trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 497 bài
  1 - 20 / 497 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtSân khấu
23.12.2006
Nguyễn Bỉnh Quân
"Bà tỷ phú về thăm quê" - Hoài nghi tích cực
 
Sau 50 năm vòng quanh thế giới Bà tỷ phú (The Visit) của Dürrenmatt [1] mới "tới thăm" Việt Nam nhờ dịp kỷ niệm 35 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Thuỵ Sĩ. Dürrenmatt là một nhà viết kịch tiếng Đức nổi tiếng nhất thế kỷ 20 không phải vì những cách tân sân khấu như Brecht mà vì tính bi hài sâu cay và chủ nghĩa hoài nghi cực đoan của mình.

Nhà hát kịch Việt Nam đã dùng tổng lực trong sự hợp tác với đạo diễn R. Straub cũng như hoạ sĩ M. Hauer và nhạc sĩ P. Oser để tạo một vở diễn xuất sắc của mình, vượt xa cái danh xưng khiêm tốn là "một thể nghiệm".

Nếu như các vị khách này đã tìm cách tiếp cận truyền thống sân khấu Việt Nam cũng như đời sống thường nhật của người dân để gieo những hạt giống hoài nghi tự vấn đầy tính thời sự của Dürrenmatt vào tâm trí người xem thì dàn diễn viên thiện nghệ của "những người được viếng thăm" đã rất tự tin khi thể hiện một cái nhìn từ Việt Nam đương đại vào kịch bản của nhà soạn kịch Thụy Sĩ. Những người dân Güllen – Ghi-lèn, từ hai chị quét rác y như ở trước cửa nhà ta, ông thị trưởng, ông cảnh sát… y như ở phường ta, cậu con trai cô con gái như ở nhà ta cũng như bà Cala Sắc, ông Ill - In, các ông chồng thứ 7, 8, 9 của bà Sắc, bộ đôi mù kinh dị Koby, Loby… đều có thể là người Việt Nam, Thuỵ Sĩ, Hy Lạp hay Hàn Quốc… được cả.

Tình thế xã hội châu Âu 50 năm trước trong giai đoạn "thần kỳ kinh tế" Tây Âu với sự giàu lên bất ngờ và sự băng hoại các giá trị cổ truyền, sự hoang mang dịu ngọt và tàn bạo do đồng tiền gây ra là chuyện hôm nay ở đây và cũng có thể là chuyện 50 năm sau ở bất cứ nơi nào.

Thị trấn Ghi-lèn cũ kỹ nghèo khổ chấn động vì đón một bà già tỷ phú về thăm quê. Bà ta bỏ 1 tỷ đô để đòi công lý hiện thân thành cái xác của ông In hiền lành. Ông này từng yêu Cala Sắc, yêu say đắm, làm cô có bầu rồi bỏ rơi cô để lấy một cô gái giàu có. Cô Cala Sắc mất con, bị tống vào nhà chứa. Rồi lấy một tỷ phú chết yểu. Thân tàn với chân giả bằng sắt, tay giả bằng ngà voi, trên người người vô số các thứ giả khác… nhưng trái tim cằn cỗi của cô gái – bà già Cala Sắc vẫn là tim thật với sự trong trắng, khát khao của mối tình đầu và sự tàn bạo, lạnh lùng, kinh dị của lòng thù hận với riêng In và với toàn thế giới (Thế giới đã biến cô thành con đĩ và cô muốn trả thù bằng cách biến nó thành một nhà chứa khổng lồ!)

Trước đề nghị ngạo mạn của Cala thoạt đầu mọi người dân Ghi-lèn đều thề bảo vệ In. Ông này cũng tin như thế vì "Tiền không mua được công lý, tiền không mua được lương tâm". Nhưng rồi một tỷ đô đã gieo mối hoài nghi trong mọi tâm hồn. Sự tiêu dùng và thịnh vượng tới từng ngày như tổ mối đánh đổ dần bức tường thành rệu rão của đói nghèo và những "giá trị truyền thống". Thị trưởng, mục sư, cảnh sát rồi cô bác sĩ, ông thầy giáo… và cả vợ và hai con ông In cũng lâm vào cảnh xói lở "lương tâm" do tiền gây ra. Bản thân In cũng tự hoài nghi, chạy trốn không thành, tự tử không nổi. Cuối cùng ông bị những người dân Ghi-lèn "phán xử" để Cala mang xác ông, cái xác của mối tình tuyệt đẹp, cái xác của ước mơ hạnh phúc về ngôi mộ lộng lẫy bên bờ Địa Trung Hải mỹ miều. In từng phản bội tình yêu, từng mua công lý bằng hai nhân chứng giả, nay Cala mua lại những thứ đó và người dân Ghi-lèn "bán đứng" ông cũng như ông từng mua họ khi ông chạy theo đồng tiền mà phụ bạc người yêu. Mất tình yêu là mất tất, tiền gây ra bất hạnh oán thù và tiền "hàn gắn" mọi thứ. Cái vòng luẩn quẩn bất tận của đồng tiền cũng là vòng bất tận của hoài nghi về các giá trị. Sự hoài nghi lan sang khán giả làm họ tự vấn về mình. Đó là tính tích cực nhân bản của vở diễn. Có lẽ lòng khoan dung là cái được mong đợi?

Cala vừa tốt vừa xấu, vừa là thiên thần trong tình yêu vừa là ác quỷ với đồng tiền. Tất cả các nhân vật đều vừa tốt vừa xấu, vừa tỉnh táo vừa u mê, vừa chân thành vừa giả dối. Không chỉ Thu Hà và Trọng Phan (Cala và In) mà hầu hết các vai diễn đều thành công. Dàn đồng ca, các màn múa, các bài dân ca Việt Nam, âm thanh, ánh sáng đạo cụ và phục trang đều "đạt yêu cầu" bởi được Việt hoá một cách không sống sượng. Mặc dù tính bi át tính hài nhưng vở diễn không quá nặng nề.

Đã rất lâu, chủ yếu thưởng thức sân khấu qua truyền hình, tôi mới được gặp lại sức mạnh thẩm mỹ và tư tưởng thực sự của nghệ thuật biểu diễn qua Bà tỷ phú về thăm quê. Xin chúc mừng nhà hát kịch Việt Nam!

© 2006 talawas



[1]Vở kịch (bản dịch của Lê Chu Cầu) được công diễn tại Hà Nội từ 24 đến 29/11/2006, tại Tp HCM các ngày 5 đến 8 /12 và tại Hải Phòng ngày 23/12/2006