trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 497 bài
  1 - 20 / 497 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtSân khấu
11.12.2006
Phạm Hồng Thắm
Chuyện lan man giữa hai giáo sư
 
Gọi là chuyện lan man cũng được mà là chuyện có chủ đề cũng được. Vì thực ra, chỉ là chuyện xoay quanh những cái hay cái dở (cái dở là chính) của xuất bản, của sân khấu, của bạn bè trong giới (nghệ thuật) xưa và nay… giữa Giáo sư Tiến sĩ Ðình Quang (nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hoá Thông tin) và nhà nghiên cứu chèo - Phó giáo sư Hà Văn Cầu. Tôi may mắn được ngồi hầu chuyện. Xin ghi lại.
Hà Văn Cầu: Ðấy ông xem, một cuốn của tôi như thế này mà “nó” trả nhuận bút 847.000 đồng.

(Ðó là cuốn “Lịch sử nghệ thuật Chèo”, vừa được Nhà xuất bản Sân khấu cho ra mắt với gần 430 trang; trong đó riêng phần mục lục tham khảo của tác giả đã lên tới 134 tài liệu).

Ðình Quang: Sao lại thế nhỉ? (lắc đầu) Chưa tới một triệu! Lạ… Thế ông vẫn viết bằng tay đấy à? Tôi giờ chỉ làm việc được trên máy vi tính. Tay run lắm, không cầm bút được nữa. Thậm chí, chữ ký của mình khi ký nhiều văn bản, đến những tờ cuối cùng, chính mình cũng không nhận ra (cười).

Hà Văn Cầu: Tôi vẫn viết bằng tay đấy chứ. Mà (vỗ nhẹ tay vào ngực)… chết lâm sàng 2 lần rồi đấy nhé. Nhưng tôi phải tập đấy. (Ðứng lên lấy 2 quả bóng nhỏ bằng đá, dùng để tập cho dẻo các ngón tay).

Ðình Quang: Ông ạ, giáo dục Việt Nam giờ, nó lạ lắm ông ạ… (lắc đầu). Dạy từ trong nhà ra đến ngoài xã hội, mà nhiều đứa trẻ… Thày cô cũng không bảo được!

Hà Văn Cầu: Ðến người lớn giờ cũng…

Ðình Quang: Tôi có thằng cháu nội, hay lắm…

Hà Văn Cầu: Nó mấy tuổi rồi?

Ðình Quang: Hai tuổi. Cháu nội mẹ Ðức. Cháu ngoại bố Pháp. Ðều học trường Tây, nên giỏi lắm. Họ dạy theo phương pháp hiện đại, chứ không như trường ta.

Hà Văn Cầu: Ừ, thế còn vui. Chưa đến lúc nó hỗn đấy!

Ðình Quang: Sân khấu giờ nó buồn cười lắm… Vở hay, vở dở cũng cứ diễn, vở “sống” ra sao chúng nó có nghĩ gì đâu.

Hà Văn Cầu: Như chèo đấy. Tại sao chèo cứ phải kết thúc có hậu. Kết có hậu có phải hay đâu. Ðằng sau cái hậu là cái gì? Con người phải vượt ra khỏi cái gò bó của trật tự đã được xác lập mới tiến lên được chứ!

Ðình Quang: Cái khổ là, những người nghiên cứu về nghệ thuật dân tộc cứ khen đại. Họ khen đúng không sao. Mà khen cái dở cũng chẳng có tội. Cùng lắm người ta không bảo là anh không hiểu, mà bảo là vì anh yêu nước quá. Ðất nước lạ một cái, có truyền thống chống giặc ngoại xâm như thế mà không hề có tích tuồng của Việt Nam, toàn của Trung Quốc. Mà, tôi đếm được theo tài liệu lịch sử, từ xưa đến nay có tới 128 vụ anh em trong triều đình giết nhau. Thật lạ… (lắc đầu).

Hà Văn Cầu: Muốn cho hay chẳng cần học đâu xa. Cứ học cụ Hồ ấy. Cụ bảo: Chèo có cái tốt thì phát triển; Tốt mà chưa hay thì làm cho hay; Cái xấu thì bỏ đi; Cái chưa có thì tìm trong thế giới mà đồng hoá thành của ta. Viết vở giờ phải theo tư duy kiểu “Tây”, thời buổi này, không thể chối bỏ sự ảnh hưởng của thế giới. Chèo là một hoạt động văn hoá. Ðã là “hoạt động” tức là phải có tiến hoá, không được dừng.

Ðình Quang: Những gì là cổ, là di sản thì phải giữ gìn. Còn làm chèo bây giờ thì phải quan tâm đến thẩm mỹ thời đại. Người ta cứ quen mồm: đậm đà bản sắc dân tộc, nhưng nó là cái gì thì chẳng ai nói được. Tôi đã vào khảo sát trong Trường Ðại học Sân khấu. Diễn viên cứ tưởng biết vài điệu múa điệu hát là được, cứ thế là tốt nghiệp đại học, chẳng thấy đọc sách bao giờ. Tôi vào thư viện, xem sổ mượn sách lý luận nghệ thuật, chẳng thấy có ghi một tên của giảng viên, sinh viên nào mượn sách. Chúng nó có chịu đọc sách đâu (lắc đầu).

Hà Văn Cầu: Diễn viên ngày xưa biểu diễn theo kinh nghiệm. Kinh nghiệm đầy đầu như những mẫu mực, khi diễn cứ vận dụng mẫu vào vai mới. Diễn viên bây giờ trong đầu phải có tư duy khoa học, phải sáng tạo, phải có lý luận âm nhạc, lý luận biểu diễn, biết thiết kế động tác của nhân vật; chứ không thuần kinh nghiệm được. Chứ ai lại, khi ra trường về đến đơn vị, đạo diễn làm thị phạm lại cứ bắt chước theo, bao nhiêu mô hình đã học thành ra vô dụng. Vì thế, chèo hoá kịch pha cả.

Ðình Quang: Thời Pháp ấy, học là thực. Chứ nay, vốn dân tộc không biết. Tiếp thu kiến thức ngoài thì không chịu học (lắc đầu)… Cái người hiền lành, chơi với bạn bè thì chí tình chí nghĩa, mà thật khổ là Trần Huyền Trân. Khi tôi vào bệnh viện, cứ nằm nghiêng ấp tai vào cái đài để nghe. Một bên quần rỗng đến đầu gối. Chỉ một câu thơ thôi: “Rót đau lòng ấy vào đau lòng này” đủ để đời. Còn cả cái câu thơ về hát ả đào… Quá hay! Ấy vậy mà khi chết, bà Hạc Ðính phải chạy đến tôi. “Nó” không cho chôn ở khu vĩnh viễn. Tôi phải gửi công văn lên Ban Tư tưởng Văn hoá can thiệp. Lạ, cái xã hội này “nó” phân biệt từ cái quan tài đến cái tiểu sành, đến cái chỗ chôn. Có người không có danh vị khi chết, tôi đến viếng, (đứng lên, làm động tác nghiêm túc trước quan tài) đứng chắp tay nhìn rõ một vết nứt dài dọc theo quan tài. Tiểu sành dùng khi bốc mộ thì vênh váo (lắc đầu). Ðây này (giơ tay chỉ tác giả bài này), đến lượt ông Lộng Chương [1] cũng vậy, cũng phải can thiệp thì mới “đi” được “Thanh Tước”!? Mà có Giải thưởng Hồ Chí Minh đấy.

Phạm Hồng Thắm: Bác Trần Huyền Trân chỉ cần một vài câu thơ thôi đủ để đời. Còn có những người ra hàng nghìn bài thơ, có ai nhớ lấy một câu chú nhỉ. À, không biết tới đây bác Trân có được xét vào cái giải nào không ạ?

Ðình Quang: Có, có đấy. Giải thưởng Nhà nước. Còn có cả Phùng Quán, Lê Ðạt, Trần Dần, Hoàng Cầm…

Phạm Hồng Thắm: Vậy là, rõ ràng quan niệm của “họ” về những con người ấy có một sự thay đổi quay ngoắt đến 180 độ phải không chú? À, từ nãy cháu nghe chú nói nhiều về bất bình đẳng, về phân biệt đối xử trong chế độ hiện tại. Nếu cháu viết về những điều này, chú có ngại không? Bởi, chú nguyên là cán bộ cao cấp của chế độ.

Ðình Quang: (lắc đầu) Chú nói rộng rãi nhiều rồi ấy chứ. Như các bài chú viết: “Ðọc lại Vũ Như Tô, suy nghĩ về thân phận kẻ sĩ”, “Chúng ta thực ra rất hay loè nhau”;… sắp tới đây chú định viết một loạt bài về nỗi khổ của kẻ sĩ… (gật gù) “Chúng nó” cứ bảo, trí thức phức tạp, rắc rối. “Nó” có biết nhiều thì mới phức tạp, rắc rối chứ. Còn cứ thuần không biết gì thì sao mà phức tạp… Những người đẻ ra chủ nghĩa cộng sản là những đại trí thức. Họ đấu tranh cho công nông là những công nông trí thức. Mình vận dụng cho công nông mình là công nông chay (lắc đầu)…

Hà Văn Cầu: Các ông ấy xuất phát từ tình hình xã hội và đề xuất các vấn đề cho xã hội châu Âu, chứ có cho Việt Nam đâu. Mà các ông ấy cũng có biết tuồng chèo là cái đếch gì… À, này ông có biết cách đây vài tháng, Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm gắn Huân chương Lao động hạng Nhất cho Hoàng Chương không? (lắc đầu) Nó mà là giáo sư thì người khác như thế nào?

Ðình Quang: Anh em trí thức người ta biết cả đấy mà. Trường hợp cậu này là như thế này. Trước học ở Rumani về. Rồi sau quen một cậu người Rumani, trước học ở Việt Nam, sau này làm đại sứ Rumani ở Việt Nam. Nó mới cấp cho một cái chứng nhận hàm giáo sư, mà anh em cũng chẳng biết ở đâu cấp. Ở Rumani không có danh sách, ở ta cũng không có trong danh sách.

Hà Văn Cầu: Nhưng mấy ông lãnh đạo nhà nước lại không biết… Tôi biết Corina Cazou, người Rumani. Cô ấy nói: ở bên họ, lên được giáo sư khó lắm, chứ không đơn giản như trường hợp Hoàng Chương đâu.

Ðình Quang: Xét cho cùng thì nó cũng không làm cái gì quá xấu với anh em. Nhưng bị cái háo danh. Ví dụ như: Nó tổ chức một cuộc hội thảo, rồi tập hợp tất cả những tham luận, ra sách, rồi đề chủ biên: Hoàng Chương. Nào có “biên” cái gì! (cười). Trong hai cuốn sách ghi tên các giáo sư với tiến sĩ, không có tên cậu này đâu.

Hà Văn Cầu: Anh em còn nghi ngờ cả chuyện vào Ðảng của nó. Ði thẩm tra nơi nó ghi vào Ðảng, ông Phạm Quang Thuận, Bí thư chi bộ ở nơi đó lắc đầu: Chúng tôi chưa bao giờ kết nạp người có tên như thế ở đây.

Phạm Hồng Thắm: À, chú ơi. Cháu còn giữ một bức thư của một người tên là Trần Trí Trắc viết cho bố cháu khi còn học ở Liên Xô (trước đây), trong thư viết rất thống thiết xin bố cháu gửi cho một tài liệu gì đấy để làm luận văn. Nhân vật này như thế nào ạ. Bởi cháu cũng còn trong tay một số giấy tờ bàn giao giữa bố cháu và anh ta một số tài liệu của bố cháu, cháu đang muốn tìm lại.

Hà Văn Cầu: (vỗ tay vào đùi) ấy, chính cái tay này đi thẩm tra việc vào Đảng của Hoàng Chương đấy. Nó cùng Viện Nghiên cứu Sân khấu mà.

Ðình Quang: Tay Trần Trí Trắc này lại có một chuyện như thế này. Trước là diễn viên Ðoàn Chèo Hà Tây, sau chuyển sang kịch nói. Có mấy vở kịch ngắn dự thi. Khi gửi dự thi, có viết một bức thư gửi Hội đồng viết rất lâm ly, nói rằng sắp “đi xa”. Anh em trong Hội đồng chấm giải cứ nghĩ là nó sắp đi chiến đấu ở chiến trường “B”, chẳng biết sống chết như thế nào, nên cũng… thôi thì cho nó một cái “giải”. Giờ tôi cũng không nhớ là giải gì. Hoá ra là nó đi Liên Xô (trước đây) để học (cười). Cũng còn một vài chuyện tương tự nên nó còn có cái tên “Trần Trí Trá”.

Phạm Hồng Thắm: (cười) Chú dùng cái từ “lâm ly” là gọi đúng cái giọng viết thư cho bố cháu đấy. Thực ra khi đọc cái tên, cháu cũng thấy “nghi ngại”. Sao tên lại thể hiện rõ chất người thế!? Hay thật, ông Trần Trí Trắc lại đi thẩm tra việc vào Ðảng của ông Hoàng Chương…

Hà Văn Cầu: Ðời là thế mà….

(Tất cả cười xoà!)

© 2006 talawas



[1]Tác giả Phạm Hồng Thắm là con gái của nhà viết kịch và hoạt động sân khấu Lộng Chương (chú thích của talawas)