trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 235 bài
  1 - 20 / 235 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Ngôn ngữ
27.1.2007
Nguyễn Ước
Góp ý về hai tiếng “Việt kiều”
 
Tôi hoàn toàn đồng cảm với những ưu tư và đề nghị của ông Dũng Vũ về hai tiếng "Việt kiều" nhưng xin được góp ý như sau:


1.

Tôi hiện sống ở Canada là nơi người Việt ra đi từ hai miền Nam và Bắc, bằng những cách khác nhau và có lẽ số lượng không hơn kém nhau bao nhiêu. Tôi không thấy tại đây có hiện tượng phân biệt Việt "kiều" và Việt "cộng", mà chỉ gọi nhau và đều xưng là “Việt kiều”.


2.

Theo chỗ tôi biết, nguồn gốc chữ “Việt kiều” (như được dùng hiện nay) không có tính cách hộ tịch hoặc văn hóa. Nó có nguồn gốc chính trị.

Thoạt tiên, “Việt kiều” là tiếng được người bản địa dùng để gọi người Việt sống ở nước họ, và rồi chính những người “Việt kiều” ấy quen miệng dùng để gọi nhau theo ý nghĩa phân biệt với những người có gốc Việt sống đã lâu và đã nhập quốc tịch bản địa (đặc biệt tại Pháp). Sau đó, tiếng “Việt kiều” được Đảng và Nhà nước Hà Nội cùng các đại sứ quán của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại nước ngoài “tiện thể dùng luôn” trong thời gian có cuộc chiến tranh chống Mỹ, khoảng bốn năm chục năm trước. Tiếng “Việt kiều” từ lúc ấy mang nội dung chính trị, thường được dùng kèm với chữ "yêu nước" thành cụm từ "Việt kiều yêu nước" để chỉ những người Việt sống ở Pháp và Canada ủng hộ đường lối và chính sách của Ðảng và Nhà nước Việt Nam hồi đó. Nghĩa là nó dùng để chỉ những người tích cực “thân cộng” thuở ấy và để phân biệt với "Việt kiều không yêu nước" là những người có thái độ “tiêu cực” hoặc có lập trường ngược lại. "Việt kiều yêu nước" đi chung một đường hướng chính trị và một luồng với các cụm từ "Công giáo yêu nước", "Phật giáo yêu nước", "trí thức yêu nước", v.v.

Thí dụ như ở Paris, vào thập niên 1960, có Hội Phật tử Việt kiều Hải ngoại mà ông Võ Văn Ái là Tổng Thư ký Ban Chấp hành Trung ương, và các hội sinh viên Việt kiều ở Pháp; ở Montréal có các hội sinh viên Việt kiều của các sinh viên du học thời đó mà hạt nhân là chi bộ cộng sản hải ngoại (sau 1975, chi bộ này được Trung ương ĐCS mặc nhiên giải tán, các đảng viên không còn đảng tịch vì hình như chi bộ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị); tại Toronto có Hội Việt kiều do các sinh viên du học trước năm 1975 thành lập, về sau có sự tham gia của nhiều thuyền nhân nên biến thành Hội Người Việt Toronto. Tôi từng là phối trí viên toàn thời gian của Hội Người Việt Toronto vào đầu thập niên 1990. Việc Đảng và Nhà nước dùng từ "Việt kiều" từ “thời chiến tranh và ‘yêu nước’ như một đạo quân thứ năm đó” có lẽ đã thành quen, như vô số thuật ngữ chính trị khác của Đảng đã lậm vào người từ năm sáu chục năm nay.


3.

Trong khi chờ đợi được gọi "chính danh", cá nhân tôi không thật sự cảm thấy thắc mắc hoặc khó chịu khi bị gọi là Việt kiều. Bởi lẽ:

  1. Về mặt ngôn ngữ thường có hiện tượng chữ dùng không chuyên chở đủ và đúng nội dung ý nghĩa. Cái "chợ ngôn ngữ" nó vốn thế. Dùng lâu thành quen, miễn sao hiểu được ngụ ý của người dùng thì thôi. Chữ đến và đắt hàng, tới lúc ế ẩm thì biến mất, kể cả một số danh từ khoa học và pháp luật. Biết làm sao hơn. Có nhiều từ ngữ tiếng Việt cần sự xác định và sự đồng thuận của cả xã hội hơn (thí dụ “dân chủ”, “hòa hợp hòa giải”, “chế độ”, “đất nước”, “tổ quốc”, “dân tộc”, “đoàn kết đoàn kết đại đoàn kết”, v.v.) mà mình không làm gì được thì sá gì một chút “hình danh sắc tướng”! Nhất là lúc này danh xưng ấy có lẽ không làm lợi lắm cũng chẳng gây hại nhiều cho những người bình thường, cả trong lẫn ngoài nước.

  2. Nếu về mặt "chính danh" chữ “Việt kiều” hiện nay đã sai thì cụm từ “đồng bào hải ngoại” lại càng không đúng. Cụm từ “đồng bào hải ngoại” khiến tôi không khỏi cảm thấy chua xót vì tiếng "đồng bào" (chung một bào thai) của nó. Những chữ “người Việt hải ngoại” cũng làm cho mình bùi ngùi vì chính sách (ít nhất là xin visa, hai giá...) của Ðảng và Nhà nước đối với người Việt, cả Việt nội lẫn Việt ngoại. Còn "khúc ruột ngàn dặm", nghe rất có ấn tượng, nhưng đó là cụm từ hơi bị “ai đó mới gọi" chứ chưa hẳn là hình ảnh mà người Việt sống ở nước ngoài "tự sáng tạo hoặc muốn được gọi".

4.

Danh xưng "Việt kiều" (như đang được dùng) có nguồn gốc chính trị rõ rệt như thế nên có lẽ phải chờ tới lúc Ðảng và Nhà nước cảm thấy cần điều chỉnh. Thôi thì chúng ta hãy cứ tạm thời dùng nó, để gọi nhau giữa người Việt trong nước và ngoài nước. Cái quan trọng vẫn là bụng dạ, chính sách và mức độ áp dụng chính sách của Nhà nước Việt Nam đối với “Việt kiều”.

© 2007 talawas