trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Nghệ thuật
Điện ảnh
  1 - 20 / 103 bài
  1 - 20 / 103 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtĐiện ảnh
10.11.2006
Phạm Văn
Chuyện của Pao
 
Chuyện của Pao không có rất nhiều thứ thường thấy trong phim truyện Việt Nam: không nhăm nhăm giải quyết những bài toán lớn của thời đại, không bắt các nhân vật phải tuyên bố những vấn đề quan trọng của con người. Bộ phim chỉ đẹp, đẹp từ hình ảnh, màu sắc, trang phục và âm nhạc, đến cách miêu tả một số biến chuyển tâm lý của Pao, một cô gái miền núi Tây Bắc.

Phim đang được trình chiếu tại một số đại học ở Hoa Kỳ với sự cộng tác của tổ chức bất vụ lợi The Institute for Vietnamese Culture & Education tại New York. Nói chung, có thể đánh giá Chuyện của Pao là một trong những phim hay nhất của làng điện ảnh Việt Nam cho đến nay, và là niềm vui ấm áp sau tiếng náo nhiệt của Những cô gái chân dài (2004) hoặc Gái nhảy (2003).

Chuyện của Pao kể câu chuyện trưởng thành của một cô gái miền núi, từ lúc thơ dại ngồi trong vuông cửa sổ nhà mình, đến khi dấn bước ra và đối diện với thế giới bên ngoài. Kịch bản của đạo diễn Ngô Quang Hải có những nét rất gần với một trong những cách dựng truyện ngắn điển hình: mô tả tất cả sự việc, rồi giải quyết chớp nhoáng. Trong phần đầu, bộ phim trình bày các tình tiết đan chen, các xung đột dàn trải chậm và khéo léo, tuy không có climax chủ đạo, rồi tháo gỡ ở phần sau một cách gọn gàng và hợp lý, tuy hơi nhanh nên có vẻ khá giản tiện (nhưng không dễ dãi). Tuy nhiên, một số đoạn hơi rối và mơ hồ, chẳng hạn lúc người mẹ chuyển bụng sinh Pao, rồi cả nhà bỗng hỗn loạn vì một con dê đẻ con. Một đôi hình ảnh đẹp, nhưng dường như lại là những ẩn dụ bị lặp lại đến sáo mòn: hình ảnh chảy máu tay do sơ suất để diễn tả sự bối rối, con dao bản nghiến trên đám rau để tả sự bực bội.

Nhân vật chính, cô Pao, do Đỗ Thị Hải Yến thủ vai rất đạt qua cử chỉ, điệu bộ, và nhất là những bước chân vững chắc của một cô gái miền núi trong tâm trạng khác nhau, vui tươi, lúng túng, dằn dỗi... Hải Yến được điểm mạnh của một diễn viên có căn bản múa ballet, tư thế và dáng đi của cô giúp người xem hình dung được cụ thể thế giới nội tâm của nhân vật. Thái độ của Pao đối với hai bà mẹ, phản ứng của cô trước mối quan hệ phức tạp trong tình cảm của bố mẹ và trong mối tình chân chất của chính cô, và biến động tâm lý của Pao trong những lúc ngồi bên ô cửa sổ vuông đều được diễn xuất thích hợp và cô đọng. Những khung ảnh nhiều tầng lớp cũng đóng góp cho diễn xuất, độ sáng tối của hiện thực trong cửa sổ, ánh sáng vừa đủ bên trong bờ rào đá, nhạt dần ra cánh đồng bên ngoài, rồi tương phản với nét xa xăm mờ ảo và bất định trên triền núi.

Một trong rất nhiều điểm yếu của phim Việt Nam là lời thoại và kỹ thuật lồng tiếng. Chuyện của Pao thành công phần lớn nhờ kịch bản đã để nhân vật chính kể câu chuyện của mình qua tiếng nói từ hậu trường, vì thế giảm bớt được rất nhiều đối thoại. Mặt khác, những khi hiếm hoi hai nhân vật nói chuyện với nhau, ống kính thường đặt sau lưng người nói, do đó tránh được khuyết điểm âm thanh không trùng với hình ảnh (và cũng nhờ thế tránh được những pha diễn xuất kém khi nói, một nhược điểm thường thấy nơi các diễn viên người Việt). Nhưng khuyết điểm về âm thanh vẫn còn đó, ngoại trừ nhân vật Pao, các vai khác trong phim vẫn có những lúc phát âm rất kém, như đọc, như diễn kịch, như... thuyết minh, và cách thu tiếng nói vẫn nghe như thể có tiếng vang của phòng thu thanh. Bao giờ cho hết nỗi khổ này khi xem phim truyện Việt Nam?

Chuyện của Pao ít có những câu nói ngô nghê, nhưng có lẽ sẽ hay hơn rất nhiều nếu lời đối thoại gần hơn với lối nói đặc thù của người dân tộc miền Tây Bắc (thay vì nói như đa số người Kinh), và sẽ tạo thêm cơ hội cho khán giả người Việt dễ nhập vào tình huống cùng với nhân vật nếu cách phát âm giống như giọng hơi trài trại nhưng vẫn dễ hiểu của cụ bà người Hmong mà truyện phim dựa trên cuộc đời thật của bà. Không rõ đó là vì thiếu ngân sách (cả bộ phim hình như chỉ tốn khoảng USD 300.000) để tập cho diễn viên cách phát âm, hoặc vì sợ khán giả người Việt nghe không quen (!), hay, trời ơi, vì diễn viên Việt Nam không biết phát âm hoặc không thể học cách phát âm cho hợp với vai diễn.



Một điểm đáng nhắc đến trong Chuyện của Pao là âm nhạc, vì phim Việt Nam thường rất ít chú ý đến khía cạnh này. Nguyễn Thiên Đạo và Quốc Trung đã viết những dòng nhạc hài hoà với điệu hát địa phương, tiếng nhạc bên trong và phía ngoài bờ rào đá phù hợp với cảnh phim và cốt truyện, phảng phất được cái bao la xa thẳm của núi rừng và cái quyến rũ của những tộc người sinh sống nơi đó. Về y phục, Chuyện của Pao không mắc phải khuyết điểm sơ đẳng, nhưng đôi khi vẫn thấy trong các bộ phim lớn, chẳng hạn như Brokeback Mountain (2005) của Hollywood cho hai chàng cao bồi nghèo khó ở Wyoming mặc những bộ áo diêm dúa và sạch tinh tươm trong lúc chăn bò. Chuyện của Pao không bắt những nhân vật lam lũ đóng khung trong bộ áo ủi thẳng nếp, mà chú ý đến từng mũi khâu tay trên y phục, từng vết bẩn nhàu trên quần áo của từng vai, đến chất liệu và màu vải cũng như hoa văn thêu trên áo... Những điểm đó rất nhỏ, có lẽ nhỏ hơn lời đối thoại và cách phát âm hoặc việc thiết kế cảnh quay rất nhiều, nhưng đã đóng góp rất lớn vào việc xây dựng không khí cho câu chuyện và vào sự thành công của bộ phim.

Chuyện của Pao là một phim hay, và vẫn còn có những chỗ để làm hay hơn nữa. Chuyện của Pao chứng minh cho chúng ta rằng điện ảnh không nhất thiết đòi hỏi ngân sách lớn, và một bộ phim nghệ thuật không cần phải đen tối đến mức buồn thảm, không cần phải khốc liệt đến mức tàn nhẫn. Với Pao, khán giả đã có thể hy vọng và sẽ trông chờ các tác phẩm hay kế tiếp của Ngô Quang Hải nói riêng, và của điện ảnh Việt Nam nói chung.

Chuyện của Pao, 110 phút, 2005
Đạo diễn và kịch bản: Ngô Quang Hải
Dựa theo truyện ngắn của Đỗ Bích Thúy
Biên tập: Đặng Tất Bình
Quay phim: Cordelia Beresford
Thiết kế mỹ thuật: Phạm Quang Vinh
Âm nhạc: Nguyễn Thiên Đạo, Quốc Trung, Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam
Diễn viên: Đỗ Thị Hải Yến (Pao), Nguyễn Như Quỳnh (bà Kía), Đỗ Hoa Thúy (Sim), Lý Thanh Kha (ông Chúng), Ngô Thế Quân (Chúng trẻ)

© 2006 talawas