trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 884 bài
  1 - 20 / 884 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
24.5.2006
Gérard de Nerval
Mùi hương xuân sắc
Bùi Giáng dịch
 1   2   3   4 
 
II.

Andrienne

Tôi về phòng ngủ và thao thức thâm canh. Đắm trong cơn chập chờn nửa mê nửa tỉnh, tôi thiêm thiếp gợi về trong kỷ niệm bầu trời tuổi trẻ thơ ngây. Cái trạng thái gay cấn ôn mê, u nùng lơ lửng, trong đó tinh thần còn gượng chống lại những ảo mộng xô ùa xoay tít phối hợp những hương màu quỷ dị, cái trạng thái đó thường còn cho phép ta nhìn thấy trong phút giấy phiêu hốt, những bức tranh kỳ ảo nổi bật trên một nền di chuyển cả một đoạn đời dài đang thêu dệt những gì cho một kiếp hư sinh.

Tôi hình dung một cung điện huy hoàng thời Henri Đệ Tứ, với những chóp mái nhọn lợp bằng đá đen, và phía mặt tiền phết vôi hồng đo đỏ, với những góc tường khúc khuỷu, cắt khía răng cưa, màu vàng hoe như cổ lục. Tôi nhìn thấy lại một vùng cỏ xanh rì, xung quanh có xúm xít những cây bồ đề, và du thụ, và dẻ gai, và ánh mặt trời chiều xuyên vào vòm lá xum xuê bằng những tia đỏ óng. Những nàng con gái nhảy múa theo những đường vòng trên nội cỏ cong cong. Các nàng ca ngâm những điệu ca cổ kính do các bà mẹ truyền cho, còn giữ nguyên cái ngôn ngữ thiên nhiên thuần túy, nghe mà tưởng chừng như quả thật mình đang sống thật sự ở trong miền xưa cố quận Valois, mà từ hơn ngàn năm trái tim của tổ quốc đã phập phồng đánh nhịp.

Tôi là thằng con trai duy nhất trong cuộc hát múa vòng. Lúc đi, tôi có dẫn theo một cô bạn xinh tươi tuổi nhỏ, nàng Sylvie, con gái nhà một thôn bản láng giềng, nàng linh hoạt xiết bao, đằm thắm tươi cười, với đôi con mắt đen tròn lóng lánh, trắc diện đều đặn ôn nhu, với làn da sậm sậm!... Tôi chỉ yêu nàng, và chỉ thấy có một mình nàng – kể từ trước cho tới lúc bấy giờ, chợt biến động than ôi… Trước đó, tôi có lưu ý gì mấy đâu, giữa cuộc múa vòng khiêu vũ, tôi còn lưu tâm gì mấy tí, tới một cô nàng tóc hoe óng ả, vóc cao và kiều diễm, mà thiên hạ bốn bên gọi là cô Andrienne. Thì bất thình lình, theo luật tắc cuộc múa vòng, bỗng dưng Adrienne dập dìu xoay thân thể lại, bất ngờ dừng sững lại một mình trong cuộc múa, tại trung tâm, cùng tôi đối diện. Hai đứa vóc dáng như nhau. Người ta bảo chúng tôi hãy ôm nhau mà múa, và từ bỏ cuộc khiêu vũ và bản tình ca hợp xướng cùng thi nhau mà xoăn tít dìu dặt vô ngần. Lúc trao nàng cái hôn kỳ ảo, tôi không cưỡng nổi, siết bàn tay nàng một cái. Những mớ tóc vàng xoăn tua tủa lắt lay chạm nhẹ vào má tôi. Từ đó, một niềm man mác dị thường bỗng xâm chiếm tâm linh tôi như càn khôn trở mộng. – Rồi cô gái đẹp phải ca lên để được quyền quay trở vào vòng khiêu vũ. Người ta ngồi xuống xung quanh nàng, và liền sau đó, một giọng vàng tươi mát long lanh ngấm sâu vào vũ trụ, rồi nhòe đục ít nhiều, như sương ngọc mù sa ám linh hồn thục nữ suốt miền xứ quân thu, nàng hát lên một bản tình ca cổ kính đầy rẫy mộng ưu sầu, từ thiên thu kể lại, vẫn câu chuyện vô vàn khốn khổ của một cô nàng công chúa chịu đọa đày xuân sắc trong cấm cung, do ý chí một vua cha trừng phạt nàng đã yêu đương ai mà đắm đuối… Cứ mỗi tiết, bài ca lại kết thúc bằng một cơn dậy réo rắt chiên âm, mà giọng gái tơ rất thích hợp để ngân dài và bắt chước cái giọng run rẩy u nùng của những bà tổ nội xưa kia.

Nàng hát đê mê, bóng chiều sa thấp, phủ một vùng đầu ngọn cỏ lá cây. Bóng trăng êm đềm bắt đầu gieo ánh xuống rơi khắp thân thể nàng riêng biệt, đứng cách với toàn thể chúng tôi đang chăm chú ở xung quanh. – Nàng chợt nhuốm hơi mù nhẹ nhẹ, sương trắng đượm trên đầu cỏ lục đăm chiêu. Chúng tôi tưởng mình đang ở non nước thiên đường ngồi mơ màng bên ngõ hạnh, nhìn ngàn đào nghiêng bóng giòng xanh. – Sau cùng, tôi đứng lên, chạy bay tới bồn hoa cung điện, có những cành nguyệt quế trồng trong những chậu sành đồ sộ có những hình chạm nổi loan phụng camaïeu. Tôi mang trở về hai nhánh xum xuê, tết thành một vòng hoa, kết lại bằng một dải băng trinh bạch. Tôi đề huề nâng lên, và đặt vòng hoa băng tuyết xuống trên đầu trang nương tử trong một phút thiên thu. Dưới ánh mờ vừng nguyệt, những chiếc lá lấp lánh ngời trên làn tóc phiêu du. Hỡi ôi! Trăng nhớ tầm dương, là nhớ người. Em là Béatrice của tôi thôi. Miệng cười má lúm đồng tiền nhỏ. Em trút mơ màng non nước ôi.

Andrienne đứng lên. Vươn duỗi tấm hình hài dong dỏng rộng, em nghiêng mình chào nhẹ nhẹ, rồi vùng chạy mất về điện ngọc lãnh cung. Anh nhìn suốt xứ sau lưng. Thiên thu rụng bóng vô chừng thời gian. Ngậm ngùi gió nội hoang mang. Theo nồng hơi thở miệng vàng đã xa. Cành Nam ước nguyện chan hòa. Sim ngàn sổ là đêm ngà tử sinh. Gió sương từ tạ biên đình. Bóng sa hồ khép chặt tình mông lung. Rêu tần ngần tuyết in phong. Sóng phơi trường mộng từ trong dậy nguồn. Rập rờn đầu liễu xanh buông. Mùa trăng nước đẩy xô buồn đi qua. Trang hồng kim hải ra hoa. Trổ bông mùa phượng tên là Andrienne. Anh về đuổi mộng cuồng điên. Mùa thu quốc sắc, ưu phiền ngập trang. Mai sau thiên hạ bảo rằng. Người con gái ấy chất hằng trâm anh. – C'était, nous dit-on, la petite-fille de l'un des descendants d'une famille alliée aux anciens rois de France; le sang des Valois coulait dans ses veines. Pour ce jour de fête, on lui avait permis de se mêler à nos jeux; nous ne devions plus la revoir, car le lendemain elle repartit pour un couvent où elle était pensionnaire. Người con gái ấy, thiên hạ bảo: vốn là cháu nhỏ một gia đình thông gia với những vì vua chúa xưa kia. Giòng máu họ Valois chảy ở trong mạch máu đen của nàng. Nhân ngày Hội Đố Lá đặc biệt này, cha mẹ nàng cho phép nàng dự vào cuộc chơi của chúng ta, chúng ta sẽ không còn được gặp lại nàng nữa đâu vì qua ngày hôm sau, nàng sẽ lên đường vào lại tu viện; nàng là nữ sinh ký túc tại đó.

Lúc tôi quay trở lại bên Sylvie thì thấy nàng đương khóc. Cái vòng hoa nguyệt quế, tôi tự tay trao cho nương tử ca nhi, chính đó là đầu mối những giọt lệ vàng đương rớt hột bây giờ. Tôi thân ái bảo rằng để tôi chạy đi hái một vòng hoa khác về trao tặng đề huề, nhưng nàng thổn thức bảo rằng nàng có xứng đáng chi đâu. Tôi lóng cóng luống công tìm cách tự bào chữa cho mình, nàng vẫn chẳng nói một lời nào nữa hết, suốt dọc đường tôi dẫn từ bãi cỏ trở về nhà cha mẹ nàng, tôi chẳng được đền đáp một lời nào nữa cả.

Rồi trở về lại Paris học tập, tôi mang theo về phố thị cái hình ảnh song đôi của một tình bạn êm đềm bị đứt lìa sầu não, - rồi một mối tình yêu xa hút vô vọng mơ hồ, cội nguồn của bao nhiêu tư tưởng xót xa, mà triết học nhà trường không làm sao cho nguôi được.

La figure d'Adrienne resta seule triomphante, - mirage de la gloire et de la beauté, adoucissant ou partageant les heures des sévères études.

Gương mặt Adrienne ở lại bên lòng ngập bờ lửng kêu trong tiếng gọi, - ảo ảnh của tài hoa phát tiết, huyễn tượng được những gì với những giờ nhọc nhằn kinh sử. Mùa hè năm sau, trở về thôn xóm cũ, tôi được người ta cho biết rằng cô gái kiều diễm nọ, thoáng gặp một lần, từ đó đã bị gia đình đưa đẩy vào con đường tu khắc khổ của tôn giáo. Và mộng hoài, xin vĩnh viễn chia xa.


III.

Quyết định

Mọi sự được giải quyết hết do kỷ niệm lãng đãng kia. Mối tình mơ hồ và vô vọng nọ, tâm hoài thao thức vì một đào hát, cứ mỗi đêm mỗi xui giục tôi lui tới rạp lân la, và chỉ rời tôi vào giờ nhắm mắt ngủ, vâng, mối tình nọ đã manh nha từ trong kỷ niệm Adrienne, cái bông hoa của đêm sương mở phơi trước ánh mờ nguyệt bạch, cái hình ma hồng ngọc tha thướt đi trên vùng cỏ lục đượm khí bốc hơi mù. - Một khuôn mặt lãng quên bao năm trời đằng đẵng sẽ đi về trong một khuôn mặt giống hao hao, và vẽ sâu nét vào trong như tạc. Một tấm tranh vẽ bằng than chì được lên bóng nhạt nhòa bởi thời gian biến làm hội họa, cũng như thể những tấm croquis cũ kỹ của những bực thầy mà người ta ca ngợi trong musée, mà bức nguyên họa rạng ngời, phải được tìm thấy tại ở đâu đó xa kia.

Hỡi ôi! Yêu một tu nữ trong mình mẩy một ca nhi!... Phải mà cũng một người cho đáng! - Thật có thể trở nên điên dại mất thôi! Hỡi đời, hỡi mộng. Hỡi điên cuồng cầy sấy gọi giẽ giun! Thật có như là cõi u huyền vô minh cuốn hút khốc hại vô ngần như cái bóng lập lòe ma trơi đốt lân tinh liễm diễm, trốn chạy vật vờ trên lau sậy, nước quạnh, bờ hoang… Hãy xin đặt bàn chân trở về trên đất vững.

Sylvie của tôi yêu dấu vô cùng, vì lẽ chi tôi đã quên mất em suốt ba năm đằng đẵng?... Một cô gái rất mực tươi xinh, cô gái đẹp nhất tại xóm Loisy đó nhé!

Nàng sinh hoạt, sinh tồn, nàng thuần hậu thanh khiết tâm can. Tôi nhìn thấy trở lại khung cửa sổ của em, tại nơi đó cành nho quấn quít bên nhánh hồng mở nụ, cái lồng chim fauvette (chim sâu) treo lẳng lơ ở vách tay trái, tôi nghe ra cái tiếng canh cửi rộn ràng và cái điệu hát em yêu chuộng hằng năm:

Em ngồi kiều diễm bên khe
Giòng xuôi thúy lục tơ se tâm hồn…

Em còn đợi tôi không. Ai chịu cưới em rồi đó? Em nghèo quá, không có của hồi môn…

Trong làng xóm em, và trong những làng xóm quanh vùng, những chàng trai nông dân, áo vải thô, tay cục mịch, mặt ốm o, da sạm đen sì! Em chỉ yêu tôi thôi, tôi, cái thằng Parisien bé bỏng, thuở tôi về làng, ở cạnh xóm Loisy thăm người cậu, ngày nay đã mất. Từ ba năm, tôi phung phí loang toàng hết cả cái di sản của cậu để lại cho, đáng lẽ đủ để chu toàn cho tôi suốt kiếp. Nếu cùng em gắn bó, thì ắt tôi đã gìn giữ được nó rồi. Tình cờ vận may trả về cho tôi một ít. Chắc cũng còn kịp chớ, thưa em…

Giờ này, em đang làm chi? Em đang nằm ngủ… Không, em không ngủ, hôm nay là ngày hội cung tên, cái hội duy nhất trong một năm trời bốn mùa lận đận. Người ta múa hát khiêu vũ suốt đêm. – Thì chắc em đang dự hội.

Mấy giờ rồi?

Tôi không có đồng hồ.

Tôi xuống phòng người gác cửa. Đồng hồ của ông ta điểm đúng một giờ khuya. Tôi tự nhủ: “Đi xe ngựa bốn tiếng đồng hồ, tôi sẽ tới Loisy”. Tại bến xe, còn năm sáu chiếc xe ngựa lạch cạch chờ khách, quen thói hoa nguyệt về đêm. Tôi bảo: “Cho về Loisy! – Loisy là đâu rứa? - Gần Senlis, cách tám dặm đường.”

Cái con đường đi sao não dạ! Canh chầy tịch mịch, u buồn vây phủ dặm đường Flandre. Tới miền núi rừng, thì cảnh mới đẹp ra. Hai hàng cây ven đường ủ ê kéo dài dậm duộc những hình thù nhăn nhó, mông lung như càn khôn lạc lối. Bên xa kia, những khuôn vuông cây cối lục, đất đai bừa, bên phía tả là những dãy đồi xanh nhạt nhạt: Montmorency, Ecouen, Luzarches. Đây khu làng Gonesse, còn mang đầy những kỷ niệm một thời Liên Minh Đảng, một thuở Đầu Thạch Phe…

Xa hơn nữa, một con đường hai bên trồng táo, tôi đã bao lần nhìn hoa rạng rỡ trong đêm tăm như những chùm sao của mặt đất: đó là con đường ngắn nhất dẫn về những thôn xóm đìu hiu. – Trong khi chiếc xe ì ạch leo lên đường dốc, tôi xin được thu góp lại một lần những kỷ niệm ngày xưa, thuở tôi còn năng đi về thăm viếng.


IV.

Du lịch về Cythère

Mấy năm đã trôi qua: cái thuở tôi gặp Adrienne trước cung điện, chỉ còn là một kỷ niệm tuổi thơ. Tôi về tới Loisy trong giờ lễ thành hoàng. Tôi sắp sửa xen vào nhập bọn với các ngài hiệp sĩ bắn cung, chiếm lại cái chỗ xưa kia tôi từng giữ. Nhiều thanh niên thuộc những thế gia vọng tộc còn sở hữu tại đây nhiều cung điện mất hút trong rừng xanh, từng chịu khốn đốn nhiều về thời gian hơn là vì những cuộc cách mạng, họ đã tổ chức buổi hội. Từ Chantilly, từ Compiègne và từ Senlis, đổ xô về bao nhiêu những đoàn kỵ mã vui nhộn tưng bừng, tới chiếm chỗ trong đám rước quê mùa của những đội bắn cung. Sau cuộc dạo chơi kéo dài dậm duộc qua những làng xã, những thị trấn, sau lễ mi sa tại nhà thờ, sau những cuộc thi tài xảo diệu và cấp phát phần thưởng xum xuê, những kẻ thắng cuộc được vời tới dự tiệc tổ chức tại một hòn đảo dưới bóng bạch dương, ở giữa một trong mấy mặt hồ dào dạt nước, do giòng NonetteLa Thève dẫn về. Những chiếc ghe có kết cờ sặc sỡ đưa chúng tôi tới đảo - đảo này được chọn lựa là do sự hiện hữu của một cái đền hình thuẫn, khả dĩ dùng làm phòng yến tiệc. Tại đó, cũng như tại Ermenonville, đất đai có thiết lập rải rác những lâu đài nho nhỏ thuộc thời hậu bán thế kỷ mười tám, tại đó những triết gia triệu phú đã hoạch định kiến trúc thể theo cái “gu” thời bấy giờ. Tôi tưởng rằng ngôi đền đó, ban sơ được tạo lập là để cung hiến cho nữ thần Uranie. Ba cột trụ đã nhào đổ, và kéo luôn vào trong cơn lông lốc một phần mấy đầu cột, nhưng người ra đã dọn dẹp phía trong căn phòng, đã treo những tràng hoa ngang dọc giữa các cột trụ, người ta đã trang điểm cho thanh tân cái cõi phế tích nọ của thời nay – đã thuộc quyền sử hữu của ngẫu tượng giáo Boufflers hoặc Chaulieu hơn là ngẫu tượng giáo Horace.

Cuộc vượt hồ đã được nghĩ ra có lẽ là cốt khơi dẫn lại kỷ niệm Du lịch tới Cythère của họa sĩ Watteau. Chỉ duy có y phục kim thời của chúng tôi là làm tan đi ảo tưởng nọ. Bó hoa khổng lồ của buổi hội, lôi từ chiếc xe chở đi, đã được đặt lên một chiếc ghe lớn; đám phụ nữ vận y phục trắng lũ lượt theo sau, lần lượt lên thuyền, và đoàn đại biểu các thị thành dự cuộc cạnh kỹ Cổ Hy Lạp của thời nay, đoàn đại biểu kiều diễm nọ nghiêng bóng mình đìu hiu soi trên mặt hồ tịch mịch, chia biệt các nàng với bờ bến ốc đảo dưới ánh tịch dương rạng rỡ, với những vòm sơn trà tử rậm rì, những cột trụ chơ vơ, và những nhánh cành phơ phất. Chẳng bao lâu, các ghe thuyền đã cập bến. Cái giỏ điển lễ huy hoàng đã chiếm trung tâm bàn tiệc, và mỗi người chiếm mỗi chỗ ngồi, bốn xung quanh vây bọc, những trai tơ nào được ưu đãi thì được ngồi sát cạnh những gái tơ: muốn được như vậy, chỉ cần một điều kiện thôi: được cha mẹ các cô quen biết. Đó là nguyên do xui giục tôi ngồi cạnh Sylvie. Người anh của cô nàng đã tới giáp mặt tôi trong buổi hội, và sừng sộ tôi một tua, hỏi bấy nay tại mần răng mà bỏ đi biền biệt không về thăm viếng một trận nào cả để cho anh mòn con mắt mà trông mong. Tôi đề huề phân giải: vì việc học tập nó cầm chân tôi ở lại Paris, và bảo chắc chắn với anh rằng lần này tôi về đây là cốt viếng thăm gia đình anh vậy. Sylvie nói: “Không, anh ấy không quên gia đình mình. Anh ấy chỉ quên em mà thôi: em quê mùa cục mịch, phận em thì thấp, mà thủ đô Paris thì cao ráo tới mây xanh đó mà!” Tôi muốn ôm nàng hôn một cái để bịt miệng nàng lại, nhưng nàng hờn dỗi ngoảnh lơ đi, và người anh của nàng phải can thiệp vào, nàng mới chịu đưa má ra cho tôi hôn, đưa ra với một vẻ mặt thật là hờ hững. Tôi chẳng thấy lòng hân hoan chút nào hết với cái hôn mà bảo kẻ khác cũng được cấp phần ân huệ, bởi vì trong cái xứ thuần phác thiên nhiên này, mọi người qua đường đều được chào hỏi, thì một cái hôn chỉ là một chút quá lễ độ trao cho nhau giữa những con người phong thể biết điều ăn ở thị phi.

Một chuyện bất ngờ đã được dàn xếp sẵn bởi những người chủ trì buổi hội. Cuối bữa tiệc, một con thiên nga hoang vu bỗng tung cánh bay ra từ một cái giỏ mây, ấy thật bất ngờ, vì từ trước người ta cột kỹ giấu kín nó dưới những chùm bông tươi tốt. Nó tung bay một trận với đôi cánh mạnh mẽ, vút ra một cái, thì bao nhiêu tràng hoa chuỗi lá xáo xạc bay tán loạn ra bốn bên. Trong khi nó vút thẳng lên trời, hướng về những bóng hoàng vân phất phơ ánh chiều, thì chúng tôi đưa tay vớ bừa những vòng hoa xiêu lệch, và mỗi đứa mỗi thuận tay đưa vòng hoa trang điểm lên vầng trán một cô gái ở bên mình. Tôi may mắn nắm được một vòng hoa thật đẹp, thế là, lần này cô Sylvie, lần nay nguyên vẹn, không còn chia sớt cho ai, nàng ngày nay đã hóa thành kiều lệ hết sức! Ngày nay nàng không còn là cái cô gái nhỏ thôn làng thang lan điền dã, mà xưa kia đã có lần tôi khi dễ, và để lòng tê mê vì một kẻ lớn hơn. Mọi thứ nơi người nàng đều đã phát tiết tinh anh đầy đủ: cái diễm lệ của đôi mắt đen, cái kiều diễm của làn mi tha thướt, của vòng cong lá liễu lông mày, xưa kia đã quyến rũ rồi, và ngày nay đã trở thành xiết bao hấp dẫn. Cái nụ cười lum lúm thanh tân chợt làm sáng ngời gương mặt những đường nét đều đặn như gái Athénienne xưa. Tôi thán phục quý chuộng cái khuôn mặt tuyết bạch nọ, xứng đáng với nghệ thuật thái cổ ban sơ, giữa bao nhiêu dung mạo dấm dớ của các cô gái bên cạnh nàng, Những bàn tay ngón tơ mưng duỗi duỗi, những cánh tay từ độ tròn trịa ra, cũng đề huề trắng mượt dần dần cho tới bây giờ đã ngọc ngà ra trong tròn trịa. Cái thân hình uyển chuyển dong dỏng, đã làm cho các nàng khác hẳn ngày xưa, tôi nào đã thấy thế bao giờ. Tôi không cưỡng lại nổi, bèn nói cho nàng hay rằng nàng không còn giống như nàng nữa, nàng khác biệt xiết bao, ấy cũng là hy vọng xóa tan đi cơn phụ bạc một giờ xưa kia ấy.

Mọi sự càng thuận lợi cho tôi nhiều: tình thân ái của thằng anh nàng đối với tôi, bầu không khí êm ái thanh tân buổi hội, giờ tĩnh mịch chiều hôm, và cái chốn ốc đảo hoang vu, mà người tổ chức buổi hội đã tài tình phong vận biến đổi nó ra hình hài vang bóng những hội hè trang trọng thời xưa. Chúng tôi tìm mọi cách để thoát khỏi cuộc khiêu vũ múa vòng, để có thể trò chuyện về những kỷ niệm tuổi thơ, và để cùng đăm chiêu ca ngợi những ánh trời rạng trên bóng cây và trên mặt hồ ngọc. Người anh của Sylvie phải bước tới, xốc chúng tôi ra khỏi vòng lung trạo của nguồn cơn chiêm niệm ngậm ngùi, bảo rằng: đêm đã khuya, phải liều liệu mà quay về làng xa xôi mẹ cha mong đợi.


V.

Khu làng

Chính tại Loisy, trong căn nhà cũ kỹ của người lính tuần phiên. Tôi đưa hai người tới đó, rồi quay trở về Montagny, tại đây tôi trú nơi nhà người cậu. Rời con đường sương mọc để băng qua một cụm rừng nho nhỏ chia biệt Loisy với Saint-Sulpice-du-Désert, tôi sắp phải bước vào một con lộ nhỏ sâu hút, len lỏi dọc theo rừng Ermenonville; tôi sắp gặp những vách tường đìu hiu của một tu viện, mình phải đi dọc theo trong khoảng một phần tư dặm đất. Vừng trăng kỳ ảo thỉnh thoảng lại giấu thân ở sau áng mây bạc trên trời, chỉ gieo sơ sài chút ánh sáng mờ mờ tỏ tỏ xuống hàng hàng cụm cụm sa thạch u sầu, và chùm chùm bụi cây điệp điệp ngổn ngang bên bàn chân tôi bước. Bên phải bên trái, bên này bên kia, những mép rừng, những rìa rú, không có đường con vạch sẵn, và liên miên trước mặt tôi vẫn tiếp tiếp điệp trùng những đá, những nham, mang linh hồn lịch sử tôn giáo tế xa xưa của xứ này còn ghi tạc kỷ niệm đoạn trường những đứa con của Armen bị người La Mã giết. Từ trên chóp cao sâu nghiêm vòi või của những gò đống đá nham ngổn ngang chồng chất nọ, tôi nhìn thấy những mặt hồ xa vắng nổi bật trên mông quạnh đồng không hắt hiu sa mù, như những tấm gương lóng lánh, và không còn có thể phân biệt được nữa mặt hồ nào là tấm gương ngọc đã vì buổi hội vừa rồi mà độ lượng in pha.

Không khí thơm lừng và ấm áp; tôi dừng chân quyết định. Không lẽ nào đi xa nữa. Bước tới nữa làm chi. Hãy dừng lại nơi đây mà đợi mong bình minh vậy. Và nằm dài xuống cỏ là giữa những cụm cây phiêu bồng mà ngủ một trận chiêm bao.

Lúc tỉnh dậy, tôi lần hồi nhận ra được những địa điểm gần cái chốn mà mình đã mơ mòng lạc lối trong đêm tăm. Bên phía tả, tôi nhìn thấy cái đường vạch rõ nét của những tường vách tu viện Saint-Sulpice-du-Désert, rồi tận phía bên kia thung lũng những cồn nham, gò đất Gens-d’Armes, với những phế tích sứt mẻ tàn rơi của trú sở xưa kia dòng họ vua Carlovingienne. Cạnh đó, ở bên trên những cụm rừng, những tường vách đổ nát của tu viện Thiers nổi bật lên nền trời với những vạt tường, mảnh thành, tấm quách, um tùm ngang dọc với những xa trục thảo, chả ba. Bên kia nữa, xa vời hơn. ấy là trang viện gô-tích Pontarmé. Vẫn được bao bọc bốn bề bằng những đìu hiu hồ nước như thời xưa, trang viện chẳng bao lâu đã bắt đầu phản chiếu những tia lửa đầu tiên của ngày về óng ả. Tại phía nam, người ta lại thấy bóng hình sừng sững cao vút của vọng lâu La Tournelle và bốn ngọn tháp Bertrand-Fosse trên những ngọn đồi đầu tiên của quận Montméliant.

Tôi tự nhủ: vâng ạ, cái đêm này thật êm dịu với hồn mình, và mình chỉ vờn mơ màng nghĩ tới duy nhất em Sylvie. Tuy nhiên, dáng dấp tu viện trầm tịch bên đồi, bỗng dưng trong một phút lại xúi giục tôi lang thang nghĩ rằng đó có thể là tu viện đang khép kín mộng đời xuân sắc của Adrienne. Hỡi ôi, “Hương ngây tội lỗi rải mơ màng. Da thịt du dương của một nàng”. Đã luống đời xanh trên gối lục. Linh hồn tĩnh dạ hận dư vang… Le tintement de la cloche du matin était encore dans mon oreille et m'avait sans doute réveillé.

Chuông con nức nở gọi bình minh
Em ở, anh đi, tỉnh mộng mình
Chân bước, tiếng kêu còn dóng dả
Hà sơn vạn lý lục hay xanh…

Trong một phút, tâm hồn tôi nảy ra cái ý: hay là ta thử lần hồi leo lên mỏm đá chót vót kia, và đưa mắt ngó qua một cái vào bên trong những tường vách, để coi xem có thấy được chút gì. Nhưng gẫm lại đìu hiu tôi chột dạ. Tôi không dám men bò lên đó nữa, vì bàn chân phàm tục sẽ thô bạo vô cùng, và sẽ mạo phạm hồn nữ thánh thiêng liêng. Bóng dương lên cao, dàn rộng, xua đuổi khỏi đầu tôi cái kỷ niệm hư huyền và chỉ riêng giữ lại trong máu tim những nét hồng vàng của Sylvie in pha xuân sắc. “Hãy lần bước về đáng thức em dậy thôi”, tôi tự nhủ mình thế, và quay gót, theo con đường về lại xóm Loisy.

Đây khu làng khang tịch ở cuối con đường mòn len lỏi với hai chân. Một bên rừng, ôi dặm mòn đi tới: hai chục nóc nhà tranh lưa thưa, với những nhành nho thắm và những đóa hoa tường vi vươn duỗi leo bò, viền hoa, thêu lá. Những gái nào sớm sủa đã kéo chỉ, se tơ, mái tóc tém phiêu phiêu với cái vành khăn nhiễu đỏ. Các nàng chăm chỉ tay chân làm việc, tứ chi đong đưa, cái miệng tươi cười thổn thức. Dư hương nào trong cuộc mộng đêm qua? A phải rồi. Em là gái tơ thanh lịch, em thêu thùa phong vận những dải đen-ten rất mực thanh tân, thì các cô bạn đơn sơ này không ngồi chung với em được. Tôi đã lên phòng gác của em, mà chẳng ai lấy làm ngạc nhiên chi cả. Em đã tỉnh giấc dậy từ lâu, và bàn tay đong đưa những con thoi nho nhỏ se kết những dải đen-ten dịu ngọt, với cái tiếng động êm đềm làm thánh thót không gian, khởi từ cái tấm lụa vuông hai đầu gối mềm mại của em nâng đỡ. “A, ông bạn lười đã tới rồi đó ư – em nói thế với một nụ cười tiên nữ - ta tin chắc rằng ông bạn lười vừa mới rúc ra khỏi cái giường ngủ, lồm cồm bước tới đó, phải không?” Tôi bèn kể lại cho em rõ cái đêm qua tôi thao thức nằm ngoài trời không ngủ, những cuộc chạy lang thang lạc lối giữa rừng. Em ái ngại cho tôi một lúc. “Nếu anh không mệt mỏi, thì em lôi anh chạy thêm một cuộc nữa đó nhé. Chúng ta sẽ đi về làng Othys mà viếng bà dì ngoại của em.”

Tôi vừa chớm trả lời chưa hết tiếng thì nàng đã tươi vui đứng lên, lại gần tấm gương soi mà sửa sang mái tóc, đội lên đầu một chiếc mũ rạ mộc mạc. Niềm ngây thơ và nỗi vui óng ả đã rạng ngời trong hai con mắt kia. Chúng tôi lên đường, bước đi dọc theo bờ sông Thève, xuyên qua những đồng cỏ lác đác những đóa thúy cúc, mao lương, rồi đi dọc theo những cụm rừng Saint-Laurent, đôi phen vượt qua mây giòng khe và mấy bụi um tùm để thu ngắn bớt con đường đi. Mấy con sáo trên cây hót vang như huýt sáo. Chim bạc má vui sướng vút bay rời xa mấy chùm lá cây bị chúng tôi chạm vào ngang ngửa bụng.

Đôi lúc chúng tôi bắt gặp dưới bước chân mình những đóa nhạn-lai-hồng từng thân ái xiết bao với ông Rousseau ngày trước. Những đóa nhạn-lai-hồng mở cánh biêng biếc xòe ra giữa nhưng nhành dài duỗi dọc đâm ngang, hoặc song song đôi lứa như cọng cây leo, sắn bìm, chút phận con con, làm vướng víu hai bàn chân phiêu hốt của cô bạn đường cùng tôi sóng bước bình minh. Bàn chân phiêu hốt ra sao, cũng có thể gọi là run rẩy lén chùng trong gót nhịp. Hờ hững với những kỷ niệm phiêu bồng của nhà tư tưởng Genevois thuở xưa kia ngậm ngùi nhìn mặt hồ Thụy Sĩ tới bây giờ đâu đó còn nín tiếng Genève, hờ hững với chiêm bao người triết học, cô bạn đường của tôi cứ lay lắt ngó nghiêng nhìn ngửa, kiếm tìm những hột trái xà-noãn mai, tục gọi là dâu tây, dây dưa những tao ngộ ngùi hương một thuở, còn tôi, tôi lần khân với ân tình thứ nhất, tôi kề cà nói với nàng về tác phẩm La Nouvelle Héloïse của xưa kia, con người ta đã viết, lúc mơ màng nhìn hồ ngọc gợn sóng thiều thiều như vạn lý hà thanh. Tôi đọc cho nàng nghe những đoạn văn đã thuộc lòng từ trong dạ “Văn như vậy, có thật quả là xinh? Nàng hỏi tôi như thế. - Thật tót vời tuyệt diệu, thưa em. - Ấy có hay ho hơn của Auguste Lafontaine chăng? - Ấy thật dịu ngọt hơn mấy phần. - Ồ, nếu vậy thì em sẽ đọc cái đó về sau. Em sẽ bảo người anh của em mang về cho em, lần đầu có dịp anh ấy đi Senlis”. Và thế đó, tôi tiếp tục đọc hoài những đoạn Héloïse trong khi nàng Sylvie hái liên miên những trái dâu tây ở đầu ngón tay nàng thánh thót.


VI.

Othys

Ra khỏi khu rừng, chúng tôi gặp lại được những chum mao-địa-đàng, tục gọi là hoa lồng đèn, màu tía rộng thênh thênh. Nàng vói tay bắt lấy, kết làm bó và bảo: “Cái này để tặng ngoại em. Bà sẽ vui xiết bao được có những chum hoa lộng lẫy thế ở trong phòng”. Chỉ còn một quãng đường qua cánh đồng chút xíu, là chúng tôi sẽ tới nơi xóm nhọn hoắt trên dãy đồi tím lục pha lam, giăng giăng trùng điệp, nối liền hai quận MontméliantDammartin. Giòng sông Thève biêng biếc lại xào xạc trở cơn giữa những đá, những nham, những ngổn ngang sa thạch, giòng sông bỗng nhỏ lại dần dần, lúc chúng tôi ngược dòng về gần bên nguồn cội. Tại đó, giòng khe nằm duỗi thân yên nghỉ giữa những nội cỏ lai láng, làm thành một cái hồ nho nhỏ giữa những bụi glaïeuls và những chùm iris (vong lưu thảo - cỏ huyện – và diên vỹ) đang reo vàng yểu điệu hà thanh. Chẳng bao lâu, đã tới sát những nóc nhà tranh đầu xóm. Bà ngoại dì của Sylvie cư trú trong một ngôi nhà nhỏ làm bằng đá nham lủng củng, hòn to, hòn nhỏ, có những dây leo hốt bố đan mắt cáo vào những nhành bạch anh. Bà ta sống một mình ưa du nhàn rỗi với vài mảnh vuông ruộng đất, nhà những nông dân trong làng cày bừa, tỉa hột giúp cho, kể từ ngày chồng bà mất đi. Đứa cháu gái tới, thì thật như là gieo lửa ngọt vào cửa tưng bừng. “Chúng cháu đây, chúng cháu chào bà dì khỏe mạnh! Chúng cháu đói như thiên lôi. Coi tề. Bà dì mạnh giỏi chứ?” Đứa cháu ôm bà dì mà hôn thật dịu dàng, đặt bó hoa vào hai cánh tay bà dì rồi mới sực nhớ ra, giới thiệu: “Đó là người tình của cháu đó!”

Tôi cũng ôm bà dì mà hôn. Bà bảo: “Nó ngộ lắm… Té ra tóc nó vàng hoe hoe…” – Nó có tóc vàng hoe thật mịn, Sylvie nói. – Tóc vàng hoe thì không ở lại lâu dài, bà dì nói, nhưng mà chúng bay tuổi trẻ thì còn chán thời giờ thừa thãi ra đó. Còn cháu là con gái, tóc nâu thì thật là ăn hợp với khuôn mặt cháu lắm. - Phải kiếm cái chi cho nó điểm tâm, dì ạ,” Sylvie bảo. Và nàng chạy tìm trong tủ, trong thùng, kiếm sữa, bánh, đường, lôi ra, đặt ngổn ngang trên bàn nào dĩa bé, nào tô sành, chén sỏi, bầu son, có vẽ những hình hoa thật bự, và những con gà trông rực rỡ màu lông, cẳng cao, giò thấp. Một cái lu bằng sứ Creil, đầy ăm ắp sữa, lênh đênh mấy trái dâu tây, đó là trung tâm bữa tiệc, và sau khi ra vườn hái trụi một mớ quả anh đào, em mận, út lê, bé phúc bồn tử, nàng đặt hai bình hoa tươi tốt ở đầu kia cuối nọ trên bàn. Nhưng bà dì lại thong dong nói cái lời thật tốt: “Mấy cái đó, chỉ là ăn qua loa tráng miệng. Bây giờ phải để cho dì làm mà coi”. Và bà dì với tay vói lấy cái chảo cán dài, bỏ một thanh củi bự vào lò bếp lửa. “Dì không muốn cháu mó tay vào cái đó! Bà dì nói lúc thấy Sylvie chạy lại giúp bà. Để dì lo cho. Cháu mà mó vào thì còn chi mấy cái ngón tay dệt đen-ten tươi tốt, tốt hơn cả đen-ten Chantilly! Cháu có gửi bà một tấm, bà biết coi lắm chớ phải chơi mô. – A! Thật đó, dì ạ… Ô, nếu mà dì còn giữ những tấm thời xa xưa nào đó coi thử một chút. Cái đó làm mẫu cho con thêu, thì tốt lắm. Ừ, ừ! Con lên trên gác mà tìm, chắc có lẽ còn đâu ở trên đó ở trong cái hòm cũ ấy mà. – Dì đưa chìa khóa cho con. - Hừ! Cái hòm vẫn không có khóa lại đâu. – Dì nói không thật đó, con biết. Có một cái hòm suốt năm dì khóa thật kỹ”. Và trong khi bà dì loay hoay rửa cái chảo, Sylvie lục đục len lén mở cái dải dây lưng buông thõng của bà đìu hiu lay lắt ở phía sau và rút ra một chiếc chìa khóa nhỏ bằng thép trui tinh tế, và cho tôi nhìn qua một cái, vẻ mặt nàng hân hoan khôn tả.

Tôi theo chân nàng leo lên gác. Hỡi ôi, tuổi trẻ thiêng liêng, tuổi già khả kính! Ai có bao giờ nghĩ tới cái việc đi làm hoen ố miền thanh khiết của một cõi ân tình thứ nhứt trong một vùng thánh điện những kỷ niệm thủy chung? Một bức chân dung của một chàng trai thời vàng son xưa lai láng, với hai con mắt đen, và miệng đỏ, trong một khung gương hình thuẫn nạm vàng, treo tại đầu chiếc giường mộc mạc. Chàng vận lễ phục giám thủ sơn lâm cho dòng họ Condé, dáng điệu nửa võ dũng, nửa nông dân, gương mặt hồng hào độ lượng, vừng trán bao dung dưới mái tóc man mác sương phấn nhuốm mơ hồ, đã làm cho bức họa bằng than chì màu (tầm thường kia, có lẽ) trở thành nặng ý nghĩa chiêm bao: những diễm kiều tuổi trẻ những quyến rũ của điền dã đơn sơ. Một nghệ sĩ lai rai nào xưa được mời dự cuộc săn vương giả, đã gắng gỗ họa tấm chân dung bằng kiệt tận miên bạc của mình, và họa luôn người vợ trẻ, bây giờ ta còn nhìn thấy trong chiếc médaillon kia, người vợ xinh tươi, ranh mãnh, yêu kiều, mình mẩy thon thon trong chiếc áo cánh, đang nguếch ngoác gương mặt để chọc ghẹo một con chim đậu trên ngón tay nho nhỏ của mình. Hỡi ôi, cũng vẫn chính là một người, một kẻ, với bà dì già nua mộc mạc hiện đang cúi mình trên lò bếp, đang lom khom nấu nướng, dưới kia… Tôi chợt nhớ tới những tiên nương trong những hội leo đay thời trước vốn chi giấu khuôn mặt mình dưới tấm mặt nạ lổ đổ nhăn nhíu, cho tới lúc chung cục, mới phơi mở ra tràn lan trên bốn biển một nhà, khi điện đài vòi või của Tình Yêu hiện ra với vầng nhật xoay vòng chiếu những tia ngời kỳ ảo. Tôi reo to: “Ôi bà dì của cháu! Dì từng đã đẹp vô ngần ngày xưa!” – Còn em thì sao? Sylvie hỏi, sau khi đã hì hục mở được cái ngăn tủ kỳ bí. Nàng đã tìm ra được một chiếc áo dài bằng nhung mỏng lơ thơ lập lòe lửa lựu, đang xào xạc kêu to trong những nếp lằn bị bàn tay vuốt. “Em muốn vận vào mình xem thử có xui không nào, nàng bảo. Adrienne! Em sắp mang vẻ mặt một bà tiên già nua bước tới.”

“Bà tiên vạn đại hoang đường thiên thu còn trẻ mãi!...” tôi tự nhủ trong lòng. Và Sylvie đã mở xong cúc nút chiếc áo vải bông ngũ sắc của mình, và thả rớt nó xuống bên chân. Chiếc áo nhung thưa của bà dì, nàng vận vào rất sít sao trên tấm hình hài dong dỏng trong veo, nàng bảo tôi hãy cài giùm hột cúc. “Ồ! Những tay áo không nếp phồng. thật buồn cười quá!” nàng bảo. Tuy nhiên thật ra những cánh tay áo thêu thùa đen-ten đã phơi bày lồ lộ tuyệt vời hai cánh tay trần mịn màng của Sylvie, cổ trắng mượt của nàng nằm vừa vặn trong lớp áo mù sương nhuộm úa sơn hà, ắt hẳn phải hơn là vận vào trên hình hài bà dì mà dung nhan đã biến. “Mau mau lên chớ! Coi tề. Cài một cúc áo mà anh cài mãi không xong. Anh còn bé con lắm hả?” Sylvie nói. Trông nàng có vẻ vị-hôn-thê thôn dã của Greuze. “Phải cần có phấn mới được, tôi nói. Chúng ta tìm thử coi”. Nàng lại sục sạo trong các ngăn tủ. Ô! Xiết bao của cải! Sao mà mùi hương cũ thơm lừng! Sao mà cái này chói rạng, cái nọ chói ngời, cái kia chói chiếu, chói chang những sắc, những màu tàn phai trong quá khứ! Hai chiếc quạt xà cừ, có sứt gãy chút ít, hai hộp bột nhồi, một chiếc vòng hổ phách đăm chiêu và hàng ngàn hư trang huyễn sức, và giữa đám ngổn ngang trang điểm nọ, bỗng một mùa thu vạn đại đi về trong hai chiếc hài thêu gấm tuyết băng với những chùm hoa nạm hột kim cương khuynh thành lá ngọc irlandaise. “Ồ! Em muốn mang vào, Sylvie nói, nếu em tìm ra những chiếc vớ gấm thêu băng cẩm nhung hoặc là nhung cẩm cũng được!”

Một lát sau, chúng tôi mở những cuộn vớ ra, vớ nhung, vớ nhớ, vớ vẩn, vớ lục hoàng sa, vớ hà giang thúy lục, vớ hồng đào đỏ mượt, vớ dệt gấm xanh lơ… Bỗng tiếng gọi của bà dì nấu nướng rung chảo ở dưới đưa chúng tôi về thực tại ngu ngơ. “Mau mau leo xuống!” Sylvie bảo. Và mặc dù tôi nói gì thì nói, nàng cũng không cho phép giúp nàng một tay để mang giùm vớ vào cho hai chân nàng nữa. Trong lúc đó, bà dì ở dưới vừa trút vào trong dĩa cái món ăn xèo xèo trong chảo ra, tiếng mỡ chiên ríu rít bên trứng xào líu lo. Tiếng Sylvie lại trỗi dậy: “Anh mau mau vận y phục này vào!” nàng bảo tôi, nàng đã vận xong xuôi từ đầu tới cẳng đến chân, nàng mới chìa cho tôi bộ y phục hôn lễ của ông giám thị sơn lâm. Trong một nháy, tôi biến làm chàng trai cưới vợ thế kỷ trước. Sylvie chờ tôi tại cầu thang, và cả hai chúng tôi song song bước xuống, đề huề tay chị nắm tay em. Bà dì kêu to một tiếng lúc ngoảnh lại nhìn: “Ồ các con ôi!”, rồi bà vùng sa nước mắt khóc như mưa rớt hột hai hàng, rồi mỉm cười trong ánh lệ. Hình ảnh xuân xanh của dì, cơn hiển hiện đau lòng xót dạ, diễm kiều trong tình mộng nhắn nhe! Chúng tôi ngồi xuống bên dì, bàng hoàng cảm động và bùi ngùi trang nghiêm, rồi niềm vui tươi trở lại, bởi vì, phút giây đầu khúc khuỷu đã đi qua, bà dì già nua chỉ còn mơ mòng nghĩ tới những hội hè buổi mới hôn lễ tưng bừng. Rằng trong buổi mới lạ lùng. Hai lòng một cuộc phiêu bồng dậy cơn. Xanh buông đầu liễu rập rờn. Lời ca, điệu hát, dì còn nghe vang. Đong đưa chúc phúc hàng hàng. Lời trong tiếng cũ lên đàng gọi nhau. Người nghe kẻ nói nghiêng đầu. Chúng tôi thành mộng căn lầu bình minh. Một thời mùa hạ sơ sinh. Em dàn tơ tóc bên mình chiêm bao. Mùa vang xa biệt hội nào. Tôi bây giờ dậy biển trào khơi lên. Mùa vang sóng vỗ bên đời. Còn trang phương cảo thu rời chân đi.

Nguồn: Tân An xuất bản tại Sài Gòn trÆ°á»›c 1975, An Tiêm xuất bản tại hải ngoại 1990. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện. Bản tiếng Pháp có thể đọc tại: http://www.site-magister.com/sylvie.htm