trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Nghệ thuật
Mĩ thuật
  1 - 20 / 243 bài
  1 - 20 / 243 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtMĩ thuật
2.12.2006
Trịnh Cung
Nhà tổ chức “Sài Gòn thành phố mở” thực sự yếu kém về tổ chức
Thuận Thiên thực hiện
 
Thuận Thiên: Ông nghĩ gì về chủ đề “Giải phóng, Thống nhất và Tái thiết” mà những người chủ trương dự án “Sài Gòn thành phố mở” (SOC) đặt cho cuộc triển lãm quốc tế nghệ thuật đương đại tại thành phố Hồ Chí Minh vừa được khai mạc (không chính thức) vào ngày 26-11-2006?

Trịnh Cung: Theo tôi được biết khi còn là cố vấn cho dự án “Saigon Biennale” (tiền thân của “Sài Gòn thành phố mở”), chủ đề này do hai curator người Thái là Rirkrit Tiravanija và Gridthiya Gaweewong đưa ra cho Đỗ Tuyết Mai, nhà sáng lập dự án “SOC”. Khi đó, tôi có đưa ra ‎ý kiến với Đỗ Tuyết Mai là chủ đề này quá nặng về chính trị và e rằng không còn phù hợp cho một không khí lễ hội sáng tạo nghệ thuật đương đại. Tuy nhiên, trước đó, dự án “Saigon Biennale” đầy tham vọng của Đỗ Tuyết Mai gặp phải sự tẩy chay quyết liệt của giới quản l‎ý mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh nên việc có một giấy phép thực hiện dự án này là không thể được. Và có lẽ để dễ được chấp nhận hơn, “Saigon Biennale” đã được đổi thành “Sài Gòn thành phố mở” và một chủ đề không lấy gì làm “mở” như thế đã được họ chủ trương. Chủ đề này có khi chỉ là cách tiện nhất để có một giấy thông hành cho một loại hình nghệ thuật đang còn nằm ngoài sự thừa nhận chính thức của hệ thống mỹ thuật Việt Nam. Hoạ sĩ Trần Lương, một trong các giám đốc nghệ thuật của sự kiện, có giải thích rằng cần hiểu chữ “Giải phóng” theo một ‎ý nghĩa rộng, như là người nghệ sĩ tự giải phóng tư duy sáng tạo của chính mình, nhưng tôi thấy cách giải thích ấy khó thuyết phục vì chữ “Giải phóng” ở đây không đứng riêng, mà theo sau nó còn có “Thống nhất” và “Tái thiết”.

Thuận Thiên: Việc hai curator người Thái chủ trì sự kiện mỹ thuật này của Việt Nam có gì tốt và có gì hạn chế?

Trịnh Cung: Không thể chối cãi rằng người Thái có mỹ thuật đương đại trước Việt Nam khoảng một thập niên nên họ có nhiều kinh nghiệm về mặt quản l‎‎ý và dàn dựng một sự kiện triển lãm nghệ thuật đương đại. Hơn nữa, có thể là với uy tín nghề nghiệp của mình, Rirkrit và Gridthiya có khả năng giúp Đỗ Tuyết Mai mời được những nghệ sĩ quốc tế đến Việt Nam và dễ nhận được tiền tài trợ từ các quỹ văn hoá như Quỹ Ford chẳng hạn. Tuy nhiên, về những mặt còn lại, có khi còn quan trọng hơn, trong việc tổ chức một sự kiện mỹ thuật lớn ở nước ta, làm sao họ thấu đáo hơn ta? Chẳng hạn những giới hạn và thực tế về môi trường mỹ thuật Việt Nam ảnh hưởng đến tính khả thi của dự án; về vai trò của Hội Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Đây luôn luôn là chủ thể của các hoạt đông mỹ thuật mang tính toàn thể của mỹ thuật thành phố, là một thế lực không chỉ là chính trị mà còn cả về nghề nghiệp, không một cá nhân nào được phép vượt qua để làm một sự kiện như loại “Sài Gòn thành phố mở”. Còn tâm thức của lớp nghệ sĩ đương đại Việt Nam đang ôm ấp những gì? Các vấn đề mà họ quan tâm? Làm mới hơn, tự do hơn cho ngôn ngữ mỹ thuật Việt Nam, làm sao sớm thoát ra khỏi những trì trệ của một cơ chế văn hoá cũ kỹ tồn tại quá lâu để mọi tư duy và cảm hứng nghệ thuật được tự do bày tỏ là những gì họ đang tranh đấu ở đây. Cho nên khi đưa ra một chủ đề vừa đóng khung, vừa một chiều như vậy, sân chơi này dù có được cấp phép cũng sẽ rất buồn tẻ, đừng nói chi đến việc không được phép như thực tế đang xảy ra.

Thuận Thiên: Trong thành phần hoạ sĩ tham dự, có thể thấy ngay sự thiếu vắng những hoạ sĩ Sài Gòn trước 75. Trong buổi hội thảo tại Studio SOC, curator Rirkrit cho biết những hoạ sĩ trong nhóm này được mời tham dự nhưng họ đã từ chối. Ông bình luận gì về tuyên bố này?

Trịnh Cung: Tôi không tin là họ chính thức được mời trực tiếp từ Rirkrit, cách trả lời này là không thành thật, vì bản thân tôi cũng là một trong trong số đó nhưng không hề nhận được một tín hiệu nào. Mặt khác, nếu nhận được lời mời thì không phải tất cả đều từ chối vì những hoạ sĩ Sài Gòn không phải là một tổ chức, họ là những cá nhân có những suy nghĩ và chọn lựa riêng của mình.

Thuận Thiên: Được biết buổi họp báo ngày 25/11 và lễ khai mạc chính thức vào ngày 26/11 đã không xảy ra như trong thông cáo báo chí. Đến ngày 25/11, trong khi các nghệ sĩ từ Hà Nội và nước ngoài đã có mặt, thì chương trình được thông báo (không nhiều người biết) là chiều 26/11 chỉ có vài tiết mục performance và tiệc đứng đơn giản ở Studio SOC. Số người biết thông tin để đến dự buổi giới thiệu tác phẩm của Yoko Ono (do trợ ‎lý của bà là David Ross phụ trách) và hai buổi toạ đàm của các curator và các nghệ sĩ rất hạn hẹp.

Trịnh Cung: Tôi đã đích thân tìm đến một trong những địa điểm triển lãm là nhà Bảo tàng Phụ nữ TP HCM đúng vào ngày khai mạc “Sài Gòn thành phố mở” theo thông cáo báo chí trước đó, nhưng ở đây không khí thật im lặng, ngoại trừ một tiệc đám cưới với ca nhạc đang tưng bừng ngay bên cạnh. Thì ra “SOC” vẫn chưa có được giấy phép hoạt động để bắt đầu khai mạc cho sự kiện nghệ thuật này. Trong một cuộc trao đổi ngắn qua điện thoại với hoạ sĩ Trần Lương, một trong những giám đốc nghệ thuật của sự kiện mỹ thuật này, tôi được biết cho đến ngày dự kiến khai mạc 26-11-2006, ban tổ chức cũng còn tiếp tục công việc xin giấy phép. Nhưng theo anh, những người tổ chức không vì khó khăn mà nản chí, cứ tranh thủ được đến đâu làm đến đó.

Thuận Thiên: Một số người chịu khó tìm đến ba chỗ bày tác phẩm (Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, Studio SOC) để xem thì thấy hình như có một điều gì đó không nhất quán trong nội dung triển lãm của nhà tổ chức?

Trịnh Cung: Theo thông cáo báo chí của Ban tổ chức, phần đầu cho biết: “Giải Phóng nhìn lại thời kỳ chiến tranh chống Mỹ qua con mắt của những nghệ sĩ lão thành, của thế hệ nghệ sĩ quân đội tham gia trực tiếp vào cuộc chiến cũng như qua cách tiếp cận của các nghệ sĩ thế hệ trẻ... Đây là cuộc gặp gỡ và đối thoại hiếm hoi giữa 3 thế hệ nghệ sĩ tạo hình Việt Nam với các trải nghiệm xã hội và kinh nghiệm, quan điểm nghệ thuật khác nhau”, nhưng phần tiếp theo lại chủ trương: “Cuộc triển lãm nhấn mạnh khía cạnh đời thường, những ghi chép giản dị của các nghệ sĩ về cuôc sống thường nhật…”.

Rất dễ nhận ra những tiêu chí trong văn bản này là lòng vòng, khập khiễng, mang tính tranh thủ với nhà đương quyền là chính. Trên thực tế, như câu hỏi đã nêu, qui mô tầm cỡ sự kiện và chủ đề to tát của cuộc triển lãm đã biến thành đầu voi đuôi chuột. Không giấy phép nên sự kiện mỹ thuật đương đại quốc tế này đã diễn ra không kèn không trống; thiếu vắng nhiều nghệ sĩ trong nước và quốc tế được nêu tên trong thông cáo báo chí, nhất là không có Yoko Ono - cái đinh của sự rạo rực chờ đợi của giới mỹ thuật Việt Nam; chỉ có những trình diễn bỏ túi trong chật chội, nóng bức; những tác phẩm sắp đặt đã cũ, ít ỏi, được tập trung tại trụ sở “SOC” 3A Tôn Đức Thắng, Quận 1, gần như không có công chúng trừ một số ít ỏi người trong giới và nhà báo, tất cả những điều đó đã cho thấy nhà tổ chức “Sài Gòn thành phố mở” thật sự yếu kém về tổ chức nếu không muốn nói là đã phạm một sai lầm không thể chấp nhận được: Lợi dụng tên tuổi và lòng đam mê của các nghệ sĩ!

Thuận Thiên: Như vậy người yêu mỹ thuật hoặc tò mò về cuộc triển lãm mỹ thuật đương đại có tầm vóc qui mô nhất nước sẽ nhận được gì từ một tập hợp tác phẩm như thế?

Trịnh Cung: Tất nhiên là không có gì, ngoài một bữa buffet quốc tế chỉ gồm vài món thức ăn cũ được dọn lôi thôi bởi hai đầu bếp Thái.

Thuận Thiên: Theo ông, tương lai của nghệ thuật đương đại Việt Nam sau sự kiện này sẽ khá hơn?

Trịnh Cung: Như chúng ta đều biết, ở Việt Nam, với ngôn ngữ chính là vật chất, mỹ thuật có lợi thế hơn văn học. Tuy nhiên, khi mỹ thuật của thế hệ trẻ hôm nay đang bước qua giới hạn của vật chất để đưa ra một thái độ xã hội như trong các hình thức trình diễn, sắp đặt,… thì con đường phát triển của nó cũng phải dừng lại ở chừng mực được nhà nước cộng sản Việt Nam cho phép. Ngay cả các nghệ sĩ - curator người Thái như Rirkrit và Gridthiya còn phải dùng đến chủ đề “Giải phóng, Thống nhất và Tái thiết” để được làm chủ xị một sự kiện mỹ thuật như thế này trên đất nước của chúng ta, thì bao giờ những Đào Anh Khánh hay bất kỳ ai đó được tự do trình diễn thứ nghệ thuật mang tính cộng đồng này trên đường phố Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh? Khá hơn hay không, không phải nằm ở khao khát của người nghệ sĩ mà về phía cánh cửa tự do sáng tạo có được thật sự mở ra hay không.

© 2006 talawas