý kiến kết thúc cuộc thảo luận về tập thơ Việt Bắc”, sđd
[5]Trần Dần, sđd, tr 11-26. Không thể chỉ trích dẫn một vài câu hay một vài trang trong Ghi để tóm gọn Trần Dần hay NVGP. Người ta phải trích dẫn Ghi tất cả, và suy ngẫm tất cả để hiểu một phần nào về Trần Dần, về NVGP.