trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 257 bài
  1 - 20 / 257 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học nước ngoài
27.1.2007
Cao Xuân Tứ
Giới thiệu tiểu thuyết Sức mạnh bí ẩn của Louis Anne Marie Couperus
 
Đông là Đông và Tây là Tây; Đông và Tây chẳng bao gigặp nhau
Rudyard Kipling [1]


Tiểu thuyết Sức mạnh bí ẩn của Louis Couperus, bản dịch của Cao Xuân Tứ
Louis Anne Marie Couperus (1863-1923) là một trong những tên tuổi lớn của nền văn chương Hà Lan. Cùng với Multatuli [2] , ông góp phần cách tân diện mạo văn xuôi đương thời, đặc biệt với cuốn tiểu thuyết Sức mạnh bí ẩn (De Stille Kracht) được coi như tác phẩm kinh điển về chế độ thuộc địa ở Đông Ấn, hay Indonesia ngày nay.

Couperus xuất thân từ một gia đình thượng lưu Hà Lan, vốn sinh tụ lâu đời trên đất Đông Ấn. Cố nội ông, Abraham Couperus, từng giữ chức thống đốc Malacca (nay thuộc Malaysia) thời kỳ Hà Lan còn kiểm soát vùng đất này. Người cha, John Couperus, tốt nghiệp khoa luật đại học Leiden, nhiều năm phục vụ trong ngành tư pháp Đông Ấn. Mẹ ông dòng dõi quý tộc, ông ngoại có thời làm Toàn Quyền Đông Ấn. Là con trai út trong một gia đình đông con, lại thêm thể trạng yếu ớt nên ông được nuông chiều từ tấm bé, luôn quấn quýt bên mẹ - có người cho rằng sở dĩ ông cưới cô cháu Elizabeth làm vợ nhằm lấp cái hụt hẫng tình cảm sau khi bà mẹ qua đời và cũng để ngụy trang sự đồng tính luyến ái của mình. Những năm tháng niên thiếu sống ở Java in dấu sâu đậm trong đời sống và tác phẩm của ông sau này.

Trở về Hà Lan, ông khá lận đận với nghiệp bút nghiên, thi mãi không đỗ hòng nối nghiệp cha vào ngành công chức thuộc địa. Thích văn nghệ từ nhỏ, ông bắt đầu sáng tác. Tuy nhiên, tập thơ đầu tay xuất bản năm 1884 chưa gây được tiếng vang. Bốn năm sau cuốn tiểu thuyết đầu tiên Eline Vere, kể về một phụ nữ lịch lãm, đa cảm thuộc giới thượng lưu Hà Lan, khiến danh ông vang rộng khắp văn đàn. Ngòi bút của ông hướng tới mọi chiều cạnh của đời sống văn hóa - xã hội, chính trị cuối thế kỷ 19 và thể hiện dưới các thể loại đa dạng như tiểu thuyết, truyện ngắn, du ký…

Phải thừa nhận Couperus là sản phẩm của thời đại đó, một hiện thân cho trường phái lãng mạn “thoái trào” ở Âu châu những thập niên cuối thế kỷ 19. Nét đặc trưng của phái này là chuộng những gì gợi cảm, lạ lẫm, thậm chí có tính cấm kỵ, đề cao giá trị thẩm mỹ, văn phong trau chuốt, hơi hướng hoài cổ, sướt mướt và thích khơi lại các huyền tích.

Couperus tính cách phức tạp, không chịu gò ép theo khuôn sáo. Người ta ví ông như “giò phong lan giữa đống hành củ” trong bài điếu văn sau này. Ông say mê cái mập mờ nơi lằn ranh giới hai cực phương Tây (mẫu quốc Hà Lan) và phương Đông (thuộc địa Đông Ấn). Thêm vào đó, bản chất tinh tế, mẫn cảm là nhân tố giúp ông viết nên những trang để đời về thời kỳ thuộc địa của Hà Lan.


*


Dịch giả Cao Xuân Tứ
Như phần lớn mảng văn chương thời thuộc địa, Couperus viết Sức mạnh bí ẩn dưới nhãn quan châu Âu, dựa trên nguồn dữ liệu thu thập được trong chuyến du hành khá dài ở Đông Ấn giữa tháng ba 1899 và tháng hai 1990. Thời điểm đó ông đã là nhà văn thành danh tại mẫu quốc. Sang Java, hai vợ chồng ông tá túc nhà cô em Trude, có chồng là Valette đang làm Trú sứ ở Tegal. Mấy tháng sau Valette được thuyên chuyển đến Pasurian, một quận lớn nơi miền đông Java và Couperus cũng theo về đấy. Có thể xem thị trấn Laboewangi trong Sức mạnh bí ẩn như phiên bản khá trung thực của Parusian.

Nhân vật chính, Van Oudijck bốn mươi tám tuổi, làm Trú sứ Laboewangi. Đấy là một người đầy tự tin, thực tế, liêm khiết, tận tụy với công việc. Ông có bốn con với bà vợ đầu người lai, nay đã ly dị: cậu Théo hai mươi ba tuổi, cô Doddy mười bảy và hai thằng bé René và Ricus. Hiện ông sống với bà thứ, Léonie, người da trắng, xấp xỉ ba mươi, không sinh con. Léonie chẳng bận tâm đến chồng, đến công việc và địa vị của ông mà chỉ chú mục sống để hưởng lạc. Ngoài việc thậm thụt đi lại với Théo, con trai chồng, bà còn manh tâm muốn chiếm đoạt Addy De Luce, một anh chàng lai đẹp mã - người tình của Doddy, con gái chồng.

Trong khi gia đạo rối rắm như thế mà quan hệ giữa Van Oudijck với viên Phụ chính bản địa, người được dân địa phương sùng bái như vị thánh sống, đầy uy phép thần thông thì ngày một xấu đi. Thực tế cho thấy, muốn công việc được suôn sẻ Van Oudijck rất cần sự hợp tác của viên Phụ chính Soenario. Điều này có căn nguyên từ chính sách thuộc địa của Hà Lan là lợi dụng hàng ngũ quý tộc địa phương kế tục “cha truyền con nối” để trị dân. Thế nhưng quan hệ hai bên lên đến cao trào đối kháng khi Van Oudijck cách chức em trai Soenario, là Phụ chính quận lân cận, về tội say rượu, đánh bạc và làm thâm hụt công quỹ. Sau đó liên tiếp xảy ra nhiều hiện tượng lạ lùng: Léonie bị phun nước trầu vào người trong phòng tắm, Van Oudijck phát hiện giường mình bị ô uế; cái cốc vỡ tan khi nhấc lên; ly whisky-sôđa vừa pha bỗng đổi màu; ban đêm có tiếng nghe như trẻ con bị bóp cổ, đang yên tĩnh thì ai đó ném đá vào sảnh đường… Tin đồn dân chúng sắp nổi loạn lan ra khắp nơi.

Van Oudijck trực tiếp chất vấn Soenario và bà mẹ - người giữ thực quyền trong cái đại gia đình quý tộc kể từ lúc ông Phụ chính già về chầu tiên tổ. Mọi chuyện kỳ bí chấm dứt. Van Oudijck hãnh diện bởi trị được tay Phụ chính thâm độc. Nhưng ưu tư đâu đã hết. Bà vợ Léonie nghi mình đã bị trừng phạt vì tội loạn luân nên dần xa lánh Théo, thế nhưng lại ra sức quyến rũ Addy khiến Doddy giận muốn phát điên. Thư nặc danh gửi tới tấp tố giác hành vi thác loạn của vợ ông. Addy còn dẫn “tình địch” Théo đến gặp một gã người lai tự xưng là con rơi ngài Trú sứ, sống lang bang nơi thôn xóm. Kẻ này lâu nay vẫn thẳng tay tống tiền ông bố hờ để trả thù cái hận bị bỏ rơi từ bé. Chiến dịch thư rơi làm mọi người điên đảo, bầu không khí nghi kỵ, ghen tuông bao trùm gia đình ông Trú sứ. Van Oudijck ngày càng tiều tụy về thể xác, bải hoải cả tinh thần, không còn thiết gì đến lợi danh, rốt cuộc lui về ẩn dật với cô nhân tình bản xứ nơi đèo heo gió hút trong nội địa Java.

Theo nhận định của nhà nghiên cứu văn hóa Ian Buruma, cốt truyện Sức mạnh bí ẩn xoay quanh ba yếu tố: suy tàn, sợ hãi và vỡ mộng. Dưới mắt Couperus, nền thống trị của Hà Lan cứ lụi bại dần trên dải đất Đông Ấn thù nghịch, xa lạ kia. Những nhân vật da trắng “thuần túy” trong truyện, từ Trú sứ Van Oudijck (“óc duy lý, xét việc điềm tĩnh, quyết đoán nhanh”) đến cặp vợ chồng tham tá Eldersma (anh chồng Onno “viên chức gương mẫu, kẻ làm việc bàn giấy,” cô vợ Eva “ngoài chất nghệ sĩ còn là người thực tế”) đều lần lượt bị cái sức mạnh kỳ bí ẩn tàng của đất nước Đông Ấn đánh gục, phải trở về châu Âu hoặc chọn theo lối sống dân bản địa (“go native”) như ông Trú sứ Van Oudijck!

Vậy cái “sức mạnh bí ẩn” ấy là gì? Có người chỉ trích Couperus đã tỏ ra thiếu chính xác về các biến cố mang màu sắc siêu nhiên trong cuốn sách này. Bản chất của “sức mạnh” đó ẩn mờ không hiển thị. Theo nhà Hà Lan học E. M Beekman thì Couperus, vốn theo trường phái lãng mạn, tin ở thế giới siêu nhiên. Một phần là phép ma thuật và phần khác là tín ngưỡng thần bí của dân Java. Hai mươi năm sau khi cuốn tiểu thuyết ra mắt độc giả chính Couperus thừa nhận rằng “có những sức mạnh tốt cũng như xấu bao quanh chúng ta trong cuộc sống thường ngày… và người phương Đông có khả năng chế ngự những sức mạnh này hơn là người phương Tây - vốn tính cách thực tế, thường dồn hết tâm trí cho công việc.”

Kẻ có khả năng điều khiển những sức mạnh ấy là viên Phụ chính Soenario, thuộc dòng dõi quý tộc lâu đời, một cái gai trong mắt ông Trú sứ Hà Lan. Ở đây, cái tính lưỡng phân (dualism) toát lên một cách rõ rệt. Van Oudijck xem Soenario “là kẻ cuồng tín… ẩn mình sau bức màn bí ẩn… sống trên mây… công tử bột tha hóa…,” còn chàng quý tộc Java coi kẻ thống trị Hà Lan như “loài chó thấp hèn... vô thần… lấy tư cách gì mà dám quan tâm đến ông, gia đình ông, dòng họ quý tộc bất khả xâm phạm của ông…”

Dưới ngòi bút Couperus, Van Oudijck hiện lên như một kẻ yêu trật tự, chuộng sự cụ thể, hết lòng với công việc, thiết tha với nhiệm sở… Cuộc tranh chấp giữa Van Oudijck và Soenario phải chăng là cuộc giằng kéo giữa hai thế lực đối chọi: một bên dựa trên duy lý, hệ thống hành chính tinh vi, những gì công khai, quy củ; một đằng theo duy tâm, ma thuật, mờ ảo, huyền bí. Thế giới của Van Oudijck là ban ngày, biểu trưng qua cái lọng vàng giương to như “mặt trời,” nghi trượng của kẻ cai trị; còn thế giới của Soenario là đêm tối, với ánh trăng khuya diễm ảo.

Trong Sức mạnh bí ẩn, Couperus sử dụng những biểu tượng mang đầy tính rập khuôn (cliché) qua lăng kính của kẻ chinh phục từ phương Tây mà Edward Said [3] từng đề cập. Theo đó, phương Đông hiện thân cho nguyên lý thụ động, tính âm (mặt trăng), bí ẩn, trì trệ và duy cảm; phương Tây biểu trưng nguyên lý hành động, tính dương (mặt trời), công khai, hiện đại và duy lý. Nhân vật Van Oudijck còn là người duy ý chí. “Từ trước đến nay ông vẫn thành công trong những gì ông quyết tâm thi hành…cái ông muốn đạt được không những vì mục tiêu công vụ…thực ra nó bắt nguồn từ tính nhân bản, từ cái phần cao quý nhất của ông…” Đây là cốt lõi của cái vẫn được gọi là “sứ mệnh khai hóa” (mission civilisatrice), “trọng trách của người da trắng” (white man’s burden) những nhãn mác nhằm cổ súy cho chủ nghĩa thực dân suốt mấy thế kỷ qua.

Nhưng Couperus chẳng những không dựa vào các điệu thức so sánh này để biện minh cho chủ nghĩa thực dân mà còn vạch ra tính vô hiệu của chế độ thuộc địa bởi lẽ “sức mạnh bí ẩn” phương Đông tất sẽ đánh bại cái duy lý phương Tây.

Thất bại của Van Oudijck là bước thối lui của kẻ duy lý trước những mâu thuẫn nội tại và ngoại cảnh. Mang trong mình dòng máu da trắng “thuần tuý,” ông ghét những gì tạp chủng. Trớ trêu thay, người vợ trước và mấy đứa con ông đều là dân lai. Bà vợ hiện thời tuy người da trắng đấy nhưng đâu có mụn con nào. Trái ngược với ông vẫn đêm ngày chăm lo công việc, con cái ông thì lười nhác. Cậu Théo “tính tình bông lông… ba năm mà đã chuyển năm công ty, giờ chỉ quanh quẩn ở nhà ăn không ngồi rồi…” Cô Doddy chẳng thấy học hành gì chỉ mong đêm xuống để hú hí với anh chàng Addy, một “con thú đẹp mã còn trí tuệ thì tha hóa thành con số không to tướng…”
Cái thất bại của Van Oudijck chính là về mặt tinh thần. Sau những sự kiện ma quái, kể từ khi thấy rõ hành vi thác loạn của vợ ông, nhất là vụ dan díu với Addy - lại một kẻ tạp chủng nữa - cộng thêm con cái trong nhà thù nghịch với mình, ông đâm mất tự chủ, xuống dốc rất nhanh, trở nên “hay bưng bít sự việc, hay tự bào chữa, không còn nghiêm minh như trước, thích biện pháp nửa vời...”. Thế là con người duy lý, duy ý chí, biểu trưng cho chủ nghĩa cá nhân, khuôn mẫu anh hùng của văn minh châu Âu trong một thoáng đi tong hết! Van Oudijck ra đi rũ bỏ tất cả. Nơi ông ẩn cư là một ngôi làng heo hút sâu trong nội địa Java. Tại đó, ông tìm được hạnh phúc với một người đàn bà bản xứ. Sau thất bại, ông đã ngộ ra và chấp nhận đất nước này như nó vẫn hiện hữu tự bao giờ. Ông sống hòa mình như người bản địa (go native): phương Tây chào thua phương Đông, người đàn ông da trắng thống trị xin nhận đất nước của những kẻ da nâu bị trị làm quê hương cho chuỗi ngày còn lại.


*



Một góc diện khác trong cuốn Sức mạnh bí ẩn đang được giới nghiên cứu gần đây quan tâm là sự giao thoa giữa những trải nghiệm giới, tính dục và giai tầng xã hội xét từ lăng kính chủng tộc. Với cách tiếp cận đầy tính đột phá mang đậm sắc thái thuyết vị nữ (feminism), Giáo sư Pamela Pattynama thuộc Đại học Amsterdam phân tích mối quan hệ giữa người da trắng, người bản địa và người lai (gọi chung là Indo) qua các trải nghiệm thuộc địa Đông Ấn được tái hiện dưới ngòi bút Couperus.

Trong bối cảnh thuộc địa đương thời, thành công của nhà cầm quyền địa phương không chỉ tuỳ thuộc vào khả năng chuyên nghiệp mà còn ở uy tín cá nhân. Viên Trú sứ Van Oudijck ngoài bổn phận làm cha trong gia đình còn là bậc phụ mẫu chi dân nơi ông quản hạt. Van Oudijck được xem như người có tâm huyết, cai trị giỏi và hoạn lộ hanh thông. Một mặt, ông hành xử khoan hòa như cha mẹ tới con dân nhưng mặt khác ông đòi hỏi họ phải tuân lệnh, trung thành với chính quyền. Đây từng được cho là chính sách “đạo lý” thời thượng hồi cuối thế kỷ 19: nhà nước Hà Lan tỏ ra nới tay trong việc cai quản, mở mang y tế, giáo dục (giới hạn ở giới thượng lưu) cũng như nâng cao mức sống dân chúng. Cần phải nhắc lại rằng vào giữa thế kỷ 19, nhà nước thuộc địa ban hành chính sách canh tác (Kultuurstetsel) ở Đông Ấn, theo đó xứ thuộc địa phải cung ứng một số sản phẩm nhất định hàng năm cho mẫu quốc. Chính sách này đã đẩy người nông dân vào cảnh điêu đứng, khốn cùng, dẫn đến nhiều cuộc nổi loạn.

Trong phạm vi gia đình, ngay từ những trang đầu độc giả có thể cảm nhận đâu đó cái mầm mống bất trắc. “Trong một thoáng xao lòng ông (Van Oudijck) nghĩ về ngôi nhà to rộng, ông nghĩ đến vợ con, giá như mối liên hệ gia đình mà ông là chồng, là cha khăng khít hơn nữa…”.

Quan hệ với thuộc viên, đứng đầu là Phụ chính Soenario, người Java “thuần tuý” có gì không ổn từ đầu. Dưới con mắt Van Oudijck, Soenario là kẻ cuồng tín, tha hoá như đề cập ở trên. Ông mến mộ vị Phụ chính già, bố Soenario ngày trước, có lẽ bởi ông cụ phù hợp với hình ảnh “anh mọi quý tộc” (noble savage) dưới con mắt người Âu, hiền lành, dễ bảo, trung thành với nhà nước mà vẫn gìn giữ truyền thống Java. Nhưng ông con Soenario thì khác. Van Oudijck phán đoán rằng anh chàng trông như “con rối bí ẩn cứng nhắc” kia luôn tỏ vẻ lạnh nhạt với mình bởi anh ta xem ông chỉ là một tên thường dân Hà Lan may ra có chức vụ cao hơn vậy thôi. Thâm tâm Soenario là kẻ nổi loạn, mà nói theo thuật ngữ hiện đại là anh ta không chịu để cho Van Oudijck có thể “đóng khung kẻ khác” (framing the other) theo cách nhìn của người Âu. Xin lưu ý một điều rằng cuối thế kỷ 19, con cái một số giới chức thượng lưu Java được hấp thụ nền giáo dục phương Tây, do đó cái ý niệm về chủ nghĩa dân tộc bắt đầu manh nha trong tầng lớp trí thức bản địa. Hơn nữa, sau ba trăm năm thống trị xứ Đông Ấn, nhà nước Hà Lan bắt đầu quan ngại nạn tạp chủng lan rộng ngoài tầm kiểm soát nên đã áp dụng chính sách phân biệt chủng tộc nghiêm ngặt. Điều này càng đào khoét thêm hố sâu ngăn cách trong quan hệ giữa các phe nhóm đối lập nhau về chính trị và chủng tộc ở Java, cũng như giữa các thành viên trong cộng đồng thuộc địa, thậm chí ngay tại tư gia họ, để làm sao phân biệt được cái phần “công” thuộc về công vụ và cái phần “tư” thuộc về gia đình.

Là một viên chức cao cấp, Van Oudijck có trách nhiệm gìn giữ tính thuần chủng của tộc da trắng nhưng dưới mái nhà mà ông là người cha, người chồng lại chẳng có chút gì thuần khiết. Hai đứa con vợ trước (người lai) hiện ở với ông. Cậu Théo trông già trước tuổi, tính lười biếng, lông bông. Cô Doddy “miệng nhỏ, môi dày… người tầm thước, thân hình quá nẩy nở so với tuổi…như đóa hồng không đợi nổi đã nở trước kỳ.” Đây chính là lối khắc họa rập khuôn hình ảnh người lai trong tâm thức đại chúng người Âu: nam biếng nhác, nữ dâm loạn. Van Oudijck không chịu đề bạt con trai lý do là anh chàng chẳng ra gì, với ông làm thế là trái công tâm; rồi con trai lại thông gian với Léonie, vợ ông, thực quá vi phạm giáo lý đạo Ki Tô. Cô con gái mơn mởn thì đi mê anh chàng người lai Addy, kẻ suốt ngày chạy theo gái. Vợ ông hiện thân cho dạng “đàn bà yêu mị” (femme fatale) dính đến là rước hoạ vào thân, thường được đề cao trong văn chương “thoái trào” những kẻ đổi người tình như thay áo. Người đàn bà da trắng tóc vàng gốc Âu nhưng lớn lên ở Đông Ấn - thường gọi là người creole - chẳng thiết gì trên đời ngoài khoái cảm nhục dục, gặp anh chàng Addy kém cả chục tuổi, có “cơ thể tráng kiện, đẹp như pho tượng đồng” là bà chớp ngay. Mặc dù mối quan hệ tay ba giữa Léonie, Théo và Addy chỉ giới hạn ở khía cạnh tình dục, thế nhưng bà Trú sứ lại phạm đến những luật định phân biệt chủng tộc mà chồng bà, trên cương vị đại diện nhà nước có phận sự bảo vệ. Điều đáng chú ý là xuyên suốt truyện không có lấy một chi tiết hay đoạn nào miêu tả cảnh chăn gối yêu đương của vợ chồng Van Oudijck. Phải chăng khả năng tình dục dữ dội của bà vợ da trắng khiến ông chồng, kẻ bị cắm sừng nhiều lần, đâm ra sợ hãi, thấy mình như “bị hoạn”?

Ian Buruma đưa ra nhận xét khá thú vị: “người ta thường quên mất rằng chủ nghĩa thuộc địa là một công trình vừa mang tính dục (sexual), vừa gợi tình (sexy)… đời sống thuộc địa ngập ngụa trong sex… Đàn ông người Âu tự cho mình như ông vua chốn thôn dã, chỉ cần bỏ vài xu là có thể hưởng lạc với con gái bản xứ…” Dưới mắt người Âu, đàn bà con gái bản xứ hay lai Âu Á đi nữa cũng đều đa dâm! Trước khi lập gia đình, Van Oudijck từng ăn nằm với người giúp việc, có đứa con rơi sau này cũng chính là kẻ viết thư nặc danh tống tiền ông bố hờ. Phụ nữ bản địa chung sống với đàn ông Hà Lan không có chút quyền lợi nào cả. Con cái đẻ ra được thừa nhận hay không là tùy thuộc ông chủ người Âu; lắm khi ông tống cả mẹ lẫn con về quê mà chẳng tốn một xu cấp dưỡng.

Một cái sợ khác của đám người Âu sống xa xứ là cách sống buông thả theo nết thói người bản địa, mà thế thì còn gì cái “bản săc văn hóa” của mình nữa. Vậy nên ta đừng ngạc nhiên khi thấy Eva, vợ viên tham tá Eldersman, thường tổ chức ca nhạc, diễn kịch cho cộng đồng nhỏ bé người Âu; xứ nóng thế mà mỗi khi tiệc tùng chị ta bắt khách phải đóng bộ, áo đuôi tôm, cổ cồn cao, thắt nơ, làm ai nấy mồ hôi vã như tắm! Thời nay với cảnh “du lịch Tây ba lô,” hình ảnh một tay thực dân người Anh hay Hà Lan đóng bộ com-lê ăn cơm tối giữa rừng già nhiệt đới hẳn khiến ta ôm bụng cười ngất!


*


Trong đám phụ nữ Hà Lan, Eva là người dễ đồng cảm nhất. Chị là mẫu phụ nữ phương Tây có văn hóa, nay mắc vào nhịp sống thuộc địa buồn tẻ; tiếng nói mỹ quan khuyên chị hãy cố yêu xứ sở đẹp đẽ, thiên nhiên hùng vĩ này nhưng chị đành bỏ cuộc bởi không tài nào thấu hiểu phong tục tập quán địa phương và không chịu nổi khí hậu nghiệt ngã nơi đây. Nhưng bản tính mẫn cảm giúp chị nhận ra cái vẻ bi hài của đời sống thuộc địa như chị từng chia sẻ với Van Helderen, viên thanh tra vẫn rất mến mộ chị: “Bọn mình đúng là lũ ngu… Tại sao phải mang theo mấy thứ lỉnh kỉnh từ cái nền văn minh đắt giá của chúng ta đến đây làm gì nếu biết là chẳng giữ được lâu? Sao không ở trong cái lều tre mát mẻ kia, ngủ chiếu, mặc xà rông, khoác cái kabaja, cài hoa trên tóc? Cả bộ máy cai trị mệt nhừ trong cái nóng này…”. Chất nghệ sĩ trong con người Eva đã đoán nhận phần nào cái hiểm hoạ trực chờ, “có gì xảy ra từ đất, sức mạnh thiên nhiên, cái bí ẩn tâm linh của dân da màu hoàn toàn xa lạ…”

Trả lời Eva, Van Helderen đưa ra nhận xét thực tế của kẻ trong cuộc với cái nhìn thấu suốt của bậc tiên tri: “… Chị là nghệ sĩ, chị cảm thấy lờ mờ cái nguy cơ ấy, như đám mây giữa trời đêm Đông Ấn… Hà Lan cai trị với mục tiêu duy nhất là trục lợi… đất nước này bị hút mòn dần… chỉ còn một xứ Đông Ấn dưới ách thống trị của những kẻ bóc lột nhỏ nhen, độc ác… cái nguy cơ nhắm vào Hà Lan đang lộ dần, và nếu không đến từ Mỹ hay Nhật thì phát xuất từ chính mảnh đất này.

Thực tế lịch sử đã minh chứng cho lời tiên đoán đó. Bốn mươi năm kể từ khi Sức mạnh bí ẩn ra đời (1900), phát xít Nhật chiếm đóng quần đảo Đông Ấn trong suốt thế chiến thứ hai. Chiến tranh thế giới chấm dứt. Nước Cộng hoà Indonesia tuyên bố độc lập năm 1945. Và phải mất thêm bốn năm chinh chiến đẫm máu, đến 1949, Hà Lan mới chịu công nhận nền độc lập của Indonesia, chấm dứt ách thống trị kéo dài ngót ba thế kỷ... Một cường quốc biển Bắc rốt cuộc cũng “vẫn tỏ ra yếu hơn Cái Ấy” - cái sức mạnh bí ẩn của dải đất phương Đông.

Hơn một trăm năm sau, kiệt tác của Couperus vẫn được tái bản đều đặn tại Hà Lan. Giá trị trường kỳ trong Sức mạnh bí ẩn là cái nhìn thấu suốt về tấn bi kịch của chủ nghĩa thuộc địa châu Âu mấy thế kỷ qua. Các vấn đề chủng tộc, tạp chủng, kỳ thị… được tiếp cận dưới con mắt cảm thông của một kẻ “đứng bên lề” như Couperus. Điều này làm cho tiếng nói của ông mang nhiều tính hiện đại, đặc biệt với bối cảnh xã hội đa văn hóa đang ngày càng mở rộng khắp toàn cầu.

Amsterdam, Thu chí 2005


Tài liệu tham khảo

  • Trang web: www.couperus.nl

  • E.M. Beekman, 1990. Introduction to “The Hidden Force.” Massachussets: Amherst.

  • Ian Buruma, 1994. “Louis Couperus, the Eurasians of the East Indies”, trong cuốn Missionary and the Libertine. London: Faber.

  • Pamela Pattynama, “Secrets and Dangers: Interracial Sexuality in Louis Couperus’ ‘The Hidden Force’ and Dutch Colonial Culture around 1900”, trong cuốn Domesticating the Empire, Race, Gender and Family Life in French and Dutch Colonialism, do Julia Clancy Smith và Frances Gouda chủ biên. Charlottesville & London: University Press of Virginia.

  • Marion Valent, 1984. Over De Stille Kracht van Couprus. Tạp chí Literatuur No.1. Amsterdam.




[1]Rudyard Kipling (1865-1936): nhà văn Anh, từng đoạt giải Nobel văn chương 1907. Nguyên văn: East is East and West is West, and never the twain shall meet
[2]Multatuli (1820-1887), nhà văn Hà Lan, với tác phẩm nổi tiếng chống chủ nghĩa thuộc địa Max Havelaar đã được Cao Xuân Tứ dich sang Việt ngữ, do Nhà xuất bản Văn Học và Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Quốc tế ấn hành năm 2004.
[3]Edward Said, 1978. Orientalism (Chủ nghĩa phương Đông)
Nguồn: Bài viết này là lời tá»±a cho bản dịch tác phẩm Sức mạnh bí ẩn của Louis Couperus, Nhà xuất bản Văn Học, 2006