trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Nghệ thuật
Mĩ thuật
  1 - 20 / 243 bài
  1 - 20 / 243 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtMĩ thuật
5.8.2006
Richard Vine
Lạc trong phiên dịch - Triển lãm Bi Lâm: Đường thi hậu trước của Cốc Văn-Đạt
Hà Vũ Trọng dịch
 
Cốc Văn-Đạt (1955-) là ngệ sĩ độc đáo và lừng danh nhất thuộc thế hệ những ngệ sĩ tiên phong hiện xuất ở Trung Quốc cuối thập niên 1980 và tiếp tục cho đến nay, như là kết quả của chính sách “Mở cửa” sau tệ đoan ái quốc của cuộc Cách mạng Văn hoá. Với tư cách người phiên dịch văn hoá Trung Quốc, anh khai phá tính hương xa và những khái niệm về tính sắc tộc không ngừng thay đổi, và đã tài tình tránh khỏi tính nhị phân Đông-Tây giản đơn. Truyền thống và cải cách luôn sống động và thích ứng trong tác phẩm của Cốc Văn-Đạt cùng với lí tưởng xuyên quốc gia. Ví dụ hoàn hảo như tác phẩm Luyện đan mực (Ink Alchemy) với mực chế từ tóc người, có hai mặt: một mặt rất truyền thống, mặt kia là phi truyền thống. Ở đây, những thành tố sinh học sử dụng làm chất liệu ngệ thuật, cũng như trong dự án quốc tế “Liên Hợp Quốc” (United Nations) của anh, gồm một chuỗi những thiết dựng làm bằng tóc người (thu thập từ các tiệm hớt tóc trên khắp thế giới), là biểu tượng mạnh mẽ cho khả năng thống hợp nhân loại qua sự chia sẻ về sinh học dù rằng phải thừa nhận những khó khăn trong việc giao thoa văn hoá và trong ngôn ngữ.

Hơn chỉ là một người phiên dịch văn hoá Trung Quốc từ gốc gác của mình, xa hơn nữa, Cốc Văn-Đạt gắn nó với tinh thần quốc tế trong những dự án hướng tới hoà nhập những nền văn hoá đa dạng vào với nhau. Điều này minh chứng trong chuỗi triển lãm “Liên Hợp Quốc” nổi tiếng nhất của anh, gần đây với Art from Middle Kingdom to Biological Millennium (Ngệ thuật từ vương quốc trung cổ đến thời đại hoàng kim sinh học) năm 2003 ở Hoa Kì, là nỗ lực bắc nhịp cầu ngệ thuật giữa quá khứ, hiện tại, tương lai qua giao thoa văn hoá cổ Trung Quốc với thiên niên kỉ của sinh học hiện tại. “Tác phẩm của Cốc Văn-Đạt kịp thời trong nỗ lực khát khao nhắm tới bằng ngôn ngữ ngệ thuật với những vấn đề chủ ngĩa toàn cầu đang chi phối kinh tế, xã hội và văn hoá đương đại. Tầm thị kiến hết sức lớn rộng mà ta nhận thức ngệ phẩm của anh như đang hiện hữu qua thời gian, không gian và không bị câu thúc bởi quy ước, ngôn ngữ hoặc những biên giới quốc gia — thật là điều phi thường.” (trích Mark H.C. Bessire). Ngôn ngữ và phiên dịch luôn là sự chuyển hoá và sáng tạo mới trong tác phẩm của Cốc Văn-Đạt, như với thiết dựng Bi lâm: Đường thi hậu trước, anh cho rằng nó “ánh chiếu cái thế giới đang đổi thay của sự xuất và nhập cảng văn hoá, sự đồng hoá văn hoá và sự tha hoá…” qua việc nhấn mạnh ý ngĩa nguyên bản bị đánh mất trong phiên dịch ra sao, và làm nổi bật những khác biệt lớn gây ra nhiều vấn nạn và vấn đề trong tiến trình toàn cầu hoá này.

Cốc Văn-Đạt phát biểu: “Người ta thường muốn thấy bạn như là một người phiên dịch cho văn hoá của bạn và tính hương xa của nó. Đối với tôi, điều này chỉ phục vụ như là giai đoạn đầu trong cuộc đối thoại văn hoá. Tất nhiên, một mặt tôi làm việc phiên dịch văn hoá Trung Quốc với phương Tây, nhưng mục đích cũng là để hoà nhập vào tầng sâu hơn sao cho cái mới từ đó nảy sinh, hơn chỉ việc phiên dịch văn hoá mình hoặc hấp thụ từ phương Tây. Vậy có thể gọi đây là nhóm thứ ba.” Đó cũng chính là điều mà nhà lí thuyết hậu thuộc địa Homi K. Bhabha gọi là "Không gian thứ ba", hay những đề xuất giải cấu của Trịnh Thị Minh-Hà diễn tả không gian này bằng những từ như "hybrid" (laighép), "in-between" (trung gian), "interval" (gian cách), "interstice" (khoảng giữa), "void" (khoảng trống),… Trịnh Thị Minh-Hà thường nêu trường hợp Cốc-Văn-Đạt như điển hình, bà ủng hộ dạng "văn hoá lai ghép" với lập luận rằng nó dẫn đến sự chấp nhận lớn hơn đối với cái khác và tính khác lạ, và triệt tiêu những khái niệm xem "cái khác" (Other) như thiếu tinh tế về thẩm mĩ.

Và nay thì những hình thái ngệ thuật "lai ghép" này đang hiện xuất hơn bao giờ hết và tiến tới trong sự truyền thông nối kết những xã hội trên thế giới. Ở đây, không phải Đông gặp Tây, hoặc Đông thể hiện nó với Tây, mà là ở giữa Đông và Tây, đang xác định những ngệ thuật mới cho toàn cầu trong thế kỉ 21.

Người dịch


*



Đa số người phương Tây đã từng thăm viếng Trung Quốc hay chưa đều có một số khái niệm ngoạn mục về Viện Bảo tàng Tần Thuỷ Hoàng đế Binh mã dũng ở Tây An ở thủ phủ tỉnh Thiểm Tây. Gần 7.000 pho tượng người và thú bằng đất nung với kích cỡ thật được trưng bày hệ thống theo cấp bậc nghi thức, đã thu hút ngay người xem, kích thích và gợi trí tưởng tượng về sinh hoạt dưới thời Tần Thuỷ Hoàng (259-210 trước CN). Chính vị Hoàng đế đầu tiên này của Trung Quốc đã cho xây bức Vạn lí Trường thành do sức 700.000 nhân công kiến tạo suốt 30 năm. Thế nhưng, cũng có tầm quan trọng ngang về mặt lịch sử nhưng ít được người ngoại quốc biết đến là Bảo tàng Bi Lâm, cũng nằm ở Tây An, là kho lưu trữ khoảng 3.000 thạch bia có niên đại suốt từ thời Hán đến Thanh.


Những cột mốc này trụ vững trên những bệ đá, nguyên được phục vụ cho nhiều mục đích. Một số bia chịu uỷ nhiệm ghi thành quả của các hoàng đế. Trong đó, lừng danh nhất có lẽ là “vô tự bia” của Vũ Tắc-Thiên (625-705), từ một cung nữ bà đã trỗi dậy thành nữ hoàng đế duy nhất trong lịch sử Trung Quốc, bà tự xem công đức của mình kì vĩ đến độ từ chối ngôn ngữ khắc trên bia mộ của mình vì chúng không đủ sức diễn tả. Một số bia công bố những đạo luật, những bia khác thì khắc kinh văn hoặc các văn bản quan trọng như Kinh dịch, Luận ngữ của Khổng Tử, Hiếu kinh của hoàng đế Huyền-Tông. Được dựng lên ở những nơi công cộng trọng iếu, những trụ bia kí này chuyên chở thông điệp của họ, vừa trực tiếp như những tượng đài cố định, và gián tiếp bằng những bản rập trên giấy để có thể mang đi và làm nhiều sao bản. Đá vừa có giá trị chứa nội dung văn bản vừa bảo tồn được những hình thức đặc sắc của thư pháp. Một số bia gọi là mộ chí mang những lời ai điếu chôn cùng những người danh tiếng.

Cốc Văn-Đạt, Bi Lâm: Đường thi hậu trước. Tổng cộng phiến đá: 50. Kích thước mỗi phiến: 110 cm (ngang) x 190 cm (cao) x 20 cm (dày); mỗi phiến nặng: 1.3 tấn. Thời gian sáng tác: 1993 - 2005, thành phố Tây An, Trung Quốc.

Năm 1933, Cốc Văn-Đạt (Gu Wenda 谷文达) một ngệ sĩ Trung Quốc lừng danh nhất, hiện sống và làm việc tại New York, đã khởi đầu cấu tứ cho một tác phẩm thiết dựng, sau đó đặt nhan đề là Bi Lâm: Đường thi hậu trước 碑林-唐诗后著 (Forest of Stone Steles: Translation and Rewriting of Tang Poetry / Rừng Bia: Phiên dịch và viết lại thơ Đường). Một phần tưởng niệm và một phần cải biên mang tính khái niệm, dự án này chỉ thực hiện xong vào tháng 11/2005, khi nó được trưng bày lần đầu tiên [hầu như] toàn bộ tại OCT Trung tâm Ngệ thuật đương đại ở Thẩm Quyến. Không gian của dự án giống như xưởng phi cơ, phối hợp với Bảo tàng Mĩ thuật Hà Hương-Ngưng, lần đầu tiên dành trọn một năm cho cuộc triển lãm cá nhân, và cuộc trưng bày này đã lôi kéo nhiều học giả và những nhà phê bình mở một hội thảo kéo dài ba ngày ở một địa điểm phía đông nam thành phố.

Thẩm Quyến bỗng chốc trở nên một thủ phủ hiện đại thực sự, sau khi bộ trung ương Trung Quốc quyết định vào năm 1980 nó là một đặc khu kinh tế với chính sách tương đối về tự do mậu dịch cần bù đắp, về mặt tâm lí và mậu dịch, so với thành công hào nhoáng của láng giềng Hương Cảng. Ngày nay Thẩm Quyến là một hỗn độn những nhà cao tầng và đường cao tốc, mà tính vô trật tự của thành phố này đã được ngệ sĩ Dương Dũng (Yang Yong) nắm bắt trong những bức ảnh màu chụp những thanh niên phờ phạc ló ra từ những nội thất mới tinh, cảnh đường phố như đã được tiệt trùng và mang vẻ bệ rạc. Việc bàn luận thơ ca cổ điển ở một thành phố như thế, trong một viện bảo tàng mới tám tuổi đứng cạnh khu Window of the World gồm một tập hợp giả những công trình thế giới thu nhỏ kiểu Las Vegas/Disney (như Làng Đức, Eiffel,vv...) dường như lại thích hợp một cách kì lạ đối với những vấn đề châm biếm văn hoá bị ngộ nhận lẫn nhau được Cốc Văn-Đạt nêu lên trong cuộc triển lãm.

Cuộc tranh cãi thoạt đầu không rõ nét, vì ấn tượng ban đầu của Bi Lâm là một dạng tồn tại điêu khắc cao độ mang tính trang ngiêm của lăng tẩm. Tác phẩm của Cốc Văn-Đạt gồm 50 phiến đá khắc (49 phiến đã được bày ở Thẩm Quyến), mỗi phiến đo được 110cm × 190cm × 20cm, cân nặng 1.3 tấn, đặt nằm phẳng trên những xà gỗ thấp, như thể bị đổ nhào hay “chết”, chúng tạo thành một bàn cờ 6 x 8 với hai phiến chận êke, bức tường bao quanh treo dọc những bản rập đen trắng từ những văn bản Trung và Anh của từng phiến đá. Để lập vạch xuất phát cho những thao tác khái niệm của mình, Cốc Văn-Đạt cần những phiến đá cắt thủ công từ cùng nguồn khai thác đã cung cấp cho nhiều tấm bia gốc ở Tây An. Loại đá truyền thống Mặc Ngọc Vương có độ cứng đặc biệt, mỗi phiến được khắc bằng công cụ cổ truyền do những ngệ nhân đã từng phục chế cho Bảo tàng Bi Lâm.

Các phiến đá bố trí theo chiều nằm ngang chỉ là dấu hiệu đầu tiên và gây ấn tượng nhất mà thôi, vì dự án đặt mọi chú tâm vào những nguồn đáng tin cậy, thiết iếu là nhằm vào sự biến cải. Gờ các phiến đá khắc hoa văn vảy rồng theo thiết kế của Cốc Văn-Đạt. Văn tự là một hỗn hợp các thể thư pháp. Quan trọng nhất, các minh văn của Cốc Văn-Đạt biểu hiện một lối chơi chữ song ngữ tinh xảo hoàn toàn trái với tính trong sáng về ngôn từ đầy ý ngĩa bảo tồn trong những bia kí gốc. Tất nhiên, cái thủ pháp ngệ thuật này có chủ ý và đáng để tranh luận.

Bi Lâm cụ thể được sáng tạo suốt 5 năm qua, mang lại thành quả về những chủ đề văn hoá và ngữ học vốn là ưu tư của người ngệ sĩ này ngay từ khởi đầu sự ngiệp. Sinh ở Thượng Hải năm 1955, tại đó Cốc Văn-Đạt học Trường Ngệ thuật và Mĩ ngệ, sau khi lấy cử nhân mĩ thuật, anh tập trung vào hội hoạ và triết học ở Học viện Mĩ thuật Triết Giang ở Hàng Châu. Anh bắt đầu những thử ngiệm cấp tiến với những kĩ thuật thuỷ mặc truyền thống và sớm trở thành thủ lĩnh tiên phong của Trào lưu Tân Ngệ thuật ’85 trong cuộc phát triển quan trọng mở đầu thời hậu Mao. Nhận học bổng du học tại Học Viện Ngệ thuật San Francisco, anh định cư ở Hoa Kì năm 1987 hai năm trước cuộc trấn áp Thiên An Môn khiến cho thế hệ đầu tiên các ngệ sĩ Trung Quốc đương đại phải lưu vong dài hạn, gồm Từ Băng (Xu Bing), Thái Quốc-Cường (Cai Guo-Gang), Trần Châm (Chen Zhen), Hoàng Vĩnh-Bình (Huang Yongping) và Trương Hằng (Zhang Huan).

Cốc Văn-Đạt với những kí tự chữ Nho do anh sáng chế. 1983-1987
Giống như ngệ sĩ Từ Băng, người phát minh ra hàng ngàn chữ Nho giả tràn ngập không gian trong tác phẩm thiết dựng Thiên thư (1988) và đã dạy loại thư pháp giả cho vô kể những quan khách không ngờ vực trong một loạt những thiết dựng kiểu lớp học khởi đầu vào năm 1993, Cốc Văn-Đạt từ lâu cũng đã quan tâm đến sự phát minh ra những ngôn ngữ giả, sử dụng những kí hiệu và những biểu thị mơ hồ có chủ ý. Người ta thắc mắc, có thể nào đây là một sự trùng hợp, khi cả hai ngệ sĩ trưởng thành ở Trung Quốc trong cuộc Cách mạng Văn hoá 1966-76, khi loại Đại Tự báo (mà một số do chính những ngệ sĩ này thiết kế) đã thay thế cho mĩ thuật và văn học, lại chính là sự truyền thông chính xác thực tế và hấp dẫn về mặt phong cách? Trong khi nền hiện thực xã hội chủ ngĩa bị áp đặt trong các học viện và những ấn phẩm Đảng phê chuẩn đòi phải rõ ràng, phải đạo chính trị – dù thường là giả dối.

Tác phẩm của Cốc Văn-Đạt đan cài những thành tố đặc biệt về văn hoá, mặc dù hàm ý cuối cùng có tính đại đồng và nhân văn, nhưng lại thường thâu nhận những phản đối từ những khán giả vốn được tạo thành từ những bối cảnh xã hội và lịch sử xung đột. Năm 1986 ở Tây An, chẳng hạn, cuộc triển lãm cá nhân đầu tiên của ngệ sĩ này tại Ngệ viện Hội Ngệ sĩ tỉnh Thiểm Tây đã bị đóng cửa vì những bức tranh khổ lớn của anh đầy những kí tự giả rối rắm đã làm chính quyền khó chịu, họ cho việc dùng sai ngôn ngữ của Cốc Văn-Đạt có tính nổi loạn và không thể chấp nhận. Đầu thập niên 1990, tác phẩm của anh sử dụng máu kinh nguyệt và bột nhau (placenta powder) khiến một số những nhà nữ quyền phương Tây bực tức. Cũng thời điểm ấy, anh tiếp tục với với dự án “Liên Hiệp Quốc” – gồm những thiết dựng quy mô trên khắp thế giới, sử dụng tơ mịn và những tấm màn kết bằng tóc người thuộc mọi chủng tộc – đã bị những phản đối từ khán giả ở Ba Lan và Israel vì họ liên hệ tới những mái tóc bị xén của tù nhân Do Thái trong trại tập trung của Quốc Xã. Năm 1996, ngệ sĩ Nga Alexander Brener, một thành viên triển lãm trong cuộc trưng bày “Interpol” đa quốc gia tại Trung tâm Ngệ thuật và Kiến trúc Đương đại Färgfabriken ở Stockhholm, đã phá hoại thiết trí đường hầm của Cốc Văn-Đạt làm bằng tóc Thuỵ Điển và tóc Nga, vì Brener khinh miệt cái thông điệp hoà giải chính trị của tác phẩm. Ngay cả khi chế tạo mực từ tóc người, như Cốc Văn-Đạt đã thực hiện trong Luyện đan mực (Ink Alchemy, 2001), và những chồng giấy thủ công khổng lồ được chế tác từ trà xanh như trong Luyện đan trà (Tea AlchemyTea) đã bị một số người thông giải như là rẻ rúng văn hoá và là sự đổi chác khuôn sáo thẩm mĩ.

Liên Hợp Quốc: Bập bẹ của thiên niên kỉ, Bảo tàng Ngệ thuật Hiện đại San Francisco, 1999 . Tác phẩm thiết dựng chuyên vị (site-specific). Một ngọn tháp hoàn toàn làm bằng tóc người, nguỵ tiếng Hoa, Anh, Hindi, Arabic và lai ghép Anh-Hoa. Cao 22m x 10m đường kính.
Cốc Văn-Đạt, Liên Hợp Quốc: Con người và không gian, Bảo tàng Ngệ thuật Utsnomiya, Nhật bản, 2000. Tác phẩm thiết dựng bức tường gồm toàn bộ lá cờ thế giới (và những ngôn ngữ lai ghép) làm bằng tóc người thu tập từ khắp thế giới. 7.6m x 8m
Cốc Văn-Đạt, Luyện đan mực (Ink Alchemy), một thiết dựng gồm 3 hộp mực lỏng, 3 hộp mực thỏi làm bằng tóc người Trung Quốc ngiền ở dạng bột. Thời gian sáng tác: 1999-2001, Thượng Hải, Trung Quốc
Cốc Văn-Đạt, Luyện đan trà (Tea Alchemy), 200. Thiết dựng chuyên vị cho Hội châu Á và Bảo tàng, New York. 30.000 tấm giấy trà làm từ 2000 kí trà xanh. Máy rắc bột trà và 50 kí bột trà xanh. Sách hoạ truyền thống Trung Quốc làm bằng trà xanh.
Do đó, không mấy ngạc nhiên là sự ngộ dịch (mistranslation) đã trở thành một trong những luận đề chính của người ngệ sĩ này. Trước hết, với khối lượng tầm vóc của số đá, Bi Lâm là một thực thi chuyển hoá ngôn từ, trong đó những biến thể (deformation) là chuẩn mẫu – thật sự cũng là mục tiêu. Chạy dọc xuống bên phải mỗi tấm bia, Cốc Văn-Đạt khắc chữ (hàng dọc theo lối cổ) theo kiểu chữ thư pháp đương đại – một bài thơ rút từ Đường thi tam bách thủ – một kết tập 300 bài thơ vào thế kỉ 18 rút trong số khoảng 50,000 bài thơ còn tồn tại của thời Đường (618-907). Những bài thơ này chứa đựng giá trị và vẻ đẹp không thể tả trong nguyên bản chữ Nho, từ lâu đời được giới văn nhân coi trọng và học trò các thế hệ ghi nhớ. Cạnh văn bản gốc chữ Nho là bản dịch Anh ngữ mẫu mực của nhà thơ Hoa Kì Witter Bynner từ tập The Jade Mountain (Ngọc sơn) ra năm 1929.

Về mặt thị giác, những iếu tố bên lề mà Cốc Văn-Đạt xem như là “những cước chú” chiếm ưu thế, là một bàn kẻ ô vuông ở trung tâm với Trung văn khổ chữ lớn hơn nhiều [kiểu chữ thư pháp do Cốc Văn-Đạt chế], chúng đồng âm với những âm tiết trong văn bản [tiếng Anh] của Bynner. Không có toan tính nào tạo ra nhằm khớp về ý ngĩa mà chỉ thiên về âm thôi của những đơn vị tiếng Anh. Từ “tree” hay tiếp đầu ngữ “un-“ có thể có 4 hoặc năm tương quan giống nhau về ngữ âm, mà Cốc Văn Đạt sẽ chọn một từ. Được đặt cạnh nhau, những kí tự được chọn truyền đạt riêng lẻ chứ không có ngĩa hợp về cú pháp – ngoại trừ những xắp xếp cạnh nhau tình cờ gợi lên ý ngĩa không cố ý. Để làm phức tạp vấn đề hơn, Cốc Văn-Đạt cũng sửa lại chính những kí tự, loại bỏ những bộ thủ bên trái và bên phải, do vậy chỉ những bộ phận ở trên và dưới còn lại, và kết hợp những đặc điểm từ nhiều kiểu dị biệt của thư pháp, vừa truyền thống vừa hiện đại.


Một bản rập trên giấy (Bi Lâm, phiến đá #16; 180 x 97 cm)

Cuối cùng, ở lề bên trái mỗi tấm bia, những chữ biểu ý đã biến cải này được phiên dịch lại – có khi cơ bản dựa theo âm, khi dựa theo ngĩa – thành một văn bản xuôi Anh ngữ mới mẻ. Không ngạc nhiên, kết quả là một tràng lắp bắp ra vẻ điệu ngệ gần với dạng của những cây viết tự động, những nhà thơ cụ thể và trẻ con lanh trí. Xem ví dụ số phận bài “Đăng U-Châu đài ca” của Trần Tử-Ngang mà Bynner đã dịch như sau:

Where, before me, are the ages that have gone?
And where, behind me, are the coming generations?
I think heaven and earth, without limit, without end,
And I am all alone and my tears fall down.

Chỉ qua ba bước, bài thơ biến dạng thành:

‘Nursing a crocodile and a bulbul, hatch an emu and a rhe sus monkey, oh, such bitter sorrow! Anxious and hoarse, he smashes the error and comforts his anus...”
[Nuôi con sấu và con oanh, ấp con đà điểu và con khỉ lông đỏ, ôi, đau khổ đắng cay nhường nào! Lo âu và khan giọng, hắn đập nát cái sai nhầm và vỗ về hậu môn…]

Và cứ thế thêm 6 câu bất hạnh khác [1] .

Đọc một cách thiện cảm, người ta có thể cho rằng cái tồi não nề từ sản phẩm văn chương cuối cùng của Cốc Văn-Đạt, giống như làm bí hiểm tuỳ tiện trong bảng xếp âm tiếng Hoa, thể hiện cho lập luận của anh ở tính linh hoạt lớn. Không ngôn ngữ hay văn hoá nào có thể phiên dịch hoàn hảo sang một ngôn ngữ hay văn hoá khác, mà trong tập thư mục triển lãm, Cốc Văn-Đạt đoan chắc: “tri thức nhân loại là tổng số của một dòng chảy liên tục những ngộ nhận từ thế giới vật chất, và tri thức con người nói chung không gì ngoài sự thông giải mang tính ngệ thuật.” Anh cho rằng kết quả bất cứ toan tính nào nhằm phiên dịch dù bằng ngôn từ hay những thực hành xã hội thì luôn luôn là sự lai ghép (hybrid) – “một văn hoá mới và độc nhất.” (Điển hình là loại bánh Hạnh vận/ Fortune Cookie sáng chế ở Mĩ và gần đây du nhập vào Trung Quốc, lại trở thành biểu tượng của Trung Quốc khắp thế giới.) Theo bài viết của David Cateforis trong tập thư mục triển lãm, thì lập luận này lập lại một nguyên lí ngữ học uy tín, là giả thuyết Sapir-Whorf, cho rằng “những ngôn ngữ riêng biệt biểu thị những thực tại xã hội và thế giới quan riêng biệt, do vậy văn hoá bất khả phiên dịch bằng sự minh định.” Hoặc ta nhớ đến câu của Wittgenstein: “Nếu con sư tử có thể nói, chúng ta chẳng thể nào hiểu được nó”– do mọi ý ngĩa đều bắt nguồn từ những cuộc “du hí ngôn ngữ” (Sprachspiel) đặc thù, vốn phát sinh từ sự trang bị “những hình thái sống” đặc biệt cao độ.

Tất cả nge ra rất hấp dẫn, theo lí thuyết. Những khái quát hoá như thế, tuy vậy, có khuynh hướng bị qua mặt trên thực tế. Nhiều học giả Trung Quốc ở Thẩm Quyến, tán chuyện trôi chảy bằng tiếng Anh suốt bữa ăn trưa về Venice Biennale mới nhất, gần như chắc chắn họ có một mối nắm bắt văn hoá phương Tây cũng như bất kì nhà phê bình nói tiếng Anh gốc New York. Phải thừa nhận là cuộc hội thảo về Bi Lâm bị hỏng không chỉ vì sự ngộ dịch mà còn do hoàn toàn thiếu sự phiên dịch từ Hoa sang Anh, nên đã bỏ quên những tham dự viên phương Tây vốn rất hâm mộ dạng ngệ thuật lưỡng văn hoá (bicultural) này. Những thính giả bị vô cảm ấy có nhiều thời gian để suy ngĩ: liệu một nhà giải phẫu mổ tim bạn để điểu chỉnh van hư có được hướng dẫn bằng “một thông giải ngệ thuật” trong giải phẫu con người, hoặc bởi cái gì đó hơn là sự chính xác khoa học? Những gã hành vi kiểu động vật kia có thực sự đã học được cách thông giải “ngôn từ” sư tử, cả tiếng nói lẫn những dạng ngôn ngữ cơ thể của nó, với một độ chính xác cao hay không? Và, ừ, vì sự phiên dịch phân tích đến cùng là không hoàn hảo. Điều gì không hoàn hảo?

Trong tập thư mục, Cốc Văn-Đạt bỏ qua tư duy đó – và công việc hàng ngày để hiểu thêm một thế giới quan nữa – như thể thuần là sự phiên dịch “thực tiễn”, đối lập với mục đích lí tưởng trong sự nắm bắt mọi sắc thái tinh tế và tinh vi của ngôn ngữ “có văn hoá”. Anh đặc biệt bất bình khi tính “âm cảm giác” (sensory sound) của thơ Đường – với tiết vận, âm điệu và cú pháp phong phú – đã bị giảm trừ đến mức chỉ còn “ngĩa đen” trong ngôn ngữ khác. Sự khởi tố của anh khiến không thừa nhận sự kiện rằng sự tinh tế thi vị phần lớn là vấn đề kĩ năng và bén nhậy của dịch giả (hoặc, ở điểm đón nhận cuối – sự thông thạo ở cả hai ngôn ngữ của độc giả), ai biết cũng đều có thể so sánh, chẳng hạn như bản dịch Proust của C.K. Scott Moncrief cho những người kế thừa bị điếc âm (tone-deaf). Bynner đã làm việc từ những chuyển tự (transliteration) của người cộng tác là Giang Khang-Hồ (Kiang Kang-Hu), và cách tiếp xử thơ Đường của ông thường được mô tả là dịch “thoát” (free). Nhưng, như là thi ca tiếng Anh, thì công trình của ông là mẫu mực.

Dù sao đi nữa, hơi khó thấy dự án của Cốc Văn-Đạt minh chứng bất cứ gì về sự phiên dịch ngôn từ như thế nào, cho rằng – không như một dịch giả trung thực – anh du nhập những biến dạng chủ ý thành một tiến trình ngữ học. Tất cả là chơi văn giỡn chữ, tất cả là đánh tráo ngữ âm, rõ ràng vi phạm những quy định tiêu chuẩn trong dịch thuật. Cuộc du hí ngôn ngữ của Cốc Văn-Đạt đơn giản cho thấy những bản dịch tồi cho hiệu quả văn chương tồi.

Tuy vậy, có một một cảm quan ở đó Bi Lâm thành công như là sự phê bình văn hoá. Rốt ráo, trong thực hành xã hội, nhiều sự méo mó có tính xuyên quốc gia là cố tình, còn một số là do sai lầm. Ví dụ, có sự ngộ dịch văn hoá nào lớn hơn việc Mao áp đặt chủ ngĩa Marx thời đại kĩ ngệ của phương Tây lên trên một quốc gia châu Á của nông dân, chủ tiệm và thương gia trước đấy thấm nhuần bao thế kỉ trong Nho giáo và Phật giáo? Ngày nay thì lợi thế hơn, khi sự quảng cáo Big Mag của McDonald ở Trung Quốc, nhưng cũng không thể nào thích ngi đối với lối kiêng khem truyền thống Trung Quốc hay tập quán dùng chung bữa ăn. Sự dị biệt là trọng tâm, thu hút, và giải phóng.

Nếu Bi Lâm có minh chứng điều gì thì đó là một số những phiên dịch – hay những lai ghép văn hoá (cultural hybrids) – trội hơn những cái khác. Điều này không hoài ngi sẽ trở nên sáng tỏ dần với quan chúng phương Tây khi Cốc Văn-Đạt hoàn thành khối 50 bia đá, lần này khoá lại bằng những trích đoạn từ Shakespeare. Lại ở đây, trò du hí ngôn ngữ sẽ mang tính thị giác và kinh ngiệm, phụ thuộc tới việc gợi tính vật chất về một đài Stonehenge sụp đổ. Hi vọng, một khi dự án mới này qua sự thưởng ngoạn, việc đặt nặng phê bình rồi sẽ dịch chuyển nơi mà nó thực sự thuộc về – không phải ở lí thuyết rối ren của tác phẩm mà ở khuôn khổ thiết dựng đầy ám ảnh và cường lực điêu khắc không thể phủ nhận.

(Bi Lâm: Đường thi hậu trước / Translating Visuality – Gu Wenda: Forest of Stones Steles, Translating and Rewriting of Tang Poetry) triển lãm tại Hà Hương-Ngưng Mĩ thuật Quán OCT Đương đại Ngệ thuật Trung tâm, Thẩm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc [1-28.11,2005], và sẽ triển lãm tại Herbert F. Johnson Museum of Art Cornell Ithaca, N.Y. [từ 20.1 đến 18.3, 2007]. Triển lãm kèm theo một tập thư mục 352 trang tiếng Trung và Anh, với những tiểu luận của Cốc Văn-Đạt cùng sáu giám tuyển và học giả quốc tế.)


Tham khảo thêm:

Wenda Gu: Art from Midddle Kingdom to Biological Millennium, Mark H. C. Bessire chủ biên, MIT Press 2003
Reinventing Tradition In A New World: The Arts of Gu Wenda, Wang Mansheng, Xu Bing, And Zhang Hongtu, Ying Wang, Yan Sun & Wang Ying chủ biên
Sotheby’s Contemporary Art Asia, New York 31.3.2006
Website chính thức của Cốc Văn-Đạt: http://www.wendagu.com/home.html

Bản tiếng Việt: 2006 talawas



[1]Dẫn chứng bổ sung dưới đây cho thấy cụ thể hơn ‘ba bước’ phiên dịch và chuyển hoá lí thú này trong Bi Lâm. Ba bài thơ Đường quen thuộc: bài “Dạ tư” của Lí Bạch, “Tương tư” của Vương Duy và “Dạ vũ kí Bắc” của Lí Thương-Ẩn:


1. “Dạ tư” – Lí Bạch

“夜思” - 李白

床前明月光,
疑是地上霜。
举头望明月,
低头思故乡。

(Sàng tiền khán nguyệt quang,
Ngi thị địa thượng sương.
Cử đầu vọng minh nguyệt
Đê đầu tư cố hương)

Bản dịch Anh ngữ của Witter Bynner trong Jade Mountain:

"In the quiet night" – Li Bai

So bright a gleam on the foot of my bed-
Could there have been a frost already?
Lifting myself to look, I found that it was moonlight.
Sinking back again, I thought suddenly of home.


Anh ngữ đồng âm Hán tự dịch trở lại Trung văn:

搜捕癞秃,饿割狸羚,昂泽府的阿妇卖败德。
哭的贼儿,还服病蛾,妇裸肆打惹弟。
乐夫亭霾塞埠,路客哀坊德,咂大洼是梦泪涕。
性可淫,拜客恶感,爱烧杀,蹬骊傲妇红。

Cuối cùng, Cốc Văn-Đạt dịch lại thành Anh văn:

”Tracking down its catch, leprosy, cuts the fox and gazelle hungrily, as a woman sells bad morals in Ang Pond Mansion, her crying baby cunningly eats an illed moth, the woman wantonly beat the child, who asked for it. Vails of haze over the Happy Man Pagoda, a walker sucks the muddy water tears in her dreams, he who comes along this road is sad in FangDe, burning with the desire to slaughter, the loose, haughty red lady rides on her horse to visit a friend.”


2. ‘Tương tư’ của Vương Duy:

相思 - 王维

红豆生南国,
春来发几枝。
愿君多采撷,
此物最相思。

(Hồng đậu sinh nam quốc
Xuân lai phát kỷ chi
Nguyện quân đa thái hiệt
Thử vật tối tương tư)

Witter Bynner dịch trong Jade Mountain:

"One-hearted" - Wang Wei

When those red berries come in springtime,
Flushing on your southland branches,
Take home an armful, for my sake,

As a symbol of our love.

Anh ngữ đồng âm Hán tự dịch trở lại thành Trung văn:

晚作诗来得拜睿寺,客目迎斯颇令叹。
妇乐形昂犹,受似揽得菩兰妾色。
太阔泓岸啊!暮赋而福迈赛珂。
爱思啊,心波翱浮,讴舞而乐福。

Cốc Văn-Đạt dịch lại thành Anh văn: 

Come to Bairui Temple for poetry reading at dusk,
welcomed and appreciated guest,
gleeful lady, high spirited feeling,
like having orchid and sensual concubine.
Vast heaven Oh! Deep shore,
poetising at dusk is a higher blessing than jade,
Oh! Love, floating and soaring waves of the heart,
sing and dance my happiness.


3. Lí Thương-Ẩn

夜雨寄北 - 李商隐

  君问归期未有期,
  巴山夜雨涨秋池。
  何当共剪西窗烛,
  却话巴山夜雨时。

(Quân vấn quy kì vị hữu kì,
Ba sơn dạ vũ trướng thu trì.
Hà đang cộng tiễn tây song chúc,
Khước thoại Ba sơn dạ vũ thì)

Witter Bynner:

"A Note on a Rainy Night to a Friend in the North" - Li Shangyin

You ask me when I am coming. I do not know.
I dream of your mountains and autumn pools brimming all night with the rain.
Oh, when shall we be trimming wicks again, together in your western window?
When shall I be hearing your voice agacelin, all night in the rain?
 
Anh ngữ đồng âm Hán tự dịch trở lại thành Trung văn:

   诱鳌时刻迷魂,隘门空明。
   霭渡闹踢驽,癌菌磨蝮药。
虻腾煽毒灯,剖狮捕狸命。
鳌吶吐胃,逝者然。
哦!
混血儿妣娶螟,尾蝌麝肝,酡虼日饮。
哟!
歪寺痛蚊抖,蚊笑鲕爱,婢害鲮。
鹞服蜴四更,哪听得嚷。

Cuối cùng, Cốc Văn-Đạt dịch lại thành Anh văn:

The soul is bewildered when the huge, legendary turtle is induced. Grinding pit viper with cancer fungus, an inferior horse kicks at the misty harbour. Rip open a lion to rescue the fox. The legendary turtle screams and throws up its stomach , then dies without pain. Oh! An interracialbaby is born with a tadpole tail and musk deer liver of the marriage between a slave girl and a snout moth's larva. The flea is flushed down with a day's drink. Oh! In a leaning temple a wounded mosquito shakes and another laughs at a loving fish. A dead mother kills a pangolin. No scream is heard when a hawk eats the lizard before dawn.”
Nguồn: Richard Vine, “Lost in Translation”, tạp chí Art in America, May 2006