trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Nghệ thuật
Mĩ thuật
  1 - 20 / 243 bài
  1 - 20 / 243 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtMĩ thuật
14.10.2006
Trịnh Cung
Vai trò, trường phái và phong cách trong ý thức sáng tạo
 
Trong lần tình cờ ghé thăm người bạn, một hoạ sĩ, tôi đã bất ngờ bị hỏi: “Thế nào là sáng tạo?”

Như anh đang vẽ bức tranh này, chiếc bình cổ mầu lam Huế và cô gái tóc dài mặc áo lụa. Như một nhà thơ, như một nhạc sĩ,... đã viết ra những bài thơ, những ca khúc, tất cả những việc ấy đều được gọi là sáng tạo. Thế nhưng, ý nghĩa của sáng tạo không đơn giản chỉ là như vậy.

Nếu năm năm sau, mười năm sau, ngườI hoạ sĩ vẫn cứ chỉ vẽ mãi chiếc bình cổ và cô gái tóc dài áo lụa thì thật đáng buồn. Khi người ta tìm được cho mình một công thức, một qui trình để cho ra đời sản phẩm nghệ thuật hàng loạt ăn tiền như thế thì sự sáng tạo của anh ta đã dừng lại ở giá trị tìm ra được một cách kinh doanh có lợi. Tự lặp lại chính mình, anh ta chỉ đơn thuần là cỗ máy sản xuất. Sáng tạo nghệ thuật luôn đòi hỏi người nghệ sĩ động não để đưa ra tác phẩm mới, không chỉ khác với những người khác, những thế hệ khác, mà còn phải khác những cái mình đã có, đã tạo nên và còn phải khẳng định được sự riêng biệt về bút pháp, kỹ thuật, thậm chí có thể tạo ra một trường phái hoặc một khái niệm mới về mỹ học mà trước đó chưa có ai nêu ra. Sáng tạo là “thuộc tính mẹ” của người làm nghệ thuật.

Nhưng vẽ là một hứng thú riêng của người họa sĩ, bản thân tôi chưa thấy cần thiết phải thay đổi cách vẽ và đề tài. Hơn nữa, vẫn còn rất nhiều người mê cách vẽ của tôi, thậm chí có nhiều đồng nghiệp còn bắt chước vẽ theo, không chỉ bắt chước bút pháp mà cả sự vật trong tranh của tôi. Vậy chẳng lẽ tranh của tôi lại không phải là nghệ thuật, không phải là sáng tạo?

Ở trường hợp này, bạn đã tạo ra được một thị hiếu mỹ thuật chứ không phải là sáng tạo đúng nghĩa. Ðương nhiên, tạo ra được một thị hiếu mỹ thuật không phải là chuyện ai cũng làm được, nhưng thường thì nó mang lại nguồn lợi vật chất cho bản thân tác giả và cộng đồng hơn là đóng góp cho thế giới sáng tạo nghệ thuật một điều mới mẻ. Sáng tác như vẽ, làm thơ, viết truyện, soạn nhạc,... là trình bày những cảm nhận và ý tưởng của người làm nghệ thuật về cuộc sống và nội thức của riêng mình chứ không phải là thực hiện những cảm nhận và ý tưởng theo cái, theo kiểu khách hàng cần. Tác phẩm nghệ thuật không phải là hàng nhu yếu phẩm. Vì vậy, để tránh sao chép lại chính mình, bạn cần mở rộng hơn đề tài, thay đổi các sự vật cùng không gian thời gian, như vậy thì thế giới hội hoạ của bạn mới không ngừng thay đổi. Lúc đó còn ai dám nghĩ là bạn vẽ thiếu sáng tạo?

Bắt chước và nhái lại tranh của tôi đang là phong trào, như thế tôi đã tạo ra được một trường phái hội hoạ đấy chứ?

Trước hết ở đây, bạn cần phải phân biệt rõ để tránh nhầm lẫn và đánh đồng hai khái niệm căn bản là sáng tạochế tác. Như gần đây, người ta xôn xao và xúm lại tán tụng, xuýt xoa về hiện tượng tranh cát hay tranh ghép đá quí đã “mở rộng biên giới sáng tạo nghệ thuật”. Hãy xem qui trình thực hiện một bức tranh cát hoặc tranh đá quí, những công đoạn mang thuần tính thủ công mỹ nghệ này chỉ giúp các tác giả tạo ra những sản phẩm copy từ những bản mẫu một cách khô cứng dù có người thực hiện rất khéo tay. Ngay việc bắt chước và nhái lại tranh của người khác rồi rắc cát được tẩm mầu hay gắn đá quí lóng lánh lên đó rồi phổ biến rình rang đây là sáng tác nghệ thuật mới được tìm ra, việc không ý thức được thế nào là sáng tạo và đâu là chế tác đã vô tình tạo ra cho mình một giá trị ảo. Thiếu tự do cho tư duy sáng tạo và niềm cảm xúc trực tiếp khi thực hiện tác phẩm thì bạn chỉ là một nghệ nhân không hơn không kém. Ngay cả tranh sơn mài, nếu không có những nghệ sĩ như Nguyễn Gia Trí, cải cách thủ pháp vốn rất mỹ nghệ của sơn mài truyền thống để mở rộng khả năng diễn đạt cho ngôn ngữ nghệ thuật như các hình thức hội hoạ khác, thì ngày nay tranh sơn mài đã không có chỗ đứng quan trọng trong thế giới mỹ thuật Việt Nam.

Riêng vấn đề trường phái nghệ thuật, bạn cần phân định sự khác biệt rất lớn giữa hai khái niệm trường phái và mô phỏng. Trường phái là một tập họp nhiều nghệ sĩ có cùng một ý thức sáng tạo, một lập thuyết hoạt động nghệ thuật hoàn toàn mới mẻ; còn mô phỏng, đúng như nhiều nhà mỹ học bậc thầy đã khẳng định: mô phỏng là huỷ diệt sáng tạo.

Trường phái trong nghệ thuật đã được các nhà sử học và phê bình mỹ thuật phân định từ lâu để phân chia lịch sử mỹ thuật thế giới ra các thời kỳ phát triển khác nhau dựa trên các thành tựu sáng tạo đa dạng do các nghệ sĩ tạo hình tạo ra từ khi có mỹ thuật đến nay. Trường phái là một đường lối nghệ thuật được một cá nhân hay một nhóm nghệ sĩ khởi xướng với một hệ thống tư duy mỹ học và phương pháp sáng tác nhằm tạo ra sự khác biệt cho tác phẩm mà trước đây chưa ai tạo ra. Nó đánh dấu một thời kỳ sáng tạo mới của thời đại họ. Trường phái hội hoạ Ấn tượng là một ví dụ điển hình. Ðây là một cuộc cách mạng hội hoạ lớn lao, mở đường cho một cuộc bùng nổ những trường phái hội hoạ hiện đại sau đó như Dã thú, Hồn nhiên, Biểu tượng, Siêu thực, Lập thể,... Ðiều rất quan trọng mà mỗi hoạ sĩ trong cùng một trường phái rất chú ý là luôn giữ cá tính riêng của mình trong tác phẩm, mỗi người có một thế giới nội tâm riêng, một bút pháp riêng. Chính điều này đã tạo ra phong cách của tác giả, không ai giống ai dù cùng một trường phái. Cùng là những người sáng lập ra trường phái Ấn tượng, Claude Monet rất khác với August Renoir, Edgar Degas rất khác với Edouart Manet. Cùng sáng lập ra trường phái Lập thể nhưng Braque rất khác với Picasso. Cùng mở ra thế giới Trừu tượng nhưng Kandinsky rất khác với Malévitch và Paul Klee. Cùng là Siêu thực nhưng Salvador Dalí, René Magritte và Max Ernst không ai giống ai. Mỗi thời đại, người nghệ sĩ đã thay đổi cách suy nghĩ, cách thể hiện, nhằm đánh dấu sự hiện hữu đặc trưng của họ khác với các thời đại trước. Sáng tạo là một ý thức mới làm cho nghệ thuật mang đậm tính giải phóng khỏi những cái cũ của mỗi cá nhân nghệ sĩ, của mỗi thời đại mỹ thuật, của từng dân tộc và sự thay đổi ấy nếu đạt đến đỉnh cao của sáng tạo nó có thể làm thay đổi nền mỹ thuật thế giới.

Có một hoạ sĩ Việt Nam, hiện giá tranh của ông ấy thuộc loại cao nhất nước, tầm cỡ thuộc hàng lớn đến nỗi một vị tổng thống của siêu cường số một thế giới khi đến thăm Việt Nam đã phải nhắc đến tên trong bài diễn văn của ông ta. Vậy hoạ sĩ ấy không là nhà sáng tạo lớn là gì? Có người còn ví ông ấy như một Vermeer của Hà Lan hoặc một Dalí nữa kìa!

Quả tình ông ấy là một hoạ sĩ rất nổi tiếng và rất được hâm mộ, và đang là một hoạ sĩ thị trường hàng đầu của Việt Nam, không ai phủ nhận điều này. Nhưng nếu vị tổng thống kia (theo tôi được biết qua lời kể của tổng thống phu nhân trong cuốn hồi ký, ông ấy là một người rất am tường nghệ thuật hiện đại thế giới) chưa hề xem tranh và gặp gỡ nhà hoạ sĩ Việt Nam nọ mà lại nhắc đến tên ông trong bài diễn văn của mình thì rất có thể đây chỉ là một nhận xét chủ quan của người chịu trách nhiệm soạn thảo diễn văn cho tổng thống (ở đây chưa kể đến trường hợp những lời khen trong những trường hợp như thế không thể không mang tính ngoại giao). Nếu có dịp đứng giữa tranh của họa sĩ ấy và tranh của những người khác vẽ theo kiểu của ông ta, (cũng cái chõng tre, chén trà, ấm cổ, chiếc khăn lụa đỏ, ngọn đèn dầu,... với cùng một kỹ thuật gọt tỉa mịn màng, trong một thứ ánh sáng của đèn rọi nhiếp ảnh), thì ngài tổng thống sẽ rất lúng túng vì không thể nhận ra đâu là tranh của ai. Chỗ này chính là chỗ cho thấy tầm quan trọng của phong cách riêng mà mỗi hoạ sĩ đích thực phải có, cho dù cùng đứng chung trong một trường phái với nhiều hoạ sĩ khác.

Và như thế, rõ ràng sự ví von người họa sĩ mà bạn vừa nêu là một Vermeer hoặc Dalí của Việt Nam là hết sức khập khiễng. Vermeer, nhà danh hoạ cổ điển người Hà Lan, không vẽ theo thứ ánh sáng rọi bởi đèn rọi; không vẽ sơn dầu theo kiểu chải chuốt của tranh chép, như ảnh chụp; không vẽ lặp đi lặp lại một loại đề tài. Riêng với Salvador Dalí, nhà danh hoạ siêu thực vĩ đại của thế kỷ 20, thì sự tinh xảo và công phu gọt tỉa hình hoạ của người hoạ sĩ thân mến của chúng ta chỉ có thể nói đến chuyện gần gũi về tay nghề chứ còn ý tưởng hội hoạ thì... một trời một vực.

Thật ra, trong sáng tạo nghệ thuật, sự chọn lựa giữa cũ và mới của mỗi cá nhân tác giả đều phải phụ thuộc vào những điều kiện văn hoá và ý thức sáng tạo riêng. Không ai vượt qua nổi những giới hạn có tính định mệnh của mình. Cái cũ luôn là tiền đề cho cái mới và đó là hai đối tác tạo ra sự trường tồn của nhân loại, không thể thiếu nhau, vấn đề là người làm nghệ thuật phải biết ý thức đúng về chỗ đứng của mình: là nghệ nhân hay là nhà sáng tạo nghệ thuật, để từ đó làm cho tốt nhất vai trò của mình. Con đường nào cũng tốt đẹp cả, miễn sống trung thực và coi trọng phẩm cách để tránh rơi vào vũng lầy của hư danh.

Sài Gòn tháng 9-2006

© 2006 talawas