trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 257 bài
  1 - 20 / 257 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học nước ngoài
19.1.2007
Đoàn Cầm Thi
Văn học - Tình dục – Khoa học viễn tưởng
(Đọc Hạt cơ bản của Michel Houellebecq)
 
"L’univers était lent et froid. Il y avait cependant une chose chaude, que les femmes avaient entre les jambes ; mais cette chose, il n’y avait pas accès."

"Vũ trụ chậm rãi và lạnh lẽo. Tuy nhiên cũng có một cái nóng bỏng, là cái mà phụ nữ có giữa hai chân; nhưng cái đó, anh không chạm tới được" (Hạt cơ bản).


Paris. Thu 1998. Mùa sách. Chân dung một tác giả vô danh trên bìa tờ văn học nổi tiếng Lire. Một khuôn mặt nhàn nhạt như triệu triệu đàn ông tứ tuần của giới công chức bậc trung: Michel Houellebecq, tác giả cuốn Hạt cơ bản (Les Particules élémentaires) vừa ra mắt. Nhưng chỉ ngay sau đó Houellebecq sẽ trở thành đứa con ngỗ nghịch của văn học Pháp và Hạt cơ bản sẽ được bán tới 270.000 cuốn trong 40 tuần lễ, làm tốn bao giấy mực và gây tranh cãi hàng tháng trời trong giới phê bình, tại Pháp và 25 nước đã dịch nó. Người ta ví Houellebecq với Céline, nhưng cũng gọi ông là kẻ phá đám và khiêu dâm.

Từ đó tới nay, Houellebecq không ngừng viết. Mỗi tác phẩm của ông là một trái bom trên văn đàn Pháp.

Cuốn thứ ba, Plateforme (2001), đã đưa tác giả ra toà vì nhiều tội, trong đó có tội nhục mạ Hồi giáo, nhưng cuối cùng Houellebecq đã thắng kiện: đất nước ông ưu tiên tự do ngôn luận. Cuốn thứ tư - Khả năng một hòn đảo (La Possibilité d’une île) – sau nhiều ngóng đợi, xuất hiện ngày 1 tháng 9 năm 2005 lại gây sốc cho cả xứ Lục Lăng. Đêm hôm trước, 275.000 bản đã in xong. Không một ai, ngay cả giới phê bình và báo chí, được đọc trước toàn bộ bản thảo. Đương nhiên họ nổi giận và khạc nhổ tanh bành trên các trang nhất: lần đầu tiên một tác phẩm đã thoát khỏi sự kiểm soát của bộ máy khổng lồ này. Cùng lúc xuất hiện ba cuốn sách về "hiện tượng Houellebecq": Au secours, Houellebecq revient của E. Naulleau, Houellebecq ou la provocation permanente của J-F Patricola và Ci-gît Paris ou l'impossibilité d'un monde của C. Cros. Vô tình hay cố ý, tất cả đã tạo nên thành công thương mại của Khả năng một hòn đảo. Nó đổ quân ồ ạt trong mọi hiệu sách Pháp, từ khu La Tinh đến các siêu thị, tầu điện ngầm. Chưa đầy một tuần, nhà xuất bản Fayard đã bán hơn 50.000 cuốn. Houellebecq được gọi là "Zidane văn chương" bởi tài năng, tính hiệu quả và món tiền xoàng bỏ túi 1,3 triệu euro!

Trở lại với Hạt cơ bản, cho đến nay vẫn được coi là tác phẩm quan trọng nhất của Houellebecq. Câu chuyện xoay quanh hai nhân vật chính: Bruno và Michel, anh em cùng mẹ khác cha, sinh năm 1956 và 1958. Cả hai cùng bị bỏ rơi từ thuở ấu thơ bởi chính cha mẹ mình - những trí thức nghệ sĩ ham chơi - và sống với những người bà. Bruno là giáo sư văn chương trong một trường trung học Paris, Michel là nhà nghiên cứu sinh học của Viện Nghiên cứu Khoa học Quốc gia danh tiếng. Một thiên về duy vật chủ nghĩa, một hướng tới thực chứng chủ nghĩa. Nếu cả hai đều bất hạnh cô đơn, thì họ hoàn toàn đối lập trong lĩnh vực tình dục. Bruno chỉ sống cho dục tính và bằng dục tính, dù ít được yêu, mặc cảm xấu trai và chim ngắn. Hạt cơ bản dành nhiều trang cho những cuộc làm tình của Bruno: một mình, hai mình, tập thể... Ngược lại, Michel chỉ sống cho khoa học, không biết yêu, không có khả năng yêu, từ chối mối tình của Annabelle xinh đẹp. Không gian của Bruno là các sex-shops, nhà chứa, minitel hồng, khu nghỉ… Vũ trụ của Michel là căn hộ xám, siêu thị Monoprix và phòng thí nghiệm. Cuộc tồn tại của họ là bằng chứng cho bước mạt lộ của xã hội phương Tây. Kết thúc truyện, Bruno sống mòn ở tuổi 40 trong một bệnh viện tâm thần sau cuộc tự sát của Christiane người tình cuối. Năm 2009, tức là mười năm sau khi Annabelle tự tử, Michel đi tìm cái chết cho chính mình, để lại một khám phá quan trọng liên quan đến tương lai loài người: sinh sản được tách khỏi giới tính (clonage) nhằm tạo nên một loài mới, tạm gọi là hậu nhân loại, bất tử, vô tính, giống hệt nhau. Chính ở đây, khoa học đã gặp tình dục.

Khoa học và tình dục là hai cực của Hạt cơ bản, và tài năng của Houellebecq nằm ở chỗ ông đã thao tác, đào sâu, mở rộng, đan cài với nhiều tuyệt hứng, hai chủ đề văn học hoàn toàn trái ngược nhau - một cũ một mới, một tình cảm một vô cảm. Bằng những câu văn lúc khô khan lúc nồng nàn quyết liệt, không trang điểm, ít tính từ, Houellebecq cuốn chúng ta vào thế giới của từng nhân vật và đặt ra những câu hỏi cơ bản, khiêu khích nhưng mang sức mạnh ghê gớm, về thời đại và con người. Có phù phiếm hay không sự tìm kiếm hạnh phúc dựa trên lựa chọn, tình yêu và lòng nhân từ? Thay đổi bản chất sinh học của loài người phải chăng là cứu cánh duy nhất cho tương lai của chính nó? Như vậy khoa học đứng trên tinh thần? Sinh sản vô tính là thiện hay ác?


I. Tình dục đương đại Pháp: một bức tranh nghiệt ngã

Bốn thập kỷ sau cuộc cách mạng tình dục, liệu văn học còn đủ sức khiêu dâm? Làm thế nào để vẫn lôi cuốn được độc giả phương Tây đã bão hoà nhục dục? Dường như tất cả các tiểu thuyết của Houellebecq đều tìm cách trả lời cho sự thách đố này. Và những tranh luận triền miên xung quanh các "dâm thư" của ông, tự chúng, đã chứng nhận thành công của Houellebecq.

Cụ thể Hạt cơ bản đổi mới đề tài tình dục như thế nào?

Houellebecq sử dụng một văn phong vừa trần trụi vừa rung cảm. Trong khi văn chương ê-rô-tich nói chung ưa uốn éo ẩn dụ tìm gợi huyễn hoặc, Hạt cơ bản đặt các bộ phận sinh dục dưới lăng kính của nhà giải phẫu. Mặt khác, Houellebecq sẵn sàng chạm tới ranh giới của lãng mạn - từ lâu bị coi là quê mùa và lỗi thời - để tạo nên những cảnh dâm dục trắng trợn nhưng đầy xúc động. Đây là lời Bruno kể về mối tình đầu:

“Trông nàng tròn xoe, thân hình đồ sộ cộng với khuôn mặt dè dặt, da quá trắng lại đầy mụn. (…) Nàng có bộ ngực thật là đồ sộ, thậm chí hơi nhão, chắc sau này sẽ sệ xuống một cách khủng khiếp. (…) Tôi đưa tay lại gần và luồn tay xuống dưới cái bao vú, khám phá dần dần bầu vú. Nàng không cử động nhưng người nàng hơi cứng lại, nàng nhắm mắt. Tôi tiếp tục đưa tay đi tiếp, hai núm vú của nàng cứng đanh. Ðó là một trong những giây phút hạnh phúc nhất đời tôi (…) Thật lạ lùng, nàng không chịu để tôi cởi quần lót. Nàng chưa bao giờ làm thế (…) Nhưng nàng không ngần ngại thủ dâm cho tôi, rất hăng hái; tôi nhớ nàng đã mỉm cười. Tiếp đó, tôi đưa cặc lại gần miệng nàng, nàng mút vài cái nhưng không thích lắm. Tôi không ép nàng, tôi nhảy lên ngồi lên người nàng. Khi tôi đưa cặc vào giữa hai vú nàng tôi cảm thấy nàng thực sự hạnh phúc, nàng thốt ra một tiếng rên nhỏ. Ðiều đó kích thích tôi mạnh đến nỗi tôi đứng dậy và kéo tụt quần lót của nàng ra. Lần này thì nàng không chống cự, thậm chí nàng còn nâng hai chân lên để giúp tôi. Quả thật nàng không phải một cô gái đẹp, nhưng âm hộ nàng rất hấp dẫn, hấp dẫn như ở bất kỳ người đàn bà nào khác. Nàng nhắm mắt lại. Vào lúc tôi trườn tay xuống dưới mông nàng, nàng dang rộng hoàn toàn hai đùi. Ðiều này gây cho tôi một hiệu ứng mạnh đến nỗi tôi phóng tinh ngay lập tức, trước khi vào được trong nàng. Một ít tinh trùng dính lại trên đám lông kín của nàng. Tôi vô cùng hối tiếc, nhưng nàng nói không có gì đâu, nàng đã thỏa mãn rồi.” (HCB,103-105) [1] .

Cách nói sống sượng của Houellebecq thường làm một số người phẫn nộ nhưng cũng làm số khác bật cười - phải nói ngay rằng người ta cười khá nhiều khi đọc cuốn sách buồn thăm thẳm này. Nếu đúng là dưới ngòi bút của Houellebecq, âm hộ vẫn là âm hộ, cụ thể, trực diện, nó cũng vượt khỏi phạm trù vật chất để hướng tới siêu hình, thậm chí đứng ngang Chúa trời. Hãy nghe nhân vật của Plateforme nói: “So sánh Đức Chúa với cái gì bây giờ? Trước hết, đương nhiên, với lồn; nhưng cũng có thể với đám khói nghi ngút của nhà tắm hơi. Với bất cứ một cái gì mà trong đó tinh thần tồn tại được, vì cơ thể đã đầy ắp lạc thú và mọi lo lắng thì tiêu tan (…) Trong những khoảnh khắc treo cứng lên như lúc này (…) khi cơ thể nàng đang đạt tới khoái cảm, tôi thấy mình như một Đức Chúa vậy” (P, 169).

Không khoan nhượng cũng là một đặc điểm nữa của văn phong Houellebecq trong tình dục. Như ta đã thấy, ông có thể cho nhân vật của mình thất bại và thất vọng - trong khi về mặt này văn chương thường thích sự đề huề. Cũng vài lần, Houellebecq phiêu lưu vào vùng đất cấm của loạn luân. Bruno kể cho bác sĩ tâm thần học một kỷ niệm với mẹ:

“Mùa hè năm đó, bà làm tình với một anh chàng Canada trẻ tuổi rất cường tráng (…) tôi vào phòng họ, cả hai đều đang ngủ. Tôi do dự vài giây, rồi kéo chăn ra. Mẹ tôi cử động, tôi tưởng chừng bà sắp mở mắt; hai chân bà vẫn hơi dạng ra. Tôi quỳ xuống trước âm hộ bà. Tôi đã đưa tay lại gần nó chừng vài xăngtimet, nhưng không dám chạm vào. Tôi đi ra khỏi phòng để thủ dâm" (HCB, 99). Chưa hết, chỉ vài dòng sau đó, trước thái độ bí hiểm của mẹ, Bruno tự hỏi lúc đó bà có mở mắt không khi cậu đang “nhìn hau háu vào âm hộ bà”.

Nhưng có lẽ điểm mạnh nhất của Houellebecq, là khả năng phân tích sáng suốt và độc đáo cuộc cách mạng tình dục những năm 1960 tại phương Tây. Nếu như ngày nay, người ta đã thận trọng hơn khi phát biểu về thành quả phong trào này – ít ai dám dùng từ “nảy nở”, “hài hoà”, “mỹ mãn”, để nói cuộc sống tình dục hay mối quan hệ nam nữ hiện thời – thì Houellebecq còn đi xa hơn. Ông phê phán không khoan nhượng chủ nghĩa cá nhân trong tình dục: người ta làm tình không phải vì yêu nhau, không phải để đem lại khoái cảm cho bạn tình, mà để thoả mãn bản năng của riêng mình. Hơn nữa, Houellebecq chỉ ra rằng, trong xã hội tiêu dùng, giá trị của mỗi cá nhân được cân đo theo hai đơn vị hoàn toàn độc lập nhau: hiệu quả kinh tế và tiềm năng tình dục. Trong kinh tế cũng như trong tình dục, tự do chủ nghĩa dẫn đến bần cùng hoá, phân biệt đẳng cấp: kẻ giàu người nghèo, kẻ nhiều dục người ít dục. Trước đó, trong tiểu thuyết đầu tay, Mở rộng phạm vi tranh đấu (Extension du domaine de la lutte, 1994), Houellebecq đã viết: “Một số kẻ ngày nào cũng làm tình; một số khác chỉ làm 5, 6 lần trong cả cuộc đời, hay cũng có khi không bao giờ. Một số người làm tình với mấy chục đàn bà, một số khác thì chẳng có ma nào. Đó là cái mà người ta vẫn gọi là ‘luật thị trường’. Trong hệ thống kinh tế cấm thải người, ai cũng ít nhiều tìm thấy vị trí của mình. Trong hệ thống tình dục cấm ngoại tình, ai cũng ít nhiều tìm thấy người bạn đồng hành trên giường (…) Chủ nghĩa tự do kinh tế, chính là mở rộng phạm vi tranh đấu. Tương tự, chủ nghĩa tự do tình dục, chính là mở rộng phạm vi tranh đấu”. Trong tiểu thuyết này, Houellebecq đã mô tả bi kịch của Raphael Tisserand, một nhân viên tin học trẻ nhưng đực tính thấp, trở thành nạn nhân của hệ thống giá trị hiện hành ưu tiên hình thức và hiệu năng tình dục: anh ta sẽ chết mà chưa nếm mùi đàn bà.

Bản thân Bruno của Hạt cơ bản luôn sống trong tủi hổ vì khả năng tình dục kém. Anh coi đó như một tật nguyền: “tôi không được tự nhiên cho lắm, nghĩa là không được thú vật cho lắm – và ở đây vấn đề là một thứ ẩn tì không thể chữa lành: dù tôi có nói gì, dù tôi có làm gì, dù tôi có mua gì, tôi vẫn không khi nào có thể vượt qua được tật nguyền này, bởi nó có tất cả sự hung dữ của một tật nguyền tự nhiên.” (HCB, 85-86). Cay đắng, sợ hãi, mặc cảm bỏ rơi, bị vứt ngoài cuộc, là những tình cảm bắt đầu xâm chiếm Bruno ở tuổi thiếu niên khi anh khám phá tình dục và những qui luật khắc nghiệt của nó trong xã hội tiêu thụ: “Bruno đã nhận ra mình sẽ không bao giờ được giới hippie đón nhận; anh không phải và sẽ không bao giờ trở thành một con thú đẹp. Ðêm đến, anh mơ thấy những âm hộ mở rộng. Vào cùng quãng thời gian đó, anh bắt đầu đọc Kafka. Lần đầu tiên trong đời anh cảm thấy cảm giác về cái lạnh lẽo, về cái băng giá âm ỉ, vài giờ sau khi đọc xong Vụ án anh còn cảm thấy đờ đẫn và mềm yếu hơn trước (…). Vũ trụ chậm rãi và lạnh lẽo. Tuy nhiên cũng có một cái nóng bỏng, là cái mà phụ nữ có giữa hai chân; nhưng cái đó, anh không chạm tới được” (HCB, 86). Sau này, ở độ trung tuần, Bruno vẫn âm thầm nhục nhã vì bộ phận sinh dục khiêm tốn của mình: “Anh rót một cốc whisky và nhẹ nhàng thủ dâm trong khi xem tạp chí Swing Magazine, “quyền khoái lạc” (…) anh có cặc quá nhỏ để có thể thực sự xâm nhập mạng lưới porno” (HCB, 139).

Theo Houellebecq, tự do tình dục phá huỷ tình yêu: “Tình yêu như là sự ngây thơ, khả năng gây ảo vọng, thiên tư thu tóm toàn bộ kẻ khác giới thành một người tình duy nhất, ít khi nào chống đỡ nổi một năm lang thang tình dục, và không bao giờ trụ nổi hai năm” (MRPVTD). Nguyên tắc tiêu thụ dẫn đến cá nhân hoá khoái cảm, cắt nó khỏi nhiệm vụ sinh sản - từ 1967 đến 1975, nước Pháp ra luật cho phép phòng chống thai và phá thai, từ đó giết chết nữ tính trong người đàn bà. Số phận Janine, mẹ của Michel và Bruno, điển hình cho tính hai mặt của cuộc cách mạng tình dục. Janine, thông minh, đẹp gái, lớn lên đúng vào lúc phong trào giải phóng cá nhân đang nở rộ tại phương Tây những năm cuối 1950 đầu 1960. Thoát khỏi xiềng xích kiêng kị, bà lao vào những cuộc truy hoan và từ bỏ trách nhiệm làm mẹ. Bà và hai đứa con sẽ chịu hậu quả của cuộc cách mạng đó. Janine tự do nhưng cũng là nô lệ cho tình dục, có dục tính mạnh nhưng phải chịu qui luật của tuổi già. Bruno và Michel, dù muốn hay không muốn yêu, đều không biết yêu và thất bại trong quan hệ với phụ nữ. Chính ở đây, Houellebecq đi đến tận cùng của luận đề: thiếu âu yếm của mẹ - người đàn bà đầu tiên -, những chú bé như Michel và Bruno đã trở thành những người đàn ông bất hạnh. Cứ như thể, cả cuộc sống của họ sau này, đau khổ hay hạnh phúc, hoàn toàn phụ thuộc vào những năm đầu của tình mẫu tử. Michel không có khả năng hôn Annabelle. Hai mươi năm sau gặp lại, Michel vẫn không thể mở được cánh cửa vào thế giới tình yêu: “Anh thấy thương nàng, với những bể chứa tình yêu mênh mông mà anh cảm thấy đang rên rỉ trong nàng, mà cuộc đời đã làm hỏng cả đi; anh cảm thấy lòng thương, và đó có thể là cảm giác con người duy nhất anh còn có thể có được. Còn lại, một khối giá băng đã xâm chiếm lấy anh; thật sự, anh không còn có thể yêu được nữa” (HCB, 325-326).

Tình yêu của Bruno cũng không đủ lớn để cứu Christiane tàn phế khỏi cái chết thê thảm: "Anh hôn lên má cô, rồi lên môi. ‘Giờ đây, anh nói, em có thể đến sống với anh. Ở Paris’ Cô ngẩng mặt về phía anh, nhìn anh; anh không thể chịu đựng được cái nhìn đó. ‘Anh có chắc không?’, cô dịu dàng hỏi, ‘anh có chắc là anh muốn vậy không?’ Anh không trả lời; ít nhất, anh trì hoãn việc trả lời.” (HCB, 336). Sau cuộc nói chuyện này, cô sẽ cùng xe lăn lao xuống mấy tầng cầu thang. Như vậy, cả hai cặp nhân vật chính của Hạt cơ bản đều là nạn nhân trực tiếp hay gián tiếp của tự do tình dục. Michel và Bruno đã đành. Hai người đàn bà đáng yêu, Annabelle và Christiane, đều chịu chung số phận: Annabelle mắc ung thư tử cung, Christiane mất khả năng vận động, cả hai đã phung phí sinh lực cho hoan lạc rồi quyên sinh khi “các khoái cảm về vật chất của cuộc sống trở nên thấp hơn tổng số những đau đớn” (HCB, 337).

Đến đây chúng ta hiểu phần nào nghịch lý trong những tranh cãi xung quanh tác phẩm của Houellebecq. Một bên, người ta kết tội ông viết văn khiêu dâm. Một bên, người ta thấy ông giáo điều, bởi đã rọi ánh sáng ảm đạm xuống cuộc giải phóng tình dục. Ở đây người ta trách ông vẽ quá nhiều chân dung nữ thảm hại. Ở kia người ta xúc động vì ông ngợi ca nữ tính. Các tiểu thuyết của ông đầy rẫy những người đàn bà “béo như khúc dồi”, “già khú đế”, hay những “con nhãi ranh”. Houellebecq không ngần ngại tấn công nữ quyền, nguồn cơn của những người mẹ “biến chất”, “ích kỷ” như Janine. Nếu độc giả Pháp đã khó tha thứ cho Camus vì câu mở đầu dửng dưng trong Người xa lạ – “Hôm nay, mẹ chết. Hay có thể hôm qua, tôi không biết”, thì họ càng khó lòng chấp nhận chất giọng căm hờn của Houellebecq khi ông mô tả mối quan hệ mẫu tử trong Hạt cơ bản – gặp mẹ đang ở phút lâm chung, Bruno nói: “Bà chỉ là một con điếm già (…) Bà xứng đáng teo (…) sáng sáng khi tỉnh dậy, tôi sẽ đái vào tro tàn của bà” (HCB, 348-349). Nhưng cùng lúc, Houellebecq lại dành những lời đẹp nhất cho phụ nữ, mà ông gọi là “những người đã làm việc cả đời, và làm việc rất nặng, chỉ vì lòng tận tụy và tình yêu”. Hai lần, Hạt cơ bản chép lại một khẩu hiệu tìm thấy trong quảng cáo: “NGÀY MAI SẼ THUỘC VỀ PHÁI NỮ” (HCB, 170, 421). Bằng sắc đẹp và tình yêu, hai nhân vật nữ của Hạt cơ bản, Christiane và Annabelle, làm bật lên những tia lửa rạng rỡ trong cuốn tiểu thuyết âm u này. Cay độc, nghiệt ngã, tác giả đôi lần như mềm lòng trước nhu cầu yêu của các nhân vật, thứ nhu cầu làm nhích lại gần, dù chỉ trong khoảnh khắc, những kẻ mà số phận buộc phải xa nhau.

Chống giải phóng phụ nữ, chống tự do tình dục, Houellebecq là một kẻ bảo thủ, một tên hoài cổ? Trong một cuộc phỏng vấn, ông tuyên bố: “Tôi chỉ muốn viết hiện thực” [2] . Thay vì nam hoá đàn bà như những nhà nữ quyền đề nghị - tức là phủ nhận thiên chức làm mẹ, tranh giành quyền lực và tiến tới cá nhân chủ nghĩa, nhân vật Michel, nhà nghiên cứu sinh học, trên con đường tìm kiếm tương lai mới cho loài người, tự hỏi có nên thiến đàn ông: “Đàn ông thực ra dùng để làm gì? Có thể ngày trước, khi lũ gấu còn đông đảo hơn, nam tính có thể đóng một vai trò nhất định và không thể thay thế; nhưng từ vài thế kỷ nay, rõ ràng đàn ông gần như không còn có ích gì.” (HCB, 223-224). Một câu hỏi chắc chắn ngây thơ, nhưng chỉ ngây thơ một nửa. Nó sẽ là chất xúc tác cho những phát minh khoa học của Michel. Và như vậy Hạt cơ bản không quay về quá khứ mà hướng tới ngày mai.


II. Một tiểu thuyết khoa học viễn tưởng

Trong Hạt cơ bản, Houellebecq tin tưởng rằng, để chống lại suy thoái tinh thần của xã hội hiện đại, chỉ có phương thuốc duy nhất, đó là khoa học. Cuối tiểu thuyết, người ta được biết rằng Michel đã góp phần vào cuộc cách mạng sinh học nhằm tạo nên một nhân bản vô tính, bất tử, chủ nhân của xã hội hậu nhân loại. Xã hội đó được một thành viên của nó mô tả như sau: “Chúng ta đã biết cách vượt qua những quyền lực mà họ đã không thể vượt qua, quyền lực của tính ích kỷ, sự tàn bạo và giận dữ; dù vậy chúng ta sống một cuộc sống khác hẳn. Khoa học và nghệ thuật vẫn luôn tồn tại trong xã hội của chúng ta; nhưng sự theo đuổi Chân lý và Cái đẹp, bớt bị thúc đẩy bởi tính phù phiếm cá nhân, trên thực tế đã mang một tính chất ít cấp bách hơn. Với những con người của loài cũ, thế giới của chúng ta quả là một thiên đường.” (HCB, 427).

Người đọc có nên tin vào tưởng tượng cực đoan của Houellebecq hay không? Bản thân Houellebecq có đặt niềm tin vào viễn cảnh đó? Tính hài hước mỉa mai của Houellebecq cùng toàn bộ tác phẩm của ông cho phép người ta nghi ngờ sự thành thực. Ngay sau Hạt cơ bản, Houellebecq cho in một tập thơ trong đó ông viết những lời tuyệt vọng này:

“Trên cơ thể chúng ta trôi những sóng điện từ
Chúng đi khắp thế giới
Trái tim chúng ta gần như giá lạnh, cái chết phải đến thôi
Cái chết dịu dàng và sâu thẳm
Con người sắp chạy chốn khỏi thế giới
Lúc đó máy móc sẽ đối thoại với nhau
Và tin-học-xúc-động vinh quang sẽ thay thế
Cái xác rỗng của cấu trúc thần thánh
Để vận hành cho đến ngày tận thế” [3] .

Tiểu thuyết cuối cùng của Houellebecq, Khả năng một hòn đảo, không nói gì khác ngoài sự thất bại của sinh sản vô tính: xã hội hậu nhân loại mới buồn bã chán ngán làm sao! Nó bao gồm những Daniel được đánh số từ 2 đến 25, riêng Daniel 25 sống ở mấy chục kỷ nguyên sau loài người. Những sinh vật mới này giống nhau như đúc cùng khuôn từ đời này qua đời khác, không thù hận, không sợ hãi, không xúc cảm, không chủ quan.

Bản thân ý niệm về một xã hội vô tính không có gì mới: chúng ta đang sống trong thời đại clonage và con người nhân tạo chỉ còn là tương lai gần. Đương nhiên, mối quan tâm đặc biệt của Houellebecq về vấn đề này chứng tỏ lòng bi quan sâu sắc của ông về xã hội chúng ta hôm nay. Nhưng điều đáng tranh cãi ở đây chính là văn học - không được quên rằng tác phẩm mà chúng ta đang đọc mang tính hư cấu. Vậy câu hỏi quan trọng vẫn là: việc đưa khoa học, hơn nữa khoa học viễn tưởng, vào tiểu thuyết, đã đem lại cho Hạt cơ bản những hiệu quả nghệ thuật gì ?

Có thể nói Hạt cơ bản là một tiểu thuyết khoa học. Ngay cái tựa đã phần nào gợi nên điều đó: hạt cơ bản là một khái niệm vật lý. Cả cuốn sách xoay quanh hành trình của những nhân vật được tác giả quan niệm như những hạt cơ bản [4] hơn là những cá thể trong một xã hội loài người. Houellebecq ngầm nói với chúng ta rằng con người ràng buộc với nhau không chỉ qua mối liên hệ xã hội hay sinh học mà bằng những hiện tượng nguyên tử.

Cũng ở đây, chúng ta hiểu ý nghĩa đặc biệt mà tác giả trao cho nhân vật người-kể-chuyện. Đó là một kẻ vô danh, vô hình và chỉ đến phút cuối cùng, chân diện mới được xác định. Thời điểm kể chuyện là năm 2079 - tức là 50 năm sau khi con người nhân tạo đầu tiên được phát minh và 70 năm sau ngày mất của Michel. Thuộc về thế giới hậu nhân loại do chính Michel kiến tạo, người-kể-chuyện thuật lại thời đại của chúng ta - những năm cuối của thế kỷ 20 - và đặt nó trong thời quá khứ xa. Điều đó giải thích âm hưởng khác lạ trong phần Mở đầu của Hạt cơ bản: “Cuốn sách này trước hết là câu chuyện về một con người đã sống phần lớn cuộc đời mình ở Tây Âu nửa sau thế kỷ XX (…) Ðất nước nơi ông sinh ra, chậm rãi nhưng không thể đảo ngược, rơi vào vùng kinh tế của những nước kém phát triển; thường xuyên bị sự khốn cùng rình rập, con người của thế hệ ông còn phải sống trong cảnh cô đơn và cay đắng. Tình yêu, sự dịu dàng và nhân ái gần như đã biến mất hẳn; trong quan hệ với nhau những người cùng thời với ông thường xuyên tỏ ra bàng quan, thậm chí tàn bạo”. Tương tự, câu cuối cùng của tiểu thuyết - “Cuốn sách này đề tặng con người” – vô hình chung là lời viết trên bia mộ cho một loài đã vĩnh viễn biến mất trên hành tinh. Trước đó, với giọng lạnh lẽo, người-kể-chuyện mô tả sự xoá sổ, cơn hấp hối, của nhân loại: “Trái ngược với tất cả những tiên đoán bi quan, sự xóa sổ đó diễn ra trong yên bình, dù cũng có một vài hành động bạo lực đơn lẻ, với số lượng người tham gia giảm dần theo năm tháng. Thậm chí người ta còn phải kinh ngạc khi nhận thấy những con người đó đón nhận sự tuyệt diệt của chính mình với thái độ nhẹ nhàng, nhẫn nhịn và có lẽ còn thanh thản ngấm ngầm đến thế” (HCB, 427). Tóm lại, việc chọn một người-kể-chuyện như thế cho phép tiểu thuyết có một cái nhìn trung tính, tạo khoảng cách với câu chuyện đang kể. Hơn nữa, thành viên của một loài gần như vô cảm, lại không có cá nhân tính, người-kể-chuyện chưa bao giờ nói “tôi”: đại từ “chúng ta” chỉ xuất hiện ở những trang cuối của cuốn sách.

Nhân vật trung tâm của Hạt cơ bản trên hết vẫn là Michel, nhà khoa học, như chính phần Mở đầu đã thông báo: “Cuốn sách này trước hết là câu chuyện về một con người đã sống phần lớn cuộc đời mình ở Tây Âu nửa sau thế kỷ XX (…) Khi chết đi, Michel Djerzinski được đồng loạt nhìn nhận như một nhà sinh học hàng đầu, người ta từng nghiêm túc nghĩ đến việc trao giải Nobel cho ông” (HCB, 15). Không phải ngẫu nhiên mà tác giả đã trao cho nhân vật này tên riêng của mình, Michel [5] . Bên cạnh Michel, nhân vật Bruno ở vị trí đối lập và bổ sung. Và cả tác phẩm sẽ được cấu trúc theo lối soi gương: phần thứ nhất – “Vương quốc đánh mất” – dành cho cả hai anh em ; phần thứ hai – “Những khoảnh khắc kỳ lạ” – nói về Bruno là chính; phần thứ ba – “Bất tận cảm xúc” – hoàn toàn thuộc về Michel. Chia nhau không gian, họ cũng san sẻ cùng nhau thời gian: trong khi Bruno bận tâm vì những gì đang xảy ra, Michel đầu tư hoàn toàn vào phía trước.

Câu chuyện của Bruno là điểm khởi đầu cho những phân tích của tác giả về lịch sử và xã hội để dựng nên một bức tranh hiện thực của một thế hệ. Nhân vật này được quyền kể lại những kỷ niệm và sự kiện liên quan đến anh. Ngược lại, câu chuyện của Michel là chỗ tựa cho những phát triển của Houellebecq có tính chất lý thuyết về vật lý và di truyền học. Tuy là nhân vật trung tâm, Michel ít khi là người phát ngôn và không bao giờ được nói trực tiếp về bản thân mình. Điều này nằm trong logique của Hạt cơ bản, Michel là con người của khoa học, anh hướng về sự trung lập. Nói cho cùng, kinh nghiệm của Michel về cuộc sống thường qua trung gian của Bruno va Annabelle: ngoài chấn thương tinh thần thời thơ ấu, thế giới của anh thu gọn giữa căn hộ khép kín, siêu thị Monoprix cạnh nhà và phòng thí nghiệm. Dửng dưng trước tình yêu và phụ nữ, anh chỉ biết đến khoa học. Ngược lại, Bruno đắm mình trong sự kiện - lấy vợ, có con, ly dị, nhập viện tâm thần, bắt tình nhân, tìm gái điếm…, trong cảm xúc – yêu, ghét, tủi nhục, hưởng thụ… Nhưng hai anh em thực sự gắn bó và thường xuyên trò chuyện cùng nhau. Vì vậy, nếu Bruno cung cấp chất liệu sống cho những lý thuyết thuần tuý của Michel, thì Michel lại tìm ra giải pháp cho những vấn đề mà Bruno mắc phải. Có thể nói, chính Bruno, bằng trải nghiệm tình dục của mình, đã hướng Michel vào công trình sinh sản vô tính. Vì vậy Hạt cơ bản là một tiểu thuyết trong đó lý thuyết và thực tiễn đi liền nhau, đan xen nhau, để hướng tới tham vọng cuối cùng: chuyển hoá loài người.

Houellebecq có lẽ là tác giả đầu tiên đối xử với các nhân vật của mình như những dữ kiện khoa học, những ca lâm sàng. Đây là đoạn tả cơ thể thiếu nữ của Annabelle: “Từ tuổi mười ba, dưới ảnh hưởng của các hoocmôn progestérone và oestradiol tiết ra từ buồng trứng, các mô mỡ nổi phồng lên ở người thiếu nữ ở khoảng ngực và mông. Những bộ phận này, trong trường hợp tốt nhất, có được một dáng vẻ đầy đặn, hài hòa và tròn trịa; nhìn ngắm chúng tạo cho người đàn ông một ham muốn mãnh liệt. Cũng như mẹ mình vào cùng tuổi đó, Annabelle có một cơ thể rất đẹp…” (tr. 81-82). Đây là trích đoạn tả xác chết của người ông : “Năm 1961, ông ngoại mất. Dưới khí hậu của Trái đất chúng ta, một cái xác động vật có vú hoặc chim chóc thoạt tiên hấp dẫn các loại ruồi (Musca, Curtonevra); và ngay khi sự phân rã đạt đến một mức độ nào đó, rất nhiều các sinh vật khác nhảy vào cuộc chơi, đặc biệt là loài Calliphora và Lucilia. Dưới tác động tổng hợp của các vi khuẩn và dịch tiêu hóa do các ấu trùng tiết ra, cái xác dần hóa lỏng và trở thành nơi lên men của các phân tử butiric và amoniac. Sau khoảng ba tháng, lũ ruồi hoàn thành tác phẩm của mình” (HCB, 58-59).

Hạt cơ bản dành cho khoa học chính xác một vị trí ưu tiên: bên cạnh những giấc mơ, những lời đối thoại, những bài thơ, ta gặp những trang dài bàn về lý thuyết của Niels Bohr, Einstein hay những thí nghiệm của Alain Aspect. Ngược lai, tiểu thuyết tiên đoán thất bại của khoa học nhân văn. Qua lời của người-kể-chuyện, Houellebecq nói: "Sự lố bịch hoàn toàn mà các công trình của Foucault, Lacan, Derrida và Deleuze đột ngột rơi vào sau nhiều thập niên được tán dương quá lố, đã không dẫn đến một tư tưởng triết học mới mẻ nào" (HCB, 424).

Xoá bỏ loài người, thiết lập một thế giới hậu nhân loại với những khái niệm hoàn toàn mới, phi cá nhân, phi gia đình, phi truyền thống, phi giai cấp: cuộc cách mạng ở đây đã vượt khỏi phạm vi khoa học. Trong chừng mực nào đó, Houellebecq nói với chúng ta rằng physique (vật lý) đang trở thành métaphysique (siêu hình học). Chính ở điểm này Hạt cơ bản là một tác phẩm cực kỳ hiện đại: từ chối xây dựng nhân vật theo tiêu chuẩn kinh điển - tâm hồn, chiều sâu tâm lý, phẩm chất đạo đức, ý thức/vô thức - Houellebecq nhìn con người theo những tham số khoa học như hoocmôn hay chỉ số thần kinh, nói về thời đại của mình bằng ngôn ngữ của chính nó. Ở Houellebecq, người ta bắt gặp một nhà văn đích thực, kẻ không ngừng đi tìm lời giải đáp mới cho những câu hỏi về bản chất con người, ý thức cá nhân, tự do, tình dục, tình yêu…, bằng phương tiện của chính thế hệ mình: văn học, lịch sử, xã hội học, kinh tế học, triết học, vật lý, sinh học.

Hạt cơ bản là cuốn sách đã làm thay đổi diện mạo văn chương Pháp đương đại.

Paris, 8 tháng 1 năm 2007

Bài tham khảo 

  • Catherine Argand, "Michel Houellebecq", in Magazine Lire, septembre 1998.
  • Pierre Cormary, "Houellebecq, notre frère", in Le Journal de la culture, Septembre-Octobre 2005.
  • Laurence Dahan-Gaida, "La fin de l’histoire (naturelle): Les particules élémentaires de
  • Michel Houellebecq", in Tangence, Histoires naturelles, Numéro 73, Automne 2003.
  • Victoria Déodato, La femme dans l'univers romanesque de Michel Houellebecq, mémoire de maîtrise, département des lettres modernes, Université de Provence, 2005.
  • Christian Monnin, "Le roman comme accélérateur de particules. Autour de Houellebecq", Liberté, Montréal, vol. 41, n° 2, avril 1999, p. 11-28.
  • Michel Houellebecq, Etudes réunies par Sabine van Wesemael, Rodopi, Amsterdam/New York, NY, 2004, 155 pp.




[1]Tất cả các câu dẫn trong bài này được trích theo bản dịch Hạt cơ bản của Cao Việt Dũng, NXB Đà Nẵng, Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây, 2006.
[2]Fabio Gambaro, "Le romancier qui divise la France", in La Repubblica, 17/05/99
[3]Poésies, Editions J’ai lu, 1999, tr.64.
[4]Trong nguyên tác, hạt cơ bản được tác giả dùng ở số nhiều: “Les particules élémentaires”.
[5]Còn họ, Djerzinski, Houellebecq vốn hài hước và khiêu khích, đã lấy của Felix Djerzinski, người sáng lập ra Tchéka, tiền thân của công an Nga KGB.
Nguồn: Bài do Nhà sách Kiến Thức cung cấp cho talawas