trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Nghệ thuật
Mĩ thuật
  1 - 20 / 243 bài
  1 - 20 / 243 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtMĩ thuật
7.11.2006
Trịnh Cung
Từ nhà tiên phong đến kẻ bảo thủ
 
Trong một cuộc họp mới đây của ngành hội hoạ tại Hội Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh để chuẩn bị tổ chức cuộc triển lãm “Kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Hội Mỹ thuật TPHCM”, vì thấy không có đại diện giới hoạ sĩ trẻ, tôi có đặt câu hỏi: “Cuộc triển lãm này sẽ bao gồm các trào lưu hội hoạ nào, sao tôi thấy ngồi đây toàn những họa sĩ già hoặc đang già (khoảng 15 người), nếu là một chặng đường 25 năm thì phải có các bạn trẻ với trào lưu hội hoạ ngoài giá vẽ (đương đại) đã và đang hoạt động sôi nổi?”

Một bức tranh của hoạ sĩ Lâm Triết
Như đã có bức xúc từ lâu, hoạ sĩ Lâm Triết (Việt kiều Mỹ) liền phản bác ngay: ”Tôi đã cầm cọ vẽ 50 năm rồi, không thể nào coi Sắp đặt hay Trình diễn là hội hoạ được. Chẳng ra gì cả cái gọi là hội hoạ ngoài giá vẽ!”. Tôi bỏ cuộc họp ra về vì ngượng cho câu phát ngôn mù kiến thức mỹ thuật của anh họa sĩ cùng thời với tôi, người từng là một hoạ sĩ hiện đại tài năng của Sài Gòn vào những thập niên 60-70, người từng là sinh viên mỹ thuật chống lại đường lối bảo thủ của những ông thầy Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế và đã bỏ học sau khi bức tranh “Ngựa” của anh vẽ theo lối bán trừu tượng đoạt huy chương vàng trong cuộc triển lãm thường niên Hội hoạ mùa Xuân của Sài Gòn năm 1962.

Một tác phẩm của hoạ sĩ Nguyên Khai
Thật ra, đây không phải lần đầu hoạ sĩ Lâm Triết công khai nói ra cái suy nghĩ thiếu cập nhật về các trào lưu mới của hội hoạ ngày nay của mình như trên mà đã từng cho rằng: việc dùng những con chip từ máy tính phế thải để tạo ra những bức tranh trừu tượng đương đại của hoạ sĩ người Mỹ gốc Việt Nguyên Khai là tào lao trong một trả lời phỏng vấn trên tuần báo Việt Weekly ở Quận Cam (California) thời gian gần đây. Và có lẽ, đây cũng không phải chỉ là ‎ý kiến lẻ tẻ của một vài họa sĩ như Lâm Triết về các trào lưu mới của “mỹ thuật hiện giờ” (art now), mặc dù trong số họ từng có những người là hoạ sĩ tiền phong của mỹ thuật Việt Nam cách nay 30-40 năm.

Trong một lần dự hội thảo tại một trường đại học dân lập của Thành phố Hồ Chí Minh (năm 2005) về mỹ thuật Sài Gòn, một hoạ sĩ rất nổi tiếng về tranh sơn mài hiện đại (trừu tượng), Hồ Hữu Thủ, cũng đã có nhận xét về hội họa ngoài giá vẽ y như ‎ý kiến nêu trên của hoạ sĩ Lâm Triết. Rõ ràng hội họa đương đại Việt Nam đang gặp phải một lực cản rất lớn không phải đến từ bên ngoài mà ngay trong cộng đồng những người làm nghệ thuật có vai vế. Và đây là lý‎ do chính tại sao các hình thức của mỹ thuật đương đại như Sắp đặt, Trình diễn, Video Art,… vẫn còn bị các nhà quản lý‎ mỹ thuật trong nước cho đứng bên lề.

Thực ra, cũng chỉ có 2 nguyên nhân chủ yếu:
  • Giới hoạ sĩ Việt Nam đa số ít đọc sách và không có thói quen cập nhật thông tin về mỹ thuật thế giới. Lúc còn đi học ở trường mỹ thuật, họ không coi trọng môn lịch sử mỹ thuật và môn mỹ học. Chỉ có một số rất ít vẽ theo trường phái mới và thường chỉ là do cảm tính và hứng thú riêng của thời tuổi trẻ. Nhưng nếu không có kiến thức thì lấy đâu ra ý thức sáng tạo? Vì chỉ biết lõm bõm về lịch sữ mỹ thuật nên họ thường có những phát biểu hết sức khiếm nhã về các trường phái mới, ví dụ như một hoạ sĩ vẽ tranh hữu hình thì chê những ai vẽ trừu tượng là những người không biết vẽ, v.v… Và sau khi tranh mình được xã hội ca ngợi thì họ nghiễm nhiên là họa sĩ lớn, mà đã như thế thì càng không dám học thêm, nhất là ngoại ngữ. Không mù thông tin về mỹ thuật đương đại mới là chuyện lạ.

    Tác phẩm của hoạ sĩ Hồ Hữu Thủ trưng bày tại trụ sở Ngân hàng Thế giới
  • Thứ 2 là họ bị di căn chủ nghĩa phong kiến, tham quyền cố vị nên chỉ nơm nớp lo sợ bị đám trẻ mới hơn, táo bạo hơn, hợp thời hơn mình lật đổ mất vai trò “ông lớn” của mỹ thuật nước nhà.
Chẳng thế mà những hoạ sĩ già ấy, cách đây vài chục năm, từng bị các ông thầy ngày xưa đuổi học hoặc phê phán nặng nề về cái tội vẽ thứ “hội hoạ mô-đéc”, và ngược lại, nhờ làm mới mỹ thuật Việt Nam mà họ đã thành danh rất sớm nhưng thật buồn thay, hôm nay, lại chính họ, từ nhà tiền phong đã trở thành kẻ bảo thủ, chống lại hoạ sĩ thế hệ trẻ đang làm thứ mỹ thuật mới hơn mình, thứ mỹ thuật của chính thời đại của họ?

Đã đến lúc những người như chúng ta nên đứng qua một bên, làm cổ động viên cho lớp trẻ. Đó là cách tốt nhất giữ cho mình không lạc lõng trước thời cuộc và cũng không tự mình phá huỷ đi cái “vang bóng một thời” của một thời tuổi trẻ sáng tạo.

Sài Gòn tháng 10-2006

© 2006 talawas