trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Nghệ thuật
Mĩ thuật
  1 - 20 / 243 bài
  1 - 20 / 243 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtMĩ thuật
4.12.2006
Arthur C. Danto
Thân xác trong thống khổ
Hà Vũ Trọng dịch
 
Hoạ sĩ Colombia, Fernando Botero (1932), nổi tiếng với lối miêu tả nhân vật béo tròn trùng trục gần như lố bịch. Dân New York có lẽ còn nhớ cuộc triển lãm ngoài trời những pho tượng đồng của Botero, phần lớn khoả thân, ở khu đảo trung tâm Park Avenue vào năm 1993. Tỉ lệ thân thể của tượng đảm bảo tính khoả thân gợi nên ít phẫn nộ nơi công chúng. Nhóm tượng chủ iếu khiêu gợi giống như những hình nhân bong bóng trong cuộc diễn hành Macy [trong ngày Lễ Tạ ơn] và gần như tính vô vị ấy được bơm phồng lên để tô thêm vẻ vui tươi, nhân hậu mà người ta gắn liền với ngệ thuật dân gian được gia tăng kích thước. Tượng của Botero có sắc thái kém dễ chịu hơn và có phần lợi hại hơn những sáng tạo của Walt Disney, nhưng lại không đủ ngiêm túc đòi hỏi sự xem xét phê bình. Mặc dù thuần tuý hiện đại, nhưng phong cách của Botero chủ iếu được hâm mộ bởi người ở ngoài thế giới ngệ thuật (the art world). Trong thế giới ngệ thuật, nhà phê bình Rosalind Krauss nói thay cho nhiều người khi bà loại Botero ra vì tính “lâm li” (pathethic).

Cách đây không lâu, có thông tin Botero thực hiện xong loạt tranh và bản vẽ cảm tác từ những ảnh chụp nổi tiếng phơi bày vụ tù nhân Iraq bị lột truồng, hạ thấp, tra tấn và sỉ nhục bởi binh sĩ Mĩ ở trại tù Abu Ghraib, khiến người ta không khỏi hoài ngi – hẳn là phong cách riêng của Botero sẽ làm khôi hài và giảm giá nỗi kinh hoàng kia chăng? Vả lại, cũng khó mà tưởng tượng được rằng hoạ phẩm của bất kì ai truyền đạt được những nỗi kinh hoàng của Abu Ghraib, cũng như lại tốt hơn tự thân những bức ảnh chụp. Những hình ảnh ghê tởm đầy bạo động và sỉ nhục ấy đã được lưu hành trên Internet, truyền hình và trên báo chí khắp thế giới, vì vậy khó mà cần đến sự khuếch trương mang tính ngệ thuật. Và nếu như có ngệ sĩ nào đã tái diễn cái tấn tuồng tàn bạo đó, dường như Botero cũng không ngưng làm công việc này.

Và rồi, những hình ảnh về sự tra tấn giờ đây thấy tại Marlborough Gallery giữa thành phố Manhattan, và chúng được kết tập trong cuốn Botero Abu Ghraib, chính là những kiệt tác của những gì tôi từng gọi là ngệ thuật bất an (disturbatory art) – dạng ngệ thuật mà quan điểm và mục đích làm linh động và khách quan những tư tưởng chủ quan ghê sợ nhất của chúng ta. Những tác phẩm gây kinh ngạc của Botero khiến chúng ta nhận ra điều này: chúng ta đã biết về tù nhân của trại Abu Ghraib đang chịu khổ nạn, nhưng chúng ta không cảm thấy sự khổ nạn đó như của chính mình. Khi những ảnh chụp được phát hành, thì sự phẫn nộ về đạo đức của phương Tây lại chĩa mũi vào đám binh sĩ đang cười toe toét, với họ thì cảnh tượng kinh hãi này là một loại hình giải trí. Nhưng những bức ảnh chụp đã không đem chúng ta tới gần hơn với những đớn đau của nạn nhân.



Trái lại, những hình ảnh của Botero lại tạo nên một cảm quan nội tâm về sự đồng nhất với những nạn nhân mà sự khổ nạn của họ buộc chúng ta nhập tâm làm thay thành của mình. Như Botero có lần nhận xét: “Một hoạ sĩ làm được cái mà một nhà nhiếp ảnh không làm được, vì một hoạ sĩ có thể làm cho cái vô hình hiển hiện.” Cái vô hình ấy chính là cảm được nỗi khắc khoải vì bị sỉ nhục cùng với sự đau đớn. Những bức ảnh chụp chỉ có thể phô bày cái thấy được; điều mà Susan Sontag gọi một cách đáng nhớ là “nỗi thống khổ của tha nhân” nằm ở ngoài tầm của chúng [ảnh chụp]. Nhưng nỗi thống khổ đó có thể truyền đạt được trong hội hoạ, như chính loạt tranh Abu Ghraib của Botero nhắc nhở chúng ta, vì hạn chế của nhiếp ảnh không phải là hạn chế của ngệ thuật. Sự màu nhiệm của hội hoạ, gần như đã bị quên lãng kể từ cuộc Phản Cải cách, sức mạnh trong nó phát sinh một loại ảo ảnh ít liên quan cảm thụ về tranh ảnh cho bằng chính tác động của chúng tới cảm xúc.

Giáo hội Công giáo đã hiểu thấu điều đó, cho nên trong phiên nhóm họp cuối cùng của Công đồng Trent vào năm 1563, đã quyết định sử dụng ngệ thuật thị giác làm khí giới trong cuộc chiến với phong trào Cải cách. Một trong những trụ cột trong dự án Cải cách là đả phá hình tượng – nó đối lập với sự sử dụng hình ảnh tín ngưỡng mà qua đó giáo hội thụ hưởng được sự độc quyền ảo. Phong trào Cải cách sợ rằng tự thân hình tượng được phụng thờ chính là ngẫu tượng. Phản ứng của tín đồ Công giáo là củng cố sức mạnh của hình tượng để phụng sự cho niềm tin. Các ngệ sĩ được hướng dẫn sáng tạo nên hình tượng có tính trong sáng, đơn giản, dễ hiểu và lối tả chân sẽ dùng như một chất kích thích tình tự đối với lòng tín mộ. Như sử gia lớn là Rudolph Wittkower đã quan sát:

“Nhiều câu chuyện về Chúa Kitô và các thánh đề cập sự tuẫn đạo, tàn nhẫn, và kinh hãi, tương phản với lối lí tưởng hoá của thời Phục hưng, một sự thật trưng bày không che đậy giờ đây được cho là thiết iếu; thậm chí Chúa Kitô cũng phải cho thấy ‘bị đau đớn, chảy máu, bị khạc nhổ, rách toạc da, thương tích, biến dạng, nhợt nhạt, và trông khó coi’, nếu đề tài đòi hỏi phải có. Những hình ảnh ‘phải đạo’ này muốn thu hút những cảm xúc của tín đồ, hỗ trợ hay thậm chí vượt ra ngoài ngôn từ.”

Phải cần tới hơn hai mươi năm để các ngệ sĩ tìm ra một phong cách thi hành được những chỉ thị ấy, và ít hoài ngi khi cho rằng ngệ thuật Baroque đã thành công trong sứ mệnh của nó. Ngệ thuật này đã đạt được độ tinh vi phi thường khi mô tả nỗi thống khổ, từ đó gây được sự đồng cảm. Thường có nhận xét rằng chúng ta sống trong một nền văn hoá giàu hình ảnh, đúng là như vậy. Nhưng đa số hình ảnh mà chúng ta thấy là hình chụp, và hiệu quả của chúng có thể bị nhạt nhẽo, nếu không muốn nói là mất dần nhạy cảm. Để khơi dậy những loại tình tự mà phong trào Phản Cải cách đã nhắm tới, thì những ảnh chụp ngày nay thường cần được nâng cao. Bộ phim Sự thương khó của Chúa Kitô của Mel Gibson không có tính tả thực theo ngĩa tả thực của nhiếp ảnh: nó được nâng cao và khuếch đại để cho thấy Jesus “bị đau đớn, chảy máu, bị khạc nhổ, rách toạc da, thương tích, biến dạng, nhợt nhạt, và trông khó coi”, theo đúng cung cách làm hài lòng Hội đồng Trent. Sontag nói đúng: Nhiếp ảnh cần phải được hỗ trợ – bằng lời văn, như bà đề xuất – nếu chúng ta cảm thấy nỗi thống khổ mà nó cho thấy. Một bức hình đáng giá ngàn lời [= Trăm nge không bằng một thấy], như nói theo sáo ngữ, nhưng một bức ảnh chụp không nói hộ cho chính nó. Tối thiểu, nó đòi hỏi những gia công kĩ xảo của Photoshop – ở điểm này, dĩ nhiên là sự thật thị giác bị đem tế trên bàn thờ của cảm xúc.

Ảnh chụp Abu Ghraib chủ iếu là ảnh chụp nhanh, là những bưu thiếp đùa giỡn của đám binh sĩ đang tận hưởng quyền lực, như lời nhắn hàm ý của họ đã chứng thực – “Having a wonderful time... Wish you were here” (Đang vui tuyệt vời... Ước chi bạn cũng ở đây”). Thân thể những tù nhân trần truồng bị trói gô rồi chất đống như cơ thể những con hổ trong ảnh chụp thời Victoria của đám toàn quyền, họ đang mỉm cười phô bày kết quả săn bắn trong ngày. Chắc hằn đó là cơn xung động về số lượng khi bày tỏ sự hả hê – hãy mường tượng những xâu cá được dương lên để chụp lẹ những pô hình sau những buổi câu cá, hoặc trên bức tường ố vàng của tiệm bán cá. Bằng một cách khác để đáp ứng ngệ thuật với vụ Abu Ghraib, hoạ sĩ Anh Gerald Laing đã tước bỏ hậu cảnh bức tranh American Gothic của Grant Wood, thay thế chân dung hai nông dân bằng hai quân cảnh Mĩ Lynndie England và Charles Graner đang giơ ngón tay cái ra hiệu “số dzách” với găng tay caosu màu xanh trên một đống thân thể người hở mông. Người Mĩ mặc y phục sặc sỡ, trong khi đống thân thể kia thì màu xám và hiển nhiên là được cắt ra từ ảnh trên báo, và được tái tạo bằng những chấm thô từ màn hình Benday. Nó hóm hỉnh và có phần bệnh hoạn, nhưng không gợi lên được những cảm xúc như sự tái hiện Baroque về sự tuẫn đạo.



Về loạt tranh Abu Ghraib của Botero, đúng là tri thức của ông tới gần với loại tranh đồ hoạ, thậm chí với những hoạ phẩm sặc sỡ về sự tuẫn đạo của Chúa Kitô do hoạ sĩ châu Mĩ Latin thời Baroque vẽ, máu me chảy xuống từ mão gai, hay từ những vết thương của ngọn dáo đâm trên bộ ngực nát của Chúa. Abu Ghraib theo cách phô diễn của Botero, cũng gợi nhớ đến những trại tù trong tranh thời Baroque, như thấy trong những tranh đề tài Đức bác ái Roma (Roman Charity) về người con gái thăm cha bị xiềng xích và nuôi cha từ bầu vú sữa của mình trong ánh sáng tối tăm của xà lim. Mặc dù những tù nhân được vẽ bằng bút pháp riêng của Botero, nhưng lối cách điệu khá độc địa của ông làm tăng cường độ sự dấn mình của chúng ta vào trong tranh. Một phần là bởi vì xác thịt nặng nề của tù nhân – bị gẫy xương và chảy máu do đánh đập – tất cả trông như càng làm tổn thương thêm với kẻ chịu đau đớn thụ hình. Trong khi khuôn mặt của họ bị mũ chùm đầu, khăn bịt mắt và quần lót phụ nữ che hầu như kín, miệng của họ méo xệch biểu lộ đau đớn, quằn quại. Cánh tay và đôi lúc cặp giò của họ bị dây thừng dày trói lại, đôi khi có thân hình bị treo ngược một cẳng, hoặc cả tứ chi bị cột vào những song sắt ngang dọc tạo thành vách nhà tù. Tất cả đều trần truồng, ngoại trừ khi đang mặc đồ lót của phụ nữ, điều mà người Mĩ hiển nhiên coi là hình thức sỉ nhục tột cùng. Trong một số tranh, có tù nhân nằm ngoài rìa bị một cai tù xịt nước đái lên người. Những cán chổi chòi ra từ hậu môn chảy máu; những người trùm mũ nằm giữa những đống cặn bã. Một số bức tranh cho thấy đàn chó hung dữ như lũ quỷ trong cảnh địa ngục thời trung cổ.

Các tác phẩm này không bán, Botero nói ông không quan tâm đến việc kiếm lợi nhuận từ chúng. Ông đã ngỏ ý tặng loạt tranh này cho nhiều viện bảo tàng ở Mĩ nhưng không bảo tàng nào muốn nhận, tôi cho rằng cũng lí do đó mà khi tôi đến thăm cuộc triển lãm tại Marlborough Gallery, thấy có người đang khám xét an ninh – đây không phải là cảnh thường thấy trong các gallery thương mại.

Botero nêu ý khá mộc mạc rằng, giống như ít người nhớ đến vụ Guernica nếu như không có bức tranh của Picasso, Abu Gharib cũng có thể bị quên lãng nếu ông không vẽ loạt tranh này. Nhưng Abu Ghraib là một biến cố thế giới hơn là một nỗi kinh hoàng dễ xảy ra trong chiến tranh như Guernica. Tuy nhiên, không như bức tranh của Picasso, một tác phẩm Lập thể có thể dùng với chức năng trang trí thuần tuý nếu người ta không ý thức về ý ngĩa của nó, còn loạt tranh Abu Ghraib của Botero nhận chìm chúng ta vào kinh ngiệm của sự khổ nạn. Nỗi thống khổ của tha nhân hiếm khi nào được cảm nhận thân thiết đến thế, còn với những thủ phạm thì ô nhục biết bao.


Xem thêm tranh triển lãm Abu Ghraib của Botero:

http://www.marlboroughgallery.com/artists/botero/artwork.html
http://www.revistadiners.com.co/noticia.php3?nt=24663
http://www.zonaeuropa.com/20050413_2.htm


Bản tiếng Việt © 2006 talawas
Nguồn: "The Body in Pain”, The Nation, số ra ngày 27.11.2006