trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 257 bài
  1 - 20 / 257 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học nước ngoài
14.4.2007
Nguyễn Đăng Thường
Có nên đập phá một tượng thần?
 
Nhân dịp sinh nhựt lần thứ 80 của Gabriel García Márquez, cựu tổng thống Bill Clinton đã ca tụng nhà văn Mỹ Latinh này như sau: "Tôi tin rằng ông ấy là nhà văn viết truyện hư cấu quan trọng nhứt của bất cứ ngôn ngữ nào kể từ sau William Faulkner". Ông có cho biết thêm, thời sinh viên ông đọc một mạch Trăm năm cô đơn, không để cuốn truyện rời khỏi tay dù trong giờ học. Vậy xin hỏi hôm đó ông tới lớp làm gì? Hay là ông đọc nhưng không xem, như ông hút cần sa không nuốt khói, vân vân. Tuy nhiên, dẫu sao thì những lời tâm tình chân thật đó đã chứng tỏ với thế giới rằng cựu tổng thống Mỹ không chỉ mê gái, mê golf, mê chính trị chính em và hiền thê Hillary mà thôi. Tất nhiên người viết bài này rất khâm phục các vị yêu văn chương (García Márquez) và biết tôn trọng sự thật.

Nhà văn Gabriel García Márquez đã và đang được độc giả thế giới mến mộ. Trong số độc giả to tát ấy (cứ giả sử như vậy) tất nhiên cũng có ta. Nhứt là miền Bắc. Độc giả ta sùng bái García Márquez (miền Nam đã có Trăm năm cô quạnh từ đầu thập niên 70), trước tiên, vì cuốn truyện nổi tiếng nhứt của ông đã vang danh thế giới, một phần (nếu không muốn nói là phần lớn), có thể do cái tựa cải lương, bắt mắt. ở Hà Nội, García Márquez còn được thêm hào quang của một tác giả thiên về cánh tả và bạn thân lâu năm của Fidel Castro, cộng thêm cảm tình dành riêng cho một quý khách đã bỏ ít thì giờ hiếm quý làm một chuyến viễn du vời vợi tới kính cẩn nghiêng mình trước lăng Bác Hồ. Sau cùng, vì García Márquez đoạt giải Nobel văn chương, mà độc giả ta thì luôn luôn nể kính các nhà văn Nobel. Viện sĩ hàn lâm không thể sai lầm khi lựa chọn hộ ta: cái gì họ thấy hay thì ta có bổn phận đọc và cảm thấy tuyệt vời... gấp bội!

Riêng tôi, tôi chẳng rõ do đâu mà nhà văn García Márquez lại chống Mỹ tơi bời như vậy, ngoài đời cũng như trong tác phẩm. Nếu gạt qua một bên các vấn đề liên hệ để chỉ chú trọng đến sáng tạo văn học nghệ thuật thuần túy, thì, không có Faulkner tất nhiên sẽ không có García Márquez. Không có Absalom, Absalom!, chẳng có Trăm năm cô đơn. Không có Yoknapatawpha chẳng có Macondo. Không có ông đại tá Sutpen chẳng có "ngài" đại tá Auréliano Bueldia. Tới một vùng đất mới khẩn hoang lập nghiệp, hoài bão khai sinh một họ tộc sẽ vang danh; sự loạn luân đưa đến sự tuyệt diệt của dòng họ đó qua vài thế hệ, bởi giọt máu cuối cùng là một đứa cháu bẩm sinh ngu đần; sáng chế và sử dụng kỹ thuật lắp ráp phần mảnh, kể chuyện từ nhiều góc cạnh và tầm nhìn khác nhau qua nhiều tiếng nói như một tấu khúc thiếu hòa âm; hài hước châm biếm định mệnh ác độc trớ trêu, từ cửa miệng người nghe cũng như người kể; thảy đều có trong / đã đến từ Absalom, Absalom! và vài tác phẩm khác của Faulkner.

Hơn nữa, "trăm năm cô đơn" có thấm thía gì đối với sự "lẻ loi muôn đời" của con người, ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Cô đơn và hoảng sợ trong cảnh hoang sơ, con người đã dần dà chế tạo Thánh thần và Thượng đế, hầu giải thích những hiện tượng mà nó không thể hiểu, để có những quyền lực cao siêu vô hình giúp đỡ và che chở nó chống chọi thiên nhiên, muông thú. Nhưng, mặt khác, con người đã bị Thượng đế (nếu ta tin có Thượng đế) lưu đày xuống dương gian sống trong khắc khoải cô đơn đau khổ tột cùng nhiều hơn hạnh phúc, không biết với mục đích gì (phi lý), và nhân loại phải chờ đợi mãi mãi một vị cứu tinh không bao giờ tới, mặc dù đã có sự giáng thế của Đức Phật Thích Ca và của Chúa Giê-su. Beckett đã diễn tả / biểu hiện tấn bi kịch về sự cô đơn và nỗi thống khổ ngàn đời của con người trong một vở kịch hai hồi, giản dị tới trơ trụi, hài hước đến cười ra nước mắt, trong đó một chiếc giày cũ mòn đế, lê lết mãi và trĩu nặng như phiến đá định mệnh cột dính vào chân khó rứt ra, đã mang vẻ đẹp biểu trưng siêu hình cao độ, bất ngờ. Nó khiến người xem nghĩ tới đôi guốc mộc lấm bùn đất của nông dân Hà Lan, và chiếc giày da há miệng cô đơn, như cuộc đời nghệ sĩ, đặt trên ghế, trong tranh Van Gogh.

Trên phương diện đạo đức, ta có nên chỉ trích một nhà văn lạm dụng tiếng tăm để phục vụ một lý tưởng cách mạng cao quý đã lệch đường, hoặc đã chuyển hướng khi có quyền hành trong tay? Có nên diễn dịch (hay không cần thiết vì đã lộ liễu) sự lựa chọn thời gian (sinh nhựt của mình) tới đảo những người khốn khổ hôn má Castro như một hành động khiêu khích hầu gây chú ý và tiếng vang cho chế độ trong những ngày tàn của con khủng long, mà cái chết sẽ khiến toàn dân Cuba trong và ngoài nước, túa ra đường, hoặc để vỗ tay reo hò chiến thắng, hoặc để đấm ngực bứt tóc khóc la như khi Mao chết (mà chỉ cần vài năm sẽ tự cởi trói vui vẻ bước lên xa lộ tư bản đế quốc, như Trung Quốc, như Việt Nam?) Nhảy bài tango cuối cùng với El Lider trước khi chìm xuồng xã hội chủ nghĩa?

García Márquez đã nhiều lần yến tiệc tưng bừng thâu đêm với "lãnh tụ vĩ đại" và các vị khách quý của ngài, đã kiên nhẫn lắng nghe các diễn từ tự tôn, chống Mỹ dài bốn, năm tiếng đồng hồ của Phi Đen, trong khi các đồng nghiệp Cuba giãy chết. Xin kể một thí dụ: Reinaldo Arenas. Ông này là một nhà văn Cuba kiêm nhà thơ đồng tính, tài hoa, nhưng đã bị chế độ Castro giam cầm rất dã man, trước khi ông tìm đường tẩu thoát bằng cách "thí mạng gay", cùng với khoảng 10.000 người Cuba "thí mạng cùi" chen lấn xô đẩy nhau chạy vô tòa đại sứ Mỹ xin tị nạn chính trị năm 1980, khi Castro hé rào ốc đảo vài giờ (định chơi khôn mà hóa dại). Độc giả có thể đọc bài "Cuba & các nhà văn đồng tính luyến ái" của Reinaldo Arenas do tôi chuyển ngữ, trên website Tiền Vệ. Đăng Mấy cô điếm buồn trên talawas chủ nhật tất nhiên là một việc làm hữu ích đáng được ca ngợi, chí ít là vì độc giả cần được trực diện tác phẩm.

Tôi đã đọc hết chương một của Trăm năm cô đơn (qua bản tiếng Pháp) rồi không muốn tiếp tục vì nghĩ, nếu mọi việc có thể xảy ra ngon lành như vậy nhờ ngòi bút thần kỳ thì bận tâm làm chi; có có, không không, cũng vậy thôi mà). Nếu tư bản Mỹ bóc lột công nhân đồn điền chuối ở Macondo đến mức khốn cùng, thì thay vì mưa hoa vàng và lũ nước bùn, sao hiện thực thần kỳ không cho họ một trận mưa gà quay và một cơn lụt rượu nho để nhậu lai rai chơi? Thử hỏi, cái đẹp để làm gì, và để cho ai, nếu không để cho con người? Nếu, theo lời một nhà phê bình nọ, hình tượng người đẹp thăng thiên là để làm ẩn dụ cho cái đẹp không thể tồn tại ở chốn dương gian nhơ nhớp, thì đẹp để làm gì? Vĩnh biệt cuốn tiểu thuyết trường giang, tôi đọc thêm một truyện ngắn không nhớ tên (về một cái lồng chim), trong đó kẻ giàu thì tim đá, người nghèo thì tim đập vân vân, thú vị rất lớn, và có xem Tường trình về một cái chết được báo trước.

Thực ra tôi thức khuya để xem phim (miễn phí trên ti vi) vừa kể tên, vì tò mò muốn biết mặt con trai Alain Delon. Không nhớ chuyện phim, không nhớ khuôn mặt Anthony. Chỉ nhớ phim khá dài, tôi buồn ngủ ngáp lên ngáp xuống, trong phim có một cha cố áo thâm cuối cùng đã vội vã bước lên tàu làm vài cử chỉ ban phúc lành để được nhanh gót rời hòn đảo nhỏ, nơi đã xảy ra cái án mạng được thông báo trước, nhớ Anthony Delon dù khá đẹp trai nhưng vẫn thua bố. Đúng ra, thực chất của vấn đề không phải là văn chương García Márquez (ai thích thì đọc), mà sự tâng bốc và đúc tượng. Giải pháp tốt nhứt cho tôi là tôi nên đọc lại García Márquez một lần nữa, rồi một lần nữa, và sẽ thích tơi bời (không hoa lá) với lần thứ tư, như Faulkner khuyên các độc giả (sẽ không nghe lời) đã than phiền họ không hiểu truyện ông.

Có nên diễn dịch tượng thần García Márquez và hiện thực thần kỳ như một ý đồ kỳ thị, gây chia rẽ Nam Mỹ-Bắc Mỹ, tạo tác một nền văn học tiếng Tây Ban Nha đối chọi nền văn học tiếng Anh (của Mỹ), cung ứng một thể loại văn chương mới cho các quốc gia thuộc "Thế giới thứ Ba", chống cảm nghĩ (đại tự sự) suy đồi tiểu tư sản (nhưng đại tỷ phú), như từng xảy ra với hiện thực xã hội chủ nghĩa? Castro và García Márquez, hai chiến sĩ tiên phong kiêm lãnh tụ vĩ đại Mỹ Latinh của xã hội cách mạng và văn học cách mạng? Tượng Thần, tượng Phật, tượng Chúa, tượng Người, đều do con người nhào nặn. Chúng có thiêng hay không cũng do con người. Nhiều pho tượng đã bị đập phá, hay bị quên lãng, nhiều pho tượng khác đang được nặn đúc.

Do vậy, miếu đền chỉ tấp nập khi còn nhang khói. Trong cao trào hiện thực xã hội chủ nghĩa, Truyện Kiều và các tác phẩm cổ điển (phong kiến), thơ văn lãng mạn (tiểu tư sản) từng bị truất phế, được "sáng suốt" phủ nhận bởi chính các tác giả của chúng, khi họ chọn theo con đường cách mạng vô sản. Tượng thần Nguyễn Trãi của thời "chống Mỹ cứu nước" đã dời đi đâu rồi? Hiện thực xã hội chủ nghĩa nay đã là hoang địa, ngổn ngang những mảnh tượng vỡ: Gorki, Ehrenburg, Mayakowski, Ostrovski, Simonov, Fadeev... Các tác phẩm kinh điển, những Người mẹ (Gorki), những Cô lính trẻ (Fadeev), những Bão táp (Ehrenburg), những Thép đã tôi thế đấy (Ostrovski), của một, hai thế hệ thanh niên nam nữ Hà Nội nay đã được thay thế bằng những Harry Potter, những Mật mã Da Vinci, những Mối thù tơ lụa, những Mùa thu lá bay, những Bảo bối Thượng Hải

Mặt khác, Nguyễn Du đã có một pho tượng ở Hà Tĩnh, một trường dạy văn ở Hà Nội, tên đường phố công trường ở nhiều nơi khác. Vậy mà hình như vẫn chưa đủ. Có cần chép trọn tác phẩm Kiều vào một dải lụa mấy trăm thước, trong lúc trẻ con bụi đời ở cái thành phố được "giải phóng" và mang tên "đẹp nhứt" vẫn còn dốt nát? Khi cả nước đang là cái chợ trời sex có thể chóng trở thành môi sinh lý tưởng cho trùng si-đa? Khi có những "show trial" (xử án làm gương và thị uy) tệ lậu hơn dưới thời Stalin? Nếu có người thực tình nghĩ chép thơ như vậy là trân trọng thiên tài Nguyễn Du, là về nguồn sữa lục bát, là yêu mến văn chương nước Việt, là thấu hiểu thông điệp Kiều, thì cũng nên hoan hô hip hip hooray ba lần. Dư nước mắt như Thúy Kiều khóc người đời xưa bên Tàu (chưa chắc đã có thật), thì cũng thế gian thường tình thôi.

Đẹp đẽ gì có phải thế không ạ, những cảnh đời (thật) dở khóc dở cười ở ta và ở ngay trước mặt, mà các cuộc thi hoa hậu nhốn nháo, các buổi trình diễn thời trang lộng lẫy, các lễ hội tấp nập tưng bừng, chỉ thể hiện phơi bày được một phần mỏng như lớp kem trên mặt bánh không đáng kể? Bước kế tiếp của nhà nghệ sĩ dân gian viết hoa tự Kiều vào lụa chắc là sẽ hoạ khắc một tác phẩm vĩ đại khác vào tường cẩm thạch, trên vách Trường Sơn, hay chiếu lên không trung cho toàn thể nhân loại chiêm ngưỡng? Chờ xem! Thao thao bất tuyệt về "rừng phong thu đã nhuốm màu quan san", một cảnh trí chỉ dê rô phần trăm ta, chẳng hóa ra trong quán trọ Kiều, lữ khách đã để lại quá nhiều hành trang ư? ảnh hưởng Kiều? Một câu lục bát có âm hưởng (dư hương) Kiều chỉ là một cái rắm có chút mùi sầu riêng?


Thời sự:

Trăm năm trong cõi lưu manh
Chữ tiền chữ mạnh đúng là khoái nhau
Trải qua một cuộc choảng dao
Những điều trông thấy mà chau đôi mày
Lạ gì cái đảng thịt cầy
Hun tây hít mĩ bi giờ thở ta
Dồi chó ba khúc bày ra
Kính dâng tổng thống gọi là tri ân
Cảo thơm vội giở dần dần
Phong tình lậu mũ ghẻ tầu si-đa
Rằng năm con Khỉ triều Gà
Ba miền lẳng lặng nhà nhà nín thinh
Có thằng bán mít tên Minh
Đông ăn gầu nạm sớm sinh con ruồi
Đặt tên là Hồ Trí... Cuội!

Trữ tình:

Ngảnh trông biển rộng trời cao
Rừng dừa hạ đã nhuốm màu thời gian
Màu thời gian tê tê
Màu thời gian tái tái
Hương thời gian mắm rồng
Hương thời gian tanh tanh...


Để rộng đường dư luận, sau đây là bản dịch một bài nhận định tuy ngắn nhưng hàm súc, của Jonathan Bate về nhà văn Gabriel García Márquez trong mục "Millenium Reputations" (tạm dịch: "Những tiếng tăm của thiên niên kỷ") để trả lời câu hỏi: "Tác giả, hay cuốn sách nào, của 1000 năm vừa qua, đã được đánh giá quá cao?", đăng trên tờ Sunday Telegraph ra ngày 19 tháng 9 năm 1999. Tựa đề do tôi đặt. Tác giả Jonathan Bate, sinh năm 1958, là một chuyên gia về Shakespeare. Từ năm 1991 đến năm 2003 ông giảng dạy văn chương Anh tại Đại học Liverpool (Anh). Ông đang giảng dạy Shakespeare và văn chương trung đại tại Đại học Warwich (Anh), và cũng kiêm thêm chức vụ Governor (ủy viên hội đồng quản trị) của kịch đoàn Royal Shakespeare Company (Luân Đôn).


*


Jonathan Bate
Trăm năm nắn nót

Jonathan Bate
Tờ New York Times đã mô tả cuốn truyện Trăm năm cô đơn (1967) của Gabriel García Márquez như "tác phẩm văn chương đầu tiên kể từ sau Sáng thế ký mà toàn thể nhân loại cần phải đọc qua". Đây là trò tán tụng lố bịch nhứt mà tôi đã gặp. Cần phải đọc à? Cuốn truyện tự ve vuốt sự khéo léo của nó đến mức không đọc nổi.

Đại khái, nó vẫn được đánh giá như tác phẩm đã khai trương thể loại "hiện thực thần kỳ" pha trộn lối tự sự thực tế hiển nhiên của tiểu thuyết tả chân truyền thống với những cái vô lý dị kỳ như thăng thiên và "thuật giả kim" (alchemy).

García Márquez đã ở tư thế điển hình nhứt của ông khi một phụ nữ đương phơi đồ bỗng dưng bay bổng lên không trung.

Các hợp chất khác của hiện thực thần kỳ là những người bô-hê-miên, những gái điếm có quả tim vàng, những người lùn, những kẻ bịp bợm, và vô số nhân vật lẫn lộn nhau rất khó phân biệt đến mức bạn cần có một bảng gia hệ nếu muốn theo dõi cốt chuyện. García Márquez và các đệ tử của ông là bọn trí thức đô thành giả vờ khâm phục cái khôn ngoan giản dị của giai cấp nông dân. Các huyền thoại, chuyện thần tiên, chuyện dân gian là những thức tự chúng đã tuyệt diệu rồi. Thế nhưng, sẽ là một điều ngớ ngẩn vô cùng nếu ta nghĩ rằng pha trộn chúng với những mẩu chuyện vặt vãnh trong gia đình sẽ làm tiêu tan lòng tự mãn của giới trung lưu ở thời đại chúng ta.

Cứ hy vọng rằng Trăm năm cô đơn sẽ không đẻ ra trăm năm tiểu thuyết nắn nót, lê thê, được đánh giá quá cao. Quá đủ rồi, vì nó đã gợi hứng cho những cuốn truyện đầy những lõm lồi thái quá như Nights at the Circus của Angela Carter, và Midnight's Children của Salman Rushdie.

© 2007 talawas