trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 51 bài
  1 - 20 / 51 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngĐại hội X và cải cách chính trị tại Việt Nam
3.3.2006
Đông La
Có một tấm lòng
 
Năm 2002, tôi nhận được một cú điện thoại của một nhà văn nổi tiếng nói là lát nữa sẽ có ông Nguyễn Trung, thư ký của thủ tướng, gọi điện thoại làm quen. Tôi ngạc nhiên, một người vô địa vị như mình sao lại có được diễm phúc thế! Thì ra sau khi đọc bài giới thiệu cuốn phê bình của tôi trên báo, ông đã đi các hiệu sách ở Hà Nội tìm mua không được, muốn xin tôi một cuốn. Tôi đã đáp ứng ngay. Rồi sau khi đọc kiểu “ăn sống nuốt tươi” (theo thư ông viết) và thấy tôi có thể “chọn mặt gởi vàng” được, ông gửi tặng tôi cuốn tiểu thuyết đầu tay của chính ông, nhờ tôi góp ý để viết cuốn sau, “cuốn để đời”, cho tốt hơn. Tôi thấy ông viết tốt, sách còn được chuyển thành phim truyền hình nữa, nhưng nó vẫn giông giống như vô vàn cuốn khác. Tôi đã viết thư khuyên ông hãy tận dụng ưu thế của mình: một người từng trải, lại ở cương vị biết nhiều chuyện đại sự của quốc gia, với cái đầu cố vấn thủ tướng, hãy nâng tầm tư tuởng văn chương của ông lên, và tôi đã hỏi ông: anh có dám xả thân không? Sau kỳ tâm giao điện thoại, thư từ, thăm nom ngắn ngủi ấy, cái khoảng cách địa lý và tuổi tác cộng với bao công việc cơm áo gạo tiền bộn bề cứ cuốn đi, đã làm tôi gần như quên ông và ông chắc cũng vậy, tôi không biết “cuốn sách để đời” của ông đã xong chưa, ông còn nhớ đến cái câu hỏi có phần thách thức của tôi đó không?... Và rồi hôm nay, cái tên Nguyễn Trung quen quen, tác giả một số bài viết góp ý cho Đại hội X của Đảng trên báo Tuổi trẻ, bỗng vụt sáng lên như một ngôi sao ca nhạc thời thượng; tôi cop ngay những bài viết đó, nhưng chỉ liếc qua vì đang bận “chiến đấu” trên một “mặt trận” khác. Phải đến tận khi nhìn ông trên tivi, trí nhớ tôi mới thức dậy, thì ra lại là một “cố nhân”, và tự hỏi có phải “ông bạn già” đã xả thân rồi không? Lúc này những bài viết của ông đã tạo nên một hiệu ứng dây chuyền, đây đó bạn bè, người quen và cả người nhà của tôi nữa bàn tán, tâm đắc, cảm phục. Tôi nghĩ cũng đúng thôi, như các cụ nhà ta nói “nói phải củ cải cũng nghe” mà. Những lời tâm huyết không vụ lợi vì những điều tốt đẹp được đồng cảm là lẽ đương nhiên. Nhưng thực tế không hẳn vậy, có không ít người ở những góc nhìn khác đã phản bác ông, nhưng họ có lý của họ khi xuất phát từ chính thực tiễn cuộc sống và theo như ông viết, họ cũng đều “nặng lòng với đất nước, kể cả những ý kiến ngược”. Nhưng riêng bài của Phạm Toàn “Nguyễn Trung, người Việt Nam điển hình đương thời” trên talawas 22.2.2006 thì không vậy, một bài với giọng châm biếm, coi những điều tâm huyết của ông như trò chơi chữ nghĩa vô tích sự, cho ông “thành công” vì đã “gãi đúng chỗ”; cho ông là “người Việt Nam điển hình” vì chỉ “thích hiểm nguy trong lời nói” mà “không thích cái nhọc nhằn của việc làm”. Thậm chí Phạm Toàn còn cho bài viết của Nguyễn Trung sẽ gây ra “tai họa”... Quả thực, phải sau khi đọc Phạm Toàn với những đánh giá như vậy, tôi mới đọc kỹ Nguyễn Trung và nhận thấy, bài của Phạm Toàn như viết về ai đó chứ không phải về Nguyễn Trung. Một bài viết với thái độ không khách quan, không đúng cả về nội dung và tấm lòng người viết. Tôi liền đi lục số điện thoại gọi cho ông thì rất ngạc nhiên, ông không hề ngạc nhiên gì cả. Ông bảo phải có người nghĩ khác chứ. Chắc ông hiểu, “chữ nghĩa trên mạng”, nơi tư duy mọi người có thể được tự do tung tẩy, không phải “đi đều bước”, nhưng người ta cũng rất dễ phải đối mặt với sự tự do phản bác vô cớ, vô lý; thậm chí còn gặp không ít người viết “không có đầu” nữa! Có điều, khi phân phát tư duy cho chúng sinh, Chúa thường keo kiệt và không công bằng, nên những vấn đề tri thức khó khăn không thể phân định bằng đám đông được. Einsein khi phát minh ra thuyết tương đối từng đi ngược với lương tri của cả thời đại, nhưng ông đúng. Bài viết của Phạm Toàn chưa đến nỗi “không có đầu” nhưng có nhiều điều cần phải tranh luận.

Vào đề, Phạm Toàn cho Nguyễn Trung là người “đầy lòng tự tin”, khi ông “làm việc đến quá tuổi về hưu”, lại ở “cương vị tư vấn những điều quốc kế dân sinh”, “trước khi sang cõi bên kia lại vẫn nấn ná để góp ý kiến cho Đảng cầm quyền về nhu cầu và cách thức nắm bắt cơ hội vàng. Tự tin đến thế là cùng!”. Tự tin là đức tính tốt của người có đầu óc và bản lĩnh, tiếc là với giọng giễu cợt trên thì Phạm Toàn đã cho Nguyễn Trung tự tin một cách ảo tưởng, nhiệt tình của ông chỉ là sự tham quyền cố vị. Tôi không hiểu tại sao Phạm Toàn lại viết thế. Nếu Nguyễn Trung ba hoa những điều rỗng tuếch, hoặc viết những điều lẫn cẫn; ông quá tuổi nhưng còn cố bám những vị trí hữu danh hữu thực, thì Phạm Toàn nói vậy là có lý. Đằng này ông đã hưu, chỉ làm việc tự nguyện không ăn lương ở “Tổ nghiên cứu kinh tế đối ngoại của Thủ tướng” và là cộng tác viên “Ban Nghiên cứu của Thủ tướng”. Nhà nước cũng có chính sách rất hay và khoa học, tận dụng trình độ và kinh nghiệm của những người cao tuổi có trình độ cao (như giáo sư tiến sĩ...), dành cho họ chế độ làm việc và chế độ nghỉ hưu riêng, bởi tri thức và kinh nghiệm của một con người theo thời gian thường sinh sôi, sự thoái hóa thường chậm hơn rất nhiều so với sự thoái hóa của cơ thể, ngoại trừ những người mắc bệnh Alzheimer.

Phạm Toàn cũng cho Nguyễn Trung “có một đầu óc tự phê phán cao” nhưng “theo lối tình cờ, không chủ bụng”. Có nghĩa Phạm Toàn cho Nguyễn Trung nhát, không dám nói những vấn đề nhạy cảm một cách minh bạch, thẳng thắn, chỉ nói một cách vô tình, chắc Phạm Toàn cho Nguyễn Trung viết vậy nhằm tạo cớ để tránh né nếu “Trên” có căn vặn. Bằng những vặn vẹo lằng nhằng, Phạm Toàn cũng vô nghĩa hóa nhận định rất rõ ràng và có cơ sở thực tiễn chắc chắn của Nguyễn Trung: một nguyên nhân quan trọng để ta có “thời cơ vàng” là ta “không có kẻ thù chiến lược”. Phạm Toàn đã cho ông nghĩ thế là theo “thói quen tư duy chủ đạo lúc nào cũng... có ta-bạn-thù dứt khoát”, rồi giả định, nếu “có hai luồng ý kiến: nửa bảo vẫn có kẻ thù chiến lược, nửa bảo không” sẽ đưa “những nhận định ấy” về “giá trị bằng không”. Hiện tại ta không có chiến tranh, bang giao với tất cả các nước thì dĩ nhiên là “không có kẻ thù”, chứ có hay không có “kẻ thù” sao lại phụ thuộc vào những “luồng ý kiến” như ý Phạm Toàn? Phạm Toàn cũng phê phán những lý lẽ hiển nhiên của Nguyễn Trung, cho ông có lối tư duy “phi thực chứng”, “nói lấy được”, “lộn xộn” bằng một đoạn văn chưa sõi, mẫu mực về tư duy lộn xộn của chính Phạm Toàn: “Ông Nguyễn Trung xếp một loạt yếu tố mang tính điều kiện của “cơ hội và thời gian vàng” bên cạnh nhau, như: ta đang có các cường quốc là đối tác, ta có ý chí và quyết tâm..., ta... không tự chuốc kẻ thù, ... Đây cũng là một bản tự phê phán sinh động về cách tư duy lộn xộn và tùy hứng, điển hình của lớp người quen tiện đâu “lý luận” đấy, cốt “đúng” thì thôi”. Câu “bản tự phê phán sinh động về cách tư duy lộn xộn” là vô nghĩa vì Nguyễn Trung đâu có làm tự kiểm về cách tư duy của mình! Lẽ ra Phạm Toàn phải viết: “bản tự phê phán sinh động thể hiện cách tư duy lộn xộn” mới đúng. Phạm Toàn cũng phê phán Nguyễn Trung bằng một câu chưa sõi nữa: “dùng tu từ thay cho sự kiện thực chứng”. Việc “dùng tu từ” chỉ thay cho việc “không dùng tu từ” chứ không thay cho “sự kiện” được. Còn việc sử dụng tu từ là chuyện muôn thuở của văn chương để tăng ấn tượng và sức biểu đạt, nó càng có tác dụng nếu người đọc càng có tri thức ngôn ngữ và sự nhạy cảm, ngược lại nó cũng chỉ như việc “đàn gảy tai trâu” mà thôi. Phạm Toàn không thích và không hiểu là việc riêng của Phạm Toàn, không nên chê Nguyễn Trung. Còn thực ra, Nguyễn Trung sử dụng hình ảnh “cái bóng” là chỉ những sai lầm yếu kém của Đảng và ông cho rằng “Đảng ta đã hơn một lần vượt qua cái bóng đó” trong quá khứ. Bây giờ cũng có “cái bóng”, liệu Đảng có giữ được truyền thống sẽ lại vượt qua được hay không? Sao Phạm Toàn lại hiểu ngược lại, cho Nguyễn Trung nói Đảng mắc bệnh “xéo lên cái bóng của mình”, sẽ “không thoát khỏi” vì đó là “một định mệnh, một tất yếu, cố tránh cũng không nổi”. Đúng là người viết trên trời người hiểu dưới đất, vậy còn bàn luận cái nỗi gì!

Từ những phân tích như trên, Phạm Toàn viết “Điều tai họa của những bài viết tương tự như của Nguyễn Trung là nó gây ra cái ảo tưởng mọi người đang tham gia vào một sự kiện vụ thực. Ngược lại! Đó là kéo dài cái tật xấu rất xấu cực xấu thậm xấu của người Việt Nam đương thời, tật không làm”. Trước hết ta hãy châm chước cho sự lủng củng và chưa sõi của câu văn (chữ “nó”, “ngược lại”, “đó là” dùng như trên là sai, vô nghĩa, Lẽ ra Phạm Toàn phải viết: Điều tai họa của những bài viết tương tự như của Nguyễn Trung là chúng sẽ gây ra cái ảo tưởng mọi người đang tham gia vào một sự kiện thực. Hậu quả là chúng chỉ kéo dài thêm cái tật xấu rất xấu cực xấu thậm xấu của người Việt Nam đương thời, tật không làm) để hiểu đúng ý của Phạm Toàn cho Nguyễn Trung: chỉ nói suông, bài viết của ông chỉ làm ngu dân vì gây ảo tưởng cho dân là đã “làm”, chỉ khiến cho dân càng không làm gì cả trong khi thực tế vốn đã “không làm” gì rồi. Muốn hiểu chữ “làm” thực chất nghĩa là gì phải xem Phạm Toàn đề xuất sau đây: Thứ nhất dân phải “học cách làm chính trị”, thực hiện “một cách làm” nhưng phải “khác đi”. “Ban dân nguyện” “thử tập cho dân bỏ phiếu tín nhiệm đi coi”. Thứ hai, phải tìm cách cho người dân “tự do kinh doanh” như “ra báo”, “lập nhà xuất bản”, “mở trường”... và Phạm Toàn giải thích: “Tự Do đây là tổ chức mối quan hệ giữa giới cầm quyền và người bị cai trị”. Rồi kết luận: “Làm được điều này thì cuộc sống chính trị sẽ đa nguyên. Vấn đề không phải là có đa nguyên chính trị hay không, mà là cách sử dụng vũ khí đa nguyên đó... Cuộc sống thực cần những việc làm thực và sẽ giải đáp thực mọi chuyện có thực vào lúc chín muồi”... Như vậy chữ “làm” của Phạm Toàn có nghĩa là “thực hiện tự do dân chủ”.

Nhưng thực chất bài viết của Nguyễn Trung có tung hỏa mù làm ngu dân trên con đường tiến tới tự do dân chủ như ý của Phạm Toàn không? Nếu đọc những điều Nguyễn Trung đánh giá tầm quan trọng của tự do dân chủ và chỉ ra những thiếu sót trong sự lãnh đạo khi thực thi chúng dưới đây, sẽ thấy Phạm Toàn viết về ai đó chứ không phải Nguyễn Trung như tôi đã nói ở trên: “Động lực và sức mạnh để chiến thắng ... Đó là phát huy tự do dân chủ để giác ngộ được sự lạc hậu; rồi: “Nguyên nhân quan trọng nhất của thành công là trong đổi mới đã thực hiện được một bước đi quan trọng trên con đường dân chủ hóa toàn bộ đời sống kinh tế và quản lý xã hội”; rồi nữa: “Tiêu biểu nhất cho sự hẫng hụt về trí tuệ là Đảng ta chưa thành công bao nhiêu trong sự nghiệp làm cho nhân dân ta giác ngộ sâu sắc... là chủ nhân ông của đất nước độc lập tự do, để từ đó làm nền tảng cho việc xây dựng thể chế chính trị và hệ thống tổ chức xã hội dân sự”; “Khi nói đến xây dựng Đảng trở thành lực lượng tinh hoa của dân tộc cũng có nghĩa là tự do dân chủ phải được phát huy mạnh mẽ trong cộng đồng dân tộc”...

Về điều này, tôi thấy, có một xã hội văn minh nào không muốn tự do dân chủ với ý nghĩa tốt đẹp nhất của nó. Riêng tôi, là một người viết, làm sao mà tôi không muốn có được tự do ngôn luận. Những bài tôi viết trên talawas thời gian qua nếu có được đăng trong nước thì cũng phải bị xén đi một nửa. Có điều thực hiện được tự do dân chủ phụ thuộc rất nhiều vào trình độ dân chúng và trình độ tổ chức xã hội. Người lãnh đạo có đầu óc luôn thận trọng tính đến sự cân bằng giữa tự do dân chủ với sự ổn định. Nếu thực thi tự do dân chủ mà phá vỡ thế cân bằng ấy sẽ đẩy đất nước đến chỗ xáo trộn, đổ vỡ, huynh đệ tương tàn. Tự do dân chủ như các nước tiên tiến với nhóm nhỏ trí thức ở ta có thể là điều cấp thiết, nhưng với một nền sản xuất nhỏ yếu và lạc hậu, lại thường trực đối đầu với thiên tai dịch hại, nhiều nhu cầu cơ bản cho sự tồn tại còn chưa đủ, thì với đại đa số dân lao động Việt, cái tự do dân chủ ấy dường như còn quá lạ lẫm và xa xỉ. Ngay những nước quanh ta với nền kinh tế mạnh hơn, đã bao năm học làm tự do dân chủ, nhưng chính trường của họ vẫn chưa một ngày bình yên. Sự giải tán quốc hội Thái Lan, sự thiết quân luật ở Philipin trong chính những ngày hôm nay là những ví dụ cụ thể nhất. Cuộc chiến Iraq lật đổ chế độ độc tài gia đình trị xem ra có lý, nhưng kết thúc đã lâu, đến nay máu vẫn chưa ngừng đổ; duờng như dân Iraq thích sự độc tài hơn là tự do dân chủ, nên vẫn cứ dùng bom tự nổ xác mình để tấn công, phản đối. Còn cuộc bầu cử mới đây của Palestin cũng có thể là một bài học nhãn tiền cho các nước phương Tây về kết quả ngược của việc thực thi dân chủ, khi họ phải bỏ bao công sức tiền của, nhưng dân Palestin lại bầu những người lãnh đạo, mà theo họ, là những kẻ khủng bố!

Về riêng Nguyễn Trung, đầu tiên ông chỉ viết một bài “Thời cơ vàng” với hai phần “Vận hội mới” và “Vượt qua cái bóng của mình” góp ý cho Đại hội Đảng X giới hạn trong một phạm vi nhất định. Đại ý, ông thấy đất nước ta trong bối cảnh mới, dân ta có trí tuệ và ý chí; ta đã có những kết quả trong đổi mới, đã rút ra được những bài học của chính mình và của bạn; Đảng ta từng vượt qua được những khuyết điểm, “cái bóng”, của mình trong quá khứ, thì nay trước thời cơ mới, tình hình mới, có vượt qua được “cái bóng” hiện tại để tiếp tục lãnh đạo đất nước nắm được thời cơ vàng và biến thời gian tới là thời gian vàng của sự phát triển hay không? Rồi để đối thoại với rất nhiều ý kiến phản hồi qua bài “Thời cơ vàng” đó, ông viết tiếp mấy bài nữa, phân tích nhiều vấn đề hơn, cụ thể và sâu sắc hơn, bên cạnh những điều nổi cộm mọi người đã được nghe, được đọc đây đó, ông còn nói ra được nhiều điều tâm huyết có giá trị đối với sự phát triển. Qua đó tôi thấy ở ông có một tấm lòng, một trí tuệ, một bản lĩnh cao đẹp, đã dũng cảm “vượt qua chính mình” vì sự phát triển của đất nước. Ông khác với những người chống đối ở chỗ, đối với chế độ, ông là một bác sĩ chứ không phải là một người đạp đổ.

Những bài viết của ông bao quát nhiều vấn đề, riêng về “cái bóng” của Đảng, ông đã bỏ tâm sức nhiều nhất, soi xét nó ở nhiều khia cạnh. Ông cho “kẻ thù nguy hiểm nhất” đối với vai trò lãnh đạo của Đảng là “sự hẫng hụt về trí tuệ và phẩm chất”; tiêu biểu nhất cho sự hẫng hụt về trí tuệ là “Đảng ta chưa thành công bao nhiêu trong sự nghiệp làm cho nhân dân ta giác ngộ sâu sắc” quyền làm chủ “để từ đó làm nền tảng cho việc xây dựng thể chế chính trị và hệ thống tổ chức xã hội dân sự”; tiêu biểu nhất cho sự hẫng hụt về phẩm chất của Đảng là “tệ nạn quan liêu tham nhũng và tiêu cực”. Sự hẫng hụt về “trí tuệ và phẩm chất” ấy đang “hạ thấp” vai trò lãnh đạo của Đảng, đang từng bước “đẩy lùi đảng lãnh đạo xuống thành đảng cai trị”.

Một khía cạnh khác, ông nói đến “mối quan hệ giữa sự lãnh đạo của Đảng và hoạt động của nhà nước pháp quyền”. Ông cho hiện đang tồn tại cách hiểu “rất sai lệch về sự lãnh đạo toàn diện của Đảng”, “Không hiếm trường hợp cụm từ “xã hội chủ nghĩa” gán cho nhà nước pháp quyền bị lợi dụng làm bình phong hay sự biện hộ cho những việc làm chẳng dính dáng đến, thậm chí là trái với thể chế của nhà nước pháp quyền sơ đẳng nhất”. Ông cảnh báo: “đừng biến tướng nhiệm vụ của “đảng cầm quyền” thành “nắm mọi quyền lực”! Hiến pháp hiện hành của nước ta không cho phép làm như thế”. Ông thấy: “Đối với chế độ chính trị có một đảng, thì còn phải xây dựng các đoàn thể quần chúng trở thành người đại diện thật sự và có thẩm quyền của các tầng lớp nhân dân khác nhau, có tiếng nói của chính mình đối với Đảng, đối với mọi công việc của đất nước, chứ không phải là biến họ thành những cánh tay nối dài của Đảng”.

Để “vượt qua được cái bóng” ấy, ông thấy là một việc rất khó khăn: “Khắc phục những yếu kém còn tồn tại trong hệ thống không dễ, vì nó đối kháng quyết liệt với quyền lực và quyền lợi”; “sự cố thủ trong quyền lực vừa là nguyên nhân, vừa là hệ quả của sự cố thủ trong vấn đề phát triển và trọng dụng nhân tài, căn bệnh điển hình là bệnh cơ cấu, bệnh đảng hóa”. Ông thấy đó chính là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ: “Nếu để cho những kẻ làm giàu bất chính câu kết với sự tha hóa trong hệ thống quyền lực tiếp tục lũng đoạn xã hội theo “văn hóa” riêng của họ, thì mọi người tài đức chân chính và mọi thang giá trị xã hội đều có nguy cơ bị lộn ngược”. “Chống tham nhũng không đạt được kết quả mong muốn, nguyên nhân chính là mầm mống của tham nhũng nằm trong hệ thống”.

Và ông đã đưa ra lời giải: “Lời giải thật ra phần lớn đã nằm trong tầm tay của Đảng: hiến pháp, điều lệ Đảng và nhiều bộ luật hiện hành khác của Nhà nước!”, “Hệ thống pháp luật hiện hành của nước ta chưa thể nói là hoàn chỉnh, nhưng khá đầy đủ, cái khó nằm ở chỗ việc thực thi pháp luật nhiều khi bóp méo hoặc vô hiệu hóa pháp luật hoặc các thể chế tốt”. “Đảng nhất thiết phải đi đầu trong sống và làm việc theo pháp luật!”.

Với cái bài toán hóc búa về sự “nhầm lẫn” giữa hai khái niệm “Đảng cầm quyền” và “Đảng nắm mọi quyền”, một nguyên nhân quan trọng của trì trệ, ông đưa ra cách giải bằng cách học kinh nghiệm bên ngoài: “Song cũng xin thưa trên thế giới có nhiều đảng cầm quyền ở những nước khác nhau, nhất là ở các nước phát triển, đã giải quyết tốt ở mức này mức khác bài toán khó này; nguyên nhân chính có lẽ là họ làm được cái việc chuyện nào đi chuyện ấy, ai làm đúng việc nấy, đảng là đảng thật sự, nhà nước là nhà nước thật sự, không thể vừa là đảng vừa là nhà nước, càng không thể đảng trong đảng, nhà nước trong nhà nước!”, “Chẳng có một định luật hay qui luật nào bắt Đảng Cộng sản Việt Nam không được học hỏi các đảng cầm quyền trên thế giới cách giải bài toán khó này!”

Vấn đề đa nguyên chính trị và những yếu tố cơ bản để Đảng Cộng sản giữ được vị trí của mình, ông viết: “Dù là hệ thống chính trị chỉ có một đảng, yếu tố bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng không phải là bảo hộ vị thế độc quyền của nó, mà trước hết và duy nhất là nâng cao phẩm chất và năng lực lãnh đạo của nó. Không có phẩm chất và năng lực ngày một nâng cao này, thì dù có độc quyền tới mức chuyên quyền độc đoán như thế nào chăng nữa, số phận diệt vong của nó đã được cài đặt sẵn như một lẽ tất yếu ngay trong cái chuyên quyền độc đoán này. Nguy cơ nằm trong sự cài đặt này chứ không phải trong nguy cơ đa nguyên”.

Vậy làm sao để Đảng có đuợc cái phẩm cao quý đó, theo ông: “Chỉ cần Đảng đặt lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc lên trên hết, phát huy tự do dân chủ trong Đảng để phát huy tự do dân chủ trong cả nước”; “đau thấu nỗi đau của dân tộc, khát vọng da diết khát vọng của dân tộc”, “Đảng phải làm mọi việc mở đường cho việc đưa vào chủ nghĩa yêu nước và đoàn kết dân tộc những nội dung mới mà thời đại ngày nay đòi hỏi - bắt đầu từ thực hiện thật tốt công bằng dân chủ văn minh trong toàn bộ đời sống của đất nước, từ thay đổi một cách triệt để nội dung công tác thông tin, tuyên truyền, đào tạo, giáo dục... Tôi còn cả nghĩ rằng trên thế giới ngày nay không một đảng cầm quyền nào, kể cả ở những nước phát triển nhất, dám xem nhẹ thách thức lớn nhất này của chính mình. Lại càng không có đảng cầm quyền nào dám dại dột theo đuổi chính sách ngu dân, bởi họ hiểu làm như thế là dẫn đảng của họ vào con đường tự sát”.

Riêng ý cuối cùng rất quan trọng này, những yếu tố đảm bảo cho phẩm chất của cán bộ Đảng viên, ý của Nguyễn Trung quá đúng rồi, nhưng nó mới chỉ là những điều kiện đạo đức, những mong ước lý tưởng, những nguyên lý chung, chứ ông chưa đưa ra được một cách thức nào đó để có thể biến những điều đẹp như mơ ấy thành hiện thực, để mỗi người có chức có quyền có thể thực hiện thoải mái việc “đặt lợi ích quốc gia lên trên hết”, dễ dàng “đau thấu nỗi đau dân tộc”, mà không phải gồng mình hoặc ép xác như những ông thánh mới có thể thực hiện được. Thời chiến tranh, trước vấn đề còn mất, sống chết, tất cả mọi mặt của cuộc sống đều trở thành nhỏ bé, người ta rất dễ quên mình vì nghĩa lớn, nhiều lãnh tụ có phẩm chất thánh nhân, nhiều chiến sĩ có phẩm chất anh hùng là điều hoàn toàn có thực. Cuộc sống trong hòa bình ngược lại. Trước cái chết con người mạnh mẽ bao nhiêu thì trước sức mạnh vật chất con người lại yếu đuối bấy nhiêu! Bởi trong hòa bình, mọi người được sống trọn vẹn một cuộc sống. Mọi nhu cầu vật chất và tinh thần, mọi sự thành đạt trong cuộc sống: nhà cao cửa rộng, vợ đẹp con ngoan, phú quý song toàn... là những đích không ai không nhắm tới. Vậy làm sao đây khi đồng lương của cán bộ ở ta thực chất chỉ là tượng trưng, có mấy ai thực sự chỉ sống bằng đồng lương. Vậy là ai ai cũng phải “tự cứu lấy mình”, tìm mọi cách để kiếm thêm, và trong muôn hình vạn trạng của cái việc kiếm thêm ấy, ranh giới giữa những việc làm chính đáng và bất chính vô cùng mong manh. Tiền bất chính lại rớt vào túi dễ như nước chảy xuôi, trái lại, kiếm được đồng tiền chính đáng phải đổ mồ hôi sôi nước mắt. Khi làm điều bất minh người ta dễ tự nhủ, mọi người đều làm thế thì tội gì ta không làm. Đó chính là cái cơ chế dẫn đến quốc nạn tham những. Sự tham nhũng hiện tại đã trở thành có phương pháp, có quy trình, có liên minh, liên kết chặt chẽ, lan rộng khắp trên mọi lĩnh vực đời sống. Từ những cơ quan sức mạnh như quân đội, công an, toà án, viện kiểm sát, thanh tra; từ những bộ ngành chủ yếu như công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp, giao thông, xây dựng, ngân hàng; đến các ngành kinh tế quan trọng như điện, nước, dầu khí, thủy sản... Trước nạn giặc nội xâm vô cùng lớn này, vũ khí chống lại là pháp luật lại như bị trói, bởi những người thực thi pháp luật cũng nằm trong chính cái cơ chế đó, và hơn nữa nó cũng lại không được độc lập mà bị phụ thuộc, chịu sự lãnh đạo, không được tự do thực thi chức trách. Vậy cái bài toán này có lời giải không? Có lẽ lại phải đọc lại Mác thôi, con người ta vật chất không đầy đủ thì ý thức sao tốt được; các cụ cũng nói có thực mới vực được đạo mà. Vậy phải có biện pháp sao đó để biến tất cả những “lậu”, những “bổng lộc”, những đồng tiền “đen” thành đồng lương chân chính, phân chia theo đúng nguyên lý “không sợ hàng thiếu chỉ sợ phân phối không công bằng” (tất nhiên không phải cào bằng, đổ đồng), như thế đồng lương sẽ có thể đủ cho mọi người yên tâm làm tốt những trách nhiệm. Phải xây dựng thiết chế xã hội dựa trên cái phần yếu kém, tham lam, xấu xa của con người để ngăn chặn; phải thấy ai cũng vì mình trước mới vì mọi người; quan chức là cấp trên chứ không phải là đầy tớ, họ phải có đặc quyền đặc lợi gắn liền với trọng trách; Đảng lãnh đạo nhưng là tổ chức ở trong chứ không phải ở trên xã hội, nên trước pháp luật cũng bình đẳng như bất cứ một tổ chức nào khác; các nhà lãnh đạo không phải là lãnh tụ mà là công chức cao cấp, cũng có quyền hạn, trách nhiệm, trình độ và khả năng nhất định, không phải ở đâu cũng có thể răn dạy chỉ bảo mọi người; cần phải phân biệt đạo đức xã hội khác với đạo đức trong đạo giáo và sách luân lý, không phải là cần kiệm liêm chính chí công vô tư mà chỉ đơn giản là ai làm tròn trách nhiệm nấy và thực thi đúng pháp luật. Được thế thì độc đảng hay đa đảng cũng chỉ là phụ. Thậm chí, với một cơ chế hợp lý, bộ khung pháp luật vững mạnh, chỉ cần vài tay lái có trình độ và bản lĩnh thôi, con tầu đất nước vẫn đủ sức băng qua mọi phong ba bão táp của cuộc sống, tiến thẳng đến đích “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”; ngược lại nó mãi mãi chỉ là cái khẩu hiệu suông mà thôi!

TPHCM 28-2-2006

© 2006 talawas