trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Nghệ thuật
Mĩ thuật
  1 - 20 / 243 bài
  1 - 20 / 243 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtMĩ thuật
20.4.2007
Thuỳ Vân
Festival Mỹ thuật trẻ 2007 - Được chăng hay chớ?
 
1.

Trước khi khai mạc Festival này [1] không đầy một tuần, tôi được một người bạn thân - cũng là một nghệ sĩ tham dự - thông tin cho biết về sự kiện đáng lí ra phải được quảng cáo trước cả năm trời, hoặc chí ít cũng là vài tháng như một depart truyền thông của bất kỳ một sự kiện văn hoá chuyên nghiệp nào. Bạn bảo, mỗi nghệ sĩ tham gia được tài trợ 4 triệu đồng, ai cũng như ai, không phân biệt Bắc-Trung-Nam hay sự tốn phí cho sáng tác. Bạn nộp phác thảo sắp đặt của mình bằng bản vẽ chì đen, như kiểu gọi là cho có, đến Ban tổ chức, và sáng tác thì cho đến sát ngày triển lãm, vẫn chưa được hoàn thiện về mặt ý tưởng.

Với những người khác thì tôi không biết nhưng rõ ràng với bạn tôi, việc tham gia triển lãm này không phải là một chương trình có chuẩn bị lâu dài. Thậm chí, cho đến đêm trước ngày khai mạc, bạn mới viết xong bản ý tưởng (statement) và nhờ dịch tiếng Anh cấp tốc để kịp có trước giờ khai mạc...

“Hội tụ” của Phan Đình Phúc

“Không đề” của Nguyễn Thị Thanh Mai

“Quảng cáo” của Ngô Hồng Lĩnh

“Cái giường” của Vũ Hồng Ninh

“20 và...” của Nguyễn Hồng Hải

“Cột chiến thắng” của Đinh Gia Lê

Thế nhưng chỉ một vài ngày trước, tôi có kịp đọc trên VietNamNet một bài phỏng vấn ông Đào Minh Tri, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Thành phố HCM, xung quanh triển lãm này thì được biết: hồ sơ tác phẩm phải qua ba lần duyệt, chưa kể lần duyệt cuối cùng của một hội đồng của Bộ Văn hoá-Thông tin trong buổi sáng ngày khai mạc triển lãm. Và theo lời ông, Ban tổ chức còn mất công cả năm trời đi gặp gỡ, tuyển chọn nghệ sĩ và trao đổi với nghệ sĩ về sáng tác chuẩn bị cho Festival... Có một cái gì đó mâu thuẫn giữa câu trả lời đó với sự chuẩn bị triển lãm của người bạn thân của tôi...


2.

Hội đồng đang duyệt một tác phẩm trình diễn

Buổi sáng ngày 14-3, một ngày trước khai mạc, tôi may mắn được theo chân hội đồng kiểm duyệt của Bộ Văn hoá-Thông tin đi duyệt các sáng tác. Đi đến địa điểm bày sáng tác nào, đoàn cũng được nghe anh Trần Lương - curator của triển lãm - trình bày một cách thuyết phục về tiểu sử tác giả cũng như ý tưởng tác phẩm. Anh như một người hiểu thấu tất cả những gì đang được bày biện ở trong triển lãm này. Cho đến trước một bản khắc gỗ original, trong đó gợi hình ảnh hai người phụ nữ đang làm tình, [2] ông chủ tịch hội đồng nói à ồ rằng nó là tranh đồng tính, rồi ghi chữ “bỏ” bên cạnh tiêu đề sáng tác trong tập văn bản ông cầm trên tay. Đến sáng tác “Con lợn tiết kiệm”, có chụp hình một cánh tay giơ thẳng nhưng bàn tay nắm chặt và được khía một khe nhỏ để đút tiền, đoàn người lại ồ à nghe thuyết trình rồi đưa ra ý kiến: nên rút tên thành “tiết kiệm” thôi, chứ con lợn này kia để làm gì... Đến lúc gặp một nghệ sĩ trẻ TPHCM, được curator giới thiệu sẽ làm một performance trong buổi khai mạc triển lãm, đoàn có đề nghị nghệ sĩ này trình diễn luôn để đoàn duyệt. Đến đây, thì tôi thấy việc duyệt tác phẩm đã có phần trở nên lố bịch, đơn giản vì nghệ thuật trình diễn là thứ nghệ thuật của phản ứng tức thời, tuỳ thuộc vào ngữ cảnh để nghệ sĩ ứng biến, tuy rằng nó có thể được mang một nội dung nhất định. Vì thế việc duyệt sáng tác theo kiểu đó là thể hiện sự không hiểu biết của hội đồng...

Lạ nhất là trong toàn bộ buổi duyệt sáng tác đó, không có bất cứ một nghệ sĩ nào có mặt để trực tiếp trao đổi cùng hội đồng về tác phẩm của họ, tất cả đều do curator trình bày. Cũng có một vài nghệ sĩ đi theo để xem hội đồng bàn thảo thế nào, nhưng chỉ là để đi theo, thậm chí đến sáng tác của mình, họ cũng chỉ đứng lặng lẽ nghe curator giới thiệu và hội đồng bàn tán.


3.

Sát giờ khai mạc triển lãm, người bạn nghệ sĩ thân thiết của tôi gọi điện thoại, thông báo một tin: người ta cấm không cho gắn bản statement lên bên cạnh sáng tác. Tôi hỏi người ta là ai, bạn bảo thấy cô thư ký của ông Đào Minh Tri đi thu tất cả rồi. Bạn cũng cho biết, có thấy nhiều công an văn hoá đứng loanh quanh đó.

Về sau, trong một cuộc toạ đàm, ông Vụ phó Vụ Mỹ thuật- Nhiếp ảnh, Bộ Văn hoá-Thông tin, giải thích về sự việc đó như sau: Hội đồng thấy có nhiều bản viết “ngược” lại với nội dung sáng tác, và như thế nếu công chúng đọc được thì chỉ bất lợi cho nghệ sĩ mà thôi. Ơ hay, nghệ sĩ đâu phải là những đứa con... ốm yếu của hội đồng mà phải bao bọc họ ghê vậy? Cũng trong buổi toạ đàm đó, nữ nghệ sĩ Nguyễn Kim Hoàng đã không e ngại thuật lại rằng: trong buổi khai mạc, chị đứng trước sáng tác của mình và phát cho người xem từng tờ văn bản statement, vì tuy không được bày một cách công khai nhưng không thấy ai nói cấm đưa tận tay cho khán giả cả. Thực ra, bản statement chỉ là một cách văn bản hoá ý tưởng của nghệ sĩ, cũng có thể trong đó nói được nhiều hơn, rõ ràng hơn và sâu sắc hơn so với chính sáng tác, nhưng lạc đề thì chắc là không. Và một điều chắc chắn rằng những văn bản statement của các sáng tác “nhạy cảm”, cùng với sáng tác, sẽ tác động mạnh hơn đến người xem, thế nên tốt nhất là thu chúng lại, để nghệ thuật bơ vơ ở đó, ai muốn cảm, muốn hiểu gì thì tuỳ...


4.

Một người bạn làm việc tại Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương cho tôi hay, người phụ trách Mỹ thuật của Ban này nói về Festival rằng họ muốn tạo cho giới trẻ một sân chơi, nhưng nhiều nghệ sĩ đã không gửi sáng tác tốt đến. Lại khái niệm “sân chơi”! Đây thật là một câu chuyện đáng bàn vì “sân chơi” chỉ là nơi chốn của những thứ “làm cho vui”. Nhưng sáng tạo mà chỉ là “làm cho vui” thì đó chỉ là một sự sáng tạo giả hiệu. Cứ như là một thói quen vậy, khi từ bao nhiêu năm nay, có một quan niệm phổ biến trong giới sáng tạo văn chương nghệ thuật Việt Nam là coi đó như một thứ “sân chơi”. Tôi thiển nghĩ quan niệm đó chỉ có thể “phù hợp” trong một môi cảnh sống tiểu nông được chăng hay chớ, qua loa và tạm bợ.


5.

Tôi đã đi xem triển lãm ba lần, cả những lúc trời mưa rét để chứng kiến những sáng tác bày ngoài trời trông tang thương thế nào... Lần đầu tiên, nghệ thuật đương đại Việt Nam được “chính thức” hoá bằng triển lãm này, do Hội Mỹ thuật TPHCM tổ chức với sự bảo trợ của Bộ Văn hoá-Thông tin. Thế nhưng triển lãm được diễn ra vỏn vẹn trong ba ngày, 16, 17, 18 tháng Ba, còn lại là một chiều tối khai mạc (ngày 15) và đến chiều 19, triển lãm đã được dọn dẹp dang dở. Cùng với những chuyện kể lặt vặt bên trên, tất cả hình như đang nói với tôi rằng triển lãm chỉ là một trò “ma mị” của những người muốn nhân danh “sự chính thức” của mỹ thuật đương đại Việt Nam - thành công lớn nhất của Festival này - để làm việc khác.

Đơn giản vì mỹ thuật đương đại không chỉ dừng lại ở các đơn vị tác phẩm kiểu như tranh tượng trong bảo tàng, mà nó cần được sống cùng và sống trong hiệu ứng xã hội tức thời. Và vì thế, nó cần được úng xử một cách nhà nghề. Tôi đồ rằng những người tổ chức ra triển lãm này cũng như các nghệ sĩ tham gia thừa hiểu điều đó.

© 2007 talawas



[1]Festival Mỹ thuật Trẻ được diễn ra tại Đại học Mỹ thuật Hà Nội từ ngày 15- 19/3/2007. Triển lãm do Hội Mỹ thuật TPHCM tổ chức với sự bảo trợ của Bộ Văn hoá-Thông tin và tài trợ của Quỹ Đan Mạch hỗ trợ phát triển văn hoá Việt Nam và quỹ Văn hoá Việt Nam-Thuỵ Điển. Triển lãm có sự tham gia của hơn 50 nghệ sĩ mỹ thuật đương đại đến từ ba trung tâm văn hoá là Hà Nội, Huế, TPHCM. Đây là lần đầu tiên các hình thức mỹ thuật đương đại được Nhà nước tổ chức triển lãm. Trước Festival này, các triển lãm mỹ thuật đương đại ở Việt Nam đều do cá nhân nghệ sĩ tự thu xếp hoặc với sự tham gia của các cá nhân, tổ chức, cơ quan nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.
[2]“Những cành mỏi mệt”, khắc gỗ của Lý Trần Quỳnh Giang